Cô Gái Có Hình Xăm Rồng

CHƯƠNG 4



THỨ HAI, 23 THÁNG MƯỜI HAI
THỨ NĂM, 26 THÁNG MƯỜI HAI
Berger ở lại hết cả cuối tuần. Họ chỉ đứng lên để ra toa lét hay lấy cái gì đó ăn, nhưng họ không chỉ có làm tình. Họ nằm dài hàng giờ bàn về tương lai, cân nhắc các khả năng và các thứ linh tinh. Sáng thứ Hai, khi bình minh đến, đó cũng là ngày trước Noel, cô hôn từ biệt anh – cho tới lần sau – rồi lái xe về nhà.
Ngày thứ Hai, Blomkvist dành cho việc rửa bát đĩa, vệ sinh căn hộ rồi đi xuống văn phòng dọn sạch bàn làm việc. Anh không có ý đoạn tuyệt với tờ tạp chí nhưng cuối cùng anh đã thuyết phục được Berger rằng anh cần phải tách khỏi nó một thời gian. Anh sẽ làm việc từ nhà.
Tòa báo đóng cửa nghỉ Noel, các đồng sự của anh đã nghỉ hết cả. Anh đang loại bỏ các ngăn giấy và cho sách vào trong các hộp các tông để mang đi thì điện thoại réo.
– Tôi muốn kiếm Mikael Blomkvist, – một tiếng nói khấp khởi hy vọng và lạ lẫm ở đường dây.
– Tôi đây.
– Thứ lỗi cho tôi đã quấy rầy anh đường đột, xin cứ nói như thế. Tôi là Dirch Frode. – Blomkvist lưu ý cái tên và thời gian. – Tôi là luật sư và đại diện cho một thân chủ rất mong được nói chuyện cùng anh.
– Được xin bảo thân chủ của ông gọi cho tôi.
– Ý tôi là ông ta muốn được gặp mặt anh.
– OK, định thời gian và bảo ông ta đến tòa báo. Nhưng tốt hơn là ông hãy gấp lên, bây giờ tôi bận dọn dẹp bàn giấy.
– Thân chủ của tôi mong anh đến thăm ông ta ở Hedestad – đi tàu chỉ mất có ba giờ đồng hồ.
Blomkvist gạt một cái khay hồ sơ sang bên. Giới truyền thông có cái tài là thu hút các dân điên rồ nhất gọi tới mình bằng những mánh ngu ngốc đến mức hoàn hảo. Các tòa soạn trên thế giới đều nhận được những thông tin nóng hổi nhất từ các nhà nghiên cứu vật bay chưa xác định, các nhà xem tướng chữ, các nhà khoa học học, các dân tâm thần phân lập và mọi kiểu lý thuyết gia về âm mưu.
Blomkvist đã một lần nghe nhà văn Karl Alvar Nilson nói chuyện ở đại sảnh của ABF nhân lễ tưởng niệm ngày Thủ tướng Olof Bodstrom bị ám sát. Bài nói nghiêm túc và trong cử tọa có Lennart Bodstrom và các bạn bè khác của Palme. Nhưng một số lượng đáng kinh ngạc những nhà điều tra nghiệp dư đã kéo đến. Một trong số họ là một phụ nữ chừng tuổi bốn mươi mà trong phần Hỏi Đáp đã cầm chiếc micro để ra xa rồi hạ giọng xuống cho còn chỉ là một tiếng thì thầm khó mà nghe nổi. Riêng điều này đã báo trước sẽ có một chuyện thú vị nên chả có ai ngạc nhiên khi bà ta tuyên bố: “Tôi biết ai giết Olof Palme”. Từ trên sân khấu đã có lời giễu cợt đại khái nếu bà có thông tin như thế mà đem chia sẻ nó ngay với bộ phận điều tra vụ Palme thì sẽ giúp ích đấy. Bà ta bèn vội đáp lại: “Tôi không thể”, bà ta nói quá khẽ gần như không thể nghe được. “Việc ấy quá nguy hiểm”.
Blomkvist nghĩ tay Frode này phải chăng lại là một cha nói sự thật khác nữa, người có thể vạch ra cái bệnh tâm thần bí mật mà Sapo, Cảnh sát An ninh, đang làm những thí nghiệm về khả năng kiểm soát ý nghĩ.
– Tôi không nhận đến nhà, – anh nói.
– Tôi hy vọng có thể thuyết phục anh cho tôi một ngoại lệ. Thân chủ tôi đã ngoài tám mươi, xuống đến Stockholm thì ông ta hết hơi mất. Nếu anh bằng lòng thì chắc chắn chúng ta sẽ thu xếp như thế nào đó với nhau được, nhưng xin nói thật với anh, nếu như anh rộng lòng thì sẽ tốt hơn…
– Thân chủ của ông là ai?
– Một người mà tôi ngờ là trong công việc anh đã từng nghe thấy tên. Henrik Vanger.
Blomkvist ngạc nhiên ật người ra đằng sau. Henrik Vanger – dĩ nhiên anh đã nghe thấy. Một nhà công nghiệp và nguyên là người đứng đầu các công ty Vanger, từng được biết đến trong các lĩnh vực nhà máy cưa, hầm mỏ, thép, kim loại, hàng dệt. Vanger đã từng là con cá kình thật sự lớn ở thời của ông ta, nổi tiếng là một trưởng lão kiểu cổ, danh giá, không chịu uốn mình trước cơn gió mạnh. Một hòn đá tảng của công nghiệp Thụy Điển, một trong các con sói đầu đàn của trường phái nghiên cứu cũ, cùng với Matts Carlgren của MoDo và Hans Werthen ở Electrolux xưa. Một xương sống của nhà nước phúc lợi v.v… Nhưng các công ty Vanger, vẫn là sở hữu gia đình, đã bị biến mất trong hai mươi năm qua bởi những cuộc tổ chức lại; các khủng hoảng thị trường chứng khoán, các khủng hoảng lãi, cạnh tranh ở Châu Á, xuất khẩu giảm rồi các tai họa khác hợp lại đã đẩy cái tên Vanger vào chỗ bế tắc. Hiện nay công ty do Martin Vanger trông nom, Blomkvist luôn gắn cái tên này vào một người thấp, đẫy đà, tóc rậm đôi hồi vẫn thoáng xuất hiện trên tivi. Anh không biết nhiều về ông ta. Henrik Vanger đã lui ra ngoài bức tranh ít ra đã hai chục năm.
– Tại sao Henrik Vanger lại muốn gặp tôi?
– Tôi là luật sư đã nhiều năm của ông Vanger nhưng việc này thì ông muốn đích thân nói với anh. Mặt khác, tôi có thể nói ông Vanger muốn thảo luận một công việc có thể làm với anh.
– Công việc? Tôi không hề có ý làm việc cho công ty Vanger. Có phải là ông cần một thư ký báo chí không?
– Không đúng. Tôi không biết nói thế nào hơn là thưa rằng ông Vanger đang quá ư nóng lòng muốn gặp anh để xin tư vấn về một vấn đề riêng tư.
– Ông không thể mập mờ hơn thế này được nữa, đúng không?
