Thứ Tư, 4 tháng Năm
Berger làm Phó Tổng biên tập của SMP được ba ngày thì Tổng biên tập Morander qua đời vào giờ ăn trưa. Cả buổi sáng ông ở trong gian phòng kính, trong khi Berger và trợ lý biên tập Peter Fredriksson gặp các biên tập viên thể thao để chị làm quen với các đồng sự và tìm hiểu công việc của họ. Fredriksson bốn mươi lăm tuổi và là người tương đối mới ở tờ báo. Ông ít nói nhưng vui tính, kinh nghiệm rộng. Berger đã quyết định khi cầm lái con tàu chị có thể dựa vào kiến thức sâu rộng của Fredriksson. Chị đang bỏ phần lớn thời gian ra đánh giá những ai chị có thể trông cậy và có thể là một phần của chế độ mới của chị. Fredriksson dứt khoát là một ứng viên rồi.
Khi quay lại phòng biên tập họ trông thấy Morander đứng lên đi ra cửa gian phòng kính. Trông ông ngẩn ngơ.
Rồi ông chúi về đằng trước, nắm lấy lưng một chiếc ghế một lát rồi lăn đùng ra sàn.
Ông chết trước khi xe cứu thương đến.
Không khí ở phòng biên tập nhốn nháo cả buổi chiều. 2 giờ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Bjorsjo đến, triệu tập nhân viên mặc niệm ngắn gọn Morander. Ông nói Morander đã hiến mười lăm năm đời mình cho tờ báo, cái giá mà công việc của một nhà báo thường có thể đòi phải trả như vậy. Cuối cùng ông xin một phút im lặng.
Berger nhận thấy mấy đồng sự mới mẻ nhìn chị. Cái số lượng bí ẩn đây.
Chị hắng giọng và tuy không được mời, tuy không biết sẽ nói gì, chị đã bước lên một bước lớn rồi nói, giọng kiên định:
– Tôi biết Hakan Morander trong ba ngày qua. Một thời gian quá ngắn nhưng dù sao từ một chút đó tôi vẫn đi tới chỗ biết ông ấy, tôi có thể nói trung thực rằng tôi rất muốn được biết ông ấy nhiều hơn nữa.
Chị ngừng lại khi qua khóe mắt chị thấy Bjorsjo đang nhìn chị. Ông có vẻ ngạc nhiên thấy chị lên tiếng. Chị tiến thêm một bước nữa.
– Tổng biên tập của các bạn ra đi không đúng lúc sẽ đặt ra những vấn đề cho tòa soạn, tôi được yêu cầu hai tháng nữa sẽ tiếp nhận công việc của Morander và đang trông vào thời gian ấy để học kinh nghiệm của ông.
Chị thấy Bjorsjo mở miệng như cũng muốn nói điều gì.
– Bây giờ chuyện ấy không có nữa, còn chúng ta thì sắp bước qua một thời kỳ điều chỉnh. Nhưng Morander là Tổng biên tập một tờ báo hàng ngày mà tờ báo này thì ngày mai cũng vẫn cứ phải phát hành. Hiện còn chín giờ đồng hồ nữa để đưa tin bài đi in và bốn giờ để giải quyết xong trang nhất. Tôi xin hỏi… trong các bạn ai là người tin cẩn gần gũi nhất của Morander?
Một thoáng im lặng tiếp theo khi mọi người nhìn nhau. Cuối cùng Berger nghe thấy tiếng một người ở bên trái của gian phòng.
– Có lẽ là tôi.
Đó là Gunnar Magnusson, trợ lý biên tập của trang nhất, đã ba mươi lăm năm làm việc ở tờ báo này.
– Cần một ai đó viết cáo phó. Việc ấy tôi không làm được… làm thì tôi sẽ hóa ra là hợm mình. Ông có thể viết cáo phó được không?
Ngập ngừng một lát rồi Magnusson nói:
– Tôi sẽ viết.
– Chúng ta dành toàn bộ trang nhất cho nó, các cái khác đẩy đến các trang sau.
Magnusson gật đầu.
– Chúng ta cần ảnh.
– Chị liếc sang phải, bắt được biên tập viên tranh ảnh Lennar Torkelsson nhìn mình. Ông gật đầu.
– Chúng ta sẽ làm gấp chuyện này. Lúc đầu mọi sự sẽ khó khăn đôi chút. Khi cần giúp đỡ để ra quyết định, tôi sẽ mời các bạn cố vấn, tôi sẽ trông vào tài năng và kinh nghiệm của các bạn. Các bạn biết làm tờ báo thế nào và tôi còn cần phải học theo thêm nữa.
Chị quay lại Fredriksson.
– Peter, Morander đã tin ông nhiều. Ông hãy hướng dẫn cho tôi trong lúc này và hãy mang một gánh nặng hơn thường lệ. Tôi đang nhờ ông làm cố vấn cho tôi.
Ông gật. Ông còn làm gì hơn được?
Chị quay lại đề tài trang nhất.
– Một việc nữa. Sáng nay Morander đang viết xã luận. Gunnar, ông có thể vào máy tính ông ấy xem đã viết xong chưa? Dù chưa hoàn hảo, chúng ta vẫn cứ đăng. Tờ báo chúng ta làm hôm nay vẫn là tờ báo của Hakan Morander.
Im lặng.
– Nếu có bạn nào cần một chút thời gian cho mình hay muốn nghỉ một lát để suy nghĩ thì xin mời, các bạn cứ viết. Các bạn đều biết thời hạn của chúng ta cả rồi.
Chị để ý thấy vài người gật đầu tán thành.
– Nào, các anh chị em, đi làm việc nhỉ, – chị hạ giọng nói bằng tiếng Anh.
o O o
Holmberg giơ hai tay lên tỏ ý bất lực. Bublanski và Modig đang nom ngờ vực. Vẻ mặt Andersson bình thản. Họ đang xem xét kết quả của lần điều tra sơ bộ mà Holmberg vừa làm xong sáng nay.
– Không có gì cả ư? – Modig hỏi. Nghe thấy vẻ chị ngạc nhiên.
