Cổ Phiếu Thường Lợi Nhuận Phi Thường

5. Thời điểm mua vào



Các chương trước chỉ ra rằng đầu tư thành công là tìm ra vài cổ phiếu có mức lợi nhuận trên mỗi cổ phần tăng mạnh trong những năm tiếp theo. Như vậy thời điểm mua có phải là vấn đề quan trọng hay không? Liệu có phải khi nhà đầu tư chắc chắn là đã tìm được một cổ phiếu có giá trị thì không còn thời điểm mua nào tốt hơn chính lúc đó? Câu trả lời phụ thuộc vào mục tiêu cũng như bản tính của nhà đầu tư.

Chúng ta hãy xem xét một trong các ví dụ điển hình nhất trong lịch sử tài chính. Đó là vụ mua lại những công ty đã được lựa chọn kỹ vào mùa hè năm 1929, thời điểm ngay trước khi xảy ra vụ sụp đổ thị trường chứng khoán lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Thời điểm đó thương vụ đem lại kết quả tốt. Tuy nhiên, hai mươi năm sau nó chỉ mang lại phần trăm lợi nhuận nhỏ, thế nên việc lựa chọn chính xác cổ phiếu chỉ đưa lại một khoản lợi nhuận khiêm tốn hơn nhiều nếu so với việc nhà đầu tư bỏ thêm chút công sức để nắm được những nguyên tắc lựa chọn thời điểm mua cổ phiếu tăng trưởng. Hiểu theo một cách khác, bạn sẽ có lãi nếu chọn đúng loại chứng khoán cần mua và nắm giữ trong một khoảng thời gian cần thiết. Tuy nhiên nếu muốn đạt được mức lợi nhuận tối đa thì bạn phải dành thời gian cân nhắc về thời điểm thích hợp để mua chứng khoán.

Theo tôi, lựa chọn thời điểm mua theo cách truyền thống là không khoa học. Theo cách này, chúng ta sẽ phải phân loại hàng núi dữ liệu kinh tế để rút ra các kết luận về tình hình kinh doanh ngắn và trung hạn. Những nhà đầu tư khôn ngoan hơn đưa ra ý kiến về biến động của dòng tiền cũng như hoạt động kinh doanh trong thời gian tới. Nếu như dự đoán tình hình không có gì xấu, họ có thể mua các cổ phiếu được kỳ vọng. Trong trường hợp dự đoán không thuận lợi, nhà đầu tư sử dụng phương pháp lựa chọn thời điểm ở trên sẽ trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch mua cổ phiếu.

Tôi phản đối không phải do phương pháp này không đúng về mặt lý thuyết mà bởi vì với kiến thức hiện nay không thể áp dụng nó để dự đoán xu hướng kinh doanh. Cơ may thành công không đáng để đảm bảo có thể đánh cược bằng số tiền tiết kiệm của mình. Đây không phải là một phương pháp phù hợp để dự đoán trong ngắn hạn vài năm. Những người có năng lực đang tìm cách sử dụng máy vi tính để thiết lập hệ thống thông tin đầu ra và đầu vào của các dữ liệu phức tạp, song có lẽ trong tương lai chúng ta mới có thể xác định chính xác xu hướng kinh doanh bằng phương pháp này.

Nếu như có tiến triển, thì cần phải chỉnh sửa lại nghệ thuật đầu tư cổ phiếu thường. Tuy nhiên, tôi tin rằng cho đến khi đạt được sự tiến triển thì kinh tế học giải thích những xu hướng kinh doanh trong tương lai cũng phát triển giống như thuật giả kim8 ‒ tiền thân của ngành hóa học ‒ thịnh hành thời Trung cổ. Trong ngành hóa học cũng như trong việc dự đoán xu hướng kinh doanh hiện nay, các nguyên tắc cơ bản đều bắt nguồn từ những thứ bí hiểm không đâu. Tuy nhiên, ngành hóa học không đưa ra một tiêu chí để các nguyên tắc như vậy có thể được sử dụng làm cơ sở an toàn để lựa chọn kế hoạch hành động.

Nhà đầu tư điển hình thường có những dự đoán về nền kinh tế và quá tin tưởng vào tính xác thực của chúng. Nếu vậy, anh ta nên kiểm tra tập hồ sơ lưu các số báo đã ra của tạp chí Commercial & Financial Chronicle9 vào bất cứ năm nào anh ta muốn kể từ cuối Chiến tranh thế giới thứ hai. Dù chọn năm nào, anh ta cũng có thể thấy một lượng lớn bài báo, trong đó các chuyên gia về kinh tế và tài chính hàng đầu trình bày quan điểm của họ về viễn cảnh sắp tới. Các biên tập viên lựa chọn tài liệu trình bày các quan điểm mang màu sắc lạc quan lẫn bi quan, bởi vậy sẽ không bất ngờ khi anh ta có thể cảm nhận được những ý kiến trái ngược nhau trong cùng một vấn đề. Điều gây ngạc nhiên ở đây chính là mức độ bất đồng ý kiến của các chuyên gia. Thậm chí một số quan điểm tranh luận có sức thuyết phục và cuốn hút mạnh mẽ tại thời điểm được trình bày, nhưng về sau dự đoán sai hoàn toàn.

