Con Không Ngốc, Con Chỉ Thông Minh Theo Một Cách Khác

Đứa trẻ không biết xem giờ



Từ khi trở về nhà, tôi như một chú búp bê thủy tinh chỉ cần gió thổi là có thể rơi xuống vỡ tan, đặc biệt đối với bà ngoại và mẹ, có thể nói là tôi được “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”. Họ hầu như không cho tôi ra ngoài, phần lớn thời gian tôi chỉ có thể loanh quanh trong nhà, khó khăn lắm mới thỉnh thoảng được đến điểm phúc lợi của công trường mua ít bánh kẹo, nhưng vẫn phải có người cùng đi. Thậm chí hàng xóm trước đây đến thăm nhà, mẹ và chị hai đều bắt tôi nói rõ tên của từng người và phải trả lời xem đang chơi trò gì, giống như tôi vẫn là một đứa bé mới bắt đầu bập bẹ học nói.

Làm người bệnh trong khoảng một hai tháng, sức khỏe của tôi dần dần hồi phục, bắt đầu có thể chầm chậm trò chuyện đơn giản với mọi người và tự xử lý được sinh hoạt của bản thân. Cả ngày tôi phải một mình chơi với em gái, đến khi nhìn thấy những đứa trẻ khác đi học, dường như rất vui vẻ, tôi bắt đầu muốn lên lớp. Chị hai phát hiện thấy tôi có vẻ rất muốn đi học, bèn lấy cho tôi những cuốn sách trước kia tôi từng đọc. Vậy nhưng dù chị hai có dạy hoặc tôi có cố gắng thế nào đi chăng nữa, tôi đều chẳng thể nhớ được, ngay cả những con số đơn giản tôi cũng không có ấn tượng gì. Chị hai dường như nhận thấy vấn đề của tôi liền nói với cha, vậy mà cha lại tỏ ra rất lạc quan, không những chẳng lo lắng gì mà còn bảo chị hai cứ từ từ, không cần phải vội.

Nhưng chị hai rất sốt ruột: “Cha, Vỹ bây giờ đến tên mình cũng không biết viết. Con dạy nó học toán, số 6 và số 9 cũng phải nghĩ ngợi rất lâu, như thể cứ gặp số 6 là nó lại quên tuốt mọi thứ vậy. Đến em Phương bây giờ cũng đã học được rồi. ”

“Đừng lo! Vì sốt cao nên não bộ bị tổn hại thôi, lần trước bác sĩ cũng nói vậy, sẽ có một số năng lực bị thoái hóa hoặc mất đi, giờ đây Vỹ chẳng những có thể bắt đầu nói chuyện, chân cũng biết đi, tay cũng có thể hoạt động bình thường, vậy là cha đã rất vui rồi. Con chưa nhìn thấy đấy thôi, so với những đứa trẻ khác trong bệnh viện, Vỹ được các bác sĩ coi là kỳ tích rồi! Trễ mất mấy tuần liền mới đi khám, vậy mà não vẫn chưa bị hỏng!”

Vừa nói, cha vừa mỉm cười xoa đầu tôi, sau đó cha cũng nhẹ nhàng vuốt tóc chị hai, khóe mắt ngấn lệ. Đối với cha, gần hai tháng nay trái tim ông đã bị giày vò rất nhiều, lôi được đứa con từ Quỷ môn quan trở về, như vậy đã là quá đủ! Nhưng cha vẫn không kể với chị hai việc bác sĩ nói tôi chỉ có thể sống tối đa thêm ba năm, bởi dù sao chị vẫn chỉ là một đứa trẻ.

