Cổ Phiếu Thường Lợi Nhuận Phi Thường
Phần III HÌNH THÀNH MỘT TRIẾT LÝ ĐẦU TƯ – 1. Nguồn gốc của triết lý
Để hiểu bất cứ một cách tiếp cận mang tính nguyên tắc nào về đầu tư, đầu tiên cần phải hiểu mục tiêu mà phương cách tiếp cận đó hướng đến. Mục tiêu của bất cứ một danh mục đầu tư nào do Fisher & Co. giám sát đều nhằm vào một số rất ít các công ty có bộ máy quản lý nổi trội, có khả năng tăng doanh thu, và quan trọng hơn là tăng lợi nhuận gấp nhiều lần so với mức tăng chung của ngành. Để đạt tiêu chí mà Fisher & Co. đề ra, bộ máy quản lý của công ty phải có một chính sách luôn duy trì được thành quả và sẵn sàng hy sinh lợi nhuận ngắn hạn cho các khoản thu dài hạn lớn hơn. Ngoài ra, cần phải có hai đặc tính. Một là khả năng áp dụng chính sách dài hạn trong khi tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kinh doanh hàng ngày. Hai là khi khủng hoảng xảy ra, đôi khi nó chắc chắn xảy ra nếu bộ máy quản lý tìm mọi cách để thu được những lợi ích hiếm hoi từ các quan điểm cải tiến, các sản phẩm mới, v.v…, hoặc nếu bộ máy quản lý trở nên quá tự mãn khi đã đạt được thành công thì họ phải kịp thời nhận rõ những sai lầm và có hành động sửa chữa kịp thời.
Vì hiểu rõ nhất đặc tính của các công ty sản xuất nên tôi hướng những hoạt động chính của Fisher & Co. vào việc nghiên cứu nhóm doanh nghiệp sản xuất vốn sử dụng sự kết hợp giữa công nghệ hàng đầu và những đánh giá xuất sắc trong ngành để đạt được các mục tiêu kể trên. Trong những năm qua, tôi chỉ hướng Fisher & Co. tập trung đầu tư vào nhóm này, bởi hầu như trong vài lần phá lệ đều không đạt được kết quả như mong đợi. Tuy nhiên, tôi thấy không có lý do nào khiến chúng ta không thể áp dụng cùng những nguyên tắc đó mà không mang lại lợi nhuận tương đương nếu chúng ta tiến hành các hoạt động nghiên cứu cần thiết đối với các lĩnh vực như bán lẻ, vận tải, tài chính, v.v…
Ngoại trừ việc sao chép y nguyên phương pháp của ai đó, không một triết lý đầu tư nào có thể phát triển hoàn chỉnh chỉ trong một sớm một chiều. Xét riêng trường hợp của tôi, nó phát triển qua một thời gian dài, một phần là kết quả của những gì mà tôi có thể gọi là lập luận logic, một phần do quan sát những thất bại và thành công của người khác, nhưng chủ yếu là do những bài học cay đắng được rút ra từ chính sai lầm của bản thân. Cách tốt nhất để tôi có thể giải thích phương pháp đầu tư của mình là dùng đến trình tự thời gian. Vì thế, tôi sẽ bắt đầu từ những năm đầu khởi nghiệp để giải thích từng bước về phương pháp đầu tư của tôi.
