Cổ Phiếu Thường Lợi Nhuận Phi Thường

10. Tìm ra cổ phiếu tăng trưởng như thế nào?



Hầu hết mọi người đều quan tâm đến vấn đề nhà đầu tư (hay cố vấn tài chính của anh ta) nên làm gì để tìm được những cổ phiếu sẽ tăng giá đến mức kỷ lục. Trong chương này, tôi sẽ đưa ra một số nhận định về vấn đề đó.

Để chọn lựa được những khoản đầu tư như vậy, nhà đầu tư cần rất nhiều thời gian cũng như kỹ năng và sự cẩn trọng. Một nhà đầu tư nhỏ có thể cảm thấy anh ta phải bỏ ra quá nhiều công sức cho khoản đầu tư. Sẽ rất tuyệt nếu anh ta và cả các nhà đầu tư lớn tìm ra cách lựa chọn những cổ phiếu sinh lợi cao dễ dàng và nhanh chóng. Nhưng tôi nghi ngờ điều đó là không thể. Tất nhiên nên sử dụng bao nhiêu thời gian cho một khoản đầu tư là việc nhà đầu tư phải tự mình quyết định sau khi xem xét khoản tiền có thể sử dụng để đầu tư, những lợi ích và khả năng của anh ta.

Tôi không thể đảm bảo rằng phương pháp của tôi là cách duy nhất hay tốt nhất để tìm ra những khoản đầu tư béo bở. Tuy nhiên, trong nhiều năm tôi đã làm theo những bước sẽ mô tả cụ thể dưới đây và thu lại kết quả tuyệt vời. Đặc biệt, trong những giai đoạn đầu của phương pháp này, những người có nền tảng kiến thức rộng, mạng lưới quan hệ tốt hay năng lực cao sẽ rất có khả năng tạo ra nhiều thay đổi quan trọng và đạt được những kết quả chung vượt xa mọi người.

Phương pháp này bao gồm hai giai đoạn. Ở mỗi giai đoạn, chất lượng của những quyết định đều tác động rất lớn đến các kết quả tài chính sau này. Mọi người sẽ nhận ra ngay tầm quan trọng của của quyết định đưa ra trong bước hai: “Tôi có mua cổ phiếu này ngay bây giờ hay không?” Điều mà mọi người không dễ nhận ra là ngay trong giai đoạn đầu của một phương pháp lựa chọn cổ phiếu thường, các quyết định đưa ra cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng bỏ sót những khoản đầu tư có thể tăng giá gấp mười sau mười năm nữa.

Vấn đề mà bất cứ ai bắt đầu tìm kiếm những chứng khoán có mức tăng trưởng lớn phải đối mặt chính là: có hàng ngàn những cổ phiếu trong hàng chục ngành đáng để tiến hành nghiên cứu. Phải mất rất nhiều thời gian công sức bạn mới có thể xác định số lượng của chúng. Tuy nhiên, bạn chỉ có thời gian để điều tra một phần nhỏ trong số chúng. Làm sao bạn có thể lọc ra được một hoặc một số ít các cổ phiếu để phân tích?

Vấn đề này phức tạp hơn chúng ta tưởng. Bạn phải đưa ra những quyết định để kiểm tra độ thích hợp từ các tình huống điều tra nghiên cứu mà chỉ trong vài năm sau sẽ trở thành một gia tài. Bạn phải quyết định nên hay không nên bỏ thời gian vào đâu trước khi tiến hành đủ những việc cần thiết để xác định được cơ sở thích hợp cho những quyết định của bạn. Còn nếu thay vì như vậy, bạn lại tiến hành đủ việc cần thiết trước khi đưa ra đủ cơ sở cho quyết định, thì bạn đã sử dụng rất nhiều thời gian vào mỗi tình huống, khiến bạn còn rất ít thời gian để đưa ra quyết định. Chỉ có điều bạn sẽ không hề nhận ra là mình đã làm như vậy.

