Chuyện Người Tuỳ Nữ

CHƯƠNG 4: PHÒNG ĐỢI



8
Thời tiết đẹp vẫn nấn lại. Cứ như đã tháng Sáu, để ta lôi kính râm va xăng đan ra đi mua kem ốc quế. Có ba cái xác mới trên Bức tường. Một là linh mục, vẫn còn mặc áo thụng đen. Nó được khoác vào người ông ta, khi ra tòa, dù bản thân họ đã bỏ không mặc từ nhiều năm trước, khi hỗn chiến tông phái mới bắt đầu; áo giáo chức tố họ rành rành ra đấy. Hai người kia cổ đeo tấm biển màu tía: Phản bội giới. Xác còn mang cảnh phục Vệ binh. Bị bắt tại trận, hẳn rồi, nhưng ở đâu? Trong doanh trại, trong phòng tắm? Khó đoán được. Người tuyết miệng cười đỏ bị dỡ đi rồi.
“Chúng ta về thôi,” tôi bảo Ofglen. Lúc nào cũng là tôi lên tiếng. Đôi khi tôi tưởng giá mình không nói, cô ta sẽ đứng đây hết đời. Nhưng để thương khóc, hay đang khoái trá? Tôi vẫn không đoán được.
Không nói một lời cô xoay lại, như được điều khiển bằng giọng nói, như có lắp ở chân những bánh xe nhỏ bôi dầu, như con búp bê trong hộp nhạc. Tôi thù vẻ duyên dáng này. Tôi thù cái đầu lành hiền, cúi thấp như trước con gió mạnh. Mà có gió đâu.
Chúng tôi rời Bức tường, trả lại theo đường đã đến, trong nắng ấm.
“Một ngày tháng Năm rất đẹp,” Ofglen nói. Tôi cảm thấy, hơn là nhìn thấy, đầu cô ngoảnh về tôi, chờ được trả lời.
“Quả có thế,” tôi nói. “Sáng danh,” tôi thêm, như nghĩ lại. Ngày tháng Năm. Mayday. Đó từng là một tín hiệu gặp nạn, từ lâu lắm, một trong số những cuộc chiến ngày xưa có học ở trường. Tôi không ngớt lẫn lộn chúng với nhau, nhưng có thể phân biệt qua máy bay nếu chú tâm cho kỹ. Nhưng chính là Luke cho tôi biết về “mayday”. Mayday, mayday, cho những phi công khi máy bay trúng đạn, và tàu – cả tàu nữa nhỉ? – giữa khơi. Hình như là SOS cho tàu. Tôi ước mình có thể đi tra cái đó. Và một đoạn nhạc Beethoven, dân trước tin chiến thắng, ở một trong những cuộc chiến đó.
Em có biết nó từ đâu ra không? Luke nói. “Mayday” ấy?
Không, tôi nói. Từ đó dùng vào đây thì hơi lạ, đúng không?
Báo sáng và cà phê, các sáng Chủ nhật, trước khi con sinh. Van còn có báo, thời đó. Chúng tôi thường đọc ngay trong giường.
Đấy là tiếng Pháp, anh nói. Biến âm m’aidez.
Cứu tôi.
Đang tiến về phía chúng tôi một đoàn xe nhỏ, một đám tang: ba người đàn bà, mỗi người một tấm mạng đen mỏng tang trùm qua khăn trên đầu. Một Vợ cần kiệm và hai người khác, đám thân nhân, cũng là Vợ cần kiệm, chắc bạn cô ta. Những chiếc áo sọc đã tàn tạ, khuôn mặt cũng thế. Một ngày kia, thời buổi khá hơn, dì Lydia bảo, sẽ không ai phải làm Vợ cần kiệm nữa.
Đi đầu là người chịu tang, người mẹ; cô ta ôm cái lọ nhỏ màu đen. Kích cỡ lọ cho biết nó đã lớn chừng nào thì lụi đi, bên trong cô, trôi thẳng về cõi chết. Hai hoặc ba tháng, quá bé chưa đủ xác định có phải là Phế nhi hay không. Những đứa lớn hơn, những đứa chết lúc sinh sẽ được đặt trong hộp.
Chúng tôi dừng lại, tỏ lòng tôn kính, lúc họ đi qua. Tôi không hiểu Ofglen có cảm thấy giống mình không, đau như bị đâm, ngay giữa bụng. Chúng tôi đặt tay lên ngực trái để những phụ nữ xa lạ kia hiểu mình đồng cảm với mất mát của họ. Dưới tấm mạng người đi đầu quắc mắt nhìn. Một trong hai người kia quay đi, nhổ lên hè đường. Các Vợ cần kiệm không ưa chúng tôi.
Chúng tôi đi qua các của hàng và lại tới thanh chắn, và được cho qua. Chúng tôi tiếp tục đi giữa những tòa nhà lớn bề ngoài trống rỗng, những thảm cỏ sạch cây dại. Ở góc đường gân ngôi nhà tôi tại nhiệm, Ofglen dừng lại, quay sang.
“Trong mắt Người,” cô nói. Lời chia tay chuẩn.
“Trong mắt Người,” tôi đáp, và cô hơi gật đầu. Cô ngần ngừ, như còn định nói thêm, nhưng rồi lại quay đi bước dọc phố. Tôi nhìn theo. Cô tựa như bóng phản chiếu của tôi, trong một tấm gương tôi đang dần rồi xa.
Trên lối xe vào, Nick lại đang cọ rửa chiếc Gió lốc. Anh ta đã cọ đến phần đuôi xe bằng crom. Tôi đặt bàn tay đi găng lên then cổng, mở ra, đẩy vào. cổng đóng lại sau lưng lách cách. Uất kim hương bên mép vườn đỏ hơn bao giờ hết, nở to, không còn là ly rượu nữa mà là chén lớn; bung mình vươn lên, muốn đi đâu? Suy cho cùng, chúng đều rông cả. Khi đã già chúng lộn ra ngoài, rồi chầm chậm bục ra, cánh rũ xuống như những mảnh vỡ.
Nick nhìn lên và bắt đầu huýt sáo. Rồi anh ta hỏi, “Đi vui chứ?”
Tôi gật đầu, nhưng không mở giọng trả lời. Anh ta không được phép nói với tôi. Tất nhiên một số sẽ thử, dì Lydia bảo. Xương thịt đều yêu đuối. Xương thịt đều là cỏ, tôi chữa lại trong đầu. Họ không đừng được, dì bảo, Chúa tạo ra họ như thế nhưng Chúa không tạo ra các cô như thế. Chúa tạo ra các cô khác hẳn. Định ranh giới là ở các cô. Rồi sau các cô sẽ được cảm tạ.
Trong vườn sau nhà, Phu nhân Chủ soái đang ngồi, trong chiếc ghế đã cho mang ra. Serena Joy, tên gì mà ngu. “Niềm vui thanh tĩnh”; nghe như một thứ thuốc bôi lên tóc, hồi đó, hồi xa xưa, cho thắng. Serena Joy, dòng chữ trên nhãn, hình cắt bóng một cái đầu đàn bà trên nền ô van hồng, mép viên vàng lượn sóng. Có đủ loại tên trên đời mà chọn, sao lại đi chọn cái này? Tên thật của bà chưa bao giờ là Serena
Joy, ngay từ hồi ấy. Tên thật của bà là Pam. Tôi đọc được trong tiểu sử của bà, trên một tạp chí điểm tin, mãi lâu sau lần đầu xem bà hát trong lúc mẹ tôi ngủ vùi sáng Chủ nhật. Khi đó bà đã đủ hệ trọng cần có một cái tiểu sử: Thời báo hay Tuần tin tức gì đó, hẳn thế. Khi đó bà không còn hát nữa, mà đi diễn thuyết. Bà rất giỏi việc này. Bà phát ngôn về tính thiêng liêng của gia đình, cổ động phụ nữ ở nhà. Bản thân Serena Joy không ở nhà, mà đi lập ngôn, nhưng thất bại đó được bà coi như hy sinh cá nhân cho phúc lợi toàn thể.
