Cô Gái Chọc Tổ Ong Bầu

PHẦN I: KHÚC INTERMEZZO TRONG HÀNH LANG – CHƯƠNG 1



8 – 12 THÁNG TƯ
Người ta ước chừng có sáu trăm phụ nữ phục vụ trong Nội chiến Mỹ. Họ cải trang nam giới để tòng quân. Hollywood đã bỏ sót ở đây một chương lý thú về lịch sử văn hóa – hay vì xử lý về ý thức hệ với đoạn lịch sử này khó quá? Các sử gia vẫn hay đấu tranh để xử lý những phụ nữ không tôn trọng sự phân biệt giới tính, mà sự phân biệt này thì không ở đâu sắc nét bằng trong chiến đấu vũ trang. (Ngay bây giờ, việc một phụ nữ săn nai sừng tấm theo kiểu điển hình Thụy Điển cũng có thể gây tranh cãi rồi).
Nhưng từ cổ chí kim đã có rất nhiều câu chuyện về các nữ chiến binh, về các Amazon. Những người nổi tiếng nhất đã tìm đường đi vào sử sách như những nữ hoàng chiến đấu, những nhà cai trị cũng như những nhà lãnh đạo. Họ là: các Semiramis ở Niveheh, những người từng định hình nên Đế quốc Assyria; và Boudicca, người đã lãnh đạo một trong những cuộc nổi dậy đẫm máu nhất của người Anh chống lại các lực lượng La Mã chiếm đóng. Hãy kể hai việc đó thôi, họ đã bị buộc phải hành động như bất kỳ Churchill, Stalin hay Roosevelt nào. Boudicca đã được vinh danh bằng một pho tượng trên sông Thames, đặt ở cầu Westminster, đối diện ngay với tháp đồng hồ Big Ben. Hãy nhớ chào bà ấy nếu bạn có tình cờ qua đó nhé.
Mặt khác, lịch sử lại khá xẻn lời với những phụ nữ là lính tráng bình thường, những người mang vũ khí, ở trong các trung đoàn và cũng góp phần đánh chác ngang thưng như đàn ông. Hiếm có một cuộc chiến tranh nào được tiến hành mà lại thiếu vắng nữ binh trong các hàng quân.
 
o O o
 
Thứ sáu, 8 tháng Tư
Nữ y tá Nicander đánh thức bác sĩ Jonasson năm phút trước lúc chiếc máy bay lên thẳng hạ xuống theo hẹn. Đúng 1 giờ 30 sáng.
– Gì vậy? – Ông hỏi, ngơ ngác.
– Trực thăng của Sở Cấp cứu đang đến. Hai người bệnh. Một đàn ông bị thương và một phụ nữ trẻ. Người phụ nữ bị súng bắn.
– Được. – Jonasson mệt mỏi nói.
Ông cảm thấy váng vất tuy mới chỉ ngủ nửa giờ. Ông làm ca đêm trong bộ phận Sơ cứu & Cấp cứu tại bệnh viện Sahlgrenska ở Goteborg. Buổi tối ấy vất vả. Do ông đến làm việc vào lúc 6 giờ tối, bệnh viện đã nhận bốn nạn nhân của một vụ đâm xe ở ngoài Lindome. Một người đã tắt thở trên đường đến bệnh viện. Ông đã chữa chạy cho một nữ chiêu đãi viên bị bỏng chân trong một tai nạn ở một khách sạn trên đường Avenin và ông đã cứu sống một bé trai bốn tuổi nhập viện trong tình trạng khó thở vì nuốt phải một cái bánh xe hơi đồ chơi. Ông đã khâu vá cho một cô gái đạp xe vào một cái rãnh mà thợ làm đường đã đào lên ở gần đoạn cuối của con đường dành cho xe đạp; hàng rào cảnh báo đã đổ xuống hố. Cô bị khâu mười bốn mũi ở mặt và sẽ cần đến hai chiếc răng cửa mới. Jonasson cũng đã khâu trở lại ngón tay cái cho một thợ mộc hăng hái chẳng hiểu xoay xở thế nào mà đã tự chặt vào tay mình.
Đến 12 giờ 30, luồng các ca cấp cứu dồn dập đã vãn. Ông làm một vòng kiểm tra tình hình các bệnh nhân của mình rồi quay về phòng ngủ của nhân viên, cố nghỉ ngơi chốc lát. Ông trực cho đến 6 giờ sáng, không ngủ mấy dù không có bệnh nhân cần cấp cứu. Nhưng lần này vừa tắt đèn, ông lăn ra ngủ ngay.
Cô y tá Nicander đưa cho ông tách trà. Cô không được biết một chi tiết nào về các ca vừa đến.
Jonasson nhìn thấy ánh chớp trên biển. Ông biết máy bay trực thăng đang đến đúng hẹn. Thình lình một trận mưa nặng hạt quất lên cửa sổ. Cơn dông đang chuyển dịch đến Goteborg.
Ông nghe thấy tiếng trực thăng và nhìn nó hạ xuống bãi đổ trong cơn dông. Ông nín thở một thoáng giây khi viên phi công có vẻ khó kiểm soát chiếc máy bay. Rồi nó biến khỏi tầm mắt ông và ông nghe thấy động cơ chậm lại để hạ cánh. Ông uống vội một ngụm trà và đặt tách xuống.
 
