Cô Gái Của Bố

CHƯƠNG 50



Xin lỗi, con về trễ!” Nat gọi lớn, để cửa đóng sầm sau lưng và bước vào sảnh phòng khách trang nhã của bố mẹ. Không có Jelly chào đón cô, căn sảnh dường như trống vắng, nhưng hôm nay không phải là ngày nghĩ ngợi đến những điều không hay.
“CHÚC MỪNG SINH NHẬT NHÉ NAT!” Paul gọi vọng ra từ nhà bếp. Khi cô đến bên, cậu xòe tay vỗ vào tay cô, thành một tiếng bộp rõ to.
“Cảm ơn em trai! Tặng sinh nhật chị cái gì đây?”
“MỘT CON MÈO CON.”
Tim Nat rộn lên. “Thật hả?”
“KHÔNG HỀ, QUÊ CHƯA KÌA.” Paul bật cười lớn, và Nat xô vai cậu ta. “COI CHỪNG ĐÓ NHA! EM LÀ BỆNH NHÂN TIM MẠCH MÀ!”
Đây là cảnh tượng thường thấy của một buổi chiều Chủ nhật náo loạn. Ánh mặt trời tháng Bảy chiếu qua cửa sổ, làm ánh sáng vàng tươi tràn ngập căn bếp, và gia đình cô, trong những bộ quần áo chơi gôn màu lam nhẹ, đi qua đi lại quanh căn phòng như những bóng chiều ngoại ô. Mẹ cô đang cắt dưa đỏ thành từng miếng lớn làm món tủ dưa-và-thịt hun khói, bố cô uống chai Heineken, Tom và Junior đang vật tay trên chiếc bàn đá granite cạnh hai ly bia Pilsners cao.
“Tom sẽ thắng,” Nat nói, chọc lét vào mạng sườn Junior.
“Ê này, không công bằng gì cả!” Junior vẫn tập trung vào trận đấu, và Nat chụp lấy cái ly Pilsners trước khi nó ngã đổ ra.
“Chúc mừng sinh nhật con!” mẹ cô nói lớn, đi đến bên cô với con dao trong tay và ôm thoáng cô một cái, theo sau đó là John Greco Lớn, ôm thật chặt lấy cô. Dưới lớp áo thun polo trắng, ông vẫn còn ẩm mồ hôi, từ trận đấu chiều nay.
“Chúc mừng sinh nhật nhóc con,” ông nói, nâng ly lên nhoẻn miệng cười.
“Cảm ơn bố. Bố thắng à?”
“KHÔNG, EM THẮNG!” Paul bước đến nói xen vào. “THẮNG CÁCH CẢ HAI LẦN ĐÁNH BÓNG ĐẤY NHÉ! ĐỨC VUA CHẾT RỒI. ĐỨC VUA VẠN TUẾ!”
“Chỉ ăn may thôi,” Nat và bố cùng nói.
Bố cô bảo. “Tư tưởng lớn nhỉ.”
Nat mỉm cười. “Chính xác.”
“Hank nhờ chuyển lời ‘Chúc mừng sinh nhật’. Bố gặp nó tuần trước.”
Không luyến tiếc gì cả. “Bố cũng chào anh ấy giùm con nhé?”
“Thắng rồi nhé!” Junior la lên sau lưng họ, chiến thắng trong trận vật tay.
“CHỈ LÀ ĂN MAY THÔI!” mọi người cùng nói, và cười lớn.
“Chúc mừng sinh nhật em nữa, em gái,” Junior nói, cười toe đểu cáng, và Tom bước tới hôn nhẹ lên má cô. “Cảm ơn đã giúp đỡ nhé, giáo sư.”
“Có gì đâu.” Nat mỉm cười. “Nhân tiện đây, con có vài tin tốt lành…”
“BỐ, ĐẾN LỖ THỨ HAI THÌ BỐ TIÊU ĐỜI RỒI. TỪ LÚC ĐÓ TRỞ ĐI CHỈ TOÀN THUA LÀ THUA THÔI.”