Nếu là vài năm trước, hẳn tôi đã nói với bạn ‒ một cách thành thực nhưng sai lầm ‒ rằng tôi giải quyết vấn đề này bằng một phương pháp rất nhanh gọn. Nhờ việc khảo sát các công ty, và đặc biệt là nhờ mối thân quen với những công ty mà tôi tập trung phần lớn số vốn mình quản lý, tôi đã làm quen được rất nhiều nhà khoa học và ủy viên điều hành đầy năng lực. Tôi có thể nói chuyện với những người này về cả các công ty khác chứ không chỉ về công ty họ. Tôi tin rằng những quan điểm và chỉ dẫn tôi thu được từ mối quan hệ với những người nắm nhiều thông tin đó sẽ hỗ trợ tôi tuyệt vời trong việc phân tích rất nhiều công ty có triển vọng mang những đặc điểm nổi bật mà tôi luôn cố công tìm kiếm.

Tôi cố gắng sử dụng cùng những phương pháp phân tích và tự thẩm định để hoàn thiện chuyên môn tôi áp dụng trong chính doanh nghiệp của mình mà tôi hy vọng những công ty tôi đầu tư sẽ sử dụng để cải tiến hoạt động của mình. Vì vậy, cách đây vài năm, tôi đã tiến hành một cuộc nghiên cứu để xác định hai điều. Tôi đã chọn ra những công ty mà tôi sẽ tiến hành khảo sát như thế nào? Và sau khi nhìn lại, liệu có khác biệt đáng kể nào trong tỷ lệ những kết quả thật sự đáng giá giữa những phân tích xuất phát từ một ý tưởng “lóe lên” của một nguồn thông tin này với những nguồn hoàn toàn khác?

Những gì tôi phát hiện ra hoàn toàn khiến tôi bất ngờ nhưng lại rất hợp logic nếu phân tích cặn kẽ. Ý kiến của các nhà khoa học và điều hành doanh nghiệp ‒ nguồn thông tin chủ yếu tôi dựa vào làm cơ sở lựa chọn các công ty ‒ chỉ cung cấp cho tôi khoảng 1/5 số chỉ dẫn đủ để tiếp tục nghiên cứu sâu. Quan trọng hơn, những chỉ dẫn này không cung cấp được trên mức trung bình các khoản đầu tư giá trị. Lượng 1/5 trong tổng số các nghiên cứu sâu hơn này chỉ dẫn đến 1/6 tổng các vụ mua cổ phiếu đáng giá.

Trái lại, những ý kiến khởi nguồn cho gần 4/5 các cuộc khảo sát và gần 5/6 tổng các khoản đầu tư giá trị lớn lại đến từ những nguồn thông tin hoàn toàn khác. Đi dọc nước Mỹ, tôi dần biết và khâm phục một nhóm nhỏ những người mà tôi chứng kiến họ lựa chọn cổ phiếu tăng trưởng thật xuất sắc. Trong nhiều trường hợp, có thể tôi hoàn toàn không đồng ý với những kết luận của bất cứ ai trong số đó về cổ phiếu mà họ thích. Thậm chí trong một hoặc hai trường hợp khác, tôi có thể nghi ngờ độ cẩn thận của những công việc họ làm. Tuy nhiên, tôi biết trong mọi trường hợp, những nhận định tài chính của họ rất nhạy bén, những kỷ lục và thành tích của họ rất ấn tượng, nên tôi luôn hào hứng lắng nghe từng chi tiết thông tin liên quan đến bất cứ công ty nào tôi quan tâm mà họ cho là rất có khả năng tăng giá mạnh.

Bên cạnh đó, do họ là những nhà đầu tư được đào tạo, tôi luôn có thể nhanh chóng rút ra từ những ý kiến của họ các vấn đề chủ chốt trong việc quyết định xem có nên nghiên cứu công ty nào đó không. Những vấn đề chủ chốt ở đây là gì? Về cơ bản, những vấn đề này đề cập đến cách đánh giá công ty theo 15 tiêu chí tôi đã đề cập, đặc biệt nhấn mạnh vào hai vấn đề trong giai đoạn đầu tiên này. Công ty có đang ở trong hoặc hướng về lĩnh vực kinh doanh tạo ra những cơ hội đạt được mức tăng trưởng doanh thu đột biến hay không? Khi ngành phát triển, những thành viên mới có thể dễ dàng gia nhập và thay chân những đơn vị dẫn đầu trong những lĩnh vực kinh doanh kể trên không? Nếu như tính chất của ngành là ít rào cản gia nhập đối với thành viên mới, thì giá trị đầu tư của những công ty tăng trưởng như vậy cũng tương đối thấp.

