Cô Gái Thứ Ba

Chương 16



– Bà thân mến…

Poirot nghiêng mình, tặng bà Oliver một bó hoa được sắp xếp rất đẹp mắt.

– Ông Poirot! Ông thật là tốt và bó hoa này hoàn toàn phù hợp với tính cách của ông! Những bông hoa của tôi được sắp xếp rất xoàng!… Bà ngước hai mắt nhìn vào một cái bình hoa cúc lộn xộn và đưa mắt nhìn vào những nụ hoa hồng được bó chặt. Ông thật đáng mến đã đến thăm tôi!

– Thưa bà, tôi tới để chúc mừng bà hồi phục nhanh chóng.

– Quả thế, tôi nghĩ rằng mình đã hoàn toàn bình phục – Bà cử động thận trọng cái đầu. Tuy nhiên, tôi vẫn còn bị những cơn đau đầu khá dữ dội.

– Bà có nhớ là tôi đã bảo với bà là đừng làm gì có thể nguy hiểm tới mình không?

– Đúng hơn, là đừng dính vào những gì không có quan hệ tới mình! Và đó chính là cái điều mà tôi đã làm. Tôi cảm thấy có điều gì nguy hiểm lởn vởn quanh người. Tôi đã sợ. Tôi nghĩ rằng mình hiện đang ở Luân đôn, tại trung tâm thủ đô, rằng đám đông quần chúng không xa nơi đây… Vì sao tôi lại sợ?

Poirot nhìn bà, suy nghĩ. Ông tự hỏi bà ấy đã có cảm giác như vậy hay chỉ tưởng tượng ra nó sau này. Ông biết rằng người ta hay bị ảnh hưởng của những loại cảm giác như vậy, trên thực tế, chúng chỉ xuất hiện về sau mà thôi. Đã có nhiều người tới gặp ông và bày tỏ gần giống như bà bạn của ông hiện giờ. “Tôi biết là có một cái gì đó không ổn. Tôi linh cảm rằng điều không tốt sẽ xảy ra”, tuy rằng trên thực tế, những người này đã không đoán trước được điều gì.

Bà Oliver xem ra đã nổi tếng về trực giác đặc biệt của bà. Một trực giác đã cuốn theo một trực giác mới với một sự mau lẹ không tưởng tượng nổi. Và bà Oliver luôn luôn tự nhận thấy mình có quyền tuyên bố về sự sáng suốt của bà khi những điều linh cảm đó tỏ ra đúng đắn!

– Bà đã có cảm giác về những nỗi lo âu đó từ lúc nào?

– Khi tôi đi khỏi con đường đông đúc. Tới lúc đó, mọi việc điều đơn giản và kích thích và… và thực ra, tôi rất thú vị mặc dù tôi bực mình vì nhận thấy việc đi theo vết chân của người khác mới khó làm sao.

Bà suy nghĩ một lát rồi mới nói tiếp.

– Phải, cuộc phiêu lưu này làm tôi rất thích thú… Bỗng nhiên, mọi việc đều đổi khác, tôi thấy mình đã đi vào một loạt những con đường nhỏ, tối tăm, những ngõ hẻm dẫn tới chỗ cụt và những mảnh đất trống trải. Tôi rất khó có thể giải thích rõ ràng hơn cái điều mà mình cảm nhận, nhưng gần giống như trong một giấc mơ… Ông bắt đầu ở trong một dạ hội và rồi bỗng nhên, thấy mình lại ở trong rừng rậm, không đoán ra mình đã tới đó bằng cách nào và vì sao…

– Rừng rậm? Đó là một nhận xét đầy lý thú. Vậy là bà có cảm giác đang ở trong rừng rậm, sợ hãi một con công?

– Tôi không biết mình có sợ hắn không. Dù sao, một con công không phải là một con thú nguy hiểm. Tôi đã đặt hắn cái tên đó vì hắn đã ăn bận lòe loẹt.

– Trước khi bị đập đầu, bà có nghĩ là mình bị người ta đi theo không?

– Không, nhưng tôi có cảm giác là người hướng dẫn cho tôi đã chỉ một hướng đi sai lạc.

Poirot gật đầu.

– Chính hắn là người đã tấn công tôi, bà Oliver nói. Còn ai khác nữa? Người con trai với bộ quần áo cáu bẩn kia à? Hắn có mùi hôi nhưng không có gì đáng sợ. Cũng không phải là cái cô Frances gì đó, dáng vẻ buồn ngủ kia. Cô ấy ngồi trên một cái bục, với mái tóc như của một người chết trôi, gợi nhớ tới một nữ diễn viên mà tôi đã quên mất tên rồi.

