Cô Gái Chọc Tổ Ong Bầu

CHƯƠNG 25



Thứ Tư, 13 tháng Bảy
Thứ Năm, 14 tháng Bảy
Blomkvist luôn nghĩ sao loa tòa án quận nó lại quá yếu, gần như giấu tiếng đi nữa. Anh khó mà nghe được những lời thông báo nói phiên tòa xử Lisbeth Salander sẽ bắt đầu hồi 10 giờ ở phòng xét xử số 5. Nhưng anh đến sớm từ lâu, ngồi chờ ngay ở cửa ra vào phòng xét xử. Anh là một trong những người đầu tiên được cho vào. Anh chọn một chỗ ở hàng ghế công chúng bên tay trái phòng, từ đây anh nhìn thấy bàn của bị cáo rõ nhất. Các ghế nhanh chóng có người ngồi đầy. Trong các tuần gần tới phiên tòa, giới truyền thông ngày càng chú ý đến nó hơn, tuần vừa rồi công tố viên Ekstrom ngày nào cũng bị phỏng vấn.
Lisbeth Salander bị khép tội tấn công và gây thương tổn nghiêm trọng về thân thể ở trường hợp Carl-Magnus Lundin; ở trường hợp Karl Axel Bodin, tức Zalachenko, nay đã chết thì là đe dọa phi pháp, mưu sát và gây thương tổn nghiêm trọng về thân thể; cùng với hai vi phạm đột nhập vào nhà – lần thứ nhất ở căn nhà nghỉ mùa hè của luật sư đã chết Nils Erik Bjurman tại Stallarholmen, lần thứ hai ở nhà cửa Bjurman trên Odenplan; cùng với ăn cắp xe cộ – một Harley Davidson mà chủ sở hữu là Sonny Nieminen ở Câu lạc bộ xe máy Svavelsjo; cùng với ba vi phạm về sở hữu vũ khí trái phép – một bình xịt Mace, một súng bắn điện và một khẩu súng lục Ba Lan P-38 Wanad, tất cả đều được tìm thấy ở Gosseberga; cùng với ăn cắp hay lưu giữ bằng chứng – câu nói này không rõ ràng nhưng nó gợi tới hồ sơ tài liệu mà cô tìm thấy ở nhà nghỉ mùa hè của Bjurman; và cùng với một số những hành xử xấu khác nữa. Tổng cộng mười sáu tội đã được dựng thành hồ sơ chống lại Lisbeth Salander.
Ekstrom thế là bận rộn.
Ông cũng để lộ thông tin cho biết trạng thái tâm thần của Salander là nguyên nhân khiến phải báo động. Ông dẫn ra trước tiên bản báo cáo pháp y về tâm thần do bác sĩ Jesper H. Loderman thu thập vào dịp sinh nhật lần thứ mười tám của cô và bác sĩ Peter Teleborian đã viết ra theo quyết định của tòa án quận. Do chứng bệnh tâm thần, cô gái dứt khoát không chịu nói với các bác sĩ tâm thần, rất đúng với bệnh thái; phân tích này là căn cứ vào các “quan sát” tiến hành trong khi cô gái bị giam tại nhà từ Kronoberg ở Stockholm vào tháng trước phiên tòa. Có kinh nghiệm nhiều năm với người bệnh, bác sĩ Teleborian đã cả quyết rằng Salander bị rối loạn tâm thần nghiêm trọng và ông đã dùng những thuật ngữ như bệnh hoạn nhân cách, bệnh lý tự yêu bản thân, hoang tưởng tâm thần phân liệt và tương tự.
Báo chí cũng đưa tin rằng cảnh sát đã thẩm vấn Salander bảy lần. Bị cáo cự tuyệt mọi thẩm vấn, kể cả việc chào người thẩm vấn. Mấy cuộc thẩm vấn đầu tiên là do cảnh sát Goteborg tiến hành, các cuộc sau diễn ra ở Sở chỉ huy cảnh sát Stockholm. Các băng ghi âm về quy trình thẩm vấn cho thấy cảnh sát đã dùng mọi cách thuyết phục cũng như hỏi đi hỏi lại nhưng không hề nhận được một đối đáp nào coi như là chiếu cố.
Thậm chí cô gái cũng chả bận tâm đến cả hắng giọng nữa.
Ðôi khi có thể nghe thấy trên băng ghi âm tiếng của luật sư Giannini, những lúc bà ấy nhận là thân chủ của mình rõ ràng không thèm trả lời bất cứ một câu hỏi nào. Do đó việc khởi tố Salander chỉ thuần dựa đơn phương vào bằng chứng pháp y và vào sự việc nào mà điều tra của cảnh sát có thể khẳng định được mà thôi.
Sư im lặng của Salander đôi lúc đã đặt luật sư bào chữa của cô vào một vị thế khó xử do bà cũng bị buộc phải im lặng như thân chủ của mình. Salander và Giannini đã bàn riêng với nhau những gì thì là điều bí mật.
Ekstrom không giấu giếm rằng mục tiêu đầu tiên của ông là bảo đảm cho bị cáo được trông nom chữa trị bệnh tâm thần; với ông tuyên một án tù chỉ là mối quan tâm hàng hai mà thôi. Thủ tục pháp lý chuẩn mực quay ra bị đảo ngược, nhưng ông tin trong vụ án này của cô gái, vụ án đã có những rối loạn tâm thần rõ rệt như thế, đã có một xác nhận pháp y về bệnh tâm thần dứt khoát như thế thì ông sẽ không bị sa vào tình thế bó tay. Với ngành tòa án, hết sức hiếm có chuyện một phiên tòa nghị án phủ định một xác nhận pháp y.
Ông cũng tin rằng lời tuyên bố Salander không có khả năng tuân thủ pháp luật sẽ được hủy bỏ. Trong một cuộc phỏng vấn, với vẻ quan thiết ông giải thích rằng ở Thụy Điển có một số người mắc bệnh kị xã hội, ở họ các rối loạn tâm thần nghiêm trọng đến mức họ trở thành một mối nguy cho bản thân cũng như cho người khác, y học hiện đại không thể đưa ra một khả năng nào khác hơn trừ việc nhốt giữ họ lại cho an toàn. Ông dẫn ra vụ một cô gái hung bạo, Anette, từng là trung tâm chú ý thường xuyên của truyền thông hồi thập niên 70, ba chục năm qua cô này vẫn sống an toàn trong một viện tâm thần. Mỗi lần thử bớt đi các hạn chế ràng buộc cô thì đều dẫn tới việc cô tấn công dữ dội, liều lĩnh vào những người thân và người săn sóc hoặc cố ý gây thương tích cho mình. Ekstrom nhìn nhận rằng Salander cũng bị một hình thức rối loạn nhân cách bệnh hoạn giống như thế.