– Tôi xin lỗi anh về việc này. Nhưng có khả năng nào thuyết phục anh quá bộ đến thăm Hedestad không đây? Dĩ nhiên chúng tôi sẽ thanh toán đúng mực mọi phí tổn của anh như một khoản tiền công.
– Ông gọi tôi vào một lúc khá là không thích hợp. Tôi đang bận nhiều việc và… tôi cho là ông đã xem các đầu đề bàn luận về tôi trong mấy ngày qua.
– Vụ Wennerstrom? – Frode cười kín đáo. – Vâng có, cái đó đã có một giá trị mua vui nhất định. Nhưng nói thật với anh, chính báo chí quanh vụ xử này đã khiến cho ông Vanger chú ý đến anh. Ông ấy muốn mời anh làm một công việc tự do. Tôi chỉ là người đưa tin. Vấn đề này liên quan đến cái gì thì chỉ có ông ấy giải thích được.
– Đây là một trong những cú gọi lạ nhất mà đã lâu tôi mới nhận được. Hãy để cho tôi suy nghĩ. Tôi liên hệ với ông như thế nào đây?
Blomkvist ngồi nhìn cái bàn làm việc bừa bãi. Anh không thể nghĩ ra Vanger định đưa cho anh việc gì nhưng ông luật sư đã thành công ở chỗ khơi dậy trí tò mò của anh.
Anh bật Google tìm công ty Vanger. Nó có thể không được phát đạt cho lắm, nhưng xem vẻ nó lên truyền thông gần như hàng ngày. Anh lưu khoảng một chục bản phân tích về nó rồi tra tìm Frode Hanrik và Martin Vanger.
Martin tỏ ra chăm chỉ ở tư cách là CEO của Tập đoàn Vanger. Frode mờ hơn, ông ở trong ban lãnh đạo của Câu lạc bộ Xứ sở Hedestad và hoạt động tích cực ở trong Câu lạc bộ Phục vụ nghề nghiệp. Với một ngoại lệ, Henrik Vanger chỉ xuất hiện trong các bài báo nói về lai lịch của công ty. Hai năm trước, nhân ông tám mươi tuổi, tờ Hedestad Courier đã đăng một bài ca ngợi ông trùm một thời này, tờ báo cũng đăng lý lịch sơ yếu của ông. Anh cho tất cả vào chung một hồ sơ chừng năm chục trang gì đó. Rồi cuối cùng anh dọn sạch bàn làm việc, niêm phong các thùng các tông và về nhà, không biết liệu rồi có quay trở lại nữa hay không.
Salander qua Noel ở Nhà Nuôi dưỡng Appelviken tại Upplands-Vasby. Cô mang quà đến: một chai nước hoa Dior và một cái bánh gatô hoa quả mua ở cửa hàng Ahlens. Cô vừa uống cà phê vừa nhìn người phụ nữ bốn mươi sáu tuổi lóng ngóng gỡ cái nút ở trên dải ruy băng. Mắt Salander trừu mến nhưng người phụ nữ kỳ lạ là mẹ của cô đây không bao giờ hết làm cho cô thấy ngồ ngộ. Cô không thể nhận ra một chút giống nhau nào ở dáng vẻ cũng như ở bản tính giữa hai người.
Thôi không vật lộn với cái nút nữa, mẹ cô bất lực nhìn gói quà. Hôm nay không phải là ngày tốt đẹp nhất của bà. Salander đẩy chiếc kéo qua bàn, và mẹ cô chợt như bừng tỉnh.
– Con chắc nghĩ là mẹ ngu đấy nhỉ.
– Không mà mẹ. Nhưng đời là bất công.
– Con có gặp chị con không?
– Lâu rồi con không gặp.
– Nó không đến bao giờ.
– Mẹ, con biết. Chị ấy cũng chả gặp con.
– Con đang làm việc chứ?
– Vâng, con làm tốt.
– Con sống ở đâu? Mẹ chả biết cả chỗ con ở.
– Con sống trong căn hộ của mẹ ngày xưa trên phố Lundagatan. Con ở đó mấy năm rồi. Con phải tiếp tục trả tiền.
– Mùa hè có thể mẹ sẽ đến gặp con.
– Dĩ nhiên rồi. Vào mùa hè.
Cuối cùng mẹ cô đã mở được gói quà, bà ngửi ngửi nước hoa, thích thú.
– Cảm ơn con, Camilla, – bà nói.
– Lisbeth, con là Lisbeth.
Bà mẹ nom bối rối. Salander nói hai mẹ con nên sang buồng tivi.
Tối Noel, Blomkvist ngồi xem chương trình Disney đặc biệt dành cho đêm Noel với con gái ở nhà người vợ cũ, tại Sollentuna. Sau khi bàn với Monica, hai người bằng lòng cho Pernilla một máy iPod, một MP3 chỉ lớn hơn cái báo diêm một xíu nhưng có thể chứa hết bộ sưu tập CD đồ sộ của nó.
Bố mẹ Pernilla bỏ nhau khi em lên năm và đến khi em bảy tuổi, em có một ông bố mới. Pernilla đến thăm Blomkvist mỗi tháng chừng một lần và những ngày nghỉ lễ dài có khi ở với bố cả tuần tại Sandhamn. Khi ở với nhau, hai bố con thường vui vẻ nhưng đến thăm bố bao nhiêu lần và đặc biệt sau khi mẹ đi bước nữa thì Blomkvist để cho con gái tùy ý quyết định. Có hai ba năm ngừng gặp nhau khi em vào tuổi mười ba mười bốn, hình như chỉ từ hai năm qua em mới muốn gặp bố thường xuyên hơn.
Pernilla đã theo dõi phiên tòa với niềm tin vững vàng rằng câu chuyện là đúng như bố em nói: bố vô tội nhưng bố không chứng minh được.
Em nói với bố như kiểu nói chuyện với bạn trai ở một lớp khác và khi nghe em nói em đã tới nhà thờ, Blomkvist ngạc nhiên nhưng anh kìm lại lời bình luận.
Anh được mời ở lại ăn tối nhưng em gái và gia đình anh đang chờ anh ở ngoài ngoại ô Staket sôi động.
Sáng hôm ấy anh cũng được vợ chồng Beckman mời ăn Noel ở Saltsjobaden. Anh cảm ơn nhưng từ chối, cầm chắc rằng lòng độ lượng của Beckman cũng có giới hạn và khá quyết tâm rằng mình không có tham vọng dò tìm xem giới hạn đó có thể là đến đâu.
Thay vì anh đã gõ cửa nơi mà Annika Blomkvist, nay là Annika Giannini sống với người chồng gốc Ý cùng hai đứa con của họ. Họ đang sắp cùng với một trung đội họ hàng bên chồng, vạc vào một đùi lợn Noel. Trong bữa ăn anh trả lời về phiên tòa, nhận được nhiều lời khuyên có ý tốt nhưng lại gần như vô dụng.
