Cô Đơn Trên Mạng

Chương 01 phần 2



Cô không còn thấy tò mò điều gì “sẽ xảy ra tiếp theo” nữa. Cô nhớ chồng. Cô đi đến quầy bar, chỗ người đàn ông đang chờ mình. Cô kiễng chân và hôn lên má anh ta.

– Anh đã không làm điều gì không phải cả. Ngược lại là đằng khác.

Cô lấy từ trong ví xách tay ra tấm danh thiếp và ấn mạnh mặt trái không có chữ lên đôi môi bóng vì vừa được tô lại. Cô để tấm danh thiếp lên mặt quầy bar, cạnh cái cốc của mình còn đầy cái thứ nước màu tùng lam.

– Chúc ngủ ngon – cô khẽ nói.

ANH: Người lái chiếc xe taxi đến ga Berlin Lichtenberg vắng vẻ là một người Ba Lan. Phải đến 30% số lái xe taxi là người Ba Lan.

– Anh đưa tôi đến khách sạn nào có quầy bar, ở gần ga Berlin ZOO và kha khá một tí.

– Thế thì quá dễ ở cái thành phố này – người lái taxi cười vang.

Anh đăng ký ở khách sạn. Trước khi rời khỏi quầy lễ tân anh hỏi:

– Anh có thể gọi tôi dậy một tiếng rưỡi trước lúc chuyến tàu đầu tiên từ ga Berlin ZOO đi Warszawa khởi hành được không?

Người thanh niên trực ở lễ tân ngẩng đầu khỏi đống giấy tờ gì đó và nhìn anh, không hiểu.

– Sao cơ ạ… Một tiếng rưỡi? Tàu nào ạ? Nghĩa là lúc mấy giờ?

Anh điềm đạm trả lời:

– Anh thấy đấy, tự tôi cũng không biết chính xác. Nhưng các anh đã viết rất cảm động trong quảng cáo của khách sạn – anh chỉ vào tờ quảng cáo nằm cạnh hộ chiếu của anh – rằng Mercure không chỉ là mái nhà bình yên trên đầu bạn trong chuyến đi, nó còn là chuyến đi. Vậy anh hãy gọi điện ra ga, hỏi xem mấy giờ có tàu đi Warszawa và gọi tôi dậy chính xác chín mươi phút trước giờ tàu chạy. Tôi cũng rất cám ơn nếu anh đặt trước hộ taxi. Tôi muốn ra ga một tiếng trước giờ tàu chạy.

– Vâng, tất nhiên… – người trực lễ tân bối rối trả lời.

– Anh cho phép tôi chưa lên phòng mà gửi đồ ở đây chứ. Bây giờ tôi muốn tiêu thật nhiều tiền trong quầy bar của các anh. Anh sẽ trông coi để hành lý của tôi được an toàn trong thời gian đó, phải không?

Không đợi câu trả lời, anh đặt cái túi da đựng laptop lên vali rồi đi về phía cửa có tiếng nhạc phát ra từ đó.

Tiếng nhạc êm dịu phát ra từ những chiếc loa tròn gắn trên trần của gian phòng ồn ào. Natalie Cole hát về tình yêu. Anh nhìn quanh. Chỉ có một cái bàn nhỏ hình elip nhô cao cạnh quầy bar là còn trống. Lúc đến đó, nhìn thấy chiếc cốc đang uống dở, anh thất vọng. Anh định đi vì cho rằng chỗ đó đã có người ngồi. Đúng lúc đó người đàn ông ngồi bàn bên ngoảnh lại và nói bằng tiếng Anh:

– Chỗ đó rất tiếc là đã trống rồi. Anh có thể ngồi nếu muốn. – Và anh ta nhìn anh cười, nói thêm – Đó là một chỗ tốt đấy. Người chạy bàn rất hay đến đây.

Anh ngồi và cảm thấy ngay có mùi nước hoa tinh tế. Lancôme? Biagioti? Anh nhắm mắt lại. Có lẽ là Biagioti.