Giới truyền thông càng tăng thêm quan tâm vì lý do đơn giản là không thấy luật sư bào chữa của Salander, luật sư Giannini đưa ra một tuyên bố nào với báo chí hết. Bà từ chối mọi yêu cầu phỏng vấn đến nỗi như giới truyền thông đã từng nhiều lần nói ra, “không có cơ hội trình bày quan điểm” của phía bên kia của vụ án. Do đó các nhà báo lâm vào một tình hình khó khăn: trong khi bên công tố luôn luôn cung cấp mọi thông tin thì bên bị lại không đưa ra một chút bóng dáng nào về phản ứng của Salander đối với các lời buộc tội cũng như về chiến lược mà bên bị có thể sẽ sử dụng và điều này là không điển hình.
Tình hình diễn biến của sự việc đã được một chuyên gia pháp lý đặc phái đến theo dõi phiên tòa bình luận trên một tờ báo chiều. Vị chuyên gia xác nhận trong bài của mình rằng luật sư Giannini là một luật sư được kính trọng về những vụ bênh vực nữ quyền, nhưng ngoài lĩnh vực đó thì bà tuyệt đối không có kinh nghiệm gì trong pháp luật hình sự. Ông kết luận bà luật sư không hợp với mục đích bảo vệ Salander. Qua Blomkvist, anh của bà, cũng biết được rằng nhiều luật sư có uy tín đã xin cung cấp dịch vụ. Nhân danh thân chủ, Giannini đã lịch sự thoái thác mọi đề nghị này.
o O o
Trong khi chờ tòa bắt đầu, Blomkvist liếc quanh sang các khán giả khác. Anh nhìn thấy Armansky ngồi ở gần cửa ra, rồi có một lúc hai người trông thấy nhau.
Ekstrom có một chồng giấy lớn ở trên bàn. Ông chào mấy nhà báo.
Giannini ngồi ở chiếc bàn đối diện Ekstrom. Chị ngồi cúi đầu soạn giấy tờ. Blomkvist nghĩ em mình nom vẻ hơi căng thẳng. Tâm lý sợ trình diễn, anh cho là thế.
Rồi thẩm phán, hội thẩm viên chuyên nghiệp và các hội thẩm viên không chuyên vào phòng xét xử. Thẩm phán Jorgen Iversen là một ông năm mươi bảy tuổi, tóc trắng, mặt gầy hốc hác, chân bước đi nhun nhún. Blomkvist đã nghiên cứu về cung cách làm việc của Iversen, biết ông là một quan tòa đòi hỏi cao và giàu kinh nghiệm, từng chủ trì nhiều vụ xử rất nối tiếng.
Cuối cùng Salander được đưa vào phòng xét xử.
Tuy đã quen với xu hướng ăn mặc khủng của Salander, Blomkvist vẫn thú vị thấy em gái mình đã cho phép cô gái xuất hiện ở tòa trong một chiếc váy mini jupe da màu đen, diềm buộc sợi te tua và một áo ngoài đen – mang dòng chữ Tôi ngán ớn – che không kín nhiều hình xăm của cô. Cô có mười lỗ xâu ở tai cùng khoen ở môi dưới và mi mắt trái. Một lớp tóc mới mọc lởm chởm sau khi mổ ba tháng phủ lên đầu cô. Môi cô bôi son xám và mí mắt đánh quầng màu sẫm rất đậm, lông mi phết mascara còn đen hơn các lần mà Blomkvist nom thấy ở cô trước đây. Những ngày anh và cô ở cùng nhau, cô gần như tỏ ra là không thích trang điểm.
Nom cô hơi tầm thường, nói cho đỡ nặng lời. Gần như một dáng dấp bạt đời. Cô làm anh nhớ đến một ả chài trai trong một bộ phim pop-art nào đó hồi thập niên 60. Blomkvist thấy mấy phóng viên ở trong dẫy ghế nhà báo nín thở hay toác miệng ra cười vì ngạc nhiên. Ít nhất họ cũng đang tận mắt nhìn thấy người phụ nữ cưỡi lên dư luận, người mà họ đã viết quá nhiều và chắc chắn là đã vượt xa ra khỏi mọi đợi chờ của họ.
Rồi anh nhận thấy Salander mặc đồ bộ. Phong cách của cô thường là luộm thuộm, không có gu. Blomkvist cho rằng cô thật tâm không chú ý đến thời trang, thay vì vậy cô lại cố nhấn mạnh cá tính của cô hơn lên. Salander có vẻ như luôn đánh dấu cho không gian riêng tư của mình thành ra một vùng lãnh thổ thù nghịch và anh từng nghĩ các đinh tán trên jacket da của cô là một cơ chế phòng thủ, giống như lông con nhím vậy. Với mọi người ở xung quanh cô, đó là một tín hiệu cũng rõ ràng như câu Đừng thử mà đụng vào tôi – đau đấy.
Nhưng ở đây, trong tòa án quận, cô đã cường điệu phong cách của mình lên đến mức như cô muốn nhạo cợt.
Ðây không phải là tình cờ, đây là một phần trong chiến lược của Salander.
Nếu Salander đến với mái tóc chải mượt và mặc một bộ vest cùng ngọc ngà và giầy dép sang trọng thì cô sẽ xuất hiện chẳng khác gì một nghệ sĩ dỏm tìm cách làm cho tòa án nuốt trôi hộ câu chuyện của mình. Đây là vấn đề về lòng tin. Cô đến tòa án như chính là cô vốn dĩ chứ không phải ai khác. Cách đi đến đỉnh cao – nói rõ ra là thế. Cô không coi mình là một ai đó không phải cô. Thông điệp cô gửi cho tòa là cô chả có lý do nào để mà phải xấu hổ hay diễn vở. Tòa không ưng kiểu cách cô thì cô đâu có bận tâm. Nhà nước kết cho cô nhiều thứ tội và công tố viên đã điệu cô ra tòa. Với dáng vẻ rất riêng biệt của mình cô đã cho thấy cô có ý bỏ ở ngoài tai các lời lên án vớ vẩn của công tố viên.
Cô tự tin đi đến ngồi xuống cạnh luật sư của mình. Cô quan sát khán giả. Nom mắt cô không có vẻ tò mò. Thay vào đó cô hình như lại đang thách thức bằng ngắm nghía và nhận diện những người đã buộc tội cô ở trên báo.
