Con Không Ngốc, Con Chỉ Thông Minh Theo Một Cách Khác

Chặng đường trưởng thành trong nghề nghiệp



Trong chuyên ngành cải huấn các hành vi sai lệch của thanh thiếu niên, tôi phát hiện ra tầm quan trọng của “thân chức giáo dục”20. Nhằm tạo điều kiện giúp các thanh thiếu niên trong hồ sơ cá biệt có thể tương tác lành mạnh với cha mẹ, bồi đắp sự khích lệ của những gia đình đó, có một khoảng thời gian rất dài tôi đã chuyên tâm vào các chủ đề như học cách diễn vai trò và chức trách của một người làm cha mẹ, giao tiếp với con cái, và làm thế nào để trở thành một bậc phụ huynh trong thế kỷ mới. Dường như tôi đã học tất cả những giáo trình liên quan, và đọc các thư tịch liên quan (những sách nổi tiếng và một số tác phẩm lý luận chuyên ngành). Tôi đã chỉnh lý theo hệ thống, trong quá trình học tập mặc dù đã hiểu được rất nhiều những lý luận và kiến giải, nhưng trong thực tiễn nghiệp vụ, tôi phát hiện ra thân chức giáo dục của những bậc cha mẹ trong ví dụ quả thực có được tăng cường. Dường như họ tâm thì có thừa, nhưng lực lại hữu hạn. Với những thanh thiếu niên trong hồ sơ cá biệt của những gia đình có cơ chế khích lệ không trọn vẹn này, cuộc hôn nhân của cha mẹ chúng dường như đều lâm vào tình trạng bất hòa trong thời gian dài, quan hệ vợ chồng mâu thuẫn sâu sắc, cảm xúc thường xuyên lo lắng bất an, chỉ cần có gì đó không vừa ý một chút là sẵn sàng nổi điên bất cứ lúc nào. Nếu như không cải thiện quan hệ vợ chồng, chỉ ngồi mong đợi quan hệ với con cái có thể cải thiện được là một điều hết sức khó khăn. Vậy nên tôi lại bỏ rất nhiều thời gian để tìm hiểu các chủ đề như mối quan hệ giữa hai giới, sự khác biệt của nam và nữ, quan hệ vợ chồng, trị liệu theo phương pháp gia tộc, v.v…

Bằng những sự nỗ lực này của bản thân, tôi phát hiện ra rằng để thay đổi được một con người khó khăn đến nhường nào! Đổi mới tư tưởng đã là một việc khó khăn, huống hồ là thay đổi hành vi! Một cá nhân luôn bị khống chế bởi kinh nghiệm, tập quán, tố chất riêng và luôn tuân theo một mô thức hành vi và tư tưởng mặc định của họ. Tri thức mặc dù có giá trị, nhưng giữa biết và làm luôn tồn tại một khoảng cách rất xa, những gì chúng ta biết thì thường lại không làm được. Tôi tốn rất nhiều thời gian để tìm hiểu điều kiện mấu chốt để thay đổi hành vi là gì?

Tôi phát hiện ra ngay cả những người trưởng thành, tuy nội tâm và thân xác đã phát triển đến mức độ ổn định nhưng cũng khó để thoát ra khỏi những mô thức hành vi bất lương, huống hồ là những đứa trẻ đang ở độ tuổi định hình nhân cách! Có một khoảng thời gian, tôi chú tâm tìm hiểu hành vi của con người bị ảnh hưởng bởi cảm xúc và tư tưởng như thế nào. Bởi tôi thường nghĩ, nếu bản chất con người là lý tính, là lôgic, vậy tại sao hành vi của chúng ta lại thường lệch lạc và hỗn loạn? Trong nhận thức của những người bình thường, cảm xúc là có thể quản lý, có thể dự kiến, có thể học tập và cải thiện được, nhưng trải qua thực tế, tôi mới phát hiện ra cảm xúc là nhạy cảm, đa biến, và khó dự báo đến thế nào. Bất kể là tình trạng sinh lý, kinh nghiệm nội tâm, nhận biết, hay chịu sự điều khiển của bản năng tự vệ trong tiềm thức, chúng đều khiến cho sự hiểu biết về cảm xúc ngày càng hạn hẹp. Cảm xúc điều khiển hành vi của một con người, vậy cảm xúc được quyết định bởi điều gì?