Từ lâu anh đã thích mùi nước hoa. Chúng như một bức thông điệp mà người ta muốn truyền đạt. Mà không cần đến bất cứ một ngôn ngữ nào. Có thể là người khiếm thính, có thể từ một nền văn hoá khác mà vẫn hiểu được thông điệp ấy. Trong nước hoa có một thành phần nào đó bí ẩn và phi lý. Chanel No5, L”Air du Temps hay Poeme giống như bài thơ khi người ta mang nó trên mình. Một số loại thì sexy một cách không chuẩn. Chúng buộc người ta phải ngắm, thậm chí thèm muốn người phụ nữ dùng chúng. Anh nhớ hồi anh đến thăm Prado hai năm trước đây. Có một phụ nữ đội mũ đen đi qua anh và đã phủ lên người anh một mùi huyền bí. Anh nhớ đến El Greco, Goi và những loại khác. Anh đi theo người phụ nữ đó. Lúc này anh nghĩ rằng anh cũng sẽ sẵn lòng đi theo người phụ nữ ngồi ở đây lúc nãy và đã để lại mùi của mình.

Anh nghiêng người, tỳ khuỷu tay lên bàn để người chạy bàn mà anh nghe nói là rất hay đến chỗ này chú ý. Lúc đó anh để ý thấy tấm danh thiếp để cạnh cái cốc. Hình đôi môi in rõ trên mặt giấy trắng. Môi dưới rõ ràng là dầy hơn, một hình cung quả quyết của môi trên. Một cái miệng tuyệt đẹp. Natalia có cái miệng đúng như thế này. Anh đưa tấm các lên mũi. Chắc chắn là Biagioti! Nó phải là của người phụ nữ đã ngồi đây vài phút trước. Anh quyết định xác minh xem nó là của ai. Anh lật mặt kia của tấm các lên vừa lúc nghe thấy:

– Xin lỗi anh, nhưng tấm các này là để cho tôi.

– Ồ, tất nhiên rồi. Tôi đang định hỏi anh – anh nói dối và đưa tấm các cho người đàn ông.

Anh đã chậm chân. Anh không biết được tấm các đó là của ai. Người đàn ông cầm tấm các, cất vào túi áo comple, để tiền boa cho người chạy bàn dưới cái ly cà phê rồi đi ra không nói một lời.

– Một chai proseco thật lạnh. Và xì gà. Loại đắt nhất mà anh có – anh nói với người chạy bàn vừa xuất hiện trước mặt.

Mẹ anh cũng có cái miệng như thế. Nhưng tất cả mọi cái của mẹ đều đẹp.

Cái ngày vừa trôi qua, và mấy giờ đồng hồ này theo một nghĩa nào đấy là thuộc về mẹ anh. Và hoàn toàn không phải vì trong ngày sinh của mình, anh đã nghĩ về việc mẹ đã sinh ra anh như thế nào.

Sáng qua anh bay từ Seatle đến Berlin chỉ cốt để cuối cùng được nhìn thấy nơi mà mẹ anh đã ra đời. Thời gian gần đây tiểu sử của bà hấp dẫn anh như một cuốn tiểu thuyết mà anh được tham dự vào một vài chương quan trọng nhất trong đó. Nhất thiết anh phải biết những chương đầu này.

Mẹ anh ra đời ở cách ga Berlin Lichtenberg không xa, trong một nhà thương làm phúc. Ông ngoại trong cơn sức cùng lực kiệt đã đưa vợ đến Berlin với hy vọng là ở đó sẽ tốt hơn cho họ. Bây giờ họ gọi thế nào nhỉ? Dân di tản kinh tế. Vâng. Chính thế. Một tuần sau khi đến Berlin thì bà ngoại đẻ mẹ anh. Trong nhà thương làm phúc. Họ chỉ đưa đến đó những người đẻ rơi ngoài đường. Những người không có tiền. Hôm qua anh đã đến khu nhà ấy. Bây giờ ở đó là một nhà hát thử nghiệm Thổ Nhĩ Kỳ nào đấy.

Sau ba tháng họ quay về Ba Lan. Họ không thể sống ở Đức được. Nhưng chẳng ảnh hưởng gì hết, vì chỉ có ba tháng. Trong giấy khai sinh, sẽ còn lại mãi mãi cái xác nhận lịch sử này: nơi sinh – Berlin. Theo cái cách đơn giản ấy, mẹ anh đã trở thành người Đức. Nhờ đó mà bây giờ anh có hộ chiếu Đức và có thể bay đến Seatle không cần visa. Nhưng dẫu thế anh vẫn bay với hai hộ chiếu. Có lần quên hộ chiếu Ba Lan, anh cảm thấy mình như kẻ không quốc gia.