Nỗ lực thường xuyên của giới tài chính nhằm dự đoán nền kinh tế dựa trên những sự kiện có thật ngẫu nhiên và không hoàn chỉnh khiến mọi người phải tự hỏi họ sẽ đạt được điều gì nếu dành một phần công sức đó để áp dụng vào thứ nào đó hữu ích hơn. Tôi cũng vừa làm một phép so sánh giữa việc dự đoán nền kinh tế với những dự đoán về ngành hóa học trong thời đại thuật giả kim thịnh hành. Có lẽ nỗi lo lắng này cùng với nỗ lực làm một điều gì đó chưa được thực hiện cho phép thực hiện sự so sánh trên

Đó là thời kỳ mà người phương Tây sống với những mong ước viển vông. Chủ yếu là do họ tập trung vào những điều vô bổ. Thử nghĩ xem chúng ta sẽ đạt được những gì nếu như đầu tư phân nửa công sức đó thay vì tranh cãi, chúng ta dùng nó để chiến đấu với cơn đói, bệnh tật, và lòng tham. Có lẽ một phần trí lực mà giới đầu tư sử dụng để dự đoán tương lai của chu kỳ kinh doanh sẽ mang lại kết quả tốt hơn nhiều nếu được sử dụng vào những mục đích hữu ích hơn.

Nếu những nghiên cứu truyền thống về viễn cảnh kinh tế gần đây không đưa ra phương pháp xác định thời điểm thích hợp để mua cổ phiếu, thì cái gì sẽ cung cấp cho chúng ta? Câu trả lời nằm trong bản chất của cổ phiếu tăng trưởng.

Để tránh lặp lại, chúng ta hãy xem xét một số tính chất cơ bản của các vụ đầu tư thành công đã được trình bày ở những chương trước. Những công ty hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ sản xuất các sản phẩm mới đa dạng và triển khai các quy trình từ phòng thí nghiệm, thực hiện sản xuất thí điểm cho đến những bước đầu tiên của quá trình thương mại hóa sản phẩm. Tất cả các quy trình này có các mức chi phí khác nhau và làm giảm lợi nhuận của công ty. Thậm chí trong giai đoạn đầu của quá trình thương mại hóa sản phẩm, chi phí bán hàng còn tăng lên do phải đầu tư thêm chi phí hoàn thiện sản phẩm để đạt lợi nhuận như mong muốn. Các khoản chi phí đó có thể còn vượt quá chi phí trong giai đoạn thử nghiệm.

Đứng trên quan điểm của nhà đầu tư tất cả những vấn đề này bao hàm hai khía cạnh có tầm quan trọng đặc biệt. Thứ nhất, chúng ta không thể phụ thuộc vào bất cứ thời gian biểu bảo đảm nào trong vòng đời phát triển của một sản phẩm mới. Thứ hai, thậm chí đối với một doanh nghiệp quản lý có bề dày nhất, chỉ cần một chút thất bại cũng làm phát sinh chi phí. Cũng như trong thể thao, nhà vô địch tài năng nhất vẫn có thể thua trong một số trận đấu.

Tiêu chí phát triển một quá trình mới có lẽ cũng cần được xem xét kỹ lưỡng, đứng trên quan điểm thời gian mua cổ phiếu thường là lúc mà xí nghiệp thương mại đầu tiên đi vào sản xuất. Đối với một kế hoạch mới dành cho các quy trình hay sản phẩm truyền thống cũng có thể phải trải qua một giai đoạn thích nghi khoảng 6-8 tuần tốn kém chi phí. Sẽ phải mất một khoảng thời gian khá lâu để có thể áp dụng công nghệ đạt hiệu suất hoạt động theo yêu cầu và loại trừ những hỏng hóc khó tránh khỏi. Khi quá trình đã thật sự thay đổi mạnh mẽ, giai đoạn chỉnh sửa tốn kém này có thể kéo dài và vượt mức mà một kỹ sư có cái nhìn bi quan nhất trong công ty có thể ước lượng được. Ngoài ra, khi vấn đề đã được giải quyết ổn thỏa, những cổ đông đã phải chờ đợi trong thời gian dài rốt cục vẫn không thể thu được lợi nhuận ngay lập tức. Thậm chí công ty còn phải sử dụng lợi nhuận thu được từ dây chuyền sản phẩm cũ để đầu tư vào những chương trình quảng cáo nhằm thuyết phục khách hàng sử dụng sản phẩm mới.

Cũng có khả năng công ty này đang tăng trưởng doanh thu từ các sản phẩm khác hoặc các sản phẩm đời cũ hơn nên việc giảm lợi nhuận không khiến các cổ đông bận tâm. Tuy nhiên, thông thường lại xảy ra những khả năng ngược lại. Khi mọi người nắm bắt được thông tin về sản phẩm mới mang tính năng khác biệt từ phòng thí nghiệm của một công ty có tổ chức tốt, người mua chứng khoán đầy hào hứng đẩy giá cổ phiếu của công ty lên. Khi biết nhà máy thử nghiệm vận hành thành công, giá của cổ phiếu sẽ càng tăng cao hơn nữa. Hầu như chẳng ai dùng phép loại suy cổ điển để có thể nhận ra rằng vận hành nhà máy thử nghiệm cũng giống như lái một chiếc ôtô đi trên con đường làng ngoằn ngoèo với tốc độ 10km/giờ. Nhưng vận hành nhà máy thương mại thì tốc độ là 100km/giờ.

Vận hành nhà máy thương mại gặp phải hàng loạt chướng ngại tháng này qua từ tháng khác và những chi phí ngoài dự tính cứ thế tăng lên làm cho thu nhập trên mỗi cổ phần giảm đáng kể. Và người ta lại tung tin rằng nhà máy đó đang có vấn đề. Nếu vấn đề có thể được giải quyết thì cũng không ai biết chính xác đó là lúc nào. Lẽ dĩ nhiên những người mua cổ phiếu với tâm trạng hào hứng trước đây lại trở thành những người bán bất đắc dĩ. Và giá cổ phiếu cũng theo đà đó mà trượt dốc. Giai đoạn điều chỉnh càng kéo dài thì giá chứng khoán trên thị trường càng sụt giảm. Cuối cùng thì người ta cũng công bố tin tốt lành rằng nhà máy đã được vận hành trơn tru trở lại. Giá cổ phiếu lại phục hồi trong vài ngày. Nhưng trong quý tiếp theo, khi chi phí doanh thu đặc biệt khiến cho lợi nhuận thuần sụt giảm mạnh hơn, cổ phiếu lại tụt giá xuống mức thấp nhất trong vòng vài năm trở lại đây. Sau đó, giới đầu tư được thông báo rằng hệ thống quản lý gặp sai sót.

