Con Không Ngốc, Con Chỉ Thông Minh Theo Một Cách Khác

Hô một tiếng kinh động cả thế giới



Trong lễ tốt nghiệp tiểu học, không hiểu vì nguyên cớ gì mà tôi khóc rất thương tâm. Khi bê ghế trở về lớp để nhận bằng tốt nghiệp tiểu học, tôi vừa đi vừa khóc mà không sao kìm lại được, khi vào đến lớp rồi tôi vẫn khóc. Rốt cuộc là khóc vì cái gì tôi cũng không biết, có lẽ là do tiếc nuối những ngày tháng ngu ngơ khờ dại của mình chăng!

Tâm nguyện lớn nhất của tôi khi học tiểu học, đó là muốn lớn thật nhanh để không còn phải đi học nữa. Khi đó tôi từng xin cha mẹ cho tôi ở nhà, không phải đi học tiểu học nữa, để tôi đi học việc trong công trường sản xuất nhựa. Cha mẹ nhất mực không chịu, tôi khóc! Vậy là phải chia tay tiểu học từ đây! Tôi chẳng còn là nhi đồng nữa, mà giờ sẽ phải trở thành thanh thiếu niên! Khi đó tôi chẳng tài nào hiểu được, đọc sách, đi học khổ sở như vậy, tại sao vẫn phải đến trường? Bắt đầu từ giây phút nhận được tấm bằng thầy giáo phát, tôi đã phải giã biệt quãng đời tiểu học, có lẽ tôi đã khóc quá thảm thiết, nên đúng vào lúc phát bằng cho tôi, người thầy thường ngày chỉ thiếu chút nữa là đánh gãy tay và bầm mông tôi bỗng hắng giọng phát biểu trước cả lớp:

“Cả lớp đừng coi thường Lư Tô Vỹ, thành tích của bạn ấy dù không tốt, nhưng bạn ấy trán rộng đầu to, sau này nhất định sẽ đạt được thành tựu phi phàm. Không tin thì sau này các em cứ đợi xem nhé!”

Tôi nghĩ sẽ chẳng có ai trong lớp nhớ đến câu nói đó, nhưng tôi thì vĩnh viễn không bao giờ quên được. Đó là lời khen tặng đầu tiên mà thầy giáo dành cho tôi, trong cả hai năm lớp năm và lớp sáu.

“Mình nhất định phải đạt được thành tựu phi phàm, trở lại căn lớp này, để mọi người nhìn bằng con mắt khác! Mình muốn! Mình nhất định phải đạt được!”

Đây là quyết định của tôi khi những năm tháng ấu thơ dần kết thúc. Nhưng dù thế nào tôi cũng chẳng thể ngờ rằng trong chặng đường gian truân phía trước, tôi sẽ cố gắng phấn đấu chính nhờ lời thề thuở thơ ấu của mình. Muốn trở thành một người phi phàm, nhưng tôi lại không biết cụ thể mình thực sự muốn gì, thậm chí đến cuối cùng tôi cũng mới hiểu ra, bất cứ mong muốn không bình thường nào cũng đều là bình thường nhất, bởi mỗi người đều đang nỗ lực để khiến bản thân “khác biệt với mọi người, hô một tiếng kinh động cả thế giới”!

“Khác biệt với mọi người, hô một tiếng kinh động cả thế giới” cũng là kiệt tác của người thầy giáo này. Thầy bắt mỗi học sinh phải viết ra câu nói trên lên mặt bìa cứng, mặt còn lại thì vẽ thành các ô, khi nào bản thân có những hành vi tốt thì đóng một dấu “ưu”, đến cuối học kỳ ai sưu tập được nhiều chữ ưu nhất thì sẽ được thưởng. Đương nhiên, chuyện này trước nay chẳng liên quan gì đến tôi, bởi việc được xướng tên lĩnh thưởng, tôi chưa từng một lần được trải nghiệm, nhưng câu nói trên đã mang đến một ảnh hưởng không hề nhỏ trong cả quá trình trưởng thành của tôi. Tính cách tôi ương bướng, ít chịu phục tùng ai, khả năng phối hợp tập thể kém, tôi luôn khác biệt so với người khác, tôi muốn vượt lên tất cả, hô một tiếng kinh động cả thế giới! Nhưng với một kẻ có thành tích học tập kém, khả năng tự xử lý không tốt, lại thích làm những trò kỳ quái như tôi, kết quả có thể đoán ra được, lời phê của thầy cô giáo trên bài kiểm tra của tôi thường là “thiếu năng lực học tập”, “khả năng thích nghi môi trường học tập không tốt”, vậy làm sao có thể trở thành một nhân vật được chú ý và nhận được sự thừa nhận của mọi người!

Hành trình cuộc sống của tôi cũng vì thế mà đi vào ngã rẽ, cuối cùng tôi đã hiểu ra một chút: Nỗ lực trở thành một người tốt hay có giá trị, có thành tựu hoặc có cống hiến trong mắt người khác thực sự không quan trọng đến vậy, cũng không nhất thiết phải nỗ lực tỏ ra khác biệt hay xuất chúng, bởi mỗi người khi vừa sinh ra đều đã là một phiên bản duy nhất, chỉ là chúng ta chưa từng phát hiện ra tài năng của bản thân mà thôi!