Bởi anh chỉ có thể là người Ba Lan.

Người chạy bàn mang đến chai proseco xanh thẫm, một cái cốc bạc, xì gà Cu Ba và cái xén giấy nhỏ. Anh châm xì gà và mở chai rượu. Ly đầu tiên anh uống một hơi. Xì gà thật tuyệt. Đã lâu anh không được hút loại xì gà ngon như thế. Từ cái lần ở Dublin. Nhiều năm trước đây.

Anh không thể thôi nghĩ về cuộc đi dạo hôm qua vào quá khứ của mẹ. Bởi tính “Đức” ở bà không chỉ là nhà thương làm phúc ở Berlin thời trước chiến tranh và không chỉ là sự ghi chép ấy trong giấy khai sinh của bà. Nó phức tạp hơn nhiều. Giống như tiểu sử của bà.

Anh sinh vào một ngày ba mươi tháng tư nào đấy, là đứa con thứ ba của người chồng thứ ba của mẹ anh. Trùng vào ngày Jakub. Mọi người đều nghĩ rằng chính vì vậy mà anh có tên là Jakub. Nhưng lại không phải thế. Jakub là tên của người chồng thứ hai của mẹ anh. Một nghệ sĩ Ba Lan, mà năm 1944 trở thành người Đức chỉ vì ông được sinh ra quá về phía tây mất mười hai cây số, mà ở Stalingrad các phòng tuyến cần phải đủ quân. Hồi đó những người Đức đích thực biến tất cả thành ít “Đức” hơn. Ngay sau đó tất nhiên họ sẽ biến những người này thành lính Đức. Khi đó tất cả đều trở thành lính Đức. Những người tàn tật, những người bị tâm thần, bị lao. Thời kỳ đó, tất cả đều có thể và đều phải vào quân đội. Người chồng thứ hai của mẹ không biết điều đó. Ông không thể hình dung cuộc sống mà lại thiếu mẹ anh. Do đó mà trước đợt khám sức khoẻ, đầu tiên ông chủ ý làm cho mồ hôi vã ra rồi chạy chân không trên tuyết ngoài công viên vào ban đêm – ông hy vọng rằng mình sẽ bị lao. Ông lao thật. Nhưng kể cả như thế ông vẫn bị lấy ra mặt trận.

Sau chiến tranh họ không bao giờ tìm thấy nhau. Thậm chí cả tình yêu lớn cũng không giúp được họ. Khi đã thoát khỏi nỗi nhớ và tin rằng chiến tranh đã cướp đi của mình người chồng và rằng đơn giản phải như vậy, thì trong cuộc đời bà xuất hiện cha anh, cha của Jakub. Dong dỏng, đẹp đến mê hồn, một người Ba Lan một trăm phần trăm theo kiểu Stutthop. Bà mang quốc tịch Đức, ông sau ba năm ở trại. Ông bố không bao giờ để anh cảm thấy là ông căm thù người Đức. Cho dù ông rất căm thù. Kể cũng hay, không biết ông có tha thứ cho anh vì tội sống ở Đức không?

Cha mẹ anh là một dẫn chứng tốt nhất về vấn đề sự phân chia Ba Lan- Đức chỉ là một thoả thuận của những nhà sử học đã thành công trong việc thuyết phục cả dân tộc. Thực ra thì toàn bộ lịch sử cũng chỉ là một bản thoả thuận. Nhất là đối với sự dối trá chung. Người ta thoả thuận rằng sẽ dạy chính về sự dối trá này chứ không phải sự dối trá khác trong nhà trường.

Anh lại thấy buồn. Quá đủ buồn cho ngày hôm nay rồi. Mà lại là sinh nhật anh. Anh lôi chai rượu từ cái bình đá bằng bạc ra. Tự rót cho mình một ly nữa. Hôm nay anh sẽ về nhà.

CÔ: Tất cả các chỗ trong các toa hạng nhất đã được bán hết. Cô đã sai lầm khi không mua khứ hồi ngay ở Warszawa. Người bán vé ở ga Berlin ZOO nói:

– Tôi chỉ còn mấy chỗ trống ở toa hạng hai. Tất cả đều dành cho người hút thuốc lá. Chị có lấy không?