Về điểm này, chứng khoán là một món hàng mang tính “giật gân”. Khi những nỗ lực doanh thu tăng thêm vừa đủ để chi trả cho nhà máy sản xuất sản phẩm đầu tiên, thì cũng chỉ cần những nỗ lực bán hàng thông thường là có thể làm cho đường doanh thu tiếp tục đi lên trong những năm tiếp theo. Một khi đã áp dụng cùng một quy trình công nghệ thì đối với việc đầu tư vào hoạt động vận hành củanhà máy thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm sẽ không gặp phải sự trì hoãn hay chi phí đặc biệt phát sinh như nhà máy đầu tiên. Vào thời điểm nhà máy thứ năm đạt công suất tối đa thì công ty đã lớn mạnh và có khả năng đến mức có thể áp dụng quy trình trên đối với các sản phẩm mới khác mà không hề gặp phải tình trạng sụt giảm trong thu nhập hay giá cổ phiếu. Nhà đầu tư cần nắm giữ khoản đầu tư vào đúng thời điểm thì sẽ có lợi nhuận tăng trưởng trong nhiều năm tiếp theo.

Trong bản thảo đầu tiên, tôi đã sử dụng những từ sau đây để mô tả một ví dụ về cơ hội kiểu này. Tôi sử dụng một ví dụ chỉ vừa mới xảy ra vào thời điểm đó:

“Một số quỹ đầu tư đã tận dụng tình hình trước khi cuộc bầu cử quốc hội năm 1954 diễn ra. Vài năm trước đó, người ta đã bán cổ phần của American Cyanamid trên thị trường tại mức P/E (chỉ số giá/thu nhập của mỗi cổ phiếu) thấp hơn nhiều so với hầu hết các công ty hóa phẩm lớn khác. Mặc dù chi nhánh Lederle của công ty được xem là một trong những tổ chức dược phẩm hàng đầu thế giới, nhưng các hoạt động với quy mô lớn về hóa phẩm công nghiệp và nông nghiệp của công ty đã dẫn đến tình trạng một loạt những nhà máy tốn nhiều chi phí và hoạt động không hiệu quả. Vì vậy, công ty không được coi là một khoản đầu tư hấp dẫn.

Một thực tế ít được chú ý đó là bộ máy quản lý mới kiên định trong việc không cắt giảm chi phí, sẵn sàng loại bỏ những thứ vô ích và cơ cấu lại tổ chức. Mọi người chỉ chú ý tới việc công ty này đang đặt cược một khoản vốn lớn so với quy mô của công ty vào một nhà máy hóa học hữu cơ đồ sộ ở Fortier, bang Louisiana. Thiết kế của nhà máy khá phức tạp nên không ai ngạc nhiên khi dự án đạt được điểm hòa vốn chậm hơn nhiều tháng so với kế hoạch dự tính. Tuy nhiên khi vấn đề ở Fortier chưa được giải quyết thì cổ phần của American Cyanamid lại được chú ý. Lúc đó, giới tài chính tin rằng đã đến thời điểm mua vào, các quỹ mà tôi đề cập đã mua cổ phần với giá bình quân 453/4 tương đương với giá 227/8 ở thời điểm hiện tại, do cổ phiếu này được chia tách theo tỷ lệ 1:2 vào năm 1957.

Điều gì xảy ra sau đó? Khoảng thời gian chờ đợi để công ty có thể thu lợi nhuận từ những hoạt động liên quan đến khoản chi phí bất thường vào năm 1954 cuối cùng cũng đã trôi qua. Giờ đây Fortier đang gặt hái lợi nhuận đáng kể. Thu nhập mỗi cổ phiếu thường tăng từ 1,48 đô-la năm 1954 lên 2,10 đô-la vào năm 1956 và hứa hẹn sẽ tiếp tục tăng vào năm 1957, trong khi hầu hết lợi nhuận của ngành hóa phẩm (trừ dược phẩm) sụt giảm so với các năm trước. Cũng quan trọng không kém, Phố Wall nhận thấy việc đầu tư vào hoạt động hóa phẩm nông nghiệp và công nghiệp của American Cyanamid là thỏa đáng. Bởi thế, chỉ số P/E của những cổ phần này tăng đáng kể. Như vậy, trong vòng ba năm, 37% thu nhập tăng thêm làm thị giá cổ phiếu tăng lên khoảng 85%.”

Kể từ khi những điều này được trình bày, giới tài chính dường như ngày càng nâng cao vị thế của American Cyanamid, với thu nhập năm 1959 hứa hẹn vượt qua mức kỷ lục 2,42 đô-la của năm 1957, thị giá của các cổ phần này cũng theo đà tăng lên. Hiện tại thị giá là 60, phản ánh thu nhập tăng 70% và thị giá tăng 163% được trong vòng năm năm kể từ khi ấn bản đầu tiên của cuốn sách này xuất bản.

Tôi muốn kết thúc câu chuyện về American Cyanamid bằng tin tốt lành này. Tuy nhiên, tôi cũng muốn đưa ra thêm những thông tin xác thực hơn. Trong ấn bản đầu tiên, tôi đã đề cập đến việc một số quỹ mua chứng khoán của American Cyanamid. Các quỹ này không còn nắm giữ những cổ phần đã bán với giá bình quân khoảng 49 đôla vào mùa xuân 1959. Mức giá này quá thấp so với giá thị trường hiện nay, nhưng vào thời điểm đó vẫn mang lại mức lợi nhuận 110%.