Còn nếu chọn xem những nhà đầu tư ít thành tích hơn hay năng lực thấp hơn nhóm các nhà đầu tư trên làm nguồn cho các chỉ dẫn về công ty nên bỏ thời gian đầu tư nghiên cứu thì sao? Nếu không thể tìm được người nào tốt hơn chắc chắn tôi sẽ tận dụng họ tối đa có thể. Tôi luôn dành thời gian để có thể lắng nghe mọi nhà đầu tư ít nhất một lần, để không bỏ qua nhà đầu tư trẻ xuất sắc nào sắp bước vào ngành. Tuy nhiên, sự chạy đua về thời gian thật khủng khiếp. Khi tôi đánh giá thấp những đánh giá đầu tư hay độ tin cậy của vấn đề anh ta trình bày, tôi nhận ra lượng thời gian tôi dành để nghiên cứu công ty mà anh ta đề cập cũng đồng thời giảm xuống.

Thế còn tìm kiếm những chỉ dẫn ban đầu cho việc điều tra nghiên cứu từ những quan điểm trong các tài liệu đã xuất bản thì sao? Đôi khi tôi cũng bị ảnh hưởng bởi các bản báo cáo đặc biệt do những nhà môi giới đáng tin cậy nhất phát hành nếu chúng không được lưu hành trong phạm vi hẹp. Tuy nhiên, nhìn chung tôi thấy những bản báo cáo công cộng kiểu này không phải là một nguồn hấp dẫn. Chúng có nguy cơ đăng những thông tin thiếu chính xác. Quan trọng hơn, hầu hết các bản tin đó đều lặp lại những thông tin mà giới tài chính đều đã biết. Cũng như vậy, đôi khi tôi cũng thu được nhận định đáng giá từ những ấn phẩm tài chính và thương mại định kỳ; nhưng do khuôn khổ ấn phẩm, chúng thường không cung cấp đủ những vấn đề tôi quan tâm, vì thế tôi cũng không đánh giá đó là một nguồn thông tin giàu có.

Còn có những chỉ dẫn ban đầu khác có thể tiếp cận và nếu những nhà đầu tư có kiến thức chuyên môn tốt hơn hay có nhiều khả năng hơn tôi có thể tận dụng rất hữu hiệu. Nguồn này bao gồm các viện nghiên cứu cố vấn lớn như Arthur D. Little, Viện nghiên cứu Stanford hay Battelle. Tôi nhận thấy nhân viên trong các tổ chức này có vốn hiểu biết rất lớn xét riêng về những bước phát triển trong chuyên môn và kinh doanh, từ đó nảy sinh những ý tưởng đầu tư ban đầu có giá trị. Tuy nhiên, tôi nhận thấy sự hữu ích lớn nhất của nguồn này hầu như đã bị hạn chế bởi xu hướng không sẵn lòng thảo luận những điều họ biết vì việc đó có thể làm ảnh hưởng đến lòng tin của các công ty khách hàng của họ. Nếu ai đó khôn ngoan hơn tôi có thể tìm ra cách tiếp cận nguồn thông tin đầu tư mà những tổ chức này nắm giữ và không gây tổn hại đến khách hàng của họ, anh ta có thể cải thiện đáng kể bước đi đặc biệt trong phương pháp tìm kiếm chứng khoán tăng trưởng của tôi.

Sau khi kết thúc bước một, trên cơ sở một cuộc thảo luận kéo dài vài giờ, thường là với một nhà đầu tư có tiếng, một nhà nghiên cứu hay ủy viên điều hành, tôi đã lựa chọn ra một công ty hấp dẫn để bắt đầu quá trình khảo sát. Bước tiếp theo tôi cần làm gì?

Có ba điều tôi đặc biệt khuyên bạn không nên làm. Vì những lý do mà tôi sẽ nhanh chóng làm rõ ở chương này, trong giai đoạn này, tôi sẽ không tiếp cận bất cứ ai trong ban quản lý. Tôi sẽ không bỏ ra hàng giờ để xem xét những bản báo cáo hàng năm đã cũ và nghiên cứu tỉ mỉ những thay đổi nhỏ nhặt trong bản kế toán thường niên. Tôi không hỏi những nhà môi giới tôi quen xem anh ta nghĩ gì về cổ phiếu này. Tuy nhiên, tôi sẽ xem qua bản quyết toán để xác định tình hình chung của vốn và vị thế tài chính của công ty. Nếu có bản cáo bạch, tôi sẽ xem xét cẩn thận những phần đề cập đến sụt giảm tổng doanh thu, cạnh tranh, trình độ của nhân viên hay của cổ đông lớn, và mọi dữ liệu về tất cả những khoản thu nhập được công bố có dấu hiệu sụt giảm giá trị (hay những khoản sụt giảm nếu có), biên lợi nhuận, mức độ tiến hành các hoạt động nghiên cứu, và những chi phí bất thường và duy nhất trong hoạt động của các năm trước đó.