Tom lắc đầu. “Đấy không phải là lúc bố đánh hỏng đâu, thằng ngốc à. Là vào lỗ thứ năm, lần đánh thứ hai. Tao đã bảo bố rồi. Bóng luôn lăn kỳ cục lắm trên khúc sân mềm ấy.” Junior khụt khịt. “Lại sai nữa rồi. Là lỗ thứ sáu. Tao đã bảo bố, dùng gậy sắt số tám ấy nhưng bố lại dùng cây số chín. Tao thắng được hai mươi lăm đô và dễ dàng vượt qua bố. Khỏe re.”
“Im nào mấy đứa. Chúng mày sai hết.” Bố cô giơ tay lên, và đám con trai im bặt.
Nat chờ cho John Lớn nói lời phán quyết. Cây gậy sai. Lỗ bóng sai. Cái gì đó sai cũng được.
Bố cô nói. “Bố nghĩ em gái mấy đứa đang định nói gì kìa. Đám con trai chúng mày im hết đi cho em nó nói.”
Ái chà. Nat chớp mắt. Trong một phút, cô quên mất mình định nói gì.
“VẬY THÌ NÓI ĐI CHO RỒI!”
“Paul,” bố cô cảnh cáo, cau mày, và mẹ cô nhìn lên.
Nat hiểu cái nhìn ấy. Đừng có lớn tiếng với Paul mà, anh yêu.
Nhưng mẹ cô nói. “Con có tin gì thế, con yêu?”
Nat nhìn qua nhìn lại từ bố sang mẹ. Mấy người này là ai vậy nhỉ?
“Nat?” bố cô hỏi.
Nat nghi hoặc nhìn bố, nhưng từ tất cả những gì thể hiện ra ngoài, thì bố cô đang lắng nghe. Đôi mắt chăm chú, mặt ngoảnh về phía cô, môi hé mở chờ đợi. Cô đã nhìn thấy người ta lắng nghe trên ti vi, nên cô biết trông như thế nào là lắng nghe. Ngay cả mẹ cô cũng ngẩng đầu lên, dừng tay dao trên quả dưa. Thật ra, mọi người tất cả đều đang lắng nghe. Nghe cô nói.
Nat trả lời, “Quyển sách của con về hệ thống hỏa xa ngầm sẽ được xuất bản. Con đã nộp bản thảo ba chương đầu, và người ta đã gửi đề xuất cho con.”
“Tuyệt vời quá nhóc!” bố cô nói, lại ôm cô một cái thật chặt, và mẹ cô cũng đi đến ôm cô nữa, lần này không mang theo dao trong tay.
“Một tác giả trong gia đình!” bà nói. “Mẹ hãnh diện quá!”
“Ngon lành lắm đó em gái!” Junior nói.
“Chúc mừng nha Nat!” Tom nói lớn, và lời cuối cùng là của Paul.
“TUYỆT. GIỜ THÌ TỚI LỖ BÓNG THỨ HAI…?”
