Cô Gái Chọc Tổ Ong Bầu

CHƯƠNG 5



Chủ nhật, 10 tháng Tư
Blomkvist qua đêm thứ Bảy với Berger. Họ nằm trên giường nói hết với nhau các chi tiết của chuyện Zalachenko. Trong lòng Blomkvist tin Berger, anh không hề ngại ngùng một chút nào việc chị sẽ sang làm việc cho tờ báo đối thủ. Berger cũng không có ý đem câu chuyện sang đó theo mình. Ðây là tin giật gân của Millennium, tuy chị phần nào cảm thấy thất vọng vì sẽ không được biên tập ra số báo đặc biệt này. Nó sẽ là kết thúc đẹp để cho những năm tháng của chị ởMillennium. Họ cũng bàn đến tương lai của tờ tạp chí. Berger quyết giữ cổ phần của mình ở Millennium và ở lại ban lãnh đạo dù chị sẽ không tham gia vào nội dung của tạp chí.
– Cho em ít năm ở báo hàng ngày, rồi ra thế nào ai biết? Có thể trước khi về hưu em sẽ quay lại Millennium, – chị nói.
Còn về mối quan hệ phức tạp của riêng họ thì sao nó lại có thể khác đi cơ chứ? Trừ chuyện dĩ nhiên họ sẽ không được gặp nhau luôn luôn. Nó sẽ như hồi những năm 80, khi chưa lập ra Millennium, hai người làm việc ở hai nơi riêng rẽ.
– Em nghĩ khéo rồi nếu muốn gặp nhau chúng ta cũng phải lên lịch mất đấy, – Berger mỉm cười nhợt nhạt nói.
 
o O o
 
Sáng Chủ nhật hai người vội vã chào tạm biệt rồi Berger lái xe về nhà với chồng, Greger Beckman.
Chị đi rồi, Blomkvist gọi đến bệnh viện, cố lấy vài thông tin về tình hình Salander. Chả ai bảo được anh điều gì cho nên cuối cùng anh gọi thanh tra Erlander, ông thương tình chiếu cố cho anh hay tình hình Salander đã khá còn các bác sĩ thì lạc quan dè dặt. Anh hỏi anh có thể đến thăm cô không. Ông nói Salander đang chính thức bị bắt, công tố viên không cho phép cô có bất cứ vị khách nào, và dù sao thì cô ấy cũng không ở trong hoàn cảnh để cho anh hỏi. Ông nói ông sẽ gọi nếu tình hình của Salander xấu đi.
Khi Blomkvist kiểm tra di động, anh thấy nó có bốn mươi hai tin nhắn và văn bản, hầu hết là của các nhà báo. Sau khi lộ ra chuyện Blomkvist là người tìm thấy Salander và chắc là anh đã cứu cô, đã có những suy diễn bừa trong giới truyền thông đại chúng. Rõ ràng là anh gắn móc chặt chẽ với diễn tiến của các sự kiện.
Anh xóa tất cả tin nhắn của các phóng viên rồi gọi em gái, Annika, bảo cô hãy mời anh đến ăn trưa Chủ nhật. Rồi anh gọi Dragan Armansky, Giám đốc An ninh Milton, đang ở nhà ông tai Lidingo.
– Chắc chắn là anh có duyên với các tít báo đấy, – Armansky nói.
– Ðầu tuần tôi đã cố liên hệ với ông. Tôi nhận được tin ông nhắn tìm tôi nhưng đúng lúc tôi bận việc khác.
– Ở Milton chúng tôi đang tự làm điều tra riêng. Holger Palmgren bảo tôi rằng anh có vài thông tin. Nhưng có vẻ anh đi trước chúng tôi xa đấy.
Blomkvist ngập ngừng rồi nói:
– Tôi tin ông được không chứ?
– Ðúng ra là anh muốn nói gì đấy nhỉ?
– Ông có vẻ bên Salander hay không đây? Tôi có thể tin rằng ông mong muốn cho cô ấy sự tốt đẹp nhất không?
– Tôi là bạn của cô ấy. Tuy nói như thế không tất yếu cũng giống như nói cô ấy là bạn của tôi.
– Tôi hiểu chỗ này. Nhưng hiện tôi đang hỏi ông là ông có muốn đứng cùng một bên với Salander, có muốn nhảy vào đánh nhau ác liệt với kẻ thù của cô ấy hay không.
– Tôi về bên cô ấy, – ông nói.
– Tôi có thể chia sẻ thông tin với ông, bàn bạc với ông mà không sợ ông để lộ nó ra với cảnh sát hay một ai đó khác chứ?
– Tôi không thể dính líu vào các hoạt động tội ác, – Armansky nói.
– Tôi không hỏi chuyện ấy.
– Anh có thể tuyệt đối tin tôi chừng nào tôi không phát hiện ra bất cứ dấu hiệu nào cho thấy anh đã nhảy vào bất cứ một hoạt động tội ác nào.
– Khá là tốt đấy. Chúng ta cần gặp nhau.
– Tôi vào thành phố tối nay. Ăn tối chứ?
– Tôi hôm nay không có thì giờ nhưng tôi sẽ biết ơn nếu tối mai ông gặp tôi. Ông và tôi, có lẽ cả một ít người nữa có thể cần ngồi nói chuyện.
– Anh được hoan nghênh ở Milton. Chúng ta nói là 6 giờ chiều chứ?
– Một điều nữa… Tôi sắp gặp em gái tôi, luật sư Annika Giannini, gần trưa nay. Cô ấy đang xem xét việc nhận biện hộ cho Salander nhưng em gái tôi không thể làm việc không công. Tôi có thể trả một phần bằng tiền của tôi. An ninh Milton có muốn góp phần vào không?
– Cô gái sắp phải cần đến một luật sư giỏi ra trò. Em gái anh có lẽ không phải là lựa chọn tốt nhất, anh thứ lỗi cho nếu như tôi phải nói ra như thế. Tôi đã nói chuyện với luật sư trưởng của Milton và ông ấy đang để mắt tới chuyện này. Tôi đang nghĩ đến Peter Althin hay một ai đó như thế.
– Thế thì sẽ sai lầm đấy. Salander cần một kiểu đỡ đần pháp lý khác hoàn toàn. Chúng ra gặp nhau nói chuyện ông sẽ hiểu ý tôi. Nhưng về nguyên tắc, ông có muốn giúp đỡ không?
– Tôi đã quyết định Milton cần thuê luật sư cho cô ấy…
– Thế là có hay không chứ? Tôi biết chuyện gì xảy ra cho cô ấy. Tôi biết giập giạp cái gì ở đằng sau tất cả chuyện này. Và tôi có một chiến lược.
Armansky cười thành tiếng.
– OK. Tôi sẽ nghe điều anh cần nói. Nếu nghe thấy thích thì tôi nhào vô.
 