Cái cảnh hơn chục giờ ngồi trong khoang tàu ngập khói thuốc khiến cô hãi hùng. Nhưng biết làm sao được?

Cô ngồi cạnh cửa sổ. Cùng chiều tàu chạy. Chỉ có mình cô trong khoang. Nửa tiếng nữa mới đến giờ tàu chạy. Cô lấy trong vali ra cuốn sách và cái kẹp với những tài liệu của cuộc gặp ở Berlin. Máy nghe đĩa, đĩa, pin dự trữ. Cô tháo giầy và cởi hai cúc của chân váy. Trong khoang đông dần. Loa truyền thanh thông báo đã đến giờ tàu chạy, mà trong khoang vẫn còn một chỗ trống. Tàu chuyển bánh, cửa khoang bỗng xịch mở. Cô ngẩng đầu khỏi cuốn sách và mắt họ gặp nhau. Cô cầm cự được ánh mắt anh. Chính anh phải cúi xuống. Trông anh lúc ấy như một cậu bé đang xấu hổ. Anh cho vali vào hốc sát trần. Bỏ máy tính từ cái túi da ra. Anh ngồi vào chỗ trống cạnh cửa. Cô cảm thấy anh nhìn mình. Liền xỏ chân vào giày. Cô phân vân, không biết anh có nhìn thấy mấy cái cúc ở chân váy bị mở ra không.

Một lúc sau anh đứng dậy. Lấy trong túi ra lon coca- cola ăn kiêng và ba cuốn tạp chí màu: Spiegla, Playboy và Wprost. Anh để chúng lên đùi. Cô không biết tại sao, nhưng việc anh là người Ba Lan khiến cô vui vui.

Anh cởi áo comple. Xắn ống tay chiếc sơ mi màu xám sẫm. Da rám nắng. Tóc anh rối bù như thể anh vừa từ giường chạy thẳng đến đây. Anh không cạo râu. Sơ mi hở cúc. Anh không trẻ, nhưng còn thanh niên. Từ lúc anh vào, cô hy vọng bây giờ sẽ không có ai hút thuốc. Anh bước vào, làm đầy khoang bằng mùi nước cạo râu của mình. Cô muốn được cảm nhận cái mùi này thật lâu.

Cô nhìn trộm anh qua kính. Anh bắt đầu đọc. Cô cũng quay lại với cuốn sách của mình. Đến một lúc cô cảm thấy không yên tâm. Cô ngẩng đầu. Anh đang nhìn cô. Đôi mắt xanh, buồn và mệt mỏi. Tay phải chạm lên môi và nhìn cô như xuyên thấu. Cô thấy ấm áp lạ lùng. Cô cười với anh.

Anh bỏ báo và với lấy máy tính. Hành khách trong khoang nhìn anh tò mò. Anh lấy điện thoại di động từ túi áo comple, sau đó cúi về phía trước và cắm điện thoại vào một cái ổ đặc biệt ở phía sau máy tính. Có thể không phải tất cả mọi người trong khoang đều hiểu lúc này anh muốn làm gì, nhưng cô thì biết là anh nối mạng.

Lúc đầu cô nghĩ là cái mà anh làm, ở đây, trên tàu và ngay khi vừa rời khỏi Berlin là để khoe khoang và thể hiện, nhưng khi ngắm kỹ anh chăm chú nhìn lên màn hình thì cô nghĩ rằng đó… rằng anh không phải là người khoe khoang và muốn thể hiện.

Cô luồn tay dưới áo và thận trọng cài lại cúc váy. Cô vuốt lại tóc và ngồi thẳng người lại trên ghế.

ANH: Nếu ở Đức anh có thể trông cậy vào một ai đó, thì đó là chị tạp vụ người Croatia.

Đương nhiên là chẳng có ai đánh thức anh dậy trước khi chuyến tàu đi Warszawa khởi hành chín mươi phút. Thậm chí chẳng có ai để mà nói rằng đây hoàn toàn là một xì- căng- đan trong cái khách sạn giá 300 đô một đêm này. Tay trực đêm đã không ngồi ở lễ tân từ đời nào, còn cô gái tóc vàng thay ca cho gã kia thì không có vẻ gì là biết Warszawa nằm ở chỗ nào trên bản đồ.