HẾT
LỜI GHI CHÚ VÀ TRI ÂN CỦA TÁC GIẢ
Tôi thường nghiên cứu rất nhiều trước khi viết, nhưng lần này thật đúng là đỉnh điểm. Hoặc là do tổ ấm của tôi gần đây mới trống vắng hay bởi vì tôi đã ước có một thách thức trí tuệ khác lạ hơn (ừ, đúng thế đấy), tôi đã bắt đầu giảng dạy tại trường luật thuộc Đại học Pennsylvania. Đúng vậy, trường của Nat Greco nhận tôi vào làm giảng viên bán thời gian dạy theo giờ. Và cái giảng đường rộng lớn của cô ấy cũng chính là giảng đường của tôi. Khóa giảng của tôi không phải là Lịch sử Công lý, mà là một khóa do tôi tự phát triển gọi là Công lý và Hư cấu, một môn học lần theo những hình ảnh của luật pháp và công lý trong sách vở, phim ảnh và truyền hình. Bởi vậy, tôi biết được chính xác cảm giác khi đứng trước một lớp học đầy sinh viên thông minh hơn mình gấp bội là như thế nào. (Vui đến kinh ngạc). Tôi hy vọng rằng Cô gái của bố được hưởng lợi từ việc tôi đứng trong vị thế của Nat và tự mình mắt thấy tai nghe rút tỉa kinh nghiệm về công việc thật tuyệt vời mà cũng rất khó khăn, làm giáo viên. Tôi chưa bao giờ mệt bã cả người như sau khi lên lớp. Và điều đó đã khiến tôi làm mới lại lòng kính trọng dành cho mỗi giáo viên tôi từng học qua – và hơn thế nữa, cho mỗi giáo viên trên hành tinh này. Vì thế lời cảm ơn sâu sắc nhất của tôi ở đây gửi đến các giáo vièn, cho những hy sinh, lòng tận tụy và tình yêu thương của họ. Tôi vui mừng đã tạo nữ anh hùng của mình từ một giáo viên, vì một lẽ họ là những vị anh hùng trong từng ngày. Quyển sách này dành tặng cho họ.
Tôi cũng muốn xác định rõ ràng nơi đâu hiện thực chấm dứt và hư cấu bắt đầu, vì thế sau đây là lời tuyên bố phủ nhận. Trường luật Đại học Pennsylvania là có thật, nhưng tất cả các khoa, các nhân viên, phòng hành chính và mọi sinh viên trong tiểu thuyết này là hoàn toàn hư cấu. Vị hiệu trưởng trường luật trên thực tế, Hiệu trưởng Michael Fitts, là một học giả luật tuyệt vời, người mang trong mình lòng nồng hậu và nhiệt tình thành tâm đối với trường, với các khoa và mọi nhân viên, và với sinh viên. Hiệu trưởng Fitts đã mang lại định nghĩa mới về một hiệu trưởng trường luật hiện đại, và khoa giảng dạy cùng ban quản trị là ví dụ điển hình cho ngành giáo dục luật pháp ở Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Viên hiệu phó trong đời thực là người bạn Jo-Anne Verrier của tôi, tôi hy vọng cô ấy sẽ tha thứ cho tôi vì đã tạo ấn tượng xấu về vị trí công việc của cô ấy trong cuốn sách này. Khoa và phòng hành chính luôn đối tốt với tôi, các độc giả đừng nên nhầm lẫn bất cứ nhân vật hư cấu nào trong Cô gái của bố với bất cứ ai trong trường luật Penn. Và với tư cách là một cựu học viên, tôi biết rằng đây là trường luật tốt nhất trên toàn quốc.
Cũng quan trọng không kém, là những sinh viên trong Cô gái của bố, dù rất đáng yêu, vẫn không phải là những sinh viên trong lớp tôi. Thành thực mà nói, đám sinh viên của tôi là hết sẩy. Các em chí thú học hỏi và luôn tham gia tích cực vào giờ học, tôi không đóng góp công sức gì vào đó mà tất cả đều do lòng ham học bẩm sinh và khả năng diễn đạt lưu loát ý kiến bản thân của các em. Đúng là tôi đã giảng cho các em về vở kịch Người lái buôn thành Venice, với cùng lý do như Nat, và các em đã hiểu ngay trọng điểm vấn đề. Lời xin lỗi và cảm ơn đến các em sinh viên của tôi. Các em biết là cô yêu tất cả các em.