– Bà nói là cô ta ngồi làm mẫu à?

– Phải. Không cho con công, mà cho cái cậu dơ bẩn kia. Tôi không nhớ là ông có biết cô gái này hay không nữa?

– Tôi chưa có niềm vui được gặp cô ấy, tuy sẽ rất hứng thú nếu được vậy.

– Đúng là cô ta rất đẹp, theo kiểu diễn viên, hóa trang rất nhiều, dồi phấn trắng, một lớp kem dày và mái tóc quanh mặt. Cô ta làm việc trong một phòng trưng bày nghệ thuật, điều đó giải thích vì sao cô ta lại quan hệ với những người bụi đời và ngồi làm người mẫu. Làm sao những người con gái lạ có thể xử sự như vậy? Có thể cô ấy yêu con công, nếu không phải là người con trai ít tắm rửa kia…? Tuy nhiên, tôi không thấy cô ấy có thể đập vào đầu tôi.

– Thưa bà, tôi vừa nghĩ ra một ý. Có thể là ai đó đã nhìn thấy bà đi theo David… và người đó đã đi theo bà?

– Có khả năng! Trong trường hợp đó, tôi tự hỏi đó là ai vậy?

Poirot thở dài.

– Mọi khó khăn là ở chỗ đó. Có quá nhiều người. Quá nhiều sự việc. Tôi không thể nào phân biệt được một cách sáng sủa… Tôi chỉ biết là có một cô đã tuyên bố rằng có lẽ cô ấy đã phạm tội giết người! Đó là tất cả những gì mà tôi đã có để tự hướng dẫn, nhưng, cũng chẳng đi tới đâu cả!

– Ông muốn nói gì?

– Bà hãy suy nghĩ đi!

Suy nghĩ không phải là điểm mạnh của bà Oliver.

– Ông luôn luôn làm rối trí tôi! Bà phản đối.

– Tôi đã nói tới một vụ án mạng, nhưng đó là án mạng nào?

– Tôi cho rằng vụ của người dì ghẻ?

– Có điều là người dì ghẻ chưa chết!

– Ông là người kích động nhất mà tôi được biết!

Poirot ngồi gọn trong cái ghế, chụm hai đầu ngón tay và chuẩn bị – đó là cái điều mà bà Oliver cho là như vậy – ngồi một lúc lâu nữa.

– Bà từ chối không chịu suy nghĩ, ông nói. Nhưng muốn đi tới một nơi nào đó, chúng ta cần suy nghĩ.

– Tôi không muốn! Tôi chỉ quan tâm muốn biết ông đã làm gì trong thời gian tôi ở bệnh viện mà thôi!

Poirot gạt câu hỏi bằng một cử chỉ.

– Thưa bà, chúng ta phải bắt đầu từ nơi xuất phát. Một hôm, bà gọi điện thoại cho tôi. Tôi đang bực dọc… tôi đang nhìn sự việc thật là đen tối. Người ta vừa nói với tôi một câu nhận xét đã xúc phạm tôi sâu sắc. Bà, bà là hiện thân của lòng tốt. Bà đã an ủi tôi, khích lệ tôi và cho tôi một tách sô-cô-la ngon tuyệt. Hơn thế nữa! Bà đã hướng dẫn tôi đi tìm dấu vết một người con gái đã nghĩ rằng cô ta đã phạm phải một vụ gết người! Chúng ta hãy tự hỏi điều đó có ý nghĩa gì? Ai bị ám sát? Nơi nào? Vì sao?

– Ồ? Hãy ngừng lại! Vì ông, tôi đã đau đầu trở lại rồi đây này!

Poirot phớt lờ lời phản đối.

– Chúng ta có một vụ án mạng? Bà đã nói với tôi, bà dì ghẻ… nhưng người dì ghẻ này đã không chết. Vậy là vụ án mạng chưa được tiến hành. Tuy nhiên, vẫn có một vụ! Vì vậy, tôi đặt câu hỏi ai đã chết? Tôi lập lại: có một người nào đó đã nói với tôi là đã có một vụ án mạng tại một nơi nào đó và nó đã được thi hành bằng này hay cách khác. Khi bà khẳng định với tôi rằng vụ mưu toan ám hại bà Mary Restarick trả lời câu hỏi của tôi, tôi đã phản bác lại rằng không và rằng một Hercule Poirot đã không thể bằng lòng với cách này!

– Tôi không biết ông còn cần gì hơn thế nữa?

– Tôi muốn một vụ án mạng?

