Con Không Ngốc, Con Chỉ Thông Minh Theo Một Cách Khác

Lệ rơi ở trường Cao đẳng Công nghiệp Đông Nam



Lên lớp chín, tôi đã chuẩn bị đầy đủ cho kỳ thi cuối cùng của mình. Tiếng Anh, Toán từ năm thứ nhất đã bị bỏ qua không học nên tôi dồn tâm trí cho các môn học khác. Vạch ra hướng đi thì dễ, nhưng quá trình thực hiện lại rất gian nan. Ở lớp học, một nửa học sinh chọn lên lớp, một nửa còn lại thì tìm việc. Sau khi khai giảng thầy giáo hướng dẫn vẫn nghỉ bệnh dài ngày, tôi vốn tưởng rằng trật tự trên lớp sẽ đại loạn, nhưng không ngờ lớp tôi lại trở thành trọng điểm bị giám sát của Phòng Giáo vụ. Từ khi bắt đầu học, nếu không phải là tổ trưởng thì sẽ là thầy chủ nhiệm giáo vụ thay phiên nhau điểm danh để duy trì sĩ số và trật tự. Do tôi đã quyết định học hành nghiêm chỉnh, nên dần trở nên xa cách với đám bạn hay la cà chơi bời, mỗi ngày sau khi tan học, tôi đều có mặt ở thư viện hoặc phòng hội nghị để đọc sách. Học xong ba năm trung học, trước nay tôi chưa từng nghiêm túc chuẩn bị cho kỳ thi, một hai tháng đầu vẫn chưa đâu vào đâu, tôi bèn tự lập ra một bảng các môn học, nhưng hễ đọc xong là lại quên sạch, cứ như chưa từng đọc qua bao giờ, mấy lần muốn từ bỏ cho xong! Nhưng nghĩ đến lời của cô Lâm và chị hai, tại sao không phấn đấu một trận ra trò cơ chứ! Tại sao không tự cho mình một cơ hội? Tâm trạng của tôi lập tức tích cực trở lại.

Khoảng thời gian này tôi vô cùng biết ơn Phú, người bạn tốt của tôi. Thành tích của cậu ấy ban đầu luôn xếp thứ hạng cao ở trường, nhưng do hoàn cảnh gia đình nên phải chuyển về lớp thông thường. Cậu ấy luôn hứng thú và vô cùng am hiểu việc học hành, thi cử. Sau khi quen Phú, cậu ấy đã dạy cho tôi về quá trình chuẩn bị cho kỳ thi: đọc lướt qua một lần, sau đó làm bài trắc nghiệm để tìm ra trọng điểm của bài; tiếp tục đọc lần thứ hai, sau đó làm trắc nghiệm, đánh dấu những chỗ không hiểu; giở sách bắt đầu đọc lần thứ ba. Cậu ấy nói với tôi rằng, thành tích tốt không phải do đầu óc tốt, mà là do chăm chỉ, liên tục làm bài trắc nghiệm và còn bảo bình quân một bài cần đọc khoảng năm lần. Tôi tự hứa với lòng mình – cần cù bù thông minh, mỗi bài tôi sẽ đọc đi đọc lại mười lần.

Phú còn hướng dẫn cho tôi nguyên tắc làm trắc nghiệm: đọc kỹ, làm kỹ từng mục một. Tôi tiến từng bước một, bắt đầu từ môn Quốc văn tập một, Lịch sử, Địa lý, Sinh vật… lần lượt đọc từng phần. Sau khi đọc xong mười lần, trong lòng tôi dấy lên một niềm vui khôn tả: thì ra những gì trước kia không học được, chỉ cần luyện tập liên tục, luyện tập không ngừng thì bài khó cũng sẽ trở nên đơn giản. Không phải tôi dốt, mà do tôi chưa đủ chăm chỉ! Cứ sáu giờ sáng mỗi ngày là tôi tỉnh dậy, một giờ đêm mới bắt đầu ngủ. Cha mẹ thấy tôi trở nên chăm chỉ thì vừa mừng vừa lo.

