Cô Gái Chọc Tổ Ong Bầu

CHƯƠNG 17



Thứ Tư, 1 tháng Sáu
Khi đi đến chiếu giữa bên ngoài căn hộ trên tầng thượng của anh tại số 1 Bellmansgatan, Blomkvist không ngờ có người đã ở lòng giếng cầu thang. Ðang 7 giờ tối. Anh đứng sững lại lúc thấy một phụ nữ tóc vàng quăn cắt ngắn ngồi ở bậc thang trên cùng. Anh nhận ra ngay cô là Monica Figuerola của SIS ở bức ảnh hộ chiếu mà Karim đã mò ra.
– Chào Blomkvist, – cô vồn vã nói, gấp quyển sách đang đọc lại.
Blomkvist nhìn quyển sách, thấy nó là tiếng Anh, nói về ý tưởng Thượng đế ở thế giới cổ đại. Anh nhìn kỹ cô gái khi cô ta đứng lên. Cô mặc một váy dài mùa hè ngắn tay và trải một chiếc jacket da mầu gạch lên bậc thang trên cùng.
– Chúng tôi cần nói chuyện với anh, – Cô nói.
Cô cao, cao hơn anh, ấn tượng này lại càng lớn hơn khi cô đứng ở trên anh hai bậc. Anh nhìn cánh tay rồi chân cô, thấy bắp thịt cô nở nang hơn anh nhiều.
– Mỗi tuần cô để ra hai giờ ở phòng tập thể thao, – anh nói.
Cô mỉm cười, lấy thẻ căn cước ra.
– Tên tôi là…
– Monica Figuerola, sinh năm 1969, sống ở Pontonjargatan trên đường Kingsholmen. Người từ Borlange đến làm việc ở cảnh sát Uppsala. Cô đã làm ba năm ở SIS, Bảo vệ Hiến pháp. Cô là dân nghiện tập thể thao, từng là lực sĩ hạng đầu, suýt thì tham gia đội Olympic Thụy Ðiển. Cô muốn gì với tôi đây nào?
Cô ngạc nhiên nhưng nhanh chóng lấy lại thế chủ động.
– Khá bợm đấy, – Cô thấp giọng nói. – Biết về tôi như vậy thì anh chả phải sợ tôi nữa rồi.
– Tôi không sợ ư?
– Có vài người cần nói chuyện yên lành và nhỏ nhẹ với anh. Vì nhà và di động của anh có vẻ bị cài bọ nên chúng tôi có lý do để giữ bí mật và tôi được cử đến mời anh.
– Nhưng sao tôi lại phải đi đến bất cứ đâu với một người làm việc cho Sapo thế chứ nhỉ?
Cô nghĩ một lát.
– Được… hoặc anh có thể nhận một lời mời thân thiện của cá nhân hoặc thích để tôi còng tay anh lại đưa đi.
Cô mỉm cười dịu dàng.
– Blomkvist, xem đây, tôi biết không có nhiều lý do để anh tin bất cứ ai ở SIS đến. Nhưng thế này: không phải ai làm ở đấy cũng là kẻ thù của anh, mà cấp trên của tôi thì muốn nói chuyện với anh. Vậy anh thích sao nào? Còng tay hay tự nguyện?
– Năm nay tôi đã bị cảnh sát còng tay một lần rồi. Thế đã đủ. Chúng ta đi đâu đây?
Cô đỗ xe ở quanh góc phố xuống đường Pryssgrand. Khi họ đã yên vị trong chiếc Saab 9-5 mới của cô, cô mở di động bấm gọi.
– Mười lăm phút nữa chúng tôi sẽ đến.
Cô bảo anh thắt dây an toàn rồi lái qua Slussen tới Ostermalm, đỗ ở một phố ngách bên ngoài Artillerigatan. Cô ngồi im một lúc rồi nhìn anh.
– Blomkvist, đây là một lời mời thân thiện. Anh không gặp phải bất cứ chuyện gì hết.
Blomkvist không nói năng. Anh chưa phán xét vội cho tới khi anh biết đây là chuyện gì. Cô bấm vào mã số ở cửa ra phố. Họ đi thang máy lên tầng năm, đến một căn hộ có đề tên Martinsson ở cửa.
– Chúng tôi mượn chỗ này cho cuộc gặp tối nay, – Cô mở cửa ra nói. – Sang bên phải, vào phòng khách.
Người đầu tiên Blomkvist trông thấy là Torsten Edklinth, điều này không lạ vì Sapo từng dính sâu vào vụ việc đã xảy ra và Edklinth là sếp của Figuerola. Việc ông giám đốc Bảo vệ Hiến pháp bỏ công ra đưa anh đến đây nói lên rằng một ai đó đang phải căng đầu óc. Rồi anh nhìn thấy một nhân vật ở gần cửa sổ. Ðây thì đúng là một sự ngạc nhiên.
Rồi anh nghe thấy một tiếng động ở bên phải và nhìn thấy Thủ tướng ở ghế đứng dậy. Chuyện này anh không hề chờ đợi.
– Chào ông Blomkvist, – Thủ tướng nói. – Thứ lỗi cho chúng tôi đã ngắn gọn triệu tập ông đến cuộc họp này, nhưng chúng tôi đã bàn về tình hình và tán thành rằng chúng tôi cần nói chuyện với ông. Tôi có thể mời ông uống chút cà phê hay thứ gì khác không?
Blomkvist nhìn quanh. Anh thấy một bàn ăn bằng gỗ tối màu la liệt những cốc, tách cà phê và bánh sandwich thừa lại. Họ đã ở đây đến hai tiếng đồng hồ rồi.
– Nước Ramlosa, – anh nói.
Figuerola rót cho anh một cốc nước khoáng. Họ ngồi xuống đi văng, còn cô vẫn ở phía sau.
– Anh ấy nhận ra tôi, biết tên tôi, chỗ tôi ở, chỗ tôi làm việc và tôi là dân nghiện thể dục, – Figuerola như nói cho riêng mình.
Thủ tướng liếc nhanh về Edklinth rồi Blomkvist. Blomkvist lập tức nhận thấy mình cũng có đôi chút sức mạnh. Thủ tướng cần một cái gì đó ở anh và anh cho rằng có lẽ ông không rõ là anh biết đến đâu hay anh không biết gì cả.
– Sao anh biết thanh tra Figuerola là ai? – Edklinth nói.
Blomkvist nhìn Giám đốc Bảo vệ Hiến pháp. Anh không thể hiểu rõ tại sao Thủ tướng lại bố trí gặp anh tại một căn hộ mượn ở Ostermalm, nhưng thình lình anh cảm thấy phấn khích. Dẫn đến bước này cũng đơn giản thôi. Armansky châm ngòi chuyện này bằng cách đưa thông tin cho một ai đó mà ông tin cậy. Người này chắc là Edklinth hay một ai thân cận với ông ta. Blomkvist thử nói cầu âu.
– Một người bạn của cả hai bên đã nói với ông, – anh nói với Edklinth. – Ông cử Figuerola đi xem chuyện gì đang xảy ra và cô ấy phát hiện ra rằng một vài người hoạt động cho Sapo đang làm cái việc ghi âm bất hợp pháp điện thoại và đột nhập nhà tôi, ăn cắp các thứ. Như vậy có nghĩa là ông đã xác nhận có tồn tại một cái mà tôi gọi là câu lạc bộ Zalachenko. Điều này làm ông căng đến mức thấy cần phải đẩy xa vấn đề ra hơn nữa nhưng ông ngồi mãi ở văn phòng mà không biết nên đi về ngả nào. Thế là ông tìm Bộ trưởng Tư pháp, đến lượt mình ông Bộ trưởng lại đi tìm Thủ tướng. Và nay thì tất cả chúng ta đang ở đây. Các ông cần gì ở tôi nào?
