Cô Đơn Trên Mạng
Chương 03 phần 3
Có những khoảnh khắc, khi mà nỗi đau lớn đến mức ta như ngạt thở. Đó là cơ chế thật khôn ngoan. Anh nghĩ là nó đã được tự nhiên rèn luyện rất lâu. Ngạt thở, nghĩa là bạn tự cứu được mình và trong chốc lát quên đi nỗi đau một cách trực giác. Bạn sợ sự trở lại của trạng thái ngừng thở và nhờ đó bạn có thể trải qua. Ở đó, ở cạnh ngôi mộ, anh đã không thở được. Đó là lần đầu tiên bị như vậy.
Thiếu không khí, đó không phải là cơ chế duy nhất. Có một cơ chế khác, đó là cái đau vật lý. Nhưng phải tự mình giao cho mình. Đó không phải là nỗi đau thường ngày đi liền với sự thất vọng. Không phải cái bắt đầu ngay sau khi thức dậy, từ đầu ngón chân cái đến chân tóc. Đó phải là một nỗi đau khác. Nỗi đau được kiểm soát và định vị. Được tạo thành bởi lưỡi dao cạo hay đầu mẩu thuốc lá cháy dở. Khi đó bạn phải thay nỗi phiền muộn bên trong bằng cái đau vật lý cho phép định vị được. Bằng cách đó bạn sẽ kiểm soát được nó.
Sau đó, mấy tháng tiếp theo, anh tưởng như mình đang sống trong sự trừng phạt. Anh căm thù những buổi sáng. Nó nhắc ta rằng đêm đã kết thúc và lại phải vật vã với những ý nghĩ. Với những giấc ngủ thì có vẻ dễ hơn. Có những tuần anh không ra khỏi giường. Và nếu có, thì chỉ để kiểm tra xem có đúng là bố anh đã mang hết rượu ra khỏi nhà không? Đôi khi tồi tệ đến mức đang đêm bố anh phải chạy ra một quán rượu lậu nào đó, xách về vài chai và hai bố con cùng uống. Khi đó anh chưa biết gọi tên tình trạng này. Bây giờ thì anh biết là mình đã rơi vào trạng thái trầm cảm nặng nề khủng khiếp.
Từ thất vọng anh đâm ra triết lý. Tất cả những gì không phải là bi kịch, thất vọng, vô vọng đều là vô lý. Ví dụ như ăn, đánh răng, thông phòng là vô lý. Bố anh làm tất cả để bẩy anh lên từ cái hố ấy. Đầu tiên ông xin nghỉ phép của hai năm gộp lại. Sau đó ông từ chối trực đêm để lúc nào cũng ở cạnh anh. Ông làm những việc mà anh không thể nghĩ tới. Ông lấy nước pha loãng rượu ra để anh vẫn uống ngần ấy mà không bị say, ông đi thư viện và đọc hàng giờ cho anh nghe những cuốn sách. Ông không hỏi về tương lai.
Trạng thái ngừng thở bắt đầu tái phát. Anh bị suyễn. Một bệnh suyễn được thần kinh nuôi trồng rất khéo léo trong não. Anh còn bị cả những cơn sợ hãi. Đầu tiên anh sợ mình sẽ bị chết ngạt. Sau đấy anh sợ mình có những cơn ngừng thở thái quá và chắc chắn một cơn ngừng thở cuối cùng sẽ đến. Sau đó anh sợ tất cả. Ban đêm anh thức giấc và sợ. Thậm chí anh không biết mình sợ cái gì. Bạn nằm mở mắt to và toát mồ hôi vì sợ, và bạn không biết mình sợ cái gì hay sợ ai. Từ một ngày nào đấy, phòng anh bao giờ cũng sáng. Nhiều khi anh chỉ có thể chợp mắt được khi có bố anh ngồi cạnh giường.