Người duy nhất không nói gì về bản phán quyết là em gái anh, tuy cô là luật sư duy nhất trong phòng lúc này. Cô làm thư ký ở một tòa án quận và là trợ lý công tố viên trong nhiều năm trước khi cô và ba đồng sự mở một hãng luật với các văn phòng tại Kungsholmen. Cô chuyên về pháp luật gia đình và Blomkvist không hề có nhận xét về các chuyện xảy ra ở lĩnh vực này, cô em bé bỏng của anh đã bắt đầu xuất hiện trên các tờ báo như là đại diện của các phụ nữ bị đánh đập hay đe dọa cũng như ở mục hội thảo trên tivi với tư cách là một người đấu tranh cho phụ nữ và bênh vực quyền lợi của phụ nữ.
Khi anh giúp cô chuẩn bị cà phê, cô đặt một tay lên vai anh, hỏi anh sẽ làm gì. Anh nói trong đời anh chưa bao giờ suy sụp như lần này.
– Lần sau anh hãy kiếm một luật sư thật sự cho anh.
– Trong vụ lần này chắc cũng chả giúp được gì, nhưng chúng ta sẽ nói lại tất cả từ đầu đến cuối, em ạ, một lúc nào đó khi bụi đã lắng xuống.
Cô ôm anh và hôn lên má anh rồi hai anh em mang bánh Noel và cà phê ra. Blomkvist xin lỗi, đề nghị được vào bếp dùng điện thoại. Anh gọi ông luật sư ở Hedestad và cũng có thể nghe thấy ở đó tiếng nói lao xao làm nền.
– Chúc Noel vui vẻ, – Frode nói. – Tôi có dám hy vọng là anh đã quyết định rồi không đây?
– Trước mắt tôi thật sự không có kế hoạch nào mà tôi thì lại tò mò muốn biết nhiều hơn. Nếu thích hợp với ông thì sau Noe tôi sẽ lên chỗ ông.
– Hay quá, hay quá. Tôi vui đến độ không thể tin được. Anh sẽ thứ lỗi cho tôi, con và cháu tôi đến chơi, tôi không tâm trí đâu mà nghĩ đến việc khác nữa. Mai tôi có thể gọi anh để hẹn về thời gian không? Tôi liên hệ với anh ở đâu?
Ngay trước khi dời chỗ cô em đi, Blomkvist đã ân hận về quyết định của mình, nhưng bây giờ gọi hủy cuộc hẹn thì bất tiện quá. Cho nên sáng ngày 26 tháng Mười hai, anh đã ở trên tàu đi lên phía bắc. Anh có bằng lái nhưng không bao giờ cảm thấy nhu cầu có xe hơi.
Frode đã nói đúng, chuyến đi không dài. Sau Uppsala đến một vệt các thị trấn công nghiệp nho nhỏ ở bờ biển Norrland. Hedestad là một trong những thị trấn nhỏ hơn, hơn một giờ đồng hồ ở phía bắc Gavle.
Vào đêm Noel, đã có một cơn bão tuyết lớn nhưng khi Blomkvist đặt chân xuống Hadestad thì trời đã quang và không khí lạnh như băng. Ngay lập tức anh nhận thấy mình đã không mang đủ quần áo cho mùa đông ở Norrland. Frode biết mặt Blomkvist nên ông đã chu đáo đón anh ở ke nhà ga và đưa anh vào chiếc xe Mercedes ấm áp. Ở trung tâm Hedestad, người ta đang hối hả dọn tuyết và Frode len lách thận trọng qua các đường phố hẹp. Những bờ tuyết cao bày ra một cảnh trái nghịch rõ rệt với Stockholm. Thị trấn nom gần như một hành tinh khác nhưng nó chỉ cách Sergels Torg ở khu sầm uất của Stockholm có hơn ba giờ một ít. Anh vội liếc ông luật sư: một bộ mặt góc cạnh với mái tóc trắng, cứng, lưa thưa và cặp kính dầy trên một chiếc mũi to quá cỡ.
– Lần đầu tiên đến Hedestad? – Frode nói.
Blomkvist gật.
– Nó là một thị trấn công nghiệp lâu đời có một bến cảng. Dân số chỉ 24.000 người nhưng người ta thích sống ở đây. Ông Vanger sống ở Hedeby – ở đầu phía nam của thị trấn.
– Ông cũng sống ở đây?
– Hiện nay tôi đang sống ở đây. Tôi sinh ra ở Skane dưới phía nam nhưng năm 1962 tốt nghiệp xong là tôi làm việc ngay cho Vanger. Tôi là luật sư công ty, sau nhiều năm ông vanger là thân chủ duy nhất của tôi. Dĩ nhiên ông ấy cũng đã về hưu và không cần lắm đến tôi nữa.
– Chỉ còn vét đến các nhà báo mà tên tuổi đã vỡ tan tành.
– Đừng hạ thấp mình. Anh không phải người đầu tiên bị thua một keo chống Hans-Erik Wennerstrom.
Blomkvist quay sang Frode, không tin rằng mình hiểu được câu này định nói gì.
– Việc mới này có dính đến Wennerstrom không? – Anh hỏi.
– Không, – Frode nói. – Nhưng ông Vanger không lạ gì nhóm bạn của Wennerstrom, và ông ấy đã thú vị theo dõi phiên tòa. Ông ấy muốn gặp anh để thảo luận một vấn đề hoàn toàn khác.
– Mà ông không muốn nói với tôi về nó.
– Địa vị của tôi không phải để nói về nó với anh. Chúng tôi đã thu xếp để anh có thể qua đêm ở nhà ông Vanger. Nếu anh không thích như thế chúng tôi có thể thuê cho anh một phòng ở Grand Hotel trong thị trấn.
– Tôi có thể đáp tàu đêm về Stockholm.
Con đường vào Hedeby vẫn chưa cào tuyết, Frode lái chiếc xe vào những vệt rãnh bánh xe đông cứng. Trung tâm thị trấn cổ gồm những tòa nhà ở dọc vịnh Bothnia, quanh chúng là những nhà lớn hơn, hiện đại hơn. Bắt đầu từ đất liền, thị trấn tràn qua một cây cầu sang một hòn đảo đồi. Ở đầu cầu phía đất liền là một nhà thờ nhỏ bằng đá trắng, qua con phố có một biển hiệu nê ông khiểu cổ đề Cà phê & bánh đầu cầu Susanne. Frode lái đi khỏi đó chừng gần trăm mét thì rẽ trái đến một khu vườn mới cuốc xới đằng trước một tòa nhà đá. Ngôi nhà trại quá bé để có thể gọi là trang viên. Nhưng nó to hơn đáng kể so với chỗ còn lại của các ngôi nhà tại chốn định cư này. Đây là cơ ngơi của ông chủ.
– Đây là trang trại của Vanger, – Frode nói. – Nó từng đầy sức sống và náo nhiệt nhưng bây giờ chỉ có Henrik và một người trông coi nhà ở đây. Ở đây nhiều phòng dành cho khách lắm.
Họ ra xe. Frode chỉ lên phía bắc.
– Theo truyền thống, người nào lãnh đạo công chuyện của Vanger thì sống ở đây nhưng Martin Vanger muốn một cái gì đó hiện đại hơn cho nên anh xây nhà của mình ở chỗ đằng kia.