Sự khởi đầu đầy hứng thú
Tôi biết đến thị trường chứng khoán và những cơ hội được tạo ra từ sự thay đổi trong báo giá cổ phiếu từ thời còn bé. Cha tôi là con út trong gia đình có năm người con, còn mẹ tôi là con út trong gia đình có tám người con, vì vậy khi tôi sinh ra chỉ có bà ngoại là còn sống và đó là người mà tôi rất gắn bó. Vào một buổi chiều, khi vừa tốt nghiệp cấp hai, tôi đến thăm bà. Một ông bác ghé qua nhà bà để thảo luận về bối cảnh nền kinh tế trong những năm tới và sức ảnh hưởng của nó đến cổ phiếu. Một thế giới mới đã mở ra trước mắt tôi. Bằng cách tiết kiệm tiền, tôi đã có thể mua một cổ phiếu và sẽ nhận được lợi nhuận trong tương lai, tôi có thể lựa chọn bất kỳ cổ phiếu nào mà tôi muốn trong hàng trăm cổ phiếu của các doanh nghiệp quan trọng bậc nhất nước Mỹ. Nếu tôi chọn đúng, khoản lợi nhuận sẽ rất lớn. Tôi nghĩ rằng toàn bộ vấn đề chính là việc đánh giá điều gì khiến một ngành trở nên hấp dẫn, và đó là một trò chơi mà nếu tôi thật sự học được cách chơi thì những thứ từ trước tới nay vốn quen thuộc với tôi nay sẽ trở nên buồn tẻ, vô nghĩa và chẳng đáng hấp dẫn nữa. Bác tôi đã nói chuyện hàng giờ với bà song đối với tôi, dường như nó chỉ kéo dài mười phút, và tôi đã được nghe những điều khơi niềm hứng thú vô cùng. Nhiều năm trôi qua, tôi nhận ra rằng lợi nhuận mà bà tôi thu được từ các cổ phiếu là rất nhỏ và những nhận định của ông bác có phần nông cạn, tuy nhiên, cuộc nói chuyện ngày hôm đó đã khơi dậy niềm hứng thú trong suốt cuộc đời tôi.
Vào giai đoạn đó, hầu hết các doanh nghiệp làm ăn khá thuận lợi nên tôi đã kiếm được vài đô-la khi thị trường đầu cơ giá lên trở nên đầy sôi động giữa thập niên 1920. Tuy nhiên, cha tôi lại cho rằng điều đó chỉ đơn thuần dạy cho tôi thói quen đánh bạc. Song thực tế, tính cách của tôi không phải liều lĩnh chỉ để xem rồi mọi chuyện sẽ ra sao, hay nói cách khác, tôi không phó mặc cho sự may rủi như những kẻ đánh bạc. Mặt khác, khi nhìn lại sự kiện này, tôi nhận ra rằng lượng cổ phiếu ít ỏi mà tôi có trong thời gian đó không hề mang lại cho tôi kiến thức gì liên quan đến các chính sách đầu tư.
Những kinh nghiệm hình thành triết lý
Trước thời kỳ thị trường đầu cơ giá lên vào thập niên 1920 sụp đổ, tôi đã thu được một kinh nghiệm đáng nhớ và quan trọng. Trong những năm 1927-1928, tôi đăng ký học tại trường kinh doanh thuộc Đại học Stanford. Chúng tôi có 20% thời gian của khóa học, tức là mỗi tuần dành ra một ngày để tham quan thực tế các công ty lớn nhất khu vực Vịnh San Francisco. Giáo sư Boris Emmett là người đề ra hoạt động này. Khi đó, lượng hàng hóa bán cho các công ty đặt hàng qua bưu điện chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng lượng hàng hóa bán ra của các nhà cung cấp. Các hợp đồng này thường gây bất lợi cho nhà sản xuất, họ thu được quá ít lợi nhuận, vì vậy đôi khi họ gặp phải khó khăn trầm trọng về tài chính. Các công ty đặt hàng qua bưu điện cũng không được lợi bao nhiêu. Giáo sư Boris Emmett được một trong những công ty đặt hàng qua bưu điện giao nhiệm vụ cứu vớt các công ty đang suy sụp. Do vậy, ông biết khá nhiều về bộ máy quản lý. Một trong những nguyên tắc của khóa học này là chúng tôi chỉ tham quan nhà máy, chứ không phải các công ty. Sau khi quan sát hoạt động vận hành, Giáo sư Emmett đưa ra những câu hỏi sắc sảo với bộ máy quản lý, từ đó chúng tôi có thể biết điểm mạnh và điểm yếu thật sự của họ. Tôi nhận ra rằng đây là cơ hội học hỏi đúng như mình mong muốn. Tôi đã khéo léo nắm bắt cơ hội này. Vào thời kỳ đó, số người sử dụng ôtô vẫn còn ít, tôi đã sở hữu một chiếc xe, còn Giáo sư Emmett thì không. Tôi đề nghị đưa đón ông đến các nhà máy. Mỗi tuần, khi đưa Giáo sư trở về Stanford, tôi thường được nghe ông nhận xét về một công ty nào đó. Nó cung cấp cho tôi những kinh nghiệm đáng giá mà tôi có đặc ân được hưởng.
