Chuyện ở nông trại

Chương 7



Mùa đông năm ấy khắc nghiệt vô kể. Giông bão vừa ngớt, mưa đá và tuyết lại tới, rồi sương giá mãi đến giữa tháng Hai mới chớm tan. Lũ súc vật không quản nhọc nhằn cố xây lại cối xay gió, hiểu rõ cả thế giới bên ngoài đang dõi mắt theo chúng, đám con người ghen ăn tức ở hẳn sẽ khoái chí ăn mừng nếu cối xay không hoàn thành đúng tiến độ.

Lũ người đố kỵ giả vờ không tin rằng Tuyết Cầu đã phá hoại cối xay gió: bọn họ bảo rằng cối đổ vì tường xây quá mỏng. Lũ súc vật biết là không phải như thế. Tuy vậy, chúng vẫn quyết định lần này sẽ xây tường dày ba fut chứ không phải fut rưỡi nữa, nghĩa là lượng đá phải gom về tăng hơn rất nhiều. Mất một thời gian dài tuyết lấp đầy trong mỏ, chẳng làm ăn được gì. Đến mùa sương giá trời khô, tình hình có tiến triển một chút, nhưng khổ cực không kể xiết, và lũ súc vật chẳng còn thấy hào hứng như trước. Chúng lúc nào cũng rét, và cũng luôn đói. Chỉ Đấu Sĩ và Cỏ Ba Lá là chẳng bao giờ thối chí. Mồm Loa diễn thuyết rất hùng hồn về niềm vui cống hiến và lao động là vinh quang, nhưng các con vật khác còn phấn chấn được là nhờ sức lực của Đấu Sĩ cùng tiếng kêu không bao giờ tắt trên miệng nó: “Tôi sẽ gắng sức hơn nữa!”

Qua tháng Giêng bắt đầu thiếu thức ăn. Khẩu phần lúa mì hụt đi thê thảm, có thông báo là sẽ cấp thêm khoai tây để bù vào. Rồi lại phát hiện ra khoai vụ trước ủ hầm xi lô đã đóng đá gần hết, vì lớp phủ không đủ dày. Khoai nhũn và ngả màu hết, chỉ còn vài củ ăn được. Có khi hàng mấy ngày trời lũ súc vật chẳng có gì ăn ngoài trấu và củ cải. Nạn đói như đã hiển hiện trước mắt.

Điều cốt yếu là phải giấu thực tế này không cho bên ngoài biết. Mạnh bạo hơn sau vụ sập cối xay, lũ người đã đẻ thêm nhiều dối trá trắng trợn về Trại Súc Vật. Một lần nữa, tin tức lại ầm lên rằng cư dân trại đang chết dần mòn vì đói khát, dịch bệnh, đánh lộn liên miên, cùng quẫn đến mức ăn thịt nhau và giết con sơ sinh. Nã Phá Luân hiểu rõ để bên ngoài đánh hơi được nạn thiếu thực phẩm sẽ càng tồi tệ hơn, nên quyết định lợi dụng ông Whymper tạo luồng dư luận ngược. Từ đầu đến giờ, các con vật khác chẳng mấy tiếp xúc với ông Whymper trong các đợt ông ta ghé trại hằng tuần, nhưng bây giờ vài con vật được lựa sẵn, chủ yếu là cừu, được dặn khi ở gần ông ta thì bâng quơ nhận xét khẩu phần mới đây vừa tăng. Thêm vào đó, Nã Phá Luân đòi lấy mấy cái thùng gần rỗng tuếch trong kho ngũ cốc, cho đổ cát gần đầy, hoa màu ngũ cốc còn chút nào phủ nốt lên trên. Viện một lý do thích hợp, Whymper được dẫn qua kho ngũ cốc để mấy cái thùng lọt vào mắt. Ông ta mắc mưu, bèn đi kể lại với bên ngoài rằng ở Trại Súc Vật làm gì có chuyện thiếu thốn lương thực.