– Không có gì cả, – Holmberg lắc đầu nói. – Báo cáo kết luận của bác sĩ bệnh học đã đến sáng nay. Không có gì cho thấy là không phải tự treo cổ chết.
Họ lại xem một lần nữa các bức ảnh chụp trong căn nhà nghỉ hè ở Smaladaro. Mọi cái dẫn tới kết luận rằng Gunnar Bjorck, Phó trưởng phòng Nhập cư của Cảnh sát An ninh đã leo lên một ghế đẩu, buộc dây thừng vào một cái móc treo đèn, quấn nó vào quanh cổ rồi đá rất mạnh làm ghế văng sang bên kia gian phòng. Bác sĩ bệnh học không thể nói rõ giờ phút chết nhưng biết được là chiều ngày 12 tháng Tư. Chính là thanh tra Andersson ngày 19 tháng Tư phát hiện ra xác chết chứ không phải ai khác. Tìm ra là nhờ Bublanski nhiều lần cố nắm được Bjorck. Ngán ngẩm, cuối cùng ông đã phái Andersson đi tróc hắn về.
Một lúc nào đó trong tuần, cái móc đèn đã tụt khỏi trần và Bjorck rơi xuống sàn. Qua cửa sổ, trông thấy cái xác, Andersson đã báo động. Ðến căn nhà nghỉ mùa hè cùng mấy người nữa, Bublanski lập tức coi đây là hiện trường của một vụ án mạng, cho rằng Bjorck rõ ràng đã bị một kẻ nào đó xiết cổ. Chiều hôm ấy, nhóm pháp y thấy cái móc đèn. Holmberg được trao nhiệm vụ tìm xem Bjorck đã bị giết như thế nào.
– Không có bất cứ điều gì gợi ý ra đây là án mạng hay có người thứ hai lúc Bjorck chết, – Holmberg nói.
– Thế cái đèn?
– Cái đèn trần có những dấu vân tay của người chủ căn nhà – người đã treo nó lên hai năm trước – và của bản thân Bjorck. Điều này nói lên rằng chính hắn đã hạ cây đèn xuống.
– Dây thừng là ở đâu ra?
– Ở cột cờ trong vườn. Ai đã cắt lấy hai mét. Có một con dao Mora còn cả bao ở trên thành cửa sổ bên ngoài cửa ra vào đằng sau. Theo người chủ nhà, con dao ấy là của ông ta. Ông ta thường để nó trong một ngăn kéo đựng dụng cụ ở bên dưới mặt tấm ván làm ráo nước trên chậu rửa. Ở cán và lưỡi dao có dấu vân tay của Bjorck.
– Thắt nút kiểu gì?
– Nút đơn giản. Ngay cái thòng lọng cũng lỏng. Điều này có lẽ hơi lạ đây. Là thủy thủ thì Bjorck phải biết cách thắt nút đúng chứ. Nhưng ai biết được, một người đang ngẫm nghĩ chuyện tự sát thì có thể sẽ lơ đãng không chú ý tới cách thắt nút thòng lọng dành cho mình.
– Về thuốc men thì sao?
– Theo báo cáo về độc tố học, có những dấu vết của một loại thuốc giảm đau mạnh trong máu của Bjorck. Thuốc này có trong đơn bác sĩ kê cho hắn. Cũng có dấu vết rượu nhưng tỉ lệ phần trăm không đáng kể. Nói cách khác hắn có ít nhiều tỉnh táo.
– Bác sĩ độc học nói có những vết thương trầy xước.
– Một trầy xước dài hơn ba phân ở rìa đầu gối trái của Bjorck. Trông giống một vết gãi. Tôi đã nghĩ như vậy nhưng mà cũng có thể là do hàng chục nguyên nhân gây ra… hắn đi va vào góc bàn hay ghế dài chẳng bạn.
Modig cầm lên búc ảnh chụp bộ mặt méo xệch của Bjorck. Thòng lọng đã nghiến quá sâu vào cổ hắn đến nỗi sợi dây thừng lẩn mất hẳn vào dưới da. Bộ mặt sưng lên kỳ cục.
– Hắn lủng lẳng ở đấy chừng hai mươi tư giờ rồi thì cái móc đèn rụng xuống. Máu hắn hoặc đồn hết cả lên đầu – cái thòng lọng giữ không cho máu chảy trở về thân thể – hoặc xuống các phần bên dưới. Lúc cái móc rụng, người hắn rơi xuống thì ngực đã đập vào cái bàn cà phê, gây nên vết tím bầm sâu ở đây. Nhưng vết thương này xảy ra sau khi hắn chết đã lâu.
– Chết kiểu gì mà khốn khổ như thế chứ, – Andersson nói.
– Tôi không biết. Dây thòng lọng quá mảnh nên lằn sâu làm cho máu ngừng chảy. Chắc hắn đã mê đi vài giây rồi chết trong vòng một hai phút.
Bublanski ngán ngẩm đóng bản báo cáo sơ bộ lại. Ông không thích thế này. Ông tuyệt đối không thích việc Zalachenko và Bjorck cả hai lại cùng chết một ngày như kiểu họ đã có vẻ bảo nhau. Nhưng muốn suy diễn thế nào thì cũng không thay đổi được sự thật là cuộc điều tra hiện trường không đưa ra một chút xíu gì ủng hộ cho cái lý nói rằng đã có một bên thứ ba giúp Bjorck một tay.
– Hắn bị quá nhiều sức ép, – Bublanski nói. – Hắn biết toàn bộ vụ Zalachenko đang có nguy cơ bị phanh phui và hắn thì có thể bị một án tù vì buôn bán tính dục, cộng thêm còn bị phơi mặt trên báo đài nữa. Tôi nghĩ điều này làm hắn sợ nhất. Hắn ốm, đau đớn kinh niên đã lâu… tôi không biết. Tôi mong hắn có để lại một bức thư.
– Nhiều vụ tự sát không có thư lưu lại.