Ðây là lần đầu tiên Blomkvist nhìn thấy cô từ khi cô nằm như một con búp bê bằng giẻ đẫm máu trên chiếc ghế dài trong gian bếp ở Gosseberga và một năm rưỡi hay hơn kể từ lần cuối cùng anh nhìn thấy cô trong hoàn cảnh bình thường. Nếu như chữ “hoàn cảnh bình thường” ứng được vào Salander. Trong một vài giây mắt hai người gặp nhau. Mắt cô lần lữa trên anh nhưng cô không hể để lộ lòng mình qua dấu hiệu đã nhận ra anh. Nhưng hình như cô có săm soi kỹ vết thâm tím ở má và thái dương anh cùng với miếng băng dính phẫu thuật dán trên mi mắt phải anh. Blomkvist nghĩ là anh có thấy một ánh cười thoáng trong mắt cô nhưng không dám chắc rằng anh có tưởng tượng ra nó hay không. Rồi thẩm phán Iversen gõ búa, kêu gọi tòa trật tự.
o O o
Các khán giả được phép dự phiên tòa trong tổng cộng nửa giờ. Họ nghe Ekstrom thuyết trình giới thiệu vụ án.
Mọi phóng viên, trừ Blomkvist, tíu tít ghi, tuy đến nay tất cả họ đều đã biết đầy đủ những lời buộc tội mà Ekstrom định đưa ra. Blomkvist thì đã viết xong bài báo của mình.
Các nhận xét mở đầu của Ekstrom diễn ra trong hai mươi hai phút. Rồi đến lượt Giannini. Chị trình bày nửa phút. Giọng chị chắc nịch.
– Bên bị cự tuyệt mọi lời buộc tội đưa ra chống lại bị cáo, trừ một điểm. Thân chủ tôi nhận có sở hữu một vũ khí phi pháp, đó là một bình xịt Mace. Về mọi điểm khác, thân chủ tôi cãi là không cố ý phạm tội. Chúng tôi sẽ cho thấy rằng các khẳng định của công tố viên là sai, rằng các quyền công dân của thân chủ tôi đã bị vi phạm nghiêm trọng. Tôi sẽ yêu cầu tòa tuyên bố thân chủ của tôi trắng án cũng như rút bỏ lời tuyên bố thân chủ của tôi không có khả năng tuân thủ pháp luật.
Có tiếng râm ran ở hàng ghế báo chí. Cuối cùng luật sư Giannini đã tiết lộ ra chiến lược của mình. Rõ ràng đây không phải là điều mà đám phóng viên chờ đợi. Phần lớn họ đoán rằng Giannini sẽ như thế nào đó khai thác căn bệnh tâm thần của thân chủ để giành lấy lợi thế cho mình. Blomkvist mỉm cười.
– Tôi hiểu, – thẩm phán Iversen nói, ghi vội một điều.
Ông nhìn Giannini:
– Bà đã nói xong chưa?
– Tôi vừa mới trình bày đó.
– Công tố viên có điều gì bổ sung không? – thẩm phán Iversen nói.
Ðến lúc này Ekstrom yêu cầu họp riêng ở trong phòng thẩm phán. Ông lý lẽ rằng vụ này xoay quanh một trạng thái tâm thần và phúc lợi của một cá nhân nhưng nó cũng lại dính líu đến những vấn đề mà nếu bị khám phá ra ở trước tòa thì có thể sẽ có hại cho an ninh đất nước.
– Tôi cho rằng ông đang gợi tới việc mà ta có thể gọi là vụ Zalachenko, – thẩm phán Iversen nói.
– Ðúng thế. Alexander Zalachenko đến Thụy Ðiển với tư cách người tị nạn chính trị tìm nơi cư trú náu mình khỏi một chế độ độc tài khủng khiếp. Dù ông Zalachenko đã chết rồi nhưng trong việc xử lý tình hình của ông ta đã có những yếu tố, những quan hệ cá nhân, v.v… vẫn còn đang được xếp hạng bí mật. Do đó tôi yêu cầu tranh tụng cần phải tiến hành hẹp, không có báo chí và công chúng dự, và cần phải áp dụng quy tắc bí mật với các phần tranh tụng đặc biệt nhạy cảm ấy.
– Tôi tin là tôi hiểu ý ông, – thẩm phán Iversen nói, vân vê lông mày.
– Thêm nữa, một phần lớn tranh tụng sẽ bàn về chế độ giám hộ của bị cáo. Ðiều này chạm tới các vấn đề mà ở các trường hợp bình thường gần như ngay tức khắc đã được tự động xếp hạng bí mật, và sở dĩ tôi yêu cầu xử kín phiên tòa này cũng là vì tôn trọng bị cáo.
– Luật sư Giannini trả lời sao với yêu cầu của công tố viên?
– Về phần chúng tôi thì thấy cũng như nhau cả mà thôi.
Thẩm phán Iversen tham khảo đoàn hội thẩm rồi tuyên bố, trước vẻ ngán ngẩm của các phóng viên tại tòa, ông chấp nhận yêu cầu của công tố viên. Ðến đây Blomkvist rời phòng xét xử.
o O o
Armansky chờ Blomkvist ở bậc thang cuối cùng trong phòng xét xử. Tháng Bảy nóng ngột ngạt, Blomkvist nhìn thấy được mồ hôi ở nách ông. Hai vệ sĩ đi đến lúc ông nhô ra khỏi phòng xét xử. Cả hai gật đầu với Armansky rồi lại bận bịu xem xét xung quanh.
– Đi cùng vệ sĩ thì cảm thấy lạ đấy chứ nhỉ, – Blomkvist nói. – Tất cả khoản này tốn kém mất bao nhiêu?
– Ðây là tính vào công ty. Tôi có lợi ích cá nhân trong việc giữ tính mạng cho anh. Nhưng vì anh hỏi thì nói, mấy tháng qua chúng tôi tiêu hòm hòm mất 250.000 krona vào công việc vì công ích này đây.
– Cà phê không? – Blomkvist hỏi, chỉ vào quán cà phê Ý trên đường Bergsgatan.
Blomkvist gọi cà phê latte còn Armansky gọi Espresso kép với một thìa sữa. Họ ngồi trong bóng râm ở trên hè bên ngoài. Hai vệ sĩ ngồi bàn bên uống Coke.
– Xử kín, – Armansky nói.
– Đã thấy là sẽ như thế rồi. Cũng OK thôi. Vì như thế có nghĩa là chúng ta kiểm soát được lưu lượng tin tức tốt hơn.
– Anh nói đúng, với chúng ta chả làm sao cả, nhưng ý kiến của tôi về công tố viên Ekstrom đang giảm giá nhanh, – Armansky nói.