– Theo cách ông nói, người ta gần như có cảm giác rằng chính ông có thể tiến hành vụ đó!

– Tôi tìm một vụ án mạng và không thấy. Đáng bực tức lắm… Tôi yêu cầu bà hãy suy nghĩ cùng với tôi.

– Chờ một chút! Một ý kiến tuyệt vời! Hãy ví dụ là Andrew Restarick đã tìm cách loại người vợ đầu tiên của ông trước khi rời nước Anh. Ông có nghĩ tới điều đó không?

– Tất nhiên là không rồi! Poirot phản đối, phẫn nộ.

– Tôi thì có, và điều đó rất lý thú. Ông ta đã yêu một người đàn bà khác và giống như tên giết người nổi tiếng Grippen. Ông ta đã loại trừ bà vợ của mình để cao bay xa chạy với người tình và không một ai nghi ngờ cả.

Poirot huơ hai bàn tay, dấu hiệu của sự phản đối.

– Nhưng vợ của ông ta chỉ chết vào mười một hay mười hai năm sau khi ông ta đã rời nước Anh. Còn người con gái, cô ta không thể nào giết cha mẹ mình lúc cô ấy mới được năm tuổi!

– Một điều khác nữa. Restarick nói là vợ của ông ta đã chết, nhưng chúng ta có chắc là như thế không?

– Tôi thì chắc. Tôi đã tìm hiểu rồi. Bà Grace Restarick đã chết vào ngày 4 tháng tư năm 1963.

– Làm sao ông lại khám phá ra được điều đó.

– Tôi đã sử dụng một người đi điều tra. Thưa bà, tôi xin bà đừng nhảy vào các kết luận lông bông như thế?

– Tôi nghĩ mình đã tỏ ra khéo léo đấy chứ, bà bạn của nhà thám tử cãi lại, giọng hơi dỗi. Nếu tôi phải sử dụng những nhân vật đó trong một cuốn tiểu thuyết của tôi, thì đó là cái cách mà họ phải hành động và người con gái sẽ là thủ phạm… không phải một thủ phạm có chủ ý nhưng, đó là một công cụ đơn giản của người cha đã sử dụng để cho người mẹ phải ốm nằm liệt giường uống một liều thuốc lá cây thủy lạp.

– Không! Không! Và không!

– Đồng ý! Vậy thì ông hãy trình bày cách nghĩ của ông xem nào?

– Than ôi! Tôi không có… Tôi đi tìm một vụ án mạng nhưng không thấy?

– Vì sao? Sau khi bà Restarick đã ốm, phải vào nằm bệnh viện, rồi lại ốm trở lại ngay sau khi đã trở về nhà? Tôi tin chắc rằng nếu người ta tìm cho kỹ thì sẽ thấy chất thạch tín trong đồ đoàn của cô gái Norma.

– Đó chính là cái điều mà chúng tôi đã tìm thấy.

– Vậy thì, ông Poirot, ông còn chờ đợi gì hơn nữa?

– Tôi hy vọng rằng bà chú ý hơn tới ý nghĩa của các từ. Cô gái này không bao giờ nói: “Tôi đã tìm cách giết một ai đó”, hay “Tôi đã tìm cách giết người dì ghẻ của tôi”. Hai lần, cô ta đã nói tới một sự việc đã được thực hiện rồi. Đã thực hện rồi, bà nghe rõ chưa?

– Tôi xin bỏ cuộc! Ông không muốn công nhận rằng Norma đã tìm cách giết chết người dì ghẻ của cô ta?

– Có chứ, tôi đã nghĩ rằng điều đó rất có khả năng. Nó phù hợp với trạng thái tư tưởng của cô ta… nhưng nó chưa được chứng minh. Bất kể ai cũng có thể nhét một chai thạch tín vào đồ đoàn của cô ấy được. Ngay cả người cha của cô ấy…

– Ông thích nghĩ rằng những người chồng đều là những người bị tình nghi số một?

– Một phần vì người chồng, thông thường là người có nhiều động cơ nhất. Mặt khác, có thể là Norma hoặc một trong những người giúp việc, hoặc cô gái trẻ của nhà quí tộc, ông cụ Roderick… hoặc chính bản thân bà Restarick.

– Bà ta ấy à? Thật là lố bịch. Vì lẽ gì?

– Bà ta có thể có những động cơ thầm kín mà chúng ta không thể bỏ qua được.

– Nào ông Poirot, ông không nghi ngờ tất cả mọi người chớ?

– Thì đúng như vậy! Đó là điều mà tôi phải làm! Đầu tiên, tôi nghi ngờ, sau đó tôi đi tìm những lý đo.