Nghỉ ngơi tiếp một tuần, cha mẹ quyết định thứ Hai tuần sau đưa tôi trở lại trường học. Sau khi biết được tin này, tôi vui mừng khôn tả. Thế nhưng cha lại chẳng hề cảm thấy vui lây, hai người lặng nhìn cặp sách và đồng phục đã chuẩn bị sẵn cho tôi, sắc mặt ưu tư: Đi học rồi, cái gì cũng không biết thì phải làm sao? Làm thế nào để theo kịp các bạn? Nỗi lo của bà ngoại và mẹ cũng không ít hơn cha là bao: “Vỹ bây giờ như vậy, không biết có bị các bạn bắt nạt không? Trường cách xa nhà như thế, chẳng may bị ngất ra đấy thì ai đến giúp cơ chứ?”

“Cha! Con đã học trung học rồi, nếu em Vỹ đi học ở trường thì ai chăm sóc cho nó?” Chị hai cũng có nỗi niềm riêng của mình. Ngày xưa để chị hai có thể học cùng tôi, cha mẹ đã tốn rất nhiều công sức mới khiến ban giám hiệu nhà trường phá lệ cho tôi đi học sớm, giờ tôi bị như vậy, chị hai sao có thể không lo lắng được chứ? Bây giờ chị hai đã lên trung học, muốn đến trường trung học phải chuyển hai lần xe để đến Đại Khê, hằng ngày chưa đến năm giờ sáng đã phải rời khỏi nhà, kể cả nếu phải cuốc bộ một tiếng đồng hồ đi đường núi xuống Tam Dân thì khi đó cũng mới sáu giờ hơn, tôi đến trường sớm như vậy để làm gì chứ?

Cha gom lại những câu hỏi trên, rồi suy nghĩ và sắp xếp kỹ lưỡng.

Thứ Hai, cha tự mình đưa tôi đi học, trước khi vào trường, ông đưa tôi đến trạm xá của vị “bác sĩ man rợ”, cảm ơn sự giúp đỡ trước kia của ông, sau đó kể lại chi tiết những lời dặn dò của bác sĩ trường Đại học Đài Loan, hy vọng sau này nếu bệnh của tôi chẳng may tái phát, ông ấy có thể kịp thời chữa trị trước cho tôi. Vị bác sĩ thân thiện đồng ý, bảo cha yên tâm. Sau đó, cha lại đưa tôi đến nhà một người bạn mở tiệm mỳ cách đó không xa – Bác Khôn, nhờ bác ấy mỗi ngày chuẩn bị sẵn cho tôi cơm trưa và làm người liên lạc khẩn cấp nếu lỡ tôi xảy ra chuyện. Mọi việc sắp xếp xong, cha mới dẫn tôi vào trường.

Vừa vào đến cửa lớp, các bạn đã dành cho tôi một tràng pháo tay nhiệt liệt. Để tiện chăm sóc, cô chủ nhiệm sắp xếp cho tôi ngồi ở bàn đầu. Khi đó sĩ số lớp rất đông, mỗi bàn vốn chỉ có thể đủ chỗ cho hai người thì phải ba bạn ngồi ghép, tôi ngồi ở giữa hơi chật chội, nhưng vẫn có cảm giác rất thích thú.

Cha và cô chủ nhiệm trò chuyện rất lâu sau mới bước vào lớp, cha cúi đầu trước mặt cả lớp, nói với mọi người tình trạng bệnh tình của tôi, mong cả lớp có thể quan tâm giúp đỡ, đừng để tôi vận động mạnh. Cha còn chuẩn bị sẵn kẹo chia cho các bạn, cả lớp vui như mở hội!

Ngoài ra, cha còn nhờ cậy sự giúp đỡ của thầy hiệu trưởng và cô chủ nhiệm, hy vọng tôi được miễn tham gia chào cờ để không bị phơi nắng ngoài trời. Ngày hôm đó, cô giáo còn giảng một tiết học đặc biệt về con đường truyền nhiễm của bệnh viêm não Nhật Bản. Tôi vẫn nhớ cô giáo tôi là người ở huyện Phục Hưng, trên mặt có nhiều mụn cám, tính cách vô cùng hoạt bát nhiệt tình. Sau khi tốt nghiệp trường cao đẳng sư phạm, cô tự nguyện trở về quê dạy học, cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in tên của cô – cô giáo Cao A Kim.