Blomkvist nói với một vẻ tự tin ngụ ý anh có một nguồn tin ở chính ngay trung tâm của vụ việc này và anh đã theo sát từng bước đi của Edklinth. Anh biết mình đã đoán trúng phóc khi thấy mắt Edklinth mở to ra.
– Câu lạc bộ Zalachenko do thám tôi, tôi do thám họ, – Blomkvist nói tiếp. – Và các ông do thám Câu lạc bộ Zalachenko. Tình hình này làm cho Thủ tướng vừa giận vừa không thoải mái. Thủ tướng biết rằng cuộc nói chuyện này kết thúc thì tai tiếng đang chờ nổ ra và Chính phủ sẽ khó có thể sống sót.
Figuerola biết Blomkvist đang chọe. Cô biết làm sao mà anh lại biết được tên cô cùng cỡ giầy của cô để rồi khiến cô phải ngạc nhiên.
Anh ta đã thấy mình ở trong xe tại Bellmansgatan. Anh tự lấy số đăng ký xe mà lần ra mình. Còn ngoài ra là đoán mò.
Cô im không nói.
Lúc này chắc chắn Thủ tướng nom không thoải mái.
– Cái gì chờ đợi chúng tôi ư? – Thủ tướng nói. – Tai tiếng đánh đổ Chính phủ ư?
– Chuyện sống còn của Chính phủ không phải là bận tâm của tôi, – Blomkvist nói. – Việc của tôi là phơi bầy ra những thứ tởm lợm như câu lạc bộ Zalachenko.
Thủ tướng nói:
– Việc của tôi là cai quản đất nước theo đúng Hiến pháp.
– Như thế có nghĩa là việc của tôi chắc chắn là việc của Chính phủ. Và chiều ngược lại thì không có.
– Chúng ta có thể thôi vòng vèo mầu mè như thế này không? Tại sao ông nghĩ tôi bố trí cuộc gặp này?
– Ðể tìm hiểu xem tôi biết những gì và tôi định làm gì.
– Ðúng một phần. Nhưng chính xác hơn là chúng ta đang sa vào một cuộc khủng hoảng về Hiến pháp. Cho tôi nói trước là Chính phủ tuyệt đối không dính tay vào việc này. Chúng tôi đã để cho chuyện không hay xảy ra, chắc chắn là như thế rồi: Tôi không nghe nói đến cái… mà ông gọi là câu lạc bộ Zalachenko bao giờ cả. Ông Bộ trưởng đây cũng chưa bao giờ nghe thấy một lời nào về chuyện này. Torsten Edklinth, sĩ quan cao cấp trong SIS, từng làm việc nhiều năm ở Sapo cũng không hay biết đến nó.
– Ðấy vẫn không phải là chuyện của tôi.
– Tôi tán thành điều này. Điều mà tôi muốn biết là thời điểm ông cho đăng bài báo như ông nói và chính xác ra thì cái mà ông định đăng lên kia là gì. Và việc này không có liên quan gì đến chuyện sửa sai.
– Không liên quan sao?
– Ông Blomkvist, điều xấu nhất và khả thi mà tôi có thể làm trong tình hình này là cố ảnh hưởng đến độ dài ngắn hay nội dung bài báo của ông. Nhưng thay vào đó tôi đề nghị cộng tác.
– Xin nói rõ ạ.
– Do xác nhận có một âm mưu tồn tại trong nội bộ một bộ phận đặc biệt nhạy cảm của chính quyền, tôi đã ra lệnh điều tra. – Thủ tướng quay sang Bộ trưởng Tư pháp. – Xin nói rõ ra các chỉ thị của Chính phủ.
– Rất đơn giản, – Bộ trưởng Tư pháp nói. – Torsten Edklinth được giao nhiệm vụ tìm xem liệu chúng ta có thể xác nhận được điều này hay không. Ông ấy phải thu thập các thông tin có thể chuyển tới Tổng công tố viên. Đến lượt Tổng công tố viên lại phải quyết định xem có thể khép tội và khởi tố hay không. Chỉ thị là rõ ràng. Tối nay Edklinth báo cáo về cuộc điều tra đang được tiến hành như thế nào. Chúng tôi đã bàn lâu đến các hệ lụy về Hiến pháp – rõ ràng là chúng tôi muốn xử lý chuyện này một cách tử tế.
– Dĩ nhiên, – Blomkvist nói với cái giọng cho thấy anh không mấy tin vào lời bảo đảm của Thủ tướng.
– Cuộc điều tra đã đi tới một giai đoạn nhạy cảm. Chúng tôi chưa nhận diện được chính xác những ai dính líu vào. Phải mất thì giờ. Thế cho nên chúng tôi đã cử thanh tra Figuerola mời ông đến dự cuộc họp này.
– Thật ra đây không phải là một lời mời.
Thủ tướng cau mày nhìn Figuerola.
– Nhưng không sao, – Blomkvist nói. Chị thanh tra đã cư xử rất gương mẫu. Xin đi vào vấn đề.
– Chúng tôi muốn biết ngày các ông xuất bản số báo kia. Chúng tôi tiến hành hết sức bí mật cuộc điều tra này. Nếu Edklinth chưa điều tra xong mà các ông xuất bản thì công việc có cơ thất bại mất.
– Vậy các ông muốn tôi xuất bản vào lúc nào? Tôi chắc là sau cuộc bầu cử chứ?
– Chuyện đó các ông tự quyết định lấy. Ðó không phải là chuyện tôi có thể ảnh hưởng tới. Hãy cho chúng tôi biết đích xác hạn cuối cùng của chúng tôi là khi nào.
– Tôi hiểu. Ông nói đến một sự cộng tác…
Thủ tướng nói:
– Vâng, nhưng trước hết hãy để cho tôi nói rằng trong hoàn cảnh bình thường thì tôi đã chẳng mơ tới chuyện mời một nhà báo đến một cuộc họp như thế này đâu.
– Chắc trong hoàn cảnh bình thường thì ông sẽ làm mọi cái có thể để giữ cho các nhà báo ở xa một cuộc họp như thế này.
– Hoàn toàn là như thế đó. Nhưng tôi hiểu rằng nhiều yếu tố đã lái dẫn ông. Ông nổi tiếng là khi dính đến chuyện tham nhũng, sai phạm, thì không có rút quả đấm về. Trong trường hợp này chúng ta đã không bị các ý kiến khác biệt nhau chia rẽ.
– Có khác không?
– Không, không hề… Hay nói cho đúng hơn… nếu có khác thì có lẽ là về tính chất hợp pháp, nhưng chúng ta cũng chia sẻ một mục tiêu. Nếu có tồn tại câu lạc bộ Zalachenko thì đó không chỉ là một âm mưu tội ác – mà còn là mối đe đọa đến an ninh quốc gia. Các hoạt động này phải được chặn đứng và những kẻ chịu trách nhiệm sẽ phải ra trước pháp luật. Ở điểm này chúng ta tán thành với nhau, đúng không?
Blomkvist gật.
– Tôi hiểu là ông biết chuyện này nhiều hơn bất cứ ai khác. Chúng tôi gợi ý là ông chia sẻ hiểu biết của ông. Nếu đây là một cuộc điều tra chính quy của cảnh sát về một tội phạm thông thường thì người chỉ huy cuộc điều tra sơ bộ có thể quyết định triệu tập ông đến để thẩm vấn. Nhưng như ông có thể đánh giá, đây là một trạng thái cực đoan của sự việc.
Blomkvist cân nhắc tình hình một lúc.
– Và đổi lại – nếu tôi cộng tác thì tôi được gì?