Dù sao thì đến cuối tháng Giêng, đã rành rành là phải tìm cách nào đó kiếm thêm ngũ cốc. Đến độ này, Nã Phá Luân không còn mấy khi xuất hiện công khai, cả ngày đóng cửa trong nhà chủ, mỗi cửa lại vài con chó hung hăng đứng gác. Dịp nào nó ra ngoài đều rất trịnh trọng, sáu con chó hộ tống bám sát thành một vòng vây quanh, nhe nanh khi thấy ai đi quá gần. Cả sáng Chủ nhật cũng ít khi còn thấy nó xuất hiện, chỉ thị đều phát qua một trong số lợn còn lại, thường là Mồm Loa.

Một sáng Chủ nhật, Mồm Loa thông báo rằng tất cả gà mái, lúc đó vừa vào chuồng nằm ổ, sẽ phải nộp toàn bộ trứng. Nã Phá Luân mới ký hợp đồng, qua Whymper mối lái, giao bốn trăm trứng mỗi tuần. Tiền bán trứng là đủ mua ngũ cốc hoa màu cung cấp cho trại cho đến khi hè tới và đận ngặt nghèo đã qua.

Nghe thấy thế đàn gà mái làm toáng lên. Chúng đã nghe cảnh báo từ trước có thể sẽ phải chấp nhận hy sinh, nhưng chẳng tin sẽ đến lúc có chuyện ấy thật. Chúng vừa sửa sang xong ổ trứng chuẩn bị ấp lứa xuân, nên lớn tiếng phản đối rằng lúc này lấy trứng đi thì cũng ngang với sát sinh. Lần đầu tiên kể từ ngày tống cổ Jones, trong trại xảy ra chuyện có thể gọi là nổi loạn. Có ba gà mái tơ giống Minorca đen dẫn đầu, cả đàn gà mái quyết chí chống lại ý đồ của Nã Phá Luân. Chúng đối phó bằng cách bay lên xà ngang đẻ trứng cho rơi vỡ nát dưới sàn. Nã Phá Luân phản đòn mau mắn và tàn bạo. Nó ra lệnh cắt tiệt khẩu phần cho gà mái, còn chỉ đạo hễ con vật nào cho gà dù chỉ một hạt thóc cũng sẽ khép tội chết. Lũ chó đảm bảo việc thực thi mệnh lệnh. Đàn gà cầm cự năm ngày trời, rồi chúng cũng đầu hàng, trở lại các khoang đẻ trứng. Năm ngày ấy đủ cho chín gà mái chết. Xác chúng chôn trong vườn quả, thông báo chính thức là chết vì bệnh cầu trùng. Whymper chẳng hề hay biết chút gì, và trứng được giao đúng hợp đồng, xe từ cửa hàng nông phẩm tuần một lần tới trại chở đi.

Suốt thời gian đó, không thấy tăm hơi Tuyết Cầu đâu. Nghe đồn nó náu ở một trong mấy trại láng giềng, hoặc Đồng Chôm hoặc Rừng Cáo. Nã Phá Luân lúc này đã giao hảo chút ít với mấy chủ trại kia. Sự thể là trong sân trại có một đống gỗ khối, xếp từ mười năm trước, khi một khóm sồi bị đốn bỏ. Gỗ phơi lâu đã khô, Whymper khuyên Nã Phá Luân đem bán, cả chủ trại Pilkington lẫn chủ trại Prederick đều nóng lòng mua. Nã Phá Luân còn đang lưỡng lự hai đằng, mãi không ngã ngũ được. Có thể thấy cứ khi nào nó sắp đi đến chỗ bắt tay với Frederick thì lại nghe đồn Tuyết Cầu trốn ở Rừng Cáo, còn khi nó ngả sang Pilkington thì lại thấy nói Tuyết Cầu ở Đồng Chôm.

