Cô Đơn Trên Mạng

Chương 06 phần 1



ANH: Anh mừng vì đã đặt được phòng ở đúng khách sạn này. Đây đã từng là khách sạn của anh ở New Orleans.

Hôm qua, lúc từ sân bay về đây, bước ra khỏi taxi và sau ngần ấy năm lại được đứng cùng với cái vali của mình trước cánh cửa lùa màu trắng có tay cầm bằng đồng sáng loáng quen thuộc, anh thấy tim mình đập rộn lên. Khách sạn này, theo một nghĩa nào đấy, là biểu tượng của tất cả những gì đã làm thay đổi cuộc đời anh, thay đổi bản thân anh nhiều đến thế.

Chính tại nơi đây hơn một chục năm về trước, cái hồi làm tiến sĩ, vào ban đêm, anh thường bứt khỏi những cái máy tính, những cuốn sách, những tạp chí khoa học và những ý nghĩ, những ý tưởng, những kế hoạch luôn quay cuồng trong đầu mình. Cùng với những nhà khoa học khác trong nhóm, cũng trẻ, cũng cực kỳ gàn dở như anh, đang đêm gọi taxi đi đến khách sạn này, để uống bia hoặc rượu vang và nghe loại nhạc blues mê hồn của người da đen bên những cái bàn đá trắng ngoài sân trời, tranh luận đầy hưng phấn về tất cả những gì dính dáng đến việc sắp xếp chuỗi gien hoặc tưởng tượng ra những gì họ sẽ làm nếu chuyển được những gien này thành những protein tương ứng, và đến lượt chúng, những protein này thành cảm xúc, hành vi ứng xử hoặc ý nghĩ của con người. Họ gọi những lúc này một cách đầy tưởng tượng, phù hợp với địa điểm và tình huống, là “ADN breaks”, mà một số thì giải thích như là “giờ giải lao ban đêm để uống rượu ở Dauphine”, còn số khác thì là “đứt gãy ADN”.

Khi ấy họ là một nhóm những thanh niên ồn ào và tin tưởng vào sự không thể nhầm lẫn của mình, vào sự khác thường và đặc biệt của cái họ đang làm, và tuyệt đối chắc chắn rằng chính họ sẽ đánh dấu những đường chân trời trong khoa học. Nhưng cái mà anh nhớ nhất trong những ngày ở New Orleans ấy là lòng hăng say đến mức tham lam. Nếu như thời gian có thể trở lại và anh lại được ở đây, thì với những gì giờ đây anh biết, anh sẽ giành nhiều thời gian nhất để học thuộc lòng như học một bài thơ, chính là lòng hăng say ấy. Khi ấy họ như những chú sư tử non. Họ tin rằng thế giới sẽ là của họ, và khi ấy sao họ ở gần các vì sao trên khoảng trời đêm trên sân thượng của khách sạn Dauphine New Orleans đến thế. Cho nên hôm qua, khi lại đứng trước khách sạn này, cho dù mới là buổi sáng và mặt trời còn đang rực rỡ, anh vẫn chói cảm thấy mình ở gần với các vì sao hơn. Có sao đâu, nếu giờ đây chúng không còn sáng lấp lánh giống như những ngày xưa nữa.

Chẳng phải những vì sao cũng cháy đấy thôi.

Anh dừng lại một lát trước khi bước qua cánh cửa quá quen thuộc đối với anh để vào quầy lễ tân. Anh nghĩ nếu phải kể cho cô anh cảm thấy gì khi vào đây – mà anh thừa biết là cô sẽ hỏi – thì anh sẽ nói rằng anh cảm thấy buồn và tự hào xen lẫn. Tự hào vì khi anh đến thành phố này, nơi anh bắt đầu còn là một nghiên cứu sinh Ba Lan vô danh tiểu tốt, có cái họ mà ít ai đọc nổi, được mời như một gương mặt không cần bàn cãi đến một hội nghị quốc tế quan trọng nhất trong lĩnh vực này, để đọc một bản tham luận mà tất cả những nhân vật quan trọng khác trong lĩnh vực của anh đều muốn nghe. Còn buồn vì anh bỗng hiểu ràng với tất cả những gì anh đã đạt được, tất cả sự thừa nhận và ngưỡng mộ, thì anh vẫn sẽ không bao giờ còn được hưng phấn, tự hào về bản thân mình và toại nguyện như hồi đó, mười mấy năm trước đây khi đang nghiên cứu về sự sắp xếp chuỗi gien của một loại vi khuẩn gây nên bệnh sất Rickettsia, anh đã tin rằng mình đang nhìn vào những con bài của chính Tạo hóa.