o O o
 
Blomkvist hôn lên má em gái rồi hỏi ngay:
– Em sẽ cãi cho Lisbeth Salander chứ?
– Em sẽ phải nói không. Anh biết em không phải luật sư hình sự. Dù cô ấy có được vô tội giết người thì vẫn còn một lô các buộc tội khác. Cô ấy cần người có cách đánh khác hẳn và nhiều kinh nghiệm hơn em.
– Em nói không đúng. Em là luật sư và em là một quyền uy được thừa nhận trong vấn đề quyền lợi phụ nữ. Theo nhận xét của anh thì em chính là luật sư mà cô ấy cần.
– Mikael… Em nghĩ anh đã không đánh giá hết được các cái dính dáng đến chuyện này. Ðây là một vụ hình sự phức tạp, không phải một vụ quấy rối tính dục hay bạo lực rõ rệt với phụ nữ. Em biện hộ cho cô ấy có khi lại quay ra thành tai họa mất ấy chứ.
Blomkvist mỉm cười.
– Em trật rồi. Nếu cô ấy bị buộc tội giết người, chẳng hạn giết Dag và Mia thì anh sẽ tìm luật sư kiểu Silbersky hay một ai đó khác trong đám luật sư hình sự có nhiều thế lực. Nhưng phiên tòa này sẽ là về những chuyện khác hoàn toàn.
– Anh giải thích rõ hơn cho em đi.
Trong gần hai giờ họ vừa bàn vừa ăn sandwich và uống cà phê. Blomkvist nói xong, Annika xiêu lòng. Mikael nhặt di động gọi một lần nữa cho thanh tra Erlander ở Goteborg.
– Chào, lại Blomkvist đây.
– Tôi không có tin gì của Salander cả, – Erlander nói, cáu ra mặt.
– Mà tôi cho thế là tin tốt! Nhưng tôi lại thực sự có vài tin.
– Là gì?
– Được, nay Salander có một luật sư tên là Annika Giannini. Luật sư hiện đang ngồi với tôi, vậy tôi để bà ấy nói.
Blomkvist chìa di động qua bàn.
– Tôi là Annika Giannini và tôi đã nhận bào chữa cho Lisbeth Salander. Tôi cần tiếp xúc với thân chủ của tôi để cô ấy có thể bằng lòng nhận tôi làm luật sư bảo vệ cho cô ấy. Và tôi cần số điện thoại của công tố viên.
– Như tôi biết thì đã chỉ định một luật sư công rồi, – Erlander nói.
– Nghe hay đấy ạ. Ðã có ai hỏi ý kiến Lisbeth Salander chưa?
– Hoàn toàn thẳng thắn… Chúng tôi chưa có dịp nói gì với cô ấy. Chúng tôi hy vọng có thể hỏi cô ấy ngày mai nếu cô ấy đã đủ tỉnh táo.
– Tốt. Vậy tôi nói với ông rằng trước khi Lisbeth Salander nói ra điều gì khác đi thì ông có thể coi tôi là người thay mặt hợp pháp của cô ấy. Ông không được hỏi cung cô ấy trừ khi có mặt tôi. Ông có thể đến chào và hỏi cô ấy có nhận tôi làm luật sư của cô ấy không. Nhưng chỉ thế thôi đấy. Ông hiểu chứ?
– Vâng, – Erlander nói, kèm một tiếng thở dài nghe thấy được. Ông không hoàn toàn chắc chắn về ngôn từ của luật pháp ở điểm này. – Mục đích số một của chúng tôi là tìm hiểu xem cô ấy có manh mối gì về tung tích Ronald Niedermann không. Liệu tôi có thể hỏi Salander điều đó ngay cả khi… không có mặt bà?
– Thế cũng được… Ông có thể hỏi cô ấy những câu liên quan đến việc cảnh sát đang truy lùng Niedermann. Nhưng ông không được hỏi bất cứ câu nào liên quan đến bất cứ cáo buộc nào dành cho cô ấy. Nhất trí chứ?
– Tôi cũng nghĩ thế, nhất trí.
 
o O o
 
Thanh tra Erlander đứng dậy khỏi bàn làm việc, đi lên gác để nói với Agneta Jervas, người chỉ huy cuộc điều tra sơ bộ, về câu chuyện của ông với Giannini.
– Rõ ràng là Blomkvist thuê cái bà này. Tôi tin Salander không biết tí nào về chuyện này.
– Giannini chuyên về quyền lợi phụ nữ. Tôi đã nghe bà ấy cãi một lần. Bà ta sắc sảo, nhưng hoàn toàn không thích hợp với vụ này.
– Quyết định chuyện này là thuộc về Salander.
– Tôi có thể phản đối quyết định này ở tòa… Vì lợi ích của chính mình, cô gái cần có một sự bảo vệ thích đáng chứ không phải là một tên tuổi nào đó săn lùng đầu đề báo chí. Hừm. Salander cũng đã từng bị tuyên bố không có quyền pháp lý. Tôi không biết điều này có ảnh hưởng gì đến tình hình không.
– Chúng ta nên làm gì? – Jervas nghĩ một lúc. – Chuyện này hoàn toàn rối tung rối mù lên rồi đây. Tôi không biết ai sẽ quản vụ này nếu như nó bị chuyển lên Ekstrom ở Stockholm. Muốn gì thì con bé cũng cần một luật sư. OK,… hỏi xem nó có muốn Giannini không.
 
o O o
 
Về đến nhà lúc 5 giờ chiều, Blomkvist mở iBook tiếp tục viết mạch bài anh đã bắt đầu tại khách sạn ở Goteborg. Làm việc một mạch bảy tiếng đồng hồ, anh nhận thấy trong câu chuyện có những lỗ hổng lộ ra rõ rệt. Còn phải điều tra nhiều hơn nữa. Một câu hỏi anh không thể trả lời – dựa trên tài liệu hiện có – là ai ở Sapo, ngoài Gunnar Bjorck, có âm mưu nhốt biệt tích Salander vào bệnh viện tâm thần. Anh cũng không hiểu thực chất mối quan hệ giữa Bjorck và bác sĩ tâm thần Peter Teleborian.
Cuối cùng anh đóng máy tính đi ngủ. Vừa đặt lưng xuống anh có cảm giác lần đầu tiên trong nhiều tuần anh có thể thoải mái và ngủ yên lành. Anh đã nắm được bài viết. Bất kể nhiều câu hỏi còn chưa được trả lời, anh cũng đã có đủ tư liệu để cho ra được một cơn lũ quét của những tít báo chí.
Lúc đã khuya, anh nhặt điện thoại lên gọi Berger, cập nhật tình hình cho chị. Rồi sực nhớ ra chị đã rời Millennium. Thình lình anh thấy khó ngủ.
 
o O o
 
Một người đàn ông mang va li nâu trên chuyến tàu 7 giờ 30 tối thận trọng bước xuống Ga Trung tâm Stockholm. Ông đứng một lúc giữa biển du khách nhận hướng. Ông bắt đầu ra khỏi Laholm ngay sau 8 giờ sáng nay. Ông dừng lại ở Goteborg ăn trưa với một người bạn cũ rồi đi tiếp đến Stockholm. Ông không đến Stockholm đã hai năm. Thực ra ông không có ý định đến thăm lại thủ đô. Tuy đã qua phần lớn thời gian làm việc của mình ở đây, ông vẫn luôn cảm thấy có đôi phần lạc lõng giữa Stockholm, một cảm giác ngày một mạnh lên trong mỗi lần đến thăm đây từ khi ông về hưu.
Ông đi thong thả qua nhà ga, mua báo chiều và hai quả chuối ở Pressbyran, rồi dừng lại nhìn hai phụ nữ đạo Hồi đeo chàng mạng đi vội vàng qua ông. Ông không có gì chống lại phụ nữ che chàng mạng. Nếu người ta muốn ăn mặc chỉnh tề thì có làm sao với ông đâu. Nhưng việc họ ăn mặc như vậy ở ngay giữa Stockholm có làm cho ông khó chịu. Theo ý ông, ăn mặc kiểu này ở Somalia thì tốt hơn nhiều.
Ông đi bộ ba trăm mét đến khách sạn Frey gần nhà bưu điện cũ ở Vasagatan. Các lần thăm trước ông đã ở đây. Khách sạn nằm ở trung tâm và sạch sẽ. Và không đắt, điều đã thành một tiêu chí do ông đều đi lại bằng tiền túi của mình. Ông đã đặt trước buồng và tự giới thiệu là Evert Gullberg.
Lên đến buồng ông vào ngay toa lét. Ông đã tới cái tuổi phải dùng toa lét khá nhiều. Ngủ một mạch đến sáng đã là chuyện mấy năm trước.
Xong việc, ông bỏ mũ ra, một chiếc mũ phớt của Anh, hẹp vành, xanh lá cây thẫm, cởi cà vạt. Ông cao một mét tám tư, nặng sáu mươi tám ký, có nghĩa là trông dong dỏng và gân guốc. Ông mặc một jacket có vạch hình chóp và quần xám sẫm. Ông mở chiếc va li nâu, lấy ra hai sơ mi, một cà vạt dự trữ, quần áo lót, xếp chúng vào trong tủ ngăn kéo. Rồi ông treo áo khoác ngoài và jacket vào trong tủ quần áo ở sau cửa.
Vẫn còn quá sớm để đi ngủ. Lại quá muộn để bỏ công làm một chuyến dạo đêm, một việc dẫu sao ông cũng có thể không cần hưởng thụ. Ông ngồi xuống chiếc ghế bắt buộc vì là duy nhất ở trong buồng khách sạn, nhìn quanh quẩn. Ông mở tivi, hạ âm lượng để không phải nghe nó. Ông nghĩ gọi tiếp tân lấy cà phê nhưng quyết định là đã quá muộn rồi. Thay vì vậy, Ông mở tủ mini bar, rót xíu xiu rượu Johnny Walker vào một cái li và cho thêm rất ít nước. Ông mở báo chiều, đọc mọi cái hôm ấy viết liên quan đến việc tìm kiếm Ronald Niedermann và vụ Lisbeth Salander. Lát sau, ông lấy ra một sổ tay bìa da, viết vài ghi chép.
Gullberg, nguyên sĩ quan phụ trách Cảnh sát An ninh, nay bảy mươi tám tuổi, về hưu đã mười ba năm. Nhưng các sĩ quan tình báo không bao giờ về hưu, họ chỉ là lui vào bóng tối.
Sau chiến tranh, Gullberg mười chín tuổi, vào hải quân. Thực hiện nghĩa vụ quân dịch đầu tiên là làm sĩ quan học viên rồi được nhận huấn luyện sĩ quan. Nhưng thay vì bổ dụng đi biển thông thường như ông nhắm trước, ông đã được cử đến Karlskrona làm nhân viên dò tìm tín hiệu ở cơ quan tình báo hải quân. Việc này ông làm chẳng khó, nó phần lớn là việc hình dung ra những cái đang diễn ra ở bờ bên kia của biển Baltic. Song ông thấy nó buồn tẻ, không thú vị. Nhưng qua trường ngôn ngữ của cơ quan tình báo, ông học được tiếng Nga, tiếng Ba Lan. Những kỹ năng ngôn ngữ này là một trong những lý do để năm 1950, vào lúc Georg Thulin với tư thế kiểu cách không chê được đang đứng đầu cục thứ ba của Sapo thì Cảnh sát An ninh đã tuyển ông. Khi Gullberg bắt đầu, tổng ngân sách của cảnh sát mật là 2,7 triệu krona cho một quân số chín mươi sáu người. Khi Gullberg chính thức về hưu năm 1992, ngân sách của Cảnh sát An ninh vượt quá 350 triệu krona và ông không biết đơn vị có bao nhiêu nhân viên.
Gullberg đã bỏ cả đời cho công việc tình báo của Ðức vua hay có lẽ chính xác hơn, cho cơ quan tình báo của nhà nước phúc lợi theo đường lối Xã hội dân chủ. Việc này là một trớ trêu, do chỗ trong các cuộc bầu cử ông đều tin cậy bỏ phiếu cho những người ôn hòa, trừ năm 1991, ông cố ý không bỏ phiếu cho họ vì ông tin rằng Carl Bildt là một tai họa của đường lối thực dụng, realpolitik. Ông đã bỏ phiếu cho Ingvar Carlsson. Những năm tháng của “Chính phủ tốt nhất của Thụy Ðiển” cũng đã xác nhận cho những nỗi lo tồi tệ nhất của ông. Chính phủ ôn hòa lên cầm quyền vào lúc Liên Xô sụp đổ, và theo ý ông thì không chính phủ nào lại chuẩn bị tồi hơn nó để ứng phó với các thời cơ chính trị mới đang nổi lên ở phía Ðông hay là sử dụng nghệ thuật tình báo. Trái lại, Chính phủ Bildt lại cắt bỏ Văn phòng Nga vì lý do tài chính, đồng thời nhảy vào cơn hỗn chiến quốc tế ở Bosnia và Serbia – cứ y như Serbia có thể đe dọa Thụy Ðiển đến nơi vậy. Kết quả là mất toi nó cơ hội tuyệt vời cấy thông tín viên lâu dài ở Moscow. Ngày nào đó, khi các quan hệ lại xấu đi một lần nữa – mà theo Gullberg là khó tránh – thì người ta sẽ lại bổ vào đầu Cảnh sát An ninh và Sở Tình báo Quân đội những yêu cầu ngu xuẩn; người ta sẽ lại trông chờ họ vung cây đũa thần lên, huy động các nhân viên mai phục giỏi bay ra khỏi cái lọ.
 
