Thứ Hai, 1 tháng Tư
Dậy lúc 9 giờ, Blomkvist gọi Eriksson ở Millennium.
– Chào, Tổng biên tập, – anh nói.
– Erika đi em vẫn đang choáng đây, thế mà anh lại muốn em ngồi vào chỗ chị ấy. Văn phòng của chị ấy vẫn để trống kìa.
– Vậy bỏ hôm nay ra để dọn vào đó thì chắc là một cái ý hay đấy.
– Em ngượng kinh khủng.
– Đừng. Mọi người bằng lòng chọn cô là nhất rồi. Với lại nếu cần cô luôn luôn có thể đến gặp tôi hay Christer được mà.
– Cảm ơn anh đã tin em.
– Cô tự giành lấy được lòng tin ấy, – Blomkvist nói. Cứ giữ lối làm việc của cô trước đây đi. Xảy ra chuyện gì chúng ta sẽ cùng xử lý.
Anh bảo cô hôm nay anh sẽ ở nhà viết. Eriksson nhận ra anh báo cáo với cô như anh vẫn làm với Berger trước kia.
– OK. Có gì cần chúng em làm không?
– Không. Trái lại… nếu có thông tin gì cho tôi cứ gọi. Tôi vẫn đang viết về chuyện Salander, cố tìm ra cái gì đang xảy ra nhưng còn mọi chuyện khác liên quan đến tạp chí thì cô cứ việc giải quyết. Cô quyết định. Tôi sẽ đỡ cô một tay, nếu cần.
– Nhưng ngộ em quyết định sai thì sao?
– Nếu tôi thấy hoặc nghe thấy cái gì khang khác thường lệ, chúng ta sẽ nói chuyện thẳng thắn với nhau, nhưng đó phải là một cái gì rất khác lạ. Nói chung không có quyết định nào trăm phần trăm đúng hay trăm phần trăm sai đâu. Cô ra quyết định và chúng có thể không giống như các quyết định của Erika. Nếu tôi phải quyết định thì lại càng không giống nữa, những quyết định của cô thì phải coi trọng.
– Vâng.
– Nếu là lãnh đạo giỏi thì cô sẽ thảo luận mọi việc với người khác. Trước hết với Henry và Christer rồi với tôi, còn các vấn đề rắc rối, chúng ta sẽ nêu ra ở các cuộc họp Ban biên tập.
– Em sẽ cố hết sức.
– May mắn nhé.
Anh ngồi xuống đi văng ở phòng khách với chiếc iBook để trên lòng rồi làm việc liền một lèo suốt ngày. Khi xong việc, anh đã có một bản nháp thô của hai bài báo tổng cộng hai mươi mốt trang. Phần này của câu chuyện tập trung vào cái chết của Svensson và Johansson – họ đã làm gì, tại sao họ bị giết và kẻ giết họ là ai. Anh tự nhủ sẽ phải viết một bài nữa dài gấp đôi cho số mùa hè. Anh cũng phải giải quyết việc mô tả Salander như thế nào trong bài báo mà không phạm vào lòng tin của cô. Anh biết những việc về cô mà cô không muốn công bố.
o O o
Gullberg chỉ ăn một lát bánh mì và một tách cà phê đen ở khách sạn Frey. Rồi ông đi taxi đến Artillerigatan ở Ostermalm. 9 giờ 15, ông tự giới thiệu ở điện thoại cổng ra vào và được chuông réo cho vào. Ông đi thang máy lên tầng bảy gặp Birger Wadensjoo, sếp mới của Bộ phận.
Wadensjoo là người được tuyển sau cùng vào Bộ phận quanh quẩn lúc Gullberg về hưu. Ông hy vọng Fredrik quả đoán vẫn còn ở lại. Clinton đã kế nhiệm Gullberg và là sếp của Bộ phận cho đến 2002 thì phải về hưu vì bệnh tiểu đường và mạch vành. Gullberg không biết rõ tính tình Wadensjoo.
– Hoan nghênh ông, Evert, – Wadensjoo nói, bắt tay vị sếp cũ. – Ông bỏ thì giờ đến đây thế này thật là quý hóa.
– Thì ít nhiều tất cả những gì tôi còn có là thời gian mà, – Gullberg nói.
– Ông biết công việc chúng ta nó thế nào rồi. Tôi mong chúng ta có lúc rảnh rang để liên hệ với các bạn đồng sự cũ.
Gullberg lờ đi lời gợi ý uốn éo. Ông rẽ sang trái vào văn phòng cũ của mình, ngồi xuống bàn hội nghị bên cửa sổ. Ông cho rằng Wadensjoo chịu trách nhiệm về các bức tranh chép tác phẩm của Chagall và Mondrian. Thời ông, treo ở trên tường là hai bức Kronan và Wasa. Ông luôn mơ đến biển và thực tế ông đã là một sĩ quan hải quân, tuy trong thời gian quân dịch ông chỉ sống ở biển mấy tháng. Bây giờ đã có thêm máy tính nhưng ngoài thế ra gian buồng nom vẫn gần như lúc ông rời nó đi. Wadensjoo rót cà phê.
– Anh em khác đang đến, – Ông nói. – Tôi nghĩ chúng ta có thể trao đổi đôi lời trước với nhau.
– Còn lại bao nhiêu người từ hồi tôi ở đây?
– Ngoài tôi ra… chỉ còn Otto Hallberg và Georg Nystrom. Năm nay Hallberg về hưu còn Nystrom thì sang tuổi sáu mươi. Ngoài ra đều là mới tuyển. Chắc trước đây ông đã có gặp một vài người rồi.
– Hiện có bao nhiêu người làm cho Bộ phận?
– Chúng tôi có tổ chức lại chút ít.
– Và?
– Có bảy người làm chính thức. Thế là chúng tôi đã cắt bớt. Nhưng tổng cộng có ba mươi mốt nhân viên của Bộ phận ở trong SIS. Phần lớn họ không bao giờ đến đây. Họ giữ gìn cho công việc của họ nhưng nếu có dịp thì họ cũng làm bí mật thêm ngoài giờ cho chúng tôi.
– Ba mươi mốt người.
– Cộng bảy ở đây nữa. Ông muốn sao cũng là người lập ra hệ thống này. Ông đã rèn giũa nó. Hiện nay chúng tôi có cái gọi là một tổ chức vòng trong và một vòng ngoài. Khi chúng tôi tuyển ai đó, họ sẽ được cho nghỉ phép vắng mặt một thời gian để đến học ở trường của chúng tôi. Hallberg chịu trách nhiệm huấn luyện, mất sáu tuần để học những cái cơ bản. Chúng tôi làm việc này ở Trường Hải quân. Rồi họ về với công việc chính thức của họ ở SIS nhưng nay họ đang làm việc cho chúng tôi.
– Tôi hiểu.
– Ðây là một hệ thống không chê vào đâu được. Phần lớn nhân viên của chúng tôi không biết là có ai khác. Và ở đây chúng tôi vận hành chủ yếu như là nơi thu nhận báo cáo. Vẫn áp dụng các quy tắc từ thời ông ở đây. Chúng tôi vẫn phải là một tổ chức đơn cấp.
– Ông có đơn vị tác chiến không?
Wadensjoo cau mày. Thời Gullberg, Bộ phận có một đơn vị tác chiến nho nhỏ gồm bốn người dưới quyền chỉ huy của Hans Von Rottinger sắc sảo.
– Vâng, không hẳn là có. Von Rottinger mất năm năm rồi. Chúng tôi có một tài năng trẻ hơn từng làm vài ba công việc thực địa nhưng thường thường chúng tôi dùng một người ở tổ chức vòng ngoài nếu cần. Nhưng dĩ nhiên việc ngày một phức tạp hơn về mặt kỹ thuật, chẳng hạn khi cần nghe trộm điện thoại hay đột nhập một căn hộ. Bây giờ đâu đâu cũng có các thứ báo động và thiết bị đủ kiểu.
Gullberg gật đầu.
– Ngân sách thế nào?
– Chúng tôi có tổng số tiền hàng năm là mười một triệu. Một phần ba cho lương, một phần ba cho tổng chi và một phần ba cho tác chiến.
– Vậy là ngân sách có sụt.
– Một ít. Nhưng người trong Bộ phận ít đi, nghĩa là thực tế ngân sách tác chiến lại tăng.
– Ông nói cho nghe quan hệ của ông với SIS.
Wadensjoo lắc đầu.