Khoảng thời gian đó, có kẻ mưu toan bắn bà nhưng trượt; người thư ký, đang đứng ngay sau, đã chết thay. Kẻ khác đặt bom xe bà nhưng phát nổ quá sớm. Dù có người bảo bà tự cài bom xe mình, để mua lòng người. Tình hình căng đến mức ấy rồi vậy.
Luke và tôi đôi lúc thấy bà trong bản tin đêm. Áo choàng tắm, mũ ngủ. Chúng tôi xem mớ tóc xổ ra và cơn cuồng loạn của bà, và những giọt lệ vẫn điều ra được tùy ý, và mascara chảy đen má. Tới khi đó bà đã trang điểm đậm hơn nhiều. Chúng tôi cho bà này hay hay. Hoặc ít ra là Luke cho bà ta hay hay. Tôi chỉ vờ thấy thế thôi. Thực tình tôi thấy bà hơi đáng sợ. Bà ta thành khẩn từ đầu đến cuối.
Giờ đây bà không còn lập ngôn nữa. Bà đã trở thành vô ngôn. Bà đã ở nhà, nhưng xem ra điều đó không hợp với bà. Giờ bà phải thịnh nộ tới mức nào, khi miệng muốn há thì quai lại mắc.
Bà đang nhìn những đóa uất kim hương. Cây can nằm bên cạnh, trên cỏ. Nửa mặt bà xoay về phía tôi, tôi thấy vậy khi đánh cái nhìn vội sang ngang lúc đi qua. Nhìn lâu chẳng ích gì. Không còn là khuôn mặt cắt bóng tròn trịa nữa, mặt bà giờ đang trên đà hóp lại, và tôi nghĩ về những thị trấn xây trên mạch nước ngầm, dãy dãy nhà cửa phố xá biến mất sau một đêm, thành cái đầm nhất dạ, hoặc những thị trấn mỏ sụp xuống hầm mỏ dưới chân. Hẳn có điều tương tự đã xảy ra với bà ta, một khi nhìn thấy chân tướng của những gì đang tới.
Bà không quay đầu lại. Bà không hề tỏ ý có thấy tôi, dù biết tôi ở đó. Tôi hiểu rõ bà có biết, nó như mùi ấy, cái sự biết của bà: một thứ mùi đồ chua, như sữa hỏng.
Không phải các ông chồng cần để mắt đề phòng, dì Lydia bảo, mà là các Phu nhân. Các cô phải luôn cố hình dung họ đang cảm thấy gì. Tất nhiên họ sẽ giết các cô. Đó là lẽ thường. Hãy cố thông cảm họ. Dì Lydia nghĩ mình rất giỏi thông cảm người khác. Hãy cố thương lấy họ. Tha thứ cho họ, vì họ không biết việc họ làm. Lần nữa nụ cười run rẩy, như kẻ ăn mày, hàng mi chơm chớp lối cận thị, đôi mắt ngước nhìn lên, qua mắt kính tròn vành thép, về phía cuối lớp học, như thể cái trần thạch cao sơn xanh đang mở ra và Chúa trên đám mây hồng ngọc trai màu phấn thoa mặt đang giáng thế qua mớ dây điện và vòi phun cứu hỏa. Các cô phải hiểu rằng họ là những người đàn bà thất bại. Họ không có khả năng…
Tới đây giọng dì vỡ ra, rồi khoảng lặng ngắn ngủi, và tôi nghe thấy tiếng thở dài, một tiếng thở dài tập thể dâng lên xung quanh. Sột soạt hay cựa quậy trong khoảng lặng là không khôn ngoan: dì Lydia trông lãng đãng thật đấy nhưng để mắt từng cử động. Vì vậy chỉ có thở dài.
Tươmg lai nằm trong tay các cô, dì tóm lại. Tay của dì dang về phía chúng tôi, cử chỉ cổ xưa vừa là cung hiến vừa là mời mọc, hãy tới đây, trong vòng tay ôm, trong tình đón nhận. Trong tay các cô, dì nói, nhìn xuống tay mình, cứ như chúng đã gợi ý cho dì. Nhưng trong đó không có gì hết. Tay dì trống rỗng. Chính tay chúng tôi mới phải đầy ắp tương lai, thứ tương lai có thể nắm lấy, nhưng không nhìn thấy được.
Tôi đi vòng tới cửa sau, mở ra, vào nhà, đặt giỏ xuống bàn bếp. Bàn đã chà sạch, không vương chút bột; mẻ bánh hôm nay, vừa nướng tức thì, đang nguội đi trên giá. Bêp tỏa mùi men, một mủi nhung nhớ. Mùi ấy nhắc về những căn bếp khác, những căn bếp của tôi. ấy là mùi mẹ; mặc dù chính mẹ tôi không bao giờ làm bánh. Ấy là mùi tôi, thời trước, khi tôi còn là mẹ.
Đó là một mùi phản trắc, và tôi biết mình cần phải cấm cửa nó đi.
Rita có đó, đang ngồi bên bàn, gọt vỏ và xắt nhỏ cà rốt. Cà rốt đã già, rất dày, để qua đông, đã phun rễ qua thời gian cất trữ. Cà rốt mới, mềm và nhợt, còn phải đợi vài tuần nữa. Con dao trong tay chị sắc và sáng loáng, đầy cám dỗ. Có được một cái tôi cũng muốn lắm.
Rita ngừng thái cà rốt, đứng dậy, nhấc các gói khỏi giỏ, gần như háo hức. Chị nóng ruột xem tôi mang gì về, dù lúc nào cũng nhăn nhó khi tháo bọc ra. Chẳng có gì tôi mang về làm chị hài lòng hoàn toàn cả. Chị đang nghĩ nếu là mình sẽ khá hơn nhiều. Giá để chị tự đi mua sắm, lấy về đúng cái chị muốn; chị ganh tị cuộc đi của tôi. Ở nhà này ai cũng ganh ai cái gì đó.
“Có cam đấy,” tôi nói. “Ở tiệm Sữa và mật, vẫn còn lại một ít.” Tôi dâng ý tưởng này cho chị như là tiến lễ, tôi muốn mua lấy ít thiện cảm. Tôi nhìn thấy cam từ hôm qua, nhưng chưa nói với Rita; hôm qua chị gắt gỏng quá đỗi. “Mai tôi sẽ lấy về, nếu chị đưa tôi phiếu cam.” Tôi chìa con gà cho chị. Hôm nay chị muốn lấy thịt nướng, nhưng hết mất rồi.
Rita làu nhàu, không biểu lộ chút hài lòng hay chấp thuận nào. Chị sẽ nghĩ sau, cần hiểu là thế, khi được thư thái một mình. Chị cởi dây buộc con gà, tháo miếng giấy bao. Chị ấn lên thân, bẻ gập một cánh, thọc ngón tay vào hốc bụng, lần tìm đống lòng mề. Con gà nằm trơ đó, không đầu không chân, nổi da gà như đang rét run.
“Hôm nay ngày tắm,” Rita nói, không nhìn tôi.
Cora vào bếp tử phòng kho sau nhà, nơi để chổi và que cọ sàn. “Gà kìa,” chị nói, gần như mừng rỡ.
“Giơ cả xương,” Rita nói, “nhưng cũng phải chịu thôi.”
“Không còn gì hơn cả,” tôi nói. Rita lờ đi.
“Tôi thấy thế là to rồi,” Cora nói. Chị ta bênh vực tôi chăng? Tôi nhìn chị ta, để xem có nên cười không; nhưng không, chị chỉ đang nghĩ tới món đồ ăn. Chị ta trẻ hơn Rita; ánh nắng, xiên xiên chiếu vào qua cửa sổ đằng Tây, tô rạng mái tóc rẽ đôi buộc túm ra sau. Chị hắn từng đẹp, cách đây chưa lâu. Có hai vết nhỏ, như lúm đồng tiền, trên hai tai chị, vết bấm khuyên đã liền.
