Cô gái đến từ hôm qua

Chương 07



Sáng hôm sau, tôi vừa ló mặt vô lớp, Lợi sứt đã hỏi:
– Hai viên mực đâu?
Tôi xòe tay:
– Không có.
– Sao vậy?
Tôi giải thích:
– Tao không chấm mực của mày nữa.
Lợi sứt lừ mắt:
– Không chấm nữa mày cũng phải trả hai viên mực cho tao. Hôm qua mày đã chấm rồi.
Tôi “xì” một tiếng:
– Chấm có chút xíu mà cũng đòi.
Lợi sứt nhất định không chịu nhượng bộ:
– Chấm chút xíu cũng hao mực vậy!
Tiểu Li đứng cạnh chen vô:
– Đồ “trùm sò”!
Lợi sứt đỏ mặt:
– Tao “trùm” kệ tao! Đồ… đồ lẻo mép!
Mặc dù nổi nóng nhưng thấy Tiểu Li bênh tôi, Lợi sứt cũng chịu “xuống nước”. Nó quay sang tôi:
– Thôi, mày trả tao một viên cũng được!
Tôi mím môi:
– Tao không trả.
Lập tức Lợi sứt xông vào túm áo tôi:
– Mày định quỵt tao phải không?
– Ồ… à… muốn chơi nhau hả?
Vừa nói, tôi vừa ném cặp xách lên bàn và xắn tay áo lên.
Thấy tôi và Lợi sứt chuẩn bị đánh nhau, Tiểu Li hoảng hồn. Nó xô tôi ra, miệng năn nỉ:
– Đừng, đừng, anh đừng đánh nhau! Em sợ lắm! Để ngày mai em đem viên mực trả cho nó.
Tôi xẳng giọng:
– Không có trả gì hết! Để coi nó làm gì được tao! Mày dang ra đi!
Nhưng mặc cho tôi hét, Tiểu Li không chịu buông. Nó nắm chặt hai cánh tay tôi.
Đang hăng máu, tôi gạt mạnh Tiểu Li ra.
Cái hất tay thô bạo của tôi khiến Tiểu Li té chổng gọng. Trước khi nằm thẳng cẳng dưới đất, trán nó đã kịp đập vô cạnh bàn, máu chảy tèm lem.
Trước “án mạng” bất ngờ đó, tôi và Lợi sứt xanh mét mặt mày. Hai đứa quên cả đánh nhau, cùng nhảy bổ lại đỡ Tiểu Li dậy.
Tôi lấy tay chùi máu trên trán Tiểu Li, miệng lắp bắp:
– Mày… mày có thấy đau không?
Mặt Tiểu Li còn lộ vẻ bàng hoàng. Dường như nó chưa kịp hiểu chuyện gì đã xảy ra. Nó đáp:
– Đau sơ sơ.
Tôi lại hỏi, giọng lo âu:
– Mày thấy trong người… có sao không?
Tôi cứ sợ nó chết bất tử. Tiểu Li lắc đâu:
– Em chẳng thấy sao hết!
Bất thần nó đưa tay lên sờ trán. Thấy máu dính trên các ngón tay, Tiểu Li hốt hoảng:
– Chết rồi! Bể đầu em rồi!
Và nó sợ hãi òa khóc.
Tôi vội vàng nói:
– Không phải bể đầu đâu! Chỉ trầy da chút xíu!
Tiểu Li mếu máo:
– Trầy da mà máu chảy nhiều chừng này?
Lúc này tụi bạn trong lớp, kể cả mấy đứa lớp khác, đã xúm đen xúm đỏ chung quanh.
Một đứa nói:
– Chết thằng Thư rồi! Nó đánh con Tiểu Li bể “gáo dừa” rồi!
Tôi khịt mũi ngồi im. Gặp lúc khác, tôi đã ngoác mồm ra cãi. Tôi có đánh Tiểu Li hồi nào đâu.
Tụi bạn tiếp tục bàn tán. Một giọng độc địa vang lên:
– Nó sẽ bị đuổi học.
Có tiếng cãi:
– Không có đuổi học đâu! Nó chỉ bị gọi lên phòng Ban giám hiệu thôi!
Bỏ ngoài tai những tiếng xì xào, tôi và Lợi sứt nâng Tiểu Li đứng dậy.
Đúng lúc đó, điều tôi lo lắng đã xảy ra. Cô giáo bước vào lớp.
Thấy học trò túm tụm lại một chỗ, cô hỏi:
– Gì vậy các em?