Mẹ biết có khuyên tôi cũng vô ích, đành đều đặn pha cho tôi cốc sữa trước khi đi ngủ, và xách một thùng nước đặt trước cửa phòng để khi nào mệt thì ra rửa mặt. Tôi nghĩ cha mẹ sẽ không hiểu được sự chăm chỉ của tôi là vì muốn vĩnh viễn trốn khỏi kỳ thi đại học, tôi không muốn mình học chỉ để phục vụ cho việc thi cử nữa. Mục tiêu cuối cùng của tôi khi đó là trường Cao đẳng Công nghiệp Đông Nam. Tôi viết nét to mục tiêu đó rồi dán lên trước bàn học. Dù là ngành nào đi nữa, chỉ cần thi đỗ vào Cao đẳng Công nghiệp Đông Nam thì từ đó tôi có thể sống cuộc sống mà mình mong muốn, không cần phải đọc những cuốn sách vô dụng kia nữa! Khi đó gia đình tôi vẫn ở trọ trong khu Tứ hòa viên cũ kỹ, tôi thường nhìn xuyên qua khung cửa sổ trong màn đêm cô quạnh, thưởng thức vẻ đẹp mềm mại của ánh trăng mà trong lòng lại chẳng thể bình thản: trong cái thế giới kẻ thích nghi được thì sẽ sinh tồn, mạnh bắt nạt yếu này, tôi nhất định phải trở thành một kẻ mạnh. Mặc dù bây giờ tôi là một kẻ yếu trước kỳ thi đại học, nhưng rồi cuối cùng sẽ có một ngày tôi trở thành kẻ mạnh để lựa chọn kỳ thi đại học! Thế nhưng chỉ vừa nghĩ đến tiếng Anh hay Toán, là bao khí thế của tôi lập tức tiêu biến, lại nghĩ rằng chỉ cần có trường để theo học là đủ!

Học kỳ một năm lớp chín, với quyết tâm của mình tôi kết hợp với những bạn học muốn lên lớp để cùng đọc sách, rồi cùng làm bài trắc nghiệm với nhau, không ngờ đã hình thành nên bầu không khí học tập hăng hái trong lớp. Vì tiền tiêu vặt cha mẹ cho khá nhiều, nên rất nhiều sách tham khảo và đề thi thử đều là tôi bỏ tiền ra mua, tôi cũng thường mời các bạn đi ăn đá bào đậu xanh mật ong. Nhóm mười mấy người chúng tôi thường xuyên động viên khích lệ lẫn nhau. Học kỳ hai thầy giáo hướng dẫn vẫn xin nghỉ dưỡng bệnh, dưới sự chỉ định của tổ trưởng quản lý và sự ủng hộ của các bạn, tôi được lựa chọn làm lớp trưởng. Đối với tôi đây là một niềm vinh dự chưa từng có từ trước tới nay. Vì chúng tôi không phải lớp học đặt trọng điểm vào việc lên lớp nên ngoài các bài thi thử quy mô lớn ra, bài vở trên lớp đa phần đều bị phó mặc, tôi và các bạn cùng bàn bạc và định ra tiến độ, những bạn muốn lên lớp thì tự trắc nghiệm, sau đó trao đổi bài để sửa cho nhau, đăng ký điểm số. Phú là “thầy giáo nhí” của chúng tôi, ai có vấn đề gì thì có thể thỉnh giáo cậu ấy. Còn lớp trưởng tôi đây lại rất nghiêm khắc, nên một số bạn không học vì mục tiêu lên lớp lại cho rằng tôi làm rất quá đáng, thấy chướng tai gai mắt, liền hẹn các bạn lớp khác chặn tôi ở phòng vệ sinh. Tôi nhìn đám người trước mặt, không hề tỏ ra sợ sệt khi bị ỷ đông hiếp yếu.

“Có giỏi thì một chọi một đi!”

Không ngờ lời khiêu chiến của tôi đã khiến những đứa lớp trên này nổi điên, chúng lớn tiếng nói rằng sau khi tan học sẽ cho tôi chết không toàn thây. Ngày hôm đó là thứ Bảy, chỉ phải học nửa ngày, sau khi nói xong những câu này tôi bắt đầu cảm thấy sợ hãi, vừa tan học liền vội vàng đạp xe phóng về nhà. Không ngờ mấy đứa bạn này lại tan sớm hơn, trèo tường ra ngoài đạp xe chặn tôi giữa đường. Vài đứa quây tôi lại, trong đó có một đứa tát cho tôi hai cái. Trên con đường lớn về nhà có một nhóm người lớn đứng nhìn nhưng chẳng ai ra tay ngăn cản. Trong tình huống một thân một mình thế này, tôi biết rằng nếu đánh lại thì sẽ no đòn, bốn năm đứa lớp khác không ngừng chửi bậy, muốn kích động để tôi đánh lại, nhưng tôi vẫn không ra tay. Đúng lúc ấy thì có một chiếc xe tải phóng vụt qua, khi đó tôi chợt nảy ra ý nghĩ manh động, muốn đẩy kẻ đang đánh tôi vào gầm xe tải, may là tôi do dự một hồi, nếu không có lẽ đã trở thành kẻ sát nhân! Cũng may khi đó đúng lúc em gái tôi tan học đi ngang qua, nhìn thấy có người bắt nạt tôi, nó khóc lóc ầm ĩ, sau đó đám người này trừng mắt nhìn tôi, nhổ một bãi nước bọt rồi phóng xe đi.

