Cô Gái Có Hình Xăm Rồng

CHƯƠNG 23



THỨ SÁU, 11 THÁNG BẢY
Anh thức dậy lúc 6 giờ với ánh nắng rọi vào ngay mặt qua một khe trên rèm cửa. Anh còn thoáng đau đầu và đau hơn khi anh sờ vào chỗ quấn băng. Sanlander nằm sấp ngủ, một cánh tay vắt qua người anh. Anh nhìn xuống con rồng xăm trên bả vai cô. Anh đếm các hình xăm của cô. Cũng như một con vò vẽ ở cổ, cô có một sợi dây thòng lọng khác ở bắp tay bên trái, một biểu tượng Tàu ở hông và một bông hồng ở bắp chân.
Anh bước xuống giường kéo kín rèm lại. Anh vào buồng tắm rồi bước nhẹ trở lại giường, cố đi vào mà không làm cô tỉnh giấc.
Hai giờ sau, đang ăn điểm tâm, Blomkvist nói:
– Chúng ta sẽ giải bài đố này như thế nào?
– Chúng ta gom các sự việc chúng ta đã có lại. Chúng ta cố tìm ra nhiều nữa.
– Với anh, câu hỏi duy nhất là: tại sao? Vì chúng ta cố giải cái bí mật về Harriet hay là vì chúng ta đã phát hiện ra một sát thủ hàng loạt cho đến nay vẫn chưa lộ ra?
– Chắc có liên quan. – Salander nói. – Nếu Harriet nhận ra có một tên giết người hàng loạt thì đó chỉ có thể là một người nào đó mà chị ấy biết. Nếu ta nhìn vào bảng phân vai các nhân vật trong những năm 60 thì sẽ có ít nhất hai tá ứng cử viên khả dĩ. Ngày nay khó còn một ai sót lại, trừ Harald Vanger nhưng ông ta gần chín mươi ba tuổi không thể vác súng chạy quanh các khu rừng ở Froskhônggen được. Ai cũng hoặc đã quá già để thành ra một mối nguy hiểm nào đó hiện nay hoặc là quá trẻ để từng đã sống từ những năm 50. Vậy chúng ta hãy quay về với một người phù hợp.
– Hay chúng là hai đứa cộng tác với nhau. Một già hơn, một trẻ hơn.
– Harald và Cecilia ư? Em không nghĩ thế. Em nghĩ chị ấy nói thật khi bảo rằng chị ấy không phải là người đứng ở cửa sổ.
– Vậy thì người ấy là ai?
Họ quay lại với máy tính iBook của Blomkvist, bỏ cả một tiếng nghiên cứu lại một lần nữa tất cả những ai hiện ra rõ ở trong các bức ảnh về vụ tai nạn trên cầu.
– Anh chỉ có thể cho là ai ở trong làng cũng đều đến đó xem cảnh náo động. Đang là tháng Chín. Phần lớn đều mặc áo jacket hay áo len. Chỉ có một người có tóc vàng và váy sáng màu.
– Cecilia có mặt ở trong nhiều ảnh. Hình như ở đâu cũng thấy chị ấy. Ở giữa các tòa nhà và những người đang nhìn vào hai cái xe đâm nhau. Đây là chị ấy đang nói với Isabella. Đây thì đứng gần bên mục sư Falk. Đây thì với Greger Vanger, ông anh ở giữa.
– Khoan khoan, – Blomkvist nói. – Greger cầm cái gì ở trong tay thế kia?
– Một cái gì hình vuông. Trông như một cái hộp gì đó.
– Một chiếc Hasselblad. Vậy là ông ta cũng có máy ảnh.
Họ cho diễu lại một lần nữa các bức ảnh. Greger có ở trong phần lớn ảnh, tuy thường là bị mờ nhòa. Trong một bức, có thể nhìn rõ thấy ông ta cầm một cái hộp hình vuông.
– Em nghĩ anh nói đúng đấy. Dứt khoát là một máy ảnh.
– Có nghĩa là chúng ta lại phải đi săn một lần nữa.
– OK. Nhưng bây giờ ta hãy lờ chuyện ấy đi một lúc – Salander nói. – Để em đề nghị một lập luận.
– Cứ nói đi.
– Nếu một ai đó trong thế hệ trẻ biết một ai đó trong thế hệ già là một tên giết người hàng loạt nhưng họ không muốn lộ chuyện đó ra thì sao đây? Danh dự gia đình và các thứ ba lấp kia. Như thế có nghĩa là có hai người dính líu đến nhưng không phải là cùng dính líu chung với nhau. Tên giết người có thể đã chết cách đây vài năm rồi trong khi nữ thần báo oán của chúng ta thì lại cứ muốn chúng ta quăng hết cả đi mới phải.
– Nhưng nếu thế thì tại sao lại đem đặt con mèo bị chặt đầu moi ruột vào cổng nhà chúng ta?
– Thế là rõ ràng cố ý gợi đến các vụ án mạng – Blomkvist đập đập tay vào cuốn Kinh thánh của Harriet, – Lại một lần nữa đem nhái các luật liên quan đến dâng cúng vật bị thiêu cháy.
Salander ngả người ra sau, nhìn lên nhà thờ trong khi trích dẫn Kinh thánh. Tựa hồ cô đang nói với cô.
“Rồi hắn sẽ giết con bò đực ở trước Chúa và các con trai của Aaron, các thày tế sẽ dâng máu và chúng sẽ vẩy máu khắp xung quanh về phía ban thờ vốn là cửa lều trại của cuộc hội họp. Rồi chúng sẽ lột da vật dâng cúng đã bị thiêu cháy rồi cắt nó ra thàng từng miếng”.
Cô cảm thấy im ắng, biết Blomkvist đang nhìn cô với vẻ mặt căng thẳng. Anh mở Kinh thánh đến chương đầu của Leviticus.
– Em biết cả khổ thơ thứ mười hai chứ?
Salander không đáp.
– Và hắn sẽ … – anh gật đầu với cô và bắt đầu.
– “Và nó sẽ bị tùng xẻo cùng với đầu và mỡ của chính nó rồi thầy tế sẽ đặt chúng lên trên củi của ngọn lửa trên ban thờ”. – Giọng cô lạnh băng- Còn khổ sau?