Blomkvist nhìn quanh, thầm nghĩ cái cơn dở hơi nào đã làm cho anh bằng lòng nhận lời mời của Frode. Anh quyết định nếu có thể được anh sẽ quay về Stockholm ngay tối nay. Một tam cấp đá dẫn đến lối vào nhưng họ chưa kịp đến thì cửa đã mở. Anh nhận ra ngay lập tức Henrik Vanger qua bức ảnh từ Internet.
Trong ảnh, ông trẻ hơn nhưng ở cái tuổi tám mươi hai thì ông nom khỏa đến phải ngạc nhiên, một thân hình gân cốt, một bộ mặt sương gió và một mái tóc dầy bạc xám chải dẹp thẳng lại đằng sau. Ông mặc quần đen là mượt, sơ mi trắng và áo vét nâu bình thường đã cũ. Ông để một hàng ria hẹp và đeo kính gọng thép thanh mảnh.
– Tôi là Henrik Vanger – ông nói. – Cảm ơn anh đã bằng lòng đến thăm tôi.
– Xin chào. Đây là một lời mời khiến tôi ngạc nhiên.
– Hãy vào trong cho ấm. Tôi đã dọn một phòng cho anh. Anh có muốn tắm rửa thay quần áo không? Một chút nữa chúng ta sẽ ăn tối. Còn đây là Anna Nygren, quản gia đỡ đần tôi.
Blimkvist bắt tay một phụ nữ chừng sáu chục tuổi, thấp, đậm. Bà cầm áo ngoài của anh treo vào tủ để quần áo ở trong gian sảnh. Bà đưa anh một đôi dép lê cho thoáng chân.
Mikael cảm ơn bà rồi quay sang Henrik Vanger:
– Tôi không chắc có ở lại ăn tối được. Còn tùy vào trò chơi này.
Vanger liếc nhìn Frode. Giữa hai người có một thông hiểu ngầm mà Blomkvist không diễn giải được.
– Tôi nghĩ tôi sẽ mượn cơ hội này để cho hai vị ở lại riêng với nhau, – Frode nói. – Tôi phải về nhà để đưa bọn cháu nội vào khuôn phép kẻo không thì chúng kéo sập nhà xuống mất.
Ông ta quay lại Mikael.
– Tôi sống ở bờ phải ngay bên kia cầu. Anh có thể đi bộ năm phút đến đó, cái nhà thứ ba từ hiệu bánh đi xuống bờ nước. Nếu cần tôi, anh cứ gọi điện thoại.
Blomkvist thò tay vào túi áo vét lấy máy ghi âm. Anh không biết Vanger muốn gì nhưng sau mười hai tháng lao đao với Wennerstrom, anh cần ghi chép chính xác về mọi sự việc là lùng xảy ra ở bất cứ chỗ nào gần anh, việc mời đến Hedeatad bất ngờ là ở trong phạm trù đó.
Vanger vỗ vỗ vai Frode chào từ biệt, đóng cửa trước lại rồi quay chú ý sang Blomkvist.
– Trong trường hợp này tôi hiểu đúng hoàn toàn. Đây không là trò chơi. Tôi đề nghị anh hãy nghe những gì tôi cần nói rồi anh sẽ quyết định. Anh là một nhà báo và tôi muốn trao cho anh một việc làm tự do. Anna đã chuẩn bị cà phê tại phòng làm việc của tôi ở trên gác.
Buồng làm việc hình vuông hơn bốn chục mét vuông. Chế ngự cả một bức tường là một tủ sách cao tới trần, dài mười mét chứa một tập hợp đáng nể các loại văn chương, tiểu sử, lịch sử, kinh doanh và công nghiệp, những tài liệu rời cỡ giấy A4. Các sách được xếp có lẽ không theo trật tự rõ rệt, nom có vẻ như một tủ sách luôn được dùng đến. Bức tường đối diện bị một bàn làm việc bằng gỗ sồi tối màu chế ngự. Trên bức tường đằng sau bàn làm việc là một sưu tập lớn những bông hoa ép xếp đặt thành hàng lối ngay ngắn tỉ mẩn. Qua cửa sổ ở đầu hồi, từ bàn làm việc có thể thấy được cây cầu và nhà thờ. Có một ghế sofa và bàn cà phê, người quản gia đã bày lên đó phích, mấy ổ bánh và bánh ngọt. Vanger giơ tay về cái khay nhưng Blomkvist làm như không trông thấy; thay vì anh đi một vòng quanh gian phòng, xem trước tiên tủ sách rồi bức tường có các bông hoa ép. Bàn làm việc ngăn nắp, chỉ có một ít giấy để thành một xấp. Ở rìa bàn có một khung ảnh bằng bạc lồng ảnh một cô gái tóc đen, đẹp nhưng nom vẻ tinh quái. Cô gái này khi lớn lên chắc sẽ rất “nguy hiểm”, Blomkvist thầm nghĩ. Nó có vẻ là một bức ảnh thừa nhận rằng qua nhiều năm tháng nó đã phai nhạt đi và vì thế mà nó ở đây.
– Anh có nhớ người đó không, Mikael? – Vanger hỏi.
– Nhớ?
– Phải, anh đã gặp con bé. Và trước đây anh thật sự đã ở gian phòng này.
Blomkvist quay đi lắc đầu.
– Đúng, anh nhớ thế nào được chứ? Tôi biết bố anh. Trong những năm 50 và 60 tôi đã nhiều lần mướn Kurt làm nhân viên lắp đặt và kiểm tra máy. Ông ấy là một người có tài. Tôi đã cố thuyết phục ông ấy cứ tiếp tục học để trở thành kỹ sư. Cả mùa hè năm 1963, anh đã ở đây khi chúng tôi lắp máy mới vào nhà máy giấy ở Hedestad. Lúc ấy khó tìm ra một chỗ cho gia đình anh sống cho nên chúng tôi để gia đình anh sống trong ngôi nhà gỗ bên kia đường. Qua cửa sổ, anh có thể nhì thấy nó.
Vanger cầm bức ảnh lên.
– Đây là Harriet Vanger, cháu nội của Richard ông anh tôi. Mùa hè ấy nó trông nom anh trong nhiều ngày. Anh lên hai, sắp sang ba tuổi. Có lẽ lúc đó anh đã lên ba rồi – tôi không nhớ, còn nó thì mười ba.
– Tôi xin lỗi nhưng tôi không nhớ tí nào hết những điều ông bảo với tôi. – Blomkvist thậm chí không chắc rằng Vanger nói thật.
– Tôi hiểu. Anh thích chạy quanh khu trại với Harriet chạy theo sau. Tôi có thể nghe tiếng anh la hét khi ngã. Tôi nhớ một lần cho anh đồ chơi, một máy kéo bằng thép lá màu vàng mà khi bé tôi cũng có chơi. Anh mê nó. Tôi nghĩ tại vì cái màu.
Blomkvist thấy rờn rợn ở trong người. Anh nhớ cái máy kéo màu vàng. Khi anh lớn, nó được đặt trên một cái giá trong buồng ngủ của anh.
– Anh nhớ cái đồ chơi đó không?