Dauphin New Orleans, với sự giản dị và ấm cúng của mình, ở giữa trung tâm phố cổ của New Orleans, có một không khí mà cái khách sạn Hilton cao ngất, là khách sạn mà các nhà tổ chức hội nghị muốn đưa anh tới, chưa bao giờ và sẽ không bao giờ có được. Hôm qua, khi đến đây, nhận chìa khóa phòng từ người phụ nữ ở quay lễ tân tươi cười và đẹp không thể tả được, anh phân vân, không biết trong khách sạn này, các phòng trông như thế nào. Bởi anh chưa bao giờ nghỉ lại ở đây. Nhiều nhất cũng chỉ là những đêm trên sàn thượng. Cho nên khi mở cửa phòng số 409 trên tầng ba, anh đã sững người vì ngạc nhiên. Căn phòng rộng hơn toàn bộ căn hộ của anh ở Munich, có phòng ngủ, phòng khách và khu làm việc cùng với điện thoại, máy tính và máy fax. Trong phòng khách, trên cái giá cạnh vô tuyến là một cái kệ bạc, trong đó là một chai champagne được quấn khăn trắng, và bên cạnh có hai cái ly. Bước vào phòng ngủ, anh nhận thấy ngay là dưới cửa sổ, trên một cái bàn đá đen có một bình thủy tinh tròn với những bông lili. Anh nhớ rất rõ những bông lili này. Anh gọi điện xuống lễ tân hỏi liệu có sự nhầm lẫn nào chăng, vì ở Munich, qua Internet, anh chỉ đặt một phòng đơn bình thường thôi cơ mà. Người phụ nữ ở quầy lễ tân, người đã đưa chìa khóa cho anh chỉ cười mà nói:

– Tôi nhận ra anh ngay khi anh bước vào. Anh chính là người cách đây hơn chục năm đã đi quyên tiền cho một cô bé ở Ba Lan hay Hà Lan gì đó. Tôi không còn nhớ chính xác nữa. Nhưng anh đã cứu sống cô bé, đúng không? Con gái tôi hồi ấy cũng lên tám, đúng như cô bé kia. Hồi ấy, khi đọc báo nói về cô bé, tôi đã sởn cả gai ốc khi nghĩ rằng mẹ của cô bé sẽ phải kính phục anh như thế nào. Tôi nghĩ là anh sẽ thích căn phòng này. Nó là phòng tốt nhất của chúng tôi đấy. Bao giờ John Lee Hooker cũng ở đúng phòng ấy mỗi khi đến đây để biểu diễn ở Preservation HAll. Anh có biết anh ấy không?

Đặt ống nghe xuống, anh phân vân, làm sao mà ai đó lại có thể còn nhớ những gì mình đã cảm thấy khi đọc một cái gì đó trên báo từ hơn một chục năm trước đây nhỉ. Có thể đến một lúc nào đó anh sẽ có con gái và anh sẽ hiểu dù sao, điều đó là có thể. Nhưng đấy là hôm qua: Hôm nay thì anh không còn nghi ngờ gì là chị lễ tân ấy không là một ngoại lệ.

Nhớ, đó là một chức năng của cảm xúc.

Những cảm xúc, mà lại là đặc biệt khác thường, đã bắt đầu từ sáng sớm. Anh xuống sân trời cạnh bể bơi, mà sáng nào cũng được trang hoàng như một phòng của nhà hàng để ăn sáng. Ngồi uống thứ cà phê Mỹ chẳng ngon lành gì trong tiếng nhạc Mozart được phát ra từ những chiếc loa, anh vừa chờ xuất bánh dù của mình vừa kiểm tra hộp thư điện thử trên server tại Munich. Ông chủ sáng suốt của khách sạn, nắm bắt được tinh thần của thời đại đã cho lắp trên mỗi bàn trong phòng ăn sáng một ổ điện thoại đôi. Hai người có thể đồng thời kết nối latop của mình với Internet. Một sáng kiến đơn giản và hoàn hảo trong bản chất của nó. Liệu còn có gì dễ thương hơn một bức e-mail buổi sáng bên cạnh một tờ báo mới? Tờ báo giấy nằm bên li cà phê, và tờ điện tử yêu thích từ đâu đó: Nhật Bản, Australia, Đức hay Ba Lan.