o O o
 
Gullberg bắt đầu làm việc ở Văn phòng Nga của cục thứ ba thuộc Cảnh sát Quốc gia; sau hai năm ở đây, vào năm 1952 và 1953, ông nhận công việc thực địa đầu tiên có tính thử thách là đóng vai một tùy viên không lực tại Đại sứ quán ở Moscow. Khá kỳ lạ, ông đang đi tiếp bước chân của một điệp viên nổi tiếng. Vài năm trước, nhiệm sở này thuộc về Đại tá Wennerstrom lừng danh.
Trở lại Thụy Ðiển, Gullberg làm ở Phản gián, mười năm sau ông là một trong các sĩ quan Cảnh sát An ninh trẻ hơn ở dưới quyền Otto Danielsson, người đã vạch mặt Wennerstrom để cuối cùng thì khép cho lão bản án chung thân ở nhà tù Langholmen vì tội phản bội.
Năm 1964 khi Per Gunnar Vinge tổ chức lại Cảnh sát An ninh cho nó trở thành Cục An ninh của Ban lãnh đạo Cảnh sát Quốc gia hay An ninh Nội địa Thụy Điển – SIS – thì quân số nhân viên đã tăng lên mạnh. Lúc đó Gullberg đã làm việc mười bốn năm ở Cảnh sát An ninh, trở thành một trong những lão làng gạo cội.
Gullberg không bao giờ dùng tên “Sapo” để chỉ Sakerhetspolisen, Cảnh sát An ninh. Trong các bối cảnh chính thức, Ông dùng từ “SIS”, còn giữa đồng sự ông sẽ mượn từ “Công ty” hay “Xí nghiệp” hay chỉ là “Cục” – chứ không “Sapo” bao giờ. Lý do đơn giản. Trong nhiều năm, nhiệm vụ quan trọng nhất của Xí nghiệp là cái việc được gọi là kiểm soát nhân sự, tức là điều tra và đăng ký các công dân Thụy Ðiển có thể đã từng bị nghi là cộng sản nằm vùng hay có quan điểm lật đổ. Ở Xí nghiệp, các từ “cộng sản” và “phản bội” đồng nghĩa với nhau. Sau này việc dùng theo quy ước cái thuật ngữ “Sapo” thực sự trở thành một cái gì đó mà nhà xuất bản Clarté có khả năng lật đổ của cộng sản đã gán cho những người săn lùng cộng sản trong lực lượng cảnh sát một cái tên xấu xa. Suốt đời, Gullberg không bao giờ hình dung ra nổi tại sao sếp cũ của minh, P.G. Vinge lại lấy tên hồi ký của ông ta là Thủ lĩnh Sapo 1952 – 1970.
Việc sắp xếp lại tổ chức năm 1964 đã định hình cho sự nghiệp tương lai của Gullberg.
Việc đặt ra cái trên SIS cho thấy người ta đã cải tạo cảnh sát mật quốc gia ra thành một thứ mà các bản ghi nhớ của Bộ Tư pháp đã mô tả là một tổ chức cảnh sát hiện đại. Điều này dính đến việc tuyển nhân viên mới cũng như các vấn đề huấn luyện thường xuyên cho họ. Trong cái tổ chức đang mở rộng này, người ta trình bày “Ðịch” đang có các cơ hội cải tiến ghê gớm để cài đặt điệp viên vào trong Cục. Ðiều này đến lượt nó lại có nghĩa rằng cần phải tăng cường an ninh nội bộ – Cảnh sát An ninh không còn có thể là câu lạc bộ của các cựu sĩ quan được nữa, ở đó ai cũng biết hết ai, còn phẩm chất chung nhất cho một tân binh mới được tuyển thì là bố hắn đã từng hay đang là sĩ quan.
Năm 1963, Gullberg được điều từ Phản gián sang kiểm soát nhân sự, một vai trò đã gánh thêm tầm quan trọng gia tăng tiếp theo vụ Wennerstrom bị phát hiện là gián điệp hai mang. Trong thời kỳ này, cuối thập niên 60, khi tổ chức đệ trình “bản đăng ký các chính kiến”, danh sách ghi các công dân Thụy Điển bị coi như từng ôm ấp những thiện cảm chính trị không được mong đợi thì tên các công dân bị ghi vào danh sách đó đã lên tới khoảng 300.000. Kiểm soát lý lịch công dân Thụy Ðiển là một chuyện nhưng vấn đề cốt yếu là: thực hiện như thế nào chuyện kiểm soát an ninh ở chính ngay trong SIS?
Vụ đổ bể của Wennerstrom đã làm ồ ạt nổi lên một loạt các thứ tiến thoái lưỡng nan ở bên trong Cảnh sát An ninh. Nếu một đại tá về phận sự quốc phòng mà đã có thể làm việc cho người Nga – hắn cũng là cố vấn của Chính phủ về các vấn đề dính dáng đến vũ khí hạt nhân và chính sách an ninh nữa – thì tiếp theo đó người Nga có thể cũng có một điệp viên cao cấp như vậy nằm trong Cảnh sát An ninh. Ai sẽ bảo đảm rằng trong các hàng ngũ chóp bu và quản lý bậc trung ở Xí nghiệp lại không có người làm việc cho người Nga đây? Tóm lại, ai sẽ do thám các tên do thám?
Tháng Tám 1964, Gullberg được triệu tập đến một cuộc họp buổi chiều với Hans Wilhelm Francke, Phó giám đốc Cảnh sát An ninh. Cùng dự họp là hai cá nhân chóp bu của Xí nghiệp, Phó Văn phòng và Trưởng ban ngân sách. Trước khi cuộc họp hôm ấy kết thúc, Gullberg đã được đề bạt lãnh đạo một phòng vừa mới lập với cái tên làm việc là “Bộ phận đặc biệt”. Việc đầu tiên ông làm cho nó là thay tên nó ra thành “Phân tích đặc biệt”. Tên này mới giữ được một ít phút thì Trưởng ban ngân sách chỉ ra rằng PTĐB không hay bằng BPĐB. Và tên cuối cùng của đơn vị này đã trở thành “Bộ phận Phân tích đặc biệt”, BPPTÐB, nhưng trong nói năng hàng ngày thì gọi là “Bộ phận” để khác với “Cục” hay “Xí nghiệp”, cái tên nhắc người ta nhớ Cảnh sát An ninh là một tổng thể.
 