Thình lình, khi xuân vừa sang, người ta phát hiện một chuyện động trời. Tuyết Cầu tối tối vẫn bí mật lẻn vào trại! Lũ súc vật lo sợ nhốn nháo, nằm trong chuồng cũng không ngủ được. Nghe bảo cứ đêm đêm, nó lại núp bóng tối mà lẻn vào trại, làm đủ trò xấu xa. Nào ăn trộm thóc, nào úp xô sữa, nào đập vỡ trứng, rồi giẫm nát luống hạt mới gieo, gặm sạch vỏ cây ăn quả. Nay thành lệ, bất cứ chuyện gì xấu nảy ra sẽ gán cho Tuyết Cầu. Nếu cửa sổ bị vỡ, mương nước bị tắc, thế nào cũng có kẻ bảo là Tuyết Cầu đêm qua vào phá, và cái lần chìa khóa kho ngũ cốc không thấy đâu, cả trại tin là Tuyết Cầu đã ném xuống giếng mất. Lạ một nỗi, chúng vẫn còn tin như vậy cả sau khi đã tìm thấy cái chìa để lạc dưới bao tải rau màu. Đàn bò cái đồng tình khẳng định Tuyết Cầu bò vào chuồng vắt trộm sữa khi mình ngủ. Lũ chuột quấy nhiễu suốt mùa đông ấy, chúng cũng được cho là đồng bọn với Tuyết Cầu.

Nã Phá Luân chỉ đạo phải điều tra rốt ráo đường đi nước bước của Tuyết Cầu. Có bầy chó theo sau, nó ra khỏi nhà, đi một vòng chuồng trại tra soát cẩn thận, các con vật khác kính cẩn theo sau một quãng xa. Cứ vài bước Nã Phá Luân lại dừng, hít mặt đất tìm dấu chân Tuyết Cầu để lại, nó nói có thể ngửi hơi mà biết được. Nó đến ngửi không sót chỗ nào, trong nhà kho, trong chuồng bò, trong chuồng gà, trong vườn rau, gần như nơi nào cũng thấy dấu vết Tuyết Cầu. Gí mõm xuống đất, nó hít hít mấy hơi thật kỹ, rồi trầm trọng la lên: “Tuyết Cầu! Hắn đã tới đây! Tôi ngửi thấy hắn rành rành!” nghe đến chữ “Tuyết Cầu” cả đàn chó lại gừ lên những tiếng sởn gai ốc và nhe nanh ra.

Lũ súc vật thất kinh hồn vía. Tuyết Cầu cơ hồ như một thế lực vô hình, xâm lấn không khí xung quanh, đẻ ra đủ thứ tai ương đe dọa chúng. Tối đến, Mồm Loa triệu tập tất cả lại, rồi với vẻ mặt hốt hoảng, nó báo với chúng rằng nó có một tin nghiêm trọng.

“Các đồng chí!” Mồm Loa kêu xoe xóe, nhảy nhảy vài bước chộn rộn, “vừa mới phát hiện một chuyện kinh khủng. Tuyết Cầu đã bán mình cho tên Frederick ở trại Đồng Chôm, và chính giữa lúc này đây tên kia đang vạch âm mưu tấn công chúng ta, cướp trại khỏi tay chúng ta! Tuyết Cầu sẽ hướng đạo cho hắn khi bắt đầu tấn công. Nhưng sự thể còn xấu hơn nữa. Chúng ta cứ tưởng Tuyết Cầu làm loạn chỉ là do hám danh vọng quyền lực mà thôi. Nhưng chúng ta nhầm to, các đồng chí ạ. Các đồng chí có biết nguyên do thực sự là như thế nào không? Tuyết Cầu ngay từ đầu đã liên minh với tên Jones! Hắn là tay sai bí mật của Jones từ đầu đến cuối. Tất cả đã được chứng minh qua những giấy tờ hắn ta để lại mà chúng tôi vừa phát hiện ra. Đối với tôi thì như thế là mọi sự đã sáng tỏ rành rành, các đồng chí ạ. Chẳng phải chúng ta đã tận mắt thấy hắn ta mưu tính, rất may là chẳng thành công, nhằm khiến chúng ta bị đánh bại và tiêu diệt trong Trận Chuồng Bò hay sao?”