Anh mở e-mail của cô và bỗng hét toáng lên vì vui sướng. Tất cả mọi người đang ăn sáng ở những bàn bên đều nhìn anh ngạc nhiên, nhưng chỉ một lát sau họ lại quay về với những tờ báo hay hộp thư điện tử của mình.

Anh đọc đoạn này thêm một lần nữa, cho chắc chắn.

Khi đi qua phía ấy, anh hãy đi chậm lại một chút! Em sẽ đứng chờ anh ở đó.

Tin này làm anh choáng váng. Đẹp quá. Không thể tin được. Đầy hưng phấn. Cô ấy sẽ đến Paris! Sẽ chờ anh ở sân bay! Anh phải liên hệ ngay với TWA để hoãn chuyến bay từ Paris đi Munich. Bánh mì đã được đưa đến. Anh phết mứt phúc bồn tử lên bánh mì và gọi chương trình tìm kiếm. Anh vào trang web của hãng hàng không TWA. Anh gõ mật khẩu của mình và số đăng ký chuyến bay từ New York đi Munich qua Paris. Và anh hoãn chuyến bay đi Munich từ Pans một ngày chẳng khó khăn gì. Anh sẽ đến Paris vào khoảng tám giờ sáng ngày 18 tháng bảy, vào thứ năm và sẽ bay đi Munich vào tối thứ sáu. Họ sẽ có cả một ngày giành cho nhau. Và cả một đêm. Đằng nào thì cô cũng quay về Warszawa bằng xe khách vào tối thứ sáu, nên việc kéo dài thời gian ở Paris thêm mấy ngày nữa là vô nghĩa. Anh đã có một kế hoạch đầy đủ và chi tiết cho weekend đầu tiên sau khi trở về từ New Orleans.

Anh viết e-mail cho cô và gửi ngay trước khi ăn xong. Anh viết rằng mình hạnh phúc không thể tả được, rằng anh không dám tin là cô chờ và rằng anh không biết làm thế nào để trải qua sự sốt ruột của mình ở New York. Rồi anh còn tạm biệt cô đầy tình cảm trước chuyến đi Paris này. Đây là lần đầu tiên cô đi xa kể từ khi họ quen biết nhau. Trước đây anh chưa bao giờ có dịp để tạm biệt cô.

Anh tạm biệt cô như thể họ thực sự phải xa nhau. Lại thêm một lần nữa anh phân vân, không biết họ sẽ đi xa tới đâu trong cái thế giới ảo này và không biết họ đã biết đi xa như thế nào để sống trong thế giới ấy giống như trong thế giới thực. Con người ta đôi khi ước ao được xa cách nhau để có thể nhớ nhung, chờ đợi và vui mừng trong ngày gặp lại. Mối quan hệ của họ, chưa được định nghĩa, thậm chí còn chưa được gọi tên, cũng không có gì khác. Họ cũng muốn những điều tương tự. Họ không để ý hoặc vờ như không để ý thấy rằng họ luôn sống trong sự xa cách như vậy và điều này có rất ít cái chung với sự xa cách vật lý được đó bằng khoảng cách. Họ ở cách xa nhau 1.000 hay 10.000 cây số, thì trong trường hợp của họ tuyệt đối không có ý nghĩa gì. Họ không xa nhau theo cái nghĩa thông thường. Nhiều nhất họ cũng chỉ thay đổi vị trí địa lý của cái máy tính kết nối hai người, hoặc thay đổi chương trình gửi những bức e-mail của họ, nhưng họ không ở xa nhau theo nghĩa, những người chia tay nhau sẽ ở cách xa nhau như thế nào. Sự xa cách của họ chỉ có hai trạng thái, thì cũng giống như mọi thứ trong cái thế giới tin học này mà thôi. Hoặc là họ ở bên nhau trong tầm tay, hoặc là ở trên mạng. Họ mới chỉ được ở trong “tầm tay” đúng một lần trong đời: lần ấy, trên chuyến tàu từ Berlin đi Poznan, khi mà họ thậm chí còn chưa biết cả tên nhau, không trao đổi với nhau một câu nào và chỉ có đồng tử của họ đôi lúc gặp nhau trong những cặp mắt tò mò. Còn trên mạng thì sao? Trên mạng tất cả đều xa như nhau hoặc gần như nhau, bởi suy cho cùng thì có gì khác nhau đâu.