Vì có rất nhiều độc giả hình thành ý kiến về luật pháp và công lý từ hư cấu, nên việc tôi trình bày thực tế cho đúng đắn là rất quan trọng. Tôi đã không thể làm được điều đó mà không có thật nhiều sự trợ giúp, sự hợp tác và thời gian bỏ ra từ các chuyên gia. Và bất cứ sai sót nào trong tiểu thuyết này đều là sai sót của tôi. Và lại nữa, trong phần phủ nhận này, cái gọi là Trại cải huấn hạt Chester trong cuốn truyện lẫn các nhân viên và ban quản trị, là hoàn toàn không có thực. Để chân thật hóa nhà giam tưởng tượng của tôi, tôi đã tìm hiểu một nhà giam thực thụ, nhà giam hạt Chester tại thị trấn Pocopson, và tôi muốn cảm ơn một người rất chuyên nghiệp và dễ thương, thiếu tá Scott Graham, Giám đốc An ninh. Ông đã đưa tôi đi thăm một vòng quanh nhà giam và giúp tôi hiểu biết chung chung về cách thức các nhà giam hoạt động, ngay cả trong cuộc bạo động tưởng tượng của tôi trong cuốn sách này, và tôi rất biết ơn vì điều đó. Không có vị trí công việc nào là Trợ lý Tổng quản giáo cả, và không một nhân viên hư cấu nào trong truyện này phản ánh bất cứ sự quản lý chuyên tâm hay bất cứ sĩ quan cải huấn nào tại nhà giam hạt Chester. Dĩ nhiên, những tù nhân trong truyện này cũng là hư cấu.
Cảm ơn tất cả những người thực thi pháp luật tại hạt Chester. Cảm ơn trung úy Brian Naylor từ sở cảnh sát bang Pennsylvania, đồn cơ sở Embreeville, và một cái ôm cảm ơn thật chặt cùng lòng ngưỡng mộ sâu sắc đến trung sĩ Jill McKone, đồn cơ sở Avondale, người đã bỏ thời gian hướng dẫn tôi đến cùng, sửa sai những ngôn từ trong giới cảnh sát của tôi, và giảng giải chi tiết những điều mà nếu là bất cứ ai khác đều hẳn sẽ biết rõ như chuyện đương nhiên. Và cảm ơn Nicholas J. Casenia Con, trưởng đại diện phòng Tư pháp hình sự quận, và Patrick Carmody, công tố viên thứ nhất, cả hai đều từ Văn phòng Tư pháp Hình sự hạt Chester, cảm ơn về thời gian, chuyên môn lẫn lòng nhiệt thành của hai vị này. Cũng xin gửi lời cảm ơn đến thanh tra sĩ quan Jeffrey S. Gordon của văn phòng thanh tra hạt Chester, vì đã giúp đỡ tôi hiểu rõ thêm về những quy trình hoạt động của cảnh sát địa phương.
Và cũng như mọi khi, xin cảm ơn người bạn cũ của tôi, ngài Glenn Gilman, và thanh tra đã về hưu Art Mee, vì những ý kiến chuyên môn về luật pháp và ngành cảnh sát. Và cảm ơn đến những người bạn mới, bác sĩ Felicia Lewis thông minh đáng yêu và ân nhân cứu mạng của tôi, bác sĩ John J. O’Hara. Và đến nhà thông thái sách Joe Drayback, người luôn luôn tận tâm hết mực – vì sách vở.
CẢNH BÁO TIẾT LỘ NỘI DUNG CÂU CHUYỆN: Ở đây tôi còn nợ một lời cảm ơn quan trọng, nhưng các bạn không nên đọc tiếp nếu bạn chưa đọc hết quyển sách này. Những lời sau đây là một sự phá bĩnh hoàn toàn và sẽ tiết lộ bước chuyển hướng của nội dung câu chuyện, vậy nên bây giờ các bạn vui lòng đừng đọc, bằng không nó sẽ hủy hoại yếu tố bất ngờ. Đúng hơn, các bạn hãy dùng tay che hết phần còn lại của trang sách này đi vì tôi sẽ chết mất nếu để cho trang sách này làm kẻ phá bĩnh bạn. Nhưng tôi phải cảm ơn con người này với lời lẽ được in ra và tôi muốn giải thích vì sao. Vậy nên các bạn hãy đi đọc cho hết quyển sách này rồi hẵng quay lại. Làm ơn.