– Tôi biết. OK. Lúc này hãy gác Bjorck sang một bên. Đành thế, chả có cách nào hơn.
o O o
Berger không thể cho mình vào ngồi ngay trong phòng làm việc của Morander hay gạt đồ đạc của ông sang bên được. Chị sắp xếp cho Magnusson nói chuyện với gia đình Morander để khi nào thích hợp thì bà vợ ông có thể đích thân, hay cử một ai đó đến chọn lấy đồ đạc của ông về.
Thay vào đó, chị có một bàn làm việc đã được thu dọn sạch sẽ ở trung tâm phòng biên tập, chị sẽ đặt máy tính xách tay ở đó và chỉ đạo. Đang bề bộn. Nhưng trong một hoàn cảnh đáng sợ như thế, ba giờ sau khi chị nắm tay lái của SMP, trang nhất đã đi nhà in. Magnusson đã đặt vào đấy một bài dài bốn cột về cuộc đời và sự nghiệp của Morander. Trang nhất được trình bày quanh một bức chân dung viền đen, gần như chiếm hết nửa trên của trang cùng với bài xã luận viết dở đang của ông ở bên trái và một dải ảnh chạy ngang hết dưới chân trang. Trình bày không đẹp nhưng nó kích động đến đạo đức và tình cảm.
Ngay đúng 6 giờ, khi Berger xem hết các tít bài ở trang hai và đang bàn đến các bài viết với người phụ trách duyệt nội dung thì Borgsjo đi đến chạm vào vai chị. Chị ngửng lên.
– Tôi nói một câu có được không?
Hai người đi ra chỗ để máy pha cà phê trong căng tin.
– Chỉ là vì tôi muốn nói tôi rất thích cách chị nắm công việc hôm nay. Tôi nghĩ chị đã làm tất cả chúng tôi ngạc nhiên đấy.
– Tôi chả còn biết cách nào làm hơn thế. Nhưng trước khi tự đi được, tôi thực sự có thể bị loạng choạng đôi chút.
– Chúng tôi hiểu điều đó.
– Chúng tôi?
– Ý tôi là Ban biên tập và Hội đồng Quản trị. Nhất là Hội đồng Quản trị. Nhưng sau công việc diễn ra hôm nay tôi càng đinh ninh chị là người lý tưởng để cho chúng tôi chọn. Chị đến vừa đúng lúc và chị gánh trách nhiệm trong một tình thế rất khó khăn.
Berger suýt đỏ mặt. Nhưng từ mười bốn tuổi chị đã không biết chuyện này.
– Tôi có thể khuyên chị một điều được không?
– Dĩ nhiên ạ.
– Nghe nói chị không đồng ý với Anders Holm về tít một bài báo.
– Chúng tôi không nhất trí ở góc độ nói về kiến nghị thuế của Chính phủ trong bài báo. Ông ấy cho một ý kiến xen vào tít ở phần tin, cho rằng ý kiến đó là trung lập. Các ý kiến thì nên dành cho trang của Ban biên tập. Còn tôi thì lại đang trông nom chủ đề này… thỉnh thoảng tôi sẽ viết xã luận mà. Nhưng như tôi đã nói với ông, tôi không hoạt động trong một đảng phái nào cho nên chúng ta cần giải quyết vấn đề ai sẽ phụ trách phần Xã luận của báo.
– Lúc này Magnusson có thể nhận được, – Borgsjo nói.
Erika nhún vai:
– Ông chỉ định ai thì với tôi cũng vậy thôi. Nhưng đó phải là một người ủng hộ rõ ràng quan điểm của tờ báo. Họ nên thể hiện ở chỗ ấy chứ không phải ở phần tin.
– Hoàn toàn đúng. Ðiều tôi muốn nói là có lẽ chị nên dành cho Holm chút ít nhân nhượng. ông ấy đã làm việc cho SMPmột thời gian dài và đã phụ trách mảng tin tức trong mười lăm năm. Ông ta có thể đôi khi hay cẳn nhẳn cằn nhằn nhưng Holm là không thể thay được.
– Tôi biết. Morander đã bảo tôi. Nhưng đụng đến chuyện chính sách thì ông ấy phải tuân theo quan điểm của tờ báo. Tôi là người ông thuê để ra tờ báo.
Borgsjo nghĩ một lát rồi nói:
– Lúc nào các vấn đề này nổi lên chúng ta sẽ giải quyết chúng.
o O o
Tối thứ Tư, khi lên chuyến tàu X2000 ở Ga Trung tâm Goteborg, Giannini vừa mệt vừa cáu. Chị cảm thấy như đã mất hết cả tháng ở trên con tàu này rồi. Mua cà phê ở toa ăn, về ghế ngồi, mở hồ sơ các ghi chép về lần trò chuyện cuối cùng với Salander ra. Cô gái này cũng là lý do tại sao chị cảm thấy mệt và cáu.
Cô ta đang giấu điều gì đó. Con ranh rồ dại này không nói với mình sự thật. Cả Mikael cũng đang giấu một cái gì nốt. Chúa mới biết được họ đang chơi cái trò gì.
Chị cũng cả quyết rằng do cho đến nay anh trai chị và thân chủ của chị không giao lưu với nhau, vậy thì âm mưu – nếu đó là một âm mưu – phải là một cam kết im lặng cứ thế mà phát triển tự nhiên. Chị không hiểu đó là chuyện gì nhưng nó phải là một điều mà anh của chị coi là quan trọng, đến mức phải giấu đi.
Chị sợ đó là một vấn đề về đạo đức luân lý, và đó là một trong những chỗ yếu của Blomkvist. Anh là bạn của Salander. Chị biết anh của chị. Chị biết rằng một khi anh đã kết ai làm bạn thì anh trung thành đến mức liều lĩnh, dù cho người bạn có khiếm khuyết lù lù và không sao kham nổi. Chị cũng biết anh có thể chấp nhận một số điều ngu ngốc của bạn bè nhưng có một ranh giới và nó không thể bị vi phạm. Xem vẻ mỗi người chấp nhận được một mức ranh giới đến đâu là cho phép, nhưng chị biết Blomkvist đã cắt đứt hoàn toàn với những người trước đó là bạn thân chỉ vì họ đã làm điều gì đó mà anh coi là vượt rào. Và anh không lung lay. Ðã đoạn tuyệt là mãi mãi.