– Không gì cả. Tôi sẽ không mặc cả với ông. Nếu sáng mai ông muốn đăng bài báo lên thì xin cứ việc. Tôi sẽ không để bản thân mình dính dáng vào bất cứ sự vụ mờ ám nào để rồi bị nghi ngờ về mặt hiến pháp. Tôi yêu cầu ông cộng tác là vì lợi ích của đất nước.
– Trong trường hợp này thì “không gì cả” lại có thể là khá nhiều đấy. – Blomkvist nói. – Vì một điều… tôi rất, rất giận nhà nước và Chính phủ và Sapo và tất cả cái lũ chó chết kia đã đem nhốt vào một bệnh viện tâm thần một cô bé mười hai tuổi mà chẳng có một lý do nào hết cho đến khi cô ấy bị tuyên bố là không có khả năng nắm hiểu pháp luật.
– Lisbeth Salander đã trở thành một vấn đề của Chính phủ, – Thủ tướng mỉm cười nói. – Mikael, cá nhân tôi rất ngỡ ngàng về chuyện đã xảy ra với cô gái. Xin hãy tin khi tôi nói rằng những kẻ chịu trách nhiệm sẽ phải trả lời cho việc làm của họ. Nhưng trước khi làm việc ấy, chúng ta cần phải biết họ là ai đã.
– Ưu tiên của tôi là Salander cần được trắng án và được tuyên bố có năng lực nắm hiểu pháp luật.
– Việc này tôi không thể giúp ông được. Tôi không ở trên pháp luật và tôi không thể chỉ đạo điều mà các công tố viên và tòa án quyết định. Cô ấy phải được một tòa án cho trắng án đã.
– OK, – Blomkvist nói. – Các ông muốn tôi cộng tác. Vậy xin cho tôi được biết đôi chút về cuộc điều tra của Edklinth. Rồi tôi sẽ nói với các ông ngày giờ và nội đung tôi định xuất bản.
– Tôi không thể cho ông biết chuyện đó. Như thế sẽ đặt tôi và ông vào cái mối quan hệ cũng giống như người tiền nhiệm của ông Bộ trưởng đây từng có với nhà báo Ebbe Carlsson mất.
– Tôi không phải là Ebbe Carlsson, – Blomkvist bình thản nói.
– Tôi biết thế. Với lại, Edklinth có thể tự quyết định xem ông ấy chia sẻ được với ông điều gì trong phạm vi công việc của ông ấy.
– Hừm… – Blomkvist nói. – Tôi muốn biết Evert Gullberg là ai.
Mọi người im lặng.
– Gullberg được cho là người trong nhiều năm đã phụ trách cái bộ phận ở bên trong SIS mà ông gọi là câu lạc bộ Zalachenko kia, – Edklinth nói.
Thủ tướng quắc mắt nhìn ông.
– Tôi nghĩ anh ấy biết cả rồi, – Edklinth nói như thể thanh minh.
– Ðúng, – Blomkvist nói. – Ông ta bắt đầu làm ở Sapo hồi những năm 50. Thập niên 60 ông ấy trở thành người đứng đầu của một đơn vị nào đó có tên là Bộ phận Phân tích đặc biệt. Ông ta là người chịu trách nhiệm về vụ Zalachenko.
Thủ tưởng lắc đầu.
– Ông biết nhiều hơn là ông cần biết. Tôi rất muốn phát hiện ra làm sao ông lại có được tất cả các thông tin này. Nhưng tôi sẽ không hỏi.
– Có những lỗ hổng trong bài viết của tôi, – Blomkvist nói. – Tôi cần lấp đầy những lỗ hổng đó. Cho tôi thông tin thì tôi sẽ không cố làm cho ông bị liên lụy.
– Là Thủ tướng tôi không có tư cách cung cấp bất cứ thông tin nào như vậy. Còn nếu Edklinth cung cấp thì ông ấy sẽ rất có khả năng bị rắc rối.
– Chớ nên lừa tôi. Tôi biết các ông muốn điều gì, và tôi muốn điều gì thì các ông cũng biết. Nếu cung cấp thông tin cho tôi thì các ông sẽ là các nguồn tin của tôi, và tôi sẽ không tiết lộ danh tính của các ông cho đến khi nào không cần bí mật. Xin đừng hiểu lầm tôi… Tôi sẽ nói sự thật như cái sự thật mà tôi nhìn thấy ở những điều tôi cho đăng lên báo. Nếu các ông gây rắc rối, tôi sẽ vạch các ông ra, tôi sẽ làm mọi cái có thể để đảm bảo là ông sẽ không được bầu lại. Nhưng tôi chưa có lý do để tin rằng câu chuyện sẽ phải đến nước ấy.
Thủ tướng liếc nhìn Edklinth. Một lúc sau, ông gật đầu.
Blomkvist coi đó là dấu hiệu Thủ tướng vừa mới phá luật – giá như là một kiểu luật hàn lâm hơn – bằng việc bằng lòng chia sẻ thông tin đã được xếp vào loại bí mật với một nhà báo.
– Tất cả các việc này đều có thể giải quyết hoàn toàn đơn giản, – Edklinth nói. – Tôi có toán điều tra riêng và tôi tự quyết định xem nên tuyển đồng nghiệp nào cho cuộc điều tra. Chúng tôi không dùng anh cho cuộc điều tra được vì như vậy nghĩa là buộc anh phải thề giữ gìn bí mật. Nhưng tôi có thể thuê anh làm cố vấn bên ngoài.
o O o
Từ giây phút bước vào chỗ của Morander, cuộc sống của Berger lập tức bị toàn những họp hành và công việc lèn đầy mất hết cả đêm lẫn ngày.
Cho mãi tới tối thứ Tư, gần hai tuần sau khi Blomkvist cho chị các giấy tờ tìm hiểu của Cortez về Borgsjo, chị mới có thì giờ nhòm đến câu chuyện. Lúc mở tập hồ sơ chị mới thấy mình sở dĩ chần chừ là vì chị thực sự không muốn đối mặt với vấn đề này. Chị biết dù giải quyết thế nào thì cũng khó tránh được tai họa.
Chị về nhà ở Saltsjobaden lúc 7 giờ, sớm hơn thường lệ và chỉ khi sắp tắt hệ thống báo động ở gian sảnh, chị mới nhớ ra là chồng mình không ở nhà. Chị đã hôn anh một cái dài sáng nay vì anh bay đi Paris giảng bài và cuối tuần mới về. Chị không biết anh lên lớp ở đâu hay các bài giảng là về vấn đề gì.
Chị lên gác, mở nước tắm và cởi quần áo. Chị mang hồ sơ của Cortez theo rồi bỏ nửa giờ ra đọc hết bài báo. Chị không thể làm gì khác trừ mỉm cười. Cậu trai trẻ này sẽ là một phóng viên gớm đây. Anh ta hai mươi sáu tuổi, ở Millennium đã bốn năm, vừa tốt nghiệp trường báo đã về đầu quân ngay. Chị cảm thấy đôi chút tự hào. Bài báo từ đầu đến cuối mang dấu ấn của Millennium, tỉ mỉ đến chân tơ kẽ tóc.
Nhưng chị cũng cảm thấy nản dữ dội. Borgsjo là một người tốt và chị mến ông. Ông ăn nói nhẹ nhàng, sắc sảo và có sức hấp dẫn, xem vẻ như không bận tâm đến uy tín. Ngoài ra ông là người chủ thuê chị. Sao ông lại có thể ngu ngốc đến độ quá đáng như thế được cơ chứ?
Chị nghĩ hay là có thể có một cách giải thích khác, hoặc làm vài ba tình tiết giảm khinh, nhưng chị thừa biết là sẽ không thể giải thích trôi được chuyện này.