Mà họ thì cũng cần phải xa nhau như tất cả mọi người, nhưng khác với tất cả, họ hoàn toàn không vui mừng khi gặp lại. Họ chia tay nhau để cuối cùng lại được gặp lại. Vào thứ sáu, 18 tháng bảy, sáng. Tại sân bay ở Paris. Như cô đã viết, anh thuộc lòng bức e-mail này:

Cạnh quầy cà phê nhỏ liền với kiốt bán báo.

Ngày ở New Orleans bỗng trở nên dài kinh khủng. Vào ngày mà cô đi ôtô khách đến Paris, anh phải trình bày báo cáo tại hội nghị ở đây, ở New Orleans. Bản báo cáo của anh là bản đầu tiên trong buổi sáng. Anh đến trước nửa tiếng, để lắp đặt laptop và nối nó với đèn chiếu từ máy tính lên một màn hình khổng lồ trên bức tường giữa. Trước khi anh lắp đặt xong, phòng hội nghị gần như đã kín người. Khi kéo lon coca Mỹ mang theo lại gần mình, anh chợt phát hiện trên mặt bàn được phủ khăn nhung màu xanh lá cây sát với bục của người thuyết trình có một ổ cắm điện thoại được đánh dấu bằng chữ phát quang trên tấm nhãn plastic như là “kết nối” với Internet. Chỉ còn chưa đầy năm phút nữa là đến giờ thuyết trình của mình, thế mà anh cảm thấy mình chẳng còn nghĩ ngợi gì về cái bài báo cáo ấy nữa. Vì hôm nay là cô phải có mặt ở Paris rồi đây. Nếu tính cả sự chênh lệch thời gian giữa Paris với New Orleans, thì chắc chắn giờ này cô đã viết cho anh. Anh muốn biết chắc điều này. Ngay bây giờ! Chỉ cần biết, cô có viết hay không. Còn viết gì thì anh sẽ đọc sau. Không nhìn những người đang chăm chú theo dõi mình, anh vội cắm các modem của laptop vào cái ổ trên bàn và đã bắt đầu khởi động chương trình thư, nhưng vị giáo sư của Berkeley, người điều khiển chương trình buổi sáng đột ngột đi đến chỗ anh.

Vây là anh không kịp…

Giáo sư đề nghị phiên âm thật chính xác họ tên anh. Ông đọc đi đọc lại trước sự có mặt của anh. Nghe như tiếng bị méo của thư ký người máy, nhưng anh vẫn có thể nhận ra là đang nói về mình. Mấy phút sau, khi giáo sư giới thiệu anh là người thuyết trình đầu tiên với phòng hội nghị đã kín người, và vẫn cứ nhầm tên thành họ của anh, thì tiếng cười vang lên. Điều này như một lời chào, lời chúc mừng. Họ phân biệt được họ và tên anh! Đó là chuyện hiếm hoi trên mảnh đất đầy kiêu căng là cái thế giới khoa học này.

Bản thuyết trình của anh phải kéo dài thêm mười lăm phút. Sự ưu ái này chỉ giành cho một số rất ít người. Trong những trường hợp thông thường thì chủ tọa sẽ cắt ngang câu người thuyết trình không chút ngần ngại sau khi thời gian quy định đã hết và gọi người tiếp theo: Ngày xưa thì cái cách ứng xử ấy khiến anh hết sức ngạc nhiên, nhưng hồi ở Munich, khi bản thân anh phải tổ chức hội nghị và có tới hai ngàn người đọc báo cáo, thì anh hiểu rằng đấy là biện pháp duy nhất.