Cô thình lình đứng phắt dậy
– Lisbeth, em có trí nhớ của máy ảnh. – Blomkvist ngạc nhiên kêu lên. – Thảo nào em có thể đọc được một trang điều tra chỉ trong vòng mười giây.
Phản ứng của cô gần như bùng nổ. Đôi mắt giận dữ của cô nhìn trừng trừng vào anh khiến anh sửng sốt rồi mặt cô đổi sang chán ngán và cô quay gót chạy ra ngoài cổng.
– Lisbeth, – Anh gọi to theo.
Cô biến mất ở trên đường.
Mikael mang máy tính vào trong nhà, đặt máy báo động rồi khóa cửa chính lại để đi ra ngoài tìm cô. Hai mươi phút sau anh tìm thấy cô ở trên một con đê chắn sóng và anh thấy vai cô cứng lại. Anh đứng lại ở cách cô hai ba bước.
– Anh không biết đã nói gì nhưng anh không có ý làm phật lòng em.
Anh ngồi xuống cạnh cô, dụng ý đặt một tay lên vai cô.
– Xin nào, Lisbeth. Nói với anh đi.
Cô quay lại nhìn anh.
– Chả có gì để nói cả. – Cô nói. – Em chỉ là cơn cớ lên thế thôi.
– Anh sẽ vui vô cùng nếu như trí nhớ của anh cũng bằng được trí nhớ của em.
Cô vất đầu mẩu thuốc lá xuống nước.
Blomkvist ngồi im một lúc lâu. Mình nên nói gì nhỉ? Em là một cô gái hoàn toàn bình thường. Nếu em có khác đi chút ít thì quan trọng gì cái đó chứ? Hình ảnh tự thân mà em có về em là gì đây?
– Anh nghĩ có một cái gì khác ở em cái bữa đầu anh thấy em. – Anh nói – Em biết là gì không? Thật sự là lâu lắm anh mới có ấn tượng tốt đẹp với một người ngay từ lúc vừa mới thấy người ấy.
Vài đứa trẻ ở trong các căn nhà nhỏ bên kia cảng tàu đi ra nhảy xuống nước. Họa sỹ Eugen Norman, người mà Blomkvist chưa trao đổi qua một lời, đang ngồi trong một cái ghế ở bên ngoài nhà ông, ngậm một cái tẩu trong khi nhìn Blomkvist và Slander.
– Anh thật tình muốn là bạn của em, nếu em cho anh được như thế. – Anh nói. – Nhưng đó là tùy em. Anh về lại nhà làm ít cà phê. Em hãy về khi nào em thích.
Anh đứng lên để cô được yên tĩnh một mình. Anh lên được lưng quả đồi thì nghe thấy tiếng chân cô ở đằng sau. Hai người cùng về nhà không nói một lời.
Vừa tới nhà thì cô giữ lại.
– Em đang trong quá trình hình thành một lý lẽ.. Chúng ta đã nói đến việc các khổ thơ kia là nhái lại Kinh thánh. Đúng là hắn tóm giữ một con mèo thì dễ, nhưng tóm giữ được một con bò thì mới khó. Nhưng hắn vẫn làm theo câu chuyện gốc. Em nghĩ … – Cô lại nhìn lên nhà thờ. Và chúng sẽ vấy máu khắp xung quanh về phía ban thờ vốn là cửa lều trại của cuộc hội họp…
Họ đi qua cầu lên nhà thờ. Blomkvist lay lay cửa nhưng nó bị khóa. Họ loăng quăng quãng một lúc, nhìn các bia mộ cho tới khi đến nhà nguyện xây ở dưới nước, gần đó một chút. Thình lình Blomkvist mở to mắt. Không phải là nhà nguyện mà là một hầm mộ. Bên trên cửa anh có thể đọc được tên Vanger chạm khắc vào trong đá cùng một khổ thơ bằng chữ Latinh nhưng anh không thể dò ra được.
– Yên nghỉ cho đến tận cùng của thời gian, – Salander nói sau lưng anh.
Blomkvist quay lại nhìn cô. Cô nhún vai.
– Em tình cờ đọc thấy câu thơ này ở đâu đó.
Blomkvist cười phá lên. Cô cứng người lại và nom cô thoạt đầu giận dữ nhưng rồi cô thư thái lại khi hiểu ra là anh cười về sự khôi hài của tình huống.
Blomkvist thử mở cửa. Cửa khóa. Anh nghĩ một lúc và bảo Salander ngồi xuống chờ anh. Anh đi đến gặp Anna Nygren và gõ cửa.
Anh giải thích anh muốn xem gần hơn hầm mộ của gia đình, và không hiểu Henrik để chìa khóa ở đâu. Anna nom có vẻ nghi ngại nhưng cũng lấy chìa khóa ở bàn làm việc của Henrik ra.
Vừa mở được cửa hầm mộ ra họ biết ngay là họ đã đúng. Không khí nồng nặc mùi xác cháy và các lục phủ ngũ tạng đã thành than. Nhưng người hành hạ con mèo không phải nổi lửa. Ở một góc hầm là một cây đuốc, loại người trượt tuyết vẫn dùng để hơ chảy xi ở các ván trượt tuyết. Salander lấy máy ảnh ở trong túi váy jean ra chụp vài pô. Rồi cô rón rén nhấc cây đuốc lên.
– Cái này có thể làm bằng chứng. Hắn có thể để lại vân tay. – Cô nói.
– Ô chắc hẳn chúng ta có thể yêu cầu nhà Vanger xếp hàng ra cho chúng ta xem vân tay họ – Blomkvist cười. – Anh muốn xem em lấy vân tay của Isabella.
– Có cách đấy. – Salander nói.
Có nhiều máu ở trên sàn, không phải đều đã khô hết, cũng như một con dao mà họ cho là đã dùng để cắt đứt đầu con mèo.
Blomkvist nhìn quanh. Một quan tài bằng đá nổi lên thuộc về Alexander Vangersad và bốn nấm mồ để hài cốt của các thành viên gia đình chết sớm nhất. Gần đây hơn xem vẻ nhà Vanger giải quyết bằng hỏa táng. Khoảng ba chục khoang trên tường đề tên tổ tiên gia tộc. Blomkvist lần theo thời gian của gia đình, nghĩ không biết họ chôn ở đâu những thành viên gia đình không được dành chỗ cho ở trong hầm mộ – những người không được đánh giá là đủ quan trọng.