Sau chừng nửa năm, sau một trong cái chuỗi đêm ấy, khi uống xong thuốc chống trầm cảm bằng rượu pha với nước cam, để bố anh yên tâm, anh thức dậy phía dưới cái máy thở được buộc vào giường bằng những dải dây da. Bố đã đưa anh tới đó khi nhìn thấy anh khô héo vì tự đầu độc mình bằng tất cả những gì có thể, dù chỉ trong chốc lát, làm dịu bớt nỗi đau buồn. Đến ca trực của mình, ông gói anh bất tỉnh vào xe cấp cứu và đưa đến cái bệnh viện thần kinh này.
Em có hình dung được ông cảm thấy gì khi làm điều đó không?
Chính thức thì anh đến để giải độc. Một căn nhà tồi tàn bẩn thỉu với những chấn song cửa sổ rỉ ở vùng ngoại ô xa xôi của Wroclaw. Ngoài hàng vốc thuốc đủ màu sắc vào buổi sáng và chiều thì – anh muốn nói với em điều này, mặc dù thật xấu hổ, những bi kịch và ghi chép về những phiền muộn của mọi người lại điều trị cho anh tốt hơn. Nhờ đó mà bỗng nhiên cái đã xẩy ra với anh, tìm được hệ quy chiếu của mình. Nó không còn lấp kín toàn bộ không gian và não anh nữa. Sự cảm thông, tình thương yêu và ý nghĩa của sự tồn tại bỗng lại thoát được ra ngoài. Trong cái đầm lầy của nỗi buồn, sự vô lý, lòng hận thù và sự ai oán đối với thế giới ấy, chúng như sợi dây thừng mà người ta có thể bám vào đó mà leo lên từng tí từng tí một.
Anh cảm thấy điều đó rõ nhất vào cái ngày, khi anh ngồi đợi đến lượt khám ngoài phòng khám, một chị hộ lý đẩy một chiếc xe lăn, ngồi trong đó là mục sư Andrzej. Ở đấy người ta gọi người đàn ông gầy đến không thể gầy hơn được nữa ngồi, kể từ ngày anh ta vào đó, ngày này sang ngày khác trên xe bên cửa sổ có chấn song ở cuối hành lang, ngay bên cạnh nhà vệ sinh, như vậy.
Ở đây, trong phòng đợi, cách anh một mét, trông ông ta như một diễn viên mang tính đặc trưng của những bộ phim về trại tập trung. Đầu cạo nhẵn thín như một tân binh, với một vết sẹo cỡ vài phân trên cái sọ nhăn nheo. Khuôn mặt vàng bủng được phủ một lớp râu đen, xương quai hàm nhô lên, cặp mắt to tháo láo trong hai hốc mắt mà ngay cả với cặp mắt ấy chúng cũng phải to hơn đến hai số.
Tay trái thõng xuống phía ngoài tay vịn của xe và treo sức nặng của mình trong sự bất động. Trên cánh tay nhìn thấy được phía dưới tay áo quá ngắn của chiếc pizama vấy bẩn đã bị mạng, có thể đọc được mấy chữ xăm bằng mực đen hồi nào nhưng nay đã bạc: “Không có Chúa… “. Nhìn chúng như dòng chữ nguệch ngoạc trong cuốn vở của học sinh lớp một. Hình xăm không đều và bị loang ra. Vùng da quanh chữ viết có gờ đỏ sau nhiều lần bị thương tổn.
Người đàn ông ngồi ngay trước mặt anh và nhìn anh bằng cặp mắt mở to. Anh cố tránh ánh mắt ấy nhưng một lúc sau nhìn lại, thì ông ta vẫn nhìn anh như thế. Dường như ông ta không hề chợp mắt.
– Anh đừng có để ý đến ông ấy – chị hộ lý nói khi nhận thấy sự lúng túng của anh – Ông ấy vẫn nhìn như thế từ lúc họ đưa ông ấy vào chỗ chúng tôi. Đến Giáng sinh này là tròn hai năm. Ông ta thậm chí lúc ngủ cũng mở mắt.