Trong khi tim tôi thót lại thì những đứa mau miệng đã tranh nhau kể tội tôi.
Cô giáo bước lại bên Tiểu Li. Sau khi quan sát vết thương, cô vội vã kêu hai đứa con gái dìu Tiểu Li lên phòng y tế.
Còn tôi, lẽ dĩ nhiên, phải đưa đầu chịu trận. Cả Lợi sứt cũng lãnh hậu quả. Nhưng tụi tôi không bị đuổi học, cũng không phải lên văn phòng ngồi run như cầy sấy trước thầy hiệu trưởng, thật hên! Tôi và Lợi sứt chỉ bị phạt đứng tại chỗ cho đến khi nào có tiếng trống ra chơi.
Một lát sau, Tiểu Li xuất hiện. Nó lặng lẽ bước vào chỗ ngồi với miếng băng trắng toát đính nơi góc trán.
Thấy nó sống sót trở về, mặc dù đang bị phạt, lòng tôi nhẹ hẳn đi.
Trên đường về, tôi dặn Tiểu Li:
– Mẹ mày hỏi, mày đừng nói là tại tao nghen!
– Em không nói đâu! Em bảo là em bị té.
Tôi vẫn chưa yên tâm:
– Tự mày té hả?
Tiểu Li gật đầu:
– Tự em té. Không có ai xô hết.
Tôi thở phào:
– Ừ, mày bảo là mày vấp gốc cây hay vấp… viên gạch gì đó! Nếu mày khai tao ra, mẹ mày “méc” với mẹ tao là tao nhừ đòn.
Mọi chuyện tưởng là không có gì, không ngờ tối đó Tiểu Li lên cơn sốt. Sáng hôm sau, nó phải nghỉ học.
Đợi hoài không thấy nó qua rủ, tôi chạy qua nhà nó. Thấy tôi, mẹ nó hỏi:
– Hôm qua, Tiểu Li té sao vậy cháu?
Tôi vọt miệng:
– Nó bị đập đầu vô cạnh bàn.
Mẹ nó ngạc nhiên:
– Sao nó bảo nó va đầu vào cục gạch?
Tôi giật mình, ấp úng:
– Cháu… cháu cũng chẳng biết nữa. Cháu không có mặt ở đó, cháu chỉ nghe tụi bạn nói lại. Chắc là tại cục gạch. – trường cháu… gạch nhiều lắm!
Sợ mẹ Tiểu Li hỏi nữa, tôi vội vàng hỏi trước:
– Tiểu Li đầu rồi bác?
– Nó nằm trong nhà. Nó bị sốt. Chắc là do vết thương.
Tôi bước vào nhà. Tiểu Li nằm trên đi-văng rên hừ hừ. Tôi lại gần đặt tay lên trán nó. Trán nó hâm hấp. Tiểu Li mở mắt ra. Thấy tôi đứng cạnh, nó hỏi:
– Anh chưa đi học hả?
Tôi đáp, giọng bùi ngùi:
– Chưa. Đợi hoài không thấy mày, tao chạy qua đây.
Tiểu Li chớp mắt:
– Bửa nay em nghỉ học, anh đi một mình hén!
– Ừ, tao đi một mình.
Thấy tôi đứng loay hoay hoài, Tiểu Li giục:
– Anh đi học đi! Coi chừng vô lớp tr bị cô giáo phạt.
Tôi chẳng muốn rời Tiểu Li chút nào. Nhưng tôi phải đến lớp. Biết không thể nấn ná lâu được, tôi xốc cặp, nói:
– Mày cứ nằm nghỉ đi, lát trưa tao qua chép bài giùm mày cho.
Nói xong, tôi vọt thẳng ra cửa, không dám ngoảnh đầu lại.
Buổi trưa, vừa về đến nhà, ăn qua loa vài chén cơm, tôi chạy qua thăm Tiểu Li.
Thấy nó ngồi trên đi-văng, tôi mừng rỡ hỏi:
– Mày khỏe rồi hả?
Tiểu Li mỉm cười:
– Hơi hơi.
Tôi định chạy lại sờ trán nó xem nó đã bớt nóng chưa, nhưng không hiểu sao tôi bỗng thấy ngường ngượng. Hồi sáng, khi nghe nó sốt, tôi cũng sờ trán nó, nhưng lúc đó tôi chẳng hề thấy mắc cỡ. Lúc này, chỉ mới nghĩ tới thôi, tôi đã thấy bối rối và tôi không thể nào cắt nghĩa được điều đó.