Nhờ căn bệnh của mình, tôi được hưởng rất nhiều chế độ đãi ngộ đặc biệt ở trường, bài tập về nhà ít hơn, được quan tâm nhiều hơn. Ấn tượng khá sâu đậm khi đó là môn tính nhẩm ở học kỳ hai năm lớp hai, mỗi lần lên lớp cô giáo đều lấy ra một chiếc đồng hồ bằng gỗ lớn chuyên dùng để giảng dạy, cô cầm kim đồng hồ kéo qua kéo lại để cả lớp đồng thanh trả lời xem mấy giờ mấy phút, sau đó cô bắt đầu dạy cách đếm thời gian. Qua vài tuần dạy cả lớp xem đồng hồ, cô vẫn chưa phát hiện ra điều gì bất thường nơi tôi. Mãi cho tới một hôm, cô yêu cầu tất cả mọi người cất hết sách vở để làm bài tập trắc nghiệm trên giấy. Cô đi qua đi lại gần bàn, tôi cố giả vờ viết một cách chăm chú. Sau đó, cô giật mình khi nhìn thấy bài trắc nghiệm của tôi: “Lư Tô Vỹ, em không biết viết tên của mình sao?”

Đó là vì tôi chỉ viết được mấy vần đầu, những chữ ở giữa thì ngả nghiêng không rõ, đằng sau thì mất hẳn!

Cô lại hỏi: “Em có biết xem giờ không?”

Hơi thấy sợ, tôi bèn gật gật đầu.

“Biết thật không?”

Tôi sợ quá, lại lắc lắc đầu!

Cô bước lên bảng, lấy đồng hồ gỗ ra, quay kim giờ rồi hỏi tôi:

“Đây là mấy giờ mấy phút?”

“Một, hai, ba, bốn…”

“Lư Tô Vỹ! Những con số này em cũng không biết à?”

Cô bắt đầu hơi bực, giọng nói cũng cao hơn.

“Có, có ạ!” Sợ cô nổi trận lôi đình, tôi lắp bắp cố trả lời thật nhanh.

Cô chỉ ngón tay vào ba giờ, tôi nhẩm tính trong bụng: một, hai, ba!

“Ba!”

Cô lại chỉ vào số chín, tôi do dự hồi lâu, trả lời không chắc chắn:

“Tám? Chín?”

Dường như cô đã hiểu ra điều gì đó.

“Lư Tô Vỹ! Em ngồi xuống!”

Bắt đầu từ hôm đó, bài tập về nhà môn Văn của tôi bắt đầu không giống với các bạn khác, cô giáo yêu cầu tôi chép tên của mình mười lần. Buổi chiều khi tan học, cô yêu cầu bạn học ở gần nhà thông báo để cha đến đón tôi, rồi bắt tôi ở lại, lấy những thẻ số môn toán ra dạy tôi học đếm lại. Cũng may là trước khi trở lại lớp, chị hai đã dạy trước cho tôi cách đếm, ngoài việc đôi khi đọc nhầm giữa 6 và 9 ra, cả mười con số tôi đều nhớ được.

Tiếp theo, cô Kim dạy tôi đếm kim phút, cô căn cứ theo thứ tự số dạy tôi một lượt, cách này có vẻ hơi phức tạp thì phải! “1 là 5 phút, 2 là 10 phút, 3 là 15 phút…”

Cô vẫn rất kiên nhẫn dạy tôi, tôi cũng rất nghiêm túc muốn học, nhưng chẳng hiểu tại sao tôi không thể tập trung được!

“Lư Tô Vỹ! Em phải tập trung vào! Không học được gì cũng không sao, nhưng chí ít phải viết được tên của mình, phải nhìn được giờ. Phải chăm chỉ, em hiểu không?”