Về nguyên tắc thì anh kết thúc phần trình bày đúng thời gian. Không thể khác được. Anh đã tập nhiều lần với đồng hồ đếm thời gian ở khách sạn: Chính xác bốn mươi phút, kể cả một vài giai thoại mà bao giờ anh cũng xen vào các bài báo cáo của mình. Anh nhận thấy trong số tất cả các bài báo cáo anh nhớ nhất những bài trội hơn nhờ có những giai thoại hay. Và anh tin rằng những người khác cũng phản xạ như vậy. Phần thời gian còn lại, chính xác là năm phút, anh giành cho các câu hỏi. Bây giờ anh không còn nhớ chính xác là làm thế nào lại dẫn đến lời qua tiếng lại gay gắt giữa anh với một tay ngạo mạn đến từ Đại học Tổng hợp Tybinda một cách rất vô nghĩa. Hội nghị quan sát vấn đề với sự căng thẳng ngày một tăng. Đến một thời điểm, để chứng minh cho lý lẽ của mình, anh cần đến một bảng dữ liệu thống kê. Anh cứ chắc rằng mình đã có nó trong ổ cứng của laptop và bằng bảng này anh sẽ kết thúc cuộc tranh cãi vô bổ kia.

Không có bảng dữ liệu!

Chắc là anh đã quên copy nó từ máy tính trong văn phòng ở Munich ra laptop mà anh mang đến New Orieans. Gã người Đức ngay lập tức nhận thấy điều này và rõ ràng là gã đang hoan hỉ.

Và khi đó trong đầu anh loé lên một sáng kiến bất thường. Chẳng phải máy tính của anh ở Munich lúc nào cũng bật sao. Nếu nó bật, thì nó cũng online trên mạng luôn. Nếu nó ở trên mạng, thì chương trình ICQ của anh ở Munich cũng hoạt động. Còn ở cái laptop trước mặt anh đây cũng có ICQ và nó cũng có thể hoạt động, bởi máy đã được kết nối với Internet. Anh đã kết nối nhờ việc anh gần như nghiện cola light, nhờ cái ổ cắm trên bàn này và nhờ nỗi nhớ cô trong anh.

Cả hội nghị sôi động hẳn lên khi anh nói rằng do “sơ suất” anh đã để bảng dữ liệu trong văn phòng mình ở Đức, nhưng ngay bây giờ anh sẽ lấy nó từ ổ cứng của mình trong máy tính tại văn phòng ở Munich. Trước mắt tất cả những người có mặt – họ có thể quan sát anh đang làm gì trên một màn hình lớn phía sau lưng anh – anh bắt đầu ICQ và khởi động tùy chọn cho phép, sau khi đưa mật khẩu vào, thâm nhập vào các phần của ổ cứng trong máy tính ở văn phòng anh. Bảng dữ liệu phải có ở đó, vì một tuần trước khi lên đường đến hội nghị ở New Orleans, anh đã giúp một anh bạn ở tổng hợp Warszawa sử dụng nó bằng cách này. Mấy phút sau, bảng dữ liệu đã được “lấy” về laptop của anh và có thể chiếu nó lên màn hình ở đây, trong phòng hội nghị tại trung tâm hội nghị ở New Orleans.

Trong một khoảnh khắc nào đấy, anh có cảm giác rằng đối với phần lớn những người trong hội nghị, cái bảng dữ liệu bất hạnh kia, ngành gien học và toàn bộ cuộc tranh luận khoa học ấy giờ đây tuyệt nhiên không có gì quan trọng. Quan trọng là ở chỗ, họ có thể là nhân chứng cho một cái gì đó tuyệt đối khác thường, một cái gì đó có thể gọi là “sự co lại” đột ngột của thế giới. Khoảng cách địa lý bỗng nhiên không còn ý nghĩa gì nữa.

The small planet, hành tinh nhỏ bé…

Đối với phần lớn mọi người trong hội nghị, khẩu hiệu quảng cáo này, một cách hoàn toàn không tính trước, mang một ý nghĩa khác, thực tế.

Với anh thì thế giới đã co lại từ lâu rồi, do đó mà chuyện này không gây cho anh ấn tượng gì đặc biệt. Cái duy nhất trong tất cả những chuyện này đang kích thích anh, nhưng lại là cái mà chắc chắn không một ai trong phòng hội nghị mông mênh chật kín người này nhận thấy, đó là một hình vuông vàng nhỏ xíu đang nhấp nháy phía dưới cửa sổ của chương trình ICQ mà anh bắt buộc phải khởi động để lấy cái bảng dữ liệu bất hạnh kia về. Cái tem nhấp nháy ấy chỉ có thể có nghĩa là: cô đã đến Paris và đương cố liên hệ với anh bằng cách gửi tin! Không có “sự co lại” của thế giới này, hẳn anh không bao giờ biết được điều đó. Anh cười, và tất cả mọi người đang theo dõi anh đều nhầm rằng anh đang cười tham trong cảm nhận “chiến thắng khoa học”. Anh cười với “gã kiêu ngạo của Tybinga”. Anh biết ơn hắn.