Mức lợi nhuận không phải tác nhân dẫn đến quyết định bán, mà nó dựa trên hai động cơ. Thứ nhất, viễn cảnh của công ty khác có vẻ khả quan hơn. Trong chương tiếp theo, bạn sẽ tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này và vì sao tôi coi nhân tố này là một trong những lý do bán cổ phiếu. Mặc dù chưa có đủ thời gian để có thể đưa ra chứng cứ rõ ràng và xác đáng thì cho tới nay các báo giá trên thị trường về hai loại cổ phiếu đều minh chứng cho điều này.

Tuy nhiên, sự chuyển hướng đầu tư này còn ẩn chứa động cơ thứ hai mà sẽ tốt hơn nếu chúng ta nhận ra kịp thời. Đó là mối quan ngại về một trong những công ty danh tiếng nhất trong lĩnh vực dược phẩm khi kinh doanh về hóa học như American Cyanamid lại không có khả năng tăng mức biên lợi nhuận cũng không đưa ra các dòng sản phẩm mang lại lợi nhuận như mong đợi. Mối quan ngại về các nhân tố trên là do công ty không chắc chắn về khả năng chịu được những chi phí phát sinh khi muốn kinh doanh sợi làm bằng chất acrylic trong ngành dệt vốn đang cạnh tranh gay gắt. Lập luận này có thể chuẩn xác nhưng vẫn dẫn đến quyết định đầu tư sai lầm bởi công ty còn có viễn cảnh tươi sáng ở chi nhánh dược phẩm Lederle. Viễn cảnh này càng rõ ràng hơn khi công ty bán cổ phần. Khả năng Lederle có thể đạt mức thu nhập nhảy vọt trong trung hạn là nhờ hai yếu tố: 1) sản xuất một loại chất kháng sinh có tác dụng tốt 2) thị trường đủ lớn và có sẵn cho một loại vắc xin uống phòng bại liệt, loại sản phẩm mà công ty đã luôn giữ vị trí dẫn đầu. Sự phát triển này không biết rồi sẽ hướng công ty đi tới đâu, chỉ có tương lai mới trả lời được việc bán cổ phần của Cyanamid có phải là một quyết định đúng đắn hay không. Rút kinh nghiệm từ sai lầm có thể còn hữu ích hơn là hồi tưởng lại những thành công đã gặt hái được, và tôi muốn đưa ra một gợi ý dù nghe có vẻ hơi quá tự tin, đó là bất cứ ai thật sự muốn nâng trình độ đầu tư của mình lên thì nên chú ý tới các chương cuối và đọc lại sau khi đã đọc xong chương tiếp theo có tiêu đề “Thời điểm bán ra”.

Bây giờ, chúng ta hãy xem xét tiếp một ví dụ cập nhật hơn, cũng bàn về cơ hội để mua vào mà tôi đã đề cập trong ấn bản đầu tiên:

Tình trạng tương tự có thể xảy ra với Food Machinery Chemical Corporation (FMCC) vào nửa cuối năm 1957. Nhiều nhà đầu tư tổ chức thích cổ phần của các công ty này. Tuy nhiên, hầu hết cho rằng dù có nhiều yếu tố hấp dẫn đến đâu thì vẫn cần có những chứng cứ cụ thể trước khi quyết định mua cổ phần. Để hiểu thêm chúng ta phải đi sâu tìm hiểu bối cảnh.

Trước Chiến tranh thế giới thứ hai, công ty này đã đa dạng hóa dây chuyền sản xuất máy móc. Nhờ bộ máy quản lý tài ba cùng với thiết kế phát triển tương xứng, FMCC đã trở thành một trong những khoản đầu tư thành công nhất thời kỳ trước chiến tranh. Trong chiến tranh, bên cạnh việc sản xuất đồ quân nhu, công ty còn tham gia kinh doanh đa dạng các sản phẩm hóa học. Lý do xuất phát từ mong muốn ổn định xu hướng mang tính chu kỳ của lĩnh vực kinh doanh máy móc thông qua việc sản xuất sản phẩm tiêu dùng, doanh thu của các sản phẩm mới có thể tăng lên nhờ vào nghiên cứu sau vài năm, giống như thành công đã đạt được trong lĩnh vực máy móc và đồ quân nhu.

Đến năm 1952, FMCC đã mua lại bốn công ty và chuyển thành bốn chi nhánh (hiện tại là năm chi nhánh). Khi hợp nhất lại, các chi nhánh này chiếm chưa đến một nửa tổng doanh thu nếu tính cả lĩnh vực sản xuất hàng quân nhu và chỉ hơn một nửa nếu chỉ tính các lĩnh vực sản xuất hàng dân dụng. Trước và trong những năm diễn ra việc mua lại, các đơn vị hóa phẩm đã có sự khác biệt lớn trong tăng trưởng. Một đơn vị dẫn đầu về tăng trưởng nhanh nhờ lợi nhuận biên lớn và có uy tín cao về kỹ thuật trong ngành. Một đơn vị khác chịu tình trạng ngược lại do nhà máy trang bị lạc hậu, lợi nhuận biên thấp và đối xử không tốt với nhân viên. Tuy nhiên, nhìn chung so với các công ty hàng đầu trong lĩnh vực hóa học thì FMCC vẫn giữ một vị trí đáng nể.