Cảm ơn sử gia Mary Dugan, người đã giảng dạy cho tôi về hệ thống hỏa xa ngầm ở hạt Chester, bang Pennsylvania, và là người đã cống hiến thật nhiều thời gian của mình cho Trung tâm Hỏa xa ngầm Kennett ở quảng trường Kennett, bang Pennsylvania. Xin cho phép tôi dành ít phút để cung cấp thông tin bối cảnh cho những ai trong số các bạn cần làm mới tí chút về kiến thức lịch sử Hoa Kỳ, hay cho những bạn ở các quốc gia khác. Hệ thống hỏa xa ngầm tồn tại và hoạt động sôi nổi nhất từ năm 1835 đến 1865, suốt một khoảng thời gian kinh hoàng trong lịch sử Hoa Kỳ khi chế độ sử dụng người Mỹ gốc Phi làm nô lệ vẫn còn hợp pháp. Nô lệ là “tài sản sở hữu” trong rất nhiều các tiểu bang phương Nam, mặc dù tình trạng này đã bị coi là bất hợp pháp trong các tiểu bang phương Bắc. Những nô lệ thường được đối xử tệ bạc – bị ép buộc phải lao động kiệt lực và phải chịu những hình phạt đòn roi hay còn tệ hơn thế nữa – và gia đình con cái của họ thường xuyên bị chia cắt để bán cho những người chủ khác. Cho đến một lúc, nhiều nô lệ quá khát khao quyền căn bản được sống của mình nên đã bỏ trốn lên các bang phương Bắc, tự đặt mình vào tình huống hiểm nghèo cả về pháp luật lẫn mạng sống. Họ trở thành những kẻ đào tẩu khỏi pháp luật và nếu bị bắt lại thì sẽ làm mồi cho các hình phạt hay thậm chí cả cái chết.
Cụm từ “Hỏa xa ngầm” được cho là đặt ra bởi một kẻ truy bắt nô lệ, người này, vì không tìm ra con mồi của mình, đã nói, “Chắc phải có một đường hỏa xa ngầm ở đâu đây.” Cụm từ này làm người ta nghĩ sai bởi vì thực ra không có đường hỏa xa nào dưới lòng đất cả, loại đường hỏa xa có đường ray, toa tàu và những thứ đại loại như thế. Thay vào đó, hệ thống hỏa xa ngầm là một loạt những con người sẵn lòng che giấu những nô lệ bỏ trốn trong nhà họ. Những người che giấu nô lệ được gọi là “ga trưởng” và nhà cửa của họ là “ga” hay “trạm dừng”. Những ga ấy thường cách nhau không quá mười hai đến hai mươi bốn cây số, bằng chiều dài lội bộ trong một đêm hoảng loạn. Không có một ước tính đáng tin cậy nào về việc có bao nhiêu nô lệ đã trốn tìm đến tự do, vì những ghi chép đã không được giữ lại do sợ sẽ bị dùng làm bằng chứng, ước tính là từ khoảng 30.000 đến 100.000 người, theo như quyển Hệ thống hỏa xa ngầm bang Pennsylvania của William Switaia, trang 13, xuất bản năm 2001, hay một báo cáo được nộp lại vào năm 1864 cho ủy ban Điều tra về những người được giải phóng tại thủ đô Washington, ước tính rằng khoảng từ 30.000 đến 40.000 nô lệ đã đến được phương Bắc.