Chị tạp vụ đã làm anh thức giấc, vì cho rằng phòng trống nên định vào để dọn trong lúc anh vẫn đang ngủ. Anh không biết mấy giờ thì có tàu đi Warszawa, nhưng khi biết là đã mười một giờ kém năm thì anh cảm thấy mình không còn nhiều thời gian.

Anh không để ý là chị tạp vụ vẫn đang đứng đấy. Anh nhẩy ra khỏi giường trần như nhộng, vội kêu lên: “Ôi, mẹ kiếp!” và vội vàng mặc quần áo. Vì chị tạp vụ là người Croatia nên rất hiểu “ôi, mẹ kiếp” và khi anh nhét vào túi tất cả mọi thứ để trên giá trong phòng tắm thì chị cho vào vali tất cả những thứ trên bàn ngủ và cạnh TV. Sau vài phút anh chạy ra khỏi phòng. Động tác đầu tiên là anh chạy đến lễ tân nhưng may mắn là tay trực không có ở đấy. Khi hiểu được là cô gái tóc vàng chẳng hiểu mô tê gì, anh thậm chí không cả trả tiền. Họ có số thẻ tín dụng của anh. Hơn nữa có thể vào mạng và trả tiền ngay ở trên tàu. Thẻ của Amercan Express mà công ty làm cho anh cho phép làm điều đó.

Cả dãy taxi đứng chờ trước khách sạn. Người lái taxi thích ứng ngay với tình huống: trong vòng mười phút họ đã có mặt ở ga. Anh không mua vé. Anh chạy ra sân ga và lên luôn toa đứng ngay gần lối từ đường ngầm lên. Anh đã kịp. Tàu chuyển bánh. Anh mở cửa của khoang đầu tiên từ ngoài vào.

Cô ngồi cạnh cửa sổ. Với cuốn sách trên đùi. Cô có cái miệng giống như cái đã in hình lên tấm các trong quầy bar. Tóc buộc lại ở phía sau. Trán cao. Cô rất đẹp.

Anh lấy cái chỗ duy nhất còn trống. Tất nhiên là anh không có giấy đặt chỗ trước. Không quan trọng. Khi nào người soát vé đến, anh sẽ giải quyết việc này. Nhìn tờ giấy dán trên cửa khoang anh biết đằng nào thì những chỗ này cũng phải đến Frankfurt trên Odra mới có khách lên.

Anh lấy báo. Kiốt trong khách sạn bán cả tạp chí Ba Lan! Bên cạnh các tạp chí Pháp, Mỹ, Anh và Ý. Có được Wyborcza(3) hàng ngày như Paris Soir trong kiốt của khách sạn ở trung tâm Berlin còn quan trọng hơn gấp nghìn lần tất cả các quảng cáo về “sự sẵn sàng gia nhập châu Âu của Ba Lan”.

3. Một trong những tờ báo có nhiều độc giả nhất ở Ba Lan.

Đến một lúc anh không thể giữ mình được nữa. Anh ngẩng lên và bắt đầu ngắm nhìn cô. Ngoài môi, cô không trang điểm thêm một chút nào nữa. Cô đọc, chốc chốc lại sờ vào tai. Bàn tay cô thật quyến rũ. Mỗi khi cô lật trang sách, có cảm giác như chỉ có những ngón tay dài của cô chạm khẽ vào chúng.

Cô ngẩng đầu và cười với anh. Lần này thì anh không xấu hổ nữa. Anh cười lại.

Anh không có hứng thú đọc tiếp nữa. Anh nối điện thoại với máy tính và khởi động chương trình thư điện tử. Anh lần lượt lướt qua toàn bộ quy trình định dạng. Modem ở điện thoại di động có lẽ là loại modem chậm nhất hiện có. Anh luôn tự hỏi, không hiểu tại sao. Bao giờ trở lại Munich, anh sẽ kiểm tra điều này.

Trong hộp thư của anh trong máy tính của Viện ở Munich chỉ có một e-mail. Địa chỉ đề tên miền một ngân hàng nào đấy ở Anh quốc.

Lại một quảng cáo nào đó – anh nghĩ bụng.

