Con Không Ngốc, Con Chỉ Thông Minh Theo Một Cách Khác

Mẹ lên lớp học cùng tôi



Ngày hôm sau, được sự đồng ý của cha, mẹ lại cùng tôi đến trường. Mặc dù ở nhà có rất nhiều việc cảm thấy không an tâm, nhưng để tôi có thể nhanh chóng thích nghi với trường lớp, cha cũng cảm thấy việc mẹ có thể lên lớp cùng chắc chắn sẽ giúp ích cho việc học tập của tôi.

Lúc mới đầu khi mẹ xuất hiện trong lớp học, thầy cô và bạn học đều tỏ ra dè dặt. Dần dần, có một vài bạn hoạt bát bắt đầu thấy rất tò mò về mẹ. Chẳng bao lâu sau, chỉ cần chuông báo hết giờ vừa vang lên là sẽ có một đám nhóc tì vây quanh mẹ hỏi này hỏi kia. Chúng tò mò hỏi tại sao mẹ không ở nhà hay đi làm, mà lại ngồi trong lớp học cùng bọn trẻ, mẹ luôn mỉm cười trả lời:

“Sau khi bị bệnh, não Vỹ bị hỏng rồi! Bây giờ phải có người kèm cặp bạn ấy học hành, thầy cô vất vả quá nên cô đến học cùng với Vỹ!”

Tôi vẫn chẳng thể hiểu được, mẹ không biết chữ thì có thể giúp tôi bằng cách nào nhỉ?

Đến giờ lên lớp mẹ ngồi học rất nghiêm túc. Những chỗ chưa hiểu, đợi sau khi hết giờ mẹ sẽ đi hỏi các bạn trong lớp, cứ như chính mẹ mới là học sinh của lớp, còn tôi đến chỉ để dự giờ kèm cặp thôi vậy. Khi ngồi học tôi không nói chuyện riêng hay quậy phá gì cả, không ngồi đờ đẫn thì lại cầm bút hí hoáy vẽ vời, thỉnh thoảng mẹ phải quay sang nhắc tôi chú ý, nhưng tôi vẫn chỉ có thể chuyên tâm thêm một chút xíu, rồi sau đó lại lơ đễnh ngay. Mẹ thì hoàn toàn ngược lại, dường như chỉ sợ lọt mất một chữ của cô giáo. Mẹ có thể tính toán đơn giản, biết ghi sổ hàng hóa, nhưng những chữ phức tạp hơn đôi chút thì không biết nhiều, mẹ vất vả vẽ theo từng nét viết của cô giáo trên bảng vào tập vở. Chữ mẹ viết, cô giáo nhìn thấy cảm động vô cùng, cô còn đặc biệt nán lại cuối giờ để sửa lỗi cho mẹ, còn khen mẹ là một bà mẹ tuyệt vời. Trên đường trở về nhà, mẹ còn nhờ lớp trưởng và cũng là hàng xóm của nhà tôi, bạn Nghĩa, đọc văn để mẹ nghe. Hơn một tiếng đồng hồ đi trên đường, ban đầu giọng mẹ phát âm khô cứng gượng gạo, giờ đã có thể đọc hết bài văn một cách trôi chảy, cậu bạn nhỏ đi cùng tán thưởng bằng một tràng pháo tay. Dọc đường mẹ bắt tôi phải đọc cùng, tôi đọc mà hồn treo trên mây, mẹ giờ đã biết đọc, còn tôi vẫn chẳng tụng được câu nào ra hồn!

Sau khi về đến nhà, mẹ nhanh chóng làm xong cả đống việc nhà rồi lấy bút vở ra, nhờ chị hai làm cô giáo nhí để dạy tôi từng con chữ. Lúc này tôi mới hiểu rằng, sở dĩ mẹ cố gắng học như vậy chỉ là muốn nhanh biết để còn dạy cho tôi! Mẹ mới đi học có hai ngày, chữ trong bài đã thuộc được bảy tám phần, chị hai thấy mẹ chăm chỉ học tập như vậy, còn tôi thì vẫn lơ đễnh phân tâm, tức tối mắng tôi:

“Vỹ, em thấy chưa, mẹ vì em mà học hành nghiêm túc như thế, còn em thì cái gì cũng không biết? Không phải do dốt, mà là em chẳng để ý!”

Nghe chị hai nặng lời như vậy, tôi không phục, tức tối vặc lại:

“Em có để ý! Chị dạy gì em cũng có nghe đấy thôi!”

Mẹ sợ chúng tôi phá hỏng không khí học tập liền không cho chị hai nói nữa, đẩy giấy bút ra trước mặt tôi, nói rằng: “Vỹ, nào! Bây giờ mẹ con mình tập viết một lần những chữ hôm nay cô giáo dạy nhé!”