– Chánh văn phòng và Trưởng phòng Ngân sách là thuộc về chúng tôi. Dĩ nhiên chính thức mà nói, Chánh văn phòng là người duy nhất hiểu rõ hoạt động của chúng tôi. Chúng tôi bí mật y như là chúng tôi không tồn tại vậy ấy chứ. Nhưng trong thực tế, hai ông thủ phó biết chúng tôi tồn tại. Họ cố hết sức lờ đi bất cứ những gì nghe nói về chúng tôi.
– Có nghĩa là nếu vấn đề nổi lên thì ban lãnh đạo hiện thời của SIS sẽ bị một cú không vui bất ngờ. Ban lãnh đạo quốc phòng và Chính phủ thì thế nào?
– Mười năm trước chúng tôi đã cắt đứt quan hệ với Quốc phòng. Còn Chính phủ thì vẫn quan hệ qua lại.
– Vậy nếu quả bóng bay mất, chúng ta sẽ đơn thương độc mã…
Wadensjoo gật.
– Đó là điều không thuận lợi vì sự sắp xếp này. Các điều lợi thì rõ. Nhưng nhiệm vụ chúng tôi cũng có thay đổi. Có một chính sách mới realpolitik ở Châu Âu từ khi Liên Xô sụp đổ. Chúng tôi ngày càng bớt đi công việc nhận mặt gián điệp. Nay thì là về chủ nghĩa khủng bố và về đánh giá tín nhiệm chính trị của các cá nhân ở các vị trí nhạy cảm.
– Bao giờ mà chả thế.
Có tiếng gõ cửa. Gullberg nhìn lên thấy một người đàn ông ăn mặc lịch sự cỡ sáu chục tuổi và một người trẻ hơn mặc jean, jacket bằng len tweed.
– Vào đi… Evert Gullberg, đây là Jonas Sandberg. Ông ấy làm việc ở đây đã bốn năm, chịu trách nhiệm về tác chiến. Ông này tôi vừa nói đến đó. Và Georg Nystrom thì ông biết.
– Chào, Georg, – Gullberg nói.
Họ bắt tay. Rồi Gullberg quay sang Sandberg.
– Ông từ đâu đến?
– Mới từ Goteborg, – Sandberg nói nhẹ nhàng. – Tôi đã đến gặp hắn.
– Zalachenko?
Sandberg gật.
– Ngồi đi các vị, – Wadensjoo nói.
o O o
– Bjorck, – Gullberg cau mày nói khi Wadensjoo châm thuốc lá. Ông đã treo jacket lên và đang ngả lưng vào ghế ở bàn hội nghị. Wadensjoo liếc Gullberg và ngạc nhiên thấy ông già gầy đi bao nhiêu.
– Ông ta bị bắt thứ sáu vừa rồi vì tội vi phạm luật mại dâm, – Nystrom nói. – Vấn đề này sẽ ra tòa. Nhưng ông ta thực sự đã khai và cụp đuôi lại mà lủi về nhà rồi. Ông ta sống ở Smadalaro nhưng đang được nghỉ vì tàn tật. Báo chí chưa đánh hơi được chuyện này.
– Ðã một thời ông ta là một trong những người giỏi nhất ở Bộ phận ta đấy, – Gullberg nói. – Ông ta có vai trò then chốt ở trong vụ Zalachenko. Ðã xảy ra chuyện gì với ông ta từ khi tôi về hưu?
– Chắc Bjorck là một trong số rất ít đồng nghiệp ở vòng trong rời Bộ phận lui về làm các công việc ở vòng ngoài. Ngay từ thời ông, ông ta đã lủi loanh quanh rồi.
– Đúng, tôi nhớ ông ta đã cần nghỉ ngơi chút ít và muốn mở rộng tầm chân trời. Ông ta được nghỉ phép hai năm hồi thập niên 80 khi làm tùy viên tình báo ở Bộ phận. Từ 1976 trở đi ông ta đã thực tế làm việc như một con nghiện suốt ngày với Zalachenko và tôi nghĩ ông ra cần nghỉ một thời gian. Ông ta đi từ 1985 đến 1987 thì quay về lại.
– Ông có thể nói là khi sang tổ chức vòng ngoài năm 1994 là ông ta thôi ở Bộ phận. Năm 1996 ông ta là Phó trưởng Phòng Nhập cư rồi chấm hết ở một chức vụ gây nên chuyện căng thẳng. Ông ta bỏ rất nhiều thì giờ vào công việc chính thức của ông ta. Dĩ nhiên ông ta vẫn giữ miết quan hệ với Bộ phận và tôi có thể nói khoảng một tháng trước chúng tôi vừa mới có một lần chuyện trò với ông ta.
– Vậy là ông ta ốm?
– Không nặng gì nhưng rất đau. Một đĩa đệm cột sống bị trẹo. Ông ta đau đi đau lại trong vài năm qua, hai năm trước đã phải nghỉ phép ốm bốn tháng. Rồi tháng Tám năm ngoái lại đổ bệnh. Ông ta được thông báo năm tới đi làm việc lại nhưng rồi phải kéo dài phép nghỉ ốm và nay thì là chuyện chờ mổ.
– Và trong thời gian nghỉ ốm ông ta đàn đúm với gái điếm? – Gullberg nói.
– Vâng, ông ấy không có vợ còn chuyện ông ấy với gái điếm thì nếu như tôi hiểu đúng, nó đã diễn ra nhiều năm rồi. – Sandberg nói sau gần nửa giờ im lặng. – Tôi đã đọc bản thảo của Dag Svensson.
– Tôi biết. Nhưng có ai giải thích cho tôi biết thực sự thì đã xảy ra chuyện gì không?
– Theo chúng tôi thì chính Bjorck dựng nên tất cả cái cảnh nát bét này. Chúng tôi giải thích khác đi làm sao được chuyện bản báo cáo năm 1991 cuối cùng lại vào tay luật sư Bjurman?
– Lại một người cũng bỏ thì giờ ra với gái điếm nữa ư? – Gullberg nói.
– Chúng tôi không biết chuyện ấy, còn tài liệu của Svensson thì không nói đến ông ta. Nhưng ông ta là người giám hộ Salander.
Wadensjoo thở dài.
– Ông có thể nói đó là lỗi của tôi. Năm 1991 ông và Bjorck bắt Salander khi cô ấy bị đưa vào bệnh viện tâm thần. Chúng tôi chờ đợi cô ấy biến đi lâu hơn nhiều nữa nhưng rồi cô ấy lại bắt quen với một nhà làm luật, luật sư Palmgren, ông này đã xoay cho cô ấy được nới lỏng và được giao cho một gia đình đỡ đầu. Vào lúc này thì ông đã về hưu rồi.
– Rồi chuyện gì xảy ra?
– Chúng tôi theo dõi cô ấy. Trong khi đó, em gái sinh đôi của cô ấy, Camilla, cũng được một gia đình ở Uppsala đỡ đầu. Lúc hai chị em mười bảy tuổi, Lisbeth bắt đầu đào bới vào quá khứ của mình. Cô ấy tìm Zalachenko, xem kỹ hết các sổ đăng bạ công cộng mà cô ấy kiếm ra được. Không hiểu sao – chúng tôi không chắc việc này đã xảy ra như thế nào – cô ấy lại mò ra được là em gái mình biết Zalachenko ở đâu.
– Ðúng thế chứ?
Wadensjoo nhún vai.
– Tôi không rõ. Trong nhiều năm hai chị em đã không gặp nhau, rồi thì Salander đuổi theo Camilla, cố thuyết phục cô em nói ra những gì cô em biết. Kết quả là hai chị em đã cãi nhau dữ dội và đánh nhau một trận ra trò.
– Rồi thì?
– Chúng tôi bám sát Lisbeth trong mấy tháng ấy. Chúng tôi cũng bảo Camilla rằng chị cô ta dữ tính và mắc bệnh tâm thần. Cô em là người đã tiếp xúc với chúng tôi sau lần Lisbeth đột ngột đến tìm và sau đó thì chúng tôi tăng cường theo dõi cô ta.
– Vậy cô em là người báo tin của các ông?
– Camilla sợ chết khiếp cô chị. Lisbeth cũng làm cho nhiều nguồn thông tin khác chú ý. Cô ta giao du với những người ở công ty Phúc lợi xã hội và theo đánh giá của chúng tôi thì cô ta vẫn đe dọa đến sự ẩn mình của Zalachenko. Rồi có vụ ở xe điện ngầm.
– Cô ta đánh một cha săn trẻ con muốn làm bậy.