Ngay sau khi thuyết trình, anh từ chối mọi lời mời đi ăn trưa, trốn trong trung tâm hội nghị của khách sạn Hilton rồi đi taxi đến Layota Street. Đi trên St. Charles Avenue, anh phân vân làm thế nào để mô tả trạng thái “trở về quá khứ” này. Liệu những người khác cũng cảm nhận như thế? Một kiểu nuối tiếc rằng đã lâu quá rồi, rằng sẽ không bao giờ còn lặp lại nữa, nhưng cũng có cả sự tò mò rất lạ. Như thể trở về với cuốn sách mà đã có thời ta đọc nó với bao hồi hộp và xúc động.

Ở số 18 chỉ có một bức tường, tựa vào phần còn lại của những cái cọc đã có thời giữ cho toàn bộ kết cấu của ngôi nhà này. Phần còn lại nằm trên một đống gạch vụn đen được bao bằng dây thép gai, ẩn trong đám tầm ma khổng lồ đang nở hoa, chúng che kín nơi mà trước đây có thể là vườn. Một khoảng vuông được đánh dấu bằng dây đóng vào những cọc rào mốc, không tìm thấy lối vào. Mãi ở đoạn cuối của phía Nam anh mới nhìn thấy một tấm bảng bị tẩm mạ che mất một nửa, thông báo “Bán bất động sản”. Ngày viết trên bảng là vào tháng giêng. Bây giờ đã là tháng bảy.

Hơn một chục năm trước đầy, chủ ngôi nhà này là một nữ tiếp viên của PanAm. Chị này chuyển đến đây từ Boston sau vụ ông chồng tự cắt động mạch khi biết rằng bố thực sự của thằng con mười một tuổi duy nhất của mình là anh rể của ông. Bằng khoản bảo hiểm của chồng, chị tiếp viên đã mua ngôi nhà này và trong vòng một đêm đã chuyển đến đây cùng với con trai và không để lại địa chỉ cho bất cứ ai. Sau khi không được bay nữa vì bị đuổi khỏi PanAm vì tội ăn cắp rượu từ các khu vực miễn thuế cho hành khách, chị ta bắt đầu cho thuê phòng. Chị ta chỉ cho đàn ông thuê. Và chỉ là những người da trắng.

Anh tìm được địa chỉ của chị ta ở Student Union ngay sau khi từ Ba Lan đến Đại học Tổng hợp Tuiane thực tập. Bởi đây là địa chỉ duy nhất có thể đến được mà chỉ mất không đầy sáu đôla, và anh cũng chỉ còn có ngần ấy, anh bắt đầu đi tìm từ đây. Mở cổng cho anh là một phụ nữ gầy như kiểu suy dinh dưỡng có khuôn mặt chằng chịt nếp nhăn và mái tóc thưa, muối tiêu, dài ngang vai. Trên cổ là một cái băng chỉnh hình vàng bẩn dính máu. Chị ta mặc một cái áo khoác sờn màu tím, được thắt bằng một sợi dây bện mà người ta vẫn dùng để kéo những tấm rèm cửa sổ nặng. Cái áo có hai túi to bằng vải dầu được khâu thêm vào. Một chai johny waller thò ra từ một bên túi.

Chị ta tên là Robin. Nói năng khẽ khàng và điềm đạm. Chị ta cho anh thuê phòng vì anh là người da trắng, và anh hứa sẽ dạy Lý cho con trai chị ta và thỉnh thoảng cuốc vườn hộ chị, mang những thùng rác đi đổ trước bảy giờ sáng thứ hai và vì khi được hỏi có hút thuốc không thì anh đã không nói dối mà trả lời là có. Chị ta hút liên tục, và tất cả đàn ông trong nhà chị cũng hút. Sau này anh để ý thấy khi nào không có thuốc lá trên môi là chị ta nói to một mình, cốt là để chọc tức chính mình.