Hôm nay viết những gì tôi cũng chẳng còn nhớ nữa, chỉ nhớ trong bài có ba từ mới, nhưng làm cách nào cũng chẳng phân biệt được, thế là đọc một lèo tất cả thành chữ “Mã”. Để tôi nhìn rõ hơn một chút, mẹ còn dùng bìa giấy để chị hai viết to ra cho tôi dễ phân biệt nhưng tôi vẫn chẳng thể nhận ra. Đánh vật một lúc lâu, tôi bắt đầu hơi nản, hậm hực nói:

“Rõ ràng là cùng một chữ mà, mẹ xem xem, ba chữ này đều có cái mông to đằng sau, bốn cái chân, rõ ràng là chữ ‘Mã’ còn gì, sao chị ấy cứ bảo đây là chữ ‘Điểu’ và chứ ‘Tả’4 chứ?”

Mẹ dường như đã hiểu ra tôi đang “mắc” ở đâu, bèn lấy ra một trang giấy trắng che nửa dưới của từng chữ.

“Vỹ xem này, con có thấy cổ của chữ ‘Mã’ mọc râu dài, chữ ‘Điểu’ thì có cái miệng nhọn nhọn, còn chữ ‘Tả’ trên đầu có đội một cái mũ không? Bởi vì những người biết viết trong Ca Tử Hý đều làm quan, thế nên trên đầu đều đội mũ quan đó!”

“Đúng rồi! Đúng là khác nhau rồi!” Tôi sung sướng reo lên, cứ như phát hiện ra châu lục mới vậy. Mẹ hình như cũng đã tìm được mẹo để dạy tôi học, thế là chọn ra thêm vài chữ giống nhau trong bài, rồi dùng phương pháp khi nãy hỏi tôi: “Vỹ! Con nhìn ba chữ này xem, ‘Thượng’, ‘Thường, ‘Chưởng’5, lúc nãy con bảo giống nhau, vậy nó giống nhau ở chỗ nào?”

“Mẹ nhìn này, ba chữ này đều đội vương miện ở trên, rồi cùng mặc áo giống nhau nữa!”

Nghe tôi “giải đáp” xong, mẹ bèn lấy giấy che nửa trên của từng chữ lại, sau đó nói với tôi:

“Con xem nhé, chữ ‘Thượng’ thì không mặc quần, chữ ‘Thường’ thì mặc một chiếc quần được là lượt phẳng phiu, chữ ‘Chưởng’ thì bị tay nắm chặt nên bị nhăn nhúm, thế này con đã phân biệt được chưa nào?”

Sự khó khăn khi nhận mặt chữ của tôi là ở chỗ tôi không thể phân biệt được những điểm giống nhau trong những chữ khác nhau, hoặc những điểm khác nhau trong những chữ giống nhau. Cách dạy của mẹ khiến tôi vô cùng hứng thú với những con chữ, đặc biệt là nhận ra được những chữ viết có vẻ giống nhau trong bài văn, ví dụ như bốn chữ “Tù”, “Vì”, “Nhốt”, “Về”6. Lần này thì mẹ cũng không hiểu lắm, nên đành hỏi chị hai, chị hai cũng dùng cách giống như của mẹ để dạy tôi, chỉ là chị ấy tự sáng tác ra một câu chuyện với nhân vật chính là những từ ở trên:

Một người nọ vào rừng thám hiểm, chẳng may bị rơi xuống một cái bẫy hình vuông, trở thành “Tù” nhân dưới mặt đất. “Vì” người này rất to cao, nên dù bị “Nhốt” xuống dưới giếng anh ta cũng không thấy hoảng sợ, bèn lấy một cây gậy chống lên để trèo ra, sau đó trở “Về” nhà.

Câu chuyện của chị hai quả thực rất hấp dẫn, thoáng một cái tôi đã không còn phân tâm nữa và bắt đầu cảm thấy cực kỳ thú vị. Lúc này, chị hai bảo tôi cầm thẻ chữ lên, tự mình kể lại câu truyện vừa rồi:

“Một người nọ, ở một cái bẫy hình vuông!”

Chị hai lập tức chỉnh lỗi: “Là ở trong rừng chứ!”

“Không sao cả, Mỹ, con cứ để Vỹ kể, chữ ‘Tù’ trong tù nhân con đã nhớ rồi đấy, không phải sao!”

Lúc này, đột nhiên tôi phát hiện ra không biết từ lúc nào cha đã đứng ở đằng sau ba mẹ con, chỉ thấy nét tươi cười trìu mến hiện trên khuôn mặt. Nhưng chỉ một chút phân tâm, những gì tôi vừa học được giờ lại quên hết sạch! Cũng may có chị hai nhắc nhở, cuối cùng tôi cũng ấp úng kể được hết câu chuyện về bốn chữ trên.

Thông qua phương thức “giáo dục đặc thù” của chị hai và mẹ, học nhận biết chữ với tôi không còn khó khăn như trước nữa. Trước khi đi ngủ tôi xin mẹ tiếp tục chơi trò xe lửa đến ga như hôm qua, mẹ thấy tôi đã biết xem giờ, muốn giúp tôi hiểu được thêm cách tăng giảm thời gian mà cô giáo đang dạy trên lớp nên lại lấy ra vài hộp diêm, đổ hết diêm lên bàn rồi cũng kể một câu chuyện khác giống như chị hai.