Giới tài chính đã rút ra một số kết luận khá chính xác rằng chi nhánh sản xuất máy móc là khoản đầu tư được đánh giá cao nhất. Chi nhánh này có các nhà máy với chi phí sản xuất thấp hơn so với ngành, có tỷ lệ tăng trưởng nội bộ ngành từ 9-10% mỗi năm (so với ngành hóa chất nói chung), hàng năm bộ phận thiết kế tung ra thị trường những sản phẩm mới lạ. Tuy nhiên, giới đầu tư sẽ không muốn đầu tư vào doanh nghiệp đa ngành này trừ khi các chi nhánh hóa phẩm có mức lợi nhuận biên cao hơn và có thêm bằng chứng về giá trị nội tại. Trong khi đó, bộ phận quản lý tìm mọi cách để giải quyết vấn đề này. Họ đã làm gì? Động thái đầu tiên là thông qua chế độ thăng cấp trong công ty và tuyển dụng từ bên ngoài để xây dựng một đội ngũ quản lý cao cấp. Đội ngũ mới này chi tiền vào việc hiện đại hóa nhà máy cũ, xây dựng nhà máy mới và phát triển công tác nghiên cứu. Ngoài các khoản chi thông thường cho nhà máy, việc mở rộng và hiện đại hóa cũng đòi hỏi thêm rất nhiều tiền. Điều khiến mọi người hơi bất ngờ là tất cả các khoản chi bất thường vào các năm 1955, 1956, 1957 lại không làm giảm thu nhập của lĩnh vực hóa chất. Thu nhập vẫn ổn định chứng tỏ công việc mà công ty thực hiện đã đi đúng hướng.

Trong bất cứ trường hợp nào, nếu dự án được lên kế hoạch chính xác thì hiệu quả đạt được sẽ lớn hơn chi phí phát sinh tiếp theo. Năm 1956, chi phí cho nghiên cứu tăng hơn 50% so với năm 1955. Trong năm 1955, chi phí nghiên cứu hóa học không thấp hơn quá nhiều so với mức trung bình của ngành, còn chi phí cho nghiên cứu máy móc lại cao hơn so với hầu hết các công ty khác. Mặc dù phải chi nhiều trong giai đoạn nghiên cứu nhưng vào nửa cuối năm 1957, công ty vẫn đạt được mức lợi nhuận như mong đợi. Vào giữa năm 1957, các nhà máy sản xuất clo ở Nam Charleston, và Tây Virginia đã đi vào hoạt động theo kế hoạch. Do không gặp phải những sự cố bất ngờ thường thấy trong ngành hóa chất, lợi nhuận của công ty hứa hẹn sẽ tăng mạnh vào đầu năm 1958.

Theo tôi, các nhà đầu tư tổ chức luôn chỉ nhìn bề nổi và tránh xa cổ phiếu của công ty trừ phi họ thấy thu nhập được cải thiện, lợi nhuận biên từ hóa phẩm tăng mạnh trong một khoảng thời gian. Nếu như điều đó xảy ra, thì đến năm 1958 và 1959, giới tài chính mới dần nhận ra sự cải thiện đã bắt đầu từ vài năm trước trong các chỉ số cơ bản. Lúc đó, cổ phiếu của công ty đang tiếp tục tăng trưởng sẽ tăng giá một phần do lợi nhuận trên mỗi cổ phần được cải thiện và còn tăng nhanh do chỉ số P/E cao hơn nhờ những đánh giá lại của giới tài chính về giá trị nội tại của công ty.

Tôi tin rằng các bản tường trình trong hai năm qua sẽ chứng minh giá trị xác thực của những nhận xét trên. Có lẽ giới tài chính bắt đầu nhận ra bản chất vấn đề khi suy thoái xảy ra vào năm 1958, trong lúc gần như tất cả các công ty hóa phẩm và sản xuất máy móc sụt giảm đều thu nhập, thì FMCC lại có mức lợi nhuận cao nhất từ trước tới nay − 2,39 đô-la/cổ phần. Mức này còn cao hơn so với vài năm trước: thời kỳ nền kinh tế thịnh vượng. Tôi cũng muốn thông báo rằng lĩnh vực hóa phẩm cuối cùng cũng được sánh ngang tầm với lĩnh vực máy móc và đều là các lĩnh vực đầu tư hứa hẹn không giới hạn. Mặc dầu khi viết những dòng này, lợi nhuận năm 1959 vẫn chưa xuất hiện, nhưng mức tăng đáng kể trong thu nhập 9 tháng đầu kể từ thời điểm được đề cập trong năm 1958 càng khẳng định thêm tiềm năng gặt hái thành quả lớn từ việc tái cơ cấu ngành hóa phẩm. Những gì đạt được năm 1959 có vai trò đặc biệt quan trọng bởi đây là năm mà đơn vị sản xuất đồ quân nhu chuyển sang sản xuất xe tăng bọc nhôm, thay vì bọc thép, để có thể thả từ trên không bằng dù. Điều đó cũng có nghĩa là năm 1959, bộ phận sản xuất hàng quân nhu đóng góp không đáng kể vào lợi nhuận chung, nhưng mức lợi nhuận kỷ lục vẫn được duy trì.

Vậy phản ứng của thị trường như thế nào? Cuối tháng 09 năm 1957, khi viết phần cuối của ấn bản đầu tiên, giá cổ phiếu của FMCC là 251/4 đô-la và hiện tại mức giá là 51 đô-la, tăng hơn 102%.

Một số sự kiện thúc đẩy khiến cho thị trường phản ứng mạnh mẽ. Năm 1959, nhà xuất bản McGraw-hill đề xuất một thông lệ quy định mỗi năm trao giải thưởng cho những thành tựu nổi bật về quản lý trong ngành hóa phẩm. Để quyết định người đầu tiên được nhận giải thưởng danh dự này, họ đã chọn ra ban giám khảo có chuyên môn gồm mười thành viên nổi tiếng và có hiểu biết: bốn thành viên đến từ các trường đại học hàng đầu trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp, ba thành viên đến từ các tổ chức đầu tư tài chính nổi bật nắm giữ một lượng lớn cổ phần trong ngành hóa, ba thành viên còn lại đại diện cho ba công ty tư vấn hóa phẩm nổi tiếng. Có 22 công ty được đề cử và 14 công ty được nhận giải. Giải thưởng về thành tựu quản lý này không được trao cho những đại gia tên tuổi trong ngành, những công ty mà phố Wall Street luôn tập trung sự chú ý, mà dành cho công ty hóa phẩm của tập đoàn FMCC, công ty mà mới hai năm trước đó hầu như người mua cổ phiếu theo cách truyền thống xem việc mua cổ phiếu của nó là một khoản đầu tư vô bổ.