Phòng của anh ở ngay cạnh phòng của Jim.

Hôm nay anh đến đây là để tìm lại gã.

Anh mất liên lạc với gã khoảng ba năm sau khi về Ba Lan. Đơn giản là những bức thư gửi cho gã bắt đầu bị trả lại.

Đúng lúc anh đang nghiêng người để cạo chỗ rêu xanh phủ lên số điện thoại của công ty bất động sản trên bảng thông báo nằm trong đám tầm ma thì nghe thấy một giọng phụ nữ the thé từ phía sau lưng:

– Đến chuột cũng chẳng muốn sống trong ngôi nhà này. Ông đừng có mà mua. Với lại số điện thoại ấy cũng không còn nữa đâu. Cái công ty ấy chuyển đến Dallas rồi. Cách đây đã hai năm.

Anh quay lại và nhìn thấy một bà có tuổi ăn vận lịch sự, che một cái ô màu vàng. Một con chó xù màu trắng với chiếc nơ đỏ trên đầu, đeo một cái vòng cổ da rộng viền vàng nóng nảy chạy quanh bà ta. Con chó sủa liên tục nhưng sợ lại gần.

– Làm sao mà bác biết? – anh hỏi.

– Tôi sống cách đây không xa, Ở Garden District, và ngày nào tôi cũng đến đây với con Maggie của tôi – bà chỉ vào con chó xù trắng – để đi dạo. Với lại cô Robin, người chủ cuối cùng của ngôi nhà này là bạn của tôi. Chính tôi tìm cho cô ấy cái nhà này ở đây đấy chứ.

– Vậy có thể bác biết Jim McManus? Người cao, rất gầy, có một vết sẹo to trên má. Hơn chục năm trước đây anh ta có thuê phòng của Robin.

– Anh ta chẳng hề tên là McManus. Ít nhất thì cũng không phải lúc nào cũng có tên như vậy. Trên mộ anh ta là họ mẹ. Alvarez- Vargas – bà nhìn thẳng vào mắt anh nói.

Không cố giấu giọng nói run run, anh hỏi:

– Trên mộ anh ấy? Bác có chắc không? Có nghĩa là… anh ấy… Anh ấy mất từ bao giờ?

– Đúng đấy, tôi chắc chứ. Tôi đưa tang anh ấy cùng với Robin mà. Mộ của anh ấy đẹp lắm. Ngay cạnh lối vào Thành phố của Những người đã khuất ở nghĩa trang St. Louis. Ở bên phải, sau nhà nguyện. Ít người có được như thế. Và bao giờ cũng có hoa tươi. Hàng ngày. Nhưng hôm đưa tang thì chẳng có ai. Mỗi Robin, người phụ huyệt và tôi. Anh không biết à?! Anh là bạn thân nhất của anh ta kia mà – bà nói.

– Không, cháu không biết. Bác biết cháu à?

– Tất nhiên rồi. Thì chính anh dạy Lý cho thằng con của Robin chứ gì. Đấy là con đỡ đầu của tôi đấy.

– Tại sao… Tức là Jim mất như thế nào hả bác?

– Người ta tìm thấy anh ta ở bãi rác trên Khu Pháp. Anh ta bị ba mươi ba vết dao đâm. Đúng bằng tuổi của anh ta. Và mất bàn tay trái. Ai đó đã cắt mất. Ngay dưới khớp cổ tay. Nhưng nó lại không lấy đồng hồ của anh ta.

Bà nói bằng một giọng đều đều, bình thản, luôn miệng cười với anh và chốc chốc lại dừng lại để vuốt ve con chó đang núp sau chân bà và vẫn sủa liên tục.

– Nhưng bây giờ tôi phải đi đây. Maggie nó sợ anh. Tạm biệt.

Bà đột ngột quay lại nói thêm:

– P. J. rất rất thích anh. Hiện giờ cậu ấy đang sống ở Boston với ông bác… tức là với ông bố. Nó chuyển đến đấy cách đây năm năm, hồi Robin bị đưa vào bệnh viện. Thỉnh thoảng nó có đến đây thăm Robin. Tôi sẽ nói với nó là anh đến đây. Chắc là nó mừng lắm.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.