o O o
 
“Bộ phận” là ý của Francke. Ông ta gọi nó là “tuyến phòng vệ cuối cùng”. Người ta đã trao những vị trí chiến lược cho một đơn vị siêu bí mật ở bên trong Xí nghiệp, nhưng điều này là vô hình, không thể trông thấy. Trong các văn bản, thậm chí trong cả bản ghi nhớ tài chính nữa, người ta không hề nhắc đến nó, do đó nó không thể nào bị xâm nhập. Nhiệm vụ của nó là theo dõi về an ninh quốc gia. Thế là Francke có quyền lực để duy trì được nền an ninh quốc gia. Ông cần Trưởng ban ngân sách và Chánh văn phòng, Thư ký để lập ra các cấu trúc ẩn, nhưng họ đều là đồng sự lâu ngày, bạn bè cũ chọn ra sau cả tá các cuộc đụng độ với Địch.
Trong năm đầu tiên Bộ phận gồm có Gullberg và ba đồng sự tự ông chọn. Mười năm sau, nó lớn lên không quá mười một người, trong đó hai người là thư ký hành chính của trường học cũ, còn lại là các tay chuyên nghiệp săn gián điệp. Đây là một cấu trúc chỉ gồm hai ngạch cấp. Gullberg là sếp. Hàng ngày ông có thể gặp bình thường từng thành viên của nhóm. Hiệu quả công tác được đánh giá cao hơn lý lịch.
Về hình thức, Gullberg phụ thuộc vào một tuyến những người mà ở trong hệ đẳng cấp là chịu sự điều hành của người đứng đầu Văn phòng Cảnh sát An ninh, người mà tháng tháng ông phải nộp báo cáo nhưng trong thực tế thì Gullberg đã được trao cho một địa vị với các quyền lực ngoại lệ. Ông, và chỉ mình ông, được quyết định đem đặt các lãnh đạo chóp bu của Sapo vào dưới kính hiển vi mà soi. Nếu muốn, ông cũng có thể làm cho cuộc đời của Per Gunnar Vinge nghiêng ngửa. (Quả là ông đã làm thế). Ông có thể mở các cuộc điều tra hay tiến hành nghe lỏm điện thoại mà không cần biện hộ cho mục đích, thậm chí không cần cả báo cáo chuyện đó lên cấp cao hơn. Hình mẫu của ông là James Jesus Angleton huyền thoại, người cũng có một vị trí tương tự trong CIA và ông đã đi tới chỗ quen biết cá nhân.
Bộ phận trở thành một tổ chức siêu nhỏ bên trong Cục – ở bên ngoài, ở bên trên và song song với phần còn lại của Cảnh sát An ninh. Điều này cũng đã có hậu quả địa lý. Các cơ quan của Bộ phận là ở Kungsholmen nhưng vì lý do an ninh, gần như cả nhóm đã chuyển ra khỏi sở chỉ huy cảnh sát để đến một căn hộ mười một buồng ở Ostermalm, rồi người ta đã kín đáo sửa nó ra thành một cơ quan kiểu dinh lũy. Nó được bố trí người canh hai mươi tư giờ một ngày bởi lẽ người ta đã cho Eleanor Badenbrink, mụ quản gia và thư ký tin cậy được ở thường trực trong hai căn buồng gần cửa ra vào của căn hộ. Badenbrink là một đồng nghiệp sắt đá mà Gullberg tin cậy không nói ra lời.
Trong tổ chức, Gullberg và các người làm của ông biến mất khỏi con mắt công chúng – họ được cấp tài chính qua một quỹ đặc biệt nhưng họ không tồn tại ở bất cứ đâu trong cấu trúc chính thức của Cảnh sát An ninh chịu trách nhiệm trước Ủy ban cảnh sát hay Bộ Tư pháp. Ngay cả người đứng đầu SIS cũng không biết đến cái bí mật nhất trong các bí mật này, nhiệm vụ của nó là nắm cái nhạy cảm nhất của cái nhạy cảm. Kết quả là vào tuổi bốn mươi, Gullberg thấy bản thân mình ở trong một hoàn cảnh nó khiến ông không cần phải giải thích hành động của mình với bất kỳ mống nào cũng như có thể tiến hành điều tra bất cứ mống nào mà ông chỉ ra.
Với Gullberg thì rõ ràng Bộ phận Phân tích đặc biệt đã trở thành một đơn vị nhạy cảm về chính trị nhưng công việc của nó thì lại được cố tình mô tả cho thật mơ hồ. Các báo cáo thành văn vô cùng là ít. Tháng Chín 1964, Thủ tướng Erlander ký một chỉ thị bảo đảm dành cho Bộ phận Phân tích đặc biệt một quỹ riêng, việc này được hiểu là thiết yếu cho an ninh quốc gia. Đó là một trong mười hai vấn đề tương tự mà Hans Wilhelm Francke, thủ phó của SIS, đem ra nói trong một cuộc họp buổi chiều. Tài liệu được đóng dấu Tối Mật và xếp vào trong hồ sơ các bản gốc đặc biệt của SIS.
Chữ ký của Thủ tướng có nghĩa rằng nay Bộ phận là một định chế đã được chính thức phê duyệt. Ngân sách năm đầu tiên lên tới 52.000 krona. Gullberg nghĩ ngân sách thấp như thế là một cú đòn thiên tài, có nghĩa rằng lập ra Bộ phận rõ ràng chỉ là một vấn đề cũ mòn khác nữa mà thôi.
Ở nghĩa rộng hơn, chữ ký của Thủ tướng cũng nói lên rằng ông đã chấp nhận cần có một đơn vị phụ trách việc “kiểm soát nhân sự nội bộ”. Ðồng thời có thể diễn giải rằng Thủ tướng đã bằng lòng lập ra một cơ quan sẽ theo dõi cả các cá nhân đặc biệt nhạy cảm ở bên ngoài SIS, chẳng hạn như bản thân Thủ tướng. Chính điều cuối cùng này đã tạo nên những vấn đề chính trị gay gắt tiềm ẩn.
 
o O o
 
Evert Gullberg thấy ly whisky của mình đã cạn. Ông không thích rượu nhưng đây là một ngày dài và một chuyến đi dài. Vào giai đoạn này của cuộc đời ông nghĩ việc quyết định uống một hay hai ly Whisky không quan trọng gì. Ông rót cho mình một xíu xíu Glenfiddich.
Trong mọi vấn đề thì nhạy cảm nhất phải là vấn đề của Olof Palme 1.
Gullberg nhớ từng chi tiết của Ngày bầu cử 1976. Lần đầu tiên trong lịch sử, Thụy Điển bỏ phiếu cho một chính phủ bảo thủ. Ðáng tiếc nhất là Thorbjon Falldin đã thành Thủ tướng chứ không phải Gosta Bohman, một người có phẩm chất vô cùng tốt hơn. Nhưng trên hết, Olof Palme đã thất bại và vì thế Gullberg đã có thể thở ra một hơi dài nhẹ nhõm.
Việc Palme đáng làm Thủ tướng đã là chủ đề bàn bạc của không ít cuộc chuyện trò trong bữa ăn trưa tại các hành lang của SIS. Năm 1969, Vinge đã bị đưa ra khỏi cơ quan sau khi ông bày tỏ quan điểm rằng Palme có thể là một điệp viên có ảnh hưởng với tình báo Liên Xô KGB, ý này đã được nhiều người trong Cục chia sẻ. Cách nhìn của Vinge không ngược lại với không khí áp đảo ở nội bộ Xí nghiệp. Không may, ông đã thảo luận công khai với Lassinanti, Thống đốc Tỉnh trong một chuyến viếng thăm Norrbotten. Lassinanti ngạc nhiên đã báo chuyện này với Thủ tướng, kết quả là Vinge bị gọi đến để nói rõ trong một cuộc gặp một đối một.
Vấn đề Palme tiếp xúc với người Nga không bao giờ được giải quyết, điều đó làm Gullberg thất vọng. Mặc dù bền bỉ giữ ý định vạch ra sự thật và phát hiện bằng cớ then chốt – khẩu súng hỏa mù – Bộ phận vẫn không bao giờ tìm thấy tang chứng. Trong mắt Gullberg như thế không có nghĩa là Palme vô tội mà đúng hơn, ông ta lại là một gián điệp lọc lõi, thông minh không muốn mắc phải các sai lầm giống như các gián điệp Nga khác. Năm này năm khác, Palme tiếp tục cản trở họ. Năm 1982 vấn đề Palme lại nổi lên khi ông làm Thủ tướng lần thứ hai. Rồi tiếng súng của tên sát nhân vang lên ở Sveavagen và vấn đề liền tắt ngóm đi ý nghĩa.
 