Hạt Chester, bang Pennsylvania, thực sự đóng một vai trò tích cực trong hệ thống hỏa xa ngầm. “Tuyến trung tâm” hay “Tuyến Đông” của hệ thống Hỏa xa Ngầm bắt đầu từ Maryland và Delaware, chạy theo phía Bắc qua hạt Chester, rồi chạy thêm tiếp nữa đến Norristown rồi Philadelphia. Những cư dân hạt Chester giúp đỡ nhiều người trước là nô lệ đào thoát lên phương Bắc bởi vì hạt này nằm ngay ngoài tuyến Mason-Dixon và là nơi cư ngụ của một mạng lưới những người Mỹ gốc Phi và những người Quaker theo chủ nghĩa bãi bỏ nô lệ gan dạ và tận tình. Những người Quaker tại Hội nghị cấp tiến ở Longwood và Hội nghị những người bạn Mariborough ở Pocopson che giấu nô lệ trong nhà, điều này gây rất nhiều nguy hiểm cho bản thân họ. Nhiều nhà vẫn còn tồn tại, và thú vị thay, những căn nhà ấy đều nằm xung quanh nơi đây sau này là nhà tù hạt Chester. Levi Ward, Eusebius và Sarah Barnard. William Barnard, Joseph và Ruth Dugdale, Mary và Moses Pennock, John và Hannah Cox, Issac và Thomazine Meredith, tất cả đều sống ở những nơi mà bây giờ bao quanh nhà tù và đã che giấu nô lệ trong nhà họ.
Sử gia Mary Dugan dẫn tôi đến một số “trạm” của hạt và chỉ cho tôi thấy những nơi ẩn nấp ở ngoài và trong nhà dân, điều này làm tôi rất cảm kích. Thật ra, tên của các “ga trưởng” theo đạo Quaker trong tiểu thuyết này hoàn toàn có thực, cũng như tên của những người nô lệ và tên viết tắt của họ đều được rút ra từ những tên có thực tôi tìm thấy trong quá trình nghiên cứu của mình. Tôi không biết phải diễn tả lòng ngưỡng mộ của tôi thế nào đối với lòng can đảm và trái tim quả cảm của những người cựu nô lệ này, những người đã bị luật lệ đối xử rất hà khắc, cũng như lòng ngưỡng mộ của tôi với những người đã giúp họ trốn thoát. Họ đã mạo hiểm tất cả vì công lý.
Dành cho những độc giả muốn tìm hiểu thêm về hệ thống hỏa xa ngầm, có nhiều sách đã cung cấp thông tin cho cuốn truyện này, và rất nhiều cuốn trong số đó chứa đựng nguồn tư liệu gốc, có thể sẽ đem lại hứng thú cho bạn. Hãy tìm đọc: William Still, Con đường hỏa xa ngầm (1872) và R.C. Smedley, Lịch sử về hỏa xa ngầm ở Chester và những hạt láng giềng của bang Pennsylvania (1883). Cả hai cuốn này đều tái hiện lịch sử vào đời sống, và quyển của William Still bao quát rộng và rất đáng đọc. Ông Still, một người Mỹ gốc Phi, là chủ tịch của ủy ban canh phòng xã hội bài trừ nô lệ bang Pennsylvania và ông có nói chuyện riêng với những người lánh nạn mà ông đã giúp ẩn náu, tạo nên quyển tường thuật sống động về cuộc sống của những nô lệ, bao gồm nông trại và đồn điền nô lệ làm việc, người “sở hữu” họ và cách họ đã thoát như thế nào. Gần đây hơn, bạn có thể tìm đọc tác giả Fegus Bordewich, Ranh giới miền đất hứa (2005); David Blight, sách được biên tập lại, Đường đi đến tự do (2004), William Kashatus, Công lý vượt giới hạn: hạt Chester và hệ thống hỏa xa ngầm (2002), và William Switala, Hệ thống hỏa xa ngầm ở Pennsylvania (2001).
Kết thúc phần tiết lộ nội dung, trở lại với tình yêu thuần khiết.