– Tôi nhớ. Và ông sẽ vui khi biết rằng cái máy kéo ấy vẫn sống và mạnh khỏe, ở Bảo tàng Đồ chơi ở Stockholm. Mười năm trước họ kêu gọi tặng các đồ chơi độc đáo.
– Thật à? – Vanger vui thích cười khe khẽ. – Để tôi cho anh xem…
Ông già đi đến tủ sách rút ra một album ảnh ở ngăn dưới cùng. Blomkvist để ý thấy ông cúi xuống khó nhọc và phải bám vào tủ sách khi đứng thẳng lên. Ông để album lên bàn cà phê. Ông biết cái ông đang tìm: một tấm chụp lấy ngay trắng đen trong đó bóng của người chụp hiện lên ở góc trong cùng bên trái. Ở trên đầu cùng là một cậu con trai tóc vàng mặc soóc, hơi rụt rè nhìn ống kính.
– Đây là anh. Bố mẹ anh ngồi đằng sau, ở trên ghế dài trong vườn. Harriet bị mẹ anh che đi mất một ít còn cậu con trai ở bên trái bố anh là Martin, anh của Harriet, Martin hiện đang trông nom công ty Vanger.
Mẹ của Blomkvist nom rõ là đang có bầu – em gái anh “đang trên đường tới”. Anh nhìn bức ảnh với những cảm xúc lẫn lộn trong khi Vanger rót cà phê và đẩy đĩa bánh đến.
– Tôi biết bố anh đã mất. Mẹ anh còn sống không?
– Bà mất đã ba năm rồi, – Blomkvist nói.
– Mẹ anh là một phụ nữ đẹp. Tôi nhớ bà ấy rất rõ.
– Nhưng tôi chắc ông không gọi tôi đến đây để nói về chuyện thời xưa của ông và bố mẹ tôi.
– Anh nói đúng. Tôi đang làm cái việc mà tôi muốn nói với anh trong vài ngày nhưng bây giờ anh ở đây tôi lại không biết nên bắt đầu từ đâu. Tôi cho là anh có làm một ít điều tra cho nên anh biết tôi từng dành được đôi chút ảnh hưởng trong công nghiệp Thụy Điển và thị trường lao động. Giờ tôi đã là một ông già chẳng còn sống được bao lâu nữa và cái chết có lẽ là điểm mở đầu rất hay cho cuộc chuyện trò của chúng ta.
Blomkvist làm một ngụm cà phê đen nóng bỏng đun trong xoong đúng kiểu Norrland – và nghĩ chuyện này sẽ đưa đến đâu đây.
– Tôi bị đau hông và đi bộ nhiều là chuyện của quá khứ. Có ngày anh sẽ thấy sức khỏe nó thấm lọt đi mất như thế nào nhưng tôi không bao giờ bệnh hoạn lẫn già lão. Tôi không bị ám ảnh về cái chết nhưng tôi đã ở cái tuổi cần phải chấp nhận rằng thời gian của mình đã kiệt rồi. Đã đến lúc cần khép các bản tường trình tổng thuật lại mà quan tâm đến cái việc chưa xong. Anh có hiểu tôi định nói gì không?
Blomkvist gật. Vanger nói đều đều và Blomkvist đã dứt khoàt rằng ông già này không lão suy mà cũng chẳng lú lẫn.
– Chính là tôi tò mò rằng tại sao tôi lại ở đây, – anh lại nhắc lại.
– Vì tôi muốn nhờ anh giúp cho việc khép lại các bản tường trình tổng thuật này.
– Sao lại là tôi? Sao ông nghĩ tôi có thể giúp ông được?
– Vì khi tôi đang nghĩ nên thuê ai thì tên của anh rộ lên trên báo đài. Dĩ nhiên tôi đã biết anh là ai. Và có lẽ vì anh đã từng ngồi ở trên đùi tôi, khi anh còn là một cha bé tẹo. Chớ hiểu lầm tôi. – Ông gạt cái ý nghĩ này đi. – Tôi không nhòm đến anh để giúp tôi vì những lý do tình cảm. Chính là tôi đã buột nảy ra ý muốn tiếp xúc đặc biệt với anh.
Blomkvist cười to lên thân mật.
– Vâng, tôi không nhớ là đã vắt vẻo ở trên đùi ông. Nhưng sao ông liên hệ lại được thế này? Đó là những năm 60 cơ mà.
– Anh hiểu lầm tôi. Gia đình anh chuyển đến Stockholm khi bố anh nhận làm giám đốc công ở nhà máy Cơ khí của công ty Zarinder. Tôi là người đã kiếm việc cho ông ấy. Tôi biết ông ấy là một lao động giỏi. Tôi đã quen nhìn ông ấy trong thời gian có công chuyện làm ăn với công ty Zarinder. Chúng tôi không là bạn thân nhưng chúng tôi có thể chuyện trò đôi hồi. Lần cuối cùng tôi gặp ông ấy là năm trước khi ông ấy chết và lúc đó ông ấy bảo tôi anh đã vào học ở trường báo chí. Bố anh hết sức tự hào về anh. Rồi anh trở thành nổi tiếng với câu chuyện về đám cướp ngân hàng. Tôi đã theo dõi nghề nghiệp của anh và đọc nhiều bài báo của anh qua các năm. Như là bằng chứng, tôi đọc Millennium khá thường xuyên.
– OK, tôi tin ông, nhưng chính xác ra ông muốn tôi làm gì?
Vanger nhìn xuống hai bàn tay mình, nhắp một ít cà phê tựa như ông cần nghỉ một chút để rồi cuối cùng ông có thể khai mào ra cái điều ông muốn.
– Mikael, trước khi tôi bắt đầu, tôi muốn có một thỏa thuận với anh. Tôi muốn anh làm cho tôi hai việc. Một việc là cái cớ, một việc là mục tiêu thật của tôi.
– Kiểu thỏa thuận gì?
– Tôi sẽ kể cho anh một câu chuyện có hai phần. Phần đầu là về dòng họ Vanger. Cái ấy là cái cớ. Nó là một câu chuyện tăm tối, dài và tôi cố bám chắc lấy các sự thật chưa phai mờ. Phần hai của câu chuyện xử lý với mục tiêu thật sự của tôi. Anh chắc có thể nghĩ vài chỗ trong câu chuyện là… điên rồ. Điều tôi muốn nói với anh là hãy nghe tôi cho thấu – về cái mà tôi muốn anh làm và cái mà tôi đang đưa ra – rồi hãy quyết định có nhận lấy công việc của tôi hay không.
Blomkvist thở dài. Rõ ràng Vanger sẽ không muốn cho anh đi đúng lúc để bắt kịp chuyến tàu chiều. Anh chắc rằng nếu anh gọi Frode nhờ cho xe đưa anh ra ga thì chiếc xe như thế nào đó sẽ ì ra không nổ máy trong giá lạnh.