Khi gặp phải nút thắt, tôi được tiếp xúc với lĩnh vực Lập trình ngôn ngữ tư duy (NPL), hiểu được rằng ngôn ngữ, văn tự mà nhân loại sử dụng có thể ảnh hưởng đến hành vi và cảm xúc của nhân loại. Ngôn ngữ, văn tự là sự chú ý, mà quá trình vận hành của bộ não chỉ có thể tác nghiệp đơn nhất, chỉ có thể đồng thời có một sự chú ý, một loại cảm xúc và một loại suy nghĩ. Hiểu được sự vi diệu của não bộ con người, tôi tiến vào lĩnh vực khai phá tiềm năng, dự định đi tìm hiểu sự khác biệt của nhân loại. Cùng một quá trình học tập, tại sao lại dẫn đến những kết quả khác nhau! Não bộ mỗi người đều có những tố chất đặc biệt khác nhau, từ đó hình thành nên trí tuệ đa nguyên. Làm thế nào để khiến cho những người có tố chất đặc biệt khác nhau đều có thể thực hiện được ước mơ mà họ theo đuổi? Với suy nghĩ như vậy, tôi tham gia khóa học đang rất thịnh hành khi đó là

“Thành công học”. Tôi muốn biết được một cá nhân làm thế nào để thực hiện giấc mơ. Nếu như có được một bộ phép tắc về thành công, tôi sẽ có thể giải thoát cho những thanh thiếu niên trong hồ sơ cá biệt đang ở bên lề hay dưới đáy của xã hội, giúp cho chúng có cơ hội hòa vào dòng chảy cạnh tranh giá trị của xã hội.

Tôi đầu tư tham gia khóa “Thành công học”, một khóa học mà khi đó bị cho rằng phải nộp một mức học phí trên trời, trong 100 200 học viên khi đó, tôi là công chức duy nhất. Mục đích đến lớp của tôi khác với mọi người, không phải để học lên cao, cũng không phải vì tiền, tôi chỉ muốn tìm ra con đường thành công cho đám trẻ này mà thôi. Khóa học này tuy đắt đỏ, nhưng đã mang lại cho tôi rất nhiều điều gợi mở.

“Thành công” rốt cuộc là gì đây? Tỷ phú thế giới Bill Gates đã được coi là thành công chưa? Vương Vĩnh Khánh, Trương Trung Mưu21 đã được coi là thành công chưa? Nếu như họ thành công rồi, vậy tại sao họ vẫn nỗ lực như vậy? Của cải có là thước đo cho thành công không? Nếu không thì thứ gì mới có thể? Sự nỗ lực của và thành tựu của ngài Schweitzer22, mẹ Teresa23 hay ni sư Chứng Nghiêm24, có thể coi là thành công không?

Tôi không hiểu một người tại sao phải tồn tại? Tại sao phải nỗ lực? Mỗi người khi sinh ra phải chăng đều phải mang theo sứ mệnh và nhiệm vụ nào đó? Nếu đúng là như vậy, nhiệm vụ và sứ mệnh của cuộc đời tôi là gì? Còn nếu không, khoảng thời gian từ lúc sinh ra đến khi chết đi rốt cuộc là có ý nghĩa gì? Ngoài sự nỗ lực để sinh tồn, con người còn có thể theo đuổi điều gì? Vô vàn những câu hỏi, vì những môn học này mà tôi lại càng thấy mê hoặc!