– Ðúng. Rõ ràng cô ta bị rối loạn tâm thần và luôn sẵn sàng giở bạo lực. Chúng tôi nghĩ mọi chuyện sẽ được tốt đẹp nhất nếu cô ấy lại biến đi vào một cơ sở nào rồi hưởng các cơ hội hay ở đó. Clinton và Von Rottinger là những người nêu vấn đề. Hai ông còn mượn đến bác sĩ tâm thần Teleborian, qua một đại diện gửi một yêu cầu đến tòa án quận để đưa cô ấy trở lại vào bệnh viện lần thứ hai. Palmgren đứng lên bảo vệ Salander và bất chấp các ý kiến ngược nhau, tòa án đã quyết định nghe theo ý kiến của ông ấy, chừng nào cô ấy còn chịu chế độ giám hộ.
– Nhưng sao Bjurman lại dính vào?
– Palmgren bị đột quỵ mùa thu năm 2002. Chúng tôi vẫn đánh dấu Salander để theo dõi bất cứ lúc nào cô ấy xuất hiện trong bất cứ cơ sở dữ liệu nào, tôi cũng đã chạy cho Bjurman làm người giám hộ cô ấy. Tin rằng ông ta không biết gì về chuyện cô ấy là con gái Zalachenko. Bản tóm tắt hồ sơ đơn giản là để cho Bjurman rung chuông báo động nếu cô ấy có bắt đầu ba hoa về Zalachenko.
– Bjurman là đồ ngu. Lẽ ra hắn không bao giờ được phép quan hệ gì với Zalachenko hết, với đứa con gái lại càng không. – Gullberg nhìn Wadensjoo. – Đấy là một sai lầm nghiêm trọng.
– Tôi biết, – Wadensjoo nói. – Nhưng xem ra lúc ấy mà chọn hắn thì là đúng. Tôi không bao giờ mơ…
– Cô em gái nay ở đâu? Camilla Salander.
– Chúng tôi không biết. Lúc mười chín tuổi, cô ấy khăn gói bỏ gia đình đỡ đầu đi. Từ đấy chúng tôi không thấy tăm hơi gì về cô ấy hết.
– OK, các ông cứ nói tiếp đi…
– Tôi có một người trong cảnh sát chính quy từng nói chuyện với công tố viên Ekstrom, – Sandberg nói. – Thanh tra Bublanski, sĩ quan điều tra, nghĩ rằng Bjurman đã hiếp Salander.
Gullberg ngạc nhiên ra mặt nhìn Sandberg.
– Hiếp?
– Ở bụng dưới Bjurman có xăm dòng chữ đề Tôi là một con lợn bạo dâm, một đứa sa đọa, một đứa hiếp dâm.
Sandberg đặt một bức ảnh pháp y lên bàn. Gullberg ghê tởm xem nó.
– Cho rằng con gái Zalachenko đã tặng cho ông ta cái này ư?
– Khó lòng mà giải thích khác được. Mà cô gái đâu có hề nổi tiếng là một cô nàng e thẹn. Cô ấy từng cho hai thằng đầu gấu có số có má biết thế nào là bị ăn đá ở Svavelsjo đấy.
– Con gái Zalachenko, – Gullberg nhắc lại. Ông quay lại Wadensjoo. – Ông biết sao không? Tôi nghĩ ông nên tuyển cô ấy vào Bộ phận.
Wadensjoo nom ngạc nhiên quá đến nỗi Gullberg vội giải thích ngay rằng ông đùa.
– OK. Chúng ta hãy coi chuyện Bjurman hiếp cô gái và bị cô ấy trả thù là một giả thiết để làm việc. Còn gì khác không?
– Người duy nhất nói được với chúng ta sự thật là Bjurman, dĩ nhiên, nhưng ông ta đã chết. Nhưng vấn đề là không chắc ông ta đã biết cô gái là con gái Zalachenko; chuyện ấy không có ở trong bất cứ biên bản công cộng nào cả. Nhưng ở một lúc nào đó trong quá trình làm việc, như thế nào đó Bjurman đã phát hiện ra mối quan hệ.
– Nhưng mẹ kiếp này, Wadensjoo! Biết ai là bố mình, có thể vào một lúc nào đó cô gái đã nói với Bjurman.
– Tôi hiểu. Chúng tôi… nghĩa là, đơn giản là tôi đã không nghĩ đúng.
– Không tha thứ cho chỗ bất lực đó được, – Gullberg nói.
– Tôi đã nhiều lần tự trách mình về chỗ ấy. Song Bjurman là một trong số rất ít người biết có Zalachenko tồn tại, tôi nghĩ thà ông ta phát hiện ra cô ấy là con gái Zalachenko thì vẫn tốt hơn là một người giám hộ không biết. Cô ấy có thể kể với bất cứ ai mà.
Gullberg mân mê dái tai.
– Ðược, ông nói đi…
– Ðây hoàn toàn là giả thiết, – Nystrom nói. – Nhưng chúng tôi giả định Bjurman tấn công Salander rồi cô ấy đánh lại và làm cái trò kia… Ông chỉ vào các chữ xăm trong bức ảnh.
– Con gái của hắn ta, – Gullberg nói. Có một chút ngưỡng mộ trong giọng nói của ông.
– Nhờ Bjurman tiếp xúc được với Zalachenko, chúng ta hi vọng thanh toán được cô con gái. Như chúng ta biết, Zalachenko có lý do đích đáng để thù ghét con gái. Và ông ta đã hợp đồng với Câu lạc bộ xe máy Svavelsjo cùng với tên Niederrnann mà ông ta có dây dưa chơi bời.
– Nhưng làm thế nào mà Bjurman lại tiếp xúc… – Gullberg bỏ lửng. Câu trả lời đã rõ.
– Bjorck, – Wadensjoo nói. – Bjorck cho ông ta mối.
– Chết cha, – Gullberg nói.
o O o
Buổi sáng hai cô y tá vào thay khăn trải giường. Hai cô tìm thấy chiếc bút chì.
– Ấy kìa, sao lại vào đây được nhỉ? – Một cô nói, cho chiếc bút chì vào túi. Salander nhìn cô với con mắt giết người.
Một lần nữa cô không có vũ khí, nhưng cô yếu nên không phản đối được.
Ðầu Salander đau như búa bổ và cô đã được cho uống thuốc giảm đau mạnh. Vai trái như bị dao đâm nếu cô cựa mình hay đổi thế nằm mà không cẩn thận. Cô nằm ngửa với cái khung ôm quanh cổ. Người ta báo ít ngày nữa vết thương ở đầu cô bắt đầu lành thì sẽ bỏ nó ra. Chủ nhật nhiệt độ cô lên ba mươi chín độ. Bác sĩ Endrin nói có lẽ cơ thể cô bị viêm nhiễm. Chả cần nhiệt kế Salander cũng phát hiện ra.
Cô nhận thấy mình lại bị hãm một lần nữa vào giường bệnh dù lần này không có đai nịt ghìm chặt cô xuống. Mà chả cần phải thế. Cô còn chả ngồi lên nổi, nói gì chuyện ra khỏi phòng.
Lúc ăn trưa hôm thứ Hai, bác sĩ Jonasson đến thăm khám cho cô.
– Chào, cô nhớ tôi không?
Cô lắc.
– Tôi là người đã đánh thức cô dậy sau khi mổ. Tôi đã mổ cho cô. Tôi chỉ muốn nghe ngóng xem cô thế nào và mọi sự có ổn cả không.
Salander nhìn ông, hai mắt mở to. Rõ ràng mọi sự đang không được tốt.
– Tôi nghe nói đêm qua cô đã tháo cái khung ở cổ ra.
Cô thừa nhận chủ yếu bằng mắt.
– Chúng tôi để cái khung vì có lý do – Cô phải giữ đầu cô thật yên để bắt đầu quá trình vết thương lành lại.
Ông nhìn cô gái im lặng.
– OK, – cuối cùng ông nói. – Tôi chỉ muốn kiểm tra cô thôi.
Ông ra đến cửa thì nghe thấy tiếng cô.
– Là Jonasson đúng không?
Ông quay lại, ngạc nhiên mỉm cười với cô.
– Đúng. Nếu cô nhớ tên tôi thì chắc cô phải tỉnh táo hơn là tôi tưởng đấy.
– Ông là người đã mổ lấy viên đạn ra?
– Ðúng.
– Xin cho biết sức khỏe tôi sao. Không ai trả lời rõ cho tôi cả.
Ông quay lại giường nhìn vào mắt cô.