Bây giờ tôi mới thật sự bắt tay vào việc. Tôi sẽ sử dụng tối đa phương pháp “lời đồn đại”. Lúc này, thay cho những nguồn ý tưởng ban đầu về đầu tư, tôi sẽ tìm đến những người trong nhóm các nhà nghiên cứu, chuyên viên điều hành trong lĩnh vực kinh doanh mà tôi đánh giá thông tin của họ rất có giá trị tham khảo. Tôi sẽ cố gắng tìm gặp hoặc gọi điện đến các khách hàng, nhà cung cấp, đối thủ cạnh tranh, nhân viên cũ, hay nhà khoa học trong lĩnh vực liên quan mà tôi trực tiếp quen hoặc gián tiếp thông qua mạng lưới bạn bè. Tuy nhiên, tôi sẽ phải làm gì nếu giả sử tôi vẫn không thể biết hết những người đó hay không có một người bạn của bạn tôi quen biết đủ những người có thể cung cấp cho tôi những thông tin tôi cần.

Thành thật mà nói, nếu tôi không thể tiếp cận được những nguồn thông tin cần thiết trên, tôi sẽ từ bỏ đối tượng nghiên cứu điều tra đó và chuyển sang công ty khác. Để kiếm được nhiều tiền từ những khoản đầu tư, không nhất thiết phải đi tìm những câu trả lời cho mọi khoản đầu tư mà chúng ta xem xét. Điều cần làm ở đây chính là tìm câu trả lời chính xác cho phần lớn số lần ít ỏi mua cổ phiếu thật sự xảy ra. Vì lý do này, nếu những thông tin sắp tới không cung cấp cho ta đủ nền tảng cần thiết và có ít khả năng có thể thu được thêm nhiều thông tin hơn thì tôi nghĩ, cách thông minh nhất là gạt vấn đề qua một bên và chuyển sang công ty khác.

Tuy nhiên, lại giả sử bạn có khá nhiều thông tin có thể tiếp cận. Bạn vừa đến gặp tất cả những người bạn quen biết hoặc những người sẵn sàng tiếp chuyện bạn, nhưng chỉ có thể tìm được một hoặc hai người mà bạn tin là sẽ giúp ích nhiều trong việc khảo sát nếu như họ có thể nói chuyện thoải mái với bạn. Để tìm được những thông tin này, tôi sẽ tìm đến những nguồn như các ngân hàng thương mại, nơi các doanh nghiệp mà tôi muốn tìm hiểu là khách hàng ở đó. Trong những vấn đề kiểu như vậy, bạn hãy hỏi thẳng về việc bạn muốn tìm hiểu thông tin về ai và lý do chính xác là gì, và bạn sẽ rất ngạc nhiên về sự nhiệt tình giúp đỡ đầy trách nhiệm của hầu hết nhân viên của các ngân hàng đó. Tất nhiên họ sẽ chỉ giúp đỡ bạn như vậy nếu những nhân viên bạn hỏi không mảy may nghi ngờ gì và tin rằng bạn tìm kiếm thông tin chỉ để quyết định có nên đầu tư hay không, và trong bất cứ trường hợp nào bạn cũng không nên tiết lộ thông tin về người cung cấp tin cho bạn, điều đó có thể làm giảm uy tín của họ. Nếu như bạn làm đúng những chỉ dẫn này, đôi khi ngân hàng còn giúp bạn hoàn thành bước đầu tiên của quá trình khảo sát mà nếu thiếu sự giúp đỡ của họ, cuộc khảo sát của bạn sẽ không bao giờ đủ hoàn chỉnh để có thể mang lại giá trị nào đó.