Lũ súc vật chết điếng. Đấy là một mưu toan hiểm ác vượt xa vụ phá hủy cối xay gió. Nhưng mất vài phút, chúng vẫn chưa thông được chuyện đó. Tất cả đều nhớ, hay nghĩ là mình nhớ, đã thấy Tuyết Cầu xung phong dẫn đầu Trận Chuồng Bò, rồi cổ vũ động viên chúng từng chặng một, chẳng nao núng một giây ngay cả khi đạn từ khấu súng của Jones bắn vào lưng bị thương. Lúc đầu chúng khó mà hiểu điều đó làm sao ăn nhập với việc Tuyết Cầu đứng về phe Jones. Ngay cả Đấu Sĩ, vốn ít thắc mắc lần này cũng hoang mang. Nó quỳ xuống, khép cặp vó trước dưới ngực, nhắm nghiền mắt, nỗ lực hết sức rồi cùng sắp xếp được suy nghĩ.

“Tôi không tin đâu,” nó nói. “Tuyết Cầu chiến đấu rất dũng cảm trong Trận Chuồng Bò. Chính mắt tôi thấy cơ mà. Không phải chúng ta còn trao Huân chương Thú Hùng hạng nhất cho hắn ngay sau đó à?”

“Sai lầm của chúng ta chính là ở đó, đồng chí ạ. Vì nay ta đã biết – tất cả có viết hết trong tài liệu bí mật vừa tìm thấy đấy – rằng trên thực tế hắn chỉ tìm cách nhử chúng ta vào chỗ chết.”

“Nhưng hắn ta còn bị thương,” Đấu Sĩ nói. “Chúng ta đều thấy hắn chảy máu mà.”

“Đấy cũng là do chúng dàn xếp cả thôi!” Mồm Loa choe chóe kêu. “Đạn súng Jones chỉ sượt qua người hắn thôi. Tôi có thể chỉ cho đồng chí xem chính tay hắn viết hẳn hoi, đấy là nếu đồng chí đọc nổi. Chúng đã âm mưu cả, đúng thời điểm quyết định Tuyết Cầu sẽ ra hiệu bỏ chạy, nhường lại trận địa cho kẻ địch. Và phải nói hắn ta đã suýt thành công – các đồng chí ạ, tôi dám nói hắn ta đã thành công nêu không nhờ có Lãnh tụ can trường, Đồng chí Nã Phá Luân của chúng ta. Chẳng lẽ các đồng chí không nhớ, đúng thời khắc Jones cùng đồng bọn lọt vào trong sân, Tuyết Cầu đã thình lình quay mình chạy, kéo rất nhiều thú vật khác chạy theo sau? Và chẳng lẽ các đồng chí không nhớ thêm, đúng vào lúc ấy, khi hoảng loạn đã bao trùm, thất bại đã cầm chắc trong tay, thì Đồng chí Nã Phá Luân xông lên trước thét to ‘Tiêu diệt Con người!’ rồi cắm phập răng vào chân Jones? Hẳn nhiên điều đó thì các đồng chí phải nhớ chứ?” Mồm Loa lóe xóe, loi choi nhảy từ chân này sang chân kia.

Sau khi nghe Mồm Loa mô tả tường tận từng chi tiết, lũ súc vật láng máng hình như có nhớ cảnh đó. Ít nhất chúng cũng nhớ là đúng thời điểm chủ chốt trong trận đánh, Tuyết Cầu đã quay mình chạy. Nhưng Đấu Sĩ chưa hết thắc mắc.

“Tôi không tin là Tuyết Cầu đã phản bội từ đầu đâu,” rốt cuộc nó nói. “Hắn làm gì sau này, đấy là chuyện khác. Nhưng tôi tin vào hồi Trận Chuồng Bò, hắn vẫn là đồng chí tốt.”

“Lãnh tụ của chúng ta, Đồng chí Nã Phá Luân,” Mồm Loa khẳng định, dằn giọng từng tiếng một, “đã xác quyết triệt để – triệt để, đồng chí hiểu không – rằng Tuyết Cầu đã là tay sai của Jones ngay từ đầu – phải, thậm chí từ rất lâu trước khi có ai nghĩ đến Khởi nghĩa.”

“À, vậy thì lại là chuyện khác,” Đấu Sĩ đáp. “Nếu Đồng chí Nã Phá Luân đã nói vậy, thì chắc là đúng.”