Anh cảm thấy khó chịu khi chị hộ lý nói về ông ta như thể không có ông ta ở đấy. Chị ấy nhận thấy điều đó nên nói luôn trước khi anh kịp bình luận:
– Ông ấy không nghe được. Họ đã thử các kiểu. Chắc chắn là ông ấy không nghe được.
Chị hộ lý đứng dậy, hơi dịch chiếc xe đẩy. Lúc này người đàn ông nhìn lên khoảng tường ngay cạnh đầu anh. Cửa phòng khám mở ra và một người đàn ông trẻ mặc blu trắng nói:
– Magda, chị đẩy mục sư vào được rồi đấy.
Chị hộ lý đứng bật dậy và đẩy chiếc xe vào căn phòng hẹp với những cái tủ trắng. Chị đóng cửa và ngồi xuống ghế cạnh anh. Chị ta châm thuốc hút, bê cái chậu dương xỉ với những nhánh úa vàng còn sót lại từ bệ cửa sổ xuống đặt trên nền nhà phía trước mặt. Cái chậu đầy những đầu mẩu thuốc lá.
– Tại sao các chị lại gọi ông ấy là mục sư? – anh hỏi
– Bởi ông ấy đúng là mục sư. Về danh nghĩa thì ông ấy như rau cỏ. Và ông ấy vẫn như vậy. Còn bao giờ ông ấy chết, sẽ không có một mục sư nào khác chôn cất ông ấy – Chị ta rít sâu một hơi thuốc và nói thêm: – Ông ấy đã quá lầm lỗi. Thậm chí nếu Chúa có tha thứ cho ông ấy thì chắc chắn Giáo hội cũng sẽ không tha thứ.
Những gì mà chị ta kể cho anh nghe trong phòng chờ sặc khói thuốc của cái bệnh viện tâm thần ấy trong suốt hai mươi phút sau đó, là một câu chuyện tình yêu gây chấn động mãnh liệt nhất mà anh được biết. Cái bi kịch con người ẩn chứa trong câu chuyện ấy đã tác động lên anh tốt hơn gấp trăm lần tất cả những lọ thuốc của các vị bác sĩ thần kinh mà anh đã uống kể từ sau cái chết của Natalia. Bây giờ em sẽ đọc thiên tiểu thuyết – thậm chí anh không cả hỏi xem em có thích không – về sự cuồng tín vô hạn của con người. Mỗi người công giáo nên thuộc thiên tiểu thuyết này như thuộc Mười điều răn của Chúa.
Em nghĩ sao, có bao nhiêu người công giáo ở Ba Lan biết những tội lỗi của Mười điều răn? Bởi anh không biết ở Ba Lan có bao nhiêu, nhưng anh biết, ở Tây Ban Nha, nước cũng theo đạo Thiên Chúa tương tự có bao nhiêu. Khoảng mười bốn phần trăm. Tròn mười bốn trong số một trăm người biết họ phạm tội để chống lại cái gì. Ở Ba Lan chắc chắn là nhiều người biết và phạm tội hơn. Nhưng điều này không đáng với các mục sư và các thầy dạy giáo lý vấn đáp. Điều này đáng cho Kieslowski.
Andrzej, kể từ khi bập bẹ nói đã tỏ ra khác người. Đi học, cậu vào ngay lớp ba. Trong trường nhạc, nơi mà cậu học song song với văn hoá, cậu học thổi oboa. Ngoài ra, năm lên tám, cậu còn chơi phong cầm trong một nhà thờ gần nhà. Cha Phó nhận thấy là hễ khi nào cậu bé Anrzej chơi phong cầm thì mọi người thích đến hơn và ở lại lâu hơn.