Ông già này chắc đã phải nghĩ lâu và kỹ càng việc làm sao bắt mối được với anh. Blomkvist có cảm giác mọi cái xảy ra từ khi anh đến đây rút cục đều là được sắp đặt cả: sự ra mắt khiến cho ngạc nhiên rằng anh đã gặp chủ nhân lúc anh còn bé tí, bức ảnh bố mẹ anh trong quyển album và lời nhắn đến việc bố anh và Vanger đã từng là bạn cùng với lời tán dương của ông già rằng Mikael Blomkvist là ai cũng như đã nhiều năm theo dõi nghề báo của anh… Chắc chắn là có một cái lõi sự thật nhưng đó cũng là tâm lý học khá sơ đẳng. Vanger là một người thao túng có thực tiễn – không thế thì sao ông lại trở thành một trong những nhà công nghiệp ở hàng lãnh đạo của Thụy Điển được?
Blomkvist đã cả quyết rằng Vanger muốn anh làm một cái gì đó mà anh sẽ không có chút ham muốn nào làm nó. Anh chỉ cần moi ra ở ông ta xem đó là cái gì rồi anh sẽ nói cảm ơn, không ạ. Và có khả năng đúng lúc để đi kịp chuyến tàu chiều.
– Xin tha lỗi cho tôi, ông Vanger, – anh nói. – Tôi ở đây đã hai mươi phút. Tôi sẽ cho ông đúng ba mươi phút nữa để nói với tôi điều ông muốn nói. Rồi tôi gọi taxi về nhà.
Trong một khoảnh khắc tấm mặt nạ của bậc trưởng lão có bản chất tốt tụt xuống và Blomkvist có thể nhận ra vị thuyền trưởng tàn nhẫn của công nghiệp lúc đang quyền thế mà phải đương đầu với một thất bại. Một nụ cười đáng sợ uốn môi ông méo đi.
– Tôi hiểu.
– Ông không cần rào đón với tôi. Hãy bảo tôi ông muốn tôi làm gì để tôi quyết định xem có làm được hay không.
– Vậy nếu tôi không thuyết phục được anh trong nửa giờ thì tôi cũng không thể thuyết phục được anh trong một tháng – anh nghĩ như vậy phải không?
– Đại khái như vậy.
– Nhưng chuyện của tôi dài và phức tạp.
– Làm cho nó ngắn lại và đơn giản đi. Trong nghề báo chúng tôi đều làm như thế. Hai mươi chín phút.
Vanger giơ một tay lên.
– Được, tôi đồng ý với anh. Nhưng cường điệu không phải là tâm lý hay đâu. Tôi cần một người vừa có thể tìm tòi vừa có đầu óc phê phán nhưng cũng lại ngay thẳng. Tôi nghĩ anh có cái đó và tôi không nịnh anh. Một nhà báo tốt phải có các đức tính đó, tôi đã đọc rất thú vị quyển Các Hiệp sĩ dòng Templar của anh. Đúng là tôi nhót lấy anh vì tôi quen bố anh và vì tôi biết anh là người thế nào. Nếu tôi hiểu đúng vấn đề thì anh bỏ tạp chí của anh vì kết quả của vụ Wennerstrom. Cái đó có nghĩa lúc này anh đang không có việc, và chắc anh đang ở cảnh eo hẹp về tài chính.
– Cho nên ông có thể khai thác tình thế khó khăn của tôi.
– Có thể. Nhưng Mikael – nếu tôi có thể gọi anh như thế – tôi sẽ không nói dối anh. Tôi đã quá già để còn nói dối. Nếu anh không thích những cái tôi nói, anh có thể bảo tôi nhảy xuống hồ. Lúc ấy tôi sẽ có thể tìm ra được một ai đó làm việc với tôi.
– OK. Ông bảo tôi xem việc này dính líu đến những gì.
– Anh biết nhiều bao nhiêu về dòng họ Vanger?
– Vâng, chỉ những cái tôi tìm đọc được ở trên Net từ hôm thứ Hai Frode gọi tôi. Thời ông, Tập đoàn Vanger là một trong những tập đoàn công nghiệp quan trọng nhất ở Thụy Điển; bây giờ nó có phần nào kém đi. Martin Vanger cai quản nó. Tôi biết gần như hơn thế một chút nhưng ông đang nắm được cái gì trong chuyện này?
– Martin là… anh ta là một người tốt nhưng anh ta cơ bản là một thủy thủ hợp với thời tiết đẹp. Anh ta là giám đốc điều hành một công ty đang khủng hoảng là không hợp. Anh ta muốn hiện đại hóa và chuyên môn hóa – ý nghĩ này hay – nhưng anh ta không đẩy tới cùng được ý muốn của mình và quản lý tài chính của anh ta cũng yếu nốt. Hai mươi lăm năm trước doanh nghiệp Vanger là một đối thủ cạnh tranh đáng gờm với Tập đoàn Wallenberg. Chúng tôi đã có bốn chục nghìn nhân viên ở Thụy Điển. Nay có nhiều việc như thế ở Hàn Quốc hay Brazil. Chúng tôi hiện xuống còn mười nghìn nhân viên, trong một hay hai năm, – nếu Martin không được thuận buồm xuôi gió – chúng tôi sẽ chỉ còn năm nghìn, trước hết ở trong các ngành công nghiệp chế tạo nhỏ, còn các công ty Vanger thì sẽ bị đẩy vào đống rác của lịch sử.
Blomkvist gật đầu. Trên cơ sở những mẩu tin tức mà anh tải trên Net xuống, anh đã đi đến kết luận như thế này.
– Các công ty của Vanger vẫn nằm ở trong số một ít hãng do gia đình nắm ở đất nước này. Ba chục thành viên gia đình là những cổ đông thiểu số. Nó luôn là sức mạnh của tập đoàn nhưng cũng là chỗ yếu nhất của chúng tôi. – Vanger ngừng lại rồi nói, vẻ khẩn cấp tăng lên trong giọng nói. – Mikael, anh có thể đặt câu hỏi sau đây nhưng tôi muốn anh tin lời tôi khi tôi nói là tôi ghét phần lớn các thành viên trong gia đình tôi. Phần lớn họ có chút nào đó là những kẻ ăn cắp, những kẻ keo kiệt, những kẻ ức hiếp và không tài cán. Tôi trông coi công ty trong ba mươi lăm năm – gần như toàn bộ thời gian đều bỏ vào các cuộc cãi nhau vặt vô tận. Họ là những kẻ thù tồi tệ nhất của tôi, tồi tệ hơn xa các công ty cạnh tranh hay Chính phủ. Tôi đã nói tôi muốn giao cho anh làm hai việc. Thứ nhất, tôi muốn anh viết lịch sử hay tiểu sử của dòng họ Vanger. Để cho đơn giản, chúng ta gọi nó là tự truyện của tôi. Tôi sẽ để cho anh sử dụng các nhật ký và tư liệu của tôi. Anh được đi vào các ý nghĩ sâu xa nhất của tôi và anh có thể cho in ra tất cả những bụi bặm gì anh đào bới lên được. Tôi nghĩ câu chuyện này sẽ làm cho các bi kịch của Shakespeare đọc giống như trò giải trí nhẹ nhàng trong gia đình.
– Tại sao?
– Tại sao tôi lại muốn in lịch sử tai tiếng của gia đình Vanger ra? Hay tại sao tôi lại nhờ anh viết nó?
– Tôi cho là cả hai.