Tôi đành bước lại bàn, móc túi lấy mấy viên bi bỏ vào ly nước. Những viên bi khi ở trong nước trông khác hẳn. Chúng trở nên lấp lánh và trong suốt.
Tiểu Li ngạc nhiên một cách thích thú:
– Những viên bi ở đâu ra vậy?
Tôi tằng hắng:
– Của tao. Tao đánh ăn.
Tôi không dám nói với Tiểu Li là tôi đã nhịn quà sáng để lấy tiền ăn xôi mua bi.
Nhưng Tiểu Li không hỏi tới, nó chỉ nói:
– Anh cứ bỏ vào ly nước, em giữ giùm cho. Khi nào chơi thua hết thì anh lấy ra chơi tiếp.
Tôi nói, giọng dịu dàng:
– Tao không bao giờ lấy bi của mày nữa đâu!
Không quay lại nhưng tôi nghe tiếng Tiểu Li cười khúc khích. Tôi hoang mang không hiểu nó có tin lời tôi không.

– o O o –

Hải gầy coi sự “đầu hàng” của tôi là một hành động nhục nhã, một sự yếu hèn không thể tha thứ được. Nó bảo chỉ có một bước nữa là đến thành công nhưng đến phút chót tôi đã làm hỏng bét hết. Nó dẫn lời của La Fontaine: “Tình yêu! Tình yêu! Khi ngươi nắm lấy ta, ta có thể nói: vĩnh biệt khôn ngoan!” để kết luận là tôi đã rơi xuống tận đáy của sự ngu ngốc, không thể nào kéo lên được.
Nó cứ cẳn nhẳn cằn nhằn suốt khiến tôi điên tiết:
– Dẹp mày đi!
Nó vặc lại:
– Dẹp mày thì có! Đồ con lừa!
– Tao là con lừa kệ tao!
Nó nhún vai:
– Yêu mà cứ như ăn cướp! Lúc nào cũng muốn vung tay ra là có ngay!
Tôi “hứ” một tiếng:
– Chứ nghe theo mày có mà “toi” sớm!
Hải gầy xẳng giọng:
– “Toi” cái gì? Làm gì mà “toi”?
– “Toi” mất Việt An chứ “toi” cái gì! Mày bảo nó liếc tao, vậy mà tao nhìn qua cả buổi đâu có thấy nó liếc cái nào. Nó cứ nhìn chăm chăm lên bảng.
Hải gầy thở ra:
– Mày chẳng biết cóc khô gì hết! Saint Exupéry đã nói “Yêu không có nghĩa là nhìn nhau mà cùng nhìn về một hướng”. Mày nhìn lên bảng, nó cũng nhìn lên bảng, vậy chẳng cùng nhìn về một hướng là gì!
Sự pha trò của nó khiến tôi phì cười:
– Nói như mày!
Hải gầy chép miệng, giọng trách móc:
– Nếu mày nghe theo tao…
Lần này, tôi chẳng buồn cãi lại nó. Tôi nói, giọng rầu rĩ:
– Tao mà “xa” nó một cái, nó sẵn sàng “xa” tao liền.
Thấy tôi xìu như bún, Hải gầy đâm lây sự bi quan của tôi. Nó triết lý:
– Tụi con gái là vậy! Chẳng bao giờ chúng thấy những điều mình làm cho chúng mà chỉ thấy những điều mình không làm!
Câu nói của Hải gầy sâu sắc dễ sợ, chắc nó “thuổng” của một triết gia nào! Nhưng điều đó bây giờ không làm tôi quan tâm. Tôi đang chìm đắm trong một nỗi muộn phiền man mác.
Hải gầy phá tan sự im lặng bằng cách sửa lại thế ngồi và tuyên bố một cách nghiêm trang:
– Không thể kéo dài tình trạng này được!
– Tình trạng nào?
– Tình trạng của mày hiện giờ, yêu mà không biết người ta có yêu lại không? Graham Greene đã phê phán rồi: “Cái cảm giác không rõ ràng, không chắc chắn là điều đáng sợ nhất với một người đang yêu”.
Và nó kết luận bằng một giọng dứt khoát:
– Bằng mọi giá, mày phải thoát ra khỏi tình trạng nguy kịch này!