Xin cám ơn những người sau đây, những người đã hào phóng hiến tặng tiền cho các quỹ từ thiện xứng đáng trong những cuộc đấu giá thầm lặng để tên mình được xuất hiện trong tiểu thuyết: Adele McIlhargey (dành tặng cho thư viện hạt Gwinnett, bang Georgia), Bill Sasso (Hiệp hội Thanh niên Cơ đốc bang Philadelphia), Jennifer Paradis (Hội Key to the Cure), Elizateth Warren (được mua bởi Bruce Mann cho Quỹ Tài trợ cho Công lý Công bằng), Clare Cracy (được mua bởi Marian Staley để dành tặng cho Trung tâm Từ thiện Hỗ trợ người mắc bệnh ung thư Fox Chase), Agnes Grady Chesko (được mua bởi Pat Cheko cho Tổ chức Hỗ trợ người khuyết tật ARC của hạt Chester), Max Bischoff (được mua bởi Paul Roots cho Hội đồng Văn học Miami Valley, bang Ohio), và Melanie Anderson (được mua tại hiệu sách tuyệt vời Turn the Page ở Boonsboro, bang Maryland), và những người bạn lâu năm của tôi là Sam và Carolyn Morris (công ty French & Pickering Land Trust).
Và đây là những lời thương yêu tưởng nhớ David Brian Mundy, được mua bởi bạn tôi Debby Mundy, cô em gái đáng yêu của anh ấy, và cũng để tưởng nhớ đến giáo sư Edward Sparer, một giáo sư tuyệt vời tại trường luật, được tất cả chúng tôi và đặc biệt là bạn Alen Sandals cùng lớp tôi nhớ đến, để ủng hộ cho Quỹ Tài trợ cho Công lý Công bằng. Và cuối cùng, để tưởng nhớ đến Edward Duffy và Marilyn Krug, được Janet Moore và Steve Werner tưởng nhớ để ủng hộ cho Tổ chức Family Services của hạt Chester.
Cuối cùng, cám ơn tất cả mọi người ở Harper Collins, nhà xuất bản duy nhất trong mười bốn năm qua của tôi và mười bốn quyển sách của tôi. Cám ơn Carolyn Marino, biên tập viên xuất chúng của tôi, người đã động viên khi tôi theo đuổi mơ ước được giảng dạy, ngay cả khi điều này lấy đi thời gian sáng tác của tôi. Và một lời cảm ơn nồng nhiệt đến đội ngũ tuyệt vời ở Harper: CEO và tấm gương mẫu mực Jane Friedman, Brian Murray, Michael Morrison, Jonathan Burnham, Kathy Schneider, Josh Marwell, Christine Boyd, Liate Stehlik, Maureen O’Brien và Wendy Lee, những người đã làm việc hết sức để xuất bản những quyển sách của tôi và hoàn thành công việc một cách xuất sắc. Tôi biết là tôi may mắn lắm đấy, các bạn ạ.
Cảm ơn Molly Friedrich của nhà phát hành The Fririch, đơn giản là nhà phát hành văn học tốt nhất trên thế giới, cũng như người đầy tài năng không kém (OK, vậy cả hai đều là người tuyệt nhất) Paul Cirone. Cám ơn siêu đại diện Lou Pitt, người đại diện cho tôi rất tuyệt vời ở Hollywood. Rất yêu mến và cảm ơn đến Andy Marino, nhà văn và là nhà soạn nhạc. Yêu mến và đặc biệt cám ơn Laura Leonard, người đã giúp tôi trong rất nhiều việc, từ lắng nghe các ý tưởng sách cho đến làm một người bạn gái tuyệt vời, điều mà, như mọi người đều biết, là một người giá trị nhất trên thế giới.
Cám ơn và gửi lời yêu thương đến gia đình tôi, bởi vì họ chính là tim tôi.
Và cảm ơn người cha quá cố của tôi, người đã khiến tôi trở thành một cô con gái cưng của bố, mãi mãi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.