o O o
 
Jonasson gặp họ ở khu tiếp nhận cấp cứu. Bác sĩ trực cùng ông, Katarina Holm, đón một bệnh nhân ngồi xe lăn vào – một ông già đầu băng bó, mặt có vẻ bị một vết thương nặng. Bệnh nhân thứ hai, cô gái bị bắn, thì dành cho Jonasson. Ông lướt mắt xem xét nhanh: nom cô ta trạc mười mấy, đầy đất cát và máu me, bị thương nghiêm trọng. Ông nhấc tấm chăn Sở Cấp cứu quấn quanh người cô ra, nhìn thấy các vết thương ở hông và đùi cô đã được băng bó bằng băng dính vải, ông coi việc này là một ý khá thông minh. Kiểu băng này ngăn vi trùng ở ngoài vào và giữ máu ở trong chảy ra. Một viên đạn đã vào phía ngoài của hông cô gái rồi đi thẳng qua bắp. Ông nhè nhẹ nâng vai cô gái lên tìm đầu vào của vết thương ở lưng. Vết thương không có đầu ra: viên đạn vẫn còn ở trong vai cô gái. Ông hy vọng nó không vào phổi cô và do không thấy miệng người phụ nữ có máu, ông kết luận chắc là nó không vào.
– X-quang. – ông bảo cô y tá chờ bên. Ông chỉ cần nói có thế.
Rồi ông cắt bỏ lớp băng mà đội cấp cứu đã quấn quanh sọ cô gái. Ông rợn người khi trông thấy đầu vào một vết thương khác. Cô gái bị bắn vào đầu và ở đây vết thương cũng không có đầu ra.
Bác sĩ Jonasson ngừng một giây, nhìn xuống cô gái. Ông thấy nản. Ông thường mô tả công việc của mình giống như việc của người giữ gôn bóng đá. Ngày ngày người ta đến chỗ ông làm việc với những nỗi những cảnh khác nhau nhưng đều chung một mục đích: được cứu giúp. Có thể đó là một bà già lên cơn đau tim mà gục xuống ở trong khu mua sắm Nordstan, hay một cậu bé mười bốn tuổi bị chiếc tua vít xuyên thủng phổi trái, hay một cô gái mười mấy tuổi nổi cơn cuồng vui lên nhảy nhót liền suốt mười tám tiếng đồng hồ rồi đổ quỵ, mặt tím bầm. Họ là nạn nhân của các tai nạn lao động hay lạm dụng thô bạo ở nhà. Họ là những đứa bé bị chó tấn công trên Vasaplatser hay những ông anh tháo vát, chỉ muốn cưa một ít ván gỗ bằng máy cưa Black & Decker mà rồi loay hoay thế nào lại xén thẳng ngay vào cổ tay mình.
Vậy bác sĩ Jonasson là người đứng giữa bệnh nhân và Nhà tang lễ Fonus. Việc của ông là quyết định cần làm gì. Nếu ông quyết định sai, người bệnh có thể chết hay có thể tỉnh dậy tàn phế hết đời. Nói chung ông thường ra quyết định đúng vì đại bộ phận người bị thương có vấn đề rõ ràng và đặc biệt. Một nhát đâm vào phổi hay một vết thương nát nhừ sau một vụ đâm xe đều là những vấn đề vừa đặc biệt vừa có thể nhận ra được mà ông có thể xử lý. Sự sống còn của người bệnh trông vào mức độ tổn thương và tài năng của bác sĩ Jonasson.
Có hai loại vết thương ông ghét. Một là những ca bỏng nặng, vì bất kể ông có dùng đến biện pháp gì đi nữa thì vẫn gần như không thể tránh khỏi là nó cứ sẽ dẫn đến đau đớn hết đời. Loại thứ hai là vết thương ở não.
Cô gái trên bàn mổ có thể sống với một cục chì ở hông và một cục chì ở vai. Nhưng một cục chì ở não thì xét về mức độ nghiêm trọng, đó lại là một chấn thương hoàn toàn khác. Ông chợt nhận ra nữ y tá Nicander vừa mới nói gì đó.
– Xin lỗi, tôi không để ý nghe.
– Là cô ấy đấy.
– Cô nói gì chứ?
– Là Lisbeth Salander. Cô gái mà họ săn lùng trong vài tuần qua, vì ba vụ án mạng ở Stockholm.
Jonasson lại nhìn xuống mặt người bệnh bất tỉnh. Lập tức ông thấy nữ y tá Nicander nói đúng. Nhiều tuần qua, ông và cả Thụy Điển đã xem ảnh hộ chiếu của cô gái ở trên bảng tin bên ngoài mỗi quầy báo. Thì nay chính kẻ giết người lại bị bắn, chắc là một kiểu công bằng ta vẫn thường thấy trong thơ ca gì đây.
Nhưng ông không bận tâm chuyện đó. Vìệc của ông là cứu sống người bệnh, bất kể đó là kẻ đã gây nên ba vụ án mạng hay là người trúng giải Nobel. Hay cùng là cả hai.
 
o O o
 
Rồi cảnh rối rít nhưng có hiệu quả, điều tương tự như ở mọi bộ phận Sơ cứu & Cấp cứu trên khắp thế giới liền diễn ra. Các y bác sĩ thuộc ca bác sĩ Jonasson trực đã vào vị trí dành cho các nhiệm vụ định sẵn của họ. Quần áo của Salander bị cắt bỏ. Một y tá đo huyết áp cô – 100/70 – trong khi bác sĩ đặt ống nghe lên ngực cô nghe nhịp tim. Nó đập đều đến ngạc nhiên nhưng cô thở khá là không bình thường.
Jonasson không do dự xếp ngay Salander vào tình trạng nguy cấp. Với một miếng gạc ở mỗi chỗ, hay thậm chí với miếng băng dính vải mà một đầu óc ngẫu hứng nào đó đã đặt lên trên, các vết thương ở vai và hông cô có thể chờ sau. Cái quan trọng là đầu cô. Jonasson lệnh chụp cắt lớp não với máy quét CT mới và đã cải tiến mà bệnh viện vừa nhận được.
Bác sĩ Anders Jonasson tóc vàng mắt xanh, quê ở Umea bắc Thụy Điển. Ông đã làm việc hai mươi năm ở các bệnh viện Sahlgrenska và Miền Đông, lần lượt là nhà nghiên cứu, nhà bệnh lý học và thuộc bộ phận sơ cứu & cấp cứu. Ông đã làm được những việc khiến đồng nghiệp kinh ngạc và các y bác sĩ thì tự hào được làm việc cùng với ông; ông đã thề không để người bệnh nào chết ở trong ca ông trực và nhờ một điều kỳ diệu nào đó, quả là ông đã giữ được tỉ lệ tử vong ở số không. Dĩ nhiên một vài người bệnh của ông cũng đã bị chết, nhưng luôn là về sau, khi điều trị tiếp theo hay vì những lý do hoàn toàn khác, không liên quan gì đến các mổ xẻ của ông.
Ông có một quan điểm y học đôi lúc phi chính thống. Ông nghĩ bác sĩ thường hay rút ra kết luận mà họ không thể chứng minh được. Điều đó có nghĩa là họ quá dễ bỏ cuộc sớm; vào lúc phải cấp bách lựa chọn thì họ lại bỏ quá nhiều thì giờ ra cố tìm chính xác xem có gì lôi thôi ở người bệnh để quyết định cách chữa trị đúng. Dĩ nhiên đây là thủ tục đúng đắn. Vấn đề là người bệnh đang trong cơn nguy mất mạng mà bác sĩ thì lại cứ suy với tính.
Nhưng xưa nay Jonasson chưa gặp một người bệnh nào bị đạn vào đầu. Xem vẻ nhiều phần ông phải cần đến một bác sĩ mổ não. Ông có đủ kiến thức lý thuyết cần thiết để làm một cuộc ngao du vào não nhưng dẫu gì ông cũng không tự coi mình là một nhà phẫu thuật não. Ông cảm thấy mình không thích hợp nhưng thình lình lại thấy có thể ông sẽ may mắn hơn là ông tưởng. Trước khi cọ rửa tay và mặc quần áo mổ, ông gọi y tá Nicander đến.
– Có một giáo sư Mỹ ở Boston tên là Frank Ellis, làm việc tại bệnh viện Karolinska ở Stockholm. Tình cờ đêm nay ông ta lại ở Goteborg, trú tại Radisson trên đường Avenyn. Ông ta vừa mới thuyết trình về nghiên cứu não. Ông là bạn hẩu của tôi. Cô có thể tìm số điện thoại chỗ ông ấy không?
Jonasson đang chờ kết quả X-quang thì y tá Nicander quay lại với số điện thoại cửa radisson. Jonasson nhấc điện thoại. Người gác đêm ở Radisson rất ngại đánh thức khách vào lúc khuya khoắt thế này và Jonasson đã phải lộ danh tính với một ít lời nói năng chọn lọc về tình hình nghiêm trọng để cho ông có thể gọi được máy.
– Chào Frank, – Jonasson nói khi cuối cùng đầu dây trả lời – Anh có thích đến Sahlgrenska đây giúp tôi mổ một ca ở não không?
– Anh đang chọc tức tôi đấy ư?
Ellis đã sống ở Thụy Điển nhiều năm và nói lưu loát tiếng Thụy Điển – tuy vẫn có giọng Mỹ – nhưng khi Jonasson nói tiếng Thụy Điển với ông thì Ellis luôn đáp lại bằng tiếng mẹ đẻ của mình.
– Tôi tiếc đã bị lỡ mất bài giảng của anh, Frank, nhưng tôi hy vọng sẽ được anh giảng riêng cho tôi. Tôi có một phụ nữ trẻ ở đây, bị bắn vào đầu. Vết thương vào ở trên mang tai trái. Tôi rất cần một ý kiến thứ hai mà không biết hỏi ai tốt hơn.
– Nghiêm trọng như thế sao? – Ellis ngồi lên, tung hai chân ra khỏi giường. Ông dụi mắt.
– Cô ấy hăm tư hăm lăm, vết thương có đầu vào, không có đầu ra.
– Mà vẫn sống?
– Yếu nhưng mạch đều, thở không được đều, huyết áp 100/70. Cô ấy cũng bị một viên đạn vào vai và một viên khác vào hông. Nhưng hai cái này tôi quản được.
– Nghe có vẻ hứa hẹn đấy.
– Hứa hẹn ư?
– Nếu một người bị bắn vào đầu mà vẫn sống thì có dấu hiệu hy vọng.
– Tôi hiểu… Frank, anh có thể kéo tôi ra khỏi được đận này không?
– Lúc tối tôi đi chơi cùng với các bạn thân, Anders. 10 giờ tôi đi ngủ và chắc là trong máu tôi đang có một lượng rượu đáng kể.
– Tôi sẽ tự quyết định lấy và tự mổ. Nhưng tôi cần một ai đó bảo cho nếu như tôi làm phải một chuyện gì đó ngu ngốc. Khi đụng đến vấn đề đánh giá tổn thương của não, một giáo sư Ellis dù có say ngả say nghiêng vẫn cứ là cao hơn tôi mấy bậc.
– OK.
– Tôi gọi taxi chờ ở ngoài lúc anh xuống gian sảnh. Người lái sẽ biết để anh xuống đâu và nữ y tá Nicander sẽ ở đó đón anh rồi trang bị các thứ cho anh.
 