Tại sao vấn đề trên lại quan trọng đối với các nhà đầu tư dài hạn? Thứ nhất, nó đảm bảo chắc chắn rằng thu nhập của những công ty như vậy sẽ tăng lên trong những năm tới, dù xu hướng của hoạt động kinh doanh nói chung tăng hay giảm. Những người kinh doanh có hiểu biết trong ngành hóa phẩm sẽ không trao giải thưởng cho một công ty không có phòng ban nghiên cứu phát triển sản phẩm mới hoặc không có đội ngũ kỹ sư ngành hóa sản xuất chúng để thu lợi nhuận. Thứ hai, giải thưởng này sẽ để lại dấu ấn trong giới đầu tư. Đối với nhiều người nắm giữ cổ phiếu, không có gì đáng mong ước hơn là sức ảnh hưởng của thu nhập do được thị trường định giá cao hơn sẽ làm tăng giá cổ phiếu.

Bên cạnh vấn đề giới thiệu sản phẩm mới và những rắc rối nảy sinh trong quá trình vận hành các nhà máy có cấu trúc phức tạp, còn một số vấn đề khác có thể tạo ra nhiều cơ hội mua cổ phiếu của công ty có dấu hiệu bất thường. Ví dụ, ngoài những yếu tố khác, công ty điện tử Middle Western còn nổi tiếng bởi mối quan hệ rất tốt với người lao động. Sau đó do công ty phát triển tới mức mà chỉ riêng quy mô cũng dẫn đến một số thay đổi trong cách đối đãi với nhân viên. Sự xung đột diễn ra, đình công kéo dài ở doanh nghiệp mà từ trước tới nay luôn được mọi người biết đến là có mối quan hệ nhân lực tốt và năng suất lao động cao, kết quả là mâu thuẫn xuất hiện, năng suất lao động giảm. Vào thời điểm này, công ty mắc sai lầm trong việc đánh giá thị trường tiềm năng cho sản phẩm mới. Thu nhập giảm mạnh và giá của cổ phần theo đó cũng sụt giảm.

Nhưng một đội ngũ quản lý có trình độ và tài năng có thể nhanh chóng đề ra các kế hoạch để cải thiện tình hình. Nếu như việc vạch kế hoạch chỉ mất vài tuần thì việc thực hiện kế hoạch lại tiêu tốn rất nhiều thời gian. Khi kế hoạch được thực hiện và thể hiện hiệu quả của nó qua thu nhập trên các cổ phiếu tăng lên, thời điểm mua cổ phiếu mà ta gọi là điểm A xuất hiện. Tuy nhiên, phải mất một năm rưỡi thì tất cả mọi lợi ích và quyền lợi mới thể hiện ra trên lợi nhuận. Đến cuối giai đoạn này, một cuộc đình công nữa nổ ra. Việc giải quyết ổn thỏa vụ đình công là bước cuối cùng cần phải làm để công ty có thể giành lại được khả năng cạnh tranh của mình. Vụ việc này chỉ xảy ra trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, vụ đình công ngắn ngủi và không mấy thiệt hại này lại gây ra tin đồn trong giới tài chính rằng vấn đề về người lao động ngày càng xấu hơn. Bất chấp các lãnh đạo chủ chốt của công ty mua vào mạnh, giá cổ phiếu vẫn giảm. Điều này cũng minh chứng cho những suy nghĩ đúng đắn về một cơ hội mua khác đứng trên quan điểm phán đoán thời gian và ta gọi là điểm mua B. Những người có tầm nhìn xa và khả năng phát hiện bản chất vấn đề đang diễn ra có thể mua với mức giá hời một cổ phiếu mà họ dự đoán sau nhiều năm sẽ đạt mức tăng trưởng tốt.

Hãy xem xét mức lợi nhuận có thể đạt được là bao nhiêu nếu một nhà đầu tư mua ở điểm A hoặc B. Tôi không lấy mức giá thấp nhất mà bảng giá cổ phiếu hàng tháng đưa ra bởi vì chỉ vài trăm cổ phần được chuyển nhượng tại mức giá thấp này. Nếu một nhà đầu tư mua được ở mức thấp nhất này thì chỉ có thể là nhờ may mắn mà thôi. Do đó, tôi sẽ sử dụng các mức giá cao hơn mà tại đó sẽ có hàng nghìn cổ phần sẵn sang chuyển nhượng, và bất cứ ai hiểu rõ tình thế này cũng có thể dễ dàng mua được chúng.

Tại điểm mua A, cổ phiếu đã mất 24% giá trị chỉ sau một vài tháng so với mức giá ở đỉnh ban đầu. Trong vòng một năm sau, thị giá của các cổ phiếu mua tại điểm A đã tăng từ 55-60%. Sau đó, đình công tạo ra điểm mua B. Cổ phiếu tụt xuống 20%. Đáng ngạc nhiên là giá đó được duy trì vài tuần sau khi cuộc đình công kết thúc. Lúc đó, một nhân viên có trình độ của quỹ ủy thác đầu tư lớn đã nói với tôi rằng anh ta biết tình thế hiện tại tốt đẹp ra sao và điều gì chắc chắn sẽ xảy ra. Mặc dầu vậy, anh ta không khuyến khích hội đồng tài chính mua. Anh ta giải thích rằng chắc chắn các thành viên sẽ cùng thảo luận với đồng nghiệp ở Phố Wall, họ không chỉ phủ nhận mà còn khiển trách anh ta vì đã khiến công ty phí phạm thời gian chú ý tới một doanh nghiệp có bộ phận quản lý trình độ thấp và mối quan hệ lao động không thể cứu vãn!