“Có một người muốn đi tàu hỏa, chuyến tàu khởi hành lúc 3 giờ 5 phút nhưng đúng 3 giờ anh ta đã đến, vậy anh ta sẽ phải đợi bao lâu nữa?”

Mẹ còn cắt lấy một tấm ảnh từ tờ lịch rồi dán lên trên kim giờ, sau đó di chuyển kim phút đến số 1, rồi hỏi tôi: “Anh ta ngồi ở ga tàu hỏa đợi, từ chỗ này đến chỗ này là bao nhiêu phút?”

Vì vòng ngoài của đồng hồ cũng giống như hôm qua, 60 que diêm được đặt bao quanh viền tròn, thoáng một cái tôi đã chỉ ra: “5, là 5 phút ạ!”

Cha, mẹ, chị hai, em út vừa nghe thấy đáp án của tôi, đều vỗ tay tán thưởng!

Ban đầu mẹ lấy ví dụ đi tàu hỏa, sau đó là vào học, tan học, cuối cùng còn sáng tác ra hẳn một câu chuyện làm việc của một gia đình. Mặc dù tôi phải đếm từng que từng que một, nhiều khi cũng mắc sai sót, nhưng cứ vừa học vừa chơi mãi như vậy, hình như cuối cùng tôi cũng biết xem giờ. Nhưng đến khi mẹ dọn hết đống diêm trên mặt đồng hồ, đầu óc tôi lại trống rỗng, dường như chẳng thể tưởng tượng ra được đống diêm đó. Dù thế nào thì tôi cũng không còn ngúng nguẩy đòi nghỉ học ở nhà nữa, nhờ vậy cha cũng yên tâm phần nào!

Do sức khỏe của bà không tốt, vừa phải trông coi bếp lò ở công trường, lại phải chăm sóc em út, nên cha mẹ bàn bạc và quyết định mẹ không thể đi học cùng tôi nữa. Nhưng để duy trì hứng thú của tôi, mỗi ngày mẹ sẽ dành thời gian giúp tôi chơi đoán chữ và xem giờ.

Mẹ cùng tôi đi học được đúng một tuần, lớp học dường như cũng trở nên sôi nổi hơn rất nhiều. Cũng nhờ có mẹ trên lớp, cô giáo không còn dùng gậy để đánh phạt như trước, cũng rất ít khi la mắng chúng tôi. Khi đó chúng tôi chỉ lên lớp nửa buổi, tôi hầu như chẳng có ấn tượng gì với bài cô giảng, thế nhưng tôi lại có ấn tượng vô cùng sâu sắc với những lần trèo đèo lội suối hơn một tiếng đồng hồ để đi học, tổng cộng cả đi và về là gần ba tiếng đồng hồ trên con đường núi quanh co.

Mặc dù không còn đi học cùng tôi nữa, nhưng mẹ vẫn muốn “mượn” đôi mắt và cái đầu của tôi để học những gì tôi được dạy ở trường. Mỗi ngày trở về nhà mẹ đều hỏi tôi, “Quả bách hương ở Phân Thủy Luân đã chín chưa?”, “Có nhìn thấy diệc trắng ở cái tổ chim trên hồ không?”, “Dưới chân cầu xi măng hôm nay có còn mấy đứa trẻ dùng gậy trúc chọc tổ chim yến nữa không?” Chỉ tiếc rằng những việc tôi nhớ được lại chẳng phải là những điều mẹ muốn biết. Ví dụ như, có bạn học dùng đá ném chim chèo bẻo nhưng không trúng, mà lại trúng phải con trâu, bị bác nông dân đuổi theo đòi đánh. Nhưng dù có thế nào, khoảng thời gian rất ngắn ngủi này lại chính là mảng ký ức đẹp nhất trong những năm tháng đi học của tôi!

Nhìn thấy chính mình:

Trên hành trình của cuộc đời, đôi khi chúng ta chỉ để ý đến những gì được hoặc mất, nhưng phần đẹp nhất của hồi ức lại chính là quá trình mà chúng là không biết là được hay mất kia.

Mỗi thời khắc đều tuyệt diệu, hãy dùng trái tim để cảm nhận và trải nghiệm nó, mỗi thời khắc đều sẽ lưu lại sự kinh ngạc của sinh mệnh, kể cả đó là những hội ngộ rất đỗi bình thường. Hãy dùng trái tim để trân trọng! Không có ai “cần” hoặc “bắt buộc” phải hy sinh hay cố gắng vì chúng ta. Tất cả chỉ có tình, và chỉ có yêu. Cảm ơn tất cả, chúng ta thật có phúc khi có thể nhận được “yêu” và “tình” của người khác!

Chúng ta càng hiểu rõ điều đó, trái tim ta sẽ càng thanh thản và dễ rung cảm! Nhưng chúng ta buộc phải trải qua vô số tháng ngày mới có thể hiểu rõ và trân trọng tất thảy những điều này!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.