“Bự,” Rita nói, “nhưng toàn xương. Cô phải bảo chứ,” chị ta bảo, nhìn thẳng vào tôi lần đầu tiên. “Cô thuộc đám xoàng xĩnh kia đấy chắc.” Chị ta muốn nói địa vị của Chủ soái. Nhưng theo ý khác, ý của chị ta, chị ta có nghĩ tôi thuộc loại xoàng xĩnh. Chị ta đã hơn sáu mươi, mọi định kiến đã xây kiên cố.
Chị ra bồn rửa, khua tay qua dưới vòi nước, thấm vào khăn lau bát. Khăn màu trắng có sọc màu lam. Khăn lau bát vẫn y như trước. Đôi lúc những chớp nhoáng đời thường kiểu ấy ập vào tôi đang mất cảnh giác, như phục kích. Cái bình thường, cái quen thuộc, một điều gợi nhớ, như một cú thoi. Tôi nhìn thấy tấm khăn, tách rời bối cảnh, và cố nén hơi. Với một số, cách nào đó, mọi sự chưa thay đổi gì nhiều lắm.
“Ai lo tắm?” Rita hỏi Cora, không hỏi tôi. “Tôi phải làm mềm con chim này đã.”
“Tôi sẽ làm sau,” Cora nói, “khi nào lau bụi xong.”
“Sao xong thì thôi,” Rita nói.
Họ nói về tôi cứ như tôi không nghe thấy. Với họ tôi chỉ là một việc nhà, giữa bộn bề việc khác.
Tôi bị giải tán rồi. Tôi nhặt giỏ lên, ra khỏi bếp theo sảnh về phía cây đồng hồ ông nội. Cửa phòng nghỉ đóng. Nắng vào qua cửa vòm bán nguyệt, rơi xuống sàn nhuốm sắc màu: đỏ và lam, tía. Tôi dợm bước vào đó, xòe rộng đôi bàn tay: tay hứng đầy hoa nắng. Tôi lên cầu thang: mặt tôi, xa cách, trắng nhợt và méo mó, nhốt giữa tấm gươmg dài, phồng ra như con mắt đang bị ấn. Tôi theo tấm thảm hồng pha xám dọc hành lang dài tầng trên, trở lại phòng.
Có ai đang đứng trên hành lang, gần cửa phỏng tôi ở. Hành lang nhập nhoạng, người này là đàn ông, lưng xoay về tôi; ông ta đang nhìn vào phòng, ánh sáng hắt ra khiến người ông tối sẫm. Giờ tôi thấy rồi, là Chủ soái, ông ta không được ở đây mới phải. Ông ta nghe tiếng tôi đến, quay lại, lưỡng lự, tiến lên, về phía tôi. Ông ta vi phạm luật, tôi làm gì đây?
Tôi dừng lại, ông ngừng bước, tôi không nhìn thấy mặt ông, ông ta đang nhìn tôi, ông ta muốn gì? Nhưng rồi ông lại tiến tới trước, bước tránh sang bên tránh chạm phải tôi, khẽ nghiêng đầu, đi mất.
Tôi đã được chỉ cho cái gì đó, nhưng là gì? Như quốc kỳ một nước chưa biết tên, thoáng hiện sau nếp đồi. Có thể là tấn công, có thể là dàn xếp, có thể là ranh giới, một lãnh địa lạ. Những tín hiệu giữa loài vật với nhau: mí mắt xanh cụp xuống, tai quặt ra sau, lông vũ trên cổ dựng lên. Răng nanh lộ ra chớp nhoáng, ông ta nghĩ mình đang làm cái chết tiệt gì đây chứ? Không có ai nhìn thấy ông ta. Hy vọng thế. Ông ta đã xâm nhập ư? Ồng ta đã vào phòng tôi ư? Tôi đã gọi là phòng tôi.
9
Ừ thì là phòng tôi. Rốt cuộc cũng phải có chốn nào đó tôi nhận là của mình chứ, ngay cả thời buổi này.
Tôi đang đợi, trong phòng mình, ngay lúc này đây là một phòng đợi. Khi tôi đi ngủ sẽ là phòng ngủ. Rèm vẫn còn lay động trong gió thoảng, mặt trời bên ngoài còn chiếu, dù không thẳng vào phòng. Mặt trời đã ngả về Tây. Tôi đang cố không kể chuyện, hay dù sao thì cũng không phải chuyện này.
Đã có ai đó sống trong phòng này, trước tôi. Ai đó cũng như tôi, hoặc tôi muốn tin là thế.
Tôi phát hiện ra ba ngày sau khi đến đây.
Tôi có nhiều thời gian cần tiêu đi. Tôi quyết định khám phá căn phòng. Không vội vã, cái kiểu vội vã trong phòng khách sạn, không chờ đợi bất ngờ nào, mở ra đóng vào hết ngăn kéo bàn lại đến cửa tủ, tháo vỏ quấn từng miếng xà phòng tí tẹo, ấn thử vào gối. Liệu có bao giờ tôi còn ở trong phòng khách sạn nữa không? Tôi đã lãng phí biết bao, những căn phòng ấy, thứ tự do không bị ai nhìn thay.
Phóng túng đi thuê.
Các buổi chiều, khi Luke vẫn còn phải trốn vợ anh, khi tôi vẫn còn là hư ảnh. Trước khi chúng tôi lấy nhau và tôi định hình. Tôi luôn luôn đến trước, nhận phòng. Không nhiều lần lắm, nhưng giờ như đã cả thập kỷ trước, cả thiên kỷ trước; tôi còn nhớ mình đã mặc gì, từng chiếc áo, tùng cái khăn. Tôi sẽ đi đi lại lại, chờ anh, bật ti vi lên rồi lại tắt, chấm nước hoa sau tai, Opium tôi nhớ. Đựng trong cái chai Trung Hoa, đỏ và vàng.
Tôi bồn chồn. Làm sao khi ấy tôi biết anh yêu tôi? Rất có thể chỉ là một cuộc tình loại đó. Sao chúng ta lại nói “chỉ” làm gì? Dù vào thời đó đàn ông đàn bà ướm thử nhau, vô định, như sắm bộ, bỏ đi cái nào không vừa.
Rồi sẽ có tiếng gõ cửa; tôi sẽ ra mở, vừa nhẹ nhõm vừa khao khát. Anh ngắn ngủi biết mấy, anh cô đọng biết mấy. Vậy mà anh cũng dường như bất tận. Chúng tôi sẽ nằm trên những chiếc giường ban chiều, khi đã xong, tay đặt trên mình nhau, bàn đi bàn lại. Có thể, không thể. Làm được gì đây? Chúng ta đã nghĩ mình gặp những vấn đề không thể vượt qua. Làm sao khi ấy chúng ta biết mình đang hạnh phúc?
Nhưng giờ chính những căn phòng tôi cũng nhớ, nhớ luôn những bức tranh khủng khiếp trên tường, vẽ cảnh trút lá mùa thu hay tuyết tan trên rừng rậm, hoặc phụ nữ ăn bận cổ trang, mặt búp bê sứ, váy khung phồng và dù che nắng, hay những chú hề mặt buồn, hoặc bát hoa quả, cứng đà, bệt như phấn. Khăn bông trắng muốt chờ phá hoại, giỏ rác há hoác miệng mời chào, đón đợi món rác bay vào cẩu thả. Cẩu thả à. Tôi đã từng cẩu thả, trong những phòng ấy. Chỉ cần nhấc điện thoại là đồ ăn sẽ hiện ra trên khay, đồ ăn tôi chọn lấy. Loại đồ ăn không có lại cho sức khỏe, hẳn rồi, và đồ uống nữa. Có những cuốn kinh trong tủ quần áo, của hội phước thiện nào đó đặt vào, dù dễ thấy chẳng mấy ai sờ đến. Có cả bưu thiếp nữa, chụp hình khách sạn đang ở, có thể viết lên rồi gửi cho ai cũng được. Một điều phi khả thủ làm sao, lúc này; như là sản phẩm của trí tưởng tượng.