Họ uống cà phê và ngắm tòa án, nơi sẽ định đoạt tương lai của Salander.
– Chỗ đứng cuối cùng của Custer, – Blomkvist nói.
– Bà ấy đã chuẩn bị tốt, – Armansky nói. – Và cần phải nói là em gái anh đã gây ấn tượng được với tôi. Khi cô ấy bắt đầu dựng chiến lược, tôi thấy nó vớ vẩn nhưng càng nghĩ thì càng thấy nó có vẻ lợi hại.
– Vụ xét xử này có được phán quyết từ đây đâu, – Blomkvist nói. Mấy tháng nay anh nói đi nói lại câu này như một thần chú.
– Anh sẽ được gọi ra làm nhân chứng, – Armansky nói.
– Tôi biết. Tôi sẵn sàng rồi. Nhưng ngày kia mới đến chuyện ấy cơ. Ít nhất thì chúng ta cũng đang trông vào điều đó.
o O o
Ekstrom để kính đọc ở nhà nên phải đẩy cặp kính thường lên trán và nheo mắt lại để đọc được những chỗ vào phút cuối cùng ông viết tay thêm vào bài nói của mình. Ông nắn nắn chòm râu dê màu vàng một lần nữa rồi chỉnh lại kính đưa mắt xem xét gian phòng.
Lưng thẳng hàng, Salander ngồi dửng dưng nhìn công tố viên. Mặt và mắt cô thản nhiên, nom cô hình như không hề có mặt ở đây. Đã đến lúc công tố viên hỏi cô.
– Tôi muốn được nhắc cô Salander rằng nói ở tòa đây là cô có tuyên thệ, – cuối cùng Ekstrom nói.
Mặt Salander vẫn như không. Xem vẻ như đã tính trước tới một kiểu phản ứng nào đó nên công tố viên Ekstrom chờ thêm vài giây. Ông nhìn cô với ý chờ đợi.
– Cô nói ở tòa đây là có tuyên thệ, – ông nói.
Salander hơi nghiêng đầu, Giannini thì mải đọc gì đó ở trong bản thủ tục điều tra sơ bộ và hình như chẳng bận tâm đến bất cứ những gì công tố viên Ekstrom nói. Ekstrom xê xê dịch dịch giấy tờ của ông. Im lặng một lúc không thoải mái, ông hắng giọng.
– Vậy là rất tốt, – Ekstrom nói. – Chúng ta hãy xét thẳng đến các sự việc tại căn nhà nghỉ mùa hè của luật sư Bjurman quá cố ở bên ngoài Stallarholmen ngày 6 tháng Tư năm nay, sự việc này là điểm xuất phát cho phần trình bày giới thiệu của tôi về vụ án này hồi sáng. Chúng ta sẽ cố làm sáng tỏ câu chuyện đã xảy ra như thế nào mà cô lại lái xe xuống Stallarholmen và bắn Carl-Magnus Lundin.
Ekstrom thách thức nhìn Salander. Cô vẫn không hề nhúc nhích. Công tố viên bỗng có vẻ buông bỏ. Ông giơ hai bàn tay lên nhìn cầu cạnh thẩm phán. Thẩm phán Iversen thì có vẻ đề phòng. Ông liếc nhìn Giannini vẫn đang chăm chú với những giấy tờ nào đó, rõ ràng là phớt lờ chuyện xung quanh.
Thẩm phán Iversen hắng giọng. Ông nhìn Salander.
– Chúng tôi có nên coi cô im lặng như thế này là không muốn trả lời các câu hỏi của chúng tôi không đây? – Ông hỏi.
Salander quay lại nhìn thẩm phán, cô nói:
– Tôi sẽ vui vẻ trả lời câu hỏi.
Thẩm phán Iversen gật.
– Vậy có lẽ cô trả lời câu hỏi được rồi đây, – Ekstrom nói.
Salander nhìn Ekstrom, không nói.
– Cô có thể vui lòng trả lời câu hỏi được không chứ? – Thẩm phán Iversen giục.
Salander lại nhìn sang ông thẩm phán, lông mày nhướng lên. Tiếng cô trong trẻo, rõ ràng.
– Câu hỏi nào? Cho đến giờ người kia, – cô hất đầu về Ekstrom – đều đưa ra các khẳng định không được kiểm chứng. Tôi chưa nghe thấy một câu hỏi nào cả.
Giannini ngửng lên. Chị chống khuỷu tay lên bàn, đặt cằm lên bàn tay, vẻ thú vị.
Dòng suy nghĩ của Ekstrom bị hẫng mất một lúc.
– Ông có thể vui lòng nhắc lại câu hỏi được không? – Thẩm phán Iversen nói.
– Tôi hỏi liệu… có phải bị cáo lái xe đến căn nhà nghỉ mùa hè của luật sư Bjurman ở Stallarholmen là với ý định bắn Carl-Magnus Lundin không?
– Không. Ông nói ông sẽ cố làm sáng tỏ chuyện làm sao mà tôi lại lái xe xuống Stallarholmen rồi bắn Carl-Magnus Lundin. Ðấy không phải là câu hỏi. Đấy là một quyết đoán chung chung mà ở đó ông đã ước tính trước ra câu trả lời của tôi.
– Đừng đánh trống lảng. Hãy trả lời câu hỏi.
– Không.
Im lặng.
– Không cái gì?
– Tôi trả lời câu ông vừa mới hỏi là không đấy.
Công tố viên thở dài. Hôm nay sẽ là dài đây. Vẻ chờ đợi nghe ngóng, Salander quan sát ông.
– Có lẽ tốt nhất là làm việc này từ đầu, – ông nói. – Chiều ngày 6 tháng Tư năm nay, cô đã ở trong nhà nghỉ mùa hè của luật sư Bjurman đã quá cố phải không?
– Phải.
– Cô đến đó như thế nào?
– Tôi đi tàu tuyến ngắn đến Sodertalje rồi lên xe bus Strangnas.
– Lý do cô đến Stallarholmen là gì? Cô có xếp đặt việc gặp Carl-Magnus Lundin và bạn ông ta là Sonny Nieminen ở đấy không?
– Không.
– Làm sao mà hai người ấy lại có mặt ở đấy?
– Ông cần phải hỏi họ câu ấy.
– Tôi đang hỏi cô.
Salander không đáp.
Thẩm phán Iversen hắng giọng nói, vẻ như với ý giúp đỡ:
– Tôi cho rằng cô Salander không trả lời là vì – thuần túy về mặt ngữ nghĩa thôi – một lần nữa ông lại đưa ra một quyết đoán.