Chị để tập hồ sơ lên thành cửa sổ, duỗi tay ra ngoài bồn tắm để cân nhắc tình thế.
Millennium sắp đăng bài báo, hẳn là thế rồi. Nếu còn ở đấy chị cũng sẽ không do dự. Millennium rỉ tai trước cho chị bài báo chỉ là một cử chỉ lịch sự – họ muốn làm giảm nhẹ đi tổn thất của cá nhân chị. Nếu tình hình đảo ngược lại – nếu SMPcó phát hiện gì đó làm tổn hại đến Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Millennium (mà chính lại là chị) – họ sẽ chẳng nề hà.
Bài báo đăng lên sẽ là một đòn mạnh đánh vào Borgsjo. Điều gây tổn hại không phải là công ty của ông ta, Liên doanh Vitavara, đã nhập hàng hóa của một đối tác nằm trong danh sách đen của Liên Hiệp Quốc về các công ty dùng lao động trẻ con – và trong trường hợp này cả lao động, dưới dạng tù nhân nữa, không nghi ngờ gì một số người tù đó còn là tù chính trị. Ðiều thực sự tai hại là Borgsjo biết tất cả các chuyện đó nhưng vẫn tiếp tục đặt mua trang thiết bị nhà vệ sinh của công nghiệp Fong Soo. Ðây là dấu hiệu về kiểu tham lam không biết kiềm chế, khó có thể bỏ qua được, khi mà nhân dân Thụy Ðiển đang thức tỉnh trước những tiết lộ về các nhà tư bản phạm tội khác như nguyên Chủ tịch công ty Skandia.
Borgsjo sẽ thản nhiên mà nói rằng ông không biết tình hình ở Fong Soo nhưng Cortez lại có bằng chứng vững chắc. Nếu Borgsjo đi theo chiến thuật này, ông sẽ bị vạch tội là dối trá. Tháng Sáu năm 1997, Borgsjo đã đến Việt Nam để ký các hợp đồng đầu tiên. Ông ở đó mười ngày và nhân dịp ấy đã đi quanh hết các nhà máy của công ty. Nếu ông nói không biết rằng nhiều công nhân ở đó ở tuổi vị thành niên thì ông sẽ hị coi là một thằng ngu.
Cortex đã chứng minh rằng năm 1999, Ủy ban về Lao động Trẻ em của Liên Hiệp Quốc đã liệt công nghiệp Fong Soo vào danh sách các công ty bóc lột sức lao động trẻ con và chuyện đó đã là đề tài của nhiều bài báo. Hai tổ chức chống lao động trẻ em, một cái được thế giới biết đến là Nỗ lực chung Quốc tế chống Lao động Trẻ em ở London đã viết nhiều thư cho các công ty đặt hàng với Fong Soo. Bảy thư đã được gửi đến Liên doanh Vitavara, hai trong số đó là cho cá nhân Borgsjo. Tổ chức ở London đang rất muốn cung cấp bằng chứng. Liên doanh Vitavara đã không trả lời một thư nào.
Còn tệ hơn, Borgsjo đến Việt Nam hai lần, năm 2001 và năm 2004, để gia hạn hợp đồng. Đây là coup de grâce, cú đòn kết liễu. Borgsjo không thể nói là không biết được nữa.
Cơn bão không sao tránh khỏi của báo chí chỉ có thể dẫn đến một điều. Nếu Borgsjo thông minh, ông sẽ xin lỗi và từ chức khỏi các vị trí ở các hội đồng quản trị khác nhau. Nếu quyết đấu lại, ông cầm chắc sẽ bị hủy diệt.
Borgsjo có là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Liên doanh Vitavara hay không, Berger dửng dưng. Với chị, điều quan trong nằm ở chỗ ông là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của SMP. Vào lúc tờ báo đang chênh vênh và một chiến dịch trẻ hóa đang được tiến hành, SMP không thể cho phép giữ ông làm Chủ tịch.
Berger đã quyết định.
Chị muốn đi gặp Borgsjo, đưa cho ông tài liệu, qua đó hy vọng thuyết phục ông từ chức trước khi bài báo được đăng lên.
Nếu ông khăng khăng cố thủ, chị sẽ kêu gọi Hội đồng Quản trị họp khẩn cấp, nói rõ tình hình, buộc họ miễn nhiệm Borgsjo. Và nếu họ không nghe thì chị sẽ phải từ chức, có hiệu lực ngay tức thì.
Chị nghĩ miên man đến nỗi nước tắm đã lạnh đi. Chị dội vòi sen, lau khô người và đi về phòng ngủ mặc váy ngủ vào. Rồi nhặt di động gọi Blomkvist. Không trả lời. Chị xuống gác pha chút cà phê, và lần đầu tiên từ ngày về SMP, chị mở tivi xem có phim gì không để xem cho thư giãn.
Khi đi vào phòng khách, chị cảm thấy đau buốt ở chân. Nhìn xuống chị thấy máu. Chị bước nữa thì cả bản chân đau nhói và chị phải nhảy lò cò đến một chiếc ghế thời cổ để ngồi xuống. Chị giơ chân lên, ngán ngẩm thấy một mảnh thủy tinh đã đâm vào gót. Thoạt tiên chị thấy muốn xỉu. Rồi chị lấy tinh thần, cầm lấy mảnh thủy tinh và rút nó ra. Ðau bớt đi nhưng máu ở vết thương chảy ra.
Chị mở một ngăn kéo ở gian sảnh, nơi chị để những khăn quàng, găng tay và mũ. Chị thấy một cái khăn, lấy ra quấn vào bàn chân rồi buộc chặt nó lại. Như thế vẫn chưa đủ, chị lại tự biên tự diễn buộc thêm cho nó một lần băng nữa. Máu liền ngừng chảy rõ.
Chị ngạc nhiên nhìn mảnh thủy tinh rướm máu. Sao nó lại ở đây? Rồi chị phát hiện ra nhiều mảnh thủy tinh nữa ở sàn gian sảnh. Lạy Chúa… Chị nhìn vào trong phòng khách, thấy cửa sổ phong cảnh bị vỡ và mảnh thủy tinh vãi đầy mặt sàn.
Chị trở về cửa trước, đi giầy vào, khi về nhà chị đã đã hất nó ra. Tức là chị đi một chân vào giầy, còn các ngón bên chân bị thương thì rúc vào trong lớp vải băng bó.
Rồi chị thấy viên gạch nằm giữa sàn phòng khách.
Chị tập tễnh đến cửa ban công và ra vườn. Ai đó đã xịt lên bức tường sau nhà những chữ cao đến cả mét:
CON ĐĨ
o O o
Ðúng 9 giờ tối thì Figuerola giữ cửa xe mở cho Blomkvist lên. Cô đi vòng qua xe ngồi vào ghế người lái.
– Tôi đưa anh về nhà hay anh muốn tôi thả anh xuống đâu?
Blomkvist nhìn rọi về trước mặt.
– Nói cho thật thà, tôi cũng hơi hoảng. Trước đây tôi chưa trực diện với Thủ tướng bao giờ.
Figuerola cười thành tiếng, cô nói:
– Anh chơi nước bài rất hay. Tôi không ngờ anh lại là một tay chơi poker giỏi như thế.
– Tôi đã cân nhắc từng chữ một.
– Dĩ nhiên, nhưng điều tôi muốn nói là anh đã làm ra bộ biết nhiều hơn so với điều kỳ thực anh biết. Tôi thấy cái đó khi tôi hiểu làm sao anh lại nhận được ra tôi.
Blomkvist quay lại nhìn chiều nghiêng mặt cô.