Nhưng nếu như với chính mình tôi cũng không thể làm sáng tỏ những điều này, làm sao có thể dẫn dắt, uốn nắn đám trẻ này đây? Tôi rơi vào một trạng thái bất an cực độ! Tôi phát hiện ra sự ngu ngốc và bất lực của chính mình, ngay chính bản thân tôi cũng không thể nhận thức, không thể hiểu được, làm sao tôi có thể giúp đỡ những người khác? Trong khoảng thời gian này, tôi bỗng có một cảm giác xa cách lạ lẫm với chính mình và gia đình. Tôi và vợ đã ở với nhau được hơn 10 năm, cả hai đều hiểu rõ và thương yêu nhau, nhưng đối với tôi, cô ấy cũng xa lạ như chính tôi đối với bản thân mình. Con cái, cha mẹ, người thân của tôi, tôi chưa từng thực sự hiểu được họ, bởi ngay chính mình tôi cũng không hiểu được, làm sao có thể hiểu người khác đây? Đối với bản thân tôi, sự hiểu biết đối với người thân là hữu hạn đến vậy, nhưng khi đó tôi lại thành lập hẳn một quỹ tài trợ để phục vụ xã hội. Ngay đến chính mình tôi cũng không nhận ra, làm thể nào mà tôi có thể hiểu được cả một xã hội được tập hợp bởi vô số người kia? Dù nỗ lực nhưng nếu không biết được nhu cầu thực sự của người khác, cũng không biết được nhu cầu của mình là gì, vậy nỗ lực liệu có ích gì? Chỉ làm phí hoài năng lượng và cuộc đời của bản thân mà thôi! Mặc dù, quỹ tài trợ khi đó đã tiến hành rất nhiều nghiên cứu phát triển sáng tạo có tiềm năng và đã đạt được rất nhiều kết quả, thậm chí còn có nhiều phát minh được cấp bằng sáng chế. Tôi biết được hành trình nội tâm của phát minh sáng tạo, cũng biết được làm thế nào để tiến hành huấn luyện giáo dục, nhưng nếu tôi không biết được nhu cầu thực sự của nhân loại, tương lai của nhân loại, vậy thì sáng chế và phát minh cũng chỉ làm tổn hao nhanh chóng tài nguyên của Trái đất này mà thôi. Vì vậy, tôi quyết định ngừng quá trình nghiên cứu hành trình nội tâm trong lĩnh vực sáng tạo phát minh, mà chỉ chú tâm vào chủ đề tự mình khám phá.

Ai có thể nói và dạy cho tôi tìm hiểu về ý nghĩa và phương hướng của cuộc sống đây? Ai có thể cho tôi biết tôi là ai? Rốt cuộc tôi phải đi đâu? Khi tôi đang khủng hoảng vì sự ngu dốt của bản thân, thì có một thầy giáo xuất hiện, tôi dốc toàn bộ những gì mình có để mong nhận được sự trợ giúp của ông. Tôi muốn tháo gỡ những sự ngu dốt này. Tôi muốn tìm ra lối thoát của sinh mệnh từ trong rừng rậm của cuộc đời. Tôi đã lãng phí 40 năm cuộc đời để khám phá, tôi không thể chấp nhận cuộc sống trong tương lai khi vẫn chưa biết được mình là ai? Mình thực sự mong muốn điều gì? Theo kế hoạch ban đầu, tôi định theo học người thầy này ba năm. Dưới sự chỉ bảo tận tâm của ông, khi sắp kết thúc năm thứ nhất, dường như tôi đã hiểu được bản thân không cần nhiều điều trong cuộc đời này, nhưng vẫn chưa thể biết được điều mình thực sự cần là gì!

Thế nhưng vì đây là một người thầy có khuynh hướng kinh doanh, mục tiêu mà ông ấy hướng dẫn rõ ràng không phải là những gì tôi cần, tôi phải đầu tư nhiều tiền của như vậy để tiếp tục việc học tập như thế này sao? Nội tâm tôi giằng xé điên cuồng! Nếu như thực sự có thể khiến cho tôi nhận được những gì mình muốn, thì đầu tư bao nhiêu tiền bạc, thời gian đương nhiên đều xứng đáng. Nhưng nếu như sự dẫn dắt kiểu như vậy chỉ có thể đưa tôi đến một cánh rừng của sự đượcmất khác, vậy tiếp tục để làm gì?