Thình lình Giannini cười khì một cái, tiếng cười khá to đủ cho mọi người nghe thấy. Chị lại tập trung đầu óc xem xét lại giấy tờ. Ekstrom cáu kỉnh liếc nhìn chị.
– Tại sao cô nghĩ là Lunđin và Niemỉnen đi đến căn nhà mùa hè của Bjurman?
– Tôi không biết. Tôi ngờ rằng họ đến đó để đốt phá. Lundin có một lít xăng trong bình nhựa ở dưới yên xe Harley-Davidson của hắn.
Ekstrom bĩu môi.
– Tại sao cô đi đến căn nhà nghỉ mùa hè của luật sư Bjurman?
– Tôi đi tìm thông tin.
– Thông tin loại gì?
– Cái thông tin mà tôi nghi Lundin và Nieminen đến đấy để phá hủy, thông tin có thể góp phần làm sáng tỏ ai đã giết tên chó chết.
– Ý kiến cô cho rằng luật sự Bjurman là tên chó chết ư? Hiểu thế có đúng không?
– Ðúng.
– Thế sao cô lại nghĩ như thế?
– Hắn là một con lợn bạo dâm, một tên đồi trụy, một kẻ hiếp dâm – do đó là một con chó chết.
Cô đang đọc lại lời xăm ở bụng luật sư quá cố Bjurman và như vậy đã gián tiếp thừa nhận cô là tác giả của nó. Nhưng tuy vậy câu chuyện động trời này lại không nằm trong các tội trạng buộc cho Salander. Bjurman không bao giờ báo cảnh sát việc hắn bị tấn công và như vậy bây giờ sẽ khó có thể chứng minh được đây là hắn tự ý xăm hay bị cưỡng ép.
– Nói cách khác, cô nhận là người giám hộ của cô đã cưỡng bức cô. Cô có thể nói với tòa khi nào thì các cuộc tấn công ấy được cho là đã xảy ra không?
– Xảy ra thứ Ba, ngày 18 tháng Hai, 2003 và một lần nữa vào thứ Sáu, ngày 7 tháng Ba cùng năm.
– Cảnh sát định thẩm vấn, cô đều từ chối trả lời họ. Tại sao?
– Tôi chả có gì để mà nói với họ.
– Tôi đã đọc cái gọi là “tự truyện” mà một ít ngày trước đây luật sư của cô thình lình giao nộp không báo trước. Tôi phải nói đó là một tài liệu kỳ lạ và chúng ta rồi sẽ quay lại nó cụ thể chi tiết hơn. Nhưng trong đó cô tuyên bố rằng luật sư Bjurman đã nhận trong lần đầu từng bắt cô quan hệ tính dục bằng miệng còn trong lần thứ hai thì suốt cả đêm bắt cô phải chịu bị hiếp dâm trọn vẹn nhiều bận cùng với tra tấn tàn nhẫn.
Lisbeth không đáp.
– Có đúng không?
– Ðúng.
– Cô có báo cảnh sát là bị cưỡng hiếp chứ?
– Không.
– Tại sao không?
– Trước đây hễ tôi định nói với cảnh sát điều gì thì họ không bao giờ chịu nghe cả. Cho nên tôi thấy báo họ cũng chả có lợi gì.
– Cô có nói chuyện tấn công này với các chỗ quen biết không? Một bạn gái chẳng hạn?
– Không.
– Tại sao không?
– Vì đấy không là việc của họ.
– Cô đã thử gặp một luật sư chưa?
– Chưa.
– Cô có gặp bác sĩ để được chữa chạy các thương tật mà cô nói là cô từng phải chịu đựng không?
– Không.
– Cô cũng không đến một trung tâm khủng hoảng phụ nữ nào.
– Ông lại vừa đưa ra một tuyên bố suy đoán đấy.
– Xin lỗi. Cô đã đến một trung tâm khủng hoảng phụ nữ nào bao giờ chưa?
– Chưa.
Ekstrom quay sang thẩm phán.
– Tôi muốn tòa nhận biết rằng bị cáo đã tuyên bố từng hai lần là đối tượng của các cuộc tấn công tính dục, lần thứ hai cần được xem là đặc biệt nghiêm trọng. Người mà bị cáo tuyên bố đã làm các cuộc cưỡng hiếp đó là viên giám hộ của bị cáo, luật sư quá cố Nils Bjurman. Các việc theo sau đây cần được tính vào sự việc này…
Ekstrom chỉ vào văn bản ở trước mặt ông.
– Theo cuộc điều tra do Vụ Trọng án tiến hành, không có điều gì trong quá khứ của Bjurman củng cố cho độ tin cậy trong câu chuyện mà Lisbeth Salander kể lại. Bjurman không bị dính đến pháp luật vì bất kỳ tội phạm nào. Ông ấy không có tiền sự với cảnh sát và cũng không là đối tượng của một cuộc điều tra nào. Trước đây ông ấy đã là người giám hộ hay đỡ đầu cho nhiều thiếu niên khác nhưng không ai trong số đó tuyên bố từng là đối tượng của bất cứ loại tấn công nào của ông. Trái lại họ xác nhận Bjurman luôn luôn cư xử đúng đắn và tốt với họ.
Ekstrom lật một trang.
– Nghĩa vụ của tôi cũng là phải nhắc tòa nhớ rằng Lisbeth Salander đã từng bị hội chẩn mắc bệnh tâm thần phân liệt hoang tưởng. Đây là một phụ nữ trẻ tuổi có xu hướng bạo lực từng được sưu tập thành tài liệu, người này chớm vào tuổi mười mấy đã có những vấn đề nghiêm trọng trong quan hệ tương tác với xã hội. Người này đã trải qua mấy năm trong bệnh viện tâm thần thiếu nhi và đến tuổi mười tám thì chuyển sang chế độ giám hộ. Điều này có thể là đáng tiếc nhưng có lý do. Lisbeth là mối nguy cho chính bản thân và cho những ai ở xung quanh. Tôi tin chắc chắn rằng người này không cần đến một án tù. Người này cần được chăm sóc tâm thần.
Ông ngừng lại để cho lời ông có thêm hiệu quả.