– Anh ghi lại biển đăng ký xe của tôi khi tôi để xe trên quả đồi bên ngoài chung cư của anh. Anh làm ra bộ anh đã biết những gì được bàn đến ở văn phòng Thủ tướng.
– Sao lúc ấy cô không nói gì cả? – Blomkvist nói.
Cô ngoắt nhanh nhìn anh và quay xe về Grev Tregatan.
– Quy tắc trò chơi. Lẽ ra tôi không nên đỗ chỗ đó, nhưng không còn đâu khác nữa để đỗ xe. Anh rất chú ý đến xung quanh phải không?
– Cô ngồi nói vào di động, một bản đồ trải ra trên ghế bên cạnh. Tôi ghi số xe cô rồi làm một cuộc kiểm tra quen thuộc. Xe nào làm cho tôi chú ý thì tôi kiểm tra. Thường thì không có gì đáng kể. Ở trường hợp cô, tôi phát hiện thấy cô làm việc cho Sapo.
– Tôi đang theo Martensson.
– A ha! Ðơn giản quá.
– Rồi tôi phát hiện ra anh đang bám đuôi hắn, dùng Susanne Linder ở An ninh Milton.
– Armansky dặn cô ấy để mắt tới những gì xảy ra quanh căn hộ của tôi.
– Do cô ấy đi vào chung cư của anh nên tôi cho là Milton đã bố trí kiểm soát bí mật căn hộ của anh.
– Ðúng. Chúng tôi có một cuốn phim rất hay về việc họ đột nhập vào nhà và lục lọi hết giấy tờ của tôi như thế nào. Martensson mang theo hẳn một máy sao chụp nhỏ. Cô có nhận diện được kẻ tòng phạm với Martensson không?
– Gã đó không quan trọng. Một thợ khóa có tiền án và chắc được thuê để mở cửa.
– Tên là gì?
– Nguồn tin được bảo vệ đấy chứ?
– Dĩ nhiên.
– Lars Faulsson. Bốn mươi bảy. Còn gọi là Falun. Bị tù vì phá két hồi những năm 80 và vài vụ nho nhỏ nữa. Có một cửa hàng khóa ở Norrtull.
– Cảm ơn.
– Nhưng chúng ta hãy để dành những bí mật cho đến ngày mai gặp nhau.
Cuộc họp kết thúc với một thỏa thuận rằng hôm sau Blomkvist sẽ đến Bảo vệ Hiến pháp để xếp đặt việc trao đổi thông tin. Blomkvist suy nghĩ. Họ vừa qua Sergels Torg vào trung tâm thành phố.
– Cô biết gì không? Tôi đói không ngờ chứ lại. Tôi ăn trưa muộn rồi định sẽ làm món mì khi về nhà thì bị cô chẹn bắt mất ở giữa đường. Cô ăn chưa?
– Trước đấy một lúc.
– Ðưa chúng ta đến một nhà hàng nào mà có thể có thứ gì đó ăn cho tử tế đi.
– Thứ nào ăn được mà chả tử tế.
Anh nhìn cô gái.
– Tôi nghĩ cô là dân nghiện thức ăn lành mạnh.
– Không, tôi là dân nghiện tập tành lành mạnh. Nếu anh tập dữ thì anh ăn cái gì cũng được hết. Nói có cơ sở đấy.
Cô phanh lại ở cầu cạn Klaraberg, suy tính nên thế nào. Thay vì rẽ xuôi xuống Sodermalm, cô cứ đi thẳng tuốt tới Kungsholmen.
– Tôi không biết ở Soder nhà hàng ra sao nhưng tôi biết một chỗ của người Bosnia rất hay ở Friedhemsplan. Món burekngon kỳ ảo.
– Nghe hay đấy, – Blomkvist nói.
o O o
Salander cứ chấm máy tính theo kiểu của mình, từng chữ từng chữ một, viết bản tường thuật của cô. Cô làm việc trung hình năm giờ một ngày. Cô chú ý diễn đạt cho chính xác. Cô bỏ đi mọi chi tiết có thể dùng để chống lại cô.
Việc cô bị nhốt hóa ra lại tốt. Cô luôn đầy cảnh giác để hễ nghe thấy tiếng chùm chìa khóa lách cách hay một cái chìa tra vào ổ thì lập tức cất chiếc máy tính Palm đi.
Tôi chuẩn bị khóa căn nhà gỗ của Bjurman ở ngoài Stallarholmen thì Carl-Magnus Lundin và Sonny Nieminen đi xe máy đến. Do theo lời Zalachenko và Niedermann đi tìm tôi một hồi mà không ra nên Lundin và Nieminen ngạc nhiên khi thấy tôi ở đây. Magge Lundin xuống xe và nói: “Tao nghĩ con ô môi này cần một củ thìu”. Hai người cử chỉ dọa nạt quá khiến tôi phải trông vào quyền tự vệ của tôi. Tôi đi xe máy của Lundin rời hiện trường rồi vứt nó tại trung tâm mua sắm ở Alvsjo.
Chả có lý do nào để tự nguyện đưa ra thông tin rằng Lundin đã gọi cô là con đĩ, hay rằng cô đã cúi xuống nhặt khẩu P-38 Wanad của Nieminen lên rồi trừng phạt Lundin bằng cách cho hắn một phát vào chân. Cảnh sát chắc sẽ có thể tự mò ra được điều này nhưng chứng minh nó thì là việc của họ. Cô không muốn thú thật ra một điều gì để giúp cho họ làm ăn dễ hơn mà rồi dẫn tới một án tù cho cô.
Bản tường thuật đã lên tới ba mươi ba trang và sắp tới đoạn kết. Ở một vài đoạn cô đặc biệt do dự về các chi tiết và đã phải chật vật để không đưa ra một bằng chứng nào mà như thế nào đó có thể lại mâu thuẫn với nhiều lời tuyên bố của cô. Cô kỹ đến mức đã làm mờ đi một vài bằng chứng rành rành rồi găm nó vào khúc sau trong chuỗi sự việc.
Cô rà lại bản viết, đọc kỹ cái đoạn cô kể luật sư Bjurman đã hiếp cô hung tợn và bạo dâm như thế nào. Ðây là chỗ cô bỏ ra nhiều thời gian nhất và là một trong số ít đoạn cô phải viết đi viết lại nhiều lần rồi mới hài lòng. Ðoạn này lấy mất mười chín dòng trong tường thuật của cô. Cô báo cáo lại y như thật ông ta đã đánh cô, ném cô nằm úp sấp xuống giường, băng kín miệng cô, còng tay cô, v.v… tất cả đã như thế nào. Rồi cô thuật lại ông ta đã nhiều lần có các hành vi cưỡng dâm cô, gồm cả thâm nhập qua đường hậu môn. Cô tiếp tục kể: ông ta trong khi hiếp đã có lần quấn một miếng vải – chính là áo phông của cô – vào quanh cổ cô rồi thắt chặt một hồi, lâu đến nỗi cô đã ngất đi một lúc. Rồi có vài dòng cô tả các dụng cụ ông đã dùng trong khi hiếp, gồm một roi da ngắn, một nút tra lỗ hậu môn, một dương vật giả sần sùi và các cái kẹp ông bấm vào núm vú cô.
Cô cau mày đọc kỹ bản tường thuật. Cuối cùng cô nhấc bút gõ thêm ít dòng nữa vào bản viết.
Một lần, lúc miệng tôi còn bị băng dính dán kín, Bjurman đã bình luận về vài hình xăm và khoen, gồm cả một chiếc nhẫn ở núm vú trái tôi. Hắn hỏi tôi thích xâu lỗ đeo khoen hay sao rồi rời khỏi gian phòng. Hắn trở lại với một cây kim rồi xuyên nó qua núm vú phải của tôi.