Giannini biết anh mình nghĩ gì ở trong đầu. Nhưng chị không hiểu Salander đang làm gì. Ðôi khi chị nghĩ chẳng có chuyện gì xảy ra ở cô gái hết.
Chị kết luận Salander có lẽ tính khí thất thường, thu mình lại. Cho đến khi gặp cô gái thì Giannini cho là cần phải có giờ có lúc và vấn đề là tranh thủ được lòng tin của cô gái. Nhưng sau một tháng chuyện trò – không tính hai tuần đầu kể như bỏ đi vì miệng Salander khó mà nói năng – giao tiếp giữa họ vẫn rõ ràng là đơn phương.
Ðôi lúc Salander có vẻ trầm uất nặng, không mảy may nào thiết đến việc giải quyết tình cảnh hiện tại hay tương lai của mình. Đơn giản là cô không nắm bắt lấy cơ hội hay không biết rằng phải để cho luật sư thâm nhập mọi điều thì mới có thể bảo vệ mình một cách hiệu quả được. Luật sư không thể làm việc mà cứ mù mà mù mờ.
Salander lại lì xì và thường lặng thinh. Khi phải nói điều gì thì nghĩ rõ là lâu và chọn chữ nghĩa rõ là kỹ. Thường thường không trả lời, đôi khi lại trả lời vào một câu mà Giannini đã hỏi từ mấy hôm trước. Trong các lần cảnh sát thẩm vấn, Salander đều ngồi lì im lặng, nhìn thẳng ra trước mặt. Hiếm lắm cô mới nói một lời với cảnh sát, như ngoại lệ vậy. Các ngoại lệ này là vào những dịp thanh tra Erlander hỏi cô những điều cô biết về Niedermann. Lúc ấy cô ngước nhìn ông, trả lời thoải mái từng câu. Ông đổi đề tài, cô lại thờ ơ.
Giannini biết Salander có nguyên tắc là không nói chuyện với nhà chức trách. Trong trường hợp hiện giờ, điều đó có lợi. Tuy luôn giục thân chủ trả lời các câu cảnh sát hỏi, nhưng trong lòng chị lại thích sự im 1ặng của Salander. Ðó là một im lặng đích đáng. Nó không có điều gì dối trá có thể khiến cho cô bị lôi thôi và cũng không có những lời lẽ mâu thuẫn khiến cho cô phải xấu mặt trước tòa.
Nhưng chị ngạc nhiên với việc Salander sao lại có thể điềm đạm bình thản đến thế được. Khi chỉ có hai người, chị đã hỏi sao cô lại từ chối trả lời cảnh sát, kiểu như rất muốn trêu ngươi họ vậy.
– Tôi có nói gì thì họ lại bẻ queo rồi đem ra chống lại tôi.
– Nhưng nếu cô không tự thanh minh thì rồi đằng nào cô cũng có nguy cơ bị kết tội.
– Thế nào thì rồi cũng ra thế cả thôi mà. Tôi không gây nên những sự rắc rối này. Còn nếu họ muốn kết tội tôi thì đó không phải là chuyện của tôi.
Cuối cùng Salander đã nói rõ lại với luật sư của mình gần hết mọi chuyện xảy ra ở Stallarholmen. Tất cả trừ một cái. Cô không giải thích tại sao Magge Lundin lại chỉ bị bắn vào chân. Chị muốn hỏi muốn hoạnh thế nào, Salander vẫn cứ mỉm nụ cười khó hiểu nhìn chị.
Cô cũng nói với Giannini những gì xảy ra ở Gosseberga. Nhưng cô không nói chút nào về việc tại sao cô lại săn lùng bố mình đến tận sào huyệt của ông ta. Cô chủ tâm đến để giết ông ta – như công tố viên tuyên bố – hay cốt để nói cho ông ta nghe ra điều phải trái?
Khi Giannini nêu chuyện Nils Bjurman, người giám hộ trước kia, Salander chỉ nói cô không phải là người bắn hắn. Vụ án mạng đặc biệt này không còn là một trong các tội người ta buộc cho cô nữa. Khi Giannini chạm tới vai trò của bác sĩ Teleborian trong bệnh viện tâm thần hồi 1991, đỉnh điểm của toàn bộ chuỗi sự kiện, thì Salander lại chìm vào im lặng hoàn toàn, đến mức ngỡ như cô sẽ lại không còn thốt ra một lời nào nữa.
Thế này thì chẳng đưa ta được đến đâu hết cả, Giannini khẳng định. Nếu cô ấy không tin ta thì ta sẽ thua tòa mất thôi.
o O o
Salander ngồi ở bên giường, nhìn ra ngoài cửa sổ. Cô có thể trông thấy tòa nhà cao tầng ở phía bên kia bãi đỗ xe. Đã một giờ trôi qua từ khi Giannini đóng sầm cửa nhào ra, Salander ngồi im lìm, không bị quấy rầy. Cô lại đau đầu nhưng nhẹ và cách quãng. Nhưng cô cảm thấy không yên.
Cô giận Giannini. Theo con mắt hành nghề, cô có thể thấy tại sao chị luật sư lại cứ nhắc đi nhắc lại hoài những chi tiết về quá khứ của cô. Về lý, cô hiểu việc đó. Giannini cần nắm rõ mọi sự việc. Nhưng cô không muốn nói chút nào về tình cảm hay hành động của cô. Đời cô là việc của riêng cô. Bố cô là một kẻ bạo dâm bệnh hoạn, một tên giết người thì đâu có phải lỗi của cô. Anh cô là một tên giết người thì cũng đâu cô phải lỗi của cô chứ. Và ơn Chúa, không ai biết hắn là anh ruột cô, nếu không thì chắc chắn người ta sẽ nắm lấy chuyện này để chống lại cô, vì sớm muộn thế nào người ta cũng làm cuộc đánh giá tâm thần. Cô không phải là người giết Dag Svensson và Mia Johansson. Cô không chịu trách nhiệm về việc chỉ định một người giám hộ mà rồi hóa ra lại là một con lợn, một tên hiếp dâm.