Anh muốn xoá ngay, nhưng phần đầu của địa chỉ lại khiến anh chú ý: Jennyfer@. Trong ký ức của anh, cái tên này vang lên như âm nhạc. Anh quyết định đọc.

Camberley, Surrey, England, 29 tháng tư

Anh là J. L, phải không???!!!

Từ trang web của Anh suy ra như vậy. Tôi đã lang thang trên đó suốt cả trưa nay ở nơi làm việc trong ngân hàng. Thay vì phải vào trang chứng khoán London và làm việc, vì việc đó mà ở đây người ta trả tôi không tồi, thì tôi lại đọc hết dòng này đến dòng khác trên trang của Anh. Sau đó tôi đi taxi đến hiệu sách ở trung tâm Camberley để mua từ điển Ba Lan- Anh. Tôi đã lấy cuốn dầy nhất mà họ có. Tôi muốn hiểu được cả những đoạn bằng tiếng Ba Lan được đăng trên trang này. Không hiểu được tất cả, nhưng tôi cảm nhận được không khí. Một không khí như vậy chỉ có J. L. mới có thể tạo ra được, vậy chắc chắn phải là Anh.

Hết giờ làm việc, tôi đến quán bar Club 54 yêu thích của mình ở gần ga và uống say. Tôi đang nhịn ăn ở ngày thứ tư, mỗi năm hai lần tôi tự “làm sạch” bằng cách nhịn đói một tuần. Anh có biết là khi đã trải qua ba ngày đầu tiên nhịn đói hoàn toàn, anh sẽ rơi vào trạng thái hôn mê kỳ lạ? Cơ thể anh không phải tiêu hóa bất cứ một thứ gì. Đến lúc ấy anh mới thấy rằng quá trình tiêu hoá cướp mất của anh cái gì. Anh bỗng có rất nhiều năng lượng. Anh sống như trong cơn say nhẹ. Anh trở nên sáng tạo, hưng phấn, tất cả các giác quan trở nên sắc nhạy hơn và mạnh mẽ hơn. Tri giác của anh như một miếng bọt biển khô, sẵn sàng thẩm thấu tất cả những gì ở gần. Khi ấy người ta viết nên những vần thơ đẹp, nghĩ ra những lý thuyết khoa học mang tính cách mạng, điêu khắc và vẽ theo cách khiêu khích và tiên phong, cả mua chứng khoán với xác suất thành công không thể tưởng tượng nổi. Điều cuối cùng này thì tôi có thể khẳng định chắc chắn. Ngoài ra Bach trong cơn “đói” là… từ, thế nào nhỉ… Là như được chính Mozart thể hiện.

Song trạng thái ấy chỉ đạt được khi người ta đã vật lộn trong hai hoặc ba ngày đầu “trong sự dầy vò”. Hai hoặc ba ngày ấy, là cả một cuộc chiến đấu không ngừng với cái đói. Tôi thậm chí đã thức giấc vào ban đêm vì đói. Nhưng tôi đã vượt qua được tất cả những cái đó và sáng nay bắt đầu cảm nhận cái say say của sự “không tiêu hoá”. Và trong trạng thái say say ấy tôi đã gặp trang web của Anh. Không thể có khoảnh khắc nào tốt hơn được nữa.

Và tất cả mọi cái khác trở nên ít quan trọng hơn.

Thực ra thì tôi chưa thực sự ngừng nhịn ăn. Bởi tôi không hề ăn gì trong quán bar ấy. Mà chỉ uống. Chủ yếu là vì những kỷ niệm. Anh hãy đừng bao giờ uống – thậm chí đó có là bloody mary ngon như họ mời trong Club 54, và anh có những kỷ niệm đẹp nhất – vào ngày thứ năm của đợt nhịn ăn. Anh hãy ăn một chút gì đó trước đấy.

Sau đó tôi về nhà và viết bức e-mail này. Như một trang nhật ký của một phụ nữ đói (ba ngày không ăn), say (hai bloody mary và bốn guinnessy) sau những biến chuyển (mười hai năm tiểu sử).

Vì vậy mà tôi mong Anh hãy ứng xử với nó một cách nghiêm túc.

Tái bút: “Đảo” trong thư này – nếu Anh quên – là Đảo Wigh của tôi. Một chấm nhỏ tí trên bản đồ giữa Pháp và Anh trên kênh La Manche. Nơi tôi ra đời.