Thế là tôi đã khám phá căn phòng này, không vội vã, như ở phòng khách sạn, không phung phí. Tôi không muốn tìm hiểu xong một lúc, tôi muốn lâu dài. Tôi chia phòng thành từng khoảnh, trong đầu, dành cho mình mỗi ngày một khoảnh. Khoảnh đó tôi sẽ xem xét tỉ mỉ hết sức: lớp vừa lồi lõm dưới giấy dán tường, những vết xước xát trên ván chân tường và bệ cửa số, dưới lớp son trên cùng, những vết bẩn trên đệm, bởi tôi còn làm cả việc lật chăn và ga, cuốn lại, mỗi lần một chút, để có thể trả lại thật nhanh nếu có người đến.
Vết bẩn trên đệm. Như những cánh hoa khô. Lâu rồi. Yêu đương cũ; trong phòng này giờ không có lối yêu đương nào khác.
Khi trông thấy nó, bằng cứ do hai con người để lại, về tình yêu hay cái gì tương tự, ít ra là thèm muốn, ít ra đụng chạm, giữa hai người có thể đã già hay đã chết, tôi đậy lại giường và nằm lên trên. Tôi nhìn lên con mắt thạch cao mù trên trần. Tôi muốn cảm thấy Luke nằm cạnh. Tôi vẫn gặp chúng, những đợt tấn công từ quá khứ, như cơn mê, như đợt sóng táp qua đầu. Nhiều lúc thật khó mà chịu nổi. Phải làm gì đây, phải làm gì đây, tôi nghĩ. Chẳng làm gì được. Họ cũng phụng vụ Người, cả những ai chỉ đứng mà đợi. Hoặc nằm yên mà đợi. Tôi biết tại sao cửa sổ lại lắp kính không vỡ, và tại sao họ tháo chùm đèn xuống. Tôi muốn cảm thấy Luke nằm cạnh, nhưng không đủ chỗ.
Tôi dành lại cái tủ đến ngày thứ ba. Tôi nhìn thật kỹ cánh cửa trước hết, hết trong lại ngoài, rồi vách tủ có những móc đồng – sao họ lại bỏ qua móc nhỉ? Sao không gỡ đi? Quá gần sàn ư? Nhưng có gì đâu, một chiếc tất dài, chỉ cần có thế. Và gióng ngang treo mắc áo nhựa, áo tôi đang mắc đó, tấm áo choàng len đỏ không tay phòng trời lạnh, chiếc khăn san. Tôi quỳ xuống xem xét sàn tủ, và kia, nét chữ li ti, vẻ còn khá mới, vạch bằng đầu kim hay có khi chỉ là móng tay, ở góc chìm trong bóng tối dày đặc nhất: Nolite te bastardes carborundorum.
Tôi không biết thế nghĩa là gì, thậm chí không biết là tiếng gì. Tôi đoán có thể là La tinh, nhưng tôi không biết tiếng La tinh. Dù sao nữa, vẫn là một thông điệp, một thông điệp bằng chữ, nội như thế đã đủ thành cấm vật, và đến tận giờ vẫn chưa bị phát hiện. Trừ tôi, đối tượng nó gửi tới. Nó gửi tới bất kỳ ai đến sau.
Ngầm nghĩ về thông điệp này làm tôi thích thú. Tôi thích thú mà nghĩ mình đang giao tiếp với cô, người đàn bà bí mật. Bởi cô ta quả là bí mật, hoặc nếu được biết tới đi nữa, cũng chưa bao giờ có ai nhắc đến cho tôi. Tôi thích thú biết rằng thông điệp cấm của cô đã vượt qua, tới được ít nhất một con người khác, khi đặt vào dán mình lên vách tủ tôi, đã được tôi mở ra và đọc. Đôi lúc tôi lặp lại từng chữ cho mình. Chúng mang lại một niềm vui nho nhỏ. Khi tưởng tượng người đàn bà đã viết dòng này, tôi mường tượng cô ta khoảng tuổi tôi, có thể trẻ hơn chút ít. Tôi biến cô thành Moira, Moira của thời đại học, ở phòng kế tôi: nhỏng nhảnh, hoạt bát, vận động viên cưỡi xe đạp một thời, và ba lô chuyên đổ đi bộ đường dài. Lắm tàn nhang, tôi hình dung; ưa nhạo báng, nhiều mưu lược.
Tôi tự hỏi cô tùng là ai, hay đang là ai, và đã trở thành gì.
Tôi đã thử khai thác Rita, hôm tìm thấy thông điệp.
Người từng ở trong phòng đó là ai? tôi hỏi. Trước tôi ấy? Nhỡ tôi đã hỏi khác đi, nhỡ tôi đã hỏi, Có người nào Ở phòng đó trước tôi phải không? Có thể đã chẳng đi đến đâu.
Cô nào? chị ta hỏi; giọng chị ác cảm, ngờ vực, nhưng nghĩ lại hầu như lúc nào chị ta cũng giọng đó với tôi.
Nghĩa là không chỉ có một người. Có người không ở lại hết nhiệm kỳ hai năm. Có người đã phải chuyển đi, vì lý do nào ðó. Hoặc không phải chuyển ði – mà ra ði?
Cô lanh lợi ấy. Tôi đang mò. Cô có tàn nhang ấy.
Cô quen cô ta à? Rita hỏi, ngờ vực hơn bao giờ hết.
Hồi trước, tôi nói dối. Tôi nghe biết cô ta ở đây.
Rita chắp nhận lời này. Chị ta hiểu chắc phải tồn tại một mạng lưới thông tin, một dạng truyền thông ngầm nào đó.
Cô ta không thành công, chị nói.
Cụ thể ra sao? tôi hỏi, cô càng dửng dung càng tốt. Nhưng Rita đã mím chặt môi. Ở nhà này tôi như đứa trẻ, có những điều không được kể cho tôi. Điều gì không biết thì không hại đến cô, chị ta sẽ chỉ nói thế.
10
Đôi lúc tôi hát cho mình nghe, trong đầu: thứ gì đó thật bi thương, u sầu, nhuốm mùi Trưởng lão:
Ân sủng tuyệt trần, âm thanh huyền diệu.
Cứu nổi con kẻ khốn khó này.
Xua lạc lối, nhưng nay về lại lối.
Cởi xích xiềng xưa, lại tự do rồi.
Tôi không biết lời đã đúng chưa. Tôi không nhớ nổi. Những bài kiểu đó không còn hát tràn lan nữa, nhất là nếu có những chữ như “tự do”. Chúng được xếp vào loại tối nguy hiếm. Chúng thuộc về những tông phái phi pháp.
Cô đơn quá đỗi, cưng ơi,
Cô đơn quá đỗi.
Cô đơn buồn muốn chết rồi.
Cả bài này cũng phi pháp. Tôi học được từ một băng cát xét cũ của mẹ; mẹ có một cái máy lạo xạo ưa phản thùng, vẫn còn chơi được loại băng đó. Mẹ thường bật băng khi có bạn bè qua chén thím chén dì.
Tôi ít khi hát như thế này. Nó làm họng tôi đau nhức.
Trong nhà này ít có âm nhạc, trừ phát trên ti vi. Đôi lúc Rita cũng ư ử, trong lúc nhào bột hay gọt vỏ: một làn điệu không lời, không âm sắc, không đo. Và đôi lúc tù phòng nghỉ chính vang lên giọng eo éo của Serena Joy, trong một cái đĩa rất xưa già đem ra vặn rất nhỏ, để không ai bắt gặp đang nghe trong lúc ngồi đan lát, nhớ về vinh quang xưa cũ đã bị cắt lìa: Hallelujah.