o O o
 
Năm 1976 đã thành một năm lắm chuyện với Bộ phận. Trong SIS – giữa một ít người thực sự biết đến sự tồn tại của Bộ phận – rõ ràng đã nổi lên một số phê bình. Trong vòng mười năm qua, sáu mươi lăm nhân viên trong Cảnh sát An ninh đã bị sa thải khỏi tổ chức trên cơ sở bị coi là không đáng tin cậy về mặt chính trị. Nhưng phần lớn các ca bị sa thải lại thuộc vào loại sẽ chẳng được chứng mình bao giờ, một số sĩ quan cao cấp đã bắt đầu nghĩ liệu có phải Bộ phận đang bị những lý thuyết gia mắc chứng tâm thần phân lập về âm mưu cai quản mất rồi chăng.
Nhớ lại ca một sĩ quan hồi 1968 được SIS mướn mà cá nhân ông đánh giá là không thích hợp, Gullberg vẫn giận điên lên. Ðó là thanh tra Bergling, một thiếu úy trong quân đội Thụy Điển về sau hóa ra lại chính lại là một đại tá trong GRU, cơ quan tình báo quân đội Xô Viết. Gullberg đã bốn lần riêng biệt cố đẩy Bergling đi nhưng lần nào cố gắng của ông cũng bị ngáng cản. Sự tình cứ như thế không thay đổi cho đến 1977, khi Bergling đã trở thành đối tượng bị nghi ngờ ở ngay cả bên ngoài Bộ phận. Vụ tai tiếng của ông ta trở thành vụ đen tối nhất trong lịch sử Cảnh sát An ninh Thụy Ðiển.
Bộ phận đã bị phê hình nhiều lên trong nửa đầu của thập niên bảy mươi, và vào giữa thập niên, Gullberg đã nghe thấy vài kiến nghị giảm ngân sách, thậm chí còn gợi ý hầu như không cần đến cả công việc của Bộ phận nữa.
Phê bình này có nghĩa rằng tương lai của Bộ phận đang bị đặt dấu hỏi. Năm ấy mối đe đọa từ chủ nghĩa khủng bố đã trở thành công việc được ưu tiên trong SIS. Nói về công tác tình báo, đây là một chương buồn trong lịch sử của họ, họ xử lý chủ yếu với đám trẻ hoang mang mất hướng đang tán tỉnh người Ả Rập hay các phần tử thân Palestine. Vấn đề lớn trong Cảnh sát An ninh là hoạt động kiểm soát nhân sự sẽ được trao quyền đặc biệt đến giới hạn nào để điều tra các công dân nước ngoài đang cư trú ở Thụy Điển, hay liệu việc này có còn tiếp tục là vùng cấm của Phòng Nhập Cư nữa không.
Ngoài cuộc tranh cãi quan liêu có phần nào bí ẩn trên kia, một nhu cầu đã nổi lên với Bộ phận, đó là chỉ định một đồng nghiệp tin cậy gánh vác công việc, người này có thể tăng cường sự kiểm soát của Bộ phận, thực chất là do thám, đối với các thành viên của Phòng Nhập cư.
Công việc này rơi vào tay một thanh niên làm việc ở SIS từ 1970, lý lịch và lòng trung thành về chính trị đã khiến anh ta có tư cách nhất để được làm việc cùng với các sĩ quan trong Bộ phận. Trong thời gian rảnh, anh ta là hội viên của một tổ chức tên là Liên minh Dân chủ, cái đã được báo chí xã hội dân chủ mô tả là cực hũu. Ba người khác cũng là hội viên và trong thực tế, Bộ phận đã là phương tiện giúp cho nhóm này hình thành. Nó cũng góp một phần nhỏ vào quỹ của nhóm. Chính là qua tổ chức này mà Bộ phận để ý tới và tuyển dụng anh thanh niên kia.
Tên hắn là Gunnar Bjorck.
May mắn từ trên trời rơi xuống trúng Alexander Zalachenko khi hắn đi vào đồn cảnh sát Norrmalm xin cư trú chính trị trúng Ngày Bầu cử năm 1976 và được một sĩ quan cấp dưới tên là Gunnar Bjorck với tư cách người trông coi Phòng Nhập cư tiếp đón. Một điệp viên đã liên hệ với cái bí mật nhất của sự bí mật.
Nhận ra ngay tầm quan trọng của Zalachenko, Bjorck liền bỏ lửng cuộc thẩm vấn để đưa kẻ đào ngũ đến ở một buồng tại khách sạn Continental. Bjorck đã báo việc này cho Gullberg để róng chuông báo động chứ không phải cho sếp chính thức của hắn ở Phòng Nhập cư. Cú gọi đến đúng vào lúc các phòng bỏ phiếu đóng cửa và mọi dấu hiệu chỉ ra cho thấy Palme sắp thua. Gullberg vừa về nhà, đang xem tivi đưa tin bầu cử. Thoạt đầu ông ngờ cái tin mà viên sĩ quan trẻ tuổi phấn khích báo với ông. Rồi ông lái xe xuống Continental, không xa căn buồng khách sạn ông trọ hôm nay quá 250 mét để gánh lấy việc kiểm soát vụ Zalachenko.
 