“Thế mới đúng tinh thần chứ, đồng chí!” Mồm Loa ré lên, nhưng có thể thấy đôi mắt nhỏ hấp háy của nó ném sang Đấu Sĩ một cái nhìn rất độc địa. Nó quay người định đi, nhưng dừng lại nhấn thêm một câu: “Tôi cảnh báo từng con vật trong trại này phải mở to mắt ra cảnh giác. Chúng ta có cớ tin rằng có vài tay sai mật của Tuyết Cầu đang trà trộn trong chúng ta giữa lúc này đây!”

Bốn ngày sau, lúc chiều muộn, Nã Phá Luân lệnh cho súc vật toàn trại tập trung trong sân. Khi tất cả đã đến đầy đủ, Nã Phá Luân trong nhà chủ bước ra, đeo cả hai huân chương (vì mới đây nó đã phong cho mình cả Thú Hùng hạng nhất lẫn Thú Hùng hạng nhì), chín con chó lừng lững quấn quýt quanh chân nó, gầm lên những tiếng khiến toàn thể súc vật thấy lạnh hết sống lưng. Cả lũ lặng lẽ rúm mình tại chỗ, dường như đoán trước được sắp có chuyện khủng khiếp xảy ra.

Nã Phá Luân đứng nghiêm nghị quan sát cử tọa, rồi rít lên một tiếng the thé. Lập tức đàn chó nhảy xổ tới, đớp tai tóm lấy bốn con trong số lợn rồi lôi lên đầu, mặc chúng eng éc vừa đau vừa sợ, ném xuống chân Nã Phá Luân. Tai lợn bị kéo đến chảy máu, lũ chó đã nếm vị máu, nên trong một lúc trông chúng như hóa dại. Toàn thể súc vật sửng sốt thấy ba con chó lao mình vào Đấu Sĩ. Đấu Sĩ thấy chúng nhào đến, bèn chìa vó trước khổng lồ ra, chặn trúng một con đang đà bay mà găm nó xuống đất. Con chó ăng ẳng xin tha, hai con kia cụp đuôi bỏ chạy. Đấu Sĩ nhìn lên Nã Phá Luân dò hỏi nên nghiền chết con chó hay tha cho nó. Nã Phá Luân hình như biến sắc mặt, đanh giọng ra lệnh cho Đấu Sĩ thả nó đi, Đấu Sĩ bèn nhấc chân lên, và con chó liền lủi mất, mình mẩy bầm giập, miệng tru thê thảm.

Chốc sau, cảnh hỗn loạn lặng bớt. Bốn con lợn đứng chờ, run rẩy, con nào con nấy mặt hiện rõ vẻ biết tội. Nã Phá Luân kêu gọi chúng tự thú nhận hết tội lỗi. Đấy chính là bốn con lợn đã phản đối khi Nã Phá Luân hủy bỏ các Đại hội Chủ nhật. Chẳng đợi hỏi thêm, chúng thú nhận rằng chúng đã bí mật liên lạc với Tuyết Cầu từ buổi hắn bị đuổi cổ, rằng chúng đã câu kết với hắn phá hủy cối xay gió, rằng chúng đã thỏa thuận cả với hắn sẽ giao nộp Trại Súc Vật vào tay Frederick. Chúng còn thêm rằng Tuyết Cầu đã thừa nhận riêng với chúng rằng mình làm tay sai mật cho Jones nhiều năm nay rồi. Tốp lợn thú tội xong, đàn chó lập tức cắn toạc cổ họng cả bốn, và Nã Phá Luân cất giọng khủng khiếp hỏi có con vật nào cần thú nhận điều gì khác không.

