Chuyện Người Tuỳ Nữ

CHƯƠNG 2: MUA SẮM



2
Một ghế, một bàn, một đèn. Tít trên trần quét vôi trắng, một vòng hoa đắp nổi, chính giữa là khoảng trống hoác trát thạch cao, như hố rỗng trên mặt nơi con mắt đã bị lấy đi. Đây hẳn từng treo một bộ đèn chùm, lúc trước. Người ta đã bỏ đi tất cả những gì có thể dùng buộc dây vào.
Một cửa sổ, hai rèm trắng. Dưới là bệ cửa đặt cái gối tựa nhỏ. Khi cửa sổ mở hé – chẳng bao giờ mở hơn – gió lùa vào làm tấm rèm lay động. Tôi có thể ngồi trên ghế, hay trên bệ cửa, tay khoanh lại ngắm cảnh này. Nắng cũng vào qua cửa, rớt xuống nền nhà, bằng gỗ, ghép từng tấm hẹp, đánh xi bóng loáng. Tôi ngửi thấy được mùi xi. Sàn trải thảm, hình ô van, bện bằng giẻ. Họ thích lối chấm phá ấy: thủ công dân gian, hơi cổ, do phụ nữ làm, trong lúc rảnh rỗi, bằng những thứ vứt đi. Trở về với giá trị truyền thống. Không phí phạm sẽ không thiếu thốn. Tôi đâu bị lãng phí đi. Sao còn không đủ?
Trên tường phía trên ghế, một tranh, có khung nhưng không kính: vẽ hoa, diên vỹ xanh, màu nước. Hoa vẫn được cho phép. Có phải chúng tôi đều có tranh như nhau, ghế như nhau, rèm trắng như nhau? Hàng quân dụng?
Cứ coi như đang trong quân ngũ đi, dì Lydia bảo.
Có một giường. Giường đơn, đệm cứng vừa, ga trắng nhồi bông tái chế. Giường chẳng để làm gì khác ngoài việc ngủ – hoặc mất ngủ. Tôi cố gắng không nghĩ quá nhiều. Như mọi thứ lúc này, nghĩ cũng phải phân phối. Có rất nhiều thứ không nên mất công nghĩ. Nghĩ ngợi có thể ảnh hưởng tới cơ may, mà tôi thì muốn tồn tại. Tôi biết tại sao không có kính, che bức màu nước hoa diên vỹ, và tại sao cửa sổ lại chỉ mở hờ, lại dùng kính không vỡ. Không phải họ sợ bỏ trốn. Đằng nào cũng chẳng đi được xa. Mà sợ lối thoát kia, lối thoát chúng tôi có thể mở được trong mình, chỉ cần vật có cạnh sắc.
Thế. Ngoài những điểm đó, đây cũng giống như phòng khách ở trường đại học, dành cho thứ khách tầm xoàng nhất; hay một phòng trọ, thời xưa, cho các quý bà trong hoàn cảnh sa sút. Như là chúng tôi bây giờ đây. Hoàn cảnh sa sút cả rồi, ấy là với ai vẫn còn hoàn cảnh.
Nhưng mà ghế, nắng, và hoa: không nên chối. Tôi còn sống, tôi sống, tôi hít thở, tôi duỗi bàn tay, xòe rộng, vươn vào ánh nắng. Nơi tôi ở không phải nhà tù, mà là một đặc ân, dì Lydia bảo vậy, trung thành với công thức hoặc-hoặc của mình.
Chuông báo giờ đang reo. Ở đây giờ báo bằng chuông, như tu viện ngày xưa. Cũng như tu viện, gương chẳng có mấy.
Tôi đứng lên khỏi ghế, bước chân vào nắng, trong đôi giày đỏ, đế bằng, để bảo vệ cột sống chứ không phải để nhảy. Đôi găng đỏ nằm trên giường. Tôi nhặt lên, đi vào tay, từng ngón một. Mọi thứ trừ đôi cánh hai bên mặt tôi đều đỏ: màu của máu, dấu hiệu của bọn tôi. Váy phồng chấm mắt cá, nịt bụng phẳng cao đến ngực, tay dài trùm kín. Cả đôi cánh trắng cũng là hàng đặc dụng: để chúng tôi không thấy được, nhưng cũng không bị thấy. Tôi mặc đồ đỏ không đẹp, không hợp gì tôi. Tôi nhặt giỏ hàng lên, khoác vào cánh tay.
Cánh cửa phòng này – không phải phòng tôi, tôi không nói phòng tôi – không khóa. Nói cho đúng là không đóng được. Tôi ra hành lang đánh bóng, giữa có thảm dài, màu hồng pha xám. Như lối mòn xuyên rừng, như thảm nhung cho nguyên thủ, nó đưa đường tôi đi.
Tấm thảm ngoặt góc đi xuống cầu thang trước và tôi xuống theo, trượt tay theo tay vịn, xưa từng là cây, đốn xuống vào một thế kỷ xưa hơn, đã cọ đến bóng nhoáng. Victorian hậu kỳ, nhà cho cả gia đình, một gia đình lớn, giàu có. Sảnh có cây đồng hồ ông nội, sẻn ra từng tí thời giờ, tiếp là cửa dẫn đến phòng nghỉ chính dáng dấp mẹ hiền, phảng phất màu xác thịt. Một phòng nghỉ chưa bao giờ tôi được ngồi hay nằm nghỉ, chỉ quỳ hoặc đứng. Ở đầu kia sảnh, bên trên cửa chính, một cửa sổ bán nguyệt kính màu: hình hoa, đỏ và xanh.
Vẫn còn một gương, trên tường trong sảnh. Nếu quay cổ sao cho hai cái cánh giới hạn xoay trường nhìn thẳng vào đó, sẽ thấy được nó khi xuống thang, tròn, lồi, dài bằng người, như mắt con cá, thấy tôi trong đó một cái bóng méo mó, không biết để nhái giễu gì – một nhân vật cổ tích choàng khăn đỏ, đang xuống dần đến một giây phút bất cẩn cũng ngang với hiểm nguy. Một Xơ, nhúng trong máu.
Cuối cầu thang có giá treo mũ và ô, bằng gỗ uốn, những thanh dài tròn cuộn nhẹ gá vào các móc trông như lá dương xỉ non đang duỗi. Vài cái ô bỏ đó: đen, của Chủ soái, lam, của Phu nhân Chủ soái, và cái dành cho tôi, màu đỏ. Tôi để cái ô đỏ yên, bởi nhìn qua cửa thấy trời hôm nay nắng. Tôi tự hỏi Phu nhân Chủ soái có trong phòng nghỉ không. Không phải lúc nào bà ta cũng nghỉ. Thỉnh thoảng tôi nghe tiếng bà đi đi lại lại, một bước nặng rồi một bước nhẹ, và tiếng cây can khẽ gõ trên thảm màu hồng đào sắc tro.
Tôi đi dọc sảnh, qua cửa phòng nghỉ và cửa dẫn vào phòng ăn, mở cửa cuối sảnh mà vào bếp. Không còn mùi xi gỗ nữa. Rita ở đây, đứng bên bàn bếp, mặt tráng men trắng mẻ mép. Chị mặc bộ áo thường lệ của Martha, màu lục xỉn, như áo choàng phẫu thuật thời xưa. Kiểu giống áo tôi, dài và kín mít, nhưng thêm tạp dề yếm và không có cánh trắng hay mạng trùm. Chị chỉ trùm mạng khi ra ngoài, nhưng có ai thấy mặt các chị Martha cũng chẳng sao. Tay áo xắn đến khuỷu, lộ cánh tay nâu. Chị đang làm bánh mì, ném từng ổ bánh để nhào sơ lần cuối đợi vào khuôn.
Thấy tôi Rita gật đầu, khó biết chào hay chỉ ra dấu biết tôi có đó, và chùi hai bàn tay đầy bột vào tạp dề để lục ngăn bếp tìm sổ phiếu. Mày cau lại, chị xé ra ba tờ đưa tôi. Khuôn mặt chị nếu cười chắc sẽ hiền hậu. Nhưng cái nhíu mày không nhằm vào cá nhân tôi: là chị khó chịu với cái áo đỏ, và cái ngụ ý của nó. Chị nghĩ tôi có thể lây lan, như bệnh dịch hoặc một thứ điềm gở.
Thi thoảng tôi có nghe lỏm ngoài cánh cửa đóng kín, một việc ngày xưa tôi không đời nào làm. Tôi không nghe lâu, bởi không muốn bị bắt quả tang. Tuy nhiên, có lần tôi nghe Rita nói với Cora, chị sẽ không cho phép mình thấp kém tới mức ấy.
Ai thèm hỏi chị? Cora nói. Mà nữa, chị sẽ làm gì, trong trường hợp ấy?
Tới khu Kiều dân, Rita nói. Họ được quyền chọn.
Với đám Phế nữ, cùng chịu chết đói và Chúa biết những gỉ những gì nữa ư? Cora nói. Thôi xin chị.
Họ đang lột vỏ đậu; sau lần cửa đóng gần kín tôi vẫn nghe thấy tiếng những hạt đậu cứng rơi leng keng vào bát sắt. Tôi nghe tiếng Rita, làu nhàu hoặc thở hắt, phản đối hay đồng tình.
Sao đi nữa, họ làm thế cũng chỉ vì chúng mình, Cora nói, hoặc ít ra họ bảo vậy. Nếu tôi không thắt rồi, biết đâu chẳng đến lượt tôi, ấy là giá sử tôi trẻ lại mười năm. Không tệ đến thế đâu. Ít ra đâu có gì gọi là nặng nhọc.