Cũng trong các chuyến tham quan này, tôi đã hình thành một nhận thức đặc biệt có giá trị đối với những năm sau đó. Nó thật sự giúp tôi tạo dựng nền móng cho hoạt động kinh doanh. Một lần, chúng tôi ghé thăm hai nhà máy đóng gần nhau ở San Jose. Nhà máy John Bean Spray Pump Company dẫn đầu thế giới về lĩnh vực sản xuất loại máy bơm thuốc trừ sâu cho các vườn cây ăn quả, còn nhà máy Anderson-Barngrover Manufacturing Company dẫn đầu thế giới về lĩnh vực sản xuất thiết bị cho các nhà máy đồ hộp hoa quả. Trong thập niên 1920, khái niệm “công ty phát triển” chưa được giới tài chính sử dụng. Tôi khá lúng túng khi dùng cụm từ này với Giáo sư Emmett: “Tôi nghĩ rằng hai nhà máy này có khả năng phát triển rất nhiều so với quy mô hiện tại đến một mức độ mà tôi không thấy ở bất cứ nhà máy nào mà chúng ta đã tham quan.” Ông đã đồng ý với tôi về điểm này.
Tôi cũng hỏi Giáo sư Emmett về kinh nghiệm hoạt động kinh doanh của ông và thu nhận được những kiến thức bổ ích. Đó là tầm quan trọng của việc bán hàng theo đơn đặt hàng để tạo nên một doanh nghiệp “khỏe mạnh”. Một công ty có thể là nhà sản xuất rất hiệu quả hoặc nhà đầu tư có sản phẩm đặc biệt hấp dẫn, nhưng điều đó không đủ để tạo nên một doanh nghiệp “khỏe mạnh”. Trừ phi doanh nghiệp đó có những người có khả năng thuyết phục người khác về giá trị sản phẩm của họ, nếu không họ sẽ không bao giờ có khả năng điều khiển vận mệnh của mình. Sau này, tôi đã dựa trên cơ sở này để kết luận rằng có một hệ thống bán hàng mạnh thôi chưa đủ. Đối với một công ty muốn trở thành khoản đầu tư thật sự đáng giá, nó không chỉ phải có khả năng bán sản phẩm của mình, mà còn nhận định được nhu cầu và mong muốn luôn thay đổi của khách hàng. Nói cách khác, tất cả tóm gọn trong một khái niệm: “marketing”.
Những bài học đầu tiên từ thực tế
Đầu mùa hè năm 1928, khi tôi vừa hoàn tất năm thứ nhất tại trường kinh doanh, một cơ hội tuyệt vời đến khiến tôi không thể bỏ qua. Trong lịch sử của trường, lớp tôi là khóa thứ ba và chỉ có 19 sinh viên. Khóa trước có chín sinh viên và chỉ có hai trong số này được đào tạo về tài chính. Vào thời kỳ thị trường chứng khoán hoạt động rất sôi động, các quỹ tín thác đầu tư đóng tại New York nhanh chóng thu nhận hai người này. Một ngân hàng hoạt động độc lập ở San Francisco gửi thông điệp tới trường xin một sinh viên tốt nghiệp về lĩnh vực đầu tư. Cả trường hào hứng tìm mọi cách tận dụng cơ hội này bởi nếu một đại diện của trường được ngân hàng đồng ý, các sinh viên khóa sau rồi cũng sẽ có cơ hội như vậy. Tuy nhiên, trường lại không có ai đã tốt nghiệp để gửi đi như yêu cầu. Đây không phải là chuyện đơn giản, song khi biết được cơ hội này, tôi quyết định thuyết phục trường gửi tôi với suy nghĩ nếu tôi làm tốt, tôi có thể ở lại đó. Nếu không, tôi sẽ quay trở lại trường và học tiếp năm thứ hai.
Vào thời kỳ tiền sụp đổ, người ta gọi các nhà phân tích chứng khoán là nhà thống kê. Trong ba năm liên tiếp, giá cổ phiếu liên tục giảm mạnh khiến công việc của các nhà thống kê ở Phố Wall hứng chịu tai tiếng đến mức họ phải đổi tên thành nhà phân tích chứng khoán.