Ba gà mái cầm đầu vụ nổi loạn giữ trứng bất thành lúc này bước lên, khai Tuyết Cầu đã hiện ra trong mơ, xách động chúng chống lại mệnh lệnh Nã Phá Luân. Cả chúng cũng bị cắt cổ. Rồi một con ngỗng bước lên, thú nhận đã biển thủ sáu bông lúa vụ gặt năm ngoái ăn vụng trong đêm. Rồi một con cừu thú nhận đã tè vào hồ nước ăn – nó nói bị Tuyết Cầu xúi giục – và hai cừu khác thú nhận đã sát hại một lão cừu già rất mực trung thành với Nã Phá Luân, cụ thể là chạy đuổi lão vòng quanh đống lửa trại lúc lão đương cơn ho. Tất cả đều bị hạ thủ tại chỗ. Cứ thế chuỗi thú nhận và xử tử kéo dài mãi, tới khi một gò xác thú mọc lên trước chân Nã Phá Luân và không trung thì tanh lòm mùi máu, chuyện chưa hề có ở trại từ bữa Jones bị đuổi đi đến giờ.

Khi vụ việc đã chấm dứt, mọi con vật còn lại, trừ lợn và chó, cùng nhau len lén đi ra. Con nào cũng bủn rủn sầu não. Chúng không biết cái gì kinh hoàng hơn, hành vi phản trắc của những con vật đã về hùa với Tuyết Cầu, hay buổi trị tội tàn độc vừa chứng kiến. Ngày xưa đã từng có cảnh thây rơi máu chảy không kém ghê rợn, nhưng chúng đều cảm thấy lần này hình như còn tệ hơn nhiều vì xảy ra trong nội bộ súc vật với nhau. Từ ngày Jones không còn trong trại, trước buổi hôm nay, chưa từng có con vật nào giết con vật khác. Đến một con chuột cũng không bị giết. Tất cả đã lên đến gò đất nhỏ có cái cối xay xây dở đứng trơ, nhất loạt nằm xuống như muốn co cụm vào nhau cho ấm – Cỏ Ba Lá, Muriel, Benjamin, bò cái, cừu, gà, ngỗng – toàn thể trại, đúng thế, chỉ thiếu con mèo đã thình lình biến mất ngay trước khi Nã Phá Luân cho triệu tập súc vật. Một hồi lâu không ai cất tiếng. Chỉ Đấu Sĩ là còn đứng. Nó loay hoay một hồi, vung cái đuôi đen dài quật sang hai bên sườn, chốc lại thút thít mấy tiếng kinh ngạc. Cuối cùng nó nói:

“Tôi không hiểu được. Tôi không tin được là những chuyện như thế lại xảy ra ở trại ta. Hẳn là do lỗi lầm gì đó của chúng ta thôi. Giải pháp mà tôi thấy là phải gắng sức hơn nữa. Từ rày về sau tôi sẽ dậy sớm mỗi sáng đúng một tiếng.”

Bước một nặng trĩu, nó rời khỏi đó thẳng đến mỏ đá. Đến nơi, nó chất liền hai xe, kéo lại chỗ cối xay rồi mới về ngủ.