Thà nó còn hơn tôi, Rita nói, và tôi đẩy cửa. Trên mặt họ hiện cùng cái vẻ của mọi đàn bà mải cuộc ngồi lê nghĩ đối tượng chắc đã nghe thấy: lúng túng, nhưng cũng có vẻ tự vệ, quyền của họ đấy chứ. Hôm đó, Cora tử tế với tôi hơn, Rita cáu kỉnh hơn mọi bận.
Hôm nay, kệ cho Rita mặt kín bưng, môi mím chặt, tôi vẫn muốn ở lại đây, trong bếp này. Cora có thể sẽ vào, từ ngóc ngách nào đó trong nhà, mang theo bình dầu chanh và giẻ, và Rita sẽ pha cà phê – trong nhà các Chủ soái vẫn còn có cà phê ra cà phê, và chúng tôi sẽ ngồi quanh bàn bếp của Rita, cũng chẳng phải của Rita, giống như bàn của tôi chẳng phải của tôi, và cùng nói chuyện, về nhức nhối và đau đớn, bệnh tật, bàn chân, cái lưng, mọi thứ trò tai quái cơ thể ưa nghĩ ra, như đám trẻ ngỗ nghịch. Chúng tôi sẽ gật gật đầu điểm nhịp cho lời những người kia, tỏ dấu rằng vâng, chúng tôi cũng qua hết mọi thứ đó. Chúng tôi sẽ bày cho nhau phương thuốc và đua nhau kể những khốn khổ thể xác; sẽ than phiền khẽ khàng, điệu thứ, u sầu như bồ câu trên máng đầu hồi. Tôi hiểu chị sao mà, chúng tôi bảo vậy. Hoặc có khi, một lối nói kỳ cục đôi lúc vẫn nghe thấy, ở miệng người già: Tôi nghe ra chị đến từ đâu, như thể bản thân giọng nói cũng là một lữ khách, từ nơi xa xôi lặn lội tới. Mà rồi sẽ như thế, mà nay như thế thật.
Trước tôi khinh những cuộc trò chuyện kiểu thế biết bao. Giờ tôi mong mỏi. Ít nhất cũng là trò chuyện. Là một kiểu trao đổi, ấy thế.
Hoặc chúng tôi buôn tin. Các chị Martha biết tất, nhờ những câu chuyện giữa họ với nhau, bản tin phi chính thống truyền nhà này qua nhà khác. Cũng như tôi, họ rình nghe ở cửa, đã hẳn, và nhìn thấu cả dù mắt xéo đi chỗ khác. Tôi đã đôi lúc nghe thấy, bắt chợt từng mẩu các cuộc chuyện riêng của họ. Thai lưu, thật đấy. Hoặc, Đâm cô ả bằng kim đan, ngay đúng bụng. Lòng ghen, còn gì nữa, đã nuốt chửng bà ta rồi. Hoặc, trêu ngươi không chịu được, Đúng là dùng nước cọ toa lét đấy. Công hiệu như thần, dù ai cũng nghĩ ông ta phải nếm nó rồi. Chắc say đáo để rồi; nhưng họ cũng truy ra cô ta ngay thôi.
Hoặc tôi sẽ giúp Rita làm bánh mì, nhúng ngập tay trong cái chất ấm mềm quanh quánh rất giống da thịt. Tôi thèm được đụng chạm đến điên lên, bất cứ thứ gì không phải vải cũng không phải gỗ. Tôi thèm phạm phải hành vi đụng chạm.
Nhưng cho dù tôi mở miệng hỏi, dù tôi có phạm giới đến mức đó, Rita cũng sẽ không chấp thuận. Nỗi sợ của chị quá lớn. Các chị Martha không được phép huynh hảo với chúng tôi.
Huynh hảo, fraternize, có nghĩa là xử sự như anh em với nhau. Chính Luke cho tôi biết thế. Anh còn nói không có từ tương ứng để chỉ xử sự như chị em với nhau. Sororize, nếu có chắc là vậy, anh nói. Gốc từ La tinh. Anh ưa tìm hiểu những thứ tỉ mẩn như thế. Quá trình phái sinh từ ngữ, những cách dùng đặc thù. Tôi thường trêu chọc anh vì cái thói tầm chương ấy.
Tôi cầm mấy tờ phiếu từ bàn tay Rita đang chìa xa ra. Trên phiếu có hình vẽ, giá trị tờ phiếu đổi được: một tá trứng, miếng pho mát, một thứ nâu nâu hiểu là thịt nướng. Tôi bỏ hết vào túi khóa kéo trên ống tay áo, cùng với tờ thông hành.
“Bảo lấy loại tươi, trứng ấy,” chị nói. “Không phải như lần trước đâu. Và nhớ là thịt gà non, bảo thế, không phải gà mái. Cứ bảo lấy cho ai rồi nó sẽ không dám lờn.”
“Nhớ rồi,” tôi nói. Tôi không cười. Đem tình bạn cám dỗ chị ta làm gì chứ?
3
Tôi ra bằng cửa sau, vào vườn, rộng và sạch: bãi cỏ chính giữa, cây liễu, đám đuôi sóc rủ buồn; quanh mép vườn những luống hoa, thủy tiên vàng đang úa, uất kim hương he hé búp, màu lênh láng ra ngoài. Những đóa hoa màu đỏ, sậm hơn về gốc cánh, như vết cắt đang bắt đầu liền miệng.
Vườn đây là lãnh địa của Phu nhân Chủ soái. Từ cửa kính không vỡ của mình nhìn ra tôi thường thấy bà ta trong đó, quỳ trên gối tựa, mạng màu lam sáng vắt qua mũ làm vườn rộng vành, bên người một giỏ lớn đựng kéo xén cây và dây để buộc hoa vào đúng thế. Một Vệ binh phân riêng cho Chủ soái này gánh việc đào bới, Phu nhân Chủ soái chỉ đạo, cầm cây can dài chỉ trỏ. Rất nhiều Phu nhân có những mảnh vườn thế này, có cái mà xếp đặt, chăm nom, coi sóc.
Tôi từng có một mảnh vườn. Tôi còn nhớ mùi đất xới lên, những củ hoa bụ bẫm trong hai bàn tay khum, cảm giác nằng nặng, hạt giống loạt xoạt đổ qua kẽ tay. Thời gian trôi như thế nhanh hơn. Đôi lúc Phu nhân Chủ soái cho mang ghế ra, và cứ ngồi thế, trong vườn của mình. Nhìn từ xa trông như là bình an.
Giờ bà không ở đây, và tôi bắt đầu nghĩ xem bà ta ở đâu: tôi không khoái thình lình đụng phải bà. Có thể đang khâu, trong phòng nghỉ, chân trái gác trên ghế đẩu, do chứng thấp khớp mãn tính. Hoặc đang đan khăn, cho các Thiên sứ trên tiền tuyến. Tôi khó mà tin các Thiên sứ lại cần mấy cái khăn đó; mà dù sao, khăn của Phu nhân Chủ soái làm cũng quá cầu kỳ. Bà không màng mẫu chữ thập và sao như hầu hết các Phu nhân khác, làm thế không xứng tài. Dọc hai đuôi khăn bà đan sắp hai hàng cây vả, hay chim đại bàng, hay những hình nhân cứng đờ tí xíu, con trai con gái, con gái con trai. Không phải khăn của người lớn mà của lũ nhóc con.
Đôi lúc tôi nghĩ khăn ấy chẳng phải gửi cho Thiên sứ, mà sẽ tháo tung ra rồi trả lại về những cuộn len, chờ đến lượt đan lại từ đầu. Có thể chỉ để các Phu nhân có cái mà bận rộn, có một mục đích cho ngày tháng. Nhưng tôi ganh tị với trò đan lát của Phu nhân Chủ soái. Có những mục tiêu nho nhỏ dễ dàng đạt được, tốt biết mấy.
Bà ta ganh tị tôi gì đây?
Bà ta không nói chuyện với tôi, trừ khi bắt buộc. Tôi là lời trách móc sống, và là nhu cầu thiết yếu của bà ta.
Bà và tôi đối diện nhau lần đầu năm tuần trước, khi tôi đến nhận nhiệm sở. Người Vệ binh ở nhiệm sở cũ đưa tôi tới cửa trước. Những ngày đầu chúng tôi được phép đi cửa trước, nhưng sau phải dùng cửa phụ. Mọi việc vẫn chưa ổn định, vẫn còn quá sớm, người ta vẫn còn do dự về chuyện xác định địa vị chúng tôi. Ít lâu nữa sẽ là cửa sau cả, hoặc cửa trước cả.
Dì Lydia có nói đang vận động hậu trường cho cửa trước. Các cô ở một vị thế danh dự, dì bảo thế.
Người Vệ binh bấm chuông cửa cho tôi, nhưng ước chừng chưa kịp cho ai đó nghe thấy mà ra cửa, cánh cửa đã mở vào trong. Bà ấy chắc đã đợi sẵn, tôi nghĩ một chị Martha sẽ ra, nhưng lại là bà ta, trong tấm váy dài màu lam, không nhầm được.
Vậy cô là người mới, bà nói. Bà không bước sang bên cho tôi vào, mà cứ đứng đó chặn cửa. Bà muốn tôi hiểu rõkhông được vào nhà trừ khi bà cho phép. Có những trò kèn cựa kiểu ấy, thời buổi này, về những chuyện cỏn con như thế.