Thế nhưng chính cuộc đời cô lại sắp bị phơi bày hết cả ra. Cô sẽ buộc phải nói rõ về mình và xin tha thứ vì cô phải tự bảo vệ lấy mình.
Cô chỉ mong được để cho yên thân. Và nếu được như thế thì cô là người sẽ phải sống với chỉ bản thân mình. Cô không trông chờ một ai đó làm bạn. Nhiều phần chắc chắn là Anika Trời đánh Giannini đứng về phía cô nhưng đó là tình bạn nghề nghiệp của một người chuyên nghiệp đang làm luật sư cho cô. Kalle Hăng máu Blomkvist đang ở đâu đó ngoài kia – vì một lý do nào đó Giannini nói dè dặt về anh mình – còn Salander thì không bao giờ hỏi. Cô không trông chờ bây giờ mình sẽ được anh hoàn toàn quan tâm đến vì vụ giết Svensson đã được giải quyết và Blomkvist thì có bài báo của anh.
Cô nghĩ sau khi tất cả các chuyện này xảy ra thì Armansky sẽ nghĩ về cô như thế nào đây.
Cô nghĩ Holger Palmgren sẽ nhìn nhận tình hình này ra sao.
Theo Giannini thì cả hai đều nói ủng hộ cô nhưng đó là lời nói. Hai ông có thể không làm gì cả để giải quyết các vấn đề riêng của cô.
Cô nghĩ Miriam Wu thì cảm thấy sao về cô.
Cô nghĩ đến cái điều cô vẫn nghĩ về bản thân, đã nghĩ ra điều đó và đi đến chỗ nhận ra rằng cô cảm thấy hoàn toàn dửng dưng về toàn bộ cuộc đời mình.
Cô bị phá ngang khi người canh gác của An ninh Securitas mở khóa cửa để bác sĩ Jonasson vào.
– Chào Salander. Hôm nay cô thấy sao?
– OK, – cô nói.
Ông xem biểu đồ theo dõi thể trạng của cô, thấy cô đã hết sốt. Cô đã quen với các lần thăm khám của ông, mỗi tuần hai lần. Trong tất cả những người đụng chạm và ấn nắn cô, ông là người duy nhất cô cảm thấy chừng nào có tin cậy. Cô không cảm thấy ông nhìn cô bằng con mắt kỳ lạ. Ông đến phòng cô, chuyện đôi ba lúc và khám, kiểm tra tiến bộ của cô. Ông không hỏi cô về Niedermann và Zalachenko hay hỏi liệu cô có bị hâm hâm hay tại sao cảnh sát lại nhốt cô. Ông hình như chỉ quan tâm tới các cơ bắp của cô chúng làm việc thế nào, vết thương ở não lành lại ra sao và nói chung cô cảm thấy thế nào.
Ngoài ra, ông đã, ở nghĩa đen, vọc tay vào não cô. Ai đã sờ lần loanh quanh vào trong não của bạn rồi thì bạn cần phải đối xử kính trọng người đó chứ. Cô ngạc nhiên thấy mình thích các lần thăm khám của bác sĩ mặc dù ông ấn ấn nắn nắn và mải chú ý quá đến biểu đồ thể trạng của cô.
– Nếu tôi khám thì cô có sao không?
Ông khám như thường lệ, xem con ngươi cô, nghe cô thở, bắt mạch, đo huyết áp và kiểm tra xem cô nuốt thế nào.
– Tôi sao chứ?
– Cô đang trên đường hồi phục. Nhưng cô phải tập tành hăng hơn. Và cô đang tự ý bóc vẩy vết thương ở trên đầu. Cô phải thôi ngay. – ông ngừng lại. – Tôi có thể hỏi một câu hơi riêng tư được không?
Cô nhìn ông. Ông chờ tới khi cô gật.
– Cái con rồng xăm kia… làm thế nào mà có được thế?
– Trước kia ông chưa thấy bao giờ ư?
Thình lình ông mỉm cười.
– Thật tình tôi đã liếc vào đó nhưng là khi cô không có áo quần mà tôi thì còn đang mải cầm máu và lấy viên đạn ra cho cô.
– Tại sao ông hỏi?
– Tò mò, không gì khác.
Salander nghĩ một lát. Rồi cô nhìn ông.
– Tôi xăm nó vì những lý do không thể nói ra được.
– Quên chuyện tôi hỏi đi nhé.
– Ông có muốn xem nó không?
Ông nom vẻ ngạc nhiên.
– Chắc chắn là có chứ. Tại sao không nhỉ?
Cô quay lưng lại, kéo chiếc áo dài của bệnh viện lên quá vai. Cô xoay ngồi cho ánh sáng ngoài cửa sổ chiếu vào đúng lưng cô. Ông nhìn con rồng của cô. Cái hình đẹp và xăm giỏi, một tác phẩm nghệ thuật.
Một lúc sau cô quay lại.
– Thỏa mãn chứ?
– Đẹp. Nhưng chắc là đau kinh khủng đấy.
– Vâng, – Cô nói. – Đau.
o O o
Jonasson có phần bối rối rời buồng Salander. Ông hài lòng vì cô tiến bộ trong việc phục hồi chức năng cơ thể. Nhưng ông không thể hiểu nổi cô gái kỳ dị này. Ông không cần có bằng thạc sĩ tâm lý học để biết rằng cô gái này rất không ổn về mặt cảm tính. Giọng cô nói với ông là lễ độ, nhưng mang đầy ngờ vực. Ông cũng hiểu rằng cô lễ độ với tất cả nhân viên bệnh viện nhưng khi cảnh sát tới gặp thì cô lại không nói một lời. Cô giam mình vào trong cái vỏ ốc của cô, giữ khoảng cách với những người xung quanh.
Cảnh sát đã khóa cửa buồng cô ở bệnh viện, một công tố viên thì có ý khép cô vào tội mưu sát và gây thương tích nặng trên cơ thể. Ông ngạc nhiên sao một cô gái bé nhỏ, gầy guộc lại có sức mạnh vật chất để làm nổi cái loại tội ác tàn bạo này, đặc biệt sự bạo hành ấy lại chĩa thẳng vào những người đàn ông trưởng thành hẳn hoi.