Chỉ vài tháng sau khi tôi viết những điều này, giá cổ phiếu đã tăng lên 50% so với điểm mua B và hơn 90% so với điểm mua A. Không những thế, tương lai của công ty còn hứa hẹn viễn cảnh sẽ đạt mức tăng trưởng ngoạn mục trong nhiều năm tới như thời gian trước khi những vụ việc không may nhất thời tạo ra điểm mua A và B. Những người mua vào các tại thời điểm trên đã chọn đúng công ty vào đúng thời điểm.

Tóm lại, nhà đầu tư nên mua cổ phiếu của các công ty được vận hành bởi đội ngũ quản lý trình độ cao. Một số hoạt động thất bại, số khác sẽ gặp phải rắc rối nảy sinh trước khi thành công. Nhà đầu tư nên chắc rằng những rắc rối đó chỉ mang tính tạm thời chứ không phải lâu dài. Nếu chúng làm giảm đáng kể giá cổ phiếu nhưng có thể được giải quyết trong vài tháng, chứ không phải là vài năm, thì nhà đầu tư có thể yên tâm rằng đây chính là thời điểm thích hợp để mua cổ phiếu.

Không phải tất cả các thời điểm mua đều xuất hiện khi doanh nghiệp gặp vấn đề. Trong các ngành như sản xuất hóa phẩm, cần một lượng vốn lớn để có được một đồng đô-la doanh thu thì cơ hội đôi khi xuất hiện theo kiểu khác. Chúng ta có thể nhìn theo quan điểm toán học về những tình huống như sau: giả sử một nhà máy khi xây dựng cần 10 triệu đô-la. Một hoặc hai năm kể từ thời điểm đi vào hoạt động với công suất tối đa, các kỹ sư của công ty sẽ xem xét chi tiết về nhà máy. Họ đề xuất chi thêm 1,5 triệu đô-la. Với 15% vốn đầu tư tăng thêm này, các kỹ sư sẽ trình bày phương án để sản lượng của nhà máy này tăng lên khoảng 40% so với trước.

Một điều dễ thấy là thật tuyệt vời khi nhà máy tạo ra lợi nhuận với 40% sản lượng tăng thêm mà chỉ cần tăng thêm 15% chi phí vốn, không kèm khoản phụ phí nào nữa. Nếu như đề án có quy mô đủ ảnh hưởng đến thu nhập của toàn công ty thì thời điểm tốt để mua cổ phiếu là ngay trước khi có sự cải thiện mức thu nhập và được phản ánh lên giá của cổ phiếu trên thị trường. Vậy điểm chung của những ví dụ này là gì? Đó là những công ty tốt, có mức lợi nhuận đang được cải thiện nhưng chưa tác động làm tăng giá cổ phiếu trên thị trường. Tôi tin rằng bất cứ khi nào điều này xảy ra thì đó là lúc nên cân nhắc đầu tư. Tuy nhiên, kể cả tình huống này không xảy ra, nhà đầu tư vẫn có thể kiếm tiền trong dài hạn nếu anh ta mua chứng khoán ở những công ty có tiếng. Nhưng anh ta sẽ phải kiên nhẫn hơn bởi để kiếm được tiền sẽ mất thời gian hơn và lợi nhuận từ khoản đầu tư ban đầu sẽ ít hơn.

Phải chăng điều này chỉ ra rằng một người có tiền để đầu tư thì anh ta không cần tính đến xu hướng trong tương lai của chu kỳ kinh doanh, cứ đầu tư 100% số tiền vào lúc mà anh ta tìm được đúng loại cổ phiếu nên mua (đã nêu ở Chương 3) và chọn một điểm mua thích hợp như đã đề cập ở chương này? Suy thoái có thể xảy ra ngay sau khi anh ta thực hiện đầu tư. Trong giai đoạn suy thoái kinh doanh, không có gì là lạ nếu giá cổ phiếu sụt giảm 40-50% so với mức đỉnh điểm, thậm chí cả cổ phiếu đắt giá nhất.

Tôi cho rằng nhà đầu tư có thể tránh được rủi ro này nếu có sẵn lượng lớn cổ phiếu mua trong những thời điểm tốt. Nếu chọn lựa đúng, thì các cổ phiếu mà nhà đầu tư đã mua luôn mang lại một khoản tiền đáng kể và ổn định. Tuy nhiên, lúc này có thể do nhà đầu tư tin rằng cổ phiếu nên được bán ra hoặc vì cần vốn để mua một khoản mới. Trừ khi đó là một trong những năm hiếm hoi, hiện tượng đầu cơ xảy ra liên tục trên thị trường cổ phiếu và có những dấu hiệu biến động kinh tế lớn (như giai đoạn 1928- 1929), còn không, tôi cho rằng nhà đầu tư nên bỏ qua tất cả những dự đoán về xu hướng kinh tế hay thị trường chứng khoán. Thay vào đó, anh ta nên đầu tư ngay khi cơ hội xuất hiện.