Chỉ sau khi “lời đồn đại” mang lại cho bạn phần lớn những thông tin bạn cần, bạn nên sẵn sàng cho bước tiếp theo và nghĩ về cách tiếp cận ban quản trị. Lý do là bởi hầu hết những ban quản trị phù hợp nhất để quản lý những khoản đầu tư có giá trị sẽ rất thẳng thắn trả lời đầy đủ các câu hỏi về điểm mạnh và điểm yếu của công ty của họ. Tuy nhiên, dù cho những ban quản trị đó có cung cấp chi tiết tới mức nào thì bạn cũng không nên mong đợi có ai trong số họ sẽ cho bạn biết một số vấn đề quan trọng nhất. Chẳng hạn, khi bạn hỏi một phó giám đốc rằng: “Anh nghĩ là có điều gì khác nữa mà một nhà đầu tư triển vọng như tôi nên biết về công ty không?”, làm sao anh anh ta có thể trả lời rằng bộ phận lãnh đạo cấp cao nhất hoàn toàn ổn, nhưng những kết quả yếu kém trong vài năm gần đây trong bộ phận marketing do phó giám đốc đứng đầu đã làm doanh số sụt giảm? Làm sao anh ta có thể trả lời sâu hơn rằng điều này có thể không nghiêm trọng lắm bởi đã có một anh chàng tài giỏi vượt bậc nào đó sẽ thay thế vị trí phó giám đốc này và kiểm soát nhanh chóng tình hình chỉ trong sáu tháng tới? Tuy nhiên, tôi nhận ra rằng khi biết bạn đã biết được điểm khiếm khuyết trong khâu marketing, những nhận xét của anh ta sẽ diễn đạt một cách khéo léo hơn, vẫn theo phong cách đúng đắn của một nhà quản lý, không hề lộ khuyết điểm và nếu tin tưởng những nhận xét của bạn, anh ta sẽ cung cấp cho bạn những câu trả lời khá chính xác về việc công ty có làm gì để khắc phục những khuyết điểm như thế hay không.

Nói cách khác, chỉ có thể bằng cách sử dụng những “lời đồn đại” phục vụ cho mục đích của mình trước khi tiếp cận ban quản trị, bạn mới biết được mình cần tìm hiểu gì khi tiếp cận công ty. Nếu không xác định được điều đó, bạn sẽ không thể đi đến kết luận cơ bản nhất về tài năng của đội ngũ lãnh đạo cấp cao nhất. Thậm chí, trong những công ty quy mô trung bình cũng có thể có đội ngũ quản lý đến năm người. Bạn không thể gặp tất cả những người đó trong chuyến viếng thăm đầu tiên hay lần tiếp theo. Làm như vậy, bạn có thể gặp một số người quá nhanh nên không có đủ cơ sở đánh giá khả năng của họ. Thông thường, một hay hai người trong số năm người đó sẽ trội hơn hoặc kém hơn những người còn lại. Nếu như không có những “lời đồn đại” chỉ dẫn, có thể bạn sẽ đánh giá quá cao hoặc quá thấp toàn bộ đội ngũ quản lý. Với những “lời đồn đại”, bạn có thể nhìn nhận khá chính xác ai mạnh ai yếu, và sẽ được chuẩn bị tốt hơn khi muốn gặp một nhà điều hành cụ thể nào đó mà bạn muốn biết rõ hơn về anh ta, nhờ đó xác nhận được “lời đồn đại” bạn biết có chính xác không.

Khi lựa chọn những cổ phiếu tăng trưởng, phần thưởng cho những ai đi đúng hướng là không thể kể xiết và cái giá phải trả cho những đánh giá sai lầm cũng lớn không kém, nên chẳng ai lại muốn lựa chọn cổ phiếu tăng trưởng chỉ dựa trên những con số bề ngoài của chúng. Tôi tin rằng một nhà đầu tư hay một người hoạt động trong lĩnh vực tài chính muốn tìm những cổ phiếu tăng trưởng đúng cách sẽ luôn phải theo nguyên tắc sau: chưa được ghé thăm đội ngũ quản lý của bất cứ công ty nào mà anh ta đang xem xét đầu tư cho đến khi đã hoàn thành việc thu thập được ít nhất 50% lượng thông tin anh ta cần để tiến hành đầu tư. Nếu không, anh ta sẽ rơi vào một tình thế rất nguy hiểm khi biết quá ít những gì mình nên tìm hiểu, và có rất ít cơ hội nhận được câu trả lời chính xác.