o O o
 
Ellis có mái tóc đen nhánh với một thoáng muối tiêu và một gợn xế chiều. Ông nom giống một tay chơi trong phòng mổ. Vẻ rắn chắc của cơ bắp chứng nhận mỗi tuần ông vẫn bỏ ra vài giờ ở nhà thể dục. Ông đẩy kính lên, gãi cổ. Ông chăm chú nhìn màn hình máy tính, nó cho thấy từng xó xỉnh, từng nếp gấp của não bệnh nhân Salander.
Ellis thích sống ở Thụy Điển. Ông đến đây lần đầu tiên hồi cuối thập kỷ 70 theo một chương trình trao đổi nhà nghiên cứu và ở lại hai năm. Rồi ông đều đặn trở lại cho tới một ngày được mời làm việc thường xuyên tại Karolinska ở Stockholm. Lúc này ông đã nổi tiếng trên thế giới.
Ông gặp Jonasson lần đầu ở một hội thảo tại Stockholm mười bốn năm trước và phát hiện ra cả hai đều cùng mê câu cá bằng mồi giả. Họ tiếp xúc với nhau, đã làm những chuyến đi câu đến Na Uy và đâu đó khác nữa. Nhưng họ chưa cùng làm việc với nhau.
– Tôi xin lỗi đã quấy quả anh, nhưng…
– Không thành vấn đề, – Ellis xua xua tay – Nhưng lần đi câu sau anh phải mất một chai Cragganmore cho tôi đấy.
– OK. Lệ phí đó tôi vui lòng thanh toán.
– Mấy năm trước tôi có một bệnh nhân ở Boston – tôi đã viết về vụ này trên tờ New England Journal of Medicine 1. Đấy là một cô gái trạc tuổi cô bệnh nhân này của anh. Cô ấy đang đi đến đại học thì bị ai đó bắn nỏ vào. Mũi tên đi vào góc ngoài lông mày bên trái rồi xuyên thẳng qua đầu cô ấy, đi ra gần như ở sau gáy.
– Và cô ấy sống?
– Khi vào viện cô ấy nom không ra một cái thứ gì ở trên đời này. Chúng tôi cắt đứt thân mũi tên, cho đầu cô ấy vào máy chụp cắt lớp. Mũi tên xuyên vào thẳng não cô ấy. Mọi người đều cầm bằng cô ấy chết hay ít nhất cũng bị chấn thương nặng sẽ dẫn đến hôn mê.
– Thể trạng cô ấy sao?
– Cô ấy tỉnh táo suốt. Không chỉ thế; cô ấy sợ ghê gớm, dĩ nhiên, nhưng cô ấy hoàn toàn có lý trí. Vấn đề duy nhất của cô ấy là bị một mũi tên xuyên qua não.
– Anh đã làm thế nào?
– À, tôi lấy chiếc kẹp rút mũi tên ra rồi băng bó vết thương lại. Thế thôi, không hơn không kém.
– Và cô ấy sống để kể lại câu chuyện?
– Rõ ràng tình trạng cô ấy nghiêm trọng chứ, nhưng sự thật là chúng tôi có thể cho cô ấy về nhà ngay trong hôm ấy. Hiếm có bệnh nhân nào của tôi khỏe hơn thế.
Jonasson nghĩ khéo tay Ellis này chọc mình.
– Mặt khác, – Ellis nói tiếp, – mấy năm trước tôi có một bệnh nhân bốn mươi hai tuổi ở Stockholm bị đập đầu vào bậu cửa sổ. Ông ta lập tức thấy khó ở và được xe cứu thương đưa đi cấp cứu. Khi tôi đến thì ông ấy đã bất tỉnh. Ðầu ông ấy hơi bị bươu lên và một chút bầm tím rất nhạt. Nhưng ông ấy không bao giờ tỉnh lại rồi chết sau chín ngày được chữa chạy ráo riết. Ðến hôm nay tôi vẫn không hiểu tại sao ông ấy chết. Trong bản báo cáo phẫu thuật, chúng tôi viết xuất huyết não do tai nạn nhưng bọn tôi chả ai bằng lòng với xác nhận này. Máu chảy rất ít và khu trú ở một vùng có lẽ chả ảnh hướng tới cái gì khác cả. Thế nhưng gan, thận, tim, phổi ông ấy đã cứ theo nhau ngừng hoạt động. Càng già tôi càng nghĩ y như thể một ván cò quay vậy. Tôi không tin là chúng ta sẽ có thể hình dung ra chính xác bộ não nó hoạt động như thế nào đâu. – Ông gõ bút vào màn hình. – Chúng ta định làm gì nào?
– Tôi đang hy vọng anh bảo tôi đây.
– Hãy nghe hội chẩn về cô ấy nhỉ?
– Ðược, trước nhất, hình như là một viên đạn cỡ nhỏ. Nó vào đằng thái dương, vào não chừng bốn phân thì dừng lại. Nó nằm ở cạnh não thất ngang. Ở đấy có xuất huyết.
– Anh sẽ làm thế nào?
– Dùng thuật ngữ của anh – lấy một chiếc kẹp kéo viên đạn ra bằng chính cái lối nó đã vào.
– Giỏi. Nếu là tôi thì sẽ dùng chiếc kẹp mảnh nhất mà các anh có đấy.
– Đơn giản thế?
– Chúng ta làm gì được trong trường hợp như thế này? Chúng ta có thể để viên đạn tại đó và cô ấy có thể sống đến cả trăm tuổi nhưng đó vẫn cứ là một nguy cơ. Cô ấy có thể bị động kinh, đau nửa đầu, mọi thứ oán thán khác. Và một điều mà anh thật tình không muốn làm là khoan vào sọ cô ấy rồi một năm sau, khi vết thương tự nó đã lành thì mổ. Viên đạn nằm xa các động mạch lớn. Nên tôi sẽ bảo anh là rút nó ra… nhưng…
– Nhưng sao?
– Tôi không lo ngại nhiều về viên đạn. Cô ấy sống đến giờ này và đó đã là một dấu hiệu tốt cho thấy cô ấy sẽ ổn khi chúng ta rút được viên đạn ra. Vấn đề thật sự ở đây. – Ông chỉ vào màn hình – Quanh đầu vào của vết thương anh thấy những mảnh xương. Tôi có thể thấy ít nhất một tá mảnh dài đến hai li. Một số đã nằm vào trong mô não. Chúng có thể giết chết cô ấy nếu anh không cẩn thận.
– Có phải các con số và năng lực toán liên quan đến chỗ này của não không? – Jonasson hỏi.
Ellis nhún vai.
– Vớ vẩn. Các tế bào màu xám đặc biệt kia dùng cho cái gì, tôi không hề biết đâu. Anh chỉ có thể làm cho hết sức anh thôi. Anh mổ. Tôi sẽ nhìn qua vai anh.
 
