Cõi Người Ta

CHƯƠNG 3



III.PHI CƠ
Sá gì, Guillaumet ạ, sá gì những chuyện đó: ngày ngày, đêm đêm, nếu công việc anh làm là quẩn quanh xem xét bên những máy đo sức ép, là giữ thăng bằng trên những tuyến chuyển nghi, là thăm chừng tiếng chạy của động cơ, là phải liệu đảm đương trên hai vai mình mười hai tấn kim khí: những vấn đề được đặt ra với anh, đáo cùng, vẫn là những vấn đề con người ta, và thoắt thôi, anh bước ngang nhiên vào giữa cõi cao cả tót vời của người dân miền núi. Không thua gì một thi sĩ, anh cũng biết thưởng thức màu sương trắng giục bình minh. Từ đáy thâm u những đêm bay bất trắc, anh đã từng mong đợi màu hoa mộng mờ ảo hiện ra như chùm bông man mác, cái ánh lạ tuôn từ lòng đất tối, lên trào ngập cõi đông. Cái mạch nước giếng ngầm diễm ảo đó, đôi lần ở ngay trước mặt, đã chan hòa rất chậm rãi, và đã cứu sống anh lúc anh tưởng rằng mình đương chết.
Việc sử dụng một khí cụ khoa học vẫn không thể biến anh thành một gã chuyên môn khô cỗi. Tôi tưởng rằng những kẻ quá kinh hãi trước những tiến bộ của ngành khoa học chuyên môn, chắc là họ đã nhầm lẫn không phân biệt rõ phương tiện và cứu cánh. Kẻ nào đấu tranh trong hy vọng duy nhất nhằm vào những kết quả vật chất tiện nghi, hẳn nhiên là không thu hoạch được chút gì đáng giá cho cuộc sống. Nhưng máy móc không phải là cứu cánh. Phi cơ không phải là cứu cánh: nó chỉ là một dụng cụ. Một dụng cụ cũng như cái cày.
Nếu ta tưởng rằng máy móc làm hư nát con người, ấy có lẽ rằng chúng ta thiếu thời gian để lui gót ra sau và nhìn rõ lại, và xét đoán về những ảnh hưởng, những tác dụng của biến dịch nhanh chóng như những biến dịch chúng ta đã trải qua. Có nghĩa gì mấy đâu, một trăm năm của lịch sử máy móc đem so ra với hai trăm ngàn năm lịch sử của loài người. Quả thật chúng ta chỉ mới chớm khởi sự ngồi vào cư trú trong gian nhà mới mẻ, mà quả thật là chưa được xây dựng hoàn thành. Mọi sự quanh ta, đổi thay quá chóng: giao tế giữa đời, giao dịch làm ăn, điều kiện công việc, thói nhà, phong tục… Tâm lý của chúng ta cũng bị tơi bời điên đảo, ngay tận trong cơ sở u trầm nhất. Những ý niệm về biệt ly, về xa vắng, về cách trở, về trùng lai, không mang chứa những thực cũ, mặc dù từ ngữ diễn đạt vẫn là từ ngữ xưa. Để lĩnh hội cõi sống ngày nay, chúng ta dùng một ngôn ngữ thiết lập vì cõi sống hôm qua. Và đời sống của quá khứ dường như tương ứng với bản chất của chúng ta hơn, chỉ riêng vì một lẽ: nó đáp lại đúng lời, cho cái ngôn ngữ chúng ta.
Mỗi tiến bộ một ngày, mỗi đẩy xa chúng ta một chút, xa dời mãi những tập quán chúng ta vừa chớm bén quen hơi, và quả thật chúng ta làm những kẻ thiên di trên đất trích, chưa hoàn thành được cái tổ quốc chung.
Tất cả chúng ta là kẻ man di, mà những đồ chơi mới đương làm ngất ngây choáng mắt. Những cuộc tung cánh phi cơ không có ý nghĩa nào khác. Cái nọ bay cao hơn cái kia một chút, cái kia chạy chóng hơn cái nớ một phần. Vậy chúng ta quên mất cái do lai xui chúng ta lao đầu mà xô cho máy chạy. Tạm thời là thế, cái cuộc chạy tưng bừng, nó che lấp cái đối tượng là cứu cánh, hoặc do lai. Mãi mãi than ôi vẫn rồi ra rứa. Đối với người thực dân đi xây trời đế quốc, cái ý nghĩa cuộc đời là chinh phục cho mau. Người quân nhân khinh thường kẻ thực dân. Nhưng cái mục đích cuộc chinh phục kia, há là chẳng đắp xây của gã thực dân được thành tựu? Và thế đó, trong niềm phấn phát hứng thú trước những tiến triển của mình, chúng ta xô con người vào phục dịch công cuộc thiết lập đường rầy, cất cao nhà máy, khơi hầm đào mỏ, xẻ giếng dầu hôi. Chúng ta có quên đi chút ít một điều: những xây dựng kia, cốt là phụng sự con người. Đức lý của chúng ta, trong thời gian chinh phục là một đức lý quân nhân. Nhưng bây giờ, chúng ta phải đóng vai trò đúng điệu thực dân. Chúng ta phải làm sao cho cái căn nhà mới mẻ, chưa ra hình dạng rõ ràng, phải làm sao cho nó thành sống động. Chân lý, với kẻ này, là thiết lập; chân lý, với kẻ kia, là cư trú.