– Bây giờ thì chúng ta biết rồi, – Blomkvist nói khi họ qua lại cầu trở về. – Chúng ta đang săn lùng một gã điên đặc.
– Ý anh là sao?
Blomkvist dừng lại ở giữa cầu tì vào thành cầu.
– Nếu đây là một cha lập dị ú ớ đang thử dọa chúng ta hắn sẽ đem con mèo xuống dưới gara hay thậm chí mang ra rừng. Nhưng hắn lại đưa đến hầm mộ. Có một điều gì đó bắt buộc ở chỗ này. Cứ nghĩ đó là một sự rủi ro đi. Đang là mùa hè người ta ra ngoài nhà, đi dạo loanh quanh. Con đường qua nghĩa trang là một con đường chính bắc nam của đảo Hedeby. Cho dù hắn có đóng cửa lại ở đằng sau thì con mèo chắc cũng đã làm ầm ĩ cả lên và chắc phải có mùi cháy.
– Hắn?
– Anh nghĩ Cecilia không bò đến đây ban đêm với một cây đuốc trên tay được.
Salander nhún vai.
– Em không tin bất cứ một ai trong đám họ, kể cả Frode hay ông bạn Henrik của anh, Họ đều là một bộ phận của cái gia đình sẵn sàng lừa đảo anh nếu như có cơ hội. Vậy bây giờ thì chúng ta làm gì đây?
Blomkvist nói:
– Anh phát hiện ra một lô lốc về em. Thí dụ bao nhiêu người biết em là hacker?
– Không ai.
– Không ai, trừ anh, em nói thế chứ gì.
– Anh nói thế để đi đến đâu đây?
= Anh muốn biết em có đồng ý với anh không. Em có tin anh không.
Cô nhìn anh một lúc lâu. Cuối cùng chỉ nhún vai, thay cho trả lời.
– Chuyện đó thì em chịu, không làm được gì cả.
– Em có tin anh không? – Blomkvist nài hỏi.
– Tốt. Nào, chúng ta đi gặp Frode.
Đây là lần đầu tiên bà vợ luật sư Dirch Frode gặp Salander. Vừa cười lịch sự bà vừa mở to mắt nhìn cô. Mặt Frode sáng lên khi thấy Salander. Ông đứng lên đón tiếp họ.
– Gặp các vị hay quá. – Ông nói. – Tôi vẫn cảm thấy có lỗi là chưa bày tỏ đúng đắn lòng biết ơn với cái công việc khác thường mà cô đã làm cho chúng tôi. Cả mùa đông vừa rồi lẫn mùa hè hiện nay.
Salander nghi ngờ liếc ông.
– Tôi được trả công. – Cô nói.
– Không phải chuyện ấy. Tôi đã cói vài sự đánh giá khi vừa nhìn thấy cô. Cô hãy tốt bụng mà tha lỗi cho tôi.
Blomkvist ngạc nhiên. Frode lại có thể đề nghị một cô gái hai mươi lăm tuổi xăm khắp mình và đeo khoen đầy người thứ lỗi vì một cái gì đó mà ông chả cần phải xin lỗi. Ông luật sư đã leo lên được vài nấc nữa trong mắt Blomkvist, Salander nhìn chằm chằm ra đằng trước không buồn để ý đến ông.
Frode nhìn Blomkvist.
– Anh đã làm gì cái đầu của anh thế?
Họ ngồi xuống. Blomkvist tóm tắt sự diễn biến trong hai mươi tư giờ qua. Khi anh tả chuyện có người bắn anh ở gần Pháo đài, Frode nhảy dựng lên.
– Thế này thì điên thật rồi! – Ông ngừng lại nhìn đăm đăm Blomkvist. – Tôi xin lỗi nhưng chuyện đến thế này thì phải ngừng lại thôi. Tôi không thể đừng được. Tôi sẽ nói với Henrick và huỷ hợp đồng.
– Ngồi xuống đi, – Blomkvist nói.
– Anh không hiểu…
– Điều tôi không hiểu là Lisbeth và tôi đã đến quá gần khiến một ai đó ở đằng sau tất cả chuyện này bị rối trí mà phản ứng hoảng loạn như thế. Chúng tôi có một vài câu hỏi. Trước hết: có bao nhiêu chìa khoá của hầm mộ nhà Vanger và ai được có một chiếc?
– Không phải việc của tôi, tôi không biết. – Frode nói. – tôi cho là nhiều người trong gia đình có thể ra vào hầm mộ. Tôi biết Henrick có một chìa và Isabella đôi khi cũng đến đó, nhưng tôi không thể bảo với anh là bà ấy có chìa khoá hay bà ấy mượn của Henrik.
– OK, ông vẫn ở bên chính phái. Có hồ sơ nào về tập đoàn không? Một thư viện hay cái gì đó đại loại thế. Chỗ mà họ lưu các cắt dán báo chí và thông tin về hãng xưa nay.
– Vâng, có. Ở văn phòng chính tại Hedestad.
– Chúng tôi cần vào đó. Có nhà báo nào lâu năm của ban lãnh đạo hay một cái gì na ná thế không?
– Tôi lại phải nói rằng tôi không biết. Ba chục năm nay tôi không làm việc với hồ sơ rồi. Anh phải nói với một người phụ nữ tên là Bodil Lindgren.
– Ông có thể gọi bà ta và thu xếp sao cho Salander đọc được hồ sơ chiều nay không? Cô ấy cần tất cả các cắt dán báo chí cũ về Tập đoàn Vanger.
– Không thành vấn đề. Còn gì nữa không?
– Còn. Greger cầm một chiếc máy ảnh Hasselblad hôm xảy ra tai nạn xe ở trên cầu. Có nghĩa là ông ta cũng đã có chụp một số ảnh.
– Theo lôgích thì bà vợ goá và con trai ông ấy giữ. Để tôi gọi Alexander và hỏi anh ta.
– Em tìm cái gì nào? – Salander nói khi hai người đang trên đường về đảo.
– Cắt dán báo chí và ý kiến bạn đọc. Anh muốn em đọc kỹ mọi cái về ngày tháng của các vụ án mạng gây ra trong năm 50 và 60. Bất cứ cái gì làm em ngạc nhiên thì em cứ giữ lại. Hình như trí nhớ của em…
Cô thụi một cái vào sườn anh.
Năm phút sau chiếc Kawasaki của cô đã phành phạch qua cầu.