o O o
 
Mikael Blomkvist ngước nhìn lên đồng hồ và thấy nó vừa chỉ sau 3 giờ sáng. Anh bị còng tay và càng lúc càng thấy khó chịu hơn. Anh nhắm mắt lại một lúc. Anh mệt chết người nhưng hoạt động nhờ adrenalin. Anh lại mở mắt, cáu kỉnh lườm người cảnh sát. Mặt thanh tra Thomas Paulsson có vẻ bị một cú sốc. Họ ngồi ở bàn bếp trong một nhà trại màu trắng gọi là Gosseberga, một nơi nào đó gần Nossebro. Blomkvist lần đầu tiên nghe nói đến nơi này chưa đầy mười hai tiếng trước.
Không ai phủ nhận được thảm cảnh đã xảy ra.
– Ngu xuẩn, – Blomkvist nói.
– Nào, anh nghe đây…
– Ngu xuẩn, – Blomkvist lại nói. – Tôi đã cảnh báo ông rằng hắn rất nguy hiểm, nhân danh Chúa. Tôi đã bảo ông phải túm lấy nó như một quả lựu đạn sắp nổ. Nó đã tay không giết ít nhất ba người rồi và nó còn đồ sộ như cỗ xe tăng. Mà ông lại cử hai anh cảnh sát làng đi bắt nó, làm như thể nó bị say rượu tối thứ bảy vậy.
Blomkvist lại nhắm mắt, nghĩ đêm nay liệu sẽ còn xảy ra chuyện gì khác nữa không đây.
Anh tìm thấy Salander đúng ngay sau nửa đêm. Cô bị thương rất tệ hại. Anh đã gọi cảnh sát và Sở cấp cứu. Điều duy nhất anh làm đúng là đã thuyết phục họ đưa trực thăng đến mang cô gái tới bệnh viện Sahlgrenska. Anh đã tả rõ cho họ về các vết thương của cô cùng vết đạn bắn vào đầu và một nhân viên nghe đài tài ba nào đó ở Sở Cấp cứu đã nhận được tin anh báo.
Dù thế, toán Puma của đơn vị trực thăng ở Sở Cấp cứu cũng phải mất nửa giờ mới đến nơi được. Blomkvist đã cho hai chiếc xe ra khỏi nhà kho. Anh bật đèn mũi xe soi cho vùng hạ cánh ở đằng trước ngôi nhà.
Tốp lái trực thăng và hai phụ tá y tế đã làm việc với cung cách quen thuộc và chuyên nghiệp. Một phụ tá săn sóc Salander còn người kia coi Alexander Zalachenko, địa phương đây biết tên là Karl Axel Bodin. Zalachenko là bố Salander và kẻ thù nguy hại nhất của cô. Hắn đã toan giết cô nhưng không thành. Blomkvist tìm thấy hắn trong lán củi ở trang trại với một vết chém ghê rợn – chắc bởi một chiếc rìu – vào giữa mặt và một vài thương tổn rải rác ở một chân hắn mà anh xem xét chả nhẹ nhàng gì.
 
o O o
 
Trong khi chờ trực thăng, anh đã làm cho Salander những gì có thể. Anh lấy một chiếc chăn sạch ở trong tủ áo, cắt ra làm băng cứu thương. Ở vết thương trên đầu máu đã khô, anh không biết có nên băng bó lên đó hay không. Cuối cùng anh quấn rất lỏng miếng vải quanh đầu cô, phần lớn cốt để cho vết thương không phơi ra với vi trùng và đất cát. Nhưng anh đã cầm được máu ở các vết thương trên hông và vai cô bằng cách đơn giản nhất mà anh có thể làm. Anh đã tìm thấy một cuộn băng dính vải và anh dùng nó để bít các vết thương lại. Các phụ tá y tế nhận xét thấy chỗ này, theo kinh nghiệm của họ thì đây là một hình thức băng bó mới toanh. Anh cũng lấy khăn ướt rửa mặt cho Salander, cố sức làm sạch hết đất cát.
Anh không quay về lán củi trông nom Zalachenko. Thật bụng anh chả thiết đoái đến con người này chút nào. Nhưng anh gọi di động cho Berger, nói với chị tình hình.
– Anh ổn chứ? – Berger hỏi anh.
– Ổn, – Blomkvist nói – Lisbeth là người bị nguy thật sự.
– Cô gái tội nghiệp, – Berger nói – Em đọc báo cáo Sapo của Bjorck hồi tối. Em nên làm việc này như thế nào?
– Lúc này anh chả còn hơi sức nào mà nghĩ ra được cái gì đâu, – Blomkvist nói. Những việc liên quan đến Cảnh sát An ninh đều phải chờ đến ngày hôm sau.
Trong khi nói với Berger, anh ngồi lên sàn cạnh chiếc ghế dài, không ngừng theo dõi Salander. Anh đã cởi giầy và quần cô ra để băng bó vết thương ở hông và bây giờ tay anh đang đặt lên chiếc quần anh vất xuống sàn cạnh ghế dài. Có cái gì ở trong một túi quần. Anh lấy ra một chiếc Palm Tungsten T3.
Anh cau mày nhìn chăm chú khá lâu vào chiếc máy tính cầm tay. Khi nghe thấy tiếng trực thăng đến gần, anh nhét nó vào túi trong áo jacket của mình rồi lục hết các túi quần của Salander. Anh tìm thấy chùm chìa khóa của căn hộ ở Mosebacke và hộ chiếu mang tên Irene Nesser. Anh để vội tất cả vào một ngăn túi đựng máy tính của anh.
 