Khi về nhà, mẹ biết được chuyện này liền tức tốc cầm tay tôi lôi đi, đòi gặp cô giáo để tìm lẽ công bằng. Nhưng tôi biết mình cũng có chỗ không đúng, buổi tối khi cha trở về, tôi nói rằng không muốn làm to chuyện và đến thứ Hai tuần sau sẽ đi tìm những bạn muốn đánh tôi để xin lỗi. Nếu như nhờ thầy giáo xử lý việc này, mặc dù giữ được thể diện, nhưng e rằng tương lai tôi sẽ chẳng được bình yên nữa. Mẹ rất khó chấp nhận việc tôi đã bị đánh, lại còn phải xin lỗi kẻ đã đánh tôi, nhưng nhờ có sự ủng hộ của cha, tiết tự học ngày thứ Hai tôi đã đi gặp và xin lỗi những bạn học kia, nói rằng mình không nên nói ra những lời khiêu khích như vậy. Kết quả nằm ngoài dự liệu của tôi, những bạn học này còn bắt tay cười nói rất thân thiện. Vì tính cách hai bên khác nhau, nên dù không trở thành bạn tốt nhưng chúng tôi cũng không trở thành kẻ thù sau sự việc lần này. Còn những bạn lôi bè kéo đảng để đánh tôi từ đó cũng không dám làm loạn trong lớp, bắt đầu chịu phối hợp với nhóm đọc sách của tôi và làm những việc mình thích.

Năm lớp chín do mỗi ngày và thậm chí cả ngày nghỉ cũng đọc sách nên tôi cảm thấy thời gian trôi qua thật có ích. Chúng tôi lấy bài thi thử của trường làm chỉ tiêu để kiểm nghiệm trình độ bản thân, nhưng điều đáng nản là dù có thi thế nào đi nữa, tôi vẫn luôn đạt điểm kém hơn so với đầu vào của trường 100 điểm, kể cả trong lần thi tốt nhất cũng vẫn kém tới 50 điểm. Thời gian cứ thế chậm chậm trôi qua, một số bạn đã bỏ cuộc giữa chừng, chỉ có tôi, Phú và bốn năm bạn khác vẫn kiên trì đến cuối.

Học kỳ hai cũng sắp kết thúc, ngoài việc báo danh thi vào các trường cấp ba, Ngũ chuyên và trường hướng nghiệp, tôi còn báo danh vào lớp hợp tác kiến giáo của Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc (một ngôi trường kỹ thuật nghề nghiệp tương đương với trường cấp ba), và lớp kiến giáo cấp ba được tổ chức thi ở Cao Hùng, tổng cộng là đăng ký thi vào mười trường. Suy nghĩ khi đó của tôi là: quăng mồi bắt chim, làm thế nào đến cuối cùng tóm được một con là đủ, nhưng ngôi trường mà tôi thực sự muốn học vẫn là Cao đẳng Công nghiệp Đông Nam, tiếp theo là lớp kiến giáo của Dầu khí Trung Quốc. Mười lần thi trong tháng 7 và tháng 8, cấp ba trượt, lớp kiến giáo cũng trượt, Ngũ chuyên thì chênh vênh bên bờ vực nửa đỗ nửa trượt, nếu căn cứ vào điểm sàn năm ngoái thì cũng trượt nốt. Tôi có chút chán nản, nỗ lực cả một năm trời, tại sao ông trời vẫn không cho tôi một lối đi. Cuối cùng tôi đã nhận được một bảng điểm có thành tích tốt nhất, bảng điểm của Trường nghề Công nông nghiệp Đào Viên, nhưng vẫn xếp thứ mười mấy ở tiêu chí xét tuyển dự bị, điều đó cũng có nghĩa là tôi đã trượt!

Tại sao lại như vậy? Đều trượt ở môn tiếng Anh và Toán, cộng lại nhiều thì hơn 30 điểm, ít thì chỉ được mười mấy điểm, tất cả các môn khác đều được 7080 điểm. Chị cả xem xong bảng điểm của tôi, dù không hài lòng, nhưng nếu so sánh với tôi của năm lớp sáu thì đã có tiến bộ rõ rệt. Nhưng như vậy thì có ích gì chứ! Tôi đau lòng xé tan tấm giấy “Cao đẳng Công nghiệp Đông Nam” đã ố vàng dán trên bàn học, khóc một trận nức nở. Nên thi lại lần nữa, hay là thôi? Cha thì liên tục an ủi, bảo rằng biết đâu lại có một tia hy vọng, Trường nghề Công nông nghiệp Đào Viên lại xét bổ sung thêm, nhưng sau khi hỏi thăm thì biết rằng, nếu xét dự bị thì thông thường chỉ những học sinh nằm trong top 10 mới có hy vọng mà thôi. Trong khoảng thời gian này, tôi đã mất đi mục tiêu và phương hướng để nỗ lực. Tôi viết thư gửi cô Lâm, cô hồi âm bảo tôi đến nhà cô trò chuyện.