– – – – – – – – – – – – – – – – – – – –

J. L. thân mến,

Anh có biết rằng tôi đã viết bức thư này ít nhất là 1000 lần rồi không?

Tôi viết nó trong ý nghĩ, tôi viết nó trên cát ngoài bãi biển, tôi viết nó trên loại giấy tốt nhất mà tôi có thể mua được ở Vương quốc Anh, tôi viết nó lên đùi mình bằng bút bi. Tôi viết nó lên vỏ những đĩa nhạc Chopin.

Tôi đã viết nó không biết bao nhiêu lần…

Chưa bao giờ tôi gửi nó đi. Suốt 12 năm gần đây – bởi gần như đúng 12 năm trước đây – tôi đã không gửi ít nhất một nghìn bức thư cho ANH ẤY.

Bởi đây hoàn toàn không phải là thư gửi cho Anh. Đây là thư gửi cho L. Jot. Bởi tôi đảo lại các chữ cái của tên anh ấy, nối chúng lại và gọi là Eljot.

Thực ra anh là J. L, nhưng Anh biết anh ấy. Biết như không một ai biết được như thế. Hãy hứa với tôi là anh sẽ kể lại với anh ấy những gì tôi viết. Anh sẽ kể phải không?

Bởi Eljot là quãng nghỉ giữa hồi thứ nhất và hồi thứ hai của một vở opera. Khi đó tôi uống loại champagne ngon nhất mà họ có ở quầy. Nếu tôi không thể làm được như thế thì tôi sẽ ngồi nhà và nghe đĩa. Anh ấy phải là thứ champagne ấy. Chỉ dành cho lúc giải lao. Phải dội vào đầu. Phải ngon và phải tạo được cái say say ấy cho hồi sau. Để âm nhạc đẹp hơn nữa.

Eljot là như vậy. Như loại champagne ngon nhất và đắt nhất trong quầy bar. Làm tôi ngây ngất. Sau đó cần phải có đợt giải lao thứ hai nữa. Còn sau đấy thì buổi hoà nhạc phải kết thúc. Và champagne cũng thế. Nhưng đã không như vậy. Lần đầu tiên trong đời, cái mà tôi nhớ nhất của cả buổi xem opera là đợt giải lao giữa hồi thứ nhất và hồi thứ hai. Cái quãng nghỉ ấy gần như không bao giờ kết thúc. Tôi nhận ra điều ấy sáng hôm nay, trong câu lạc bộ này. Chủ yếu là do các giác quan đã trở nên nhạy bén hơn vào ngày nhịn ăn thứ tư và sau cốc guiness thứ tư.

Tôi đã cùng với anh ấy trải qua 88 ngày và 16 giờ của đời tôi. Không một người đàn ông nào ít thời gian đến thế và cho tôi nhiều đến thế. Một người cùng với tôi được sáu tháng, mà không biết cách cho tôi cái mà tôi có được với Eljot chỉ sau sáu tiếng. Tôi đã cùng với người này vì tôi cho rằng “sáu giờ” của anh ấy rồi sẽ đến. Tôi đã chờ. Nhưng chúng không bao giờ đến. Vào một ngày nào đó, trong một cuộc đấu khẩu vô nghĩa, hắn bắt đầu gào lên:

– Cái thằng Ba Lan thổ tả ấy đã cho em cái gì nào, khi mà sau đấy em chẳng còn lại chút gì? Thậm chí chỉ một tấm ảnh còm – Còn khi hắn hân hoan nói thêm – Mà liệu gã ta có biết máy ảnh là cái gì không nhỉ?! – thì tôi đã lôi cái vali gần như rỗng tuếch mà hắn mang theo hồi đến chỗ tôi ra ngoài cửa.

Cái anh chàng “Ba Lan thổ tả” ấy đã cho tôi cái gì nhỉ? Đúng thế, cái gì?