Còn một lý do quan trọng khác của việc thu thập thông tin trước khi tìm gặp ban quản trị của công ty. Những người tham gia lĩnh vực đầu tư luôn đưa ra hàng loạt yêu cầu ban quản lý của các công ty thuộc những ngành hấp dẫn dành thời gian cho họ. Vì thị giá chứng khoán có vai trò rất quan trọng đối với các công ty này trên nhiều khía cạnh, nên họ sẽ bỏ thời gian quý báu của mình để tiếp những vị khách trên. Tuy nhiên, hầu hết các công ty đều sẽ tiếp đãi rất lịch sự tất cả mọi người, nhưng thời lượng tiếp đón và vị trí của người cử ra tiếp đón là khác nhau, tùy thuộc vào việc công ty đánh giá năng lực hơn là quy mô khoản đầu tư triển vọng của những vị khách này. Quan trọng hơn, mức độ sẵn sàng cung cấp thông tin hay việc công ty sẽ trả lời những câu hỏi, thảo luận những vấn đề mang tính sống còn của doanh nghiệp chi tiết đến đâu phụ thuộc rất nhiều vào đánh giá của họ về đẳng cấp của vị khách viếng thăm. Những người chỉ ghé thăm công ty mà không hề có sự chuẩn bị kỹ thường gặp phải hai trở ngại ngay cả trước khi họ tiến hành chuyến viếng thăm.

Việc bạn có thể tiếp cận ai (những người thật sự đưa ra quyết định) rất quan trọng, nên sẽ là khôn ngoan nếu bạn tiến hành một số công đoạn để lựa chọn được đúng người giới thiệu bạn với ban quản lý này. Một khách hàng quan trọng hay một cổ đông lớn sẽ là những người phù hợp, đủ sức nặng để giới thiệu bạn tới thăm doanh nghiệp. Một lời giới thiệu khác cũng rất tốt là từ các ngân hàng đầu tư. Trong bất cứ trường hợp nào, nếu muốn đạt được kết quả tối đa trong các chuyến viếng thăm, bạn nên đảm bảo rằng những người trên khi giới thiệu sẽ đưa ra các đánh giá cao về bạn và đưa ra những lý do chính đáng, thành ý tốt đẹp của bạn khi viếng thăm họ.

Chỉ cách đây vài tuần, trước khi viết những lời này, một biến cố xảy ra đã khiến tôi càng thấm thía bài học cần phải chuẩn bị tốt trước cuộc gặp đầu tiên với ban quản trị.

Tôi ăn trưa cùng hai đại diện của một tổ chức đầu tư lớn đã cho hai trong số những công ty tôi đang đầu tư vay. Khi biết số lượng ít ỏi các công ty tôi đầu tư và nắm giữ cổ phiếu trong thời gian dài, một người hỏi tôi tỷ lệ giữa những công ty mới (đối với tôi) mà tôi đến thăm và những công ty mà tôi thật sự mua cổ phần. Ông ước đoán tôi sẽ mua cổ phiếu của một trên 250 công ty tôi đến thăm! Quý ông còn lại đoán rằng tỷ lệ là 1/25. Trên thực tế, tỷ lệ này nằm giữa khoảng một trên hai công ty hoặc 1 trên 2,5. Nếu anh ta thay “công ty tôi ghé thăm” bằng “công ty tôi quan sát”, có lẽ tỷ lệ đúng sẽ là một trên 40 hoặc 50 công ty. Nếu anh ta thay bằng cụm “công ty mà tôi đang cân nhắc là có khả năng sẽ tiến hành khảo sát” (dù trên thực tế tôi có tiến hành khảo sát hay không), khi đó có thể tỷ lệ ban đầu một cổ phiếu mua ở một trên 250 công ty đang xem xét việc khảo sát có lẽ là tỷ lệ gần đúng nhất. Những điều ông ta bỏ qua là chúng ta sẽ không thu được nhiều lợi ích từ một chuyến viếng thăm cho đến khi đã thu thập được lượng thông tin thích đáng liên quan đến “lời đồn đại” và tôi nhận thấy “lời đồn đại” nhiều lần có thể giúp chúng ta đưa ra những dự đoán khá chính xác về trình độ của một công ty theo tiêu chuẩn 15 tiêu chí, và thường lúc mà tôi đã sẵn sàng để gặp bộ máy quản lý của công ty thì khả năng tôi có thể mua cổ phiếu ở công ty đó sẽ là khá lớn. Và cũng như vậy tôi sẽ bỏ qua những công ty kém hấp dẫn hơn trong công cuộc tìm kiếm này.