Blomkvist bắt tay Alexander Vanger. Trong phần lớn thời gian Blomkvist ở Hedeby, ông đã ở đâu đó. Ông hai mươi tuổi khi Harriet mất tích.
– Dirch nói ông muốn xem các bức ảnh cũ.
– Bố ông có một chiếc Hasselblad, tôi tin như vậy.
– Đúng. Nó vẫn còn đây nhưng không ai dùng cả.
– Tôi mong ông biết rằng Henrik đã nhờ tôi nghiên cứu xem chuyện gì đã xảy ra với Harriet.
– Tôi hiểu. Và có nhiều người không thích chuyện ấy.
– Có vẻ là thế và dĩ nhiên ông không phải đưa tôi xem cái gì cả.
– Xin… ông thích xem cái gì?
– Nếu bố ông chụp đựoc ảnh nào vào hôm xảy ra tại nạn xe, hôm mà Hariet mất tích thì xin ông cho xem.
Họ đi lên gác xép. Phải mất mấy phút Alexander Vanger mới có thể nhận ra được cái hộp đựng những hình ảnh chưa xếp loại.
– Mang cả hộp về nhà. – ông nói. – Nếu như còn thì chúng ở cả trong này đây.
Như những minh hoạ cho biên niên gia đình Vanger, cái hộp của Greger Vanger đã chứa đựng những viên đá quý đích thực, bao gồm cả một số hình ảnh của Greger chụp với Olof Lindholm, thủ lĩnh chóp bu của Quốc xã Thụy Điển trong những năm bốn mươi. Những bức ảnh anh đã để ra bên. Anh tìm thấy những phong bì đựng những ảnh mà Greger đã chụp các cuộc tụ họp gia đình cũng như nhiều bức ảnh về các ngày nghỉ lễ điển hình – câu cá trên núi và một chuyến du lịch sang Ý.
Anh tìm thấy bốn bức về tai nạn trên cầu. Tuy máy của ông tốt, Greger vẫn là một tay chụp tồi. Hai bức cận cảnh chiếc xe téc, hai bức về những người đứng xem, chụp từ đằng sau. Anh chỉ tìm thấy một bức trong đó Cecilia hiện ra rõ trong tư thế quay nửa chiều nghiêng mặt.
Anh quét hình các bức ảnh này vào máy tính tuy anh biết chúng chả nói được điều gì mới với anh. Anh để các thứ trở lại và cái hộp và nghĩ thế là xong việc, rồi ăn trưa với một cái sandwich. Sau đó anh đi gặp Anna.
– Bà có nghĩ Henrik còn có album nào ngoài những bức ảnh ông đã tập hợp lại cho cuộc điều tra về Hariet không?
– Có. Henrik luôn thích ảnh – ngay từ khi còn trẻ, tôi được nghe nói thế. Ông ấy có nhiều ảnh ở trong phòng làm việc của ông ấy.
– Bà có thể cho tôi xem được không?
Trông thấy rõ ngay là bà ngập ngừng. Cho Blomkvist mượn chìa khoá hầm mộ gia đình đã là một chuyện – dầu gì thì đã có Chúa gánh trách nhiệm ở đấy – nhưg để cho vào phòng của Henrik lại là một chuyện khác. Lệnh của Chúa không mở rộng ra đến đó. Blomkvist gợi ý là bà nên gọi Frode. Cuối cùng bà cho anh vào. Gần như các Album choán mất hết cả một mét dưới cùng của giá sách. Anh ngồi vào bàn làm việc và mở quyển Album đầu tiên.
Vanger đã lưu hết các bức ảnh gia đình còn lại. Những bức rõ ràng là có từ lâu trước thời ông. Các bức lâu nhất có từ năm 1870, cho thấy những người đàn ông cục cằn và những người phụ nữ nghiêm nghị. Có ảnh bố mẹ của Vanger. Một bức cho thấy bố ông nghỉ lễ giữa mùa hè với một đám đông nồng nhiệt ở Sandhamn năm 1906. Một bức nữa ở Sandhamn cho thấy các công nhân trên sàn một nhà máy và trong các văn phòng. Anh tìm thấy đại uý Oskar Granath, người đã đưa Vanger và cô Edith Lobach yêu dấu của anh đến Kariskrona an toàn.
Anna lên gác với một tách cà phê. Anh cảm ơn bà. Lúc ấy anh đã đi đến thời hiện đại và đang giở các trang ảnh của Vanger thời trẻ, mở nhà máy, bắt tay với Tage Erlander, một ảnh của Vanger với Marcus Wallenberg – hai nhà tư bản gườm gườm nhìn nhau.
Trong album này anh cũng tìm thấy hai trang ảnh liền trên đó Vanger viết bằng bút chì “Hội đồng gia đình 1966”. Hai bức ảnh màu cho thấy những người đàn ông trò chuyện và hút xì gà. Anh nhận ra Henrik, Harald, Greger và một số con rể trong chi Johan Vanger của gia đình. Hai bức cho thấy bữa ăn tối chính thức, bốn chục đàn ông và phụ nữ ngồi ở bàn, tất cả đều nhìn chằm chằm vào máy ảnh. Các bức ảnh được chụp sau khi tấm bi kịch trên cầu kết thúc nhưng trước khi mọi người nhận ra Harriet đã mất tích. Anh xem kỹ mặt họ. Bữa tiệc lẽ ra cô gái đã dự. Có ai trong đám đàn ông ở đây biết là cô gái đã đi biệt? Các bức ảnh không cho ra câu trả lời.
Rồi thình lình anh sặc cà phê. Anh ho và ngồi thẳng người lên ghế.
Ở đầu bàn góc xa, Cecilia Vanger trong bộ váy sáng màu cười với máy ảnh. Ngồi cạnh chị là một phụ nữ tóc vàng khác cũng với món tóc dài và chiếc váy sáng màu tương tự. Hai người giống nhau đến mức ngỡ là chị em sinh đôi. Thế là thình lình mảnh ghép của bài đồ ghép hình đã rơi vào chỗ của nó, Cecilia không phải là người ở cửa buồng Harriet – đó là Anita, em của chị, kém chị hai tuổi và hiện đang sống ở London. Salander đã nói thế nào? Có Cecilia ở trong nhiều ảnh lắm. Không phải. Có hai cô gái và như cơ may muốn thế – cho đến nay – họ chưa từng được nhìn thấy ở chung trong một ảnh bao giờ. Ở một khoảng cách, hai cô nom giống nhau trong các ảnh trắng đen. Henrik Vanger được cho là có thể nhận ra riêng biệt từng người nhưng với Blomkvist và Salander thì các cô gái nom giống nhau ngỡ như là một. Không ai chỉ cho họ thấy sai vì họ chưa bao giờ có ý hỏi chuyện này.