Lũ súc vật rúc vào nhau quanh Cỏ Ba Lá, không thốt nên lời. Từ chỗ nằm trên gò có thể nhìn bao quát khắp đồng quê xung quanh. Gần trọn Trại Súc Vật nằm trong tầm mắt: bãi cỏ chăn dài chạy xuống tận đường cái, đồng cỏ khô, khóm rừng nhỏ, hồ nước ăn, những mảnh ruộng cày lúa non đã chen nhau xanh mởn, mái ngói đỏ tươi nhô ống khói của khu chuồng trại, những vệt khói cuộn lên. Ấy là một tối mùa xuân trong trẻo. Mặt cỏ cùng những bờ giậu đang nảy lộc như dát vàng trong ánh nắng là là mặt đất cuối ngày. Chưa bao giờ trang trại ấy – và chúng gần như giật mình nhớ ra đấy là trại của mình, từng phân từng thốn đều thuộc quyền sở hữu của mình – lại hiện ra trước mắt lũ súc vật trong dáng vẻ đáng say mê đến thế. Cỏ Ba Lá dõi ánh nhìn theo sườn gò, mắt nhòa lệ. Nếu có thể nói được điều mình đang nghĩ, nó sẽ nói đây đâu có phải mục tiêu chúng nhắm tới từ nhiều năm trước, cái buổi hạ quyết tâm phấn đấu một mai lật đổ con người. Cảnh khủng bố chém giết hôm nay đâu có phải điều chúng mơ tưởng đêm hôm ấy, cái đêm Ông Cả lần đầu kêu gọi chúng đứng lên khởi nghĩa. Nếu bản thân nó có hình dung gì về tương lai, thì đấy là một tương lai có xã hội loài vật đã được giải phóng khỏi cái đói, khỏi roi vọt, tất cả đều bình đẳng, tất cả làm việc theo năng lực, kẻ khỏe chở che kẻ yếu, như nó đã che chở bầy vịt con mất mẹ trong vòng chân cái đêm nghe Ông Cả bảo ban. Thế vào đó – nó không hiểu nổi vì sao – đã đến một ngày không ai còn dám nói điều mình nghĩ, ngày lũ chó hung tợn gầm gào sục sạo khắp nơi, ngày phải chứng kiến đồng chí mình bị xé xác thành từng mảnh sau khi thú nhận những tội ác động trời. Trong đầu nó không gợn lên ý nghĩ gì là nổi loạn hay không tuân phục. Nó biết chắc, kể cả thế này, chúng vẫn còn sung sướng hơn nhiều cái thời sống dưới tay Jones, và biết trước nhất là phải ngăn chặn con người quay lại. Bất kể chuyện gì xảy ra, nó cũng sẽ trung thành, cần cù, làm theo đúng các chỉ thị được giao, tuân thủ quyền lãnh đạo của Nã Phá Luân. Nhưng dù thế, đây vẫn không phải thứ mà vì nó Cỏ Ba Lá cùng các con vật khác đã hy vọng và lao khổ. Đây không phải thứ mà vì nó chúng đã xây cối xay gió, đã đối mặt cùng súng đạn của Jones. Đấy là những ý nghĩ trong đầu nó, dù nó không tìm được lời lẽ mà diễn tả.

Cuối cùng, mơ hồ cảm thấy việc đó có thể thay cho những từ ngữ không sao tìm được, nó cất tiếng hát bài Súc vật Anh quốc. Những con vật ngồi quanh bắt nhịp hòa theo, hát liền ba lượt – rất êm ái, nhưng chậm rãi và não nuột, chưa bao giờ chúng hát như thế trước đây.

Chúng vừa hát xong lần thứ ba thì Mồm Loa xuất hiện, kèm theo hai con chó, dáng điệu như có chuyện quan trọng muốn nói. Nó thông báo, sắc lệnh đặc biệt của Đồng chí Nã Phá Luân vừa ban ra, Súc vật Anh quốc đã bị bãi bỏ. Từ nay trở đi tuyệt đối cấm hát bài ấy.

Lũ súc vật rất sửng sốt.

“Tại sao chứ?” Muriel kêu lên.

“Không cần đến nữa, đồng chí hiểu chứ,” Mồm Loa nói đanh thép. “Súc vật Anh quốc là bài ca của cuộc Khởi nghĩa. Nhưng Khởi nghĩa đã chấm dứt. Việc xử tử bè lũ phản bội chiều nay đã hoàn tất Khởi nghĩa rồi. Kẻ thù bên ngoài lẫn bên trong đều đã bị đánh đổ. Bài Súc vật Anh quốc diễn tả ước vọng của chúng ta về một xã hội tốt đẹp hơn sẽ tới ngày mai. Nhưng xã hội ấy nay đã dựng lên rồi. Rõ ràng là bài hát ấy không còn ý nghĩa gì nữa.”

Dẫu khiếp sợ mấy, vài con vật chắc cũng đã định phản đối, nhưng đúng lúc ấy lũ cừu như thường lệ be lên “Bốn chân tốt, hai chân xấu” có đến vài phút, chấm dứt mọi sự bàn luận.

Từ đó Súc vật Anh quốc không còn vang lên nữa. Thay vào đó, lợn thi sĩ Út Em đã soạn một bài khác, mở đầu là:

Thương lắm Trại Súc Vật ơi

Yêu còn chưa đủ, hại người sao đang!

và bài này được hát vào mỗi sáng Chủ nhật sau khi kéo cờ xong. Nhưng không hiểu sao với các con vật, – cả ca từ lẫn giai điệu chẳng bao giờ sánh được với Súc vật Anh quốc.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.