o O o
 
Đi từ đồn cảnh sát ở Trollhattan, xe tuần tra của Torstensson và Ingermarsson đến nơi sau khi trực thăng đỗ xuống một ít phút. Ðến sau nữa là thanh tra Paulsson, ông bắt tay ngay vào việc. Blomkvist bắt đầu nói rõ những gì xảy ra. Rất nhanh anh nhận thấy Paulsson huênh hoang, kiểu thầy đội được huấn luyện cứng queo. Có vẻ ông ta chả chú ý gì đến những điều Blomkvist nói. Chính là từ khi Paulsson đến mà mọi sự bắt đầu hóa ra lăng nhăng.
Điều duy nhất ông ta có vẻ đủ sức nắm được là cô gái bị thương tồi tệ đang được các nhân viên y tế trông nom ở trên sàn cạnh chiếc ghế dài kia chính là Lisbeth Salander, kẻ đã giết chết ba mạng người. Và quan trọng hơn hết là ông bắt được cô gái. Ba lần Paulsson hỏi nhân viên y tế đang bận bù đầu liệu có thể bắt cô gái đi ngay được không. Cuối cùng nhân viên y tế đứng lên quát bảo Paulsson cuốn xéo.
Paulsson bèn lại quay sang chú ý đến người đàn ông bị thương ở lán củi. Blomkvist nghe thấy ông ta báo cáo trong máy bộ đàm rằng Salander rõ ràng lại định giết thêm một người nữa.
Đến lúc ấy thì Blomkvist thực sự nổi xung với Paulsson, vì ông ta không đoái hoài đến một câu nào của anh hết, dù anh hét bảo ông ta hãy gọi ngay thanh tra Bublanski ở Stockholm, thậm chí còn lấy cả di động ra bấm số hộ nhưng Paulsson vẫn kệ.
Blomkvist khi ấy đã phạm phải hai lỗi.
Thứ nhất, anh chịu khó nhưng kiên quyết giải thích rằng người gây ra ba vụ án mạng ở Stockholm là Ronald Niedermann, hắn vạm vỡ như một cỗ robot bọc thép dầy cộp và bị một bệnh gọi là chứng vô cảm bẩm sinh, mình mẩy hắn không biết đau đớn, hắn hiện đang ngồi trong một con mương ở gần đường đi Nossebro, bị trói vào một cột báo hiệu giao thông. Blomkvist bảo Paulsson chỗ tìm Niedermann đích xác ở đâu, giục ông cho một tiểu đội mang súng tự động đi bắt hắn. Cuối cùng Paulsson hỏi làm sao mà Niedermann lại ở trong con mương. Blomkvist thoải mái nhận chính anh đã để hắn ở đó, anh làm được thế là nhờ đã chĩa súng vào hắn suốt.
– Tấn công bằng vũ khí sát thương, – Paulsson lập tức đáp lại.
Ðến bước này Blomkvist phải nhận rằng Paulsson ngu tới mức nguy hiểm. Lẽ ra nên tự mình gọi Bublanski nhờ ông can thiệp, xua hết đi màn sương mù bao bọc Paulsson thì anh lại phạm phải cái lỗi thứ hai: trao nộp khẩu súng mà anh có ở trong túi – khẩu Colt 45 kiểu 1911 Government anh tìm thấy tại căn hộ của Salander ở Stockholm sáng sớm hôm nay. Anh đã dùng nó để tước vũ khí của Niedermann và làm cho hắn bất lực – một chuyện không thể đằng thẳng làm được với tên khổng lồ ấy.
Phản ứng lại, Paulsson vội bắt ngay Blomkvist vì sở hữu vũ khí bất hợp pháp. Rồi ông ta ra lệnh cho hai sĩ quan, Torstensson và Ingemarsson lái xe đến đường Nossebro. Họ phải xác minh xem liệu chuyện Blomkvist nói tại đó có một người ngồi ở trong mương, bị trói vào bảng báo NAI SỪNG TẤM QUA LẠI là đúng hay sai. Nếu đúng, hai viên sĩ quan sẽ phải còng tay người đó giải về trang trại Gosseberga.
Blomkvist lập tức phản đối, nhắc cho ông biết rằng Niedermann không phải loại người để cho bị còng tay mà bắt đâu: hắn là một tên sát nhân bệnh hoạn, xin hãy vì mạng của hai anh cảnh sát. Mệt phờ suốt ngày rồi nên khi Paulsson phớt lờ lời phản đối của anh thì Blomkvist hết cả giữ gìn. Anh bảo Paulsson là đồ ngu bất tài, quát với ông ta rằng Torstensson và Ingemarsson hãy quên bố nó cái chuyện cởi trói cho Niedermann đi khi mà họ chưa gọi được thêm quân. Kết quả của cơn nổi nóng này là anh bị còng tay và đẩy vào ghế sau xe của Paulsson. Vừa rủa anh vừa nhìn Torstensson lái chiếc xe tuần tra. Chỉ ánh đèn nhấp nháy trong đêm mới cho hay trực thăng đang mang Salander đi, vừa khuất sau các ngọn cây theo hướng Goteborg. Blomkvist cảm thấy hoàn toàn bất lực: anh chỉ có thể hy vọng Salander sẽ được chữa chạy tốt nhất. Cô cần như thế, không thì chết.
 
o O o
 
Jonasson rạch hai đường sâu xuống suốt tới sọ, lật da ở quanh miệng vết thương lên. Ông dùng panh để banh vết thương ra. Một y tá phòng mổ tra một ống hút vào để lấy hết máu ra. Rồi phần gay go đến, khi ông phải dùng một mũi khoan để mở rộng cái lỗ ở sọ. Việc làm này phải cực kỳ chậm.
Cuối cùng ông đã có một cái lỗ đủ to để có thể xâm nhập vào não Salander. Hết sức thận trọng, ông lùa một que dò vào não, mở rộng vùng tổn thương ra vài li. Rồi ông lùa một que dò mảnh hơn vào tìm vị trí viên đạn. Qua X-quang ông có thể thấy viên đạn đã quay chiều, nằm ở một góc bốn mươi lăm độ so với miệng vết thương. Ông thận trọng dùng que dò nậy nậy vào gờ viên đạn, sau vài lần làm không kết quả ông đã hẩy nhẹ được nó lên để quay nó về đúng hướng.
Cuối cùng ông lùa chiếc kẹp có đầu khấc răng cưa vào. Ông bấm lấy đuôi viên đạn, giữ chặt nó rồi kéo giật chiếc kẹp. Viên đạn xem vẻ dễ dàng chui ra. Ông giơ nó lên ánh sáng mấy giây, thấy nó có vẻ nguyên vẹn thì ông vứt nó vào trong một cái bát.
– Gạc. – ông nói. Yêu cầu của ông lập tức được đáp ứng.
Ông liếc vào điện tâm đồ, nó cho thấy tim bệnh nhân vẫn hoạt động bình thường.
– Kẹp.
Ông kéo chiếc kính hiển vi với độ phóng đại mạnh treo ở trên đầu xuống, chĩa tiêu điểm kính vào khu vực đang bày ra.
– Cẩn thận, – Ellis nói.
Trong vòng bốn mươi lăm phút tiếp theo, Jonasson nhặt ra khỏi đầu vào của vết thương không dưới ba mươi hai mảnh xương nhỏ li ti. Mảnh nhỏ nhất khó lòng nhìn thấy bằng mắt thường.
 