Anh ấy cho tôi ví dụ như sự lạc quan này. Không bao giờ anh ấy nói về nỗi buồn, nhưng tôi biết anh ấy đang trải qua một nỗi buồn tột đỉnh. Sự lạc quan thấm đẫm vào anh. Với anh, mưa chỉ là một pha ngắn trước khi mặt trời mọc. Bất kỳ ai ở Dublin đều biết rằng ý nghĩ như vậy là ví dụ về một sự lạc quan tuyệt đối. Chính ở bên anh ấy tôi đã cho rằng có thể mang được những đồ không nhất thiết phải đen. Chính ở bên anh ấy tôi đã tin rằng cha tôi yêu mẹ tôi, chỉ có điều ông không biết thể hiện điều đó. Về điều này thì mẹ tôi thậm chí không bao giờ tin. Cả bác sĩ tâm lý của bà cũng không tin.

Anh ấy cho tôi ví dụ như cảm giác khi anh cho rằng chỉ một tí nữa thôi anh sẽ phát điên lên vì khao khát. Và anh lại biết rằng chắc chắn anh sẽ được toại nguyện. Anh ấy biết kể cho tôi nghe câu chuyện cổ tích về từng li trên cơ thể tôi. Có lẽ không có điểm nào mà anh ấy chưa chạm tới hoặc chưa nếm thử. Nếu có thời gian, có lẽ anh ấy sẽ hôn từng sợi tóc trên đầu tôi. Lần lượt từng cái một. Ở bên cạnh anh ấy, bao giờ tôi cũng muốn cởi thêm nữa. Tôi có cảm giác rằng có lẽ phải đến khi bác sĩ tháo vòng cho tôi thì tôi mới cảm thấy mình thực sự khoả thân.

Anh ấy chưa bao giờ tìm kiếm những điểm nhạy cảm trên cơ thể tôi. Anh ấy cho rằng phụ nữ là một điểm nhạy cảm như một thể thống nhất, còn từ cái thể thống nhất ấy thì não vẫn là điểm nhạy cảm nhất. Eljot đã nghe về cái điểm G nổi tiếng ở chỗ kín của chị em, nhưng anh ấy lại tìm nó trong não tôi. Và hầu như bao giờ cũng tìm thấy.

Tôi đã cùng anh ấy đi hết mỗi con đường. Anh ấy đã đưa tôi đến những điểm tội lỗi một cách tuyệt diệu biết bao. Với tôi, một số điểm giờ đây đã trở thành thiêng liêng. Đôi khi, chúng tôi yêu nhau trong tiếng nhạc Beethoven hoặc những vở opera, tôi tưởng như anh ấy không thể tình cảm hơn được nữa. Như thẻ anh ấy có hai trái tim thay vì hai lá phổi. Có thể thậm chí anh ấy có…

Anh đã cho tôi ví dụ như một cái túi chườm cao su nhỏ hình trái tim màu đỏ. Chỉ nhỉnh hơn bàn tay một chút. Ngọt. Chỉ anh ấy mới có thể tìm được một thứ như thế ở Dublin. Vì chỉ có anh ấy mới để ý đến những thứ như vậy. Anh biết rằng tôi có PMS(4)khủng khiếp, trước kỳ kinh còn tồi tệ hơn và rằng khi đó tôi là một mụ phù thuỷ tầm thường, ích kỷ, tàn nhẫn và bất công mà cái gì cũng làm phiền mụ ta. Thậm chí cả việc mặt trời mọc ở hướng Đông và lặn ở hướng Tây. Thế là vào một ngày nào đó, anh đi đến tận đầu kia của Dublin để mua nó. Đêm ấy, khi tôi bị đau quá, anh dậy đổ đầy nước nóng vào túi rồi đặt lên bụng tôi. Nhưng trước hết anh hôn vào chỗ ấy. Từng phân một. Chậm rãi, nhẹ nhàng và tình cảm đến không thể tin nổi. Sau đấy anh đặt cái túi lên bụng tôi và khi tôi sung sướng nhìn vào cái vật bé tí ấy, anh ấy bắt đầu hôn và mút những ngón chân tôi. Hết ngón này đến ngón khác. Hết bàn chân này sang bàn chân kia. Anh ấy cứ nhìn vào mắt tôi và hôn. Kể cả nếu anh không có PMS, anh vẫn có thể hình dung ra nó tuyệt vời như thế nào. Rất tiếc là tôi chỉ được cùng anh ấy có ba PMS và ba kỳ kinh.

4. PMS: Những triệu chứng của thời kỳ tiền mãn kinh.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.