Cái thằng nói thì hay, lý luận của nó bao giờ cũng có các câu danh ngôn “bảo trợ”, nhưng làm thì dở ẹc, đụng đâu hỏng đó. Chắc nó lại nghĩ ra một trò ma mãnh nào rồi và sắp sửa xúi tôi thực hiện. Mặc dù chẳng còn mấy tin tưởng vào nhà quân sư quạt mo này, tôi vẫn phải bám vào nó như bám vào chiếc phao duy nhất. Tôi hỏi:
– Thoát ra bằng cách nào?
Hải gầy đáp tỉnh:
– Viết thư.
Tôi thất vọng:
– Tưởng sao! Lại “điền vào chỗ trống” hoặc “đánh dấu chéo vào ô thích hợp” chứ gì?
Hải gầy lắc đầu nguầy nguậy:
– Không! Mình không chơi trò đó! Tao nói viết thư là viết đàng hoàng kia!
– Viết đàng hoàng là sao?
– Thì viết thư như người ta thường viết ấy! Việt An yêu dấu, anh viết cho em những dòng này trong một chiều mưa tầm tã…
Tôi nhếch mép:
– Mấy bữa nay trời đâu có mưa?
Hải gầy gãi đầu:
– Thì tao chỉ nói ví dụ vậy thôi! Nhưng dù trời nắng, người ta vẫn thường viết là trời mưa cho nó thêm… ướt át. Có khi thư viết đầu tuần, người ta vẫn đề “chiều buồn thứ bảy” cho có vẻ… thơ mộng. Muốn Việt An xúc động, mày có thể viết “anh viết những dòng này trên giường bệnh… “!
Tôi gạt phắt:
– Mày đừng có trù ẻo tao!
Hải gầy nhe răng cười:
– Tao chỉ gợi ý vậy thôi, còn viết sao thì tùy mày!
Ý kiến của Hải gầy khiến tôi phân vân quá xá. Tôi lại hỏi:
– Có nên không?
– Nên quá đi chứ! – Hải gầy hùng hổ – Những gì không thể bày tỏ bằng lời thì người ta viết thư. Xưa nay vậy. Mà những chuyện như thế này, tụi con gái nó khó mở miệng lắm. Mình phải tạo điều kiện cho tụi nó “phát biểu”. Tao nghĩ là Việt An đang ngày đêm chờ thư của mày. Có khi nó đã viết sẵn một lá thư trả lời rồi không chừng. Để chờ mày gởi qua là nó gởi lại liền.
Ừ, biết đâu được! – Tôi hồi hộp nhủ bụng – Dù sao Việt An cũng là con gái. Nó nhút nhát. Vả lại, tôi cũng chưa nói gì. Có khi Việt An yêu tôi nhưng lại tưởng tôi chỉ coi nó như bạn… thân nên nó không thổ lộ, sợ quê. Còn nếu trong vạn nhất nó không yêu tôi thì sau khi nhận thư tôi, nó sẽ trả lời cho tôi biết để tôi khỏi phải mất công hy vọng hão huyền. Đằng nào cũng tiện.
Thấy tôi nghĩ ngợi lâu lắc, Hải gầy nóng ruột:
– Sao? Viết không?
Tôi ngần ngừ:
– Tao chỉ sợ nó đưa cho tụi Hồng Hoa, Chiêu Minh đọc.
Hải gầy hắng giọng:
– Mày đừng lo! Nếu yêu mày, nó sẽ không đem thư mày ra bêu riếu trước thiên hạ. Nếu không yêu thì có thể nó sẽ… không nhận thư.
Tôi giật thót:
– Nếu nó không nhận thư thì sao?
– Thì thôi chứ sao! Đừng mơ tưởng đến nó nữa! Nhưng tao tin chắc là Việt An sẽ nhận. Nó yêu mày mà!
– Thôi đi mày!
Mặc dù nói vậy, tôi vẫn cảm thấy khoai khoái.
Suốt ngày hôm đó, tôi và Hải gầy hè nhau “soạn thảo” lá thư tình của tôi. Hai đứa cãi nhau ỏm tỏi. Hải gầy lúc nào cũng muốn viết thật văn hoa, bay bướm, nhưng tôi lại sợ Việt An cho tôi nói xạo.
Ngay câu đầu tiên, hai đứa đã hục hặc nhau. Hải gầy bảo viết “Việt An yêu quí” cho nó… trữ tình. Tôi không chịu:
– Ai lại viết là “yêu quí”! Làm như nó yêu tao từ đời kiếp nào rồi!
– Nhưng đây là tình cảm của mày, mày muốn gọi gì mày gọi chứ!
Tôi kiên quyết phản đối:
– Mới mở đầu mà “độp” một phát “yêu quí” liền, tao thấy nó sỗ sàng quá!