So với tháng này thì trời khá ấm. Nhà xây kiểu này nóng hực lên khi trời nắng, độ cách nhiệt không đủ. Không khí quanh tôi vánh lại, dù có luồng gió nhẹ phả vào qua đôi rèm. Tôi những muốn đẩy cửa mở hết cỡ. sắp đến lúc được phép thay áo mùa hè rồi.
Áo hè đã bỏ khỏi gói và treo vào tủ, hai chiếc, trăm phần trăm cô tông, khá hơn mấy thứ rẻ tiền bằng vải tổng hợp dù khi trời nồm, quãng tháng Bảy, Tám, mặc vào vẫn đổ mồ hôi. Dù sao cũng không phải lo bắt nắng, dì Lydia bảo. Mấy trò hề đàn bà ưa đóng. Bôi dầu đẫm người như thịt nướng xiên, phơi trần lưng và vai ra, trên phố, giữa bàn dân thiên hạ, cả chân nữa, tất cũng chang thèm đi, hèn nào mấy của ấy chẳng nảy ra. Của, chữ dì thường dùng khi cái thứ được nó đại diện dù là gì ghế tởm hoặc bẩn thỉu hoặc kinh khủng đến nỗi không thể cho phép lọt qua môi dì. Một cuộc đời viên mãn theo dì là cuộc đời tránh được mọi thứ của, loại trừ mọi thứ của. Những của ấy không nảy ra trong đời đàn bà ngoan. Lại không tốt cho da nữa, không tốt chút nào, làm các cô nhăn nheo như táo tàu. Nhưng chúng tôi không được phép lo tới da mình nữa, điều này thì dì quên.
Trong công viên, dì Lydia bảo, nằm ườn trên chăn, đôi lúc cả đàn ông đàn bà chung chạ, và tới đó dì bắt đầu khóc, vẫn đứng trên đó trước mắt chúng tôi, lồ lộ.
Tôi chỉ đang cố hết sức, dì nói. Tôi đang cố tạo cho các cô cơ hội tốt nhất có được. Dì hấp háy mắt, ánh sáng quá chói với dì, miệng dì run rẩy quanh hàng răng trước, hơi chìa ra, dài và cáu vàng, và tôi nhớ tới lũ chuột chết tìm thấy trên bậc cửa, hồi còn sống trong một ngôi nhà, tất cả ba chúng tôi, cả mèo là bốn, chính tác giả những lễ phẩm ấy.
Dì Lydia đưa tay bụm lên cái miệng chuột chết. Sau một phút dì bỏ tay ra. Tôi cũng muốn khóc bởi dì lại làm tôi nhớ. Giá cô ả đừng có chén trước nửa con, tôi bảo Luke.
Cũng đừng nghĩ với tôi thì dễ dàng, dì Lydia bảo.
Moira, ào vào phòng như gió, buông rơi áo bò lửng trên sàn. Có thuốc không, cô hỏi.
Trong túi xách ấy, tôi nói. Nhưng không có diêm. Moira lục túi tôi. Cậu nên quẳng mấy thứ bậu xậu này đi, cô nói. Tớ sắp tổ chức tiệc bán đồ lót.
Tiệc gì cơ? tôi hỏi. Cố làm việc cũng chẳng ăn thua, Moira sẽ không cho phép, cô như con mèo ưa ngôi phệt lên trang sách giữa lúc người ta cô đọc.
Ừm, thì giống như tiệc bán đồ bếp Tupperware đó, có điều là đồ lót thôi. Dành riêng cho bè lũ điếm đàng. Đũng viền ren với nịt tất chun nhé, áo chip nâng hàng. Cô tìm ra bật lửa của tôi, châm điếu thuốc móc từ túi tôi ra. Làm miếng không? Hẩy mấy thứ đồ qua, hào phóng quá đáng, nếu nhớ rằng toàn là đồ của tôi.
Vô vàn cảm tạ, tôi nói kháy. Cậu điên rồi. Ở đâu ra ý tưởng này vậy?
Làm việc để sống qua đại học thôi, Moira nói. Tớ có nhiều mối. Bạn bè của mẹ. Ở ngoại ô rầm rộ lắm, hễ da mồi một phát là các bà ấy nghĩ cần phải ganh đua bằng được. Rồi siêu thị kích dục và đủ thứ nữa.
Tôi cười bò ra. Cô lúc nào cũng khiến tôi cười.
Nhưng ở đây ư? tôi nói. Ai sẽ đến? Ai cần nó đây?
Học không có tuổi nào quá sớm, cô nói. Hào hứng lên đi, sẽ vui ra trò. Chúng mình sẽ cười vãi ra quần mà xem.
Chúng tôi đã sống thế ư, hồi ấy? Nhưng chúng tôi vẫn sống như thường. Mọi người đều vậy, nói chung luôn thế. Dù đang diễn ra gì nữa thì cũng như thường. Ngay cả giờ đây cũng như thường, như hiện nay.
Chúng tôi đã sống tiếp, như thường, bằng cách làm ngơ. Không phải như ai đã ngơ ngẩn sẵn, cái đó phải dụng công mới làm được.
Không có gì thay đổi ngay tức khắc: trong thùng tắm nóng dần đều người tắm sẽ bị đun đến chết trước khi kịp nhận ra. Trên báo có nhiều chuyện, tất nhiên, xác người dưới cống hay trong rừng, bị đập bằng chùy đến chết hay tùng xẻo, bị xâm hại, như người ta thường nói, nhưng là chuyện về những người đàn bà nào đó, và dính líu vào cũng là những đàn ông nào đó. Không ai trong số đàn ông chúng tôi quen. Chuyện trên báo giống như trong mơ, như cơn ác mộng của người nào đó. Kinh khủng quá, chúng tôi nói vậy, và quả là kinh khủng, nhưng kinh khủng mà không tin được. Chúng quá giống kịch, chúng thuộc chiều không gian khác, không phải trong đời chúng tôi.
Chúng tôi là những người không lên báo. Chúng tôi sống ở lề giấy trắng trơn. Như thế có tự do hơn.
Chúng tôi sống ở khoảng trống giữa các câu chuyện.
Từ bên dưới, lối xe vào, tiếng động vọng lên, xe nhà đang nổ máy. Khu này yên tĩnh, không mấy xe cộ, mọi âm thanh đều nghe rất rõ: tiếng động cơ xe, tiếng máy cắt cỏ, tiếng xén hàng giậu, tiếng cửa dập đánh sầm. Tiếng quát tháo cũng sẽ nghe rõ, hay tiếng súng, nếu có bao giờ vang lên ở đây. Đôi lúc xa xa có tiếng còi hụ.
Tôi ra cửa sổ ngồi lên bệ, quá chật không đủ thoải mái. Có cái gối cứng nho nhỏ đặt đó, vỏ thêu mũi nhỏ: ĐƯC TIN, chữ in hoa, xung quanh một vành hoa huệ. ĐỨC TIN màu lam đã bợt, lá huệ màu xanh lục xỉn. Gối này xưa đã dùng nơi khác, tã rồi nhưng chưa đáng vứt đi. Không hiểu vì sao người ta lại bỏ qua nó.
Tôi có thể ngồi hàng phút, hàng chục phút, đưa mắt săm soi hàng chữ: ĐỨC TIN. Thứ duy nhất có cho tôi đọc. Nếu tôi bị bắt gặp đang làm thế, thì có sao không? Tôi có tự mình đặt chiếc gối ở đây đâu cơ chứ.