Ngôi nhà của chúng ta hẳn là lần hồi sẽ thân thiết với con người hơn. Cả máy móc cũng vậy, máy móc càng tinh xảo, máy móc càng nép mặt ở phía sau cái vai trò mình đóng; máy móc càng hoàn bị, máy móc càng xóa mình thin thít ở bên kia cái công dụng mình đưa ra. Dường như mọi cố gắng kỹ nghệ của con người, mọi bài toán chi ly, những bao đêm dài thao thức chỉ nhằm tới một điều là đạt tới chỗ đơn sơ, như tuồng cần phải qua kinh nghiệm hằng hằng của nghìn nghìn thế hệ, mới có thể khơi dẫn dần dần đường cong cây cột, nét nhịp mạn tàu, thân liễu yếu phi cơ tròn xinh như thể… như thể một lần là cho tới tột cõi nguyên trinh mà trả về cho ban sơ cái đường cong đồi vú, cái đài các đôi vai. Tưởng chừng cái việc làm của kĩ sư, của thợ vẽ, của các viên cán sự trong phòng nghiên cứu, chỉ như hình là mài giũa và xóa bôi, cho nhẹ nhàng nảy ra cái then cài, cái chốt cọ, cho thăng bằng uyển chuyển cái cánh mộng phi cơ, cho đến chỗ làm sao cho người ta không ngờ ra được nữa, cho người ta ngó nhìn mà không thấy cái chắp víu đôi bên, là mép thân, là miền cánh, làm sao cho thiên hạ phiêu bồng trước hình thể mở phơi, lai láng làm sao như giờ đây mới thật là thoát tục, láng như ngời, như ngẫu nhĩ chung đôi tuyết bạch trơn tru như mịn màng đầu gió, duy nhất hiện hình là đặc tính của thi ca. Tuồng như cái tuyệt vời hảo hợp chỉ đạt tới một lần là không phải lúc chẳng cần thêm, mà chính ra là cái khi không còn chi để rứt bớt ra một phần nào được nữa. Ở tột cùng tiến triển, hồn máy móc đã mờ xóa phiêu du.
Tuyệt hảo của phát minh cũng lăm le về chỗ quên mình là minh phát. Và, cũng như trong khí cụ, mọi cái gì máy móc hiện thể bên ngoài đã dần dà xóa bóng, và có đến với ta cũng tự nhiên như ngẫu sinh là một hòn sỏi biển trơn tròn, mà ngẫu sinh lại sinh từ sóng rộng, thì cũng vậy, cái tuyệt vời đáng nên tán tụng, là cái máy ta dùng, chính trong lần được dịch sử, đã dần dà tự biến dạng để người quên.
Xưa kia chúng ta tiếp xúc với phi cơ như chạm vào hồn phức tạp. Nhưng ngày nay quen nết, ta quên mất mình đang gửi nhịp với một động cơ sầu tỏa đương quay. Thế là tới đây, nó đã đáp ứng với chức vụ của mình, là quay vù, quay tít, như tim đập trong lồng, và cũng vậy, nào ai biết bên phổi mình đang có một quả tim quay. Ai lưu tâm lưu ý tới. Khí cụ ta dùng thân thuộc, đã mất hút lưu tâm. Ở bên kia khí cụ, và xuyên qua khí cụ, là ấy cõi sơ khai thiên nhiên sơ thủy ta tìm về bắt gặp lại, đó trùng lai – cõi thiên nhiên của chàng làm vườn, của chú hàng hải, của bác thi nhân.
Ấy rằng với nước, ấy rằng với hơi, ấy rằng với không khí, là ấy của người phi công cất cánh tiếp xúc đề huề. Lúc động cơ tung nhịp, lúc con tàu đã rạch sóng biển khơi, triều nước dâng, vỗ vào mạn tàu rột rột như rập rình chiêng dậy, quân nhạc ngân theo, thì con người có thể dõi theo việc làm kia bằng cách đo cật gan mình động đậy. Nó chấn động thế nào, thì ta cũng cảm rõ được từng phút, từng giây, chiếc thủy phi cơ càng tăng tốc độ, càng thu nhập thêm uy quyền trên làn sóng phân vân. Người phi công cảm thấy, trong cái khối mười lăm tấn kim khí kia, đang soạn sửa một hương nồng thuần thục, sắp dậy trào đưa toàn khối bay lên. Người phi công đưa tay nắm chặt thêm các tay lái, và dần dà thu nhập hết quyền hành nọ, như đón về một tặng vật ai trao. Nắm được tặng vật rồi, thì mọi bộ phận tay lái tự biến thành những sứ giả của quyền uy. Lúc quyền uy đã thục, người phi công chỉ cần làm một cử động nhẹ như chơi, nhẹ hơn vịn tay vào cành hái quả, là quá đủ để tách rời khỏi sóng nước cái thân con tàu yểu điệu, và đưa nó lên bầu trời dàn mộng giữa thương khung.
 

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.