– Chứ không “yêu quí” thì là gì?
– Chỉ viết là “Việt An thân mến” thôi!
Hải gầy ngã người ra ghế, cười hô hố:
– Thân mến! Yêu người ta mà gọi là “thân mến”! Mày viết vậy nó sẽ tưởng mày “chửi” nó. Mày viết “Hải gầy thân mến” thì còn được. Ai lại “Việt An thân mến” bao giờ!
– Chứ “yêu quí” lại càng không được!
– Hay là đổi thành “yêu thương”?
Tôi nhún vai:
– “Yêu thương” thì có khác gì “yêu quí”?
Bàn tới bàn lui một hồi, chúng tôi đành phải chấp nhận giải pháp dung hòa: “Việt An thân thương”! Tôi giữ được chữ “thân”, Hải gầy giữ được chữ “thương”. Vả lại, chữ “thân thương” nó không lộ liễu như “yêu thương”, cũng không xa cách như “thân mến”, nó kết hợp nhuần nhuyễn cả tình yêu lẫn tình bạn. Nói một cách chính xác, nó báo hiệu một sự nhảy vọt từ tình bạn qua tình yêu. Có nghĩa là “đợi đấy!”.
Đi vào phần nội dung, chúng tôi càng cãi nhau kịch liệt. Hải gầy cứ bắt tôi kêu Việt An là “em” cho nó tình tứ. Tôi không chịu. Tôi cứ kêu là Việt An là… Việt An, như thường ngày tôi vẫn xưng hô. Gọi Việt An là “em”, tôi thấy nó có vẻ “phạm thượng” thế nào! Rốt cuộc, Hải gầy đành phải nhượng bộ. Nó cho phép tôi gọi Việt An bằng tên.
Nhưng tới đoạn sau, nó khăng khăng đòi tôi chép nguyên văn “Mới ngày đầu gặp Việt An, tôi đã thấy lòng mình xao xuyến”.
Tôi cắn viết, do dự:
– Viết vậy, nó sẽ cho tao là đồ bộp chộp, lửa rơm…
Hải gầy trợn mắt:
– Bậy! Sao lại lửa rơm! Mày xao xuyến dài dài tới tận bây giờ chứ có phải chỉ xao xuyến một lần thôi đâu!
Tôi ngẫm nghĩ một hồi, thấy nó nói cũng có lý, bèn chép câu đó vô.
Cứ vậy, vừa cãi vừa viết, xé bỏ gần nửa cuốn tập, cuối cùng chúng tôi cũng “sáng tác” xong lá thư.
Tôi thở phào đặt viết xuống bàn và lấy tay quệt mồ hôi trán:
– Giờ tính sao đây?
– Viết xong rồi thì gửi chứ sao!
– Ai gửi?
– Thì ai yêu nấy gửi! Thằng này hỏi lạ!
Tôi rụt cổ:
– Tao không dám gửi đâu! Tao ngại lắm!
Hải gầy hừ mũi:
– Không gửi thì vứt vào sọt rác! Thiếu gì cách giải quyết!
Phớt lờ sự châm chọc của Hải gầy, tôi nhìn nó cầu cứu:
– Mày gửi giùm tao đi!
Hải gầy giẫy nẩy:
– Đâu có được! Tao gửi giùm, nó tưởng tao yêu nó, nó yêu lại tao thì kẹt!
Tôi cười:
– Việt An không yêu mày đâu. Mày đừng lo!
– Biết đâu được!
Tôi hắng giọng:
– Vậy là mày bằng lòng rồi hén?
Hải gầy nhăn mặt:
– Bằng lòng cái con khỉ! Mày làm lừa một mình chưa đủ, mày tính bắt tao làm lừa theo mày chắc?
Khi Hải gầy bực mình văng “con khỉ” tức là nó đã chịu nhượng bộ. Tôi hớn hở gấp lá thư cho vào phong bì và dán kín lại.
Ngày hôm đó, những câu thơ của Xuân Diệu cứ phảng phất trong đầu tôi. Xuân Diệu làm thơ thật hay. Nhưng lần này tôi không dám chép vào tập. Tôi chỉ ngâm khe khẽ:
Anh chỉ có một tình yêu thứ nhất
Anh cho em, kèm với một lá thư
Em không lấy, và tình anh đã mất
Tình đã cho không lấy lại bao giờ!
Những câu thơ thật buồn. Nhưng chắc không phải dành cho tôi. Nhà thơ Xuân Diệu đâu có biết tôi!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.