Trái với việc dự đoán xu hướng kinh doanh hay hướng đi của thị trường chứng khoán, việc đánh giá công ty mà nhà đầu tư muốn mua cổ phần sẽ có tỷ lệ sai lầm nhỏ hơn rất nhiều. Bởi vậy, nhà đầu tư khởi đầu với hai lợi thế. Anh ta đánh cược vào những điều mà anh ta biết chứ không chỉ dựa vào phỏng đoán. Hơn nữa, bằng nhận định của mình, nhà đầu tư chỉ mua trong trường hợp biết rằng dù là nguyên do gì thì doanh nghiệp cũng sẽ có sức tăng mạnh thu nhập trong tương lai gần hoặc trung hạn. Nếu tình hình tốt, cổ phiếu sẽ tăng hơn mức trung bình do thị trường nhận ra sức tăng thu nhập của công ty. Nếu không may rơi vào thời điểm ngay trước khi thị trường sụp đổ, khoản thu nhập này sẽ tránh cho cổ phiếu của công ty không suy giảm nhiều như các cổ phiếu khác cùng loại.

Tuy nhiên rất nhiều nhà đầu tư không có may mắn sở hữu một loạt các khoản đầu tư tại thời điểm tốt và mua ở mức thấp đáng kể so với mức giá hiện thời như vậy. Cũng có thể đây là lần đầu tiên họ có khoản tiền nhàn rỗi để đầu tư. Hoặc họ có danh mục các trái phiếu hoặc cổ phiếu không có khả năng tăng trưởng và họ mong muốn chuyển sang các cổ phiếu hứa hẹn mang lại khoản lợi nhuận đáng giá trong tương lai. Nếu các nhà đầu tư đó có thêm vốn hay muốn chuyển sang các cổ phiếu tăng giá trong bối cảnh thị trường đã tăng trưởng một thời gian dài, họ có nên làm ngơ trước mối nguy về sự suy thoái trong kinh doanh? Họ sẽ không hài lòng khi nhận ra là đã đặt tất cả hay hầu hết tài sản đầu tư tại thời điểm gần đỉnh trong giai đoạn tăng giá, ngay trước khi sự sụt giảm mạnh xảy ra.

Chính điều này làm nảy sinh vấn đề. Tuy nhiên, lời giải cho nó không quá khó so với những vấn đề khác liên quan đến thị trường cổ phiếu thì việc giải quyết vấn đề này chỉ đòi hỏi một chút kiên nhẫn. Theo quan điểm của tôi, các nhà đầu tư nhóm này nên bắt đầu mua loại cổ phiếu thường thích hợp chỉ sau khi họ cảm thấy chắc chắn là đã chọn được một hoặc một số cổ phiếu tốt. Mặc dầu vậy, sau khi đã mua cổ phiếu loại này, họ nên tính toán thời gian để tiếp tục mua và có kế hoạch chờ một vài năm trước khi đầu tư nốt phần vốn còn lại của mình. Nếu làm vậy, khi thị trường sụt giảm nghiêm trọng tại bất cứ thời điểm nào trong giai đoạn này họ vẫn có khả năng mua vào để tận dụng thời cơ sụt giảm đó. Nếu không xảy ra sự sụt giảm nào và mua sớm hơn theo đúng hướng, ít nhất họ sẽ có khoản thu nhập ổn định trên số cổ phiếu nắm giữ. Hành động này như là một chiếc đệm để nếu sự sụt giảm nghiêm trọng xuất hiện vào thời điểm xấu nhất − thời điểm ngay sau khi họ đầu tư khoản tiền cuối cùng của mình − thì các khoản thu từ việc mua trước đó sẽ bù đắp phần lớn, nếu không nói là toàn bộ những thiệt hại của lượng cổ phiếu vừa mua. Như vậy sẽ không có thiệt hại đáng kể nào đối với khoản đầu tư ban đầu.

Một lý do quan trọng không kém giải thích tại sao các nhà đầu tư không tạo ra các khoản đầu tư thỏa đáng hoặc có đủ vốn để thay đổi các món hàng nên làm như vậy.

Đó là vì các nhà đầu tư hoặc chuyên gia cố vấn của họ đã tích lũy đủ kỹ năng đầu tư hiệu quả nhờ trải nghiệm thực tế trước khi sử dụng toàn bộ số tiền đầu tư. Trong trường hợp chưa đạt thành tích, thì ít nhất tất cả tài sản sẽ không được chuyển đổi trước khi nhà đầu tư nhận được tín hiệu cảnh báo để xem xét lại trình độ đầu tư của mình hoặc trao quyền quyết định những vấn đề đó cho người khác.

Tất cả các nhà đầu tư chứng khoán nên ghi nhớ một nguyên tắc cơ bản, nếu không những mối lo lắng và bận tâm của giới tài chính về nguy cơ suy thoái trong chu kỳ kinh doanh sẽ cản trở các quyết định đầu tư đúng đắn. Nguyên tắc đó là: giữa thế kỷ XX này, giai đoạn hiện hành của chu kỳ kinh doanh chỉ là một trong năm nguồn lực chi phối. Tất cả các nguồn lực này có thể ảnh hưởng rất lớn tới giá cổ phiếu bằng cách tác động tới tâm lý của số đông hay trực tiếp vận hành nền kinh tế.

Bốn nguồn lực còn lại là xu hướng lãi suất, quan điểm tổng quát của chính phủ về đầu tư và doanh nghiệp tư nhân, xu hướng dài hạn của việc gia tăng lạm phát, và nguồn lực gây ảnh hưởng lớn nhất là những phát minh và công nghệ mới tác động trực tiếp đến các ngành. Các nguồn lực này hiếm khi tác động cùng một lúc khiến giá cổ phiếu đi cùng một hướng. Và xét trong dài hạn, không tác nhân nào quan trọng hơn so với những cái còn lại. Do tính phức tạp và đa dạng của chúng nên hướng đi an toàn nhất lại chính là hướng đi thoạt nhìn thấy nhiều rủi ro nhất. Đó là đầu tư vào công ty được đảm bảo bởi những điều mà bạn biết, không nao núng bởi nỗi sợ hãi hay hy vọng dựa trên những phỏng đoán, kết luận hay ước đoán.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.