Blomkvist lật bức ảnh lại tóc gáy anh liền dựng đứng. Ngỡ đâu có một luồng gió lạnh thổi vào gian phòng. Có những bức ảnh chụp hôm sau, khi cuộc tìm kiếm Harriet bắt đầu. Sĩ quan cảnh sát trẻ Morell đang chỉ thị cho toán người đi tìm gồm hai sỹ quan cảnh sát mặc đồng phục và mươi người đi bốt đang sắp sửa lên đường. Vanger mặc áo mưa dài đến đầu gối và đội mũ Anh hẹp vành.
Ở bên trái bức ảnh có một thanh niên hơi vạm vỡ với mái tóc dài sáng màu. Anh ta mặc chiếc Jacket độn vai màu thẫm với một dải vải đỏ ở vai. Bức ảnh rất rõ. Blomkvist lập tức nhận ra anh ta – và chiếc Jacket – nhưng để cho chắc chắn, anh lấy bức ảnh đi xuống hỏi bà Anna xem bà có biết người đó không.
– Ô thì, Martin Vanger chứ còn ai.
Salander lục kỹ hết năm này sang năm khác các cắt dán báo chí, lần lên theo trật tự thời gian. Cô bắt đầu từ năm 1949 và cứ thế đi miết. Đống hồ sơ đồ sộ. Công ty được thông tin đại chúng nhắc đến gần như hàng ngày trong một thời kỳ tương ứng – không chỉ ở báo địa phương mà ở cả thông tin đại chúng toàn quốc. Có những phân tích tài chính, nhưng thương lượng công đoàn, đe doạ bãi công, nhà máy khai trương và nhà máy đóng cửa, những thay đổi trong các giám đốc điều hành, các sản phẩm mới tung ra. Tin tức lũ lượt. Click, click, click, đầu óc cô hoạt động với tốc độ cao trong khi cô tập trung vào thông tin và hấp thụ nó từ những trang giấy ố vàng.
Sau vài tiếng đồng hồ cô nảy ra một ý. Cô hỏi người quản lý hồ sơ liệu có các biểu đồ cho thấy tập đoàn Vanger đã có những nhà máy hay công ty ở đâu trong những năm 50 và 60.
Boldy Lindgern chả giấu vẻ lạnh nhạt khi nhìn Salander. Bà không vui chút nào cái việc cho phép người là hoắc thâm nhập nội bộ thánh cung hồ sơ của công ty, buộc phải cho cô ta được xem kỹ hết tất cả những gì cô ta muốn. Ngoài ra cô ả này nom lại y như một phần tử vô chính phủ ẩm ương mười lăm tuổi. Nhưng ông Frode đã cho những chỉ thị mà bà không được hiểu sai. Cái đồ con gái kiểu này lại được tự do xem bất cứ thứ gì ả thích. Và lại là khẩn nữa chứ. Bà mang ta các báo cáo thường niên có in ấn trong những năm mà Salander muốn xem; mỗi báo cáo lại có một biểu đồ về các phân nhánh của công ty ở khắp Thuỵ Điển.
Salander xem các biểu đồ và thấy công ty có rất nhiều nhà máy, văn phòng và mạng lưới bán hàng. Ở mỗi chỗ từng xảy ra án mạng lại có một chấm dỏ, đôi khi vài ba chấm, chỉ ra Tập đoàn Vanger.
Cô tìm ra tương quan đầu tiên vào năm 1957. Rakel Lunde, Lanskrona, bị phát hiện chết hôm trước ngày Công ty Xây dựng V&C thanh toán một lệnh đáng giá vài triệu để xây dựng một gallery ở thị trấn. V&C là chữ tắt của Công ty Vanger và Carlen. Báo sở tại đã phỏng vấn Gottfried Varger, ông vừa đến thị trấn để ký vào hợp đồng.
Salander nhớ lại một cái gì đó cô đã đọc ở trong báo cáo của cảnh sát ở sở lưu trữ tỉnh tại Landskrona. Rakel Lunde, người xem bói lúc rỗi rãi là một nhân viên quét dọn văn phòng. Bà đã làm việc cho Công ty Xây dựng V&C.
7 giờ tối, Blomkvist gọi Salander có đến chục lần nhưng di động của cô đều tắt. Cô không muốn bị quấy rầy.
Anh bồn chồn đi đi lại lại trong nhà. Anh đã lấy ra các ghi nhận của Vanger về các hoạt động của Martin vào thời gian Harriet mất tích.
Năm 1966, Martin đang học lớp cuối cùng ở trường dự bị tại Uppsala. Uppsala, Lena Andersson, học sinh trường dự bị mười bảy tuổi. Đầu bị cắt rời khỏi thân.
Henrik Vanger đã ghi nhận điều này ở một chỗ nhưng Blomkvist cần phải xem các ghi chép của ông để tìm ra đoạn nào. Martin là một cậu con trai hướng nội. Cả nhà đã lo lắng cho anh. Sau khi bố anh bị chết đuối, Isabella đã quyết định đưa anh đi Uppsala – thay đổi quang cảnh, nơi anh đã có buồng và ở chung với Harald Vanger. Harald và Martin? Khó mà thấy là đúng được.
Martin không đi xe cùng xe với Harald đến cuộc họp gia đình ở Hedestad rồi lại lỡ một chuyến tàu. Anh đến muộn vào buổi chiều cho nên đã ở trong số những người bị kẹt lại ở bên kia cầu. Anh chỉ đến được đảo sau 6 giờ, một lúc bằng tàu. Anh đã được chính Vanger đón, cùng với những người khác. Vanger đã đặt Martin xuống tận dưới cùng danh sách những người có thể có liên quan tới việc Harriet mất tích. Martin nói hôm ấy anh ta không gặp Harriet. Anh ta nói dối. Ngày hôm đó, anh ta đến Hedestad sớm hơn và anh ta đã ở Jarnvagsgatan đối mặt với em gái anh ta. Blomkvist có thể chứng minh sự dối trá bằng những bức ảnh từng bị chôn vùi trong gần bốn chục năm trời.