o O o
 
Đêm ấy đời Gullberg trải qua một thay đổi cơ bản. Khái niệm bí mật mang một kích thước hoàn toàn mới. Ông thấy ngay sự cần thiết phải lập một cấu trúc mới ở xung quanh kẻ đào ngũ.
Ông quyết định cho Bjorck vào trong đơn vị Zalachenko do chỗ hắn đã biết chuyện Zalachenko. Để hắn ở trong thì tốt hơn để ở ngoài vì không bị nguy cơ về an ninh. Bjorck bèn được chuyển từ nhiệm sở của hắn ở Phòng Nhập cư về một bàn giấy trong căn hộ trên đường Ostermalm.
Trong tấn kịch tiếp theo, ngay từ đầu Gullberg đã chọn chỉ thông báo cho một người ở SIS, tức là ông Chánh văn phòng, người quán xuyến các hoạt động của Bộ phận. Ông Chánh văn phòng im lặng về cái tin mấy ngày rồi mới giải thích với Gullberg rằng việc đào ngũ này lớn quá nên cần phải thông báo với sếp của SIS cũng như với cả Chính phủ.
Vào lúc ấy sếp mới của SIS đã biết đến Bộ phận Phân tích đặc biệt nhưng chỉ hiểu lờ mờ về công việc thực sự của nó. Vừa đến đây để thu dọn những rối ren của việc từng được biết đến là vụ Văn phòng Nội vụ, ông đang trên đường đi lên tới vị trí cao hơn trong ngạch bậc cảnh sát. Trong một lần trò chuyện riêng tư với ông Chánh văn phòng, Giám đốc SIS đã nghe nói thấy rằng Bộ phận là một đơn vị bí mật do Chính phủ đặt ra. Sự ủy nhiệm này đã đặt nó ra ngoài các công vụ thông thường và không ai được hỏi han về nó. Vì viên sếp đặc biệt này là một người không bao giờ đặt ra những câu hỏi có thể đem lại những câu trả lời không vui, Ông đã nhận lời. Ông bằng lòng rằng có một cái gì đó chỉ được biết là BPPTĐB mà thôi và ông không nên liên quan với nó nhiều hơn.
Gullberg vui lòng chấp nhận tình hình này. Ông cho ra các chỉ thị đòi hỏi ngay cả sếp của SIS nếu như không có những sự thận trọng đặc biệt cũng không được bàn đến chuyện này ở trong cơ quan ông. Ðã thỏa thuận là Zalachenko sẽ do Bộ phận Phân tích đặc biệt quản.
Vị Thủ tướng sắp ra đi chắc không được thông báo. Vì cuộc vui tràn trề cộng với sự thay đổi Chính phủ, vị Thủ tướng vừa nhận chức đang bận bù đầu lên với việc chỉ định các bộ trưởng cũng như thương lượng với các đảng phái khác. Phải một tháng sau khi lập Chính phủ, sếp của SIS mới cùng Gullberg lái xe đến Rosenbad để thông báo với Thủ tướng tân nhiệm. Gullberg đã phản đối nói với Chính phủ nhưng sếp của SIS cứ giữ ý mình – không thông báo với Thủ tướng là không thể tự bảo vệ được về mặt hiến pháp. Gullberg đã dùng hết tài ăn nói ra thuyết phục Thủ tướng không cho phép cái tin về Zalachenko vượt khỏi Văn phòng của chính Thủ tướng – ông nhấn mạnh là không cần phải thông báo tin đó cho các Bộ trưởng Ngoại giao, Quốc phòng hay bất cứ thành viên nào khác của Chính phủ.
Falldin đã choáng người khi hay tin có một gián điệp Liên Xô xin cư trú chính trị ở Thụy Điển. Thủ tướng đã bắt đầu nói đến tại sao nhân danh lẽ công bằng ông sẽ buộc phải trình bày vấn đề này ít nhất là với các thủ lĩnh của hai đảng khác trong Chính phủ liên hiệp. Vốn đã chờ đợi phản đối này, Gullberg chĩa ra con bài mạnh nhất ông có trong tay. Ông thấp giọng giải thích rằng nếu chuyện ấy xảy ra, ông sẽ buộc phải xin từ chức ngay lập tức. Đe dọa này đã trộ được Falldin. Ðã dự kiến là nếu câu chuyện mà lọt ra và người Nga cử một đội ám sát đến thủ tiêu Zalachenko thì Thủ tướng sẽ được biết rằng chính ông ta phải chịu trách nhiệm. Còn một khi người chịu trách nhiệm về sự an toàn của Zalachenko đã sẵn sàng từ chức thì tiết lộ này sẽ là một tai họa chính trị cho Thủ tướng.
Vẫn tương đối chưa chắc chắn với vai trò của mình, Falldin đã nhận lời. Ông thông qua một chỉ thị ngay lập tức đi vào hồ sơ bí mật, trao cho Sapo trách nhiệm thẩm vấn và bảo đảm an toàn của Zalachenko. Nó cũng nói rõ thông tin về Zalachenko không được rời khỏi Văn phòng Thủ tướng. Ký vào chỉ thị này, Falldin thực tế chứng tỏ ông đã được thông báo nhưng nó cũng ngăn cản ông bàn đến vấn đề này. Tóm lại, ông có thể quên chuyện Zalachenko đi. Nhưng Falldin đã yêu cầu rằng một người trong Văn phòng của ông, Chánh văn phòng Nhà nước, do tự tay ông chọn, cũng sẽ được thông báo. Trong các vấn đề liên quan tới kẻ đào ngũ, ông này sẽ làm việc với tư cách một đầu mối liên hệ. Gullberg cho phép mình tán thành điều này. Ông không dè trước việc xử lý một Chánh văn phòng nhà nước lại thành ra vấn đề được.
Sếp của SIS lấy làm hài lòng. Nay vấn đề Zalachenko đã được bảo đảm cả về mặt hiến pháp, trong trường hợp này có nghĩa rằng sếp đã được che chắn sau lưng. Gullberg cũng hài lòng. Ông đã tìm cách mở ra một thời gian cách ly, điều này có nghĩa là ông sẽ có thể kiểm soát được lưu lượng thông tin. Một tay ông quản Zalachenko.
Khi quay về Ostermalm, Gullberg ngồi vào bàn giấy viết ra danh sách những người biết Zalachenko: ông, Bjorck, Hans Von Rottinger, sếp tác chiến của Bộ phận, Phó thủ trưởng Bộ phận Fredrik Clinton, Eleanor Badenbrink, thư ký của Bộ phận và hai sĩ quan mà công việc là thu thập và phân tích bất cứ thông tin tình báo nào mà Zalachenko có thể đóng góp. Bảy cá nhân trong các năm sau đó sẽ thành một Bộ phận đặc biệt ở bên trong Bộ phận. Ông nghĩ về họ như là Câu lạc bộ vòng trong.
Những người ở ngoài Bộ phận biết thông tin này là Giám đốc, Phó giám đốc SIS và ông Chánh văn phòng. Ngoài họ, còn Thủ tướng và một viên thư ký nhà nước. Trước đây chưa hề có bí mật nào ở mức độ to lớn như thế này mà lại chỉ có một nhóm rất nhỏ nhoi biết đến thôi.
Rồi Gullberg sa sầm mặt. Bí mật còn bị một người thứ mười ba biết nữa. Trong buổi tiếp Zalachenko, Bjorck còn có một luật sư, Nils Erik Bjurman, đi cùng. Nhưng không thể có chuyện gộp cả Bjurman vào Bộ phận đặc biệt. Bjurman không phải là một Cảnh sát An ninh thực sự – hắn thực ra không hơn gì một thực tập sinh ở SIS – và hắn không có kinh nghiệm cũng như kỹ năng cần thiết. Gullberg đã nghĩ đến nhiều ngã khác nhau và rồi cuối cùng thì ông chọn cách thận trọng đưa Bjurman ra khỏi bức tranh. Ông dọa tù chung thân, vì phản bội, nếu Bjurman hé ra một tí nào về Zalachenko, đồng thời ông mua chuộc, hứa hẹn đề bạt trong tương lai và cuối cùng dùng cách nịnh nọt để thổi phồng cảm giác quan trọng của Bjurman lên. Ông thu xếp để một công ty luật có uy tín thuê Bjurman, công ty này đã trao cho hắn rất nhiều nhiệm vụ để giữ cho hắn bận rộn. Vấn đề duy nhất là Bjurman lại là một luật gia xoàng đến nỗi hắn không khai thác được các cơ hội của mình. Sau mười năm, hắn rời công ty này để tự làm lấy, và mở ra cái cuối cùng đã trở thành một Văn phòng luật ở Odenplan.
Qua các năm tiếp theo, Gullberg đều đặn giữ Bjurman trong vòng kiểm soát bí mật. Việc này là của Bjorck. Phải tới cuối những năm 80, vào thời gian Liên Xô đang đi tới sụp đổ và Zalachenko không còn là ưu tiên nữa, ông mới thôi theo dõi Bjurman.
 
o O o
 
Thoạt đầu Bộ phận nghi Zalachenko là một cửa đột phá tiềm năng vào bí mật Palme. Vì thế trong thẩm vấn, Palme đã là một trong những đề tài đầu tiên mà Gullberg nói với Zalachenko.
Nhưng hy vọng về một đột phá đã sớm tắt lụi, do chỗ Zalachenko không tác chiến ở Thụy Ðiển bao giờ và ít hiểu biết về đất nước này. Mặt khác Zalachenko lại nghe thấy có tin đồn về một “Kẻ nhảy Ðỏ”, một người Thụy Ðiển có vị trí cao – hay có thể là một chính khách vùng Scandinavia khác – làm việc cho KGB.
Gullberg dựng một danh sách những người có quan hệ với Palme: Carl Lidbom, Pierre Schori, Sten Andersson, Marita Ulfskog và một số nữa. Cho đến sau này Gullberg vẫn cứ trở đi trở lại với danh sách ấy nhưng ông không tìm ra được câu trả lời.
Gullberg thình lình thành ra một tay chơi lớn: ở câu lạc bộ đặc biệt của các chiến binh đã được chọn lọc, người ta kính trọng chào đón ông, ở đây, ai cũng biết ai, ở đây người ta tiếp xúc với nhau là qua tình bạn cá nhân và lòng tin chứ không phải qua các kênh chính thức và những sự sắp đặt quan liêu. Ông đã gặp Angleton, và ông đã được uống whisky với sếp của Cục Tình báo Anh MI6 tại một câu lạc bộ bí mật ở London. Ông đã ở trong giới tinh hoa.
 