Tôi xin tóm lược lại quá trình tìm kiếm cổ phiếu tăng trưởng. Khoảng 1/5 số công ty tôi khảo sát đầu tiên của tôi là bắt nguồn từ những ý tưởng của bạn bè cùng ngành, 4/5 chọn lọc từ những lựa chọn hấp dẫn hơn của các nhà đầu tư có năng lực. Thực ra, đây là một đánh giá nhanh những công ty tôi nên bỏ thời gian khảo sát và những công ty nào nên bỏ qua. Tiếp đến, sau khi đánh giá khái quát những yếu tố cốt lõi trong bản cáo bạch, tôi tìm kiếm thông tin bằng phương pháp “lời đồn đại”, không ngừng tìm hiểu xem những công ty này đáp ứng đến đâu 15 tiêu chí của tôi. Trong quá trình này, tôi sẽ lần lượt loại bỏ dần các công ty khỏi danh sách đầu tư triển vọng. Có công ty tôi loại bỏ là do những bằng chứng thu thập được đều chỉ ra công ty đó rất bình thường. Những công ty khác là do tôi không thu thập đủ bằng chứng để đoán chắc điều gì cả. Đối với công ty duy nhất tôi lựa chọn, khi đã nắm được lượng lớn thông tin có chiều hướng lạc quan, tôi mới đi tiếp bước cuối cùng là tiếp xúc với ban quản trị. Nếu sau khi gặp ban quản trị và xác minh được những kỳ vọng trước đó của tôi và những câu trả lời của họ xua tan mọi e ngại, tôi mới cảm thấy mình sẽ nhận được phần thưởng xứng đáng cho tất cả nỗ lực đã bỏ ra.

Hẳn bạn sẽ băn khoăn là làm sao có thể đòi hỏi một người bỏ ra bao nhiêu thời gian như vậy mà lại chỉ tìm được một công ty để đầu tư? Tại sao tôi không dựa luôn vào các thông tin thu thập được ngay từ nhà đầu tư đầu tiên mà tôi xin lời khuyên? Vậy tôi sẽ hỏi bạn: liệu bạn có thể tìm được cách nào khác để đầu tư 10.000 đô-la trong một năm và sau mười năm (trong thời gian đó, chỉ thỉnh thoảng bạn mới phải kiểm tra xem ban quản trị có hoạt động tốt không) bạn sẽ có trong tay tài sản trị giá từ 40.000 đô-la đến 150.000 đô-la? Đây chính là một trong những phần thưởng cho việc lựa chọn cổ phiếu tăng trưởng thành công. Có hợp lý không khi ai cũng có thể đạt được phần thưởng này mà nỗ lực bỏ ra chỉ là đọc những tài liệu giản đơn, lưu hành phổ biến? Có hợp lý không khi bất cứ ai cũng đạt được lợi nhuận như thế chỉ bằng cách trả cho nhà môi giới đầu tư đầu tiên mà anh ta gặp 135 đô-la? Theo tôi biết, không có sự cố gắng nào khác có thể dễ dàng mang lại những phần thưởng lớn như vậy. Cũng tương tự như vậy, bạn không thể đạt được những thành quả đó trên thị trường chứng khoán trừ khi bạn hoặc cố vấn đầu tư của bạn sử dụng cùng những cách có thể mang lại phần thưởng lớn trong bất cứ lĩnh vực nào khác. Những cách này chính là sự nỗ lực kết hợp với khả năng, và bên cạnh đó còn có quan điểm đúng đắn và tầm nhìn xa. Nếu áp dụng các thuộc tính trên và những quy tắc đặt ra trong chương này để chọn ra những công ty phù hợp với 15 tiêu chuẩn của chúng ta, nhưng vẫn chưa được giới tài chính đánh giá cao, chắc chắn chúng ta sẽ tìm được những cổ phiếu tăng trưởng trong tương lai. Nhưng điều đó chỉ có được nếu bạn làm việc chăm chỉ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.