Gặp anh cô, Harriet đã choáng váng phản ứng. Cô đi khỏi đảo Hedeby cố nói chuyện với Henrik nhưng chưa gặp được Henrik thì cô đã biến mất. Cô tính nói ông chú chuyện gì? Uppsala? Nhưng Lena, Andersson, Uppsala, không có trong danh sách? Cô có thể chưa biết.
Câu chuyện vẫn chưa cho Blomkvist rõ được điều gì. Harriet biến mất vào quãng 3 giờ chiều. Không nghi ngờ gì nữa. lúc ấy Martin ở bên kia cầu. Có thể nhìn thấy anh ta ở trong bức ảnh chụp từ trên đồi nhà thờ. Anh ta không thể có khả năng đã làm hại Harriet ở trên đảo. Vẫn thiếu một miếng ở trong bài đố ghép hình. Một tòng phạm? Anita Vanger ư?
Qua hồ sơ Salander có thể thấy vị trí của Gottfried ở công ty bị thay đổi dần hàng năm. Ở tuổi hai chục vào những năm 1947, ông gặp Isabella và lập tức làm bà có thai; Martin Vanger sinh năm 1948 và không có vấn đề gì với chuyện này nhưng những người trẻ tuổi sẽ lấy vợ lấy chồng.
Khi Gottfried hai mươi hai tuổi, Henrik Vanger đã đưa ông ta vào sở chính của Tập đoàn Vanger. Ông rõ ràng là có tài và họ đã nhắm để cho ông tiếp quản. Năm hai mươi lăm tuổi, ông được đề bạt vào ban lãnh đạo, làm phó giám đốc của vụ phát triển của công ty. Một ngôi sao đang lên.
Vào giữa những năm 50, ngôi sao của ông bắt đầu chìm. Ông ta uống rượu. Hôn nhân của ông với Isabella va vào đá ngầm, các con, Harriet và Martin không được tốt, Henrik đình lại.
Sự nghiệp của Gottfried đã lên đến đỉnh cao. Năm 1956, lại một đề bạt mới, một phó giám đốc phát triển khác nữa. Hai phó giám đốc: một làm công việc trong khi Gottfried tuý luý và vắng mặt trong nhiều thời gian dài. Nhưng Gottfried vẫn là một Vanger, cũng như vẫn hấp dẫn và hùng biện. Từ 1957 trở đi, công việc của ông hình như là đi khắp đất nước để mở các nhà máy, giải quyết các mắc mớ ở địa phương, để phổ biến một hình ảnh mà lãnh đạo công ty thật sự quan tâm. Chúng tôi đang cử một đứa con của chúng tôi đến đây nghe các vấn đề của các ông, Chúng tôi nghiêm túc với các ông.
Đúng mười lăm phút sau, Salander phát hiện ra tương quan thứ ba. Uddevalla, 1962. Cùng ngày mà Lea Persson mất tích, tờ báo địa phương đã phỏng vấn Gottfried về một khả năng mở rộng bến cảng.
Khi bà Lindgren muốn đóng cửa hàng về nhà vào lúc 5 giờ rưỡi thì Salander đã cảu nhảu bảo với bà rằng cô còn lâu mới xong việc được. Bà cứ việc về và để chìa khoá lại. Salander sẽ quản cho. Lúc này, bà quản lý hồ sơ đã cáu điên lên vì một đứa con gái như thế này mà dám sai phái bà này nọ nên bà đã gọi ông Frode. Frode bảo bà nếu cô ấy có muốn ở cả đêm tại đấy cũng được. Xin bà Lindgren có thể báo an ninh ở sở để họ cho Salander đi khi nào cô ấy muốn được không?
Ba giờ sau, quãng 8 giờ rưỡi, Salander kết luận rằng Gottfried đã ở gần cái địa điểm mà ít nhất năm trong tám vụ án mạng đã được gây ra, trong những ngày hoặc trước hoặc sau các vụ này. Cô vẫn thiếu thông tin về các vụ án mạng năm 1949 và 1954. Cô xem kỹ một bức ảnh của ông đăng lên báo. Một người đàn ông thanh mảnh, đẹp trai, tóc vàng sẫm, hơi giống Clack Gable trong Cuốn theo chiều gió.
Năm 1949, Gottfried hai mươi hai tuổi. Vụ án mạng đầu tiên xảy ra trên đất đai của nhà ông, Hedestad, Rebecka Jacobson, người làm việc ở Tập đoàn Vanger. Hai người gặp nhau ở đâu đây? Ông ta đã hứa với cô ấy những gì? Salander cắn môi. Vấn đề là năm 1965 Gottfried đã chết đuối khi ông ta bị say trong khi vụ án mạng cuối cùng lại xảy ra ở Uppsala, tháng Hai năm 1966. Cô nghĩ hay là cô đã lầm khi cho tên Lena Andersson, cô nữ sinh mười bảy tuổi vào trong danh sách. Không, có thể không cùng là một chữ ký nhưng vẫn là cùng kiểu nhái thơ Kinh thánh. Chúng chắc là có liên quan đến nhau.
9 giờ trời đã tối. Khí trờ lạnh và mưa phùn. Mikael ngồi trong bếp, gõ tay xuống bàn thì chiếc Volvo của Martin Vanger qua cầu và rẽ ra ngoài đi tới mũi đất. Không hiểu sao cái điều này lại làm cho đầu anh sinh chuyện.
Anh không biết mình nên làm gì. Toàn thân anh nóng ran lên vì thèm muốn được đặt câu hỏi – để khêu ra một cuộc đương đầu đối chọi. Chắc chắn đây không phải là một thái độ biết điều cần phải có nếu anh nghĩ Martin Vanger làm một tên sát nhân điên loạn từng giết em gái và cũng từng đã suýt thành công trong việc cho toi cái mạng anh đi. Nhưng MartinVanger cũng là một cục nam châm. Và anh ta không biết rằng Blomkvist biết, anh co thể đến gặp anh ta với lý do rằng….. ừ được thôi, anh trả lại chiếc chìa của căn nhà nhỏ của Gottfried. Blomkvist khoá cửa nhà lại và đi ra mũi đất.