– Cô may đấy. Cô bị bắn vào đầu nhưng viên đạn, tôi tin như vậy, không trúng vào những nơi chết người. Hiện tại cô đang có nguy cơ bị xuất huyết não. Vì thế chúng tôi muốn cô bất động. Cô bị một chỗ nhiễm trùng trong người. Nguyên nhân có lẽ tại vết thương ở vai cô. Có khả năng cô phải qua một lần phẫu thuật nữa – ở vai – nếu chúng ta không chữa hết được nhiễm trùng bằng kháng sinh. Khi cơ thể bắt đầu lành lặn, cô có thể còn bị đau một thời gian nữa. Nhưng nom tình hình hiện nay thì tôi lạc quan là cô sẽ hoàn toàn hồi phục sửc khỏe.
– Cái này có thể làm tổn hại não không?
Ông ngập ngừng rồi gật đầu.
– Có, có khả năng ấy. Nhưng mọi dấu hiệu cho thấy cô sẽ hồi phục hoàn toàn. Cũng có khả năng cô bị sẹo ở não và cái đó có thể gây ra những rắc rối… chẳng hạn cô có thể bị động kinh hay một vài vấn đề khác. Nhưng nói cho thật tình thì các cái đó cũng là suy diễn cả mà thôi. Hiện tại, tình hình xem là tốt. Cô đang lành vết thương. Còn nếu trong quá trình mà nảy sinh vấn đề gì thì chúng ta sẽ xử lý tiếp. Trả lời thế là rõ rồi chứ?
Cô nhắm mắt lại để nói vâng.
– Tôi còn phải nằm ở đây như thế này bao lâu?
– Ý cô là ở bệnh viện? Ít nhất sẽ là hai tuần rồi chúng tôi sẽ để cô đi.
– Không, tôi muốn nói bao lâu nữa thì tôi có thể ngồi lên và bắt đầu đi lại quanh quẩn.
– Cái này tùy vào việc lành vết thương tiến triển ra sao. Nhưng cứ tính cho là hai tuần trước khi chúng tôi bắt đầu có thể cho cô điều trị vật lý.
Cô nhìn ông lâu.
– Chả may ông có điếu thuốc lá nào ở đây không nhỉ? – Cô nói.
Bác sĩ Jonasson phát lên cười, lắc đầu.
– Xin lỗi. Không cho phép hút thuốc trong bệnh viện. Nhưng tôi có thể cho cô có một băng dán nicôtin hay một chút kẹo nicôtin.
Cô nghĩ một lúc rồi lại nhìn ông.
– Lão già bố láo thế nào?
– Ai cơ? Cô muốn nói…
– Lão vào bệnh viện cùng với tôi ấy.
– Tôi cho là không phải anh bạn của cô. À, ông ta sẽ sống, và đã đi lại loanh quanh bằng nạng. Thực ra tình hình ông ấy không bằng cô và ông ấy bị một vết thương rất đau ở mặt. Như tôi hiểu thì cô đã bổ cho ông ấy một nhát rìu.
– Lão ấy định giết tôi, – Salander trầm giọng nói.
– Như thế không tốt. Tôi phải đi đây. Cô có muốn tôi trở lại xem nữa cho cô không?
Salander nghĩ một lúc rồi ra hiệu bằng mắt rằng cô bằng lòng. Khi ông đi rồi cô nhìn đăm đăm lên trần nhà. Zalachenko đã được cấp cho nạng. Cái tiếng mình nghe thấy đêm qua là nó đấy.
o O o
Sandberg, người trẻ nhất trong cuộc họp, được cử ra ngoài mua vài thứ đồ ăn. Ông quay về với sushi, bia nhẹ rồi truyền thức ăn quanh bàn họp cho mọi người. Gullberg có một thoáng hoài niệm. Ðây vẫn đúng là cách làm việc ngày ông ở đây, khi tác chiến tới một giai đoạn quan trọng, họ phải làm việc suốt ngày đêm.
Ông quan sát thấy điểm khác biệt là có thể ngày nay không ai lại có nổi cái ý man rợ là đặt mua cá sống về ăn. Ông mong giá mà Sandberg mua thịt băm viên Thụy Điển với khoai tây nghiền và dâu rừng. Mặt khác ông không đói thật cho nên ông đẩy đĩa sushi sang bên. Ông ăn một miếng bánh mì, uống ít nước khoáng.
Họ vừa ăn vừa bàn. Họ đã quyết định việc phải làm. Tình hình cấp bách.
– Tôi không biết Zalachenko, – Wadensjoo nói. – hồi xưa hắn thế nào?
– Tôi cho là hắn vẫn như hiện nay, – Gullberg nói. – Thông minh lạ lùng, với một bộ nhớ gần như máy ảnh. Nhưng theo ý tôi, hắn là một con lợn. Và cái đầu không hoàn toàn ổn, tôi nghĩ thế.
– Jonas, ông nói chuyện với hắn hôm qua. Ông thấy thế nào?
Sandberg đặt đũa xuống.
– Hắn đã đẩy chúng ta vào chỗ khốn. Tôi đã bảo với các ông về tối hậu thư của hắn. Hoặc chúng ta dọn sạch tất cả hoặc hắn phanh phui Bộ phận toang hoang ra.
– Chúng ta làm thế quỷ nào để hô biến đi được các cái đã trưng lên trên báo đài cơ chứ? – Nystrom nói.
– Ðây không là chuyện có thể hay không thể làm. Đây là vấn đề hắn cần kiểm soát chúng ta, – Gullberg nói.
– Theo ông hắn có thể nói với báo đài không? – Wadensjoo nói.
Gullberg ngập ngừng.
– Câu này gần như không thể trả lời. Zalachenko không phải chỉ dọa suông, hắn sẽ làm cái gì tốt nhất cho hắn. Ở mặt này không thể tính trước về hắn. Nếu nói với báo đài mà có lợi cho hắn… nếu hắn nghĩ có thể nhận được ân xá hay giảm án tù thì hắn sẽ nói đấy. Hay nếu hắn cảm thấy bị phản bội và muốn trả thù.
– Bất chấp hậu quả?
– Ðặc biệt là bất chấp hậu quả. Với hắn vấn đề là hắn được coi như rắn hơn tất cả chúng ta.
– Nếu Zalachenko nói thì chắc là sẽ chẳng có ai tin hắn đâu. Cũng như để chứng minh một cái gì đó thì họ cần nắm được hồ sơ của chúng ta.
– Ông có muốn chộp lấy cơ hội không? Cứ cho là Zalachenko nói đi. Sau đó thì là ai nói? Nếu Bjorck ký một bản khai có tuyên thệ xác nhận câu chuyện của hắn thì chúng ta làm gì? Rồi Clinton ngồi ở máy lọc máu của ông ấy… Cái gì sẽ xảy ra nếu ông ấy quay ra thành mộ đạo, cảm thấy cay đắng với mọi chuyện, mọi người? Nếu ông ấy muốn thú tội thì sao? Hãy tin tôi đi, nếu ai đó mà nói ra thì Bộ phận sẽ là kết thúc luôn đấy.
– Vậy chúng ta nên làm gì?
Bàn họp im lặng. Gullberg lại nói.
– Có mấy phần trong vấn đề này. Trước hết chúng ta có thể đồng ý về các hậu quả sẽ đến mức nào nếu Zalchenko nói. Toàn bộ hệ thống pháp lý sẽ đổ ụp lên đầu chúng ta. Chúng ta sẽ bị tàn phá. Tôi đoán là vài người của Bộ phận sẽ phải vào tù.
– Hoạt động của chúng ta hoàn toàn hợp pháp. Chúng ta thực sự làm việc với sự đồng ý của Chính phủ.
– Hãy dẹp cho tôi các thứ cứt đái ấy đi, – Gullberg nói. – Các ông thừa biết như tôi rằng một tài liệu soạn lỏng lẻo mà lại viết từ giữa những năm 60 thì chả có đáng cái đinh gì bây giờ. Tôi nghĩ nếu Zalachenko khai thì không ai trong chúng ta có thể tưởng tượng nổi chuyện gì sẽ xảy ra đâu.
Im lặng lại buông xuống bàn họp.
– Vậy điều chúng ta cần làm đầu tiên là thuyết phục Zalachenko hãy ngậm cái miệng hắn lại, – cuối cùng Nystrom nói.
– Và để thuyết phục được hắn câm miệng thì chúng ta có thể phải cho hắn một cái gì đó thực chất. Vấn đề là với thằng này không ai biết trước được nó sẽ ra thế nào. Chỉ bằng trò quỷ quyệt thôi hắn cũng có thể cho chúng ta cháy rụi. Chúng ta phải nghĩ cách làm sao khống chế được hắn.