Vâng, tôi đáp.
Cứ để lại hiên. Bà nói với Vệ binh, đang xách túi của tôi. Túi bằng vinyl đỏ, không to. Còn một túi nữa, đựng áo rét và những đồ dày, nhưng sau mới đến.
Người Vệ binh đặt túi xuống và cúi chào bà ta. Rồi tôi nghe tiếng chân dội sau lưng, ngược trở lại lối vào, tiếng cổng trước đánh cạch, và cảm thấy như cánh quân yểm hộ vừa được lệnh rút lui. Ngưỡng cửa nhà mới luôn là một nơi cô độc.
Bà ta đợi đến khi xe rồ máy rời đi. Tôi không nhìn lên mặt bà, mà vào phần thân thể còn thấy được khi đầu đang cúi: cái eo lưng lam, bó dày; bàn tay trái đặt trên đầu can bằng ngà; những hạt kim cương lớn trên ngón nhẫn, hẳn một thời đẹp lắm và giờ vẫn được giữ gìn rất đẹp; trên ngón tay có các khớp lồi, móng dũa thành một hình cung uốn nhẹ. Trông như một nụ cười giễu cợt, nằm trên ngón; như cái gì đó đang nhạo báng bà ta.
Cô có thể vào được, bà ta nói. Bà quay lưng khập khiễng đi vào trong sảnh. Nhớ đóng cửa khi vào.
Tôi nhắc túi đỏ vào trong, rõ là ý định của bà, rồi đóng cửa. Tôi không nói gì với bà. Dì Lydia bảo tốt nhất là không mở miệng trừ phi được hỏi đích danh. Hãy thử đặt mình vào vị trí họ xem, dì nói, hai tay bắt vào nhau vặn vẹo, nụ cười van lơn căng thẳng. Với họ chuyện này không dễ dàng gì.
Trong này, Phu nhân Chủ soái nói. Khi tôi vào tới phòng nghỉ bà đã ngồi vào ghế rồi, chân trái gác ghế đẩu, trên cái gối tựa thêu mũi nhỏ, hoa hồng trong giỏ. Đồ đan trên sàn cạnh ghế, cắm kim đan chĩa lên.
Tôi đứng trước bà, hai tay khoanh. Vậy đấy, bà nói. Bà đang cầm điếu thuốc lá, và đặt lên môi mà bậm chặt trong khi châm lửa. Môi bà mím vậy rất mỏng, viền môi vẽ ra những đường dọc mảnh thường thấy trong quảng cáo son. Bật lửa màu ngà. Thuốc lá chắc mua chợ đen, tôi nghĩ, và bắt đầu hy vọng. Kể cả không còn tiền mặt nữa, ít nhất vẫn còn chợ đen. Luôn luôn có chợ đen, luôn luôn có gì đó đem trao đổi được. Vậy bà là một người có khả năng phớt luật. Nhưng tôi có gì để đổi chác đây?
Tôi nhìn điếu thuốc nôn nao. Với tôi, cũng như rượu và cà phê, thứ này bị cấm.
Già đến mức cái ấy không làm việc nữa, bà ta nói.
Dạ, thưa phu nhân, tôi nói.
Bà buông một tiếng vẻ như cười, rồi ho. Bất hạnh cho ngài, bà ta nói. Với cô là lượt thứ hai, phải không?
Thứ ba, thưa phu nhân, tôi nói.
Không may cho cả cô nữa, bà nói. Lại thêm một tràng cười kèm ho nữa. Cô ngồi xuống đi. Tôi không hay làm thế, nhưng lần này ngoại lệ.
Tôi ngồi xuống thật, ghé vào mép chiếc ghế tựa lưng thẳng đơ. Tôi không muốn giương mắt khắp phòng, không muốn tỏ ra lơ đễnh trước bà; bệ lò sưởi hoa cương ngay bên phải cùng tấm gương bên trên và mấy bó hoa thành ra chỉ chập chờn trong khóe mắt. Rồi đây tôi sẽ có thừa thời gian mà ngắm nghía.
Giờ mặt bà đã ngang tầm mắt tôi. Tôi cảm giác nhận ra bà, hoặc ít nhất cũng thấy có gì rất quen. Có thể nhìn thấy một phần mái tóc, ló ra dưới tấm mạng trùm đầu. Vẫn còn màu vàng. Lúc đó tôi đã nghĩ có thể bà nhuộm vàng, nghĩ thuốc nhuộm tóc là một món khác kiếm được từ chợ đen, nhưng tới giờ thì biết là vàng thật. Lông mày tỉa thành hai vòm cung mảnh, khiến mặt thường trực mang vẻ ngạc nhiên, hay công phẫn, hay dò hỏi, như một đứa trẻ thảng thốt, nhưng hai hàng mi bên dưới lại trông mệt mỏi. Đôi mắt thì không thế, màu xanh trơ trơ thù nghịch như bầu trời giữa hạ trong nắng gắt, thứ màu ngăn chặn mọi sự xâm nhập sâu hơn. Mũi bà chắc xưa thuộc loại mi nhon nhưng bây giờ quá nhỏ so với mặt. Mặt bà không béo, nhưng to ngang. Hai nếp từ khóe miệng nhệch xuống, giữa là cái cằm, siết lại như nắm đấm.
Tôi muốn phải thấy cô càng ít càng tốt, bà ta nói. Tôi hy vọng cô cũng nghĩ tương tự về tôi.
Tôi không trả lời, vì vâng sẽ là xúc phạm, còn không là trái ý.
Tôi biết cô không ngu, bà ta tiếp. Bà hít vào, thở phì khói ra. Tôi đã đọc hồ sơ. Với tôi, đây hoàn toàn là một vụ giao dịch. Nhưng nếu gặp rắc rối, tôi sẽ trả lại đủ. Cô hiểu chứ?
Vâng, thưa phu nhân, tôi nói.
Đừng gọi tôi là phu nhân, bà ta gắt. Cô không phải Martha.
Tôi không hỏi cần gọi bà ta là gì, bởi dễ thấy bà hy vọng tôi sẽ không có cơ hội thưa gửi gì với bà nữa. Tôi phiền muộn. Khi ấy tôi đã muốn bà thành chị gái, thành một hình ảnh mẹ, một người sẽ thấu hiểu và bảo vệ tôi. Phu nhân ở nhiệm sở trước hầu như chỉ ở rịt trong phòng, các chị Martha bảo bà ta nghiện rượu. Tôi muốn lần này sẽ khác. Tôi muốn hình dung mình sẽ yêu được bà, giả thử là trong một không thời gian khác, một cuộc đời khác. Nhưng tôi đã thấy trước tôi sẽ không yêu bà, cũng như bà với tôi.
Bà ta dụi điếu thuốc, mới hút một nửa, trong một gạt tàn chạm trổ trên bàn để đèn bên cạnh. Cử chỉ rất quả quyết, dúi xuống rồi ấn mạnh, không phải gõ gõ kiểu cách như phần nhiều các Phu nhân.
Còn về chồng tôi, bà ta nói, ngài chỉ là thế. Chồng tôi. Tôi muốn điều này tuyệt đối rõ ràng. Chỉ cái chết chia lìa. Chấm hết.
Vâng, thưa phu nhân, tôi lặp lại, quên bẵng chuyện lúc nãy. Ngày xưa từng có cái gọi là búp bê, cho các cô gái nhỏ, mở miệng nói khi giật sợi dây đằng lưng; tôi nghĩ giọng mình cũng giống vậy, một giọng máy móc, một giọng búp bê. Hẳn bà rất thèm vả vào mặt tôi. Họ có thể đánh chúng tôi, đã có tiền lệ chép trong sách thánh. Nhưng không được dùng gì cả. Chỉ dùng tay thôi.
Đó là một trong những thành quả đấu tranh của chúng ta, Phu nhân Chủ soái nói, và đột ngột không nhìn tôi nữa, mà nhìn xuống bàn tay nổi cục, khảm kim cương, và tôi biết đã thấy bà ở đâu.
Lần đầu là trên ti vi, hồi tôi lên tám hay chín gì đó. Đó là thời mẹ tôi thường ngủ nướng, mỗi sáng Chủ nhật, còn tôi dậy sớm chạy đến bên ti vi trong phòng làm việc của mẹ, chuyển hết kênh này đến kênh khác tìm xem hoạt hình. Đôi khi không có, tôi xem chương trình Phúc âm “Linh hồn đang lớn”, có chuyện Kinh thánh kể cho trẻ con và thánh ca. Trong các bà trên đó có một người tên Serena Joy. Bà dẫn bè nữ cao. Tóc vàng tro, nhỏ nhắn, mũi hếch, mắt to xanh mỗi lúc hát lại ngước lên trời. Bà có thể khóc cười cùng lúc, một hai giọt lệ lăn xuống má yểu điệu, như thể chực sẵn, trong khi giọng hát vút lên tới nốt cao chót vót, rung rẩy, như không. Phải sau này bà mới chuyển sang theo đuổi thứ khác.
Người ngồi trước mặt tôi đây là Serena Joy. Ít ra là ngày xưa. Vậy là chuyện tệ hơn tôi tưởng.
4
Tôi bước theo con đường rải sỏi rẽ đôi bãi cỏ sân sau, gọn ghẽ, như đường ngôi tóc. Đêm qua có mưa; cỏ hai bên lẹp nhẹp, không khí âm ẩm. Đây đó giun đất trồi lên, bằng cứ đất rất màu, bị nắng bẫy được, đã chết dở; nhũn nhẽo hồng hồng, như là môi.