Nhà của Harald Vanger giống thường lệ tối như mực. Trong nhà Henrik, đèn đã tắt, trừ trong một gian buồng đối diện với sân. Nhà Isabella cũng tối. Cecilia không có nhà. Đèn sáng ở trên gác nhà Alexander nhưng tắt ở trong hai ngôi nhà mà chủ là những người không thuộc về gia tộc Vanger. Anh chẳng thấy một bóng ma nào. Anh lưỡng lự dừng lại ở bên nhà Martin Vanger, lấy di động ra bấm số Salander. Vẫn không trả lời. Anh tắt di động để cho nó sẽ không kêu nữa.
Có ánh đèn ở dưới nhà. Blomkvist đi qua thảm cỏ và dừng lại ở cánh cửa sổ bếp vài mét nhưng anh không trông thấy một ai. Anh tiếp tục đi quanh ngôi nhà, ngừng lại ở từng cửa sổ, nhưng không thấy dấu hiệu gì của Martin. Nhưng anh lại phát hiện thấy cánh cửa bên vào nhà xe hơi hé mở. Đừng có mà làm thằng ngốc. Nhưng anh không kìm được ý muốn nhòm xem một cái.
Vật đầu tiên anh trông thấy ở trên chiếc ghế dài của thợ mộc là một hộp đạn bắn nai sừng tấm mở nắp. Rồi anh thấy hai can xăng ở trên sàn, dưới ghế dài. Martin chuẩn bị cho một cuộc đi thăm ban đêm nữa ư?
– Vào đi, Mikael. Tôi thấy anh ở trên đường.
Tim Blomkvist bỏ hụt một nhịp. Anh từ từ quay đầu lại, thấy Martin đứng trong bóng tối ở gần cửa ra vào nhà.
– Đơn giản là anh không thể ở ngoài được, đúng không? – Tiếng của anh ta bình tĩnh, gần như thân mật.
– Chào anh Martin – Blomkvist nói.
– Vào đi. – Martin nhắc lại – Lối này.
Anh ta đi một bước lên trước và dẹp sang bên, tay trái đưa ra mời. Anh ta giơ tay phải lên và Blomkvist trông thấy một ánh kim loại xỉn đục.
– Tôi đang cầm một khẩu Glock. Đừng làm cái gì ngu xuẩn. Gần thế này tôi không bắn trượt đâu.
Blomkvist từ từ đi đến gần, Khi tới bên Martin, anh dừng lại nhìn vào mắt anh ta.
– Tôi cần đến đây. Có quá nhiều vấn đề.
– Tôi hiểu. Đi qua cửa.
Blomkvist vào nhà. Con đường dẫn tới gian sảnh ở gần bếp nhưng anh chưa kịp đi xa đến đó, Martin đã giữ anh lại, đặt nhẹ tay lên vai anh.
– Không, không lối ấy. Sang phải. Mở cửa ra.
Tầng hầm. Khi Blomkvist bước xuống được lưng chừng cầu thang, Martin tắt đèn và tất cả tối om. Ở bên phải anh là phòng đun nước nóng. Anh có thể ngửi thấy mùi xà phòng và nước nôi giặt giũ. Martin lái anh sang trái, vào gian nhà kho với các đồ nội thất cũ cùng các thùng với hộp, ở cuối gian nhà kho là một cánh cửa bảo hiểm bằng thép có một chiếc khoá chết.
– Đây, – Martin nói, ném chùm chìa khoá cho Blomkvist. – Mở nó ra.
Anh mở cái cửa.
– Tắt bật điện ở bên trái ấy.
Blomkvist mở cánh cửa tới địa ngục.
Khoảng 9 giờ, Salander đi kiếm chút cà phê và một miếng sandwich mua của người bán hàng ở hành lang bên ngoài kho hồ sơ. Cô tiếp tục lật giở các trang tài liệu cũ, tìm bất cứ một dấu vết nào của Gotfried ở Kalmar năm 1954. Cô không tìm thấy gì cả.
Cô nghĩ gọi Blomkvist nhưng nghĩ hãy đọc kỹ hết phần thư bạn đọc để có thể trọn vẹn là một ngày làm việc.
Không gian khoảng ba mét trên ba mét sáu. Blomkvist cho là nó nằm ở dọc mạn bắc của ngôi nhà. Martin Vanger đã thiết kế rất chu đáo gian phòng tra tấn riêng của anh ta. Bên trái là những dây xích, những móc sắt ở trên trần và dưới sàn, một cái bàn với những dải đai da để trói giữ nạn nhân. Rồi thiết bị video. Một phòng quay băng ghi hình. Đằng cuối gian phòng là một cũi thép cho các vị khách. Bên phải cửa là một cái ghế dài, một giường, và một cái tivi với các đĩa video ở trên một cái giá.
Vừa vào phòng, Martin đã chĩa súng vào ngực Blomkvist bảo anh nằm xuống sàn. Blomkvist từ chối.
– Tốt lắm. – Martin nói. – Thế thì tao sẽ bắn vỡ đầu gối mày.
Hắn nhắm. Blomkvist đầu hàng. Không có cách nào. Anh hy vọng Martin chỉ xểnh cảnh giác đúng một phần mười giây- anh biết anh sẽ thắng trong bất cứ kiểu đánh nhau nào với Martin. Anh đã có một nửa cơ hội khi xuống được lưng chừng cầu thang gian hầm lúc Martin khẽ đặt tay lên bả vai anh nhưng anh lưỡng lự. Sau đó Martin không đến gần. Với một viên đạn ở đầu gối anh sẽ mất cơ hội. Anh nằm xuống sàn, Martin đến từ phía sau và bảo anh quặt tay lại sau lưng. Hắng còng tay anh, rồi hắn đá vào bụng dưới của anh và đấm anh ác liệt liên hồi.
Những gì diễn ra sau đó giống như một cơn ác mộng. Martin chờn vờn giữa sự sáng suốt và điên thuần tuý. Có thể khá yên ổn một lúc nhưng rồi hắn lại sẽ xông ngay lên như một con thú trong chuồng. Hắn đá Blomkvist nhiều lần. Blomkvist chỉ còn có cách che đầu và giơ những phần mềm của cơ thể ra để hứng đòn.