Cô nhẹ nhàng mỉm cười, da đầu tôi giật giật, đầu óc không hiểu tại sao bỗng trống rỗng, tôi rất muốn khóc, nhưng lại không dám! Tiếp theo cô dạy tôi xem giờ. Lúc đầu cô chỉ kéo kim giờ theo số chẵn, chẳng bao lâu sau tôi đã học được; nửa tiếng (30 phút), cũng khá dễ dàng. Nhưng sau đó thời gian mà cô chỉnh không phải số chẵn, cũng chẳng phải nửa tiếng nữa, tôi bắt đầu căng thẳng, chỉ có thể miễn cưỡng nhìn kim giờ.

“Bảy giờ… Bảy giờ…”

“Lư Tô Vỹ! Nếu nhất thời không nhớ ra thì phải tính lại từ đầu, 5, 10, 15, 20…. Đây là bao nhiêu?”

“Hai mươi… lăm phút!”

“Tốt lắm, đúng như vậy!”

Tay cô lại điều chỉnh kim đồng hồ, tôi len lén nhìn ra bên ngoài, chỉ mong cha sớm xuất hiện!

“Mấy giờ? Mấy phút?”

“Tám giờ…”

“Nào, đọc cùng cô, 5, 10, 15, 20… Như vậy là?”

“45 phút!”

“Như vậy em đã biết rồi chứ? Bây giờ không nhắc nữa nhé, em thử xem!”

Cô lại quay kim đồng hồ: “Mấy giờ? Mấy phút?”

“Sáu giờ…”

Cô giáo xòe năm ngón tay ra.

“Năm phút ạ!”

“Năm cái đầu em ấy! 5, 10, 15, 20, 25… 6 giờ 25 phút chứ!”

Cô giáo bắt đầu mất kiên nhẫn. Trời dần chuyển tối, ánh sáng đỏ phía cuối chân trời le lói chiếu vào phòng học, hắt lên khuôn mặt cô, làm nổi bật lên đôi mắt to dài và ngũ quan cân đối. Tôi chỉ liếc nhìn cô một cái, rồi chẳng dám ngó lên nữa!

Trời bắt đầu tối hẳn, cô đi ra bật đèn điện, ánh sáng vàng gạo đáng lẽ sẽ mang đến cảm giác ấm áp an toàn, nhưng chẳng hiểu sao từ đầu đến chân tôi là từng đợt lạnh đến run người, ngày càng không thể tập trung được. Cô giáo dường như quên mất tôi là một đứa trẻ đang mang bệnh, bắt đầu trở nên nghiêm khắc như khi dạy các bạn khác. Cô dùng thước kẻ gõ mạnh lên bàn:

“Chuyên tâm vào nào! Bây giờ cô sẽ hỏi em, không trả lời được thì ăn đòn!”

Cô quay một vòng kim đồng hồ: “Mấy giờ mấy phút đây?”

“Tám…”

“Vẫn là tám giờ hả? Đây là chín giờ chứ! Giơ tay ra!”

“Vụt!” Cô đánh vào lòng bàn tay, đau đến mức tôi lập tức rụt lại xoa lấy xoa để. Cơn đau vẫn chưa dịu đi, cô lại quay thêm một vòng kim rồi hỏi: “Nói nhanh! Mấy giờ? Mấy phút?”

Đầu óc tôi trống rỗng, đành nhẩm tính từ đầu, do dự mãi một lúc lâu mới dè dặt trả lời: “Bảy giờ ạ!”

“Bảy giờ? Nhìn kỹ xem nào!”

“Tám giờ!”

“Tám giờ là thế nào? Kim giờ là kim ngắn kia cơ mà!”

“Một, hai, ba… ba giờ ạ!”

“Bao nhiêu phút?”

“Bảy… bảy…”

“Xòe tay ra!”

Lại vụt một tiếng! Tôi đau đến nỗi chẳng nghe thấy cô giảng gì nữa, nước mắt bắt đầu tuôn ra!

Hình như cô không có ý định tạm nghỉ giải lao, lớn tiếng trách mắng: “Đã không học được, lại còn dám khóc à?”