Giọng văn thật thà đem lại cho bản văn một màu vẻ siêu thực đến mức nghe ngỡ như một chuyện hoang đường phi lí.
Câu chuyện mộc mạc nghe khó có thể tin nổi.
Cô chủ ý viết thế.
Lúc ấy, cô nghe thấy tiếng lách cách từ chùm chìa khóa của người bảo vệ. Cô lập tức tắt chiếc Palm, để nó vào trong cái hốc ở sau chiếc bàn đầu giường. Ðó là Giannini. Cô cau mày. 9 giờ tối và Giannini không hay xuất hiện muộn như thế này.
– Chào Lisbeth.
– Chào.
– Cô thấy trong người thế nào?
– Tôi vẫn chưa kết thúc.
Giannini thở dài.
– Lisbeth, họ định tòa xử vào ngày 13 tháng Bảy này.
– OK thôi.
– Không, không OK. Thời gian đang cạn mà cô thì chưa nói được gì với tôi cả. Tôi bắt đầu nghĩ rằng nhận công việc này là tôi đã phạm một lỗi lớn. Muốn được chút may mắn nào thì cô phải tin tôi chứ. Chúng ta phải cùng làm việc với nhau.
Salander nhìn kỹ chị một lúc. Cuối cùng cô ngả đầu ra sau, trông lên trần nhà.
– Tôi biết cái việc người ta bảo chúng ta làm. Tôi biết kế hoạch của Mikael. Và anh ấy đúng đấy.
– Chỗ ấy thì tôi không chắc lắm.
– Nhưng tôi chắc.
– Cảnh sát muốn lại thẩm vấn cô. Một thám tử ở Stockholm tên là Hans Faste.
– Cứ cho họ thẩm vấn. Tôi không nói gì cả đâu mà.
– Cô phải đưa ra lời khai chứ.
Salander nhìn xoáy vào Giannini.
– Tôi nói lại: Chúng ta không nói một câu nào với cảnh sát. Khi chúng ta đến cái tòa án ấy, công tố viên sẽ không có được một chữ nào của tôi trả lời thẩm vấn để mà dựa vào đâu. Họ chỉ có bản tường thuật tôi đang viết đây và nó thì phần lớn có vẻ như là phi lí. Trước phiên tòa vài ngày họ sẽ nhận được nó.
– Vậy lúc nào cô mới thực sự ngồi xuống mà lấy giấy bút ra viết bản tường thuật ấy?
– Vài hôm nữa chị sẽ có. Nhưng chỉ trước khi mở phiên tòa nó mới đến tay công tố viên.
Giannini nom nghi ngờ. Thình lình Salander mỉm cười thận trọng với chị.
– Chị nói đến lòng tin. Tôi có thể tin chị được không?
– Dĩ nhiên cô có thể tin.
– OK, chị có thể mang trộm vào cho tôi một máy tính xách tay để tôi có thể vào Internet được không?
– Không, dĩ nhiên là không rồi. Chuyện ấy lộ ra thì tôi sẽ bị kết tội và bị tịch thu mất giấy phép hành nghề.
– Nhưng nếu một ai đó đã mang nó vào rồi… thì chị có báo cảnh sát không?
Giannini nhướng lông mày lên.
– Nếu tôi không biết việc đó…
– Nhưng nếu biết thì chị sẽ làm gì?
– Tôi nhắm mắt lại. Thế là thế nào đây?
– Cái máy tính giả thiết ấy sắp sửa gửi đến cho chị một thư điện giả thiết. Tôi muốn chị đọc nó, xong thì lại đến đây.
– Lisbeth…
– Khoan. Chuyện là như thế này. Công tố viên đang chơi với một cỗ bài đã đánh dấu. Bất kể làm gì đi nữa tôi vẫn ở thế bất lợi và mục đích của phiên tòa là trao tôi cho một phòng bệnh tâm thần.
– Tôi biết.
– Nếu muốn sống sót, tôi phải đánh đấm bẩn.
Cuối cùng Giannini gật đầu.
– Lần đầu tiên chị đến gặp tôi, – Salander nói, – chị có một thư ngắn của Blomkvist. Anh ấy viết rằng anh ấy đã nói với chị gần như hết mọi điều, trừ vài ngoại lệ. Một trong các ngoại lệ ấy có liên quan đến các cái tài của tôi mà anh ấy phát hiện ra khi chúng tôi cùng ở Hedestad.
– Ðúng thế.
– Anh ấy đang nhắc đến việc tôi cực kỳ giỏi về máy tính. Chẳng hạn như tôi đọc và sao được hết tất cả những gì có trong máy tính của Ekstrom.
Giannini tái nhợt mặt lại.
– Chị không thể dính vào chuyện này. Nên tại phiên tòa chị không thể dùng bất cứ tài liệu gì ở trong đó, – Salander nói.
– Không thể rồi. Về chỗ này cô nói đúng đấy.
– Vậy thì chị không hề biết gì về nó cả nhá.
– OK.
– Nhưng một người khác – anh của chị chẳng hạn – lại có thể chọn trích dẫn lấy những đoạn tài liệu trong đó để mà xuất bản. Chị phải nghĩ đến khả năng ấy khi chị đặt chiến lược cho chị.
– Tôi hiểu.
– Annika, hóa ra phiên tòa này sẽ chống lại những ai dùng phương pháp hung bạo nhất.
– Tôi biết.
– Chị làm luật sư cho thì tôi vui. Tôi tin chị và tôi cần chị giúp.
– Hừm…
– Nhưng nếu tôi dùng các phương pháp vô đạo đức mà chị lại thấy khó khăn thì chúng ta sẽ thua tại phiên tòa.
– Ðúng.
– Và nếu thành ra như thế thật thì tôi cần biết ngay bây giờ. Tôi sẽ cần phải tìm cho mình một luật sư mới.
– Lisbeth, tôi không thể phá luật.
– Chị chẳng phải phá luật nào hết. Nhưng tôi là thế nào thì chị phải nhắm mắt lại với cái sự thật ấy. Chị có thể làm được như thế không?
Salander nhẫn nại chờ chừng một phút cho đến khi Annika gật đầu.
– Tốt. Để tôi nói với chị những điểm chủ yếu mà tôi sắp đưa vào bản tường thuật.
o O o
Figuerola nói đúng. Món burek kỳ ảo. Blomkvist quan sát kỹ cô khi cô từ nhà vệ sinh đi ra. Cô di chuyển duyên dáng như một diễn viên ba lê, nhưng cô có một thân hình như… hừm… Blomkvist không tránh khỏi bị mê hoặc.
– Cô tập nặng đã bao lâu rồi? – Anh nói.
– Từ hồi mười lăm, mười sáu.
– Thế mỗi tuần tập mấy giờ?
– Hai giờ một ngày. Có khi ba.
– Tại sao? Ý là tôi hiểu tại sao người ta tập nặng nhưng…
– Anh nghĩ thế là thái quá.
– Tôi cũng không chắc là mình nghĩ gì.
Cô mỉm cười và có vẻ không giận câu nhận xét của anh.
– Có thể chỉ là anh chướng mắt vì thấy một cô gái cơ bắp tú ụ. Anh có nghĩ như thế là đáng ngán hay là không nữ tính không?
– Không, không hề. Hợp với cô, như thế nào đó. Cô rất khêu gợi.
Cô cười thành tiếng.
– Nay tôi đang bớt tập đi. Mười năm trước, tôi đã rèn luyện thể hình. Món ấy mặt trơ trán bóng. Nhưng nay tôi cần chú ý để cho cơ bắp không hóa ra bệu. Tôi không thích bị phục phịch. Cho nên mỗi tuần tôi cử tạ một lần, ngoài thì giờ đó ra tập tạp một ít món, hay chạy, chơi cầu lông, hay bơi, các kiểu như vậy. Đấy là tập thể dục chứ không phải là rèn luyện nặng.