Với bố mẹ thì Andrzej là lý do để họ luôn hài lòng. Mà còn là lý do duy nhất. Bản thân họ chẳng đạt được gì nhiều nhặn. Người ta thì đi nghỉ hè ở Bungari, mua ôtô và đồ gỗ, còn họ thì chỉ có mỗi Andrzej. Cậu là niềm tự hào, là sự thanh minh duy nhất cho sự không thành đạt của họ. Một màn công diễn của tính di truyền. Chúng tôi không thành đạt trong cuộc đời, nhưng chúng tôi có con trai là một học sinh đầu bảng. Với một áp lực lớn như vậy của những kỳ vọng, nếu là con gái, thì chí ít Andrzej cũng mắc chứng biếng ăn.
Andrzej học hai năm kiến trúc ở Wroclaw. Anh không được ở ký túc xá. Mẹ anh giúp việc trong dàn đồng ca nhà thờ nên giải quyết được cho anh một phòng trong khu nhà của các thầy dòng. Nhưng chỉ trong vòng một tháng. Trước khi họ tìm được một nơi nào đấy. Như vậy được hai năm. Adrzej học, chơi đàn cho các buổi lễ cầu nguyện, cầu nguyện cùng với các tu sĩ và càng ngày càng rời xa thế giới thực.
Ngay sau lễ Phục sinh, anh chuẩn bị một túi du lịch nhỏ, lên tàu và đi Krakow. Anh tham gia vào tăng hội của dòng tu Domentic và hội thảo của các tăng lữ. Anh giam mình trong am. Cuối cùng thì anh đã hạnh phúc. Đầy ắp sự hài hoà và tĩnh tâm. Bố mẹ anh, khi hiểu được điều gì đã xảy ra, suốt hai tuần liền không dám giáp mặt xóm giềng ngoài cầu thang. Bởi tăng hội so với kiến trúc quả là sự mất giá ghê gớm. Bà mẹ thôi không giúp việc trong dàn đồng ca và trong khu nhà của các thầy dòng nữa.
Trong khi đó hàng đêm Andrzej quì trước Thánh giá lâu hơn tất cả. Hết đêm này sang đêm khác. Anh chỉ thôi khi những vết thâm trên đầu gối nứt ra, rỉ máu dây cả xuống nền nhà bằng đá. Là anh, người hay nằm sấp, tay giang ngang như thánh giá nhất trong nhà thờ. Là anh, người từ cô đơn dẫn đến trò chuyện và hợp nhất với Chúa mà tạo nên triết lý sống của mình.
Em có biết rằng sự cô đơn, đó là loại sầu muộn tồi tệ nhất trong sự nhận thức tội lỗi của con người? Đó là phổ quát cho toàn thế giới. Ở New York cũng như ở New Guinea, con người sợ hãi trước sự cô đơn và bị bỏ rơi. Em có biết rằng theo một trong những thần thoại cổ nhất của Ấn Độ, thì Tạo hoá tạo ra thế giới chỉ vì Người cảm thấy cô đơn? Em có biết rằng các sách hướng dẫn về thần kinh của Mỹ phân loại việc tu hành như một dạng của bệnh điên?
Ngoài sự cô đơn thì tri thức cũng được anh coi như một cái gì đó có thể làm hài lòng Chúa. Anh ta học sáu thứ tiếng, là một nhà thần học và triết học tài năng. Anh ta đến Nigeria tám tháng để cầu nguyện. Anh ta nhận được học bổng của Học viện Giáo hoàng và đã đi Rome. Ba năm sau, với bằng tiến sĩ anh trở về Krakow vào tháng năm. Tháng chín anh ta tổ chức một nhóm thanh niên hành hương đến Czestochowa.
Ai ai cũng yêu quí Andrzej. Anh cùng với họ hát những bản nhạc trữ tình về Chúa, chiếu cho họ xem những băng video về những buổi hoà nhạc theo sách Phúc âm, chơi guitar trong những đêm lửa trại và chơi phong cầm trong những nhà thờ dọc đường đi. Những buổi lễ sớm với anh là những cuộc trò chuyện thực sự với Chúa. Trong những cuộc trò chuyện đó, người ta nhận được câu trả lời cho những câu hỏi mà người ta rất muốn hỏi nhưng chưa bao giờ biết cách diễn đạt như thế nào. Cả phụ nữ cũng yêu quí Andrzej. Một số người hoàn toàn không phải vì những buổi cầu nguyện, guitar và kèn oboa.