Khi tôi rơi vào thế lưỡng nan, một cơ hội ngẫu nhiên xuất hiện khi tôi vô tình nhìn thấy trên kệ sách tác phẩm trứ danh Đạo chi môn của Osho, một cuốn sách mà tôi đã mua từ nhiều năm trước, tựa tiếng Anh của nó là I am the gate. Mắt tôi sáng lên vì nó, khi đó tôi đã giác ngộ ra rằng tất cả những nỗ lực trước đây của mình dường như đã đi sai phương hướng, tôi luôn hướng ra bên ngoài để tìm kiếm giá trị và khả năng có thể cống hiến. Ý nghĩa và phương hướng của cuộc sống, không phải là thế giới bên ngoài, mà là thế giới nội tâm. Cho đến lúc này, tôi mới tỉnh giấc, hai mươi năm trước tôi đã tìm được đúng phương hướng nhưng rồi lại lạc lối một lần nữa, khi đó tôi đã quyết tâm theo học hệ triết học, ngoại trừ “tình yêu” và “trí tuệ” của triết học đã hấp dẫn tôi một cách sâu sắc, một nguồn cảm hứng quan trọng khác đó là trong truyện ký của Socrates, có một đoạn tựa như một câu châm ngôn:

“Nếu như hiểu được chính mình, bạn sẽ biết được toàn thế giới!”

“Nếu như có được chính mình, bạn sẽ có được nguồn tri thức thực sự!”

Tôi quyết định từ bỏ người thầy kia và không tiếp tục học tập nữa. Bởi vì tất cả đáp án không nằm ở bên ngoài mà nằm trong chính nội tâm tôi. Có lẽ vị thầy kia cũng biết hoặc hiểu được tất cả, nhưng phương thức dùng tri thức để đổi lấy tiền bạc của ông ấy khiến cho tôi không thể tiếp nhận được một cách trọn vẹn. Hơn nữa, tôi cũng không cho rằng ông ấy thực sự hiểu và biết được, những gì ông ấy biết chỉ là một phần của sự chân thực và tồn tại. Tôi quyết định lần theo sự chỉ dẫn của Osho, tiếp tục bước trên con đường tự mình khám phá. Tôi cảm thấy may mắn vì lựa chọn của mình. Bằng sự dẫn dắt của Osho, lần đầu tiên được nếm trải mùi vị thực sự của cuộc đời. Từ đây tôi bắt đầu hiểu được rằng, bất cứ sự cố gắng nào cũng sẽ khiến cho tôi rời xa khỏi những cốt lõi nội tại!

Lặng ngắm, tạm dừng vốn không phải câu chữ, mà là những trải nghiệm hiếm có trong cuộc sống! Cánh rừng rậm của cuộc đời bắt nguồn từ một khối óc liên tục bị rối loạn. Tôi chưa từng bước chân đi vào cánh rừng, tất nhiên cũng không phải tìm ra lối để thoát khỏi cánh rừng đó. Cuộc sống là ngẫu nhiên và không rõ ràng, sự rối loạn đến việc bản thân ta nỗ lực tìm kiếm lời giải đáp. Đã là ngẫu nhiên, chúng ta không thể tìm thấy mục tiêu và phương hướng của cuộc sống, lại càng không thể tìm ra tấm bản đồ cuộc sống. Nội tâm của chúng ta chính là vũ trụ, đại dương. Làm thế nào để tìm thấy vũ trụ và đại dương đây? Bất cứ sự nỗ lực nào cũng đều sẽ khiến cho chúng ta rời xa khỏi sự nhận biết đối với thế giới nội tâm. Điều duy nhất rõ ràng của cuộc sống, đó là nó không thể rõ ràng. Nội tâm ta có một dòng suối hoan hỷ luôn chảy tràn một cách tự nhiên, thì ra tôi sớm đã chạm đến được, nhưng rồi lại tìm đường ra đi. Khi lần đầu tiên nếm trải mùi vị của sự thanh thản và tự tại trong hành trình của cuộc sống, tôi không cần phải “dù không biết nhưng vẫn vờ là biết, không hiểu nhưng vẫn vờ là hiểu” nữa. Hạnh phúc không nằm ở quá khứ, tương lai, mà là ở hiện tại. “Ngay ở giây phút này” mới chính là hiện thực của cuộc sống!