– Thế còn yêu cầu của hắn… – Sandberg nói, -là chúng ta cho mọi chuyện biến và đưa Salander trở lại bệnh viện?
– Chúng ta có thể quản được Salander. Vấn đề chính là Zalachenko. Nhưng điều này dẫn chúng ta tới phần thứ hai – kiểm soát tổn hại. Báo cáo của Teleborian từ 1991 đã bị rò rỉ, xét về tiềm năng thì bác sĩ này cũng đe dọa nghiêm trọng như Zalachenko.
Nystrom đặng hắng.
– Hễ thấy bản báo cáo lọt vào tay cảnh sát là tôi có một số biện pháp ngay. Tôi đi gặp Forelius, tay luật sư của chúng ta ở SIS, ông ta nắm được Tổng công tố viên. Tổng công tố viên ra lệnh tịch thu bản báo cáo ở trong tay cảnh sát thì nó sẽ không bị tán phát hay sao lại nữa.
– Tổng công tố viên biết được đến đâu? – Gullberg nói.
– Không biết gì hết. Ông ta làm theo yêu cầu của SIS. Đó là tài liệu đã xếp hạng và Tổng công tố viên chả còn có cách nào.
– Ai trong cảnh sát đã đọc bản đó?
– Có hai bản sao đã được Bublanski và thanh tra Modig đồng sự của ông ta đọc và cuối cùng là Richard Ekstrom, người chỉ huy cuộc điều tra sơ bộ. Chúng ta có thể cho là hai sĩ quan cảnh sát nữa…, – Nystrom lật sổ tay, – Curt Andersson và Jerker Holmberg ít nhất cũng đã biết nội dung.
– Vậy là bốn sĩ quan cảnh sát và một công tố viên. Chúng ta biết gì về họ nào?
– Công tố viên Ekstrom, bốn mươi hai tuổi, được coi như ngôi sao đang lên. Ông ta đã làm điều tra viên ở Bộ Tư pháp và nắm một số vụ khiến được chú ý đến chút ít. Cần mẫn. Công tố viên – lương tri. Loại đeo đuổi lấy nghề nghiệp.
– Ðảng Xã hội Dân chủ? – Gullberg nói.
– Chắc thế. Nhưng không hoạt động tích cực.
– Vậy Bublanski đang lãnh đạo điều tra. Tôi đã gặp ông ta ở một cuộc họp báo trên tivi. Xem vẻ ông ta không thoải mái trước ống kính máy quay.
– Ông ta thâm niên hơn và có bảng thành tích đặc biệt nhưng ông ta cũng nổi tiếng là ngoan cố và tính cẳn nhẳn cằn nhằn. Ông ta người Do Thái, khá bảo thủ.
– Còn người phụ nữ… bà ta là ai?
– Sonja Modig. Ba mươi chín tuổi, có chồng, hai con. Tiến lên khá nhanh trong nghề. Tôi đã nói với Teleborian, ông ta mô tả bà này là người dễ xúc động. Hỏi cung thì không biết ngừng.
– Người sau.
– Andersson là một anh chàng rắn. Ba mươi tám, đến từ các đơn vị chống băng nhóm lưu manh ở Soder. Ông ta nổi lên khi bắn một tên lưu manh nào đó hai năm trước. Ông ta là người Bublanski cử đi bắt Bjorck.
– Tôi rõ. Hãy nhớ là đã bắn chết một người. Nếu có lý do nào đó cần gieo hồ nghi lên nhóm Bublanski thì chúng ta luôn có thể nhót riêng hắn ta ra như là một cảnh sát ác ôn. Tôi cho rằng chúng ta vẫn có các liên hệ thích hợp với báo đài. Còn tay cuối cùng?
– Holmberg, năm mươi lăm. Người vùng Norrland, chính ra là chuyên viên về điều tra hiện trường vụ án. Mấy năm trước đã được cho học lớp giám thị nhưng rồi thôi. Xem vẻ thích công việc đang làm.
– Có ai trong họ hoạt động chính trị không?
– Không. Bố của Holmberg là Cố vấn của thành phố cho Đảng Trung dung hồi những năm 70.
– Có vẻ người ở nhóm này khiêm tốn. Có thể cho rằng họ đồng lòng. Có thể bằng cách nào đó cô lập ra được một người không?
– Có dính đến một sĩ quan thứ năm, – Nystrom nói. – Hans Faste, bốn mươi bảy. Tôi nghe là giữa Faste và Bublanski ý kiến rất khác nhau. Khác nhiều đến nỗi Faste xin nghỉ ốm.
– Về ông này chúng ta biết được gì?
– Khi tôi hỏi thì phản ứng lẫn lộn. Ông này thành tích mẫu mực và thực sự chưa hề bị phê bình. Một nhà nghề. Nhưng mưu mô lắm, khó chơi. Bất đồng hình như là về Salander với Bublanski.
– Ở chỗ nào?
– Faste hình như bị ám ảnh bởi một bài báo nói về một băng nhóm đồng tính ái nữ thờ quỷ Satan. Ông ta thật tình không thích Salander và có vẻ coi sự tồn tại của cô gái là nỗi sỉ nhục đối với cá nhân ông ấy. Có thể chính ông ta đã ở đằng sau một nửa các tin đồn. Một bạn đồng sự cũ bảo tôi ông ta thấy khó khăn khi làm việc với phụ nữ.
– Hay đấy, – Gullberg nói thong thả. – Vì báo chí đã nói đến một băng nhóm đồng tính ái nữ thì tiếp tục nêu món ấy lên là nên chuyện được đấy. Nó thực sự sẽ không bảo vệ được cho độ tin cậy của Salander.
– Nhưng vấn đề lớn là các sĩ quan đã đọc báo cáo của Bjorck, – Sandberg nói. – Có một cách nào đó để chúng ta cô lập họ ra không?
Wadensjoo châm một điều xì gà nhỏ khác.
– Ðược, Ekstrom đang cầm đầu cuộc điều tra sơ bộ…
– Nhưng Bublanski lãnh đạo nó mà, – Nystrom nói.
– Vâng, nhưng ông ta không đi ngược lại một quyết định hành chính được. – Wadensjoo quay sang Gullberg. – Ông nhiều kinh nghiệm hơn tôi nhưng câu chuyện này có quá nhiều luồng lõng và quan hệ… Tôi thấy có lẽ khôn ngoan là tách được Bublanski và Modig ra khỏi Salander.
– Ý ấy hay đấy, Wadensjoo, – Gullberg nói. – và chúng ta chính là sẽ làm thế. Bublanski là người lãnh đạo cuộc điều tra các vụ án giết Bjurrnan và cặp ở Enskede. Salander không còn là nghi can. Nay tất cả vấn đề hướng vào tên người Đức Ronald Niedermann. Bublanski và nhóm của ông ta đang phải tập trung vào Niedermann. Salander không còn là nhiệm vụ của họ nữa. Lúc này đang có cuộc điều tra ở Nykvarn… ba vụ giết người không ghê tay. Ở đây cũng lại liên quan đến Niedermann. Cuộc điều tra này hiện đang được khoanh lại ở Sodertalje nhưng rồi sẽ thành ra cuộc điều tra đơn nhất. Như thế Bublanski sẽ bận ngập đầu trong một thời gian. Và ai biết thế nào? Có thể ông ta sẽ bắt được Niedermann. Trong khi đó, Hans Faste… ông có nghĩ ông ta sẽ đi làm lại không? Nghe thì có vẻ đúng ông ta là người điều tra các lý lẽ chống lại Salander đấy.
– Tôi hiểu cái điều ông đang nghĩ, – Wadensjoo nói. – Tất cả vấn đề là làm cho Ekstrom đem tách ra thành hai vụ riêng rẽ. Nhưng muốn làm việc ấy thì chúng ta phải nắm được Ekstrom.
– Việc nắm này sẽ không to chuyện lắm đâu, – Gullberg nói. Ông liếc Nystrom và ông này gật đầu.
– Tôi có thể trông nom Ekstrom, – ông nói. – Tôi đoán ông ta đang ngồi hy vọng chưa hề phải nghe nói đến Zalachenko bao giờ. SIS hỏi đến báo cáo của Bjorck là ông ta nộp ngay thôi mà, cứ đưa ra yêu cầu nào có tầm quan trọng về an ninh quốc gia là ông ta nghe liền.
– Vậy ông có ý gì ở trong đầu đấy? – Wadensjoo nói.