Tôi đẩy cánh cổng cọc rào trắng và đi tiếp, qua bãi cỏ sân trước thẳng tới cổng. Trên lối xe vào, một trong những Vệ binh phân cho gia hộ đang rửa xe. Nghĩa là Chủ soái có nhà, trong văn phòng mình, đằng sau phòng ăn, nơi ông ta hình như ngồi cả ngày.
Xe thuộc loại cực đắt, một chiếc Gió lốc; khá hơn loại Xe ngựa, vượt xa chiếc Trâu đầm lực lưỡng, lùn bè. Xe màu đen, tất nhiên, màu riêng đánh dấu đặc quyền hay tang chế, dài và bóng loáng. Tài xế áp miếng da thuộc lướt qua toàn thân xe, âu yếm. Ít ra cái đó chưa đổi, cách đám đàn ông chăm chút xe ngon.
Anh tài mặc cùng cảnh phục Vệ binh, nhưng cái mũ kéo lệch một bên nghịch ngợm và tay áo xắn đến khuỷu, để lộ cánh tay, rám nắng tuy lớt phớt lông đen. Một điếu thuốc cắm chốt khóe miệng, chứng tỏ anh ta cũng có gì đổi chác ở chợ đen.
Tôi biết tên anh: Nick. Tôi biết vì đã nghe Rita và Cora nhắc đến anh, và một lần nghe Chủ soái nói với anh: Nick, hôm nay tôi không dùng xe.
Anh ta sống luôn đây, ngay trong nhà, đằng ga ra. Địa vị thấp: anh chưa được cấp đàn bà, một người cũng không. Anh ta không nằm trong xếp hạng: khiếm khuyết gì đó, thiếu các mối quan hệ. Nhưng anh cư xử như không biết, hoặc không đếm xỉa. Anh cứ suồng sã thế, anh không đủ tuân phục. Có thể do anh ngu, nhưng tôi không nghĩ thế. Khác mặt tanh lòng, như người ta nói, tôi đánh hơi ra chuột chết. Lạc loài báo hiệu qua mùi. Không chủ tâm, tôi chợt nghĩ anh có thể có mùi gì. Không phải mùi tanh hay chuột đang rữa; da rám nâu, âm ẩm vì nắng, lờ mờ trong khói. Tôi thở dài, hít mạnh.
Anh nhìn tôi, thấy tôi đang nhìn anh. Anh có khuôn mặt kiểu Pháp, gầy guộc, tưng tửng, toàn góc với cạnh, mép nhăn nhăn khi cười. Anh rít điếu thuốc một hơi cuối, buông rơi xuống đường, giẫm chân lên. Anh bắt đầu huýt sáo. Rồi nháy mắt.
Tôi cúi gằm xuống và xoay đầu để đôi cánh trắng che mất mặt, tiếp tục bước. Anh ta vừa đánh liều, nhưng để làm gì chứ? Nếu tôi mách lại thì sao?
Có thể chỉ là anh tỏ ra thân thiện. Có thể anh thấy vẻ mặt tôi và tưởng nhầm nguyên do. Thực ra tôi chỉ thèm điếu thuốc lá.
Có thể là phép thử, xem tôi đáp lại thế nào.
Có thể anh ta là một Con mắt.
~
Tôi đẩy cổng rồi khép lại sau lưng, nhìn xuống mà không ngoái lại. Vỉa hè gạch đỏ. Đó là khung cảnh tôi tập trung vào, một cánh đồng quả trám, hơi võng xuống chỗ nào đất bên dưới bị lõm, sau nhiều thập kỷ sương giá mùa đông. Gạch đã ngả màu, nhưng trông tươi và sạch. Vỉa hè được quét tước kỹ hơn xưa.
Tôi đi đến góc đường đứng đợi. Trước tôi không giỏi đợi. Cả những ai chỉ đứng mà đợi, họ cũng phụng vụ Người, dì Lydia bảo thế. Dì bắt chúng tôi thuộc lòng. Dì còn nói, Không phải các cô sẽ làm được cả. Vài cô sẽ rơi xuống đất cằn hay bụi gai. Vài cô chỉ bắt rễ hờ. Trên cằm dì có nốt ruồi cứ đưa lên đưa xuống khi dì nói. Dì bảo, Hãy coi mình là hạt giống, và khi đó giọng dì rủ rỉ như đồng lõa, như những cô giáo ba lê cho trẻ con ngày xưa, khi nói, Giơ tay lên nào, hãy vờ như ta là cây.
Tôi đứng ở góc đường, vờ như tôi là cây.
~
Một hình thù, vận đồ đỏ mặt khuất sau cánh trắng, một hình thù giống tôi, một người đàn bà không sắc thái mặc áo đỏ tay mang giỏ, đi dọc hè phố gạch về phía tôi. Cô tới chỗ tôi và cả hai chăm chú nhìn mặt nhau, đưa mắt nhìn cuối đường hầm vải trắng bọc lấy mình. Đúng là cô ấy.
“Chúc phúc cho hoa trái,” cô nói với tôi, lời chào quy định giữa những kẻ như tôi.
“Cầu Người ban xuất sanh,” tôi đáp, câu trả lời quy định. Chúng tôi quay đi bước song song qua khu nhà lớn, về trung tâm thành phố. Chúng tôi chỉ được phép tới đó từng cặp. Gọi là để bảo vệ chúng tôi, dù lối giải thích này phi lý: chúng tôi được bảo vệ kỹ lắm rồi. Thực tế cô nhằm rình mò tôi, còn tôi rình cô. Nếu một đứa lọt lưới vì chuyện xảy ra trong cuộc đi, còn có người kia mà hạch.
Người này đã cặp với tôi hai tuần nay. Tôi không biết cô trước gặp chuyện gì. Một hôm cô ta không tới nữa, cô này thế chỗ, tất cả chỉ có thế. Mấy chuyện loại này không nên đặt câu hỏi, vì thường không nhận được câu trả lời cần nghe. Mà nói chung là không được câu trả lời nào.
Cô này mập hơn tôi chút ít. Mắt màu nâu. Tên là Ofglen, tôi biết về cô toàn bộ chỉ thế. Cô đi tư thế đoan chính, đầu cúi, hai tay đi găng đỏ siết chặt vào nhau trước ngực, bước từng bước ngắn như con lợn cảnh trên hai chân sau. Trong các cuộc đi cô chưa hề nói gì vượt ra ngoài phạm vi chính thống nghiêm ngặt, nhưng thực ra về phần tôi cũng không khác. Cô có thể là một tín đồ chân chính, một Tùy nữ không chỉ trên danh nghĩa. Tôi không được liều.
“Chiến sự đang khởi sắc, nghe đồn thế,” cô nói.
“Sáng danh,” tôi đáp.
“Chúng ta đã được ban thời tiết đẹp.”
“Khiến tôi xiết bao cảm tạ.”
“Đã đánh bại thêm nhiều phiến quân, từ hôm qua.”
“Sáng danh,” tôi nói. Tôi không hỏi sao cô biết. “Bọn nào?”
“Phái Tẩy lễ. Chúng có căn cứ trong dãy Đồi Xanh. Ta hun khói buộc chúng chạy ra.”
“Sáng danh.”
Đôi lúc tôi ước cô ta im mồm để tôi được yên thân mà đi. Nhưng tôi đói tin tức, tin gì cũng được; cho dù là tin giả, cũng phải có ý nghĩa gì đó.
Đã đến thanh chắn đầu tiên, cũng giống ở công trường làm đường, hay đặt ống nước: một thanh gỗ sơn vàng-đen chéo nhau, một hình bát giác đỏ “Stop”. Gần ngách qua có mấy cái đèn lồng, không thắp vì chưa tối. Trên cao kia, tôi biết, có đèn pha, gắn vào trụ điện thoại, phòng khi khẩn cấp, và có người cầm súng máy trong vọng gác hai bên đường. Tôi không nhìn thấy đèn pha và vọng gác, bởi có cánh che. Tôi chỉ biết là có chúng.
Đằng sau thanh chắn, gần ngách qua hẹp, đang đợi chúng tôi, có hai người, mặc cảnh phục xanh Vệ binh Đức tin, cầu vai và mũ có phù hiệu: hai thanh gươm bắt chéo, dưới là một tam giác trắng. Các Vệ binh không phải là lính chiến. Họ làm việc tuần cảnh và các phận sự lặt vặt khác, đào xới vườn cho Phu nhân Chủ soái chẳng hạn, và họ không ngu đần thì cũng già lão, què quặt hay quá non nớt, trừ những kẻ là Con mắt ẩn thân.
Hai người này thuộc loại chim non: một người râu mới lún phún, người kia mặt còn sần sùi. Vẻ măng tơ ấy dễ khiến mủi lòng, nhưng tôi biết không được phép bị lừa. Đám trẻ thường là đám nguy hiểm nhất, cuồng tín nhất, táy máy súng ống nhất. Chúng chưa học được thế nào là tồn tại qua thời gian. Cần phải thận trọng với chúng.
Tuần trước chúng đã bắn một người đàn bà, ngay gần đây. Một chị Martha. Chị ta lóng ngóng trong nếp áo, tìm giấy thông hành, và chúng nghĩ chị lần tìm một quả bom. Chúng nghĩ chị là đàn ông giả dạng. Đã từng có những vụ như thế rồi.
Rita và Cora biết chị ta. Tôi nghe họ nói chuyện đó, trong bếp.
Làm việc phải làm thôi, Cora nói. Bảo vệ an toàn cho những đứa mình.