Tôi đặt xuống mọi mong đợi và nỗ lực, một lần nữa đối diện với những thanh thiếu niên trong hồ sơ cá biệt của tôi. Mỗi một người, mỗi một thời khắc gặp gỡ đều thật tươi mới và tràn đầy sự ngạc nhiên. Sự kháng cự, xung đột khi tương tác ít đi, tôi chỉ có thể dìu dắt những đứa trẻ này đi một đoạn đường mà thôi, giống như đứng bên bờ sông lặng nhìn chúng trôi đi, bất cứ hành vi, dục niệm nào cũng đều sẽ làm rối loạn hành trình tự mình khám phá của chúng. Cuộc sống thì ra có thể nhẹ nhàng như vậy, chuyên ngành thì ra chỉ là một tổ hợp của sự chủ quan và thành kiến. Tôi lĩnh ngộ được sức mạnh thần kỳ của tâm thế bình thản nhìn nhận mọi việc, và cũng hiểu được lời Socrates từng nói, khi bạn hiểu được chính mình, bạn sẽ hiểu được tất cả!

Nhìn thấy chính mình:

Sự cố gắng trong hành trình cuộc sống, mặc dù những gì nhận lại thường không được như ước nguyện ban đầu, nhưng chính vì cố gắng mà cuộc sống của chúng ta mới có được những thu hoạch bất ngờ. Từ trong sự nỗ lực, chúng ta sẽ hiểu được rằng, những thứ mà chúng ta thực sự muốn không nhiều, sau khi theo đuổi và đạt được, chúng ta mới biết rằng nó lại không phải là thứ mà bản thân thực sự cần và muốn. Chính vì sự cố gắng mà chúng ta sẽ vứt bỏ đi những rác rưởi và gánh nặng thừa thãi nơi con tim. Từng có ước mơ, từng có nỗ lực, đến cuối cùng mới phát hiện ra rằng, tất cả những gì mình mong đợi, đều vẫn nằm ở điểm xuất phát.

Điều mà tôi thực sự cần sớm đã có được, nhưng vì ước mơ và nỗ lực mà đã đi một chặng đường dài, biết một cách rõ ràng thứ gì tôi không muốn, tôi cũng mới có thể rũ bỏ lớp bụi mờ để tìm ra kho tàng nội tại của chính mình!

Nếu có bất cứ mơ ước gì, bạn hãy nỗ lực nhé! Tất cả những nỗ lực đều sẽ làm phong phú hơn trải nghiệm của cuộc sống. Bởi khi liên tục thử, liên tục nỗ lực, chúng ta sẽ dần mở ra cánh cửa để khám phá bản thân. Điều mà rất nhiều người mong đợi chỉ là kết quả, mà không biết rằng kết quả chỉ là một phần của quá trình. Thách thức, đột phá, khắc phục, chinh phục, thành công, chỉ cần muốn, bạn hãy thực hiện nó!

Chỉ có liên tục lặp lại – Tôi muốn! Tôi phải! Cũng giống như khi chúng ta bóc hành tây, từng lớp từng lớp được bóc ra, đến cuối cùng mới nhìn thấy cốt lõi của sinh mệnh: chân tướng của sự “trống rỗng”! Chúng ta cũng mới có thể hiểu được tất cả chỉ là một trò chơi, một trò chơi không có thắng thua, thành bại. Tất cả mọi thứ nhìn có vẻ là tồn tại, nhưng lại là ảo ảnh, muốn nếm vị ngọt thực sự kia, buộc phải liên tục trải qua quá trình nỗ lực, nỗ lực hơn nữa và liên tục vấp ngã. Đừng từ bỏ ân điển của thượng đế, đừng oán trách mình nỗ lực bất thành, tất cả mọi chuyện đều sẽ có ích cho sự khám phá nội tâm của chúng ta. Một lần nữa hãy cảm ơn tất cả đã ban cho chúng ta muôn trùng sự kiện, tặng cho chúng ta những trải nghiệm liên tục, và trải nghiệm nhiều hơn nữa! Nhìn thấy con người thực sự của chính mình! Cuộc sống sẽ giống như tinh thể kim cương, phản chiếu tất cả những sắc màu cuộc sống một cách trong suốt và rạng ngời!

Sự phát hiện này, có lẽ sẽ không thể đổi lấy vật chất, nhưng sự sung túc của nội tâm đã đủ để khiến chúng ta sống không uổng kiếp này rồi!

Chúc cho bạn! Cũng có thể nhờ sự nỗ lực mà trải nghiệm được mọi thứ!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.