Đến một hôm, khi mọi người đã ở rất gần Czestochowa – một cái xe ủi đi qua đoàn người hành hương đã làm hai người bị thương nặng. Trong bệnh viện địa phương ở Poczesna không có ai. Bác sĩ đang nghỉ phép xa ở Myszkowa. Thế là người ta dẫn đến bệnh viện một viên bác sĩ thú y. Đi cùng bác sĩ thú y là xơ Anastazja. Một nữ tu dòng Carmel ở Lublin. Người bị thương thứ hai thuộc nhóm của ni cô.
Cô gái trẻ, có vẻ mất bình tĩnh, mặc bộ đồ xơ mùa hè màu xám, đi giầy môca buộc dây và đeo kính gọng mảnh. Cô nói rất khẽ. Gần như là nói thầm.
Viên bác sĩ thú y bảo rằng một người phải được truyền máu, còn người kia phải đưa đi Myszkowa. Cả hai đều tuyên bố sẽ cho máu. Mấy phút sau, viên bác sĩ thú y từ phòng thí nghiệm ở phía sau đi ra và nói:
– Các anh chị có cùng nhóm máu. Và chỉ số Rh giống nhau.
Với vẻ hài lòng, anh ta nhìn Anastazja cởi áo khoác, vén tay áo để cho máu, những giọt máu chảy chầm chậm vào cái túi plastic.
Cho tới khi kết thúc cuộc hành hương, hai con người cho tới lúc đó không hề để ý đến sự tồn tại của mình, đã luôn ở bên nhau. Tại các buổi cầu kinh sớm của Andrzej, trong đám đông, Anastazja quì bên khu cắm trại của họ và cùng anh ta cầu nguyện. Hai người bỗng nhiên cùng chuẩn bị các bữa ăn. Trong các đêm lửa trại, xơ giữ một khoảng cách, nhưng bao giờ cũng ở cạnh.
Ngày hôm sau là họ sẽ đến Czestochowa. Đó là buổi cắm trại cuối cùng. Andrzej đến một nhà thờ nhỏ ở rìa ngôi làng mà họ định dựng trại để cầu nguyện. Trước ban thờ, trên nền bục xi- măng, Anastazja đang quì, đầu cúi, tay phải đặt lên ngực trái và cầu nguyện.
Anh ta khẽ đi đến và quì xuống bên cạnh cô. Điều đó hoàn toàn nằm ngoài dự định! Anh ta tuyệt nhiên không muốn để thân thể họ chạm vào nhau. Nhưng anh ta quì xuống quá nhanh và người họ đã chạm vào nhau. Cô ta không dịch ra.
Cả hai đều cầu nguyện cùng một điều. Sau đấy họ đã kể lại với nhau như vậy. Một mặt họ muốn cảm nhận sự gần gũi ấy. Mặt khác họ lại cầu xin Chúa giải thoát cho họ khỏi nỗi thèm khát đó. Cũng ở lần ấy, ngay tại đó, ngay từ giây phút đầu tiên, trong ngôi nhà thờ thôn dã ấy lần đầu tiên họ cảm nhận được hiểm hoạ của thế giới. Người trông coi nhà thờ đột ngột bước vào để tắt nến. Họ hoảng hốt dịch ra xa nhau. Ngay ở đấy, ngay trong những phút đầu tiên họ đã biết rằng thế giới không chấp nhận điều đó.
Khi vẫn còn ở Czestochowa, ngay trước khi cuộc hành hương kết thúc, anh ta đã chạm vào tay cô ta. Để cảm nhận. Và để nhớ. Ngay sau đó anh ta chạy trốn và cầu nguyện suốt đêm. Anh dằn vặt với tình trạng tiến thoái lưỡng nan mà anh không muốn tin.