Tôi nhận thấy mình có thể là nhà thống kê cho các ngân hàng đầu tư. Công việc mà họ giao cho tôi làm rất đơn giản. Chi nhánh đầu tư của ngân hàng chủ yếu bận rộn với việc bán các trái phiếu mới phát hành ở mức tỷ suất lợi nhuận cao và thu được các khoản hoa hồng khổng lồ. Trong thời kỳ mà thị trường thuộc về người bán, còn người mua sẵn sàng chấp nhận bất cứ mức giá nào, không hề có sự nỗ lực đánh giá chất lượng của các trái phiếu này hay bất kỳ cổ phiếu nào được bán. Sau đó, các nhà kinh doanh chứng khoán sẽ thông báo với khách hàng rằng họ có bộ phận thống kê nghiên cứu về chứng khoán mà khách hàng nắm giữ và cung cấp cho họ bản báo cáo về mỗi chứng khoán được kiểm soát. Những gì họ thật sự thực hiện trong “các bản phân tích chứng khoán” là tìm kiếm dữ liệu về một công ty nào đó trong các cuốn sách chỉ dẫn uy tín, như Moody’s hay Standard Statistics. Sau đó, chỉ với lượng thông tin được nêu trong cuốn sách đó, họ sẽ tìm hiểu diễn giải thành bản báo cáo của mình. Bất kỳ công ty nào có doanh số tiêu thụ lớn sẽ được báo cáo là “quản lý tốt”. Tôi không trực tiếp khuyên khách hàng nên chuyển từ một số chứng khoán mà tôi “phân tích” sang bất cứ một loại chứng khoán nào mà ngân hàng muốn bán lúc đó, nhưng toàn bộ bối cảnh đã tạo ra một động lực thúc đẩy kiểu phân tích này.
Xây dựng nền tảng
Không lâu sau đó, toàn bộ quy trình thủ tục tầm thường đó đã thôi thúc tôi phải tìm ra một cách thức tốt hơn. Tôi đã rất may mắn khi có ông chủ thấu hiểu nguyên do tôi quan tâm đến vấn đề này và tạo điều kiện để tôi thử nghiệm những gì đã đề xuất với ông. Mùa thu năm 1928, rất nhiều người quan tâm đến hoạt động đầu cơ cổ phiếu trong ngành sản xuất radio. Tôi tự giới thiệu với các khách hàng của chi nhánh sản xuất radio ở một số địa điểm bán lẻ tại San Francisco rằng mình là nhân viên đầu tư của ngân hàng. Tôi hỏi quan điểm của họ về ba đối thủ cạnh tranh lớn trong ngành này. Tôi rất bất ngờ khi họ đều đưa ra quan điểm như nhau. Đặc biệt, tôi đã học được rất nhiều điều từ vị kỹ sư làm việc tại một trong những công ty này. Công ty tư nhân Philco đã phát triển các mô hình có sức hút thị trường lớn. Kết quả là họ nắm giữ thị phần với mức lợi nhuận tuyệt vời do họ là nhà sản xuất đạt hiệu suất cao. RCA nắm giữ được thị phần của riêng mình, trong khi một công ty khác vốn được thị trường cổ phiếu ưa chuộng lại sụt giảm mạnh và có dấu hiệu gặp khó khăn. Việc này không phải là hoạt động trực tiếp của ngân hàng, vì nó không quản lý cổ phiếu của ngành radio. Tuy nhiên, một bản báo cáo mang tính định giá dường như có khả năng hỗ trợ đáng kể cho tôi trong ngân hàng.
Trong mọi tài liệu của các công ty ở Phố Wall, tôi không thấy từ nào bàn về các vấn đề gặp phải trong các lần phát hành “nóng” cổ phiếu của ngành radio mà rõ ràng nó sẽ hình thành sở thích đầu cơ. Trong một năm tiếp theo, khi thị trường chứng khoán tiếp tục đi theo hướng khác biệt, hầu hết các cổ phiếu luôn tăng nhưng các cổ phiếu mà tôi dự đoán có vấn đề liên tục bị xuống giá. Đây cũng chính là bài học đầu tiên và là một phần trong triết lý đầu tư cơ bản của tôi về sau: đọc các bản báo cáo tài chính in sẵn về một công ty không bao giờ là đủ. Một trong những bước đi chính để đầu tư khôn ngoan là phải tìm ra các sự vụ của công ty từ những người có mối liên hệ trực tiếp với chúng.