– Nói về trạng thái tâm thần của một người trẻ tuổi là một công việc tự nó đã không lấy làm thú vị gì. Một số điều là xâm nhập vào sự riêng tư còn bệnh tâm thần của bị cáo thì đang trở thành đề tài diễn giải. Nhưng trong trường hợp đây, chúng ta có thế giới quan rắc rối của bản thân Lisbeth Salander, và chúng ta chính là dựa lên trên điều này mà đề ra quyết định. Nó trở nên rõ lù lù trong cái mà bị cáo gọi là “tự truyện”. Trong thực tế không ở đâu mà khao khát của bị cáo có một chỗ đặt chân lại thể hiện rõ bằng ở đây. Trong trường hợp này, chúng ta không cần nhân chứng hay các diễn giải để cho khó lòng mà lại không nói ngược nhau. Chúng ta có lời nói của chính bị cáo. Chúng ta có thể phán xét cho chúng ta mức độ tin cậy những lời khẳng định của bị cáo.
Con mắt ông buông vào Salander. Rồi mắt họ gặp nhau. Cô gái mỉm cười. Nom cô ranh mãnh láu lỉnh. Ekstrom cau mày.
– Luật sư Giannini có gì nói không? – thẩm phán Iversen nói.
– Không, – Giannini nói. – Có thì cũng chỉ là bảo kết luận của công tố viên Ekstrom chả có ý nghĩa gì cả.
o O o
Phiên họp chiều bắt đầu với việc hỏi chéo các nhân chứng. Người đầu tiên là Ulrika von Liebenstaahl ở Sở Giám hộ. Ekstrom gọi bà tới để đứng ra cho hay liệu Sở Giám hộ có nhận được những lời kêu ca oán thán gì luật sư Bjurman không. Von Liedenstaahl mạnh mẽ phủ nhận điều này. Khẳng định chuyện ấy là vu khống.
– Chúng tôi quản lý nghiêm ngặt mọi trường hợp giám hộ. Luật sư Bjurman đã tích cực trong gần hai chục năm vì lợi ích của Sở Giám hộ rồi bị giết, vụ giết hại đã làm cho mọi người đều bị chấn động.
Bà khinh bỉ nhìn Salander mặc dù Salander không bị lên án giết người; người ta đã xác nhận Bjurman bị Ronald Niedermann giết.
– Trong từng ấy năm trời tịnh không có một lời phàn nàn nào về luật sư Bjurman. Là một người tận tụy, ông ấy đã chứng tỏ có trách nhiệm sâu sắc với những người mà ông giám hộ.
– Vậy bà nghĩ là không thể có chuyện ông ấy tấn công tính dục với tình tiết nặng Lisbeth Salander phải không?
– Tôi nghĩ ai tuyên bố thế là lố lăng. Chúng tôi có báo cáo hàng tháng của luật sư Bjurman, bản thân tôi đã gặp ông ấy nhiều lần để đánh giá nhiệm vụ của ông ấy.
– Luật sư Bjurman đã đưa ra yêu cầu hủy bỏ ngay tức khắc và có hiệu lực chế độ giám hộ của Lisbeth Salander phải không?
– Khi có thể hủy bỏ một trường hợp giám hộ thì không ai vui hơn chúng tôi, những người làm việc ở Sở. Không may là chúng tôi phải chịu trách nhiệm, nghĩa là chúng tôi phải tuân thủ các quy định thích đáng. Về phần Sở Giám hộ, theo thủ tục thông thường, chúng tôi có phận sự bảo đảm có một chuyên gia tâm thần tuyên bố Lisbeth Salander này khỏe mạnh rồi sau đó mới bàn đến chuyện thay đổi cơ chế pháp lý của cô ấy được.
– Tôi hiểu.
– Như thế có nghĩa là cô ấy phải chịu để cho bác sĩ thăm khám về tâm thần. Nhưng cô ấy đã cự tuyệt và điều này thì ai cũng biết cả.
Tòa hỏi Ulrika von Liebenstaahl khoảng bốn chục phút, trong khi xem xét các báo cáo hàng tháng của Bjurman về Salander.
Giannini chỉ hỏi một câu trước khi Ulrika von Liebenstaahl lui về chỗ.
– Bà có ở phòng ngủ của luật sư Bjurman đêm ngày 7 sang ngày 8 tháng Ba năm 2003 không?
– Dĩ nhiên là không chứ.
– Nói cách khác là bà không hề biết chút nào rằng lời tuyên bố của thân chủ tôi là sai hay đúng chứ gì?
– Lời buộc tội luật sư Bjurman là ngược đời.
– Ðó là ý kiến của bà. Bà có thể cho ông ấy một bằng chứng ngoại phạm hay tài liệu mà như thế nào đó nói lên được rằng ông ấy không tấn công thân chủ của tôi không?
– Chuyện này cố nhiên là không thể rồi. Nhưng tính xác suất…
– Cảm ơn bà. Tôi chỉ hỏi có thế, – Giannini nói.
o O o
Blomkvist gặp em gái ở trụ sở của An ninh Milton gần Slussen vào hồi 7 giờ để xem xét tiến trình xét xử của ngày hôm ấy.
– Ðược khá nhiều như ta đã mong đợi, – Giannini nói. – Ekstrom nuốt tự thuật của Salander rồi.
– Tốt. Cô ấy đối phó sao?
Giannini cười thành tiếng.
– Ðối phó rất hay, xuất hiện đúng là một người bệnh tâm thần. Cô ấy là chính cô ấy.
– Tuyệt vời.
– Hôm nay phần lớn là về chuyện đã xảy ra tại căn nhà ở Stallarhohmen. Mai sẽ đến chuyện ở Gosseberga và hỏi người của bên pháp y. Ekstrom đang sắp cố chứng minh rằng Salander xuống dưới đó là với ý định giết bố.
-Thế…
– Nhưng chúng ta có thể gặp một vấn đề về kỹ thuật. Chiều hôm nay Ekstrom gọi Ulrika von Liebenstaahl ở Sở Giám hộ đến. Bà ta lại bắt đầu chuyện làm sao mà em lại có quyền thay mặt cho Salander.
– Tại sao thế được chứ?
– Bà ấy nói Salander đang trong chế độ giám hộ đo đó không có tư cách tự thuê lấy luật sư cho mình. Vậy, về mặt kỹ thuật nếu Sở Giám hộ không tán thành thì em không thể là luật sư của cô ấy được.
– Rồi?
– Sáng mai thẩm phán Iversen quyết định việc này. Sau các công việc làm chiều nay em đã có vài lời với ông ấy. Em nghĩ ông ấy sẽ quyết định em sẽ cứ tiếp tục thay mặt cho cô ấy. Chỗ lợi của em là Sở Giám hộ đã có ba tháng để nêu ý kiến phản đối – cho thấy sau khi thủ tục đã bắt đầu tiến hành thì cái kiểu phản đối này là khiêu khích lấy được.