o O o
 
Trong khi Blomkvist tuyệt vọng cố lấy di động ra khỏi túi ngực áo jacket của anh – với hai bàn tay còng quặt ra sau lưng, việc này tỏ ra là bất khả thi và anh cũng không rõ làm sao anh sẽ dùng nổi được di động nữa – thì nhiều xe chở cả cảnh sát đồng phục lẫn nhân viên kỹ thuật đã đến trang trại Gosseberga. Paulsson đã cho họ chi tiết để dò tìm bằng chứng pháp lý ở trong lán củi và tiến hành khám xét kỹ lưỡng ngôi nhà trại, qua đó họ đã tịch thu được một số vũ khí. Bây giờ chịu cảnh vô dụng, Blomkvist đành từ cái thế cao hơn ở trên xe hơi của Paulsson, quan sát hoạt động của họ.
Một tiếng trước khi trời hửng sáng, Paulsson chợt nhớ ra Torstensson và Ingemarsson có nhiệm vụ đi thu nhặt Niedermann vẫn chưa trở về. Ông bảo đưa Blomkvist vào bếp, ở đây ông lại yêu cầu anh cung cấp thêm chỉ dẫn chính xác về chỗ trói Niedermann.
Blomkvist nhắm mắt lại.
Anh vẫn đang ở trong bếp với Paulsson thì toán ứng cứu vũ trang được cử đi giúp Torstensson và Ingemarsson trở về báo cáo. Tìm thấy Ingemarsson, chết gãy cổ, Torstensson còn sống nhưng bị đánh dã man. Phát hiện ra họ ở gần bảng báo NAI SỪNG TẤM QUA LẠI bên đường. Vũ khí công vụ và chiếc xe cảnh sát của họ thì không còn.
Thanh tra Paulsson bắt tay vào với một tình huống tương đối dễ thu xếp điều hành: nay ông đã giết chết một cảnh sát viên còn tên sát nhân có vũ trang thì sống.
– Ðồ ngu, – Blomkvist lại nói.
– Chửi cảnh sát thì chả có giúp được gì đâu.
– Xem ra với ông thì chắc tôi chửi là đúng đấy. Nhưng tôi sẽ báo cáo ông đã bỏ bê nhiệm vụ và thậm chí ông không biết cả rằng ông còn giơ lưng ra cho bị đánh. Khi tôi dứt nợ với ông, ông sẽ được mọi thứ báo chí tin tức cả nước chào mừng như là một cảnh sát viên đần độn nhất Thụy Điển.
Thanh tra Paulsson cuối cùng đã bị lung lay bởi ý nghĩ trở thành đối tượng pha trò hề cho công chúng. Lo lắng hiện lên trên mặt ông.
– Ông đề nghị cái gì?
– Tôi không đề nghị, tôi yêu cầu ông gọi thanh tra Bublanski ở Stockholm. Ngay lập tức. Số điện thoại của ông ấy ở máy di động trong túi ngực tôi.
 
o O o
 
Thanh tra Modig giật mình thức dậy khi di động reo lên ở đầu kia phòng ngủ. Chị ngán ngẩm thấy chỉ mới hơn 4 giờ sáng một ít. Rồi chị nhìn chồng đang ngáy ngon lành. Anh ấy chắc ngủ được ở giữa cả một trận địa pháo. Chị loạng choạng ra khỏi giường, rút sạc khỏi di động rồi dò bấm nút nói.
Jan Bublanski, chị nghĩ. Còn ai nữa?
– Mọi chuyện đang khốn nạn to ở Trollhattan đây, – Viên sĩ quan cấp trên của chị nói, chả thiết chào hỏi hay xin lỗi gì – Chuyến X2000 đi Goteborg rời ga lúc 5 giờ 10. Ði taxi mà đến.
– Xảy chuyện gì thế chứ?
– Blomkvist tìm thấy Salander, Niedermann cùng với Zalachenko. Blomkvist lại bị bắt vì chửi một sĩ quan cảnh sát, chống lệnh bắt giữ và sở hữu vũ khí bất hợp pháp. Salander bị bắn vào đầu đã được mang đến Sahlgrenska. Zalachenko cũng ở đấy thì bị một vết thương bằng chiếc rìu vào sọ. Niedermann thoát. Và đã giết một cảnh sát đêm nay.
Modig hấp háy mắt, nhận thấy mình kiệt quệ đến dường nào. Chị muốn hơn cả là lại bò vào giường làm một kỳ nghỉ cuối tháng.
– Chuyến X2000, 5 giờ 10. OK. Anh muốn tôi làm gì đây?
– Gặp Jerker Holmberg ở Ga Trung tâm. Cô sẽ liên hệ với thanh tra Thomas Paulsson ở trụ sở cảnh sát Trollhattan. Có vẻ ông ta chịu trách nhiệm về mọi cái rối ren của đêm nay đấy. Blomkvist tả ông ta là đồ ngu cỡ Olympic.
– Anh đã nói chuyện với Blomkvist à?
– Anh ta bị còng tay và bắt giữ công khai. Tôi đã cố thuyết phục Paulsson cho tôi nói chuyện với anh ấy một lúc. Ngay lúc này tôi đang đến Kungsholmen, tôi sẽ cố tìm hiểu xem đã xảy ra chuyện gì. Chúng ta sẽ liên hệ với nhau qua di động.
Modig lại xem đồng hồ. Rồi gọi một taxi, nhảy vào vòi sen tắm một hồi. Chị đánh răng, rê lược kỹ càng vào tóc rồi mặc quần jean đen, áo phông đen và jacket xám. Chị để khẩu súng cảnh sát vào trong túi quàng vai rồi nhặt lấy một áo da đỏ sẫm. Rồi lay đẩy cho sự sống nhập đủ được vào ông chồng để giải thích rằng chị đi công tác, sáng nay ông phải trông nom trẻ con. Chị ra cổng ngoài đúng lúc taxi đến.
Chị không phải tìm người đồng nghiệp, thanh tra hình sự Holmberg. Đoán chừng ông ở toa ăn, chị thấy ông ở đấy thật. Ông đã mua cà phê và sandwich cho chị.
Họ ngồi lặng lẽ năm phút ăn điểm tâm. Cuối cùng Holmberg gạt tách cà phê sang bên.
– Có lẽ tôi cũng nên được huấn luyện chút ít ở trong vài lĩnh vực khác nữa, – ông nói.
 