Tuy nhiên, ngay lúc này tôi không thể đạt được bước đi mang tính logic tiếp theo trong cách lý luận: khi cân nhắc đầu tư, chúng ta phải nắm bắt càng nhiều thông tin càng tốt về những người đang điều hành công ty, có thể bằng cách làm quen với họ hoặc tìm đến một người đáng tin hiểu rõ về họ.
Đầu năm 1929, tôi càng tin chắc rằng tình trạng bất ổn của cơn bùng nổ về giá cả có khả năng sẽ tiếp tục. Cổ phiếu liên tục tăng giá, xuất phát từ lý thuyết cho rằng chúng ta đang trong một “kỷ nguyên mới”. Bởi vậy, trong tương lai, lợi nhuận trên mỗi cổ phần tăng lên hàng năm là vấn đề hiển nhiên. Tuy nhiên, khi cố gắng nhận định về triển vọng của các ngành công nghiệp cơ bản ở Mỹ, tôi nhận thấy một loạt ngành gặp phải vấn đề cung cầu vốn có dấu hiệu triển vọng có thể bị lung lay.
Tháng 4 năm 1929, tôi nộp một bản báo cáo đặc biệt khác cho ngân hàng. Tôi dự đoán rằng sáu tháng tới sẽ chứng kiến sự khởi đầu của thị trường đầu cơ giá xuống lớn nhất trong vòng 25 năm. Tuy nhiên, thực tế diễn ra theo hướng hoàn toàn ngược lại.
Mặc dù tôi đã cảm nhận rõ ràng rằng thị trường chứng khoán nói chung quá cao trong những ngày đầy nguy hiểm của năm 1929, nhưng tôi lại bị mắc bẫy do tính hấp dẫn của thị trường. Tôi cố gắng tìm kiếm một vài cổ phiếu “vẫn ở mức giá rẻ” và hứa hẹn những khoản đầu tư giá trị do “chúng vẫn chưa lên giá”. Kết quả là với các khoản lợi nhuận nhỏ từ các giao dịch cổ phiếu cách đó vài năm, với phần tiết kiệm từ khoản lương kha khá cộng thêm một ít tiền tôi kiếm được khi còn trong trường, tôi cố gắng thu góp được vài nghìn đô-la. Tôi chia khoản tiền này thành ba phần bằng nhau và đầu tư vào ba loại cổ phiếu mà do thiếu hiểu biết, tôi cho rằng chúng vẫn đang bị định giá thấp trong thị trường định giá quá cao. Một loại cổ phiếu thuộc công ty đầu máy xe lửa hàng đầu với mức P/E rất thấp. Ngành sản xuất thiết bị đường sắt là một trong những ngành công nghiệp có tính chu kỳ nhất, chúng ta hầu như không thể tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra đối với lợi nhuận và doanh số của công ty khi cuộc suy thoái đang bủa vây phía trước. Hai loại cổ phiếu khác, thuộc một công ty sản xuất bảng dán thông cáo địa phương và một hãng tắc xi địa phương, đều đang được bán tại mức P/E rất thấp. Thay vì thành công như khi dự đoán những gì sẽ tiếp tục diễn ra đối với cổ phiếu của ngành radio, tôi không hề có hứng thú điều tra về những người hiểu rõ hai doanh nghiệp này, dù việc này tương đối đơn giản. Khi cuộc suy thoái ngày càng trầm trọng, tôi cảm nhận rất rõ rằng tại sao các công ty này lại bán với mức P/E thấp như vậy. Đến năm 1932, chỉ một tỷ lệ nhỏ các khoản đầu tư ban đầu của tôi trên thị trường trở về thị giá ban đầu.
Thị trường đầu cơ giá xuống trên quy mô lớn
Tôi tin rằng điểm khác biệt cơ bản giữa một người thông minh và một kẻ ngu ngốc là người thông minh học hỏi từ những sai lầm của mình, trong khi đó kẻ ngu ngốc thì không. Hệ quả của cách phân biệt trên là nó giúp tôi nhìn lại những sai lầm của mình và tránh không bao giờ lặp lại chúng.