– Teleborian sẽ làm chứng hôm thứ Sáu, anh nghĩ thế. Em phải là người đối chất hắn.
o O o
Thứ Năm, công tố viên Ekstrom giải thích với tòa rằng sau khi nghiên cứu các bản đồ và ảnh cũng như nghe các kết luận kỹ thuật sâu rộng về chuyện xảy ra ở Gosseberga, ông đã xác nhận bằng chứng cho thấy Salander đến khu trại của bố mình ở Gosseberga là cốt để giết ông. Ðầu mối mạnh mẽ nhất trong dây chuyền bằng chứng là bị cáo đã mang theo vũ khí, một khẩu Wanad P-38 của Ba Lan.
Việc Alexander Zalachenko (theo lời kể của Salander) hay có thể Ronald Niedermann, kẻ giết cảnh sát (lời khai của Zalachenko đưa ra trước khi bị giết) đến lượt mình đã mưu giết và chôn Salander trong một con hào ở khu rừng gần đó cũng không làm nhẹ đi được chút nào việc cô gái mò ra dấu vết bố mình ở Gosseberga là với ý đồ đặc biệt giết bố. Hơn nữa, cô đã không thành công hoàn toàn trong mục tiêu này khi bổ một nhát rìu vào mặt ông ta. Ekstrom yêu cầu bỏ tù cô gái vì mưu toan giết người hay giết người có ý đồ tính toán trước và trong trường hợp này thì còn cộng thêm gây thương tích nghiêm trọng trên cơ thể.
Tự thuật của Salander tuyên bố cô đi Gosseberga là để đối mặt bố, thuyết phục ông thú nhận đã gây ra hai vụ giết Dag Svensson và Mia Johansson. Lời tuyên bố này có ý nghĩa quan trọng trong vấn đề xây dựng ý đồ.
Khi Ekstrom thôi hỏi nhân chứng Melker Hansson ở đơn vị kỹ thuật của cảnh sát Goteborg, luật sư Giannini đã hỏi mấy câu ngắn gọn.
– Ông Hansson, liệu trong điều tra của ông hay trong tất cả các tài liệu ông sưu tập có một điều gì có thể bằng cách nào đó xác lập được rằng Lisbeth Salander đang nói dối về ý đồ của cô ấy liên quan tới việc đến thăm Gosseberga hay không? Ông có thể chứng minh cô gái đến đó với ý định giết bố được không?
Hansson nghĩ một lúc. Cuối cùng ông nói:
– Không.
– Ông có gì nói về ý định của cô gái không?
– Không.
– Do đó thì kết luận của công tố viên Ekstrom, hùng biện và bao quát như ta thấy, là suy diễn có phải không?
– Tôi tin là như vậy.
– Trong bằng chứng pháp y có điều gì đó mâu thuẫn với lời tuyên bố của Lisbeth Salander rằng cô gái mang theo súng Ba Lan, khẩu Wanad P-38 là tình cờ, đơn giản chỉ là vì nó đã ở sẵn trong túi khoác vai của cô ấy và cô ấy không biết nên làm thế nào với khẩu súng lấy được của Sonny Nieminem ở Stallarhollnen hôm trước không?
– Không.
– Cảm ơn ông, – Giannini nói rồi ngồi xuống. Trong suốt thời gian Hansson trả lời dài chừng một giờ, chị chỉ nói duy nhất mỗi câu này.
o O o
Wadensjoo rời căn hộ của Bộ phận ở trên đường Artillerigatan lúc 6 giờ tối thứ Năm, với cảm giác bị vây bọc bởi những đám mây đồ sộ của cảnh rối loạn bát nháo, của sự điêu tàn ở ngay trước mắt. Trong vài tuần qua, ông biết danh hiệu Giám đốc của ông, tức là sếp của Bộ phận Phân tích đặc biệt, chỉ là một cái nhãn vô nghĩa. Các ý kiến, phản đối, van nài của ông không hề có qua một sức nặng nào. Clinton đã cáng đáng việc ra quyết định. Nếu Bộ phận là một cơ quan mở và công khai thì điều này không thành vấn đề – ông chỉ việc đến gặp cấp trên mà gửi lời phản đối.
Như sự việc đang diễn ra hiện nay, ông không thể phản đối được với ai. Ông cô độc và cam chịu sự định đoạt, sự ác cảm của một người mà ông coi là điên loạn. Tệ hại hơn cả là quyền lực của Clinton là tuyệt đối. Những đứa trẻ vắt mũi chưa sạch như Sandberg hay đám tay chân trung thành như Nystrom… họ hình như nhảy ra đứng ngay tắp lự vào hàng và tuân theo từng tùy hứng một của kẻ khùng rồ đang ốm chờ chết kia.
Không có chuyện Clinton là một quyền lực nói năng mềm mỏng đang làm việc cho lợi ích của riêng ông ta. Ông thậm chí còn biết rằng Clinton đang làm việc vì những lợi ích tốt đẹp nhất của Bộ phận, hay ít nhất vì cái điều mà ông ta coi là những lợi ích tốt đẹp nhất của nó. Toàn bộ tổ chức như đang trong tình trạng rơi tự do, dẫn đến một chứng hoang tưởng tập thể mà các đồng nghiệp từng trải đã từ chối nó, để chấp nhận rằng mỗi việc họ làm, mỗi quyết định họ đưa ra và gây hệ lụy đều dẫn họ gần thêm một bước tới vục thẳm.
Wadensjoo cảm thấy ngực bị đè nặng khi ông rẽ sang đường Linnegatan, sáng nay ông đã tìm thấy một chỗ đỗ xe ở đây. Ông tắt báo động và sắp mở cửa xe thì nghe thấy có ai cử động ở đằng sau. Ông quay xung quanh, mắt bị mặt trời làm cho quáng. Vài giây sau ông mới nhận ra người đàn ông trịnh trọng đứng ở trên đường trước mặt ông.
– Chào ông Wadensjoo, – Edklinth nói. – Mười năm nay tôi không xuất trận nhưng hôm nay tôi cảm thấy tôi ra mắt thế này là thích hợp.
Wadensjoo ngơ ngác nhìn hai vệ sĩ thường phục đứng ốp ở hai bên Edklinth. Ông biết Bublanski nhưng người khác thì không.
Thình lình ông mong đợi cái điều sắp xảy ra.
– Nhiệm vụ tôi làm đây không có gì đáng thèm muốn cả, đó là thông bảo với ông rằng Tổng công tố viên đã quyết định bắt ông vì một loạt dài các tội ác mà chắc sẽ phải mất đến cả tuần thì mới soạn xong được một catalô trọn vẹn về chúng.