Trong nửa giờ đầu tiên Martin không nói một lời và xem vẻ hắn cũng đã mất khả năng giao tiếp. Sau đó hắn hình như đã tự kiềm chế. Hắn quấn một sợi dây xích vào quanh cổ Blomkvist, buộc chặt dây xích vào một cái mỏ sắt ở trên sàn bằng một cái khóa móc. Hắn để Blomkvist một mình trong chừng mười lăm phút. Khi quay lại hắn mang một chai nước. Hắng ngồi lên một cái ghế vừa uống vừa nhìn Blomkvist.
– Cho một ít nước được không? – Blomkvist.
Martin cúi xuống để cho anh uống một ngụm dài ở cái chai. Blomkvist nuốt thèm thuồng.
– Cảm ơn.
– Vẫn xã giao thế, Kalle Blomkvist.
– Tại sao lại đấm đá như vậy? – Blomkvist
– Vì mày quả thật đã làm cho tao rất giận. Mày đáng bị trừng trị. Tại sao mày không về nhà mày đi? Mày được Millennium cần đến, tao nói nghiêm chỉnh đấy – ta có thể làm cho nó thành một tờ tạp chí lớn. Ta có thể làm cùng với nhau trong nhiều năm.
Blomkvist nhăn mặt và cố xoay người cho nó có được tư thế dễ chịu hơn, anh hết phương tự vệ. Anh chỉ còn lại có tiếng nói.
– Tôi cho là anh muốn nói thời cơ đã hết – Blomkvist nói.
Martin cười to.
– Tao xin lỗi, Mikael. Nhưng dĩ nhiên tao biết là mày sẽ chết thẳng cẳng ở ngay tại chỗ này.
Blomkvist gật.
– Cái quỷ gì mà mày lại tìm ra tao, mày với cái con khỉ chê cơm mà mày tha đến đây?
– Anh đã nói dối về cái việc anh làm hôm mà Harriet mất tích. Anh đã ở Hedestad, tại cuộc diễu hành Ngày trẻ con. Anh chụp ảnh ở đó, nhìn Harriet.
– Vì thế mà mày đã đi Norsjo phải không?
– Để có bức ảnh, đúng. Nó đã được một cặp tình cờ đi trăng mật ở Hedestad chụp.
Hắn lắc đầu.
– Mày nói dối bẩn thỉu. – Martin nói.
Blomkvist nghĩ lung tung: làm sao mà tránh hay hoãn được việc hành quyết anh.
– Bức ảnh đâu rồi?
– Âm bản đấy ư? Nó đang được để ở trong một két an toàn tại Handelsbanken ở ngay Hedestad đây… Anh không biết là tôi có một két gửi đồ an toàn ở đó ư? – Blomkvist nói dối trơn tru. – Có các bản sao ở khắp nơi, Trong máy tính của tôi và của cô gái, trong máy chủ của Millennium và trong máy chủ của An ninh Milton, nơi cô gái làm việc.
Martin chờ, cố tìm xem Blomkvist nói thật hay bịp.
– Đứa con gái biết đến đâu?
Blomkvist ngập ngừng. Hiện Salander là hy vọng cứu sống duy nhất của anh. Cô sẽ nghĩ thế nào khi về nhà mà không thấy anh. Anh đã để bức ảnh Martin Vanger mặc áo jacket độn ở trên bàn bếp. Liệu cô có làm một liên hệ không? Liệu cô có báo động không? Cô sẽ không báo cho cảnh sát. Ác mộng là cô có thể đến nhà Martin Vanger bấm chuông hỏi để biết Blomkvist ở đâu.
– Trả lời tao. – Martin Vanger nói, giọng lạnh băng.
– Tôi đang nghĩ. Cô ấy gần như biết ngang tôi, có thể còn hơn một chút cũng nên. Cô ấy giỏi lắm, Cô ấy là người duy nhất tìm được ra mối liên hệ tới Lena Andersson.
– Lena Andersson? – Martin Vanger nói nghe có vẻ thấp thỏm.
– Cô gái anh tra tấn rồi giết ở Uppsala năm 1966. chớ bảo tôi là anh quên.
– Tao không biết mày đang nói cái gì cả. – Nhưng lần đầu tiên giọng hắn nghe run run. Đây là lần đầu tiên có người lần ra mối liên quan giữa vụ án này với hắn. – Lena Andersson không có tên ở trong quyển sổ đề ngày tháng của Harriet.
– Martin, – Blomkvist nói, cố hết sức làm cho giọng của mình rắn rỏi. – Hết rồi. Mày có thể giết tao nhưng thế là kết thúc. Quá nhiều người biết rồi.
Martin Vanger lại đi đi lại lại.
Mình phải nhớ là hắn không có lý tính. Con mèo. Hắn có thể mang con mèo xuống giết ở đây nhưng hắn lại mang đến hầm mộ gia đình. Martin dừng lại.
– Tao nghĩ là mày đang nói dối. Mày và Salander là những đứa có thể biết được một cái gì ư. Rõ ràng là mày chưa nói với ai chứ không thì cảnh sát đã ở đây rồi. Một ngọn lửa tươi đẹp nho nhỏ ở căn nhà khách bằng gỗ thế là bằng chứng đi đời nhà ma.
– Thế nhưng nếu mày sai?
– Nếu tao sai thì đúng là kết thúc thật. Nhưng tao nghĩ không phải như thế. Tao đánh cá rằng mày bịp. Với lại tao còn có lựa chọn gì khác nữa đây? Tao sẽ nghĩ một ít về chuyện này. Con rồ chê cơm ấy là cái khâu yếu phải không?
– Cô ấy đi Stockholm từ giờ ăn trưa rồi.
Martin Vanger cười phá.
– Cứ bịp tới nữa đi, Mikael. Suốt tối nó ngồi ở giữa đống hồ sơn tại văn phòng của Tập đoàn Vanger.
Tim Blomkvist bỏ mất một nhịp đập. Hắn biết. Hắn đã biết hết.
– Đúng thế. Kế hoạch là xem hồ sơ rồi đi Stockholm, – Blomkvist nói – Tao không biết cô ấy lại ngồi ở đó lâu thế.
– Dẹp ngay các trò ba láp ấy đi, Mikael. Bà coi hồ sơ gọi bảo tao là Dirch đã cho con bé ở lại đấy muộn tuỳ theo ý nó. Có nghĩa là nó chắc chắn sẽ có ở nhà. Người gác đêm sẽ gọi cho tao khi nào nó về.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.