Ông đã hỏi về con rồng xăm, hy vọng tìm ra một chủ đề riêng tư mà ông có thể bàn với cô. Ông không đặc biệt quan tâm tại sao cô lại trang điểm cho mình theo cách đó, nhưng ông cho rằng đo cô đã chọn cách xăm đáng ngạc nhiên đó, thì chắc là nó phải có một ý nghĩa nào đó với cô. Ông nghĩ đơn giản rằng đó là một cách mở đầu một cuộc chuyện trò.
Các lần ông đến thăm cô là nằm ngoài kế hoạch của ông, vì việc này đã được trao cho bác sĩ Endrin. Nhưng bác sĩ Jonasson là người đứng đầu đơn vị chấn thương và ông tự hào về công việc ông đã hoàn thành cái đêm người ta đem Salander đến bộ phận Sơ Cứu & Cấp cứu ấy. Ông đã có quyết định đúng cũng như chọn cách lấy viên đạn ra. Như hiện nay ông có thể thấy, Salander không có những biến chứng ở dạng lú lẫn trí nhớ, chức năng cơ thể giảm sút hay các khuyết tật khác do vết thương. Nếu tiếp tục lành lặn theo đà này, cô sẽ rời bệnh viện với một vết sẹo ở sọ nhưng không trông thấy có tổn thất nào khác. Những vết sẹo trong tâm hồn cô lại là chuyện khác.
Trở về văn phòng mình, ông thấy một người mặc một bộ sẫm màu đứng tựa tường ở ngoài cửa. Ông ta có mái tóc dày và bộ râu tỉa tót công phu.
– Bác sĩ Jonasson phải không?
– Vâng?
– Tôi là Peter Teleborian. Tôi là bác sĩ trưởng ở bệnh viện tâm thần Thánh Stefan.
– Vâng, tôi nhận ra ông.
– Tốt. Tôi muốn nói chuyện riêng với ông nếu ông có thì giờ.
Jonasson mở khóa cửa đưa ông khách vào.
– Tôi giúp ông thế nào được đây?
– Chuyện liên quan đến một trong các bệnh nhân của ông, Lisbeth Salander. Tôi cần tham cô ấy.
– Ông phải xin phép công tố viên. Cô ấy đang bị bắt giữ nên cấm khách thăm viếng. Rồi ai xin thăm hỏi cũng phải báo trước cho luật sư của Salander.
– Vâng, vâng tôi biết. Tôi nghĩ chúng ta có thể cần bỏ qua tất cả các chuyện quan liêu giấy tờ ở trong vụ này. Tôi là bác sĩ cho nên đứng trên cơ sở y tế ông có thể cho tôi cơ hội thăm khám cô ấy.
– Vâng, chắc là có thể làm như thế được nhưng tôi không biết mục đích của ông.
– Trong nhiều năm tôi là bác sĩ tâm thần của Lisbeth Salander, khi cô ấy được pháp luật đưa vào Thánh Stefan. Tôi theo dõi cô ấy cho tới khi cô ấy sang tuổi mười tám thì tòa án quận cho cô ấy trở về với xã hội, dù vẫn phải chịu chế độ giám hộ. Có lẽ tôi cần nói rằng tôi phản đối việc này. Từ ngày đó cô ấy được phép trôi nổi vô mục đích và hậu quả thì đấy, hôm nay mọi người đều đã thấy.
– Thật thế ư?
– Vẫn cảm thấy phải chịu trách nhiệm lớn với cô ấy, tôi muốn nắm lấy cơ hội này để kiểm tra xem trong hơn mười năm qua đã xảy ra bao nhiêu sa sút ở cô ấy.
– Sa sút?
– Là so với lúc cô ấy còn là một thiếu nữ mười mấy tuổi được chữa chạy đúng cách thức. Tôi nghĩ ở đây giữa cánh bác sĩ với nhau chúng ta có thể đi đến một thông cảm.
– Vậy trong lúc tôi vừa mới nghe xong, có lẽ… ông có thể giúp tôi ở cái vấn đề mà tôi hoàn toàn không hiểu, tức là giữa cánh bác sĩ với nhau, nghĩa là như vậy. Khi cô ấy được đưa vào bệnh viện Sahlgrenska, tôi khám sức khỏe toàn diện cho cô ấy. Một bạn đồng sự lại đã nhắn xin một biên bản pháp y cho người bệnh. Biên bản này do bác sĩ Jesper H. Loderman ký tên.
– Ðúng. Khi bác sĩ Loderman đang làm việc đó thì tôi là trợ lý của ông ấy.
– Tôi hiểu. Nhưng tôi nhận thấy biên bản này mơ hồ đến cùng cực.
– Thật thế ư?
– Nó không có hội chẩn. Nó có vẻ giống như một bản nghiên cứu học thuật về một bệnh nhân cứ khăng khăng không chịu nói.
Teleborian cười to.
– Vâng, làm việc với cô này thì chắc chắn là không dễ rồi. Như trong biên bản đã nói đấy, cô ấy một mực từ chối chuyện trò với bác sĩ Loderman. Kết quả là ông ấy buộc phải diễn đạt khá là không chính xác. Điều này về phần ông ấy là hoàn toàn đúng thôi.
– Thế nhưng lại khuyến cáo đưa cô ấy vào bệnh viện?
– Cái đó là căn cứ vào tiền sử của cô ấy. Bệnh học của cô ấy đã được sưu tập qua nhiều năm và chúng tôi có kinh nghiệm với nó.
– Đó chính là điều tôi không hiểu. Khi Salander ấy nhập viện, chúng tôi đã nhắn xin bệnh viện Thánh Stefan một bản sao hồ sơ của cô ấy. Nhưng chúng tôi vẫn không nhận được.
– Tôi xin lỗi về chuyện ấy, nhưng nó đã được phân loại là Tối Mật theo lệnh của tòa án quận.
– Và nếu các biên bản về cô ấy mà chúng tôi không thể vào nổi thì bảo chúng tôi chữa chạy đúng đắn cho cô ấy như thế nào được đây? Trách nhiệm y tế đối với các quyền lợi của cô ấy bây giờ là thuộc về chúng tôi, không về ai khác cả.