Chỉ chết là an toàn nhất, Rita rít lên. Chị ta chỉ lo việc mình. Không việc gì phải bắn. Đấy là tai nạn, Cora nói.
Quên câu đó đi, Rita nói. Cái gì cũng được tính toán cả.
Tôi nghe chị đập nồi niêu loảng xoảng, trong bồn rửa.
Ời, dù sao thì người ta cũng phải nghĩ kỹ trước khi thổi bay cái nhà này, Cora nói.
Như nhau cả thôi, Rita nói. Chị đó rất cần cù. Chết như thế quá tệ.
Có nhiều cái tệ hơn nhiều, Cora nói. Ít ra cũng nhanh gọn.
Là ý cô thôi, Rita nói. Tôi thà có thêm thời gian, trước một chút chẳng hạn. Sắp đặt đâu đấy đã.
~
Hai Vệ binh trẻ chào chúng tôi, đưa ba ngón tay chạm vành mũ. Chúng tôi được dành cho nghi thức thế đấy. Họ phải tỏ lòng tôn kính, trước nhiệm vụ của chúng tôi.
Chúng tôi xuất giấy thông hành, từ túi khóa kéo trong ống tay áo rộng, giấy được soát và đóng dấu. Một người vào vọng gác bên phải, nhập mã số chúng tôi vào máy Kiểm vi tính.
Khi trả lại giấy, cậu gác để ria màu vỏ đào nghiêng đầu tìm cách nhìn vào mặt tôi. Tôi hơi ngửng lên một chút, để giúp, và cậu ta nhìn vào mắt tôi cũng như tôi nhìn mắt cậu, và má cậu ta ửng đỏ. Mặt cậu dài và rầu rĩ, như một con cừu, nhưng mắt tròn to như chó, giống spaniel tai rủ chứ không phải chó săn terrier. Da cậu trắng nhợt và trông mỏng manh muốn bệnh, như da non vết sẹo đang liền. Thế nhưng tôi vẫn hình dung đặt tay mình lên đó, lên khuôn mặt để trần. Cậu ta quay đi trước.
Sự kiện ấy, vi phạm nho nhỏ ấy, quá nhỏ đủ để không ai phát hiện ra, nhưng những khoảnh khắc như thế là phần thưởng tôi giữ riêng mình, như kẹo từng giấu giếm, hồi còn nhỏ, ở đáy ngăn kéo. Chúng là cơ hội, là những lỗ khóa tí xíu nhòm ra ngoài.
Nếu như tôi tới ban đêm, khi cậu trực một mình – dù cậu sẽ không bao giờ được hưởng sự cô độc đó – và cho phép cậu vào bên trong đôi cánh trắng? Nếu như tôi tuột bỏ tấm liệm đỏ này phô mình cho cậu, cho họ, trong ánh đèn lồng như có như không? Hẳn đôi lúc họ cũng phải nghĩ đến điều này, trong cuộc đứng canh vĩnh cửu sau thanh chắn, không ai đi qua bao giờ ngoài những Chủ soái Tín hữu trong xe hơi đen dài ầm ì, những Phu nhân màu lam và các cô con gái trùm mạng trắng cần mẫn trên đường tới Cứu chuộc hay Nguyện cải, hoặc các chị Martha màu lục lùn tì, hoặc các xe Vận sinh thi thoảng qua, hoặc những Tùy nữ đỏ, đều đi bộ. Hoặc đôi lúc một chiếc xe thùng sơn đen, bên sườn sơn trắng Con mắt có cánh. Các cửa xe đều lắp kính mờ, mấy người ngồi ghế trước mang mục kỉnh đen: mù mịt nhân đôi.
Xe thùng hẳn nhiên lặng lẽ hơn các xe còn lại. Khi chúng đi qua, chúng tôi nhìn lánh đi. Nếu có tiếng động trong xe, chúng tôi vờ không nghe thấy. Tim ai mà hoàn thiện đâu.
Khi có xe thùng đen tới chốt kiểm soát, người ta phẩy tay cho đi thẳng qua. Các Vệ binh không muốn liều ngó vào trong, tìm bới, ngờ vực uy quyền của chúng. Họ nghĩ gì cũng thế thôi.
Là nếu họ có nghĩ; nhìn họ thì không đoán được.
Nhưng nhiều khả năng họ không nghĩ về quần áo trút lại trên bãi cỏ. Nếu có nghĩ đến cái hôn, hẳn họ phải nghĩ ngay sang đèn pha đang chiếu, sang phát súng trường. Họ chuyển nghĩ về bổn phận và về viễn cảnh thăng lên Thiên sứ, và biết đâu được cho phép kết hôn, và rồi, nếu kiếm đủ quyền lực và sống tới đủ già, được phát riêng một Tùy nữ cho mình.
~
Cậu có ria mở ngách bộ hành nhỏ và lùi lại, tránh thật xa khỏi đó, và chúng tôi qua. Chân đi xa dần nhưng tôi biết họ đang nhìn, hai gã đàn ông trẻ, còn chưa được phép đụng tới đàn bà. Bù lại họ vuốt ve bằng mắt và tôi đánh hông một chút, cảm thấy chiếc váy phồng đỏ cuộn lên quanh thân. Không khác gì le lưỡi sau rào chắn hay nhử chó bằng khúc xương quá tầm xích, và tôi tự ngượng vì làm thế, bởi những chuyện này đâu phải lỗi của hai người này, họ còn quá trẻ.
Rồi tôi phát hiện ra mình hoàn toàn không ngượng. Tôi nhấm nháp cảm giác quyền lực; quyền lực của một khúc xương, thụ động, nhưng sờ sờ trước mũi. Tôi cầu cho chỉ cần nhìn chúng tôi họ đã cương lên và phải cọ vào thanh chắn sơn đen vàng, lén lút. Họ sẽ phải khổ sở, về sau, khi đêm đến, trong giường cá nhân được cấp riêng. Giờ họ không còn đầu ra nào ngoài bản thân, mà chuyện đó là báng Chúa. Không còn tạp chí, không còn phim, không còn đường thay thế; chỉ có tôi và cái bóng, đi dần xa khỏi hai chàng trai đang đứng nghiêm, cứng đờ, tại chốt kiểm soát, nhìn hai bóng dáng đang xa rời.
5
Mang theo phiên bản, tôi đi trên phố. Dù đã ra ngoài khu ở của các Chủ soái, ở đây cũng có nhà lớn. Trước cửa một ngôi nhà, có một Vệ binh đang đẩy máy xén cỏ. Bãi cỏ gọn gàng, mặt tiền choáng lộn, được tu bổ thường xuyên; trông như những bức tranh lộng lẫy in trong các tạp chí nhà- vườn-nội thất ngày xưa. Cũng cùng sự thiếu vắng con người, cùng vẻ thiu thiu ngủ. Đường phố gần như bảo tàng, hay như trong một mô hình thành phố dựng lên để trưng bày xưa người ta sống ra sao. Cũng như những bức tranh kia, những bảo tàng kia, những thành phố kia, trẻ con không có mặt.
Đây là trái tim Gilead, nội chiến tranh không thể xâm nhập tới, trừ qua ti vi. Đường biên ở đâu không rõ, cái đó thường xê dịch, tùy theo các đợt tấn công và phản công; nhưng trung tâm thì ở đây, không bao giờ di dịch. Nước cộng hòa Gilead, dì Lydia bảo, không có biên giới. Gilead nằm trong chúng ta.
Các bác sĩ từng sống ở đây, cả luật sư, giảng viên đại học. Giờ thì không còn luật sư, trường đại học cũng đóng cửa rồi.
Luke và tôi thường sóng bước bên nhau, đôi lần, trên những phố này. Chúng tôi thường nói chuyện mua một ngôi nhà như ở đây, một nhà cổ thật to, sang sửa lại. Sẽ có cả vườn, trồng đu cho các con. Chúng tôi sẽ có con. Dù biết xác suất thực hiện những xa xỉ đó là khá thấp, chúng tôi vẫn ưa nói về nó, một trò giải khuây Chủ nhật. Thứ tự do ấy giờ cảm giác như phi thực.
Tới góc đường chúng tôi rẽ vào đường lớn, xe cộ dày hơn. Xe hơi bon qua, phần lớn màu đen, một sốxám và nâu. Thêm nhiều đàn bà mang giỏ, một số đồ đỏ, một số lục xỉn màu Martha, một số mặc áo sọc, đỏ và lam và lục và rẻ tiền và gọn vải, lối đàn bà của dân nghèo. Vợ cần kiệm, đấy là tên gọi họ. Những đàn bà này không được phân thành phận sự khác nhau. Họ phải làm tất, nếu được. Đôi lúc có người ăn vận toàn đen, một góa phụ. Ngày xưa nhiều hơn, nhưng hình như họ đang vắng dần đi. Không nhìn thấy Phu nhân Chủ soái nào trên hè phố. Họ luôn ngồi trong xe.
Vỉa hè ở đây bằng xi măng. Như trẻ nhỏ, tôi tránh giẫm vào kẽ nứt. Tôi đang nhớ lại bàn chân mình trên cùng hè phố ấy, thời xa xưa, nhớ những giày dép mình từng xỏ. Đôi khi là giày chạy, đế có đệm và lỗ thông khí, gắn sao bằng sợi phản quang, ban tối phát ra ánh sáng. Dù tôi đến tôi không bao giờ chạy; mà cả ban ngày, cũng chỉ trên những đường đã quen.