Sáu năm học tiểu học, trong ký ức chỉ có một vài việc khiến tôi cảm thấy ấm áp. Khi học lớp sáu, trên lớp có một bạn nữ học rất giỏi, mỗi ngày đều mặc một bộ đồ sạch sẽ thơm tho, hoàn toàn khác biệt so với một cậu nhóc học hành lẹt đẹt, nhỏ thó hiếu động, quần áo thì lúc nào cũng không vừa người, đã vậy còn lấm lem bẩn thỉu, nước mũi lúc nào cũng sụt sịt là tôi. Như một lẽ tự nhiên, tôi tự tạo khoảng cách đối với cô bé, rất ít khi trò chuyện hay đùa nghịch cùng. Thế nhưng, một lần trước dịp lễ Noel, tôi bất ngờ nhận được một tấm thiệp chúc mừng trong ngăn bàn. Đó là một tấm thiệp màu xanh nhạt vẽ ông già Noel cưỡi xe tuần lộc bằng mực kim tuyến óng ánh, là cô bạn đó tặng cho tôi. Sau khi nhận được tấm thiệp, tôi cũng không dám trực tiếp nói lời cảm ơn cô bạn đó, nghĩ đi nghĩ lại rất lâu, bèn quyết định sau khi tan học sẽ đi mua một tấm thiệp và viết tặng cô ấy.

Tôi viết đi viết lại, được vài dòng lại tẩy, tẩy rồi lại viết, ngán ngẩm nhìn nét chữ thô kệch nguệch ngoạc của mình so với nét chữ thẳng đẹp mềm mại của cô ấy, cuối cùng thì tôi vẫn cứng đầu nhét trộm tấm thiệp vào ngăn bàn của cô ấy. Sau khi đọc được, cô ấy nhìn tôi mỉm cười nhẹ nhàng, cả hai chẳng ai nói với ai điều gì. Tấm thiệp cô ấy tặng đến giờ tôi vẫn lưu giữ cẩn thận, đó là tấm thiệp đầu tiên tôi nhận được trong đời. Đối với tôi lúc đó, một cô bé có thành tích học tập tốt, thường đại diện cho lớp tham gia các cuộc thi như cô ấy là một thế giới hoàn toàn xa lạ với tôi, tấm thiệp của cô ấy chỉ là lòng hảo tâm và nhân ái, chứ không xuất phát từ tình bạn. Tôi chỉ dám nhân lúc ngồi thẫn thờ trên lớp, len lén nhìn trộm tấm lưng với hai cột tóc đuôi gà của cô ấy, chứ không dám suy nghĩ gì hơn.

Thành tích học tập kém không chỉ là tự hạ thấp bản thân. Trong mắt bạn bè và thầy cô, chúng tôi là “tầng lớp dưới đáy”, không có tiền đồ. Mãi đến sau khi kết thúc năm thứ hai đại học tôi mới có thể rũ bỏ tâm lý tự ti và mặc cảm vì thành tích học tập yếu kém trong tâm trí mình. Bắt đầu làm việc ngoài xã hội được một thời gian, tôi mới dám thản nhiên đối diện với quá trình trưởng thành không biết đọc sách, thành tích học tập không tốt của mình. Vì thành tích không tốt, nên khi phạm cùng một lỗi, thái độ của thầy giáo cũng có phần khác nhau. Ấn tượng rất đậm nét trong tôi đó là một lần nghỉ trưa được ra ngoài ăn cơm, vì các bạn đều chơi trò bịt mắt bắt dê, để tranh thủ thời gian được chơi lâu hơn, cả lũ chạy tới khu chứa rác trèo tường ra ngoài. Có một lần bị tóm gọn, cả đám mười mấy đứa đứng thành một hàng, thầy giáo bắt từng đứa chìa tay ra quất một roi. Những bạn có thành tích tốt đứng ở giữa bị thầy giáo đánh rất đau; khi đánh đến tôi, thầy giáo chỉ nhìn một cái rồi khua thước ra hiệu tôi về lớp, không bị ăn đòn. Tôi cảm thấy hơi ngờ vực, sao mình tự nhiên lại không bị đánh? Đánh xong, thầy giáo lại giáo huấn một bài, nhắc đi nhắc lại rằng những người không nên phạm lỗi mà vẫn phạm lỗi thì đáng ăn đòn!

Những người phạm lỗi là vì họ muốn như vậy thì không cần đánh!

Đánh cũng mất công! Tôi cúi gằm mặt ở chỗ ngồi, chỉ dám khe khẽ liếc nhìn lũ bạn bị đánh, mấy đứa đau đến nỗi xoa tay hùi hụi, bất giác tôi cũng thấy đau lây, tự xoa xoa tay mình. Tôi hy vọng rằng lúc ấy thầy cũng đánh tôi, bởi các bạn bị đánh đau trên tay, nhưng tôi thì đau ở trong tim. Chỉ vì thành tích học tập không tốt, thế nên làm sai cũng là điều dễ hiểu, tôi cái gì cũng không tốt, nên ngay đến đánh phạt tôi, thầy giáo cũng chẳng buồn làm!