– Cho phép tôi dựng ra một kịch bản, – Nystrom nói. – tôi cho rằng bằng một cách tế nhị, chúng ta sẽ bảo ông ta cái việc phải làm để tránh được một cú sập tiệm đột ngột.
– Vấn đề quan trọng nhất là phần thứ ba, – Gullberg nói. – cảnh sát không tự tay nắm được báo cáo của Bjorck… họ lấy nó ở một tay nhà báo. Và báo chí thì như tất cả các ông đều biết là một vấn đề thực sự ở đây. Millennium.
Nystrom lật một trang sổ tay.
– Mikael Blomkvist.
Ở quanh cái bàn này, ai cũng đều đã nghe đến vụ Wennerstrom và biết đến tên Blomkvist.
– Svensson, nhà báo bị giết là cây bút tự do ở Millennium. Anh ấy đang viết một bài về buôn bán tính dục. Anh ấy đã soi vào Zalachenko. Blomkvist phát hiện ra xác Svensson và cô bạn gái anh ấy. Thêm nữa, Blomkvist quen Salander và luôn tin rằng cô ấy vô tội.
– Thế quỷ nào mà anh ta lại quen con gái Zalachenko thế cơ chứ… bảo là trùng hợp thì nghe khó lọt tai.
– Chúng tôi không nghĩ là trùng hợp, – Wadensjoo nói. – Theo chúng tôi thì như thế nào đó Salander đã là một đường dẫn ở giữa tất cả đám họ nhưng chúng tôi chưa hiểu là bằng cách nào.
Gullberg vẽ một loạt những vòng tròn đồng tâm lên tập giấy của mình. Cuối cùng ông nhìn lên.
– Chỗ này tôi phải nghĩ một ít. Tôi đi dạo vài vòng đây. Một giờ nữa chúng ta lại gặp nhau.
o O o
Gullberg đi bộ lâu tới ba giờ đồng hồ. Ông đi chỉ khoảng mười phút thì thấy một quán cà phê có nhiều thứ cà phê chưa từng thấy. Ông gọi một cà phê đen, ngồi xuống cái bàn ở góc gần cửa ra vào. Ông ngồi nghĩ các chuyện một hồi lâu, cố xem xét các mặt khác nhau của tình thế tiến thoái đều bí của họ. Thỉnh thoảng ông ghi vài điều vào quyển nhật ký bỏ túi.
Một giờ rưỡi sau, một kế hoạch đã hình thành.
Không phải là một kế hoạch hoàn hảo nhưng sau khi cân nhắc mọi ngã, ông đã kết luận vấn đề đòi phải có một giải pháp quyết liệt.
Như gặp may, nguồn nhân lực thì lại đang có đây. Việc có thể làm được.
Ông đứng lên tìm buồng điện thoại gọi Wadensjoo.
– Chúng ta cần lui cuộc họp lại lâu hơn, – ông nói. – Tôi phải làm một việc. 2 giờ chìều chúng ta có thể gặp lại nhau không?
Gullberg đi xuống Stureplan gọi taxi. Ông cho một địa chỉ ở ngoại ô Bromma. Xe đỗ, ông đi xuôi một con phố xuống phía nam, bấm chuông một ngôi nhà nhỏ, hơi tách biệt. Một phụ nữ quãng bốn chục tuổi mở cửa.
– Chào. Tôi tìm Fredrik Clinton.
– Tôi sẽ nói là ai đây?
– Một bạn trước cùng làm việc với nhau.
Người phụ nữ gật đầu, chỉ cho ông vào phòng khách. Clinton thong thả đứng lên khỏi đi văng. Ông ta mới sáu mươi tám nhưng trông già hơn thế nhiều. Cơ thể đau ốm của ông đang ngày càng rệu rã.
– Gullberg, – Clinton ngạc nhiên nói.
Hai người đứng nhìn nhau hồi lâu. Rồi hai điệp viên cũ xưa ôm nhau.
– Mình không ngờ lại gặp cậu, – Clinton nói. Ông chỉ vào trang nhất của tờ báo chiều, ở đó có ảnh chân dung Niedermann và dòng tít KẺ GIẾT CẢNH SÁT ĐANG BỊ LÙNG Ở ĐAN MẠCH. Tớ cho là cái này đã đưa cậu đến đây.
– Cậu sao?
– Ốm, – Clinton nói.
– Tớ thấy.
– Không ghép một quả thận mới thì tớ đã chả còn ở cái thế giới này rồi. Và thu nhập của tớ ở nước cộng hòa này xem vẻ khá là còm.
Người phụ nữ đến trước cửa hỏi Gullberg có cần gì không.
– Một tách cà phê, cảm ơn, – ông nói.
Khi người phụ nữ đi rồi, ông quay sang Clinton:
– Ai thế?
– Con gái tớ.
Ðáng hấp dẫn là mặc dù hai người chia sẻ tình đồng sự trong rất nhiều năm ở Bộ phận nhưng họ không đi sâu vào chuyện gia đình của nhau những lúc rảnh rỗi. Gullberg biết các nét tính nết, chỗ yếu chỗ mạnh nhỏ nhặt nhất của tất cả các đồng sự, nhưng ông chỉ có một khái niệm mơ hồ về đời sống gia đình họ. Clinton chắc chắn là người đồng sự thân nhất của Gullberg trong hai chục năm. Ông biết ông ta có vợ và hai con nhưng ông không biết tên người con gái, tên người vợ đã qua đời, ngay cả cái nơi Clinton thường tới nghỉ hè. Tựa như mọi sự ở bên ngoài Bộ phận đều thiêng liêng, không được để cho nói đến.
– Tớ làm được gì cho cậu đây? – Clinton hỏi.
– Tớ có thể hỏi là cậu nghĩ gì về Wadensjoo không.
Clinton lắc đầu.
– Tớ không muốn về đấy đâu.
– Tớ không hỏi cậu cái ấy. Cậu biết ông ta, ông ta làm việc với cậu trong mười năm.
Clinton lại lắc đầu.
– Ông ta là người đang trông coi Bộ phận bây giờ. Những cái tớ nghĩ chẳng còn có gì hay nữa rồi.
– Ông ta nắm được Bộ phận không?
– Ông ta không phải đứa ngu.
– Nhưng?
– Ông ta là một nhà phân tích. Cực kỳ tốt trong các bài đố rắc rối. Bản năng. Một nhà hành chính xuất sắc giữ được ngân sách cân bằng, và làm bằng một cái cách mà chúng ta nghĩ là không thể được.
Gullberg gật. Clinton không nhắc đến cái đặc điểm quan trọng nhất.
– Cậu có sẵn sàng trở lại làm việc không?
Clinton nhìn lên. Ngập ngừng một lát.
– Evert… cách nhật tớ lại bỏ ra chín tiếng ở bệnh viện với máy lọc thận. Lên gác là tớ thở dốc. Với tớ đơn giản là hết sức lực rồi. Không còn sức lực gì cả.
– Tớ cần cậu. Tác chiến lần cuối cùng.
– Tớ không thể.
– Không, cậu có thể. Và cậu vẫn có thể cách nhật đến với máy lọc thận chín tiếng đồng hồ. Cậu có thể đi thang máy mà không leo gác. Tớ thậm chí sẽ bố trí người khiêng cậu đi lại trên cáng nữa nếu cần. Chính là tớ cần cái đầu của cậu.
Clinton thở dài.
– Nói xem.
– Ngay bây giờ chúng ta đang đối đầu với một tình hình đặc biêt phức tạp đòi hỏi trình độ thành thạo về công việc. Wadensjoo có một chú bé trẻ, còn hôi sữa tên là Jonas Sandberg. Cậu ấy là toàn bộ phòng tác chiến và tớ nghĩ Wadensjoo không đủ tầm làm những cái cần phải làm. Ông ta có thể là thiên tài về chải chuốt ngân sách nhưng ông ta sợ đưa ra các quyết định tác chiến và sợ cho Bộ phận dính vào công việc thực địa cần thiết.
Clinton mỉm cười yếu ớt với ông.
– Trận này phải được tiến hành ở hai chiến tuyến riêng rẽ. Một liên quan đến Zalachenko. Tớ phải làm cho ông ta nghe theo lẽ phải và tớ nghĩ tớ biết cách làm. Phần thứ hai là công việc phải được nắm từ đây, ở Stockholm. Vấn đề là không có ai ở Bộ phận có thể thực sự quản được chuyện này. Tớ muốn cậu chỉ huy. Một việc cuối cùng thôi. Sandberg và Nystrom làm chân chạy, cậu nắm trận đánh.
– Cậu không hiểu cái điều cậu đang hỏi.