Thời đó đàn bà không được bảo vệ.
Tôi còn nhớ quy tắc, bắt thành văn nhưng đàn bà ai cũng biết: Không được mở cửa cho người lạ, kể cả khi hắn tự xưng là cảnh sát. Phải bắt hắn luồn căn cước vào dưới khe cửa. Không được dừng lại giữa đường giúp một tay lái mô tô vờ bị nạn. Hãy giữ nguyên nhịp mà đi tiếp. Nếu có kẻ huýt sáo gọi, đừng quay lại nhìn. Đừng đi tới hiệu giặt tự động một mình ban đêm.
Tôi lại nghĩ đến các hiệu giặt. Những thứ tôi mặc đi đến đó: quần soóc, quần bò, quần thể dục. Những thứ tôi bỏ vào đó: quần áo của tôi, xà phòng của tôi, tiền của tôi, tiền tôi kiếm được bằng sức mình. Tôi nghĩ về quyền làm chủ từng có được.
Nay chúng tôi đi trên cùng con phố ấy, từng cặp đỏ, và không có đàn ông hét những câu tục tĩu sau lưng chúng tôi, nói với chúng tôi, chạm vào chúng tôi. Không ai huýt sáo.
Không phải chỉ có một thứ tự do, dì Lydia bảo. Có tự do được hành động và có tự do nhờ giải thoát. Thời vô chính phủ, có tự do hành động. Giờ các cô được nhận tự do giải thoát. Đừng coi thường.
Ngay trước mặt, bên phải đường, là cửa hàng chúng tôi đặt áo. Có người gọi chúng là lệ bộ, thật chuẩn biết mấy. Cái gì thành lệ thì khó bỏ. Ngoài cửa treo tấm biển gỗ rất to, hình đóa huệ vàng; Hoa huệ trên đồng, tên cửa hàng là thế. Có thể nhìn thấy khoảng trống, ngay dưới bông huệ, xưa có chứ giờ đã bị bôi son xóa đi, theo ý kiến rằng ngay tên các cửa hàng cũng có sức cám dỗ quá lớn với chúng tôi. Giờ hàng quán chỉ còn phân biệt bằng biển hiệu.
Hoa huệ từng là một rạp phim, ngày trước. Sinh viên đến đó đông lắm; xuân nào cũng có liên hoan tưởng niệm Humphrey Bogart, có cả Lauren Bacall hay Katharine Hepburn, những phụ nữ tự chủ, tự quyết định cho mình. Họ mặc áo cánh gài hàng khuy trước ngực, gợi ý chữ cởi ra. Những phụ nữ đó có thể được cởi ra, hoặc không. Có vẻ họ có quyền lựa chọn. Chúng tôi cũng có vẻ được lựa chọn, hồi đó. Chúng ta đã sống trong một xã hội đang chết ngạt, dì Lvdia bảo, dưới quá nhiều lựa chọn.
Tôi không biết khi nào thì họ thôi không tổ chức liên hoan nữa. Chắc lúc đó tôi đã trưởng thành. Nên không còn đổ ý.
Chúng tôi không vào Hoa huệ, mà sang đường rồi rẽ vào một đường phụ. Đích đến đầu tiên là một cửa hàng cũng trưng biển gỗ: ba quả trứng, một con ong, một con bò. Sữa và mật. Trước cửa xếp một hàng dài, và chúng tôi đợi lượt mình, từng cặp một. Tôi thấy hôm nay có cam. Kể từ khi Trung Mỹ mất về tay phái Tự do thần, cam trở thành khó kiếm, lúc có lúc không. Chiến sự đã cản trở đường cam đến từ California, và ngay cả Florida cũng không còn trông cậy được, khi có phong tỏa hay đường ray bị đánh bom. Tôi nhìn mấy quả cam, ước ao một quả. Nhưng tôi không mang theo phiếu cam nào. Về sẽ kể cho Rita chuyện cam, tôi nghĩ bụng. Chị ấy sẽ vui lòng. Sẽ là một điều đáng kể, một thành tích nhỏ, nếu làm cho cam xuất hiện.
Những người đã vào được đến nơi trao phiếu qua quầy cho hai người đàn ông mặc cảnh phục Vệ binh đứng bên kia. Không ai nói chuyện nhiều, dù vẫn có tiếng rì rầm, và đám đàn bà kín đáo quay đầu nhìn bên này rồi bên kia: ở đây, khi mua sắm, có thể gặp được ai quen mặt, ai đó đã biết từ ngày xưa, hoặc quen ở Trung tâm Đỏ. Chỉ cần nhìn thấy một gương mặt quen biết đã là khích lệ lớn lao. Giá tôi thấy được Moira, chỉ cần thấy thôi, biết cô còn tồn tại. Thật khó tưởng tượng chuyện đó lúc này – có một người bạn ư?
Nhưng Ofglen, bên cạnh tôi, không nhìn ngó gì. Có lẽ cô không còn quen ai nữa. Có lẽ họ biến mất hết rồi, mọi đàn bà cô quen lúc trước. Hoặc có lẽ cô không muốn bị ai nhìn thấy. Cô đứng im lặng, đầu cúi xuống.
Trong lúc đứng đợi hàng đôi như thế, cửa mở ra cho hai người nữa vào, cả hai đều áo đỏ cánh trắng trang phục Tùy nữ. Một trong hai người đã chửa vượt mặt; bụng cô, dưới lớp áo thùng thình, căng phồng hãnh diện. Cả phòng khẽ xáo động, có tiếng rì rầm, tiếng thở hắt; dù không muốn chúng tôi vẫn ngoảnh cả lại, lộ liễu, để nhìn rõ hơn; những ngón tay ngứa ngáy chỉ chực vươn ra chạm tới. Cô thật là một điều huyền diệu, đôi tượng ganh tị và khao khát, chúng tôi thèm thuồng nhìn cô. Cô là ngọn cờ cắm đỉnh đồi, chỉ cho tất cả vẫn con đường ra: cả chúng tôi cũng có thể được cứu rỗi.
Tất cả đàn bà trong phòng đang thì thầm, gần như lớn tiếng, họ kích động biết mấy.
“Ai đấy?” tôi nghe tiếng đằng sau mình.
“Ofwayne. Mà không phải. Ofwarren.”
“Đồ khoe mẽ,” một tiếng rít lên, mà quả là vậy. Một người mang thai đến tháng này không phải ra ngoài, không phải đi mua sắm nữa. Cũng không còn bắt buộc cuộc đi hàng ngày, vốn để duy trì cơ bụng hoạt động bình thường. Cô ta chỉ cần các bài thể dục tự do, các bài luyện hít thở. Cô ta có thể ở nhà. Chưa nói đi ra ngoài rất nguv hiểm, chắc chắn phải có Vệ binh đứng chờ cô ta ngoài kia. Nay đã mang trong mình sinh mệnh, cô càng gần kề cái chết hơn, và cần chế độ an ninh đặc biệt. Cô có thể là nạn nhân của lòng ghen, chuyện này từng xảy ra rồi. Mọi trẻ con giờ đều do ước muốn, nhưng không phải ước muốn của mọi người.
Nhưng cuộc đi hôm nay có thể là ý thích bất thường, và người ta dễ khoan thứ nhũng ỷ thích đó, khi đã giữ được đen mức này mà vẫn chưa bị sảy. Hoặc có thể cô ta thuộc cái tuýp ấy. Chất nữa đi, tôi chịu nổi mà, một kẻ tuẫn đạo. Tôi thoáng thấy khuôn mặt cô ta, khi cô ngước lên nhìn quanh. Người đứng sau tôi nói đúng. Cô ta đến đây để tự phô trương. Cô ta rạng rỡ, hồng hào, cô ta nếm náp từng chi tiết nhỏ.
“Trật tự,” một Vệ binh sau quầy nói, và chúng tôi suỵt nhau như đám học trò.
Ofglen và tôi đã đến bên quầy. Chúng tôi trao phiếu, và một Vệ binh nhập số vào máy Dụng vi tính trong lúc người kia giao hàng: sữa, trứng. Chúng tôi cho hết vào giỏ và lại đi ra, qua người đàn bà chửa và cô bạn cặp đôi, đứng đó khẳng khiu và teo tóp, như tất cả mọi người còn lại. Cái bụng bầu trông như một thứ quả khổng lồ. To đại cồ bự, chữ cửa miệng tôi thời nhỏ. Tay cô đặt trên bụng như bảo vệ, lại như tiếp nhận từ đó, hơi ấm và sức mạnh.
Khi tôi đi qua cô ta nhìn thẳng vào tôi, vào đúng mắt tôi, và tôi nhận ra cô. Cô cũng ở Trung tâm Đỏ với tôi, thuộc số cục cưng của dì Lydia. Tôi chưa bao giờ ưa cô này. Tên cô, ngày đó, Janine.
Janine nhìn tôi, thế đấy, và quanh khóe miệng nhíu bóng một cái cười khẩy. Cô ta trượt mắt xuống bụng tôi lép xẹp dưới tấm váy đỏ, rồi đôi cánh che khuất mặt cô. Tôi chỉ còn thấy chỏm trán, và cái đàu mũi hồng hồng.
Tiếp đó chúng tôi vào Xương thịt, báo hiệu nhờ một tảng thịt sườn lớn bằng gỗ dòng xuống từ hai sợi xích. Hàng ở đây không quá dài: thịt lúc nào cũng đắt, và ngay cả chủ soái cũng không ăn hàng ngày được. Nhưng Ofglen vẫn lấy thịt nướng, mà đây là lần thứ hai tuần này rồi. Tôi sẽ kể cho các chị Martha: họ vẫn ưa nghe mấy chuyện đó. Họ rất hào hứng tìm xem các hộ khác sống ra sao; những chuyện mách lẻo nhỏ nhặt kiểu đó mang lại cho họ một dịp hãnh diện hay phật ý.