Em có tưởng tượng ra sự phản bội Đấng Toàn năng? Điều này thì không cách gì giấu nổi. Ở đây không muốn nói là không thể giấu được các hành vi. Mà là không thể giấu được ý nghĩ! Những khát khao, cảm xúc, ước mơ.
Sau đó họ giết chết mối tình đó bằng mọi cách có thể. Anh ta chạy sang Rome. Xin một học bổng khoa học ba tháng. Cuộc trốn chạy đó chẳng ích gì. Sáng nào anh ta cũng dậy từ sớm và chờ thư của cô ta.
Lẽ ra anh ta không được chờ! Anh ta đã chờ.
Lẽ ra cô ta không được viết! Cô ta đã viết.
Anh ta không thể chịu đựng nổi khi cô ta mở đầu bức thư: “Thưa cha Andrzej”
Anh ta từ Rome về bằng tàu hoả. Anh ta không xuống Krakow. Mà đến tận Lublin mới xuống. Anh ta muốn nói với cô rằng lẽ ra không nên như thế. Anh ta đã chuẩn bị tất cả. Ngay từ lúc tàu còn ở Viên, anh ta đã tập những gì sẽ nói với cô ta. Từng từ một.
Anh ta đứng trước tu viện của cô ta. Cô ta đi đến chỗ anh ta. Anh ta thậm chí không bắt đầu. Không thốt lên một lời nào. Họ đứng trong cổng và không nhìn nhau. Họ đứng cúi đầu như những tội đồ, nhìn xuống đất. Sợ cả những ý nghĩ của chính mình. Chỉ riêng việc họ ở đó, đã là một tội lỗi. Tội lỗi là anh đã nghĩ về cô ta không ngưng nghỉ kể từ cái nhà thờ ở Czestchowa ấy. Tội lỗi là anh đã mơ thấy cô ta. Tội lỗi là cô ta hoàn toàn không phải là xơ Anastazja. Tội lỗi là trong mơ cô ta đã có làn môi mà anh ta đã chạm tay vào.
Rồi Anstazja lùi vào trong tu viện. Một lát sau lại quay ra. Cô ta nắm tay anh ta và họ chạy. Họ dừng lại trong một công viên nào đó. Cô ta đứng sau gốc cây, đưa môi mình vào sát môi anh ta. Cô ta dùng lưỡi để lách vào miệng anh ta rồi đẩy nó qua hai hàm răng nghiến chặt vì kinh ngạc và hưng phấn. Một xơ trong bộ áo thầy tu hôn một giáo sĩ trong bộ áo thầy tu dưới gốc cây ở trung tâm Lublin!
Nụ hôn ấy như một sự khởi đầu. Sau đó chỉ còn lại tội lỗi. Họ gặp nhau hầu như khắp mọi nơi của Ba Lan. Càng xa Lublin và Krakow càng tốt. Chỉ cần vắng người, là hai người lại tay trong tay. Ở chỗ đông người, họ chỉ vụng trộm đụng nhẹ vào nhau. Họ để cho nhau biết rằng họ khát nhau. Họ không nói về Chúa, cho dù lúc nào cũng cảm thấy bị Người quở trách. Mãi cho đến sau cái đêm đầu tiên, một năm kể từ nụ hôn trong công viên, đêm đầu tiên thực sự loã thể, mãn nguyện và không e thẹn, anh ta mới nói với cô ta rằng anh ta yêu cô ta hơn là sợ bị trừng phạt. Bất kể đó là sự trừng phạt nào.