– Có chứ, tớ hiểu chứ. Nhưng cậu phải tính xem liệu cậu có nhận việc này hay không. Hoặc là đám cũ chúng ta bước vào làm lấy một chút việc của chúng ta hoặc là trong một vài tuần nữa Bộ phận sẽ ngừng tồn tại.
Clinton chống khuỷu tay vào tay đi văng, cúi đầu lên bàn tay. Ông nghĩ chừng hai phút.
– Bảo cho tớ kế hoạch của cậu đi, – Cuối cùng ông nói.
Gullberg và Clinton nói chuyện dài dài.
o O o
Wadensjoo không tin được khi Gullberg quay lại lúc 2 giờ 57 kéo theo Clinton ở đằng sau. Clinton nom như một… bộ xương. Có vẻ thở khó nhọc, ông đặt một tay lên vai Gullberg.
– Chuyện gì ở trên đời này thế nhỉ… – Wadensjoo nói.
– Chúng ta lại cho họp tiếp đi, – Gullberg nói, ngắn ngủn.
Họ ngồi vào quanh bàn trong văn phòng Wadensjoo. Clinton lặng lẽ buông mình chìm vào trong chiếc ghế người ta mời.
– Các ông đều biết Fredrik Clinton cả, – Gullberg nói.
– Ðúng, – Wadensjoo nói. – vấn đề là ông ấy làm gì ở đây thế?
– Clinton đã quyết định trở lại làm việc. Ông ấy sẽ lãnh đạo nhóm tác chiến cho đến khi cơn khủng hoảng hiện tại chấm dứt.
Gullberg giơ tay ngăn Wadensjoo định phản đối.
– Clinton bị mệt. Ông ấy sẽ cần giúp đỡ. Ông ấy cần đến bệnh viện đều đặn để lọc máu. Wadensjoo, ông phân công hai người giúp đỡ ông ấy trong các chuyện thực tiễn. Nhưng hãy để tôi nói thẳng chỗ này ra… Về vụ này, Clinton sẽ ra các quyết định tác chiến.
Ông ngừng một lúc, không ai lên tiếng phản đối.
– Tôi có một kế hoạch. Tôi nghĩ chúng ta có thể giải quyết thành công chuyện này nhưng sẽ phải hành động nhanh để khỏi lỡ thời cơ, – ông nói. – Chuyện này trông vào chỗ các ông ở Bộ phận đây có thể hiện quyết tâm đến đâu.
– Chúng ta hãy cứ nghe xem đã, – Wadensjoo nói.
– Trước hết, chúng ta bàn với cảnh sát. Ðây là việc chúng ta sẽ làm. Chúng ta sẽ cố biệt lập họ ở trong cuộc điều tra lê thê này, dắt họ vào lõng kiếm Niedermann. Việc này sẽ là của Nystrom. Xảy ra bất cứ sự gì, Niedermann cũng không quan trọng. Chúng ta sẽ thu xếp cho Faste được chỉ định điều tra Salander.
– Có lẽ cái này không là một ý hay cho lắm, – Nystrom nói. – Tại sao tôi không gặp thẳng công tố viên Ekstrom mà bí mật nói chuyện chứ?
– Vậy nếu ông ta gây khó khăn…
– Tôi nghĩ ông ta sẽ không làm khó đâu. Ông ấy tham vọng, đang mong ngóng bất cứ dịp nào có lợi cho sự nghiệp của mình. Nếu cần tôi sẽ dùng vài ba đòn bẩy. Ông ấy ghét bị kéo vào bất cứ kiểu tai tiếng nào.
– Tốt. Giai đoạn hai là Millennium và Blomkvist. Clinton quay lại làm việc là vì chỗ này. Nó sẽ đòi có những biện pháp ngoại lệ.
– Tôi thấy là tôi sẽ không thích như thế rồi, – Wadensjoo nói.
– Chắc là không rồi. Nhưng cũng không thể xoay xỏa với Millennium bằng cách thức dễ dãi như trước được nữa. Mặt khác, tờ tạp chí sở dĩ là mối đe dọa chính chỉ bởi vì có mỗi cái lý do này: bản báo cáo của cảnh sát năm 1991 của Bjorck. Tôi cho là bản này hiện đang ở hai nơi, có thể ba. Salander đã tìm thấy bản báo cáo nhưng không hiểu sao Blomkvist lại nắm được. Như thế nghĩa là trong khi Salander chạy trốn thì giữa đôi bên đã có liên hệ ở một mức độ nào đó với nhau.
Clinton giơ một ngón tay lên, thốt ra câu đầu tiên từ khi đến đây.
– Như thế cũng nói lên điều gì đó về tính cách của đối thủ chúng ta. Blomkvist không sợ nguy hiểm. Hãy nhớ lại vụ Wennerstrom.
Gullberg gật.
– Blomkvist đã đưa bản báo cáo cho Tổng biên tập Erika Berger, đến lượt mình bà này lại đưa cho Bublanski. Bà ấy cũng có đọc. Chúng ta cần phải nghĩ rằng để cho chắc chắn họ đã phải cho sao ra. Tôi đoán Blomkvist có một bản và ở tòa soạn tạp chí có một bản.
– Nghe có lý, – Wadensjoo nói.
– Millennium là tạp chí hàng tháng cho nên họ chưa đưa được nó lên báo ngay ngày mai đâu. Chúng ta có một ít thời gian – xác định chính xác bao lâu nữa thì ra số báo sau – nhưng chúng ta cần thu hồi tất cả các bản sao. Việc này chúng ta không thể lờ Tổng công tố viên.
– Tôi hiểu.
– Vậy là chúng ta đang nói đến một trận đánh, đột nhập nhà Blomkvist và tòa soạn Millennium. Ông nắm được việc này không, Jonas?
Sandberg liếc về Wadensjoo.
– Evert… ông cần hiểu rằng… chúng tôi không còn làm những việc như thế này nữa, – Wadensjoo nói. – Nay là kỷ nguyên mới. Chúng tôi làm việc với xâm nhập máy tính, theo dõi điện tử và đại loại như vậy nhiều hơn. Chúng tôi không có tiền và người cho cái đơn vị tác chiến mà ông nghĩ.
Gullberg cúi về trước.
– Wadensjoo, ông sẽ phải cấp ra một số thứ chết tiệt ấy khá là nhanh đấy. Thuê lấy vài người. Thuê lấy một lũ đầu trọc của bọn mafia Nam Tư để nếu cần thì có thể quạng vào đầu Blomkvist. Nhưng phải thu về hai bản sao kia. Không có các bản sao ấy, họ sẽ không có bằng chứng. Còn nếu ông không làm nổi một cái việc đơn giản như thế thì ông sẽ cứ ngồi thuỗn ra ở đây mà chờ Ủy ban Hiến pháp đến gõ cửa buồng ông thôi.
Gullberg và Wadensjoo nhìn vào mắt nhau một lúc lâu.
– Tôi làm được, – thình lình Sandberg nói.
– Ông chắc nhé?
Sandberg gật.
– Tốt. Bắt đầu từ giờ, Clinton là sếp của các ông. Các ông chỉ nhận lệnh của ông ấy.
Sandberg tán thành gật đầu.
– Chuyện này sẽ vấp phải nhiều sự kiểm soát đây, – Nystrom nói. – Tôi có thể gợi ra một ít tên. Chúng ta có một người ở tổ chức vòng ngoài, Mattersson – ông ta làm vệ sĩ ở SIS. Ông này không biết sợ và cho thấy nhiều hứa hẹn. Tôi đang tính chuyện đưa ông ấy về đây. Thậm chí tôi nghĩ có ngày ông ấy sẽ thay vào chỗ tôi.
– Nghe hay đấy, – Gullberg nói. – Clinton có thể quyết định.
– Tôi sợ rằng có một bản sao thứ ba, – Nystrom nói.
– Ở đâu?
– Chiều nay tôi phát hiện Salander đã nhận một luật sư. Bà này tên là Annika Giannini, em gái Blomkvist.
Gullberg nghĩ ngợi về tin này.
– Ông nói đúng. Blomkvist sẽ cho em gái một bản. Ông ta chắc có cho. Nói cách khác, cho tới chỉ dẫn sau thì lúc này chúng ta phải chôm được tất cả ba bản sao từ Berger, Blomkvist, Giannini.
– Tôi nghĩ chúng ta không cần bận đến Berger. Hôm nay có báo cáo nói bà ấy sắp thành Tổng biên tập ở Svenska Morgon-Posten. Bà ấy thôi ở Millennium rồi.