o O o
 
Gullberg sẽ không bao giờ khoe được chiến thắng của mình ra với ai, ngay cả ở trong các hồi ký xuất bản sau khi ông chết. Có một mối lo lắng thường xuyên là Ðịch sẽ nhận ra các chuyến đi nước ngoài của ông, là ông có thể thu hút sự chú ý, là ông có thể vô tình dẫn người Nga đến Zalachenko. Ở mặt này Zalachenko là kẻ thù tồi tệ nhất của ông.
Trong năm đầu tiên, tên đào ngũ sống vô danh trong một căn hộ mà Bộ phận sở hữu. Hắn không tồn tại trong bất cứ sổ đăng bạ hay trong bất cứ tài liệu nào. Những người trong đơn vị Zalachenko vẫn chưa lên kế hoạch cho tương lai của hắn, nghĩ là ngày rộng tháng dài. Mãi tới mùa xuân 1978 hắn mới được cấp hộ chiếu mang tên Karl Axel Bodin cùng một lý lịch cá nhân được dàn dựng công phu – một tiểu sử giả mạo nhưng có thể kiểm tra thấy trong các sổ sách của Thụy Điển.
Vào lúc đó thì đã quá muộn. Zalachenko đã bập vào cô ả Agneta Sofia Salander, tên thời con gái là Sjolander, và hắn đã sơ ý nói tên thật Zalachenko ra với ả. Gullberg bắt đầu nghĩ Zalachenko có cái gì đó khá không ổn ở trong đầu. Ông nghi tên Nga đào ngũ này muốn xuất đầu lộ diện. Tựa như hắn đang cần một cứ địa. Không thì giải thích khác sao được cho cái việc hắn lại ngu ngốc tầm bậy kia?
Ðã dính vào gái điếm, đã có những thời kỳ rượu chè thái quá và đã có những sự cố bạo lực cùng rắc rối với đám giữ trật tự ở các nhà hàng và những người khác, Zalachenko đã bị cảnh sát Thụy Điển bắt ba lần vì say rượu và hơn hai lần liên quan tới đánh nhau trong các quán bar. Lần nào Bộ phận cũng phải bí mật can thiệp bảo lãnh cho hắn ra, lo liệu cho trầm tài liệu đi và sửa chữa biên bản. Gullberg chỉ định Bjorck làm bảo mẫu trông nom tên đào ngũ gần như suốt ngày. Không phải chuyện dễ nhưng không còn cách nào khác.
Mọi việc lẽ ra đã êm thấm. Ðầu những năm 80, Zalachenko đã yên ổn và bắt đầu thích nghi. Nhưng hắn vẫn không bỏ cô ả Salander, và tệ hơn, hắn lại thành ra bố của Camilla và Lisbeth Salander.
Lisbeth Salander.
Nói đến cái tên này Gullberg lại khó chịu.
Ngay khi hai cô bé mới lên chín lên mười, Gullberg đã phản cảm với Lisbeth. Ông không cần một bác sĩ tâm thần để bảo với ông là cô gái này không bình thường. Bjorck báo cáo cô hằn học và hung hãn với bố, xem vẻ cô chả có sợ bố mình tí nào. Không nói ra nhiều nhưng cô thể hiện sự bất bình với tình hình gia đình bằng trăm nghìn cách khác. Trong thời kỳ khôn lớn, cô trở thành vấn đề nhưng vấn đề này sẽ ghê gớm đến đâu thì ngay trong các giấc mơ hoang dại nhất của mình, Gullberg cũng không thể tưởng tượng ra nổi. Điều ông sợ nhất là gia cảnh của Salander có thể sẽ khiến một báo cáo phúc lợi xã hội có tên là Zalachenko nổi lên thành chuyện. Ông luôn thúc Zalachenko cắt đứt quan hệ gia đình, biến đi khỏi cuộc đời ba mẹ con kia. Zalachenko hứa rồi luôn nuốt lời. Hắn có cơ man là gái điếm, nhưng chỉ vài tháng hắn lại quay về với mụ đàn bà Salander.
Thằng chó đẻ Zalachenko. Ðiệp viên mà lại để cho cái của quý nó chi phối mọi mặt của cuộc đời thì rõ ràng không phải là một điệp viên có bản lĩnh rồi. Con người này tựa hồ nghĩ rằng hắn đứng trên hết mọi quy tắc thông thường. Nếu hắn có thể chơi cô nàng Agneta mà không lần nào không đánh mụ thì âu là cũng đành, nhưng Zalachenko lại phạm cái tội tấn công liên miên người bạn gái của hắn. Hình như Zalachenko khoái đánh mụ là để trêu ngươi những người ở trong nhóm phụ trách hắn.
Gullberg không nghi ngờ Zalachenko là một tên chó đẻ bệnh hoạn nhưng ông không có quyền nhặt và tuyển trong đám gián điệp GRU đào ngũ. Ông chỉ có một người, một người rất biết giá trị của hắn đối với Gullberg.
Đơn vị Zalachenko đã gánh lấy vai trò tuần cảnh dọn dẹp ở cái nghĩa này. Ðiều này là không thể chối cãi. Zalachenko biết rằng hắn có thể có được các quyền tự do, rằng họ sẽ giải quyết bất cứ vấn đề gì có thể có. Đụng đến vấn đề Agnata Sofia Salander, hắn khai thác tối đa tác dụng của hắn đối với họ.
Không phải là không từng có những lời cảnh cáo. Lúc mười hai tuổi, Lisbeth Salander đã đâm Zalachenko. Các vết thương không đe dọa tính mạng nhưng hắn đã phải đến bệnh viện Thánh Goran và nhóm lại có thêm một việc dọn dẹp phải làm. Gullberg bèn cho Zalachenko thấy không úp mở rằng hắn sẽ phải thôi, không bao giờ được dính dáng đến gia đình Salander nữa. Zalachenko đã hứa. Một lời hứa giữ được sáu tháng và rồi hắn lại quay về nhà Agnata Sofia Salander đánh mụ dã man tới mức mụ phải vào trại an dưỡng để mà ở đó đến hết đời.
Gullberg đã không lường được việc con bé Salander đi tới nước làm quả bom xăng. Hôm ấy đúng là đại loạn, mọi kiểu điều tra ló hiện hết cả ra và tương lai của đơn vị Zalachenko – thậm chí của cả Bộ phận – bị treo trên sợi tóc. Nếu Salander nói thì vỏ bọc của Zalachenko gặp cơ nguy và nếu chuyện ấy xảy ra thì một số công việc đã bố trí ở khắp châu Âu mười lăm năm qua có thể sẽ phải tháo gỡ. Hơn nữa, có khả năng Bộ phận sẽ bị chính thức soi xét và điều này thì cần phải bằng mọi giá ngăn ngừa.
Gullberg lo buồn về chuyện này. Nếu hồ sơ của Bộ phận bị phanh phui, sẽ lộ ra là một số việc làm của họ đã luôn luôn không nhất quán với các chỉ lệnh của Hiến pháp, chưa kể tới những năm họ điều tra Palme và các nhân vật nổi tiếng của đảng Xă hội Dân chủ. Ngay sau vụ ám sát Palme ít năm, việc này vẫn là một vấn đề nhạy cảm. Tiếp theo, Gullberg và vài nhân viên khác của Bộ phận sẽ không tránh khỏi bị khởi tố. Tệ hơn, chắc chắn là thế rồi, một vài cha nhà báo ất ơ lắm tham vọng sẽ cho loang đi cái lý sự rằng Bộ phận đã ở đằng sau vụ ám sát Palme; rồi đến lượt nó, chuyện này thậm chí sẽ còn dẫn đến những suy diễn hủy hoại hơn, những điều tra dai dẳng hơn. Khía cạnh đáng ngại của tất cả chuyện này là ban chỉ huy của Cảnh sát An ninh đã thay đổi quá nhiều đến nỗi ngay chính ông sếp bao trùm tất cả của SIS hiện nay cũng không biết đến sự tồn tại của Bộ phận. Mọi tiếp xúc với SIS bây giờ dừng lại ở Văn phòng của Vị Phó Văn phòng, ông ta đã ở trong nhóm lãnh đạo Bộ phận mười năm.
 