Động cơ nổ ran, và tôi vươn người tới, kéo rèm trắng quá mặt, như tấm mạng. Rèm gân như trong suốt, nhìn qua được. Nếu tì trán vào kính nhìn xuống, tôi có thể thấy nửa sau chiếc Gió lốc. Không có ai, nhưng lát sau tôi thấy Nick đi vòng ra cửa sau, mở ra, đứng dơ người bên cạnh. Giờ mũ anh ta đội thẳng, ông tay thả xuống cài cúc cẩn thận. Nhìn từ trên xuống tôi không thấy mặt anh.
Giờ Chủ soái đang ra khỏi nhà. Tôi chỉ thoáng thấy ông ta một chốc, ngắn lại còn mẩu, đang bước tới xe. Ông ta không đội mũ, vậy là không dự họp hành chính thức gì. Tóc đã ngả xám. Tóc bạc, hãy gọi thế để làm con người nhân hậu. Tôi không có hứng làm người nhân hậu. Ông trước bình vôi trọc lốc, nên chắc đây có thể coi là tiến bộ.
Giá tôi biết nhổ bọt, từ cửa sổ, hay quăng cái gì đó xuống, cái gối này chẳng hạn, biết đâu sẽ trúng ông ta.
 
Moira và tôi, lô túi giấy căng phồng nước. Bom nước, gọi là thế. Vắt người qua cửa sổ phòng ký túc, quăng xuống đầu bọn con trai phía dưới. Là Moira nghĩ ra. Chúng đang cố làm gì chứ? Lấy thang trèo lên, muốn cướp một số thứ. Đồ lót của chúng tôi.
Ký túc xá đã từng chung cho hai giới, tầng chúng tôi một phòng vệ sinh vẫn còn bồn tiểu nam gắn trên tường. Nhưng khi tôi tới đó người ta đã trả lại mọi vật về như cũ.
Chủ soái khom người, vào xe, biến mất, và Nick đóng cửa lại. Một giây sau chiếc xe đã lùi lại, qua cổng, xuống đường, biến mất sau hàng giậu.
Tôi cần phải căm ghét người này. Tôi biết mình cần phải thế, nhưng lại thực không thấy thế. Cảm giác của tôi phức tạp hơn nhiều. Tôi không biết phải gọi là gì. Không phải là tình yêu.
11
Sáng hôm qua tôi đi khám. Được đưa đi, nhờ một Vệ binh, một trong đám mang băng tay đỏ chuyên trách loại việc này. Đi xe màu đỏ, anh ta ghế trước, tôi ghế sau. Không có cái bóng nào kèm theo, trong những dịp này tôi có một mình.
Tôi được đưa đi khám mỗi tháng một lần, làm đủ thứ xét nghiệm: nước tiểu, hooc môn, khám nghiệm ung thư, thử máu; cũng như ngày xưa, có điều giờ là bắt buộc.
Phòng khám nằm trong một tòa nhà văn phòng hiện đại. Chúng tôi đi thang máy lên, yên lặng, viên Vệ binh đối mặt với tôi. Nhìn vách thang máy đen bóng như gương tôi thấy được gáy anh ta. Tới phòng khám, tôi đi vào; anh ta đợi bên ngoài, trong sảnh, với các Vệ binh khác, trên dãy ghé đặt riêng cho họ.
Trong phòng đợi có mấy người đàn bà nữa, ba người tất cả, toàn áo đỏ: đây là phòng khám chuyên khoa. Chúng tôi lén lút nhìn nhau, đo cỡ bụng từng người: có ai số đỏ không? Hộ lý nhập tên chúng tôi và mã số trên thông hành vào máy Ý vi tính, xem có ai nhận xằng thân phận. Anh ta cao thước tám, quãng bốn mươi, có vết sẹo vắt chéo má; anh ta ngồi mà gõ, tay to quá khổ so với bàn phím, súng lục vẫn giắt trong bao trên vai.
Khi nghe gọi đến mình tôi đi qua cửa vào phòng trong. Phòng sơn trắng, bài trí sơ sài, cũng y như phòng ngoài, trừ tấm bình phong gập, vải đỏ căng trên khung, trên vẽ một Con mắt vàng, với thanh kiếm có đôi rắn quấn quanh dựng thẳng bên dưới, như một cái chuôi. Rắn và kiếm, những mảnh vụn biểu tượng còn sót lại.
Sau khi đi đày cái lọ nhỏ để sẵn trong ngăn vệ sinh, tôi cởi bỏ quần áo, sau tấm bình phong, gấp gọn lại để trên ghế. Người trần như nhộng, tôi nằm lên bàn khám, trên tấm ga giấy dùng một lần lạo xạo đến ghế răng. Tôi kéo tấm thứ hai, bằng vải, trùm kín người. Ngang cổ có một tấm nữa, buông từ trần xuống. Nó cắt đôi người để bác sĩ không nhìn thấy mặt tôi. Ông ta chỉ làm việc với một tấm thân.
Khi đã đâu vào đấy tôi vươn tay ra, lần tìm cái cần bên phải bàn, kéo lại. Chuông sẽ reo ở đâu đó, tôi không nghe được. Một phút sau cửa mở, tiếng chân bước vào, tiếng thở. Ông ta không được nói chuyện với tôi trừ khi bắt buộc. Nhưng tay bác sĩ này khá lắm lời.
“Chúng mình ra sao rồi?” ông hỏi, một tật ngôn ngữ còn lại từ thời trước. Tấm ga được nhấc lên khỏi da thịt, luồng gió làm tôi nổi gai ốc. Một ngón tay, bọc cao su lạnh như thạch đông, luồn vào bên trong tôi, tôi bị sờ nắn, ấn thọc. Ngón tay rút ra, vào lối khác, rút lui.
“Không trục trặc gì cả,” viên bác sĩ nói, cứ như cho riêng mình nghe. “Có đau gì không, bé yêu?” Ông ta gọi tôi là bé yêu.
“Không,” tôi nói.
Đen lượt ngực tôi bị nắn bóp, tìm hiểu xem chín, rữa. Luồng hơi thở đến gần hơn. Tôi ngửi thấy mùi khói ám, nước hoa cạo râu, tàn thuốc bám trên tóc. Rồi giọng nói, rất nhẹ, ngay gần đầu tôi: ông ta đó, đầu chúi vào tấm màn.
“Tôi có thể giúp cô,” ông ta nói. Thầm thì.
“Sao?” tôi nói.
“Suỵt,” ông ta nói. “Tôi có thể giúp cô. Tôi đã giúp nhiều người rồi.”
“Giúp tôi?” tôi nói, giọng cũng khẽ như vậy. “Làm sao được?” Ông ta biết gì, ông ta có thấy Luke, ông ta đã tìm được, ông ta có mang được anh về?
“Thì cô nghĩ sao?” ông ta hỏi, vẫn thì thào khó nghe thấy. Có phải tay ông ta, đang lần ngược lên chân tôi? Ông ta đã tháo bỏ găng. “Cửa khóa rồi. Không ai vào đâu. Sẽ chẳng ai biết không phải của lão ấy.”
Ông ta vén tấm màn. Nửa mặt dưới lấp trong khẩu trang y tế trắng, đúng quy tắc. Hai mắt nâu, cái mũi, cái đầu tóc nâu. Bàn tay đang nằm giữa hai chân tôi. “Phần lớn đám sọm ấy không làm nối nữa,” ông ta nói. “Hoặc đã vô sinh.”
Tôi suýt hụt hơi: ông ta vừa nói một từ bị cấm. Vô sinh. Thời nay không còn tồn tại đàn ông vô sinh nữa, trên lý thuyết. Chỉ có đàn bà mắn và đàn bà điếc, theo luật định.
“Rất nhiều đàn bà làm thế,” ông ta tiếp. “Cô muốn có con, phải không?”
“ Phải,” tôi nói. Đúng vậy, và tôi không hỏi tại sao, vì đã biết. Cho tôi có con đi, không thì tôi chết mất. Lời đó không chỉ có một cách hiểu.