Tôi một mình bắt xe đến nhà mẹ chồng cô Lâm ở Thổ Thành rồi trò chuyện cùng cô suốt cả buổi sáng. Mỗi lần nhắc đến việc bản thân đã cố gắng thế nào để hy vọng thi đỗ vào trường Cao đẳng Công nghiệp Đông Nam là tôi lại rớt nước mắt, cô bông đùa: “Cao đẳng Công nghiệp Đông Nam nợ em một mối tình, em yêu nó vậy mà nó lại không thèm để ý đến em!” Nhưng cô cũng nói với tôi rằng, ông trời không tuyệt đường ai bao giờ, ông ấy đóng sầm một cánh cửa, thì nhất định sẽ mở ra cánh cửa khác cho tôi. Một ngày nào đó trong tương lai, tôi nhất định sẽ thấy biết ơn sự sắp đặt của ông trời! Tôi không ngờ rằng lời tiên đoán của cô Lâm đã trở thành sự thực, sau khi trở về nhà, cha, mẹ, chị cả, chị hai vui mừng phấn khởi đưa cho tôi xem thông báo đăng ký xét tuyển dự bị của Trường nghề Công nông nghiệp Đào Viên!

“Con có trường để học rồi!”

“Thượng đế đúng là đã mở một cánh cửa khác cho mình!” Tôi đăng ký bổ sung vào khoa Điện tử của Trường nghề Công nông nghiệp Đào Viên. Một mùa hè 20 năm sau sự việc ngày ấy, tôi được mời làm diễn giả của buổi “Nghiên cứu thảo luận bồi dưỡng nhân viên huấn đạo Bắc Khu”, tổ chức tại Cao đẳng Công nghiệp Đông Nam. Trước ngày tham gia, tôi trằn trọc mất ngủ suốt đêm, ngôi trường xưa kia ngàn lần mơ ước được theo học, cuối cùng tôi cũng đã có cơ hội để bước vào cánh cổng này. Khi tôi lái xe qua cánh cổng của trường Cao đẳng Công nghiệp Đông Nam, những cảm xúc nuối tiếc của tuổi niên thiếu bất giác trào dâng, từng giọt nóng hổi dâng tràn khóe mắt. Khi đứng trên bục diễn giảng, nhiều lần tôi không kìm được tiếng nấc nghẹn ngào. Nếu như có thể làm lại cuộc đời, để tôi có thể thi đỗ trường Cao đẳng Công nghiệp Đông Nam thuận buồm xuôi gió, thì liệu sẽ ra sao? Tôi tin rằng hành trình cuộc đời và tầm mắt của tôi chắc chắn sẽ phải viết lại từ đầu, cuộc đời chúng ta là một quỹ đạo nhất định được sắp sẵn, hay tất cả mọi thứ đều chỉ là ngẫu nhiên?

Nhìn thấy chính mình:

Nếu như cuộc đời có thể quay lại từ đầu, bạn có lựa chọn khác đi không? Và với lựa chọn đó, cuộc đời bạn có chắc sẽ không có điều gì để hối tiếc không?

Trong hành trình của cuộc đời, sở dĩ chúng ta đi được đến lúc này, là do có một đấng tạo hóa nào đó từ trong u minh sắp xếp sẵn, hay đó chỉ là một chuỗi những ngẫu nhiên, tình cờ ghép thành chúng ta của ngày hôm nay?

Trước kia tôi tin rằng “vận mệnh” là một định số, nhưng bây giờ tôi lại không nghĩ như vậy. Tôi tin rằng dù cho cuộc đời có kết quả thế nào, nó cũng đều đẹp đẽ, đều là món quà quý giá. Bởi quá khứ đã không thể thay đổi, tương lai cũng vĩnh viễn chẳng thể xác định, vậy tại sao không tận hưởng tất cả những gì thuộc về hiện tại?

Thế nào là tốt? Và thế nào là xấu? Đó chỉ là một kết quả để so sánh, tại sao lại để cuộc đời trôi qua một cách lãng phí trong những hối hận và tiếc nuối? Hãy cố gắng tận dụng giây phút này, và giây phút tiếp theo sẽ tự nhiên trở nên ngọt ngào. Tại sao không dùng tâm trí và sức lực để tập trung trải nghiệm mọi thứ quanh ta một cách trọn vẹn?

Cuộc đời là những món quà liên tục được mở ra, hãy chúc mừng cho mỗi kết quả mà chúng ta nhận được. Nếu như không thể đoán trước, thì bất cứ kết quả nào cũng đều sẽ trở thành những niềm vui bất ngờ và cũng là những niềm vui liên tiếp!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.