– Xảy ra việc gì thế này chứ? – Wadensjoo bất bình nói.
– Trong lúc này đang xảy ra việc ông bị bắt, ông bị nghi là tòng phạm của một vụ ám sát. Ông cũng bị nghi là biển thủ, hối lộ, nghe trộm phi pháp điện thoại, một số khoản giả mạo hình sự, tham ô ngân quỹ, tham gia việc đột nhập nhà ở, lạm dụng chức quyền, tội gián điệp và một danh sách dài các vi phạm khác mà không thể nào nói là nhẹ được. Hai chúng ta sẽ đến Kungsholmen để nói chuyện nghiêm túc trong điều kiện yên ổn và bình tĩnh.
– Tôi không gây ra án mạng, – Wadensjoo nói, thở hụt hơi.
– Điều tra sẽ cho ta rõ là có hay không.
– Đấy là Clinton. Cứ luôn luôn là Clinton mà, – Wadensjoo nói.
Edldinth hài lòng gật đầu.
o O o
Mỗi sĩ quan cảnh sát đều biết có hai cách kinh điển tiến hành thẩm vấn một nghi can. Cảnh sát tồi và cảnh sát giỏi. Cảnh sát tồi đe dọa, nguyền rủa, đấm tay xuống bàn và thường là có thái độ hung hãn với ý định bắt nghi can sợ hãi mà khuất phục và thú tội. Cảnh sát giỏi nói chung là một người có tuổi, tóc hoa râm, nhỏ con, mời thuốc lá cà phê, nói năng biết điều.
Nhiều cảnh sát – không phải tất cả – cũng biết rằng để thu được kết quả thì kỹ thuật hỏi của viên cảnh sát giỏi là cách hỏi cao cấp hơn nhiều. Cảnh sát tồi ít làm cho tên kẻ cắp già đời xảo quyệt nghiêng ngả nhất. Còn một dân nghiệp dư, có thể bị cảnh sát tồi làm cho sợ mà thú tội thì hoàn toàn có khả năng muốn sao cũng cứ phun ra hết, bất kể kỹ thuật thẩm vấn là gì.
Blomkvist nghe thẩm vấn Birder Wadensjoo trong gian phòng kế bên. Việc anh có mặt đã là đầu đề cho nội bộ cảnh sát phải thảo luận nhiều trước khi Edklinth quyết định ông sẽ dùng đến các quan sát của anh.
Blomkvist để ý thấy Edklinth đang dùng một biến cách thứ ba của người cảnh sát thẩm vấn, anh cảnh sát hửng hờ, điều mà trong trường hợp này có vẻ như đang ăn thua hơn. Edklinth vào phòng thẩm vấn, rót cà phê vào các tách đĩa sứ mời, mở máy ghi âm rồi ngả người vào lưng ghế.
– Là thế này nhé: chúng tôi đã có bằng chứng pháp y chống lại ông. Theo đó, chúng tôi không thiết gì nghe câu chuyện ông kể rồi lưu lại như là thứ xác nhận cho những cái chúng tôi đã biết. Nhưng có lẽ câu hỏi mà chúng tôi muốn được trả lời là tại sao? Hay làm sao ông lại có thể ngốc đến độ ra quyết định thủ tiêu các cá nhân giống như chúng ta đã thấy ở Chile dưới chế độ độc tài Pinochet được chứ? Băng ghi âm đang quay. Nếu ông có gì để nói thì nay đang là lúc để nói đây. Nếu ông không muốn nói, tôi sẽ tắt máy rồi cởi dây giầy, cà vạt của ông ra mà cho ông lên thích nghi với một xà lim ở trên gác, còn chúng tôi thì chờ một luật sư, một phiên tòa và theo đúng luật, một nghị án.
Ðoạn Edklinth nhấp một chút cà phê và ngồi im lặng. Khi không thấy Wadensjoo nói gì trong hai phút, ông với tay tắt máy ghi âm. Ông đứng lên.
– Tôi sẽ lo việc đưa ông lên gác trong vài phút nữa. Chào.
– Tôi không giết ai cả, – Wadensjoo nói khi Edklinth đã mở cửa. Edkinth đứng lại ở ngưỡng cửa.
– Tôi không thiết có một cuộc thảo luận chung chung với ông. Nếu ông muốn thanh minh cho mình thì tôi sẽ ngồi xuống mở lại máy ghi âm. Tất cả giới viên chức Thụy Ðiển – và đặc biệt Thủ tướng – đang nóng lòng chờ nghe những gì ông nói ra. Nếu ông nói với tôi, tôi có thể đến gặp Thủ tướng tối nay để báo cáo với Thủ tướng những gì ông nói về các việc. Ông không nói với tôi thì đằng nào ông cũng bị buộc tội và tuyên án.
– Xin ngồi xuống, – Wadensjoo nói.
Với mọi người thì rõ ràng là ông ta đã sẵn sàng chịu thua. Blomkvist khoái trá. Anh đang ở đây với Figuerola, công tố viên Gustavsson, một sĩ quan khác vô danh của Sapo, Stefan, và hai cá nhân khác đều cũng không có tên. Blomkvist nghi một người trong đám họ ít nhất cũng là đại diện của Bộ Tư pháp đang ở đây.
– Tôi không liên quan gì đến các vụ án mạng, – Wadensjoo nói khi Edklinth lại cho máy ghi âm chạy.
– Các vụ án mạng?
Blomkvist thầm thì với Figuerola.
– Suỵt, – cô nói.
– Ðấy là Clinton và Gullberg. Tôi không biết ý định của họ là gì. Tôi thề. Tôi rất bị sốc khi nghe tin Gullberg bắn Zalachenko. Tôi không thể tin được vào điều này… Chỉ đơn giản là không thể tin được thế thôi. Khi nghe đến Bjorck thì tôi nghĩ khéo tôi lên một cơn đau tim mất.
– Nói cho tôi về vụ giết Bjorck, – Edklinth nói, không đổi giọng, – đã tiến hành như thế nào?
– Clinton thuê mấy người. Tôi cũng chả biết nó diễn biến ra sao nữa, nhưng đó là hai người Nam Tư, Serbia, nếu tôi không lầm. Georg Nystrom ký hợp đồng với họ và trả tiền họ sau. Khi tôi phát hiện ra thì tôi biết là câu chuyện sẽ kết thúc trong tai họa.
– Ông có thể nói lại từ đầu không? – Edklinth nói. – Ông bắt đầu làm việc cho Bộ phận vào lúc nào?
Một khi đã kể thì Wadensjoo không dừng lại được nữa. Cuộc thẩm vấn kéo dài năm giờ đồng hồ.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.