Người phụ trách các nữ tu ở Lublin biết được chuyện tình của xơ Anastaja qua một bức thư nặc danh do một sĩ quan SB, người đã theo dõi cha Andrzej từ lâu, gửi. Cha Andrzej là một đối tượng của nhiều chuyện giật gân. Những chuyến đi Rome, những cuộc viếng thăm của đại diện giáo hội Mỹ, mối quan hệ với phong trào thanh niên công giáo. Hay cha Andrzej đã từ chối hợp tác? Thật trẻ con và lãng mạng. Giờ đây cha không còn từ chối. Giờ đây cha không còn lặp lại cái trò khiêu khích trong trại quân sư. Khi ấy cha thoả hiệp hoàn toàn với họ. Đã vài người phải khốn khổ với cha, mà lại ngay ở Rakowiecka ở Varszawa.
Cha Andrzej bị gọi đi trại quân sự trái với luật pháp. Hồi ấy đang là thời chiến. Luật pháp có thể được đưa ra tối nay và thay đổi vào sáng mai. Cha nhận được giấy triệu tập đến trại quân sự dành cho những người đang dự hội thảo thần học. Đó là một sự khiêu khích trắng trợn. Một trong hàng loạt các sự ngược đãi nhằm đánh gục anh ta. Bởi không được phép gọi các tu sĩ đi bất cứ một trại huấn luyện quân sự nào.
Những người như anh ta khác nhiều. Họ bị đưa đến một bãi tập ở gần Drawska. Cả một trung đội. Toàn những tu sĩ ngây ngô và ít thông tin như anh ta.
Anh ta ở cái đơn vị gàn Drawska ấy được đúng mười một giờ đồng hồ. Trong buổi điểm danh tối, tay hạ sĩ say khướt ra lệnh cho họ cầu nguyện. Hắn hô như ra lệnh tập bằng một giọng khàn khàn Cha của chúng con rồi bắt mọi người đồng thanh nhắc lại. Anh ta đứng ở đó cùng với những người khác và im lặng, nén trong lòng sự khinh bỉ chính mình, rằng mình vẫn cứ đứng đó. Nhưng rồi tay hạ sĩ hô:
– Amen. Tôi bảo amen, lũ gà trống. To hơn, mẹ kiếp, amen.
Khi ấy anh ta bước ra khỏi hàng, đi đến chỗ tay hạ sĩ và cho hắn một cái tát như trời giáng. Ngay sau cú đấm đầu tiên vào mặt, anh ta ngã lăn quay. Bị đá, bị gãy xương sườn, bị quật vào đầu bằng dây thắt lưng quân sự, máu chảy từ mũi từ tai, anh ta được đưa vào một gian nhà tồi tàn cạnh dãy lều để băng bó. Đến đêm thì anh ta ngất đi vì mất máu. Mọi người buộc phải đưa anh ta đến bệnh viện. Nhưng đã thành công. Đức giám mục đã can thiệp. Một esbek(11) quan trọng nào đó ở Rakowiecka ở Varszawa đã phải đi phép ít ngày, còn cha Andrzej, cho dù trái với mong muốn, đã đi vào lịch sử của phe đối lập ở Ba lan.
11. Esbek: Từ viết tắt chỉ nhân viên an ninh với nghĩa tiêu cực.
Nhưng đó chỉ là trò nghiệp dư của những tay thám tử địa phương Krakow, như ở Varsawa người ta nói. Giờ thì người ta ký mà chẳng cần một cú đấm nào, một giọt máu nào. Họ sẽ chẳng cần phải bẻ của anh ta một cái răng nào. Còn giám mục? Giám mục thậm chí chẳng cần phẩy tay ra hiệu. Bởi giám mục sẽ không để cho mọi người biết rằng “tu sĩ với bằng tiến sĩ của Vatican đã tự do trăng hoa với nữ tu sĩ ở Lublin”
Người phụ trách tu viện gửi Anastazja đến một làng nhỏ ở Bieszczady nửa năm và một bức thư cho người phụ trách tu viện ở Krakow. Ông này chẳng làm gì vì ông ta không đọc thư. Dọc đường nó bị SB nhận mất. Cuộc tình phải tiếp diễn. Không bị quấy rối. Chủ yếu vì lý do ý thức hệ.