Đương nhiên, với một đứa có thành tích không tốt, thì tính cách cũng bị mặc định là ngỗ ngược, hư hỏng. Cả lớp có một dạo hay bị mất trộm đồ, tiền, bút, tẩy. Chỉ cần có người báo cáo lại là thầy sẽ nhìn về phía hai dãy sát tường lớp học, ra hiệu rằng đứa nào ăn trộm thì hãy dũng cảm thừa nhận, nếu không đến khi thầy phát hiện ra sẽ tuyệt đối không tha. Vì chẳng có ai đứng ra thừa nhận, thầy giáo phải lục túi và cặp của chúng tôi. Khi thầy giáo lục đến cặp của tôi, một nỗi sợ hãi khủng khiếp ập đến, tôi sợ rằng chẳng may thầy lại tìm thấy thứ không nên tìm thấy trong cặp của mình. Thầy cầm từng quyển vở lắc qua lắc lại, chẳng ngờ một tờ 10 tệ màu đỏ bỗng rơi ra. Thầy cúi xuống nhặt lên, vẻ mặt như tìm thấy một thứ đồ bẩn thỉu, trừng mắt bắt tôi thừa nhận đã ăn trộm. Tôi vừa sợ vừa cuống, vừa khóc vừa kêu: “Tiền là của em, em không ăn trộm, em không ăn trộm đâu!”

Cũng may là cậu bạn bị mất tiền lập tức đứng dậy đính chính rằng cậu ấy bị mất hai tờ 5 tệ, bộ dạng thầy vẫn có vẻ không tin, lục đi lục lại cặp của tôi, chắc muốn tìm ra bằng được hai tờ 5 tệ đang giấu đâu đó. Dù không tìm thấy nhưng thầy liên tục hỏi vặn tôi nguồn gốc của tờ 10 tệ, dù tôi có nói thế nào, thầy cũng không tin đó là tiền tiêu vặt cha mẹ cho tôi. Nỗi sợ hãi mà tôi phải chịu đựng khi đó, cho đến tận bây giờ vẫn in đậm trong tôi. Mỗi lần đi mua sắm trong siêu thị hoặc trung tâm thương mại, dây thần kinh của tôi lại bắt đầu căng thẳng, sợ rằng mình lỡ chưa trả tiền món đồ gì đó, bị mọi người hiểu lầm là trộm cắp. Kể cả sau này khi đã có công việc ổn định rồi, tôi cũng từng mơ rằng những món đồ trong cặp khi đó không phải là của mình, trong xe có túi của người khác, lần nào tôi cũng phải nhắc nhở chính mình trong cơn mơ – đó không phải là sự thực! Đó chỉ là giấc mơ! Không phải sự thực!

Nhìn thấy chính mình:

Bắt đầu từ khi chào đời, chúng ta đã mang trong mình kỳ vọng của mọi người – phải xuất sắc hơn người, đem lại vinh quang cho cả dòng tộc, không phụ công cha mẹ, phải trở thành một người hữu dụng, có giá trị, có cống hiến… Đây đều là những kỳ vọng rất tốt, những thứ mà mỗi người muốn đạt được là hoàn toàn khác nhau, nhưng có một điểm tương đồng – đó là đều muốn “trở nên xuất sắc, khác biệt so với người khác”, “thành tựu phi phàm, hô một tiếng kinh động cả thế giới”, nhưng “khác biệt với người khác, hô một tiếng kinh động cả thế giới” có thực là điều bạn muốn? Nếu không thì điều bạn muốn là gì?

Nhìn nhận chính mình, nhìn thấy chính bản thân mình!

Khi bạn nhìn thấy chính mình, bạn sẽ tìm thấy một sức mạnh thực sự, một sức mạnh để bản thân trở nên nỗ lực hơn, thứ sức mạnh hoàn toàn vượt trội so với sự chân thành khi hiến dâng cho người khác!

Đừng quá bận rộn với việc nỗ lực! Hãy tự hỏi xem bạn có thật muốn “khác biệt với người khác, hô một tiếng kinh động cả thế giới” hay không? Điều bạn thực sự muốn là gì? Điều bạn thực sự muốn tránh khỏi là gì?

Khi bắt đầu hiểu rõ những điều bản thân chưa biết, bạn sẽ dần thấu hiểu một cách thực sự, bạn sẽ biết sải chậm từng bước chân, bắt đầu thực sự suy nghĩ về nhu cầu và sự chú ý của chính mình! Bạn sẽ biết đặt sức mạnh của mình đúng chỗ, làm những việc đúng đắn!

Phải chăng bạn vẫn muốn khác biệt với người khác, kêu một tiếng có thể kinh động cả thế giới?

Điều này có thể đánh giá xem bạn đã thực sự tìm được chính mình hay chưa!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.