o O o
 
Cả đơn vị rơi vào một tâm trạng lo âu sâu sắc, thậm chí sợ hãi. Thực tế lại là Bjorck đề nghị giải pháp. Peter Teleborian, một bác sĩ tâm thần trở thành người cộng tác với Cục Phản gián của SIS ở trong một trường hợp khác hẳn. Làm cố vấn liên quan tới việc cơ quan Phản gián theo dõi một nghi can gián điệp công nghiệp, ông bác sĩ đã đóng vai trò then chốt. Vào giai đoạn quan trọng của cuộc điều tra, họ cần biết nghi can này sẽ có thể phản ứng ra sao nếu bị một áp lực tinh thần tác động mạnh vào. Teleborian đã cho ra lời khuyên cụ thể, dứt điểm. Trong vụ này, SIS đã ngăn chặn thành công một mưu toan tự sát và đã xoay cho nghi can kia hóa ra một gián điệp hai mang.
Sau chuyện Salander tấn công Zalachenko, Bjorck đã mánh lới tuyển Teleborian làm một cố vấn ngoại vi của Bộ phận.
Cách giải quyết vấn đề rất đơn giản. Karl Axel Bodin sẽ biến vào trại cai nghiện rượu, Agneta Sofia Salander tất nhiên sẽ biến vào một cơ sở săn sóc lâu dài. Mọi báo cáo về vụ này đều tập hợp lên SIS và qua đường của Phó Văn phòng chuyển giao tới Bộ phận.
Teleborian là bác sĩ Phó Viện trưởng của Bệnh viện Thánh Stefan dành cho thanh thiếu niên ở Uppsala. Mọi thứ cần đến chỉ là một báo cáo tâm thần hợp pháp, việc này Bjorck và Teleborian cùng thảo chung và cuối cùng thì đó là một quyết định ngắn gọn không bị tòa án quận phản đối. Chỉ còn lại vấn đề là trình bày vụ này như thế nào thôi. Muốn gì nó cũng là một vấn đề về an ninh quốc gia.
Ngoài ra, chắc chắn chuyện Salander bị điên cũng đã khá rõ. Một ít năm ở trong bệnh viện sẽ chỉ tốt cho cô gái mà thôi. Gullberg đã chấp thuận việc này.
 
o O o
 
Giải pháp cho bao vấn đề của họ đã cứ tự nó bày ra vào lúc họ đang trên đường giải thể đơn vị Zalachenko. Liên bang Xô viết thôi tồn tại và tác dụng hữu ích của Zalachenko dứt khoát là hết.
Đơn vị đã kiếm được của quỹ Cảnh sát An ninh một khoản hậu hĩnh cho việc cắt đứt với Zalachenko. Họ thu xếp cho hắn được trông nom cai nghiện tốt nhất và sáu tháng sau họ đã đưa được hắn lên máy bay sang Tây Ban Nha. Họ đã cho Zalachenko thấy rõ từ nay trở đi hắn với Bộ phận là chia tay, anh đường anh tôi đường tôi. Đây là một trong những trách nhiệm cuối cùng của Gullberg. Một tuần sau ông tới tuổi về hưu và trao trách nhiệm cho Fredrik Clinton, người được lựa chọn kế nhiệm ông. Sau đó Gullberg chỉ đóng vai trò cố vấn ở các vấn đề đặc biệt nhạy cảm. Ông ở lại Stockholm thêm ba năm, làm việc gần như hàng ngày ở Bộ phận nhưng số lượng công việc của ông giảm đi và dần dần ông tự xin thôi. Lúc đó ông quay về thành phố quê nhà ở Laholm, làm vài công việc ở đó. Ban đầu ông hay du lịch đến Stockholm nhưng rồi cứ bớt dần bớt dần để cuối cùng thì ngừng hẳn.
Ông đã không nghĩ đến Zalachenko hàng tháng trời cho đến một buổi sáng ông phát hiện ra đứa con gái ở trên bảng dán báo.
Gullberg vô cùng hoang mang theo dõi câu chuyện. Dĩ nhiên không phải tình cờ mà Bjurman lại làm người giám hộ của Salander; mặt khác ông không thể hiểu tại sao nay chuyện của lão Zalachenko lại nổi lên. Rõ ràng là Salander loạn đầu óc cho nên nó giết ba người thì không có gì lấy làm lạ, nhưng ông chưa nhìn ra thấy Zalachenko có thể có quan hệ nào đó với vụ này. Sớm muộn đứa con gái sẽ bị bắt và thế là chấm dứt tất. Chính lúc đó ông bắt đầu gọi điện thoại và quyết định đến lúc phải đi Stockholm.
Bộ phận đang đứng trước cơn khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ ngày ông lập ra nó.
 
o O o
 
Zalachenko lê lết vào toa lét. Nay đã có nạng hắn có thể đi lại loanh quanh trong buồng. Chủ nhật hắn tự ép mình tập những đợt ngắn, mạnh. Quai hàm còn đau dữ nên hắn chỉ có thể ăn những thứ lỏng, nhưng hắn đã có thể ra khỏi giường để vận động. Ðã sống lâu ngày với chân giả nên hắn dùng nạng khá thành thạo. Hắn tập chống nạng không tiếng động, di chuyển tới lui quanh giường. Mỗi lần bàn chân phải chạm xuống sàn, chân hắn lại đau buốt.
Hắn nghiến răng. Hắn nghĩ đến chuyện con gái ở rất gần ngay bên. Hắn mất một ngày luận ra được buồng con gái ở cách hắn hai cửa bên phải cuối hành lang.
Cô y tá trực đêm đã đi được mười phút, tất cả im lặng, đang là 2 giờ sáng. Zalachenko cố gắng đứng dậy, sờ lần nạng. Hắn nghe ngóng ở cửa nhưng không thấy gì. Hắn đẩy cửa đi ra hành lang. Hắn nghe thấy tiếng nhạc yếu ớt ở chỗ các cô y tá. Hắn mò ra tới cuối hành lang, đẩy cửa, nhìn ra chiếu giữa vắng tanh, nơi có thang máy. Quay về hành lang, hắn dừng chân ở của buồng con gái, đứng trên hai nạng nghe một lúc.
 
o O o
 
Salander mở mắt khi nghe thấy tiếng cọ loẹt quẹt vào đất. Tựa như ai đó đang kéo một cái gì dọc hành lang. Một lúc chỉ có im lặng và cô nghĩ mình đã tưởng tượng ra cái này cái nọ. Rồi cô lại nghe thấy tiếng động ấy, đi ra xa. Cô thấy bồn chồn hơn lên.
Zalachenko đang ở đâu đó ngoài kia.
Cô thấy mình bị cùm vào giường. Da cô ngứa ở dưới cái khung đỡ cổ. Cô cảm thấy muốn cử động, muốn đứng lên vô cùng. Dần dần cô đã ngồi lên được. Cô chỉ làm nổi có thế. Cô đổ kềnh lên trên gối.
Cô cho tay rờ rờ khung đỡ cổ, tìm cái chốt giữ nó yên tại chỗ. Cô mở chốt, ném khung đỡ xuống đất. Lập tức thở dễ hơn.
Thứ cô mong muốn hơn tất cả là một vũ khí và sức lực để đứng lên kết thúc một lần cho dứt hẳn công việc của cô.
Cô nặng nhọc cho mình nhổm lên, bật đèn đêm và nhìn quanh buồng. Cô không thấy cái gì phục vụ được mục đích của mình. Rồi mắt cô đặt vào chiếc bàn của y tá kê cạnh tường cách giường cô ba mét. Ai đó để một chiếc bút chì ở đấy.
Cô chờ cô y tá đến rồi đi, việc mà hình như mỗi đêm cứ nửa giờ cô y tá lại làm một lần. Chắc số lần đến thăm nom giảm đi có nghĩa là các bác sĩ đã quyết định sức khỏe của cô có khá lên; cuối tuần các y tá thăm nom cô ít nhất mười lăm phút một lần. Cô khó nhận ra có gì khác nhau với bản thân.
Lúc chỉ có một mình, Salander gắng lấy sức ngồi lên, đưa hai chân qua bên giường. Người cô có gắn các điện cực để ghi nhịp tim và nhịp thở nhưng dây điện thì vươn dài ra tới phía chiếc bút chì. Cô dồn sức nặng vào chân đứng lên. Thình lình cô lảo đảo, mất thăng bằng. Cô thoáng nghĩ có lẽ mình sắp ngất nhưng cô bíu chặt lấy đầu giường, tập trung nhìn vào cái bàn trước mặt. Cô run run nhích đi những bước ngắn, thò tay ra nắm lấy chiếc bút chì.
Rồi cô từ từ lui về giường. Kiệt sức.
Một lúc sau, cô cố kéo khăn trải giường và chăn lên ngang cằm. Cô xem xét chiếc bút chì. Đây là một chiếc bút chì toàn bằng gỗ, mới vót nhọn. Nó có thể là một vũ khí kha khá – để đâm vào một cái mặt hay một con mắt.
Cô để nó vào cạnh hông rồi ngủ mất.
Chú thích
1 Olof Palme là lãnh tụ của Ðảng Xã hội Dân chủ và Thủ tướng Thụy Ðiển khi bị ám sát ngày 28 tháng Hai năm 1986. Ông là một nhà chính trị bộc trực, được lòng phái tả và bị phải hữu ghét. Hai năm sau cái chết của Palme, một tên sát nhân ti tiện và nghiện ma túy đã bị kết tội giết ông nhưng rồi đến phúc thẩm thì được trắng án. Từ đó tuy đã có đưa ra một số lý lẽ khác nhau về việc ai tiến hành vụ ám sát nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được vụ án.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.