– Tôi hiểu.
– Lý do tôi tập nặng là vì nó cho ta cảm tưởng ta lớn. Những người tập luyện hết sức nặng vẫn có cái ấn tượng bình thường này. Cơ thể sản sinh ra một hóa chất diệt cái đau và anh đâm ra nghiện nó. Nếu ngày ngày anh không chạy thì sau một thời gian anh sẽ có những triệu chứng của lúc cai nghiện. Anh cảm thấy một tình ý hạnh phúc rất lớn khi anh đem mình hiến dâng cho một cái gì đó. Nó mãnh liệt gần như là tính dục lành mạnh.
Blomkvist cười thành tiếng.
– Anh nên bắt đầu tập nặng đi, – Cô nói. – Eo anh đang hơi bị dầy đấy.
– Tôi biết, – anh nói. – Ý thức phạm tội thường trực đấy. Có hồi tôi đã chạy đều đặn và sụt được hai cân. Rồi tôi mắc vào một cái gì đó và trong một hai tháng không có thì giờ tập nữa.
– Ít tháng gần đây anh khá bận. Tôi đã đọc nhiều thứ của anh. Anh nhanh hơn cảnh sát đến mấy bước khi anh tìm ra lõng của Zalachenko và nhận diện Niedermann.
– Lisbeth Salander còn nhanh hơn.
– Sao anh tìm ra được Niedermann ở Gosseberga?
Blomkvist nhún vai.
– Tìm tòi như thường lệ. Tôi không phải là người tìm ra hắn. Ðấy là Phó tổng biên tập của chúng tôi, à, nay là Tổng biên tập, Malin Eriksson đã xoay ra cách moi được hắn qua các báo cáo của công ty. Hắn ở Hội đồng Quản trị của công ty Nhập khẩu KAB của Zalachenko.
– Cái ấy chỉ…
– Thế sao cô lại thành người hoạt động cho Sapo? – Anh nói.
– Tin hay không tùy, tôi cũng đồ cổ như một đảng viên dân chủ. Ý tôi nói cảnh sát là cần thiết và dân chủ thì cần có sự bảo vệ của cảnh sát. Vì thế tôi tự hào làm việc ở Bảo vệ Hiến pháp.
– Ðáng để tự hào thật à? – Blomkvist nói.
– Anh không thích Cảnh sát An ninh?
– Tôi không thích các thiết chế vượt ra ngoài sự xem xét bình thường của Quốc hội. Ðó là mời người ta lạm dụng quyền lực, bất chấp ý đồ cao quý đến đâu. Sao cô thích thú quan tâm đến tôn giáo thời cổ đại?
Figuerola nhìn Blomkvist.
– Cô đang đọc thứ đó khi ngồi ở cầu thang nhà tôi, – anh nói.
– Tôi mê đề tài này.
– Hiểu rồi.
– Tôi thích nhiều thứ. Tôi đã học luật và khoa học chính trị khi tôi làm việc cho cảnh sát. Trước đó tôi học cả triết lẫn lịch sử các tư tưởng.
– Cô có điểm yếu nào không?
– Tội không đọc tiểu thuyết, không xem phim ảnh và tôi chỉ coi tin trên tivi. Anh thì sao? Sao lại thành nhà báo?
– Vì có những thiết chế như Sapo thiếu sự giám sát của Quốc hội và thỉnh thoảng nó cứ nên bị vạch trần ra. Tôi không biết thật. Tôi cho là câu tôi trả lời vừa rồi cũng giống như câu cô trả lời tôi: tôi tin vào một nền dân chủ lập hiến và đôi khi nó cần phải được bảo vệ.
– Như kiểu anh làm với Hans-Erik Wennerstrom chứ?
– Ðại loại như thế.
– Anh không lấy vợ? Anh sống chung với Erika Berger?
– Erika Berger đã có chồng.
– Vậy mọi tin đồn về hai người đều là vớ vẩn. Anh có bạn gái không?
– Không ai bền chắc.
– Vậy dù sao tin đồn cũng đúng đấy chứ.
Blomkvist mỉm cười.
o O o
Eriksson làm việc ở bàn trong bếp tại nhà ở Arsta cho đến gần sáng. Cô cắm đầu vào các bảng tính thu chi củaMillennium và làm việc mê mải đến nỗi cuối cùng Anton, bạn trai cô cũng thôi không cố nói chuyện với cô nữa. Anh rửa chén đĩa, ăn một bữa nhanh gọn muộn màng rồi pha ít cà phê. Ðoạn để cô yên lặng, anh ra ngồi xem một chương trình chiếu lại của CSI.
Trước đây Malin không bao giờ phải đối phó với điều gì rắc rối hơn chuyện tiền nong trong tòa soạn nhưng tháng nào cô cũng cùng Berger cân đối sổ sách kế toán và cô đã hiểu các nguyên tắc. Nay thình lình cô thành Tổng biên tập và trách nhiệm về ngân sách liền đến cùng với vai trò này. Đôi khi quá nửa đêm rồi, cô quyết định, dù chuyện gì xảy ra nữa, cô cũng cần phải có một người kế toán giúp cô. Ingela Oscarsson, mỗi tuần rà soát sổ sách một ngày, không có trách nhiệm gì về ngân sách và hoàn toàn không giúp được những khi cần quyết định nên trả bao nhiêu cho một nhà báo tự do hay liệu họ có thể tự cho phép mua một máy in laser mới chưa được tính gộp vào tổng số tiền dành cho các khoản đầu tư hay những đợt nâng cấp máy tính. Trong thực tế đây là một tình thế nực cười – Millennium đang có lãi nhưng đó là nhờ Berger luôn xoay xở cách làm cho một ngân sách bị thắt đến cùng cực vẫn được cân bằng. Thay vì đầu tư vào một cái gì cơ bản như máy in màu laser mới giá 45.000 krona, họ lại đành chọn lấy một máy in trắng đen mất chỉ có 8.000.
Cô đã thoáng thèm được như Berger. Tại SMP chị có một ngân sách mà ở đó chi phí vừa kể đến trên kia sẽ được coi như một món tiền mọn.
Ở cuộc họp tổng kết năm, tình hình tài chính của Millennium là khỏe khoắn nhưng chỗ dư trội trong ngân sách lại là do tiền lãi từ cuốn sách về vụ Wennerstrom của Blomkvist làm ra trước hết. Thu nhập để dành cho đầu tư đang sụt nhanh đến mức báo động. Một lý do là những chi tiêu phải gánh cho bài vở mà Blomkvist viết liên quan đến Salander. Millenniumkhông có những nguồn lực để giữ cho bất cứ nhân viên nào cũng được hưởng một ngân sách không hạn chế ở mọi khoản chi tiêu như thuê xe, thuê phòng khách sạn, mua sắm tài liệu nghiên cứu, máy di động mới, v.v…
Eriksson ký một hóa đơn của Daniel Olsson ở Goteborg. Cô thở đài. Blomkvist đã bằng lòng số tiền 40.000 krona cho một tuần điều tra nghiên cứu với một bài báo nay vẫn chưa sắp đăng. Tiền trả cho Idris Ghidi đi vào ngân sách với danh nghĩa chi phí cho các nguồn tin không thể nêu tên, điều này có nghĩa là kế toán viên sẽ cằn nhằn về chỗ không có biên lai hay hóa đơn, rồi yêu cầu vấn đề phải được Hội đồng Quản trị chấp thuận. Millennium đã trả lệ phí cho luật sư Giannini, món này được coi là không tính vào ngân sách chung nhưng cô ta vẫn tính tiền vé tàu và các chi tiêu khác vớiMillennium.