– Tôi chăm sóc cho cô ấy từ năm cô ấy mười hai tuổi và tôi nghĩ ở Thụy Ðiển không có bác sĩ nào khác hiểu biết điều kiện bệnh tật của cô ấy như tôi.
– Mà cái đó là…
– Salander bị rối loạn tâm thần nghiêm trọng. Tâm thần học, như ông biết, không phải là một khoa học chính xác. Tôi do dự tự bắt mình phải khuôn vào làm cho được một hội chẩn chính xác nhưng cô ấy có những ảo giác mang các đặc điểm tâm thần phân lập hoang tưởng rõ rệt. Trạng thái lâm sàng của cô gồm có các thời kỳ trầm uất điên loạn và cô ấy thiếu sự đồng cảm.
Jonasson nhìn đăm đăm bác sĩ Teleborian trong mười giây rồi nói:
– Tôi sẽ không tranh luận về hội chẩn với ông, thưa bác sĩ Teleborian, nhưng đã từng có lúc nào ông tính đến chuyện làm một hội chẩn đơn giản hơn và có ý nghĩa chưa?
– Như?
– Như hội chứng Asperger. Dĩ nhiên tôi không có làm công việc đánh giá tâm thần cho cô ấy nhưng nếu tôi phải đánh bạo tự đưa ra một ức đoán thì tôi sẽ nghĩ đến một dạng tự kỷ nào đó. Như thế giải thích được hiện tượng cô ấy không có khả năng quan hệ với các quy ước xã hội.
– Tôi xin lỗi nhưng các bệnh nhân Asperger nói chung là không có thiêu sống bố mẹ. Tin tôi đi, tôi chưa bao giờ gặp được định nghĩa nào rõ ràng về một bệnh nhân tâm thần với chứng thù ghét xã hội như ở cô gái này.
– Tôi coi cô ta là thu mình lại chứ không phải là một bệnh nhân hoang tưởng thù ghét xã hội.
– Cô ta cực kỳ cuốn hút, – Teleborian nói. – cô ấy hành động theo cách cô ấy nghĩ rằng ông chờ đợi cô ấy sẽ hành động theo cái cách ấy.
Jonasson cau mày. Teleborian đang mâu thuẫn lại với những điều ông nói về Salander. Nếu như có một điều nào khiến cho Jonasson cảm thấy yên dạ về cô gái thì đó là cô ấy chắc chắn không hề muốn cuốn hút. Trái lại, cô ấy là người bướng bỉnh giữ khoảng cách với những người xung quanh và không để lộ ra một xúc động nào hết. Ông đã thử cho bức tranh mà Teleborian đang vẽ đây hòa hợp với hình ảnh của riêng ông về Salander.
– Ông mới chỉ thấy cô ấy trong một thời gian ngắn, lúc cô ấy bị buộc phải thụ động vì đang bị thương. Tôi đã chứng kiến những cơn hung hăng nổ ra thình lình và lòng thù ghét vô lý của cô ấy. Tôi đã bỏ ra nhiều năm cố giúp Lisbeth Salander. Đó là vì sao mà tôi lại ở đây. Tôi đề nghị bệnh viện Sahlgrenska hợp tác với Thánh Stefan.
– Ông nói đến hợp tác nào vậy chứ?
– Ông chịu trách nhiệm về điều kiện y tế cho cô ấy và tôi tin chắc rằng cô ấy đã nhận được sự chăm sóc tốt đẹp nhất. Nhưng tôi hết sức lo lắng cho tình trạng tâm thần của cô ấy, và tôi muốn mình được cho dung nhận ngay từ đầu. Tôi sẵn sàng cung cấp mọi sự giúp đỡ trong phạm vi khả năng của tôi.
– Tôi hiểu.
– Vậy tôi cần thăm cô ấy để đánh giá sớm từ đầu bệnh tình cô ấy.
– Chỗ này không may tôi lại không giúp được ông.
– Xin lỗi ông sao ạ?
– Tôi đã nói, cô ấy đang bị bắt giữ. Nếu ông muốn mở ra bất cứ điều trị tâm thần nào cho cô ấy, thì ông sẽ phải nộp đơn lên công tố viên Jervas ở Goteborg đây. Bà công tố viên là người ra quyết định về các việc này. Và phải làm, tôi nhắc lại, với sự hợp tác của luật sư của cô ấy, Annika Giannini. Còn nếu là chuyện biên bản tâm thần pháp y thì lúc ấy Tòa án quận sẽ cấp giấy bảo lãnh cho ông.
– Thì chính là tôi lại muốn tránh các thứ thủ tục quan liêu giấy tờ này.
– Tôi hiểu, nhưng tôi chịu trách nhiệm về cô ấy, nếu sắp tới đây cô ấy bị đưa ra tòa thì chúng tôi cần có tài liệu về mọi biện pháp mà chúng tôi đã dùng đến. Cho nên tôi buộc phải tuân theo các thủ tục quan liêu.
– Ðược. Vậy tôi cũng có thể báo ông rằng tôi đã nhận được một ủy quyền chính thức của công tố viên Ekstrom ở Stockholm để làm một báo cáo pháp y về tâm thần cô ấy. Tòa xét xử vụ này sẽ cần liên quan đến báo cáo đó.
– Vậy thì ông có thể xin được giấy phép chính thức vào thăm cô ấy qua các kênh thích hợp chứ đừng lờ đi các quy tắc điều hành.
– Nhưng trong khi chúng ta mải chạy tới chạy lui với tệ quan liêu thì có cơ bệnh tâm thần của cô cứ tiếp tục sa sút. Tôi chỉ là bận tâm đến hạnh phúc của cô ấy thôi.
– Tôi cũng vậy, – Jonasson nói. – Còn giữa chúng ta với nhau, tôi có thể nói là tôi không thấy dấu hiệu gì về bệnh tâm thần hết. Cô ấy đã bị đối xử tồi tệ và luôn chịu nhiều sức ép. Nhưng tôi không thấy bất kỳ bằng chứng nào về bệnh tâm thần phân lập hay hoang tưởng tâm thần ở cô ấy cả.
o O o
Nhận ra là mãi vẫn không thuyết phục nổi được Jonasson thay đổi ý kiến, Teleborian đứng phắt dậy bỏ đi.