Phương pháp tiếp cận đầu tư của tôi ngày càng mở rộng khi tôi rút ra bài học từ những sai lầm vào năm 1929. Tôi nhận ra rằng mặc dù một cổ phiếu có thể hấp dẫn khi chỉ số P/E thấp, nhưng bản thân chỉ số P/E thấp không đảm bảo điều gì, thậm chí nó còn có xu hướng đưa ra tín hiệu cảnh báo về mức độ yếu kém trong công ty đó. Tôi bắt đầu nhận thấy rằng sau này tất cả các quan điểm ở Phố Wall đều trái ngược, điều thật sự quan trọng là việc xác định một cổ phiếu rẻ hay bị định giá thấp không phải dựa vào tỷ lệ đó với thu nhập hiện tại, mà là tỷ lệ đó với thu nhập trong vài năm tới. Nếu tôi có thể thiết lập khả năng xác định mức thu nhập này trong một vài năm tới, tôi sẽ tránh được thiệt hại và thu về các khoản lợi nhuận kếch xù!
Bên cạnh việc nhận ra chỉ số P/E có xu hướng trở thành một dấu hiệu chỉ ra rằng một cổ phiếu là cái bẫy đầu tư cũng như đưa ra các đánh giá hữu ích về hoạt động đầu tư gian nan mà tôi đã trải qua trong suốt thời kỳ thị trường đầu cơ giá xuống trên quy mô lớn, tôi còn nhận thức sâu sắc về những điều quan trọng hơn. Tôi dự đoán đúng thời điểm các bong bóng của thị trường đầu cơ giá lên nổ tung, và gần đúng khi đánh giá tất cả các yếu tố gây nên sự kiện đó. Tuy nhiên, ngoại trừ danh tiếng của tôi tăng lên chút đỉnh, thì điều này chẳng mang lại tín hiệu tốt lành nào. Kể từ đó, tôi nhận ra rằng mọi lý giải chính xác về chính sách đầu tư hoặc về sự thèm muốn, về việc mua hay bán bất cứ loại cổ phiếu cụ thể nào đều không hề có giá trị cho đến khi nó được chuyển hóa thành hành động nhằm hoàn thành các giao dịch cụ thể đó.
Cơ hội thực hiện dự định
Mùa xuân năm 1930, tôi thay đổi chỗ làm. Sở dĩ tôi đề cập việc này vì đó là thời điểm xảy ra những sự kiện hình thành nên triết lý đầu tư của tôi. Một hãng môi giới địa phương đã tìm đến tôi và hứa hẹn một mức lương mà ở độ tuổi 22 và trong bối cảnh thời đó, tôi khó lòng từ chối nổi. Hơn nữa, họ đề nghị tôi một công việc hấp dẫn hơn rất nhiều so với những việc nhàm chán trước đây của “nhà thống kê” trong chi nhánh đầu tư của ngân hàng. Do không phải chịu bất cứ trách nhiệm nào, tôi có thể dành toàn bộ thời gian tìm các chứng khoán riêng lẻ mà theo tôi rất thích hợp để bán hoặc mua. Sau đó, tôi viết các bản báo cáo cho các nhà môi giới của hãng, hỗ trợ họ thu được nhiều lợi nhuận.
Lời đề nghị này đến với tôi ngay sau khi Tổng thống Herbert Hoover có một câu phát biểu nổi tiếng: “Sự thịnh vượng đang ở ngay trước mặt chúng ta.” Một vài đối tác của hãng tin vào điều này. Do vụ sụp đổ năm 1929, tổng số nhân viên của hãng giảm từ 125 xuống chỉ còn 75 người. Họ nói với tôi rằng nếu tôi chấp nhận lời đề nghị, tôi sẽ là nhân viên thứ 76. Lúc đó tôi chỉ chờ thị trường giá xuống trong khi họ lại chờ giá lên. Tôi cảm thấy chắc chắn rằng thị trường đầu cơ giá xuống còn kéo dài rất lâu. Tôi nói rằng tôi sẽ làm cho họ với một điều kiện. Vì họ có thể tùy ý sa thải tôi bất cứ lúc nào nếu họ không thỏa mãn với chất lượng công việc của tôi nên họ không được xét đến yếu tố thâm niên khi cắt giảm nhân viên khi thị trường tài chính đi theo hướng xấu. Họ đã đồng ý.