“Cô đã xốp rồi,” ông ta nói. “Đúng thời điểm. Hôm nay hoặc ngày mai là được, vậy sao để phí cơ hội? Sẽ chỉ mất chừng phút thôi, bé yêu.” Chắc ông ta từng gọi vợ thế, ngày xưa; có thể giờ vẫn vậy, nhưng thực tình đó là một thuật ngữ chỉ loại. Chúng tôi ai cũng là bé yêu.
Tôi lưỡng lự. Ông ta đang hiến bản thân mình cho tôi, để phục vụ tôi, tự mình cũng chấp nhận hiểm họa.
“Tôi ghét cái cảnh họ bắt cô trải qua,” ông ta rì rầm. Là thật, mối thông cảm thật; thế nhưng ông ta đang nhấm nháp chuyện này, thông cảm hay gì đi nữa. Mắt ông ta ướt vì xúc động, bàn tay di chuyển trên mình tôi, căng thẳng và nóng vội.
“Nguy hiểm lắm,” tôi nói. “Không. Tôi không làm được.” Đấy là tội chết. Nhưng phải bắt quả tang, với hai nhân chứng. Xác suất bao nhiêu, liệu phòng có gắn máy nghe, có ai đang rình bên cửa?
Bàn tay dùng lại. “Cứ nghĩ đi,” ông ta nói. “Tôi đã xem đồ thị của cô rồi. Cô không còn nhiều thời gian nữa. Nhưng đây là mạng sống của cô.”
“Cảm ơn,” tôi nói. Tôi phải tạo cảm giác mình không phẫn nộ, mình vẫn sẵn sàng lắng nghe. Ông ta rút tay về, gần như uể oải, cố tình nấn ná, đây chưa phải lời chót theo như ông hiểu. Ông ta có thể làm giả kết quả, kết luận tôi bị ung thư, không có khả năng sinh nở, đẩy tôi lên tàu tống ra khu Kiều dân, với đám Phê nữ. Không một điều nào được nói thành lời, nhưng ý thức về quyền lực đó vẫn lơ lửng trong không trung khi ông ta vỗ vào đùi non của tôi, rút lui sau tấm màn buông.
“Hẹn tháng sau,” ông ta nói.
Tôi mặc lại quần áo, sau bình phong. Hai tay run rẩy. Sao tôi sợ đến thế này? Tôi chưa vượt giới hạn nào, chưa đặt niềm tin nào, chưa liều gì cả, tất cả vẫn an toàn. Chính là việc có lựa chọn làm tôi khiếp hãi. Một lối thoát, một sự cứu rỗi.
12
Phòng tắm liền kề phòng ngủ. Giấy dán tường in hoa màu lam nhỏ, đừng-quên-tôi, màu rèm cũng hợp. Thảm chùi chân cũng màu lam, tam lót giả lông lam trên bệ xí; so với ngày xưa chỉ thiếu mồi con búp bê trùm váy che cuộn giấy dự phòng. Ngoại trừ gương trước bồn rửa đã bị lấy đi, thay bằng tấm thiếc thuôn dài, và cửa không ổ khóa, và không có dao cạo, dĩ nhiên. Ban đầu đã có vài vụ trong phòng tắm: cắt mạch, trầm mình. Trước khi người ta thanh toán xong mọi trục trặc. Cora ngồi trên ghế ngoài hành lang, trông chừng không cho ai vào. Trong phòng tắm, trong bồn tắm, các cô dễ bị tấn công, dì Lydia bảo. Dì không nói bởi cái gì.
Giờ tắm là bắt buộc, nhưng cũng là đặc ân. Chỉ cần nhấc bỏ đôi cánh trắng nặng trĩu với tấm mạng, chỉ cần lại cảm thấy tóc mình, trong tay mình, đã là đặc ân rồi. Tóc tôi giờ đã rất dài, không cắt. Tóc phải dài nhưng bọc kín. Dì Lydia bảo: thánh Paul đã phán hoặc thế, hoặc gọt nhẵn tận da. Dì cười, cái tiếng hí bị kìm nén đặc trưng, như vừa kể một chuyện vô cùng hài hước.
Cora đã vặn nước đầy bồn. Khói bốc mù như bát súp. Tôi trút nốt chỗ quần áo còn lại, áo choàng ngoài, áo cộc và váy lót trắng, tất dài đỏ, quần chẽn bằng cô tông. Quần tất làm háng thối ra, Moira thường nói thế. Dì Lydia sẽ không bao giờ dùng chữ háng thối. Với dì là thiểu vệ sinh. Dì muốn mọi thứ vệ sinh tuyệt đối.
Tấm thân để trần của chính mình đã kịp khiến tôi lạ lẫm. Thân thể tôi hình như đã lỗi thời. Thật sự là tôi từng mặc đồ tắm, trên bãi biển? Thật thế, không suy nghĩ, giữa đám đàn ông, không chút bận lòng chân tôi, tay tôi, đùi và lưng tôi đang phơi ra, ai cũng thấy. Dơ dáng, trơ tráo. Tôi tránh nhìn xuống cơ thể mình, không phải vì nó dơ dáng và trơ tráo, mà vì không muốn nhìn thấy nó. Không muốn nhìn một thứ định đoạt mình tuyệt đối đến vậy.
Tôi bước vào trong nước, nằm xuống, để nước ôm lấy mình. Nước như tay người mềm mại. Tôi nhắm mắt, và con đã ở đó bên tôi, đột ngột, không báo trước, chắc do hương xà phòng. Tôi úp mặt vào lớp tóc tơ sau gáy và hít mùi con, mùi phấn trẻ em và da thịt trẻ mới tắm cùng sữa gội, và ẩn hiện bên dưới, mùi nước tiểu lờ mờ. Con luôn ở tuổi ấy khi tôi vào bồn tắm. Con trở lại trong nhiều độ tuổi khác nhau. Nhờ thế mà tôi biết con không hắn là ma. Nếu là ma, lúc nào con cũng sẽ cùng một tuổi.
Một hôm, khi con vừa mười một tháng, ngay trước khi tập đi, có người đàn bà đã bắt cóc con từ xe đẩy hàng siêu thị. Hôm đó thứ Bảy, nghĩa là dịp Luke cùng tôi đi mua hàng mỗi tuần, bởi hai chúng tôi đều đi làm suốt tuần. Con đang ngồi trên ghế trẻ em bé xíu, xe siêu thị thường lắp hồi đó, có chỗ thả chân. Con đang rất hứng chí, còn tôi quay lưng lại, khu thức ăn cho mèo thì phải; Luke ở đầu kia cửa hàng, khuất tầm mắt, bên quầy thịt. Anh thích tự chọn thịt cho nhà ăn cả tuần. Anh nói đàn ông cần nhiều thịt hơn phụ nữ, và đây không phải là mê tín, cũng không phải anh dở hơi, khoa học đã chứng minh rồi. vẫn có những khác biệt nào đó, anh nói. Anh ưa nói vậy, làm như tôi cố chứng minh là không có. Nhưng anh thường nói câu đó nhất khi có mẹ tôi. Anh khoái trêu tức mẹ.
Tôi nghe thấy con khóc thét lên. Tôi quay lại và con đang biến đi cuối dãy hàng, trong tay một người đàn bà lạ mặt. Tôi rú lên, chị ta bị giữ lại. Chị ta ước ba lăm. Chị ta đang khóc lóc nói đây là con mình, Chúa đã ban nó cho chị, Người đã cho chị dấu hiệu. Tôi thấy thương chị ta. Chủ của hàng xin lỗi và họ giữ chị ta tới khi cảnh sát đến.
Chị này điên thôi, Luke nói.
Tôi nghĩ đó là một vụ cá biệt, vào hồi đó.