– Nói thật với anh, quyển sách có in ra hay không tôi không bận tâm. Nhưng tôi nghĩ câu chuyện này thì nên viết, và giá như nó ở trong một bản sao duy nhất mà anh giao nộp thẳng cho Thư viện Hoàng gia. Tôi muốn khi tôi chết thì truyện này được giữ ở đó cho đời sau. Động cơ đơn giản nhất của tôi: trả thù.
– Ông muốn trả thù cái gì?
– Tôi tự hào rằng cái tên của tôi là một điển hình cho một người giữ lời hứa. Tôi không bao giờ chơi các trò chơi chính trị. Tôi không bao giờ có vấn đề trong việc thương lượng với các công đoàn. Ngay thời Thủ tướng Erlander, Thủ tướng cũng đã kính trọng tôi. Với tôi đây là một vấn đề đạo đức; tôi chịu trách nhiệm với sinh kế của hàng nghìn con người và tôi quan tâm đến những người tôi thuê mướn. Khá kỳ lạ, Martin cũng có thái độ tương tự, cho dù anh ta là một người rất khác. Anh ta cũng cố làm điều phải. Buồn là Martin và tôi là những ngoại lệ hiếm hoi trong gia đình chúng tôi. Có nhiều lý do về tại sao Tập đoàn Vabger bây giờ lại cụm lại với nhau, nhưng một trong những lý do then chốt là đầu óc thiển cận và lòng tham của họ hàng tôi. Nếu anh nhận lời, tôi sẽ giải thích gia đình đã làm như thế nào để đánh đắm mất xí nghiệp.
– Tôi sẽ không nói dối cả với ông, – Blomkvist nói. – Điều tra nghiên cứu và viết một quyển sách như thế phải mất đến hàng tháng. Tôi không có động cơ hay nghị lực để làm việc đó.
– Tôi tin là có thể nói để cho anh nhận lời được.
– Tôi ngờ đấy. Nhưng ông nói có hai việc. Quyển sách là cái cớ. Động cơ thật là gì?
Vanger đứng dậy, chăm chú và cầm bức ảnh của Harriet ở trên bàn làm việc lên. Ông đặt nó xuống trước mặt Blomkvist.
– Trong khi anh viết tiểu sử về tôi, tôi muốn anh xem xét kỹ gia đình với con mắt của một nhà báo. Nó cũng cho anh một bằng chứng ngoại phạm để dò soát lịch sử gia đình tôi. Cái tôi muốn ở anh là giải đáp một bí mật. Đó là nhiệm vụ thật sự của anh.
– Bí mật gì?
– Harriet là cháu nội của Richard, ông anh tôi. Tôi có năm anh em. Richard là cả, sinh năm 1907. Tôi là út, sinh năm 1920. Tôi không hiểu sao Chúa lại có thể tạo ra một bầy trẻ mà… – Trong vài giây Vanger để đứt luồng suy nghĩ, chìm vào trong ý tưởng của mình. Rồi ông tiếp tục, với một cả quyết mới. – Xin để tôi nói về ông anh Richard của tôi. Hãy nghĩ về ông ấy như một mẫu sinh vật trong bản biên niên của gia đình mà tôi muốn anh viết.
Ông rót thêm cà phê cho mình.
– Năm 1924, Richard mười bảy tuổi và là một phần tử quốc gia cuồng tín Do Thái. Anh ấy tham gia Liên đoàn Tự do Quốc gia Xã hội chủ nghĩa Thụy Điển, một trong những nhóm Quốc xã đầu tiên của Thụy Điển. Việc Quốc xã luôn cố nhận lấy chữ Tự do phải chăng đã làm cho nó có sức mê hoặc?
Vanger rút ra một quyển album khác, lật giở nó cho đến khi ông tìm thấy cái trang ông cần kiếm.
– Đây là Richard với bác sĩ thú y Birger Furugard, người sớm trở thành lãnh tụ của cái gọi là phong trào Gurugard, phong trào Quốc xã lớn đầu những năm 30. Nhưng Richard không ở lại với ông ta. Một ít năm sau, anh gia nhập Tổ chức Chiến đấu Phát xít Thụy Điển, gọi tắt là SFBO, ở đây anh được biết Per Engdahl và những người khác mà rồi về sau sẽ là nỗi ô nhục của đất nước.
Ông lật trang album: Richard Vanger mặc đồng phục.
– Trái lại mong muốn của bố chúng tôi và trong những năm 30, anh ấy đăng ký vào gần hết các nhóm Quốc xã trong nước. Bất cứ hội đoàn âm mưu chướng mắt nào tồn tại cũng đều có thể thấy tên của anh ấy ở trong bảng phân công phân nhiệm của chúng. Năm 1933 phong trào Lindholm, tức là Đảng Lao động Quốc gia Xã hội chủ nghĩa, thành lập. Anh biết rõ đến đâu lịch sử của Quốc xã Thụy Điển?
– Tôi không là nhà sử học nhưng tôi có đọc vài quyển sách.
– Năm 1939 Chiến tranh Thế giới Thứ hai bắt đầu, năm 1940 Chiến tranh Mùa Đông ở Phần Lan. Một số lượng lớn người của Phong trào Lindholm đi theo Phần Lan với tư cách quân tình nguyện. Richard ở trong số này và lúc đó đang là đại úy của quân đội Thụy Điển. Anh ấy bị giết năm 1940 – ngay trước hiệp ước hòa bình với Liên Xô – do đó thành một người hy sinh trong phong trào Quốc xã và một đơn vị chiến đấu đã mang tên anh ấy. Thậm chí hiện giờ một dúm những đứa ngu xuẩn vẫn tụ tập ở nghĩa trang Stockholm để tưởng niệm cái chết anh ấy và tôn vinh anh ấy.
– Tôi hiểu.
– Năm 1926, tôi lúc ấy mười chín, anh ấy ra đi với một phụ nữ tên là Margareta, con gái của một thầy giáo ở Falun. Họ gặp nhau trong một bối cảnh chính trị nào đó và mối quan hệ của họ đã cho ra một đứa con trai, Gottfried, vào năm 1927. Đứa trẻ ra đời thì hai người lấy nhau. Trong nửa đầu những năm 30, anh tôi cho vợ con đến ở Hedestad đây trong khi anh ấy đóng quân với trung đoàn ở Gavkle. Lúc rảnh rỗi anh ấy đi quanh quẩn vận động người ta theo Quốc xã. Năm 1936, anh ấy xung đột lớn với bố chúng tôi, kết quả là bố tôi từ anh ấy. Sau đó Richard tự làm mà kiếm sống. Anh ấy cùng với gia đình chuyển đến Stockholm và sống trong cảnh khá nghèo nàn.
– Ông ta không có tiền riêng?