o O o
 
Quá 4 giờ sáng một lúc, thanh tra hình sự Marcus Erlander ở Vụ Trọng án Goteborg đến Gosseberga tiếp nhận công việc điều tra từ tay Paulsson đã quá tải. Erlander là một người thấp, tròn, tóc hoa râm, quãng năm chục tuổi. Một trong những việc đầu tiên ông làm là tháo còng cho Blomkvist rồi đưa cái bánh cuộn và lấy cà phê ở phích ra cho anh. Hai người ngồi riêng trong phòng khách nói chuyện.
– Tôi đã nói chuyện với Bublanski, – Erlander nói. – Bong Bóng 2 và tôi quen biết nhau đã nhiều năm. Cả hai chúng tôi ân hận là anh đã phải chịu cái kiểu làm việc khá nguyên thủy của Paulsson.
– Ông ta đã có thành tích giết chết một cảnh sát đêm nay, – Blomkvist nói.
Erlander nói:
– Cá nhân tôi quen biết anh cảnh sát Ingermasson. Anh ấy làm việc ở Goteborg trước khi chuyển đến Trollhattan. Anh ấy có một con gái lên ba.
– Tôi rất tiếc. Tôi đã cố cảnh báo ông ấy.
– Tôi có nghe nói như thế. Anh rất nhiệt tình, xem thì thấy đó, thế cho nên anh đã bị còng tay. Anh là người năm ngoái đã vạch trần Wennerstrom. Bublanski nói anh là một tay nhà báo bố lếu không biết xấu hổ và một kẻ điều tra tư nhân điên rồ nhưng là người có biết thì mới nói. Anh có thể giúp tôi nắm bắt nhanh được những gì đang xảy ra không?
– Chuyện xảy ra ở đây đêm nay là hậu quả của các vụ giết hai người bạn tôi ở Enskede, Dag Svensson và Mia Johansson. Và vụ giết một người không phải là bạn tôi…, luật sư Bjurman, cũng là người giám hộ Salander.
Erlander vừa nhấm nháp cà phê vừa ghi chép.
– Như chắc ông có biết, từ lễ Phục Sinh cảnh sát đang sục tìm Salander. Cô ấy là nghi can trong cả ba vụ án mạng. Trước hết, ông cần biết rằng Salander là nạn nhân từ đầu đến đuôi trong vụ này chứ không hề là thủ phạm của ba án mạng kia.
– Tôi không có chút quan hệ nào với giới làm ăn ở Enskede nhưng sau mọi cái báo đài từng nói về cô ấy mà bảo rằng Salander hoàn toàn vô tội thì có lẽ là hơi khó nuốt đấy.
– Nhưng việc nó là như thế. Cô ấy vô tội. Chấm hết. Kẻ giết người là Ronald Niedermann, hắn đã giết cảnh sát viên của ông đêm nay. Hắn làm việc cho Karl Axel Bodin.
– Bodin bị đánh bằng rìu vào đầu ở Sahlgrenska?
– Cái rìu không còn ở đầu hắn nữa rồi. Tôi cho là Salander đã chẹn hắn lại được. Hắn tên thật là Alexander Zalachenko và chính là bố của Lisbeth. Hắn là dân sát thủ của tình báo quân đội Nga. Hắn đào ngũ hồi những năm 70 và rồi lọt vào nằm trong sổ sách của Sapo cho đến khi Liên Xô sụp. Từ đấy hắn mở mạng lưới tội ác của riêng hắn.
Erlander quan sát tỉ mỉ người đối diện ông. Mặt Blomkvist bóng nhẩy mồ hôi nhưng nom anh lại vừa rét run vừa mệt nhoài. Cho tới nay anh nói hoàn toàn hợp lý nhưng Paulsson – mà ý kiến rất ít có ảnh hưởng đến Erlander – đã báo động ông rằng Blomkvist đang huyên thuyên về những điệp viên Nga với dân đao búa Đức gì đó – những yếu tố hầu như khó mà tìm thấy trong công việc của cảnh sát Thụy Ðiển. Trong chuyện này Blomkvist rõ ràng đã chạm vào cái điểm nó khiến cho Paulsson quyết định phải lờ đi mọi cái anh có thể nói thêm ra nữa. Nhưng một cảnh sát đã bị chết và một người nữa bị thương nặng trên đường đi Nossebro, cho nên Erlander muốn nghe. Nhưng ông không thể giấu nổi một chút dấu vết hoài nghi lộ ra trong giọng nói của mình.
– OK, một điệp viên Nga.
Blomkvist mỉm cười mệt mỏi, quá biết rằng câu chuyện mình nói nghe nó kỳ dị đến thế nào.
– Một cựu điệp viên Nga. Tôi nói gì là đều có thể đưa ra tài liệu đấy.
– Anh nói tiếp đi.
– Zalachenko là một điệp viên hàng đầu trong những năm 70. Hắn bỏ trốn và được Sapo cho cư trú chính trị. Về già hắn trở thành một tên cướp. Như tôi biết, đây không phải là cảnh ngộ duy nhất lúc Liên Xô bắt đầu sụp đổ.
– OK.
– Như tôi đã nói, tôi không biết chính xác chuyện gì xảy ra ở đây đêm nay nhưng Lisbeth đã mò ra được bố cô ấy, người bố mà cô ấy chưa gặp suốt mười lăm năm qua. Zalachenko đã lạm dụng mẹ cô một cách quá đểu cáng đến nỗi phần lớn đời bà ấy là nằm trong bệnh viện. Hắn đã cố giết Lisbeth, hắn là người gây nên các vụ giết Svensson và Johansson bằng tay tên Niedermann. Thêm nữa, hắn đứng đằng sau vụ bắt cóc Miriam Wu, bạn của Salander – Chắc ông đã nghe trận đánh sống mái của Paolo Roberto ở Nykvarn mà nhờ đó Wu mới sống chứ không ngỡ đã chết đứt rồi.
– Nếu đã nện chiếc rìu vào bố mình thì cô ấy đâu có hoàn toàn vô tội nữa chứ nhỉ.
– Cô ấy đã bị bắn ba lần. Tôi cho rằng chúng ta có thể coi hành động của cô ấy ở một mức độ nào đó là tự vệ. Tôi nghĩ…
– Vâng?
– Người cô ấy đầy đất đầy bùn, tóc cô ấy là một tảng đất sét khô to tướng. Quần áo trong ngoài toàn là cát. Xem vẻ cô ấy đã bị vùi chôn xuống đất ban đêm. Niedermann có tiếng là hay chôn người. Cảnh sát ở Sodertalje đã tìm thấy hai ngôi mộ ở một nơi thuộc sở hữu của Câu lạc bộ xe máy Svavelsjo, ngoài Nykvarn.
– Đúng ra là ba. Ðến khuya, họ đã tìm ra một cái nữa. Nhưng nếu Salander đã bị bắn và chôn thì sao cô ấy lại leo ra mà đi la cà với một chiếc rìu được?
– Dù xảy ra cái gì nữa ở đây đêm nay thì ông cũng nên biết là Salander cực kỳ tháo vát xoay xở. Tôi đã cố thuyết phục Paulsson đưa một đơn vị chó đến…
– Đang trên đường đến đấy.
– Tốt.
– Paulsson bắt anh vì đã chửi cảnh sát…
– Tôi sẽ cãi phăng chỗ ấy. Tôi bảo ông ta là đồ ngu và đồ rồ bất tài. Trong hoàn cảnh tôi, cả hai tính từ này đều có thể coi là không bị chệch mục tiêu.
– Hừm… Mô tả như anh cũng không phải là hoàn toàn thiếu chính xác đâu. Nhưng anh còn bị bắt vì mang vũ khí bất hợp pháp.
– Tôi sai là đã toan trao vũ khí cho ông ta. Trước khi nói chuyện với luật sư của tôi, tôi không muốn nói gì hơn về chuyện này.
– Được. Chúng ta cứ để thế đã. Chúng ta có nhiều chuyện quan trọng để bàn hơn. Anh biết gì về tay Niedermann này?
– Hắn là một tên giết người. Có một cái gì dị thường ở hắn. Hắn cao hơn hai mét và to như một cỗ xe tăng. Hãy hỏi Paolo Roberto từng đấu bốc với hắn. Hắn bị một chứng bệnh bẩm sinh gọi là vô cảm với đau đớn thể xác, tức là chất chuyển tải cảm giác đau ở các đầu nối thần kinh của hắn không vận hành. Hắn không biết đau. Hắn là người Ðức, sinh ra ở Hamburg, lúc mười mấy đã ở trong đám trọc đầu. Hiện nay hắn đã sống và sẽ hết sức nguy hiểm cho bất cứ ai gặp phải hắn.
– Anh có nghĩ hắn chạy đến đâu không?
– Không. Tôi chỉ biết rằng tôi đã trói gô nó lại rồi, sẵn sàng cho các vị tóm đi thì cha ngu ngốc ở Trollhattan kia đến nắm lấy tình hình.
 