– Và cái cô gái ngoại quốc tội nghiệp kia thì có những lý do gì?

– Vì sao cô ta lại ở trong cái nhà đó? Vì sao lại đến nước Anh?

– Ông thật là điên!

– Chúng ta không được quên cái gã David nữa, con công của bà đó.

– David không bao giờ tới gần nhà của gia đình Restarick cả!

– Ơ! Có chớ! Hắn đi lảng vảng trong hành lang, cái ngày mà tôi có mặt ở đó.

– Nhưng hắn không đem thuốc độc bỏ vào trong phòng của Norma!

– Cái gì chứng minh cho bà về điều đó?

– Norma và hắn, hai người đã yêu nhau.

– Tôi thừa nhận rằng bề ngoài thì có vẻ như vậy.

– Ông cứ luôn luôn tìm cách phức tạp hóa mọi vệc.

– Sai lầm! Tôi cần có những thông tin và cái người duy nhất có khả năng cung cấp được cho tôi thì đã biến mất.

– Norma?

– Phải. Norma.

– Nhưng cô ấy đâu có biến mất! Ông và tôi đều đã tìm thấy rồi mà!

– Cô ấy đã đi ra khỏi tiệm cà phê và lần này, cô ấy lại biến mất.

– Nhưng ông đã đi theo cơ mà?

– Than ôi!

– Từ hôm đó, ông chưa tìm thấy cô ta à?

– Tôi đã không nói như vậy.

– Nhưng ông thừa nhận thất bại? Thật tình, ông Poirot, ông làm tôi chán nản quá!

– Tôi có một kế hoạch,- Poirot thầm thì, giọng mơ màng. Nhưng vì còn thiếu yếu tố, nên toàn bộ còn mờ mịt.

Poirot tếp tục phát biểu, cho chính ông nhiều hơn là cho người nghe vì bà ta không để ý tới nữa. Bà Oliver, nổi cáu, cho rằng Norma Restarick đã có lý: Poirot đã quá già rồi!

Trong lúc đó, Poirot, theo đúng phương pháp, đang bóc vỏ cái mà ông cho là kế hoạch của mình.

– Mọi thứ liên kết với nhau… đúng, mọi thứ liên kết với nhau và vì thế công việc trở nên khó khăn hơn. Một điều cộng vào một điều và ta khám phá ra điều này dẫn tới một điều khác nữa, điều mới mẻ này nhìn ở bề ngoài, chẳng liên can gì tới sự vệc cả. Thế là cái vòng tròn nghi ngờ cứ mở rộng không ngừng. Nghi ngờ cái gì? Thực tình chúng ta chưa biết rõ? Đầu tiên, ta có người con gái và xuyên qua đường dây quanh co, rắc rối của các chi tiết không dính liền với nhau, ta tìm câu trả lời cho câu hỏi ám ảnh ta: Norma là một nạn nhân? Hay làm ra vẻ như vậy? Ta cần thêm một cái gì đó… để đi tới một khẳng định… một dấu hiệu còn bị che lấp tại đâu đó, nhưng tôi biết là nó tồn tại…

Bà Oliver lục tung cái ví xách tay của bà.

– Tôi không hiểu vì sao tôi không tìm ra các viên thuốc đó khi tôi cần dùng tới.

– Sau đó, chúng ta lại có một nhóm người trong một gia đình. Người cha, người con gái, bà dì ghẻ. Cuộc sống của họ gắn chặt vào nhau. Chúng ta còn có ông chú già sống chung với họ và ông ta đã có phần lẩm cẩm. Cuối cùng chúng ta còn có cô Sonia trẻ trung được gắn với những phần tử của gia đình, qua ông chú vì cô làm việc cho ông. Cô ta phục vụ tốt, ông cụ rất bằng lòng về cô ta. Nhưng vai trò của cô ấy trong ngôi nhà này là gì?

– Tôi nghĩ là cô ta muốn học tiếng Anh, bà Oliver nhận xét.

– Cô ta đã gặp một tùy viên sứ quán Herzégovina trong khu vườn ở Kaw. Gặp, nhưng không nói chuyện. Cô ta chỉ để lại một cuốn sách và người đó cầm lấy khi đi.

– Ông nó điều gì vậy?

– Điều này có liên quan gì tới kế hoạch không? Chúng ta chưa biết được. Có khả năng và tuy nhiên, cũng chưa chắc. Bà Restarick có nghi ngờ những hoạt động của Sonia là nguy hiểm không?

– Ông đừng nói với tôi rằng vấn đề gián điệp đã đóng một vai trò trong sự vụ này!