– Phần thừa kế của anh ấy ở trong công ty đã bị cấm sử dụng. Ở bên ngoài gia đình anh ấy không thể bán được gì cả. Tệ hơn hoàn cảnh túng thiếu của họ, anh ấy lại còn là một người thô bạo trong gia đình. Anh ấy đánh vợ và hành hạ con trai. Gottfried lớn lên trong cảnh sợ sệt và bị đàn áp. Cháu mười ba tuổi thì bố chết. Tôi ngờ rằng cho đến lúc đó, hôm ấy chính là ngày hạnh phúc nhất của cháu. Bô tôi thương người vợ góa và đứa trẻ mồ côi của anh ấy nên đã đưa họ về đây, ở Hedestad, bố tôi đã tìm được một căn hộ cho Margareta và muốn qua đó chị ấy có được một cuộc sống tử tế. Nếu Richard tượng trưng cho bóng tối của gia đình, cái mặt cuồng tín thì Gottfried lại tiêu biểu cho cái mặt lững lờ. Khi cháu mười tám tuổi, tôi quyết định bảo trợ che chở cho cháu – muốn gì cháu cũng là con của anh trai đã chết của tôi – và anh cần nhớ rằng tuổi tôi và Gottfried không chênh nhau lắm. Tôi chỉ hơn cháu bảy tuổi nhưng lúc đó tôi đã ở trong ban lãnh đạo xí nghiệp và rõ ràng tôi là người sẽ tiếp quản tất cả từ bố tôi trong khi Gottfried ít nhiều lại bị coi như là một người ngoài rìa.
Vanger nghĩ một lát.
– Bố tôi không biết nên xử như thế nào với đứa cháu cho nên tôi đã cho cháu một công việc ở trong công ty. Đó là sau chiến tranh. Cháu đã cố làm một công việc phải chăng nhưng nó lại lười. Gottfried là một anh chàng háu gái và thích hưởng lạc; nó dụ dỗ phụ nữ, rồi có những thời kỳ nó uống quá nhiều rượu. Khó nói được tình cảm của tôi với nó… nó không phải là một anh chàng vô tích sự nhưng nó không đáng để tin cậy một chút nào và nó thường làm tôi quá thất vọng. Dần dà nó đã thành một đứa nghiện rượu và năm 1965 thì chết – chết đuối. Chuyện xảy ra ở đầu đằng kia đảo Hedestad, nó có một căn lều xây cất ở đó và nó thường náu kín ở đó để uống rượu.
– Vậy ông ấy là bố của Martin và Harriet? – Blomkvist nói, chỉ vào bức chân dung ở trên bàn cà phê. Anh đã phải ngập ngừng mà thừa nhận rằng chuyện của ông già khá hấp dẫn.
– Đúng. Cuối những năm 40, Gottfried gặp một phụ nữ Đức mang tên Isabella Khôngenig, cô này sau chiến tranh đến Thụy Điển. Khá đẹp – tôi muốn nói là cô ấy có một vẻ tỏa sáng rờ rỡ giống như Garbo hay Ingrid Bergman 1. Chắc Harriet mang gien của mẹ nhiều hơn của Gottfried. Như anh có thể thấy ở trên ảnh, chỉ mới mười bốn tuổi nó đã rất xinh đẹp.
Blomkvist và Vanger ngắm bức ảnh.
– Nhưng để tôi nói nốt. Isabella sinh năm 1928 và nay vẫn còn. Cô ấy mười một tuổi thì chiến tranh bắt đầu, và anh có thể tưởng tượng một thiếu nữ sống ở Berlin trong những vụ ném bom thì ra sao. Khi đặt chân lên đất Thụy Điển chắc cô ấy phải cảm thấy y như là được đến thiên đường. Đáng tiếc là cô ấy lại cùng chung các thói xấu của Gottfried, lười và không ngừng tiệc tùng tụ tập. Đi du lịch rất nhiều ở Thụy Điển và ở nước ngoài, chả có chút ý thức trách nhiệm nào. Điều này rõ ràng đã ảnh hưởng đến lũ trẻ. Martin sinh năm 1948 và Harriet năm 1950. Tuổi thơ của chúng hỗn loạn, bà mẹ thì luôn rời xa và ông bố thì cuối cùng là một gã nghiện. Năm 1958 khá ngán nẩgm, tôi quyết định phá vỡ cái vòng luẩn quẩn. Lúc ấy Gottfried và Isabella đang sống ở Hedestad – tôi nằng nặc đòi họ chuyển đi khỏi đây. Martin và Harriet ít nhiều được để cho tự lo liệu chống đỡ lấy.
Vanger liếc đồng hồ.
– Ba mươi phút của tôi đã gần hết nhưng tôi cũng đã sắp tới phần kết của câu chuyện. Anh có thể gia hạn cho tôi không?
– Cứ tiếp tục đi. – Blomkvist nói.
– Vậy thì tôi nói ngắn. Tôi không có con – trái nghịch phũ phàng với các anh tôi và các thành viên khác của dòng họ, họ hình như bị ám ảnh bởi cái nhu cầu sinh sản sao cho ngôi nhà Vanger được đầy đàn đầy đống. Gottfried và Isabella đã dọn đến đây nhưng hôn nhân của họ không có lấy một đồng xu dính túi. Chỉ sau một năm Gottfried đã chuyển đến căn nhà gỗ của mình. Nó sống ở đó một mình nhiều thời kỳ dài và chỉ quay về với Isabella khi trời quá rét. Tôi trông nom Martin và Harriet, ở nhiều mặt chúng là những đứa con mà tôi không bao giờ có. Martin thì… nói thật ra, đã có một dạo, khi cháu trẻ người tôi đã sợ cháu sẽ lại sa vào bước chân của bố cháu. Nó yếu đuối, hướng nội, u hoài nhưng cháu cũng có thể vui đùa và phấn chấn. Thời thiếu niên cháu đã có những ngày tháng rắc rối nhưng Martin đã tự mình vượt qua khi cháu bắt đầu vào đại học. Martin thì…, được, mặc dù mọi chuyện nhưng cháu vẫn đang là CEO của cái chỗ còn lại của Tập đoàn Vanger, điều mà tôi cho là dành cho sự tín nhiệm vào cháu.
– Còn Harriet?
– Harriet là một báu vật trong mắt tôi. Tôi cố cho nó một cảm nhận về an toàn và phát triển lòng tự tin ở nó và chúng tôi yêu mến nhau. Tôi coi Harriet như con gái mình và nó thì cuối cùng thân với tôi hơn với bố mẹ. Anh xem đấy, Harriet rất là đặc biệt. Nó hướng nội – như anh nó – và khi là thiếu nữ, nó đã quay ra tin tưởng tôn giáo, không giống ai trong dòng họ. Nhưng nó có tài rõ ràng và thông minh ghê gớm. Nó có cả đức hạnh lẫn nghị lực. Khi nó mười bốn, mười lăm, tôi đã đinh ninh nó là người được sinh ra để cai quản trông nom cơ nghiệp Vanger hay ít nhất đóng một vai trò trung tâm ở đó – chứ không phải anh nó hay bất kỳ đứa anh chị em họ xoàng xĩnh nào của nó.
– Vậy đã xảy ra cái gì?
– Bây giờ đến cái lý do thật khiến tôi muốn mướn anh. Tôi muốn anh tìm ra ai ở trong dòng họ đã ám sát Harriet, ai từ đó đã bỏ ra gần bốn chục năm trời cố dẫn đưa tôi đến bước điên khùng.
Chú thích
1: Hai diễn viên điện ảnh nổi tiếng trước kia – chú thích của tác giả

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.