Malin để bút xuống nhìn vào tổng số tiền. Blomkvist đã thổi bay 150.000 krona vào chuyện của Salander, vượt ra ngoài ngân sách của họ. Sự tình sẽ không được tiếp tục theo kiểu này nữa.
Cô sẽ phải nói chuyện với anh.
o O o
Berger qua buổi tối không phải ở trên sofa xem tivi mà là ở phòng Sơ cứu & Cấp cứu của bệnh viện Nacka. Mảnh thủy tinh cắm vào sâu đến nỗi máu không cầm được. Hóa ra là một mẩu thủy tinh đã gẫy nằm lại ở gót chân chị và cần phải được lấy ra. Người ta gây tê tại chỗ cho chị, sau đó khâu ba mũi trên vết thương.
Berger rủa suốt thời gian ở bệnh viện và cố gọi chồng hay Blomkvist hoài. Chả ai thiết trả lời chị. 10 giờ, chân chị được quấn băng dầy cộp. Chị nhận lấy chiếc nạng bệnh viện cho rồi lên taxi về nhà.
Chị bỏ một lúc ra tập tễnh quanh phòng khách, quét sàn. Chị gọi dịch vụ Cấp cứu – Thủy tinh, đặt một cửa sổ mới. Chị gặp may. Ðang là một tối êm ả và trong vòng hai mươi phút họ đã đến. Nhưng cửa sổ phòng khách quá to mà kho của họ không có sẵn kính. Người lắp kính đề nghị đóng giúp gỗ dán tạm thời vào cửa sổ và chị cảm kích đồng ý.
Khi đặt xong gỗ dán, Chị gọi nhân viên trực ở Bảo vệ Tích hợp Nacka, hỏi của nợ gì mà hệ báo động đắt tiền của họ chống kẻ trộm lại không hoạt động khi có người ném một hòn gạch qua cái cửa sổ lớn nhất vào phòng khách của chị.
Berger điên tiết lên.
Người ở hãng bảo vệ này nói họ sẽ ưu tiên sửa chữa ngay sáng mai. Berger bảo họ khỏi phải bận. Thay vào đó chị gọi nhân viên trực ở An ninh Milton, nói rõ tình hình. Chị nói chị muốn có hệ báo động đặt ngay cả cụm hoàn chỉnh vào sáng mai. Tôi biết tôi phải ký hợp đồng nhưng xin nói với Armansky rằng Erika Berger gọi và yêu cầu kiểu gì sáng mai cũng cần có người đến.
Cuối cùng chị gọi cảnh sát. Người ta nói không có xe để đi rồi lấy lời khai của chị. Chị được khuyên là đến sáng thì liên hệ với đồn cảnh sát sở tại. Cảm ơn. Đếch cần anh.
Rồi chị ngồi hầm hè một lúc lâu cho đến khi mức adrenalin tụt xuống và nó bắt đầu chìm nghỉm hẳn vào trong cái sự thật là chị sẽ phải ngủ một mình trong một ngôi nhà không có báo động trong khi một đứa nào đó đang chạy nhắng quanh quẩn ở bên hàng xóm, gọi chị là đĩ và ném vỡ của kính nhà chị.
Berger nghĩ liệu có nên vào thành phố qua đêm ở khách sạn không nhưng chị không phải là loại người thích để cho thiên hạ dọa. Và thậm chí chị thích trả miếng lại không kém gì thiên hạ.
Nhưng chị dùng đến một ít phòng bị sơ đẳng về an ninh.
Blomkvist đã một lần bảo chị rằng Salander từng hạ thủ tên giết người hàng loạt Martin Vanger bằng cây gậy chơi golf. Thế là chị ra gara tìm vài phút trong túi gậy golf, cái túi mà khoảng mười lăm năm nay chị hiếm khi nghĩ đến nó. Chị chọn một thanh mà chị nghĩ là có một sức nặng nào đó rồi để nó trên giường trong tầm dễ với tới được. Chị để một gậy đánh golf ngắn ở gian sảnh và một khẩu súng cỡ 8 li trong bếp. Chị cũng lấy một cái búa trong túi đồ lề bên dưới tầng hầm lên, đặt ở buồng tắm chính nữa.
Chị lấy bình xịt Mace trong túi xách, đặt trên bàn đầu giường. Cuối cùng chị tìm một cái chẹn cửa bằng cao su, lèn nó xuống dưới cánh cửa phòng ngủ. Rồi chị gần như mong tên khốn nạn đã gọi chị là đĩ và phá hoại cửa sổ nhà chị sẽ đủ ngu si để mà quay trở lại đây đêm nay.
Vào lúc chị cảm thấy cố thủ đã đầy đủ thì vừa 1 giờ sáng. Chị phải có mặt ở SMP lúc 8 giờ. Chị kiểm tra nhật ký, thấy mình có bốn cuộc họp, cuộc đầu vào lúc 10 giờ. Chân chị đau tệ. Chị cởi quần áo bò vào giường.
Rồi không thoát khỏi, chị nằm thức đó và bực bõ.
Con đĩ.
Chị đã nhận được chín thư điện tử, tất cả đều mang chữ “con đĩ” và hình như tất cả đều gửi đi từ những nguồn của truyền thông đại chúng. Thư đầu tiên đến từ chính ngay phòng biên tập của tờ báo, nhưng nguồn là giả mạo.
Chị ra khỏi giường, lấy chiếc máy tính Dell xách tay mới mà SMP cấp cho chị ngày bắt đầu đến làm ở đó.
Thư đầu fiên – cũng là cái sống sượng và đe dọa nhất, gợi ý rằng chị sẽ bị một cái tuốc nơ vít nó đéo – đến ngày 16 tháng Năm, hai tuần trước.
Thư thứ hai đến hai ngày sau, 18 tháng Năm.
Rồi một tuần qua đi và các thư lại bắt đầu đến, bây giờ với quãng cách khoảng hai mươi tư giờ. Rồi tấn công vào nhà. Lạicon đĩ.
Trong thời gian ấy Carlsson ở trang Văn hóa nhận được một thư điện tử của Berger gửi, lời lẽ rất xấu xa có ý đồ. Và nếu Carlsson nhận được một thư điện tử như thế thì hoàn toàn có thể là người gửi thư cũng lại sẽ bận ở cả những nơi khác nữa – rằng người khác cũng nhận được thư điện tử của chị mà chị không hề hay biết gì hết.
Ý nghĩ này không hay tí nào.
Chuyện quấy nhiễu nhất là tấn công nhà chị.
Một ai đó đã bỏ công tìm ra nơi chị ở, lái xe ra tận đấy rồi ném một viên gạch qua cửa sổ. Việc này rõ ràng là có suy tính trước – người tấn công mang theo cả bình sơn xịt. Một lúc sau chị lạnh cứng người, nhận ra chị có thể cộng thêm các cuộc tấn công khác vào danh sách nữa. Tất cả bốn bánh xe của chị đã bị rạch nát khi chị qua đêm với Blomkvist ở khách sạn Hilton Slussen.
Kết luận vừa không hay vừa rõ ràng. Chị đang bị rình rập.
Một ai đó, vì lý do không rõ, đã quyết chí quấy rối chị.
Việc nhà chị bị chọn để công kích là không thể hiểu nổi – nó ở đâu thì vẫn cứ ở đấy và không thể ngụy trang được. Nhưng nếu xe của chị bị phá hư ở một con phố hẻo lánh nào đó ở Sodermalm thì kẻ rình rập chị phải ở đâu đó gần chỗ chị đỗ xe. Chúng đã phải bám theo chị.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.