o O o
 
Jonasson tháo đôi găng tay loang lổ máu ném vào thùng đựng rác thải sinh học. Một nữ y tá phòng mổ đang băng bó vết thương đạn bắn ở hông Salander. Ca mổ kéo dài ba giờ đồng hồ. Ông nhìn đầu cô gái bị thương và cạo trọc lóc đã được băng bó. Ông chợt cảm thấy trìu mến, như ông thường vẫn như vậy với bệnh nhân sau khi mổ. Theo báo chí, cô là một hung thủ bệnh hoạn giết người hàng loạt nhưng với ông, cô nom giống một con chim sẻ bị thương hơn.
– Anh là tay phẫu thuật giỏi đấy, – Ellis nói, mắt nhìn ông với một tình cảm trìu mến thích thú.
– Tôi đãi anh điểm tâm được không?
– Ta mua được bánh kếp với mứt ở đâu đó quanh đây không?
– Bánh quế, – Jonasson nói. – Ở nhà tôi. Để tôi gọi báo vợ tôi rồi chúng ta có thể đi taxi. – Ông dừng lại nhìn đồng hồ treo tường. – Nghĩ lại, nếu không gọi có lẽ còn tốt hơn cơ đấy.
 
o O o
 
Annika Giannini giật mình tỉnh dậy. Chị thấy đã 5 giờ 58 phút sáng… Chị phải gặp người khách đầu tiên lúc 8 giờ.
Chị quay nhìn Enrico đang ngủ ngon và chắc sẽ không thể dậy được trước 8 giờ. Chị hấp háy mắt một lúc rồi đứng lên bật máy pha cà phê và đi tắm. Chị mặc quần đen, áo polo trắng có cổ và jacket màu đỏ gạch xỉn. Chị làm hai miếng bánh mì nướng với phomát, mứt cam và một lát quả bơ, đem bữa điểm tâm vào phòng khách cho kịp với bản tin truyền hình 6 giờ 30. Chị uống một ngụm cà phê, vừa há miệng để ăn bánh mì nướng thì nghe thấy các tin.
Một cảnh sát bị giết và một cảnh sát khác bị thương nặng. Bi kịch đêm qua khi Lisbeth Salander kẻ giết ba người đã bị bắt.
Thoạt tiên chị không thể hiểu được nó nói gì. Salander giết cảnh sát ư? Mẩu tin sơ sài nhưng gom lại từng ít một dần dần chị đã hiểu ra là một người đàn ông đang bị lùng kiếm vì gây án. Báo động đã được tung đi khắp cả nước về một người đàn ông cỡ giữa ba chục tuổi nhưng chưa nêu tên. Bản thân Salander cũng bị thương nặng, đang ở bệnh viện Sahlgrenska tại Goteborg.
Chị mở sang kênh khác nhưng không biết được gì nhiều hơn nữa về chuyện đã xảy ra. Chị với di động gọi anh ruột, Mikael Blomkvist. Chỉ nhận được đoạn ghi âm trả lời tự động của anh. Chị thoáng thấy hoảng. Trên đường đến Goteborg anh đã gọi. Anh đang dò theo lõng của Salander. Và một đứa sát nhân tên là Ronald Niedermann.
 
o O o
 
Khi trời hửng sáng, một cảnh sát quan sát đã tìm thấy những vết máu trên đất đằng sau lán củi. Lần theo chúng, chó cảnh sát đã đến một con hào hẹp ở một bãi quang trong một khu rừng cách nhà trại chừng bốn trăm mét về phía đông bắc.
Blomkvist đi cùng thanh tra Erlander. Họ lầm lũi nghiên cứu hiện trường. Máu nhỏ xuống nhiều hơn, rõ hơn ở trong và xung quanh con hào.
Họ tìm thấy một hộp thuốc lá bẹp nom như đã được dùng làm xẻng xúc. Erlander để nó vào túi tang vật, ghi mã số cho nó. Ông cũng thu nhặt mẫu các mảng đất thấm máu. Một cảnh sát mặc đồng phục chỉ cho ông để ý đến một đầu mẩu thuốc lá – một điếu Pall Mall không đầu lọc – ở cách cái hố chút ít. Cái này cũng được cất vào túi tang vật và ghi mã số. Blomkvist nhớ đã trông thấy một gói Pall Mall ở trên quầy bếp trong nhà Zalachenko.
Erlander ngước nhìn đám mây mưa đang hạ thấp. Rõ ràng cơn dông phá phách Goteborg hồi đầu đêm qua đang chuyển xuống phía nam vùng Nossebro, và chả mấy lâu nữa là mưa. Ông bảo một người của ông lấy một miếng thảm cao su phủ lên trên con hào và các chỗ quanh nó.
– Tôi nghĩ là anh đúng, – Erlander bảo Blomkvist khi họ đi bộ về ngôi nhà trại. – Phân tích máu chắc sẽ cho thấy Salander đã bị chôn ở đây đêm qua, tôi đang bắt đầu chờ tìm thấy dấu vân tay của cô ấy ở hộp thuốc lá. Cô ấy đã bị bắn và chôn ở đây nhưng như thế nào đó cô ấy đã xoay ra được cách để sống sót, tự đào cho mình thoát khỏi và…
– Và như thế nào đó đã quay về ngôi nhà trại vung rìu bổ vào đầu Zalachenko, – Blomkvist nói tiếp hộ ông. – Cô ấy có thể là một nữ tặc u uẩn.
– Nhưng làm thế nào mà cô ấy lại khống chế nổi được Niedermann cơ chứ?
Blomkvist nhún vai. Ở mục này anh cũng lơ mơ như Erlander thôi.
Chú thích
1 Tạp chí y học nổi tiếng của Mỹ.
2 Biệt danh của Bublanski. Trong tiếng Anh, bubble (bong bóng) đọc và viết hơi giống tên Bublanski.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.