Tôi đưa đôi mắt nhòe ướt ngước lên nhìn cô quay tiếp đồng hồ.

“Mấy giờ? Mấy phút?”

Nước mắt vẫn lã chã rơi, tôi xoa xoa tay, xòe ra trước mặt, nấc nghẹn từng lời: “Em không biết, không biết ạ…”

Cô tức đến nỗi đánh rơi cả thước chỉ bảng xuống đất, vì rơi quá mạnh, cái que tội nghiệp đập xuống đất rồi nảy bật vào bục giảng.

Tôi giật mình, sợ đến nỗi không dám thở mạnh, cúi gằm mặt len lén nhìn cô.

Cô giậm chân bình bịch: “Không biết, không biết! Cô dạy em bốn tiếng rồi đấy em biết không? Đến xem giờ em cũng không biết thì sau này làm thế nào?”

Cô vừa nói vừa lùi ra sau, chẳng may va phải rồi ngồi luôn xuống ghế, bật khóc bất lực.

Lúc mới đầu tôi sợ quá không dám nói gì. Đến khi nhìn thấy cô lùi lại, ngồi phịch xuống ghế khóc rưng rức, tôi cũng khóc theo, bàn tay sưng vù, cả một bụng ấm ức cùng áp lực mấy tiếng đồng hồ bất chợt tuôn trào như thác đổ, tôi vừa khóc rống lên vừa kêu:

“Em có cố ý đâu ạ! Cô ơi, huhuhu!!!”

Cũng không biết là khóc trong bao lâu, đột nhiên tôi nghe thấy tiếng khóc của một ai đó âm thầm vang lên, tiếng nấc nghẹn như bị chặn lại nơi cổ họng. Tôi và cô giáo cùng nín khóc, hướng ánh mắt về phía cửa…

Cha đang đứng ngoài cửa, ngại ngùng dùng tay quệt nước mắt. Cô giáo cũng thấy hơi ngại, lập tức nở một nụ cười nhã nhặn, đứng dậy ra cửa chào cha, không quên nhanh tay gạt lệ. Cha lại cúi thấp người, cất tiếng chào cô: “Cô giáo! Cảm ơn cô đã nhọc lòng vì thằng

Vỹ nhà tôi!” Vừa nói đoạn, nước mắt ông lại chảy ra.

Tim tôi bỗng nhiên thấy nhẹ bẫng! Tôi biết mình được giải cứu rồi!

Cha và cô giáo trò chuyện, tôi cũng chẳng có hứng thú lắng nghe, dán mắt nhìn vào cái đồng hồ gỗ với kim giờ và kim phút to bản.

“Mấy giờ mấy phút? Nói đi!”

“Mấy giờ mấy phút?”

“Mấy giờ?”

Tôi tự hỏi tự trả lời, nhưng đầu óc hoàn toàn không hưởng ứng. Trong hành trình của đời mình, có đôi khi tôi lặng người nhìn lên chiếc đồng hồ. Tôi quả thực không hiểu là ai đã rảnh rỗi phát minh ra thứ máy móc khiến cả thế giới trở nên căng thẳng đến vậy?

Nhìn thấy chính mình:

Trên con đường vạn dặm của cuộc đời, tôi luôn để tâm đến việc mình không biết ghép từ, không biết tính toán cộng trừ nhân chia, không biết tiếng Anh, không biết nhạc lý, không biết ca hát, không biết đủ thứ….

Cho tới tận khi trưởng thành, tôi mới yên tâm rằng “không biết” cũng chẳng phải chuyện gì quá nghiêm trọng. Nghiêm trọng nhất là khi bản thân chúng ta không hiểu mình “biết” những thứ gì. Chỉ cần chúng ta “biết” làm một thứ mà cả thế giới này không làm được, hoặc ít người làm được là đủ!

Bạn biết làm gì? Và bạn có hiểu rõ không?


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.