Trong muôn vàn gian khó vẫn có cơ hội
Với tư cách là người làm thuê, tôi không thể đòi hỏi luôn được đối xử tốt. Trong tám tháng tiếp theo, tôi đã thu nhận được một kinh nghiệm mang tính giáo dục quý báu nhất trong suốt cuộc đời kinh doanh của tôi. Đầu tiên, tôi thấy hàng loạt ví dụ về lý do tại sao không nên đầu tư. Năm 1930, một lần nữa cổ phiếu lại giảm sút không ngừng, vị trí của những người thuê như tôi trở nên ngày càng bấp bênh. Sau đó, ngay trước Giáng sinh, chúng tôi – những người sống sót qua thời kỳ Đại suy thoái – đã chứng kiến một tình cảnh khắc nghiệt khi toàn bộ hãng bị đình chỉ giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán San Francisco vì vỡ nợ.
Đôi lúc tôi đã lờ mờ có kế hoạch khởi sự doanh nghiệp riêng bằng cách thu phí khách hàng khi quản lý khoản vốn của họ trong trường hợp sự thịnh vượng quay trở lại. Tôi có ý định đi đường vòng nhằm vào những hoạt động của một nhà tư vấn đầu tư vì thời kỳ này vẫn chưa có ai sử dụng thuật ngữ này. Tuy nhiên, khi hầu hết những người tham gia lĩnh vực tài chính thắt chặt chi tiêu trong suốt thời kỳ ảm đạm vào tháng 1 năm 1931, công việc duy nhất tôi tìm được trong ngành chứng khoán đơn thuần là làm văn phòng, đối với tôi nó chẳng có gì thú vị. Nếu phân tích đúng tình thế, tôi có thể đã nhận ra đây là thời điểm hợp lý nhất để khởi sự một doanh nghiệp mới mà tôi từng dự định trong đầu. Tôi đã tìm ra hai lý do lý giải điều này. Thứ nhất, sau gần hai năm nước Mỹ chứng kiến thị trường đầu cơ giá xuống xảy ra trầm trọng, hầu như mọi người đều thất vọng với các mối liên hệ môi giới hiện thời và họ sẵn sàng nghe bất cứ ai, kể cả những người trẻ tuổi, đề xuất một cách tiếp cận hoàn toàn khác để quản lý các khoản đầu tư của họ. Thứ hai, khi nền kinh tế suy thoái sâu như năm 1932, rất nhiều doanh nhân giàu có có quá ít việc để làm và họ sẵn sàng dành thời gian gặp gỡ ai đó tìm đến họ. Còn trong thời kỳ bình ổn, thậm chí tôi không thể nào gặp được thư ký của họ.
Hình thành một nền tảng
Tất cả những điều này là kết quả từ những năm tôi làm việc tại một văn phòng nhỏ với chi phí cực rẻ. Không hề có cửa sổ, căn phòng của tôi chỉ đủ để một cái bàn và hai cái ghế với chi phí thuê 25 đô-la mỗi tháng. Các chi phí khác gồm văn phòng phẩm, bưu phí, thỉnh thoảng có các cuộc gọi đường dài. Cuốn sổ kế toán mà tôi vẫn giữ gợi nhớ lại quá trình gian khó mà tôi khởi nghiệp từ năm 1932. Sau thời gian không ngừng nỗ lực làm việc, trong năm đó tôi kiếm được khoản lợi nhuận trung bình 2,99 đô-la mỗi tháng. Năm 1933, khi tình cảnh vẫn còn khốn khó, tôi kiếm được một khoản hời hơn chút đỉnh, lợi nhuận trung bình 29 đô-la mỗi tháng. Nó cũng chỉ xấp xỉ khoản tiền mà những người bán báo trên đường phố có thể kiếm. Tuy nhiên, hai năm khởi nghiệp đầy khó khăn đó cũng chính là khoảng thời gian tôi kiếm lời nhiều nhất trong suốt cuộc đời. Chúng cung cấp cho tôi nền tảng để tạo dựng một công việc sinh lợi cao và từ năm 1935, tôi đã có một nhóm khách hàng rất trung thành. Tôi có quyền nói rằng tôi đã suy nghĩ sáng suốt khi khởi nghiệp với doanh nghiệp của mình, chứ không ngồi chờ đợi thời điểm thuận lợi hơn để bắt đầu. Thực tế, chính công việc duy nhất và đầy khó khăn đó đã thúc đẩy tôi dấn thân khám phá.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.