Tôi nhận con gà, quấn trong giấy phèn buộc dây. Đồ bằng chất dẻo không thấy mấy, không thấy nữa. Tôi nhớ đến thứ túi ni lông trắng to không thấy đáy, đựng đồ siêu thị mua về; tôi chẳng bao giờ muốn vứt chúng đi, toàn dúi vào dưới bồn rửa, tới một hôm nào đó khi tôi mở cửa tủ chúng đổ tràn ra, vung vãi trên sàn. Luke lúc nào cũng than phiền chuyện đó. Cứ đều đặn anh lại vơ tất cả đống túi quăng đi.
Nó có thể tròng một cái vào đầu, anh sẽ bảo vậy. Em biết trẻ con thích chơi thế nào rồi đấy. Không có đâu, tôi bảo vậy. Nó lớn lắm rồi. (Hoặc khôn lắm, hoặc may mắn lắm.) Nhưng tôi sẽ lạnh sống lưng, và tự oán mình bất cẩn. Quả thế, tôi quá tin vào những điều hằng hữu; tôi còn tin số phận, cái hồi xưa ấy. Rồi tôi nói, em sẽ cất lên tủ trên. Rồi anh nói, đừng có cất trừ tí nào nữa. Mình có bao giờ dùng đến đâu. Rồi tôi nói, túi rác đây chứ. Rồi anh nói…
Giờ không được, đây không được. Không được giữa nơi thiên hạ đang nhìn. Tôi quay mình, gặp bóng mình trên tấm kính cửa sổ. Chúng tôi đã ra đến ngoài, thế đấy, chúng tôi đã ra đến phố.
Một nhóm người đang tiến về phía chúng tôi. Một đoàn khách nước ngoài, nhìn có vẻ từ Nhật, một phái đoàn thương mại, có lẽ thế, đang đi tua các địa danh lịch sử hay ra đường hít thở mùi vị địa phương. Họ nhỏ nhắn và chải chuốt, mỗi người cầm máy ảnh riêng trong tay, mang nụ cười riêng trên mặt. Họ nhìn xung quanh, mắt ngời sáng, đầu nghiêng nghiêng sang bên như bầy chim cổ đỏ; nội cái hớn hả ấy đã đầy tính khiêu khích, và tôi không thể không chằm chằm nhìn. Lâu lắm rồi mới thấy đàn bà mặc váy ngắn cỡ đó. Váy chỉ xuống quá gối một tẹo, đôi chân thò ra bên dưới, tất mỏng gần như để trần, trơ trẽn, xỏ giày gót cao quai dính lấy chân như những dụng cụ tra tấn tinh vi. Đám đàn bà cập kênh trên đôi bàn chân nhọn hoắt như trên cà kheo, nhưng không thăng bằng; lưng cong vòng ở đoạn eo, khiến mông vểnh ra sau. Đầu họ không trùm và tóc cũng phơi ra, đen nhánh đầy nhục cảm. Họ tô son, đỏ thắm, viền lấy cái khoang miệng ẩm ướt, như nét viết bậy loằng ngoằng trên vách nhà vệ sinh công cộng, ngày xưa.
Tôi dừng bước. Bên tôi Ofglen cũng ngừng lại và tôi biết cô ta cũng không thể rời mắt khỏi đám đàn bà kia. Chúng tôi mê hồn, nhưng cũng kinh tởm. Họ cứ như lõa thể. Chỉ sau chút ít thời gian đầu óc chúng tôi đã đổi cả, về những chuyện thế này.
Rồi tôi nghĩ: Mình cũng từng ăn mặc thế. Đấy gọi là tự do.
Là Tây hóa đấy, họ từng gọi thế.
Đám du khách Nhật đi về phía chúng tôi, chuyện trò ríu rít, và chúng tôi quay đi nhưng quá muộn: mặt chúng tôi bị thấy rồi.
Có một người phiên dịch trong số họ, bộ com lê quy định màu lam với cà vạt nền đỏ, trâm cài hình con mắt có cánh. Chính anh ta bước tới, rời khỏi nhóm, đến trước chúng tôi, chắn ngang đường. Đám du khách xúm xít đằng sau, một người giương máy ảnh lên.
“Xin phép,” anh ta nói với cả hai chúng tôi, khá lễ phép. “Họ muốn hỏi chụp ảnh hai cô có được không.”
Tôi cắm mắt xuống vệ đường, lắc đầu tỏ ý từ chối. Họ chỉ được nhìn thấy đôi cánh trắng, một vệt mặt tôi, cái cằm và một góc miệng là đủ. Tránh mắt ra. Tôi biết khôn hồn thì đừng có nhìn thắng mặt tay phiên dịch. Phần lớn phiên dịch viên là Con mắt, hay ít ra nghe đồn thế.
Tôi cũng biết khôn hồn đừng nói vâng. Khiêm cung là phải vô hình, dì Lydia bảo thế. Đừng bao giờ quên. Bị nhìn thấy – bị nhìn thấy – cũng tức là – giọng dì run rẩy – bị xuyên thủng. Bổn phận của các cô là không để bị xuyên thấu, các cô bé ạ. Dì gọi chúng tôi là các cô bé.
Bên tôi, Ofglen cũng lặng yên. Cô đã thu hai bàn tay găng đỏ vào tay áo, để che đi.
Tay phiên dịch trở lại nhóm khách, liên thoắng nói chuyện với họ, ngắt rời từng âm. Tôi biết anh ta sẽ nói gì, tôi thuộc lòng lời thoại. Anh ta sẽ bảo họ rằng phụ nữ ở đây có phong tục khác, rằng bị nhìn qua ống kính máy ảnh, với họ, là một kiểu xâm hại.
Tôi vẫn đang nhìn xuống, ngắm vệ đường, mê mẩn nhìn chân đám đàn bà. Có một người đi xăng đan hở ngón, mười móng chân đánh hồng. Tôi vẫn nhớ mùi son móng tay, nhớ nó sẽ nhăn lại nếu tô lớp sau lên quá vội, nhớ quần tất mỏng dính cọ vào da lóe sáng, nhớ cảm giác trên ngón chân, khi xỏ vào đầu dép hở dưới sức nặng toàn cơ thể. Người đàn bà đánh móng chân đối trọng tâm. Tôi cảm thấy được dép cô ta, ngay dưới chân mình. Mùi son móng làm tôi đói.
“Xin phép,” người phiên dịch lại nói, để chúng tôi chú ý. Tôi gật, tỏ ý có nghe.
“Ông ấy hỏi các cô có vui không,” người phiên dịch nói. Tôi có thể tưởng tượng ra, cái sự tò mò của họ: May cô này có vui không? Làm thế nào họ vẫn vui được nhỉ? Tôi cảm thấy được ánh mắt đen sáng của họ sục sạo mình, thấy họ hơi cúi về trước đón lấy lời đáp, các bà háo hức nhất, nhưng cả các ông nữa: chúng tôi bí ẩn, bị cấm đoán, chúng tôi khêu gợi.
Ofglen không nói gì. Im lặng hồi lâu. Nhưng có lúc không nói gì cũng nguy hiểm không kém.
“Có, chúng tôi rất vui,” tôi nói khẽ. Tôi phải nói gì đó. Tôi còn nói được gì đây?
6
Quán Xương thịt một khu nhà, Ofglen dùng lại, như do dự nên theo lối nào. Chúng tôi có hai lựa chọn. Có thể đi thẳng về, hoặc đi vòng đường xa hơn. Chúng tôi đã biết sẽ đi đường nào, bởi lúc nào cũng đi đường đó.
“Tôi muốn đi qua nhà thờ,” Ofglen nói, có vẻ sùng đạo lắm lắm.
“Được thôi,” tôi nói, dù cùng biết rõ như cô nguyên do thực sự là ǵ.
Chúng tôi bước đi, trầm mặc. Mặt trời đã khuất, trên trời mây trắng như bông, trông như đàn cừu thiếu đầu. Có đôi cánh, như miếng che mắt ngựa hai bên, chúng tôi rất khó nhìn lên, khó nhìn bao quát, bầu trời cũng như mọi vật. Nhưng chúng tôi vẫn làm được, từng mảnh một: đánh đầu thật nhanh, lên hoặc xuống, sang hai bên. Chúng tôi đã luyện cách nhìn thế giới ghép từ nhiều chớp nhoáng.
Bên phải, nếu được quyền đi, là một con phố dẫn ra sông. Có một nhà thuyền, bến đậu cho thứ thuyền đua hai mái, ngày xưa, có cả mấy cái cẩu nữa; cây, bờ cỏ xanh, có thể ngồi đó ngắm nước trôi, ngắm các chàng trai trẻ để tay trần, mái chèo vung trong nắng khi ganh nhau đòi thắng.
Đường tới sông sẽ ngang qua các tòa ký túc ngày xưa, già dùng làm việc khác, với những tháp tròn trông như cổ tích, sơn trắng, vàng, xanh. Khi nghĩ về quá khứ chúng ta chỉ chọn nhớ những gì đẹp đẽ. Ta muốn tin rằng tất thảy đều như vậy xưa kia.