Jonasson ngồi một lúc, nhìn chiếc ghế Teleborian vừa ngồi. Các bác sĩ khác thường không hay tiếp xúc ông để khuyên bảo hay góp ý về điều trị. Nhưng chuyện này thường chỉ xảy ra với các bệnh nhân mà bác sĩ riêng đang trông coi việc điều trị cho bệnh nhân. Trước đây ông chưa thấy một bác sĩ tâm thần nào hạ cánh xuống như một quả khí cầu rồi ít nhiều cứ yêu cầu cho vào gặp bệnh nhân, lờ hết mọi thủ tục, hơn nữa một bệnh nhân mà rõ ràng nhiều năm rồi ông ta không hề điều trị. Một lát sau, Jonasson liếc đồng hồ thấy đã gần 7 giờ. Ông nhấc điện thoại gọi Martina Karlgren, một bác sĩ tâm lý ở Sahlgrenska, người đã được bố trí để có thể sẵn sàng xử lý các bệnh nhân bị thương.
– Chào. Tôi cho là tan tầm bà về rồi. Tôi có quấy quả bà không?
– Không hề gì. Tôi ở nhà đang làm mấy thứ vớ vẩn.
– Tôi tò mò về một điều này. Bà đã nói chuyện với bệnh nhân nổi tiếng của chúng ta, Lisbeth Salander. Bà có thể nói cảm tưởng của bà về cô gái ấy không?
– À, tôi thăm khám cho cô ấy ba lần, được cho nói chuyện với cô ấy. Lần nào cô ấy cũng kiên quyết từ chối nhưng lịch sự.
– Cảm tưởng của bà về cô ấy thế nào?
– Ông định nói gì?
– Martina, tôi biết bà không phải là nhà tâm thần học nhưng bà thông minh, nhạy cảm. Bà thấy cảm tưởng chung của bà về bản chất, về trạng thái tinh thần của cô ấy là gì?
Suy nghĩ một lúc, Karlgren nói:
– Tôi không dám trả lời chắc chắn câu hỏi này như thế nào. Tôi gặp cô ấy hai lần ngay sau khi cô ấy nhập viện nhưng cô ấy đang trong tình trạng đau đớn như thế cho nên tôi chưa thực sự tiếp xúc với cô ấy được. Rồi một tuần trước tôi gặp cô ấy theo yêu cầu của Helena Endrin.
– Tại sao Endrin lại bảo bà thăm khám cho cô ấy?
– Salander bắt đầu khôi phục sức khỏe. Cô ấy cứ nằm ngửa nhìn trần suốt. Bác sĩ Endrin muốn tôi ngó xem cô ấy.
– Thế xảy ra chuyện gì?
– Tôi tự giới thiệu. Chúng tôi nói chuyện chừng hai ba phút. Tôi hỏi cô ấy cảm thấy trong người ra sao, liệu có cần ai để chuyện trò không. Cô ấy nói không cần. Tôi hỏi liệu tôi có thể giúp gì cho cô ấy không. Cô ấy nhờ tôi mang lậu vào cho một bao thuốc lá.
– Cô ấy cáu giận hay thù nghịch?
– Không, tôi không nói thế. Cô ấy bình tĩnh nhưng giữ khoảng cách. Tôi cho cái chuyện nhờ mang thuốc lá là đùa chứ không phải là nhu cầu thực sự. Tôi hỏi có muốn đọc cái gì không, liệu tôi có thể mang cho sách báo gì đó không. Lúc đầu cô ấy bảo không nhưng sau thì hỏi tôi có báo khoa học bàn về di truyền học và nghiên cứu về não không.
– Bàn về gì?
– Di truyền học.
– Di truyền học?
– Vâng. Tôi bảo ở thư viện bệnh viện có mấy quyển khoa học phổ thông về vấn đề này. Cô ấy không thích loại đó. Cô nói trước kia đã đọc các sách về đề tài này và cô kể ra vài quyển tiêu chuẩn mà tôi chưa nghe đến bao giờ. Cô ấy thích nghiên cứu thuần túy ở lĩnh vực này hơn.
– Trời đất cha mẹ ơi!
– Tôi nói chắc ở trong thư viện bệnh nhân chúng tôi không có các sách tiên tiến hơn thế. Chúng tôi có nhiều Philip Marlowe 1 hơn là văn chương khoa học. Nhưng tôi sẽ xem có thể moi ra được cái gì không.
– Bà có làm được không?
– Tôi lên gác mượn vài quyển tạp chí Nature và New England Journal of Medicine. Cô ấy hào hứng, cảm ơn tôi đã phải mất công.
– Nhưng các tạp chí này phần lớn là đăng các bài báo có tính bác học và nghiên cứu thuần túy.
– Cô ấy đọc mà thú vị ra mặt.
Jonasson không nói nên lời một lúc.
– Thế bà đảnh giá não trạng cô ấy sao?
– Giữ mình co lại. Cô ấy không nói gì về bản tính cá nhân với tôi.
– Bà có cảm thấy cô ấy bị bệnh tâm thần không? Trầm uất bất thường hay hoang tưởng gì đó?
– Không, không, không hề. Nếu nghĩ thế tôi đã rung chuông báo động. Cô ấy tính khí lạ lùng, cái này thì không còn nghi ngờ gì rồi; và cô ấy có những vấn đề lớn cũng như phải chịu đựng sức ép. Nhưng cô ấy bình tĩnh và thực tế, có vẻ đương đầu lại được với tình cảnh của mình. Sao ông hỏi thế? Xảy ra chuyện gì ư?
– Không, chẳng xảy ra chuyện gì. Tôi chỉ là tìm hiểu cô ấy, thế thôi.
Chú thích
1 Nhân vật trong tiểu thuyết trinh thám và hình sự của nhà văn Mỹ Raymond Chandler (1888 – 1959).