Và nó đã tiếp diễn. Trong những căn lều hoang ở Bieszczady, trong khách sạn ở Rzeszow, ở Krakow, nơi mà Anastazja chỉ mất hai giờ đi xe là đến. Nó tiếp diễn cũng nhờ những bức thư bị đọc và những cuộc điện thoại bị nghe trộm.
Người phụ trách tu viện không yên tâm với việc không có phản hồi gì từ phía Krakow nên đã đích thân đến đó. Một tuần sau thì cha Andrzej bị chuyển đi Swinoujcie. Phải làm sao để xa Bieszczady nhất và hạ nhục nhất.
Anh ta không thể dự lễ cầu nguyện. Hai khoa. Học viện giáo hoàng. Những bài thuyết giáo hay nhất ở Krakow. Một mục sư như vậy chưa từng có ở Ba Lan. Khi anh ta đến Swinoujscie thì có một người nào đó vô tình, đương nhiên, ném vào phòng ăn của tu viện một lá thư nặc danh của SB. Thế giới phải biết về họ. Và đã biết. Xơ Anastazja đã trở thành một gánh nặng. Gánh nặng về ý thức hệ. Với lại đây là một sự thật hiển nhiên nhất. Không thể hăm doạ cả tôn giáo chỉ vì một ả cuồng dâm nào đó mặc áo tu, kẻ không thể giải quyết vấn đề này là một cách khác hơn.
Tự nhiên không một ai nói chuyện với cô ta. Cô ta không được phép đến nhà nguyện vào buổi tối, việc mà từ trước tới giờ cô ta vẫn làm. Việc gì cô ta cũng bị nhắc nhở. Người ta chọc ngoáy cô ta theo từng bước chân. Một hôm, trên bàn trong phòng ăn có một bức thư của anh ta để ngỏ. Đầy ắp tình cảm, tình yêu và những lời tỏ tình. Khi ngồi vào chỗ của mình, cô ta có cảm giác như tất cả mọi người đều nhìn mình ghê tởm.
Nỗi khủng khiếp đó kéo dài chừng nửa năm. Cô ta không hề nói với anh ta. Nguợc lại, với mỗi lần bị hạ nhục, với mỗi nỗi khó chịu cô lại càng cảm thấy rằng mình phải yêu anh ấy.
Anh ta nếm trải thế giới của mình còn tồi tệ hơn nhiều. Một hôm, một cái bao cao su đã sử dụng được ném vào phòng xưng tội, nơi anh ta vẫn ngồi nghe xưng tội. Một ai đó đã nhét vào hòm thư ở nhà linh mục một phong bì không dán, trong đó đầy những mẩu báo với hình ảnh những em gái vị thành niên đang bị xâm hại tình dục. Các nữ giáo dân “phẫn nộ” đều đặn gửi thư cho linh mục. Trong vòng sáu tháng, anh ta bị chuyển chỗ mấy lần. Cho dù vậy, anh ta vẫn yêu cô ta không ngưng nghỉ với một tình yêu không thay đổi. Anh ta chờ đợi. Không biết chờ đợi cái gì, nhưng anh ta tin rằng chuyện này rồi sẽ kết thúc. Giống như quãng thời gian trong ngục luyện. Đến một lúc nào đó nó sẽ kết thúc và sau đó là sự cứu rỗi.
Một hôm, xơ Anastazja bỗng dưng biến mất. Cùng ngày hôm ấy, một ai đó đã đưa cái ôtô trong gara của tu viện ra. Cô đi Czestochowa. Trên đường về, tại một đoạn đường thẳng, khô ráo, cách phòng khám ở Poczesna hai cây số, xe của cô đi lấn sang lề đường bên trái. Lao thẳng vào một cái xe lạnh Đan Mạch khổng lồ. Không hề có dấu phanh xe. Xe của cô lao chính xác vào gầm khoang lạnh của chiếc xe tải. Cô chết ngay tại chỗ. Bẹp dí. Không một ai ở Lublin đến để nhận dạng cô.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.