Sân bóng đá cũng trên đường đó, nơi tổ chức các buổi Cứu chuộc Đàn ông. Và cả các trận bóng nữa. Vẫn còn có bóng.
Tôi không còn ra sông nữa, cũng không qua cầu. Không đi xe điện ngầm, dù có một bên ngay đằng kia. Chúng tôi không được phép lên, giờ xe có Vệ binh canh, không có lý do chính thức nào để chúng tôi xuống những bậc kia, lên chuyến xe dưới lòng sông kia, đi vào trung tâm thành phố. Chúng tôi muốn đi từ đây vào đó làm gì? Phải có ý đồ xấu và họ sẽ biết ngay.
Nhà thờ khá nhỏ, một trong những ngôi cất lên đầu tiên, từ nhiều trăm năm trước. Giờ không làm lễ nữa, chỉ làm bảo tàng, ở trong treo nhiều tranh, vẽ đàn bà mặc váy dài ảm đạm, khăn trắng quấn kín tóc, và đàn ông đứng thẳng, ăn bận tối màu, miệng không cười. Tổ tiên chúng tôi đấy. Vào cửa tự do.
Nhưng chúng tôi không vào, mà đứng trên lối đi, nhìn sân nhà thờ. Những bia mộ cũ còn đó, tiều tụy, xói mòn, đầu lâu xươmg chéo, memento mori, thiên thần mặt bột, đồng hồ cát vỗ cánh nhắc nhở thời gian trần thế chóng qua, và, sang những thế kỷ sau, những bình tro và thùy liễu, làm chỗ gửi thương khóc.
Họ vẫn chưa làm gì mấy tấm bia, và cả nhà thờ nữa. Chỉ thời đại vừa qua mới chướng mắt họ.
Ofglen gục đầu, như thể đang cầu nguyện. Lần nào cũng thế. Có lẽ, tôi nghĩ, cũng có một người, một người đặc biệt đã mất, trong ký ức cô ta; một người đàn ông, hay một đứa trẻ. Nhưng tôi không thể hồn nhiên mà tin được. Tôi nghĩ cô ta thuộc loại người nhất cử nhất động đều là trình diễn, mỗi động tác đều được tính toán tác động. Cô ta làm thế để được vẻ, tôi nghĩ thế. Cô ta sẵn lòng khai thác mỗi cử chỉ của mình.
Nhưng hẳn tôi cũng vậy thôi, trong mắt cô ta. Làm sao khác được?
Giờ chúng tôi đã quay lưng lại nhà thờ và đối diện thứ mình thực tình tới viếng: Bức tường.
Bức tường cũng đã nhiều trăm tuổi; hoặc hơn trăm, ít nhất. Cũng như vỉa hè, tường xây bằng gạch đỏ, và chắc xưa kia từng trống trơn nhưng đẹp đẽ. Giờ các cổng có lính canh và mới gắn đèn pha, xấu xí, vào các trụ sắt trên cao, dây thép gai giăng dọc chân tường, mảnh chai cắm vào lớp xi măng bên trên.
Không ai tự ý vào qua những cổng này. Các biện pháp dự phòng là để ngừa những kẻ muốn thoát ra, dù ngay việc tới được tận Bức tường, từ trong ra, vượt hệ thống báo động điện tử, cũng đã gần như bất khả.
Bên cổng chính có thêm sáu xác ngưòi đang đu đưa, dây quanh cổ, tay buộc vào nhau trước bụng, đầu bọc túi trắng ngật sang bên trên vai. Chắc sáng nay có một đợt Cứu chuộc Đàn ông. Tôi không nghe chuông. Chắc vì đã quen rồi.
Chúng tôi dừng lại, cùng lúc, như theo hiệu lệnh, và đứng yên nhìn lên mấy cái xác. Nhìn cũng không sao. Chúng tôi cần nhìn là khác: chúng treo ở đây, trên Bức tường này, chính là vì thế. Có lúc chúng ở đây suốt vài ngày, tới khi có loạt mới, để càng nhiều người có cơ hội nhìn thấy càng hay.
Những cái xác treo vào móc. Móc đóng thêm vào lớp gạch của Bức tường, chính vì mục đích này. Vẫn còn móc trống. Mấy cái móc trông như dụng cụ hỗ trợ người cụt tay. Hay những dấu hỏi bằng thép, lộn ngược, xoay ngang.
Chính những cái túi bọc đầu mới là đáng sợ nhất, đáng sợ hơn cả những khuôn mặt giấu bên trong. Chúng khiến những người này trông như đám búp bê chưa vẽ mặt; như bù nhìn, mà cách nào đó cũng đúng thế, bởi họ được đặt đây nhằm gây khiếp sợ. Hoặc như đầu họ chỉ là cái túi, nhồi đầy một chất gì đó mịn xốp, bột mì hay bột nhào chẳng hạn. Đấy là vì sức nặng sờ sờ của những cái đầu, sự trống rỗng, trọng lượng đang kéo chúng xuống mà không còn sự sống dựng chúng thẳng lên. Những đầu này là những số không.
Cho dù nếu nhìn thật lâu, như chúng tôi đang làm đây, vẫn có thể phân biệt các đường nét lờ mờ sau lớp vải trắng, như những bóng xám. Đầu họ là đầu người tuyết, khi mắt bằng than và mũi cà rốt đã rơi ra. Những đầu này đang tan chảy.
Nhưng trên một túi có máu, thấm qua lần vải trắng, chỗ lẽ ra là miệng. Nó vạch ra cái miệng thứ hai, màu đỏ nho nhỏ, cứ như có đám trẻ mẫu giáo cầm bút lông đậm tô vào. Khái niệm cười kiểu trẻ con. Miệng cười bằng máu này là cái rôt cuộc lưu mắt lại. Suy cho cùng không phải là người tuyết.
Mấy người này mặc áo choàng trắng, như bác sĩ hoặc khoa học gia. Không phải chỉ có bác sĩ và khoa học gia, còn những người khác, nhưng chắc sáng nay có một đợt thanh tẩy họ. Cổ mỗi người treo một tấm biển cho biết tội đem xử: hình vẽ bào thai người. Vậy họ là bác sĩ, ngày xưa, hồi những chuyện đó còn hợp pháp. Người tạo Thiên sứ, họ được gọi vậy, hay là gì khác nhỉ? Giờ họ bị lôi ra ánh sáng nhờ tra soát trong sổ sách bệnh viện, hoặc – khả năng này cao hơn, bởi hầu hết bệnh viện đã hủy toàn bộ giấy tờ kiểu đó ngay khi người ta thấy được có gì sắp xảy ra – nhờ những nguồn chỉ điểm: một bà cựu y tá chẳng hạn, hoặc hai bà thì đúng hơn, vì giờ lời chứng của riêng một người đàn bà không được chấp nhận nữa; hoặc một bác sĩ khác, hòng cứu lấy mạng mình; hoặc ai đó đã bị kết tội rồi, văng ra một kẻ thù cũ, hoặc văng bừa ra người khác, tuyệt vọng mặc cả lấy an toàn. Dù không phải lúc nào người chỉ điểm cũng được khoan hồng.
Những người đó, chúng tôi được dạy, cũng như tội phạm chiến tranh. Không thể biện hộ rằng chuyện họ làm là họp pháp vào thời đó: quy định tội danh này có hiệu lực hồi tố. Họ đã làm những việc vô luân và phải đem ra bêu gương, cho đám còn lại. Dù cũng không cần mấy. Đàn bà, thời buổi này, không ai tỉnh táo mà còn tìm cách tránh sinh nở – là giả sử cô ta may mắn được thụ thai.
Trước những xác ấy, người ta muốn chúng tôi cảm thấy thù hận và khinh bỉ. Cảm giác tôi không thế. Những xác trên Bức tường kia là những kẻ vượt thời gian, lạc đến từ thời đại khác. Họ từ quá khứ về đây.
Cảm giác của tôi là vô cảm. Cảm giác của tôi là không được có cảm giác gì. Cảm giác của tôi phần nào còn là nhẹ nhõm, bởi trong số đó không có Luke. Luke ngày xưa không phải bác sĩ. Anh không phải là bác sĩ.
Tôi nhìn cái miệng cười màu đỏ lẻ loi. Màu đỏ ấy cũng là màu đỏ hoa uất kim hương trong vườn Serena Joy, gần đế hoa nơi bắt đầu lành lại. Cùng một màu đỏ nhưng không mối liên quan, uất kim hương không làm bằng máu, miệng cười đỏ không phải là hoa, cả hai không lý giải gì cho cái còn lại. Không thể vì hoa mà phủ nhận kẻ treo cổ, hay ngược lại. Mỗi vật đều có lý tồn tại riêng, và đều tồn tại đó. Và qua một rừng đầy những vật có lý như vậy tôi phải chọn lối mình, từng ngày, qua từng lối. Tôi bỏ rất nhiều sức cho những phân biệt đó. Tôi cần chúng. Tôi cần phải rạch ròi, trong tâm não.
Tôi cảm thấy còn run rẩy chạy qua người đàn bà bên cạnh. Cô ta khóc chăng? Như thế giúp cô ta tỏ vẻ ở chỗ nào được chứ? Tôi không thể trả giá để tìm hiểu được. Tay tôi đây đang siết chặt quai giỏ, tôi thấy thế, tôi sẽ không để lộ gì.
Bình thường, dì Lydia bảo, là những gì cô quen thấy xảy ra. Lúc này có thể cô nghĩ nó chưa bình thường, nhưng sau một thời gian sẽ khác. Nó sẽ trở thành bình thường.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.