Con nhạt nhòa đi, tôi không giữ được, con biến mất rồi. Có thể đúng là tôi cũng coi con như một bóng ma, bóng ma một cô bé đã chết, một bé gái chết khi vừa năm tuổi. Tôi nhớ những bức ảnh chụp hồi xưa, tôi bế con, điệu bộ mau, mẹ và bé, giam trong một khung hình, để giữ an toàn. Mắt nhắm lại tôi thấy tôi của bây giờ, ngồi bên ngăn kéo mở, hoặc một cái rương, trong hầm, quần áo sơ sinh gấp lại cất vào đó, một món tóc, cắt hồi con hai tuổi, bỏ trong phong bì, màu bạch kim. Sau này nó có sẫm hơn.
Tôi không còn chúng nữa, áo quần và món tóc. Tôi tự hỏi số phận mọi thứ đồ của mình ra sao. Bị nẫng, bị quẳng đi, bị lấy mất. Bị tịch biên.
Tôi đã học được cách sống không cần quá nhiều đồ đạc. Nếu có nhiều đồ đạc, dì Lydia bảo, các cô sẽ bị trói buộc vào thế giới vật chất này mà quên đi những giá trị tâm linh. Các cô cần nuôi dưỡng tâm hồn nghèo khó. Phước thay những kẻ lành hiền. Dì không nói thêm gì về chuyện được đất hứa làm gia nghiệp.
Tôi nằm, nước lấp xấp qua người, bên ngăn kéo mở không tồn tại, nghĩ về bé gái chưa từng chết hồi lên năm; một bé gái vẫn còn tồn tại, tôi hy vọng thế, dù không phải vì tôi. Tôi có tồn tại với con không? Tôi có phải một tấm hình đâu đó, trong khoảng tối tận đáy trí óc con?
Họ hẳn đã bảo con là tôi chết rồi. Đó hẳn là cách họ sẽ nghĩ ra. Họ sẽ bảo như thế giúp con dễ thích ứng hơn.
Tám tuổi, chắc phải từng ấy rồi. Tôi đã điền đủ quãng thời gian đánh mất, tôi biết đã qua bao lâu. Họ nói phải, sẽ dễ hơn, nếu coi như con đã chết. Tôi sẽ không phải hy vọng, hay cô gắng uổng công. Dì Lydia bảo, việc gì phải húc đầu vào tường? Đôi khi dì có cách diễn đạt rất hình tượng.
“Tôi không có cả ngày đâu,” giọng Cora cất lên sau cửa. Phải, chị ta không có cả ngày. Chẳng thứ gì chị ta có trọn vẹn. Tôi không được tước đoạt thời gian của chị ta. Tôi xát xà phòng, lấy bàn chải và đá kỳ chà cho hết lớp da chết. Có những vật phẩm kiểu thanh giáo như thế đấy. Tôi muốn được sạch sẽ vô trùng, vô vi khuẩn, như bề mặt mặt trăng. Tôi sẽ không được cọ rửa mình lần nữa, chiều nay, sau đó cũng không, suốt một ngày. Làm thế có thể cản trở, họ nói thế, liều lĩnh làm gì?
Giờ đây tôi không thể tránh nhìn thấy nó, hình xăm nhỏ trên mắt cá. Bốn chữ số, một con mắt, một thứ hộ chiếu tác dụng ngược. Nhằm bảo đảm tôi sẽ không bao giờ tan biến, vĩnh viễn, vào một xứ sở khác. Tôi quá quan trọng, quá hiếm hoi, chuyện đó không được phép xảy ra. Tôi là tài nguyên quốc gia.
Tôi gỡ nút thoát nước, lau khô mình, choàng áo bông tắm đỏ. Áo mặc hôm nay bỏ lại đây, Cora sẽ lấy đem đi giặt. Trở vào phòng tôi mặc đồ lại từ đầu. Cỗ khăn trùm trắng tối nay không cần đến, vì tôi sẽ không đi đâu. Nhà này ai cũng đã thấy mặt tôi cả. Tấm mạng đỏ, tuy nhiên, vẫn trùm lấy mớ tóc ướt, lấy cái đầu chưa được gọt của tôi. Tôi đã xem phim ấy ở đâu nhỉ, đám đàn bà, quỳ giữa quảng trường thành phố, trong gọng kìm những bàn tay, tóc rớt xuống từng mảng? Họ đã làm gì? Chắc phải lâu lắm rồi, vì tôi không nhớ nổi.
Cora mang cho tôi bữa tối, đậy điệm kỹ, trên khay. Chị ta gõ cửa trước khi vào. Tôi ưa chị ở điểm đó. Chứng tỏ chị nghĩ tôi vẫn còn một ít cái trước kia gọi là quvền riêng tư.
“Cảm ơn chị,” tôi nói, đỡ lấy cái khay, và chị thực sự có cười với tôi, nhưng quay đi mà không trả lời. Khi còn có hai người chị có vẻ ngại tôi.
Tôi đặt khay lên cái bàn sơn trắng và kéo ghế lại. Tôi nhấc bỏ nắp đậy. Cái tỏi gà, nấu quá kỹ, vẫn hon là còn đỏ nguyên, chị ta chỉ có hai kiểu ấy. Rita có vô khối cách đánh tiếng sự ghẻ lạnh của mình. Khoai bỏ lò, đậu xanh, xa lát. Lê đóng hộp làm món tráng miệng. Dinh dưỡng đủ, dù có nhạt miệng. Có lợi cho sức khỏe. Các cô cần đủ sinh tố và khoáng chất, dì Lydia bẽn lẽn nói. Phải làm một bình chứa xứng đáng. Nhưng không được dùng cà phê hay trà, hay đồ uống có cồn. Khoa học chúng minh rồi. Còn có miếng khăn giấy, y như trong căng tin.
Tôi nghĩ đến những người khác, những người thiếu thốn. Đây là trung tâm, ở đây, tôi đang sống trong cảnh nuông chiều, cầu Chúa cho chúng con lòng thành tri ân, dì Lydia bảo, hay là tạ ân không biết, và tôi bắt đầu ăn. Tối nay tôi không đói. Bụng tôi nhộn nhạo lắm. Nhưng không biết bỏ thức ăn đi đâu, không có chậu cây nào, và tôi không có gan thử bồn cầu. Tôi căng thẳng quá, vậy thôi. Liệu có thể bỏ lại trên đĩa, nhờ Cora không mách? Tôi nhai rồi nuốt, nhai rồi nuốt, cảm giác mồ hôi vã ra. Trong bụng thức ăn vón thành cục, một nắm giấy bìa ẩm, nghiền ép chặt.
Dưới nhà, trong phòng ăn, sẽ có nến thắp trên bàn lớn bằng gỗ đào hoa tâm, khăn bàn trắng, dao nĩa bạc, hoa, ly đong đầy rượu. Sẽ nghe tiếng dao chạm đồ sứ lanh canh, tiếng keng khi bà bỏ nĩa xuống, thở dài một hơi khó nhận thấy, để lại gần nửa đĩa chưa đụng vào. Rất có thể bà sẽ nói mình không ngon miệng. Rất có thể bà sẽ chẳng nói gì. Nếu bà nói, liệu ông ta có đáp lời không? Nếu không nói, liệu ông ta nhận thấy? Tôi tự hỏi làm thế nào bà vẫn tìm cách khiến ông nhận thấy mình được. Hẳn là khó lắm.
Có một chấm bơ trên cạnh đĩa. Tôi xé một góc giấy ăn, bọc lấy chỗ bơ, mang ra tủ và nhét vào sâu trong mũi giày phải, đôi dự trữ, như đã làm trước đây. Tôi vò nát miếng giấy còn lại: hiển nhiên, sẽ không ai rỗi hơi vuốt phẳng nó ra, để xem thiếu mất mảnh nào. Tôi sẽ dùng đến nó sau, khi đã khuya. Bốc mùi bơ, tối nay, sẽ chẳng ích gì hết.
Tôi đợi. Tôi soạn sửa mình. Mình tôi là một vật giờ cần soạn sửa, như người ta soạn bài diễn văn. Tôi cần trình ra một vật nhân tạo, không phải một vật trời sinh.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.