– Muốn gì cũng cứ kiểm tra bà ấy. Chừng nào còn dính đến Millennium thì chúng ta còn cần nghe trộm điện thoại và gắn rệp ở nhà mỗi người trong bọn họ cũng như ở tòa soạn. Chúng ta phải kiểm tra thư điện của họ. Chúng ta phải biết họ gặp ai, nói chuyện với ai. Và xem ra rất cần biết họ đang vạch chiến lược gì. Trên hết là chúng ta cần có các bản sao báo cáo. Tóm lại một lô một lốc việc.
Wadensjoo xem vẻ nghi ngờ.
– Evert, ông đang đòi chúng tôi mở trận đánh vào một tạp chí có ảnh hưởng và Tổng biên tập của SMP. Thế là chúng tôi đang phải làm cái việc mạo hiểm nhất của chúng tôi rồi đây.
– Xin hiểu cho điều này: ông không còn lựa chọn nào khác. Hoặc là ông xắn tay áo lên hoặc là đến lúc người khác tiếp quản đây.
Thách đố treo như đám mây ở trên bàn họp.
– Tôi nghĩ tôi có thể nắm Millennium, – cuối cùng Sandberg nói.
– Nhưng chả việc nào giải quyết được vấn đề cơ bản. Chúng ta có làm gì với Zalachenko được đâu cơ chứ? Nếu hắn nói ra thì chúng ta có xóa đi cái gì nữa cũng đều là vô dụng.
– Tôi biết. Chỗ ấy là phần việc tôi làm, – Gullberg nói. – Tôi nghĩ tôi có một cái lý có thể thuyết phục Zalachenko câm mồm. Nhưng tôi cần có thời gian chuẩn bị. Muộn chiều nay tôi đi Goteborg.
Ông ngừng lại nhìn quanh mọi người. Rồi ông nhìn thẳng vào mắt Wadensjoo.
– Trong khi tôi đi thì Clinton sẽ ra các quyết định tác chiến.
o O o
Mãi tới tối thứ Hai, thăm khám cùng với bác sĩ Jonasson, bạn đồng sự, bác sĩ Endrin mới quyết định tình hình sức khỏe của Salander đã khá ổn định để cô được tiếp khách. Ðầu tiên, hai vị thanh tra cảnh sát được cho hỏi cô mười lăm phút. Cô sưng sỉa im lặng nhìn họ khi họ vào buồng kéo ghế ngồi.
– Chào. Tôi tên là Marcus Erlander, thanh tra hình sự. Tôi làm việc ở Phòng Trọng án tại Goteborg đây. Ðây là đồng sự của tôi, thanh tra Modig ở Sở cảnh sát Stockholm.
Salander không nói năng gì. Vẻ mặt cô không thay đổi. Cô nhận ra Modig là một trong các sĩ quan ở nhóm Bublanski. Erlander lạnh lùng mỉm cười với cô.
– Tôi nghe nói cô thường không giao tiếp nhiều với nhà cầm quyền. Hãy cho tôi nói theo như văn bản là cô không phải nói cái gì hết. Nhưng tôi sẽ biết ơn nếu cô nghe những điều chúng tôi cần phải nói. Chúng tôi có nhiều thứ cần bàn với cô nhưng hôm nay chúng tôi không có thì giờ đi vào tất cả các thứ đó. Sẽ có các dịp sau này.
Salander vẫn không nói gì.
– Trước hết, tôi muốn cho cô biết rằng bạn cô, Mikael Blomkvist, đã nói với chúng tôi rằng một luật sư tên là Annika Giannini đang muốn thay mặt cho cô và bà ta biết về vụ này. Ông Blomkvist nói ông ấy đã có nhắc với cô tên bà ta liên quan đến một chuyện nào đó khác. Tôi cần cô xác nhận cho rằng đó là ý định của cô. Tôi cũng muốn biết cô có muốn luật sư Giannini, người có tư cách để thay mặt cô, đến Goteborg không.
Annika Giannini. Em gái Blomkvist. Anh ấy có nhắc đến chị ta trong một thư điện tử. Salander không nghĩ đến việc cô sẽ cần đến một luật sư.
– Tôi xin lỗi, nhưng tôi cần nhấn mạnh rằng cô hãy trả lời câu hỏi của tôi. Nói có hay không là tốt rồi. Nếu cô nói có, ông công tố viên ở Goteborg sẽ tiếp xúc với luật sư Giannini. Nếu cô nói không, tòa án sẽ chỉ định một luật sư bảo vệ lợi ích của cô. Cô thích thế nào?
Salander nghĩ về sự lựa chọn…
Cô cho rằng cô thực sự cần luật sư nhưng luật sư bảo vệ cô lại là em gái của Kalle Hăng máu Blomkvist thì cô thấy vướng víu ở trong lòng. Nhưng mặt khác, tòa chỉ định cho một luật sư không quen biết thì chắc sẽ lại còn tệ hơn. Cô rít lên mỗi tiếng:
– Giannini.
– Tốt. Cảm ơn. Nay có một câu hỏi với cô. Cô không phải nói gì khi không có luật sư của cô ở đây nhưng câu hỏi này, như tôi thấy, thì không ảnh hướng gì đến lợi ích của cô. Cảnh sát đang tìm một công dân Đức tên là Ronald Niedermann, bị truy nã vì giết một cảnh sát.
Salander cau mày. Cô không biết chuyện gì đã xảy ra sau khi cô vung chiếc rìu vào đầu Zalachenko.
– Theo cảnh sát thì họ muốn bắt được hắn càng sớm càng tốt. Ðồng sự của tôi đây cũng muốn hỏi liệu hắn có liên quan đến ba vụ án mạng mới đây ở Stockholm không. Cô nên biết là cô không còn là nghi can ở ba vụ này nữa. Cho nên chúng tôi đang nhờ cô giúp đây. Cô có ý nào… cô có thể giúp chúng tôi bất cứ việc gì để tìm ra người đàn ông này không?
Salander nghi ngờ đảo mắt từ Erlander sang Modig rồi ngược lại.
Họ không biết hắn là anh mình.
Rồi cô nghĩ mình có nên muốn họ bắt Niedermann hay không. Cô muốn hơn hết là đưa hắn đến vùi xuống một cái hố ở vùng đất Gosseberga. Cuối cùng cô rùng mình. Điều mà lẽ ra cô không nên làm vì vai trái cô đau lan ra.
– Hôm nay là thứ mấy? – Cô nói.
– Thứ Hai.
Cô nghĩ về việc này.
– Tôi nghe thấy tên Ronald Niedermann lần đầu tiên là vào thứ Năm trước. Tôi đã dò theo hắn đến Gosseberga. Tôi không rõ hắn ở đâu hay hắn có thể đến đâu nhưng hắn sẽ cố đi ra nước ngoài càng sớm càng tốt.
– Tại sao hắn lại ra nước ngoài?
Salander nghĩ về điều này.
– Vì trong khi Niedermann ở ngoài đào hố chôn tôi thì Zalachenko đã bảo tôi là tình hình đang quá căng, hắn đã quyết định Niedermann nên bỏ ra ngoài một thời gian.
Từ ngày mười hai tuổi, Salander chưa từng trao đổi với một sĩ quan cảnh sát nhiều lời như thế này.
– Zalachenko… Vậy là bố của cô?
Tốt, ít nhất họ cũng đã lần ra được chuyện này. Chắc là nhờ Kalle Hăng máu Blomkvist.
– Tôi cần nói với cô rằng bố cô đã gửi cho cảnh sát một đơn chính thức tố cáo cô, khẳng định cô định giết ông ta. Vụ này đang ở Văn phòng công tố viên và ông ta sẽ quyết định có khởi tố hay không. Nhưng cô đã bị bắt về tội gây chấn thương nặng đến thân thể, và đánh bằng một chiếc rìu vào đầu Zalachenko.
Im lặng một lúc lâu. Rồi Modig cúi về đằng trước, hạ giọng nói:
– Tôi nói chính là chúng tôi ở lực lượng cảnh sát không tin lắm vào câu chuyện Zalachenko nói. Hãy bàn bạc nghiêm túc với luật sư của cô để rồi sau đó chúng tôi có thể quay lại nói chuyện thêm với cô.
Hai thám tử đứng lên.
– Cảm ơn cô đã giúp chuyện Niedermann, – Erlander nói.
Salander ngạc nhiên thấy các sĩ quan đối xử với cô đúng đắn như thế, gần như là giữa bạn bè. Cô nghĩ về điều Modig nói. Chắc có một động cơ thầm kín nào đây, cô kết luận.