– Tôi không nói với bà… Tôi chỉ hỏi mà thôi.

– Ông vừa khẳng định là Sir Roderick đã hơi lẩm cẩm?

– Đó không phải là vấn đề. Trong thời gian chiến tranh, ông cụ là một nhân vật quan trọng. Có nhiều điều bí mật đã qua tay ông cụ. Có những bức thư đã gởi cho ông cụ, những bức thư mà ông cụ đã giữ lại khi chúng đã mất tầm quan trọng.

– Ông lại nói tới chiến tranh, qua lâu lắm rồi!

– Giả sử còn có những tài liệu làm hại cho danh tiếng của một số nhân vật chính trị? Tất nhiên đây chỉ là điều phỏng đoán. Người ta có thể nhận thấy cần thiết phải hủy đi một số tài liệu, hoặc giao chúng cho một cường quốc nào đó để lo cất giữ chúng, tốt hơn là một cô gái trẻ xinh xắn làm cái việc giúp đỡ. Ông cụ tìm những nguyên liệu cần thiết để viết những chương hồi ký…

– Ông thật là có đầu óc quanh co!

– Đồng ý. Có quá nhiều đường mòn. Đường nào là tốt? Norma đã rời gia đình để về Luân Đôn. Cô ấy ở chung phòng với hai người bạn, như bà đã báo cho tôi biết, mà cô ấy không quen biết trước ngày dọn tới ở. Và thế là người ta biết rằng Clauda Reece – Holland là thư ký riêng của người cha của Norma? Có thực đây là một điều ngẫu nhiên không? Cô con gái kia thì trở thành một người mẫu không chuyên nghiệp và quen người con trai mà bà đặt tên là con công, anh chàng được Norma yêu. Vai trò của David trong toàn bộ sự việc này như thế nào? Hắn có thực sự yêu Norma không?

– Lạ kỳ ở chỗ là Clauda Reece – Holland lại là thư ký của ông Restarick. Cô này cho tôi cảm giác là một con người rất tự tin… Có thể cô ta là người đã đẩy bà thuê căn phòng ở lầu bảy qua cửa sổ?

Poirot trân mình.

– Cái gì?

– Ơ! Đó chỉ là một bà thuê nhà nào đó. Tôi cũng chẳng nhớ tới tên của bà ta. Bà đã té từ cửa sổ, tầng thứ bảy, nếu bà ấy không có ý định tự sát.

Giọng của Poirot cao lên, nghiêm khắc.

– Và bà đã không hề nói với tôi?

Bà Oliver nhìn ông ta, ngạc nhiên.

– Tôi không hiểu?

– Tôi đã hỏi bà có biết tin một vụ chết nào gần đây không, vậy mà tất cả những gì mà bà biết được chỉ là cái âm mưu đầu độc mà thôi! Tai nạn đó xảy ra lúc nào?

– Tôi nghĩ là một tuần lễ trước khi tôi tới đó!

– Tuyệt. Làm sao bà biết được tin này?

– Do một ông cung cấp sữa nói.

– Một ông cung cấp sữa à?

– Hình như sự việc đã xảy ra rất sớm vào buổi sáng.

– Người đàn bà có tên gì?

– Tôi không biết. Tôi cũng không nhớ là ông cung cấp sữa có nó tới tên bà không?

– Trẻ, giữa hai lứa tuổi hay là già?

Bà Oliver suy nghĩ.

– Thực ra, người đó không nói rõ. Có lẻ khoảng năm mươi à.

– Giờ thì tôi tự hỏi… Bà có biết rằng một trong các cô gái của chúng ta có biết bà này không?

– Làm sao tôi biết được?

– Và bà không hề có ý định báo cho tôi biết?

– Nào. Ông Poirot. Tôi đâu có nhìn thấy sự việc đau buồn này có liên hệ gì tới câu chuyện của chúng ta?

– Nhưng bà không biết rằng đó là cái mắt xích hiện tôi còn thiếu sao? Cô Norma là người ở trong ngôi nhà mà bà đó tự tử theo lời người ta nói. Một tuần lễ sau Norma đã nghe nói tới tên tôi trong một cuộc họp. Cô ấy đã đi tìm tôi để thú nhận rằng cô ấy nghĩ là mình đã phạm phải một vụ giết người. Bà không thấy sao? Một vụ chết người và ít ngày sau, một người nghĩ rằng mình đã thực hiện một vụ án mạng? Cuố cùng, đó là vụ án mạng mà chúng ta còn thiếu.

Không nói to thành lời, bà Oliver cho rằng giả thuyết này thật là buồn cười.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.