Con Không Ngốc, Con Chỉ Thông Minh Theo Một Cách Khác

Nỗ lực không bao giờ từ bỏ



Buổi sáng, sau cả một đêm trằn trọc không ngủ, mẹ nhẹ lay tôi dậy mà ngập ngừng không nỡ. Khi mở mắt tôi đã ngửi thấy mùi cơm mẹ nấu dưới bếp, mẹ dường như cũng không có ý bắt tôi đến lớp, tôi bèn giả vờ thử đứng bên thành giường nói vọng vào: “Con không muốn đi học!”

“Vỹ à… ” Tôi đoán mẹ vốn dĩ định khuyên hoặc khích lệ tôi, nhưng câu nói vẫn nghẹn lại nơi cổ họng, không thoát ra được. Nhìn thấy mẹ khóc, nước mắt tôi cũng lại lã chã rơi xuống. Do thường ngày tôi đi học cùng chị hai, khoảng năm giờ sáng đã phải dậy, vì phải chuẩn bị bữa sáng và mấy việc vặt, mẹ lại càng phải dậy sớm hơn. Vì thế lúc này nhà đã sáng đèn, chị hai đã đánh răng rửa mặt thay quần áo đứng chờ cạnh giường. Tôi ti hí mắt nhìn chị hai một cái, rồi lại khép mắt thiếp đi lúc nào không biết. Trong khung cảnh mơ hồ, tôi chỉ nghe thấy tiếng bà ngoại, mẹ và chị hai nói chuyện, nghe thấy tiếng chị hai lạch cạch bước ra ngoài cửa, và cuối cùng là tiếng cha cũng tham gia thảo luận, tôi nghe đoạn được đoạn mất tiếng cha nói dứt khoát. Xét cho cùng cha vẫn là người chủ gia đình, bàn bạc một hồi lâu, cuối cùng đã đưa ra một quyết định trọng đại, đến lúc này tôi có không muốn tỉnh táo cũng rất khó. Cha nói:

“Không đọc sách cũng không sao cả, khi gặp chuyện mà sợ sệt né tránh mới là không thể tha thứ. Việc gì càng sợ hãi thì càng phải dũng cảm đối mặt!”

Cha được tiếp thu nền giáo dục của Nhật Bản, nên hiểu rất rõ tình yêu thương của người thầy; nhưng mẹ trước nay chưa từng đi học nên luôn chỉ cảm thấy nể sợ thầy cô. Mặc dù mẹ không dám phản đối quyết định của cha, nhưng cảm giác không nỡ khiến mẹ bật khóc! Tiếng mẹ nấc nghẹn:

“Cái mạng nó được vớt lại, chết lúc nào cũng chẳng biết trước được. Đi đến trường, nếu không học tiếp được, cô giáo lại đánh nó thì làm sao? Lúc nãy em vừa kiểm tra tay nó, mấy vết sưng vẫn chưa xẹp hết kia kìa!”

Cha nhất thời cũng khó đưa ra quyết định, nhưng cha biết rằng một khi chấp nhận để tôi ở nhà nghỉ ngơi, rồi lại đổi ý đưa tôi đến trường sẽ không phải là việc dễ dàng; nếu phải bắt ép tôi đi học, hai người cũng không nỡ. Trầm ngâm một lúc lâu, cha đã có giải pháp hay:

“Đào này, hôm nay em cứ đưa Vỹ đến trường, nếu Vỹ sợ quá thì em cứ ở lại trường cùng với con. Hôm nay chỉ học nửa ngày, đến trưa lại đưa con về!”

“Vậy cũng được! Nhưng con út thì phải làm sao?”

Mẹ đưa mắt nhìn bé út đang say giấc, nó mới ba tuổi, không thể bỏ mặc chẳng ai chăm sóc.

“Thế này là được! Bà ngoại hôm nay không cần phải đi làm, việc đun nước coi lò để con đến nhờ tổ trưởng điều người khác làm thay!”

“Vẫn phải tiếp tục đi học!” Tất nhiên là tôi chẳng hề thích quyết định này chút nào. Nhưng chẳng bao lâu sau khi quyết định của cha được đưa ra, mẹ liền nhẹ nhàng lay tôi tỉnh dậy và giúp tôi thay đồ. Bà ngoại thì dùng khăn mặt để lau mặt cho tôi, tôi chẳng hề có chút cơ hội nào để phản kháng. Đợi đến khi tôi ăn sáng xong, mẹ lại dắt tay tôi đi trên con đường nhỏ đến trường. Thường ngày đều là chị hai dắt tôi đi, mẹ và bà ngoại thì đứng tựa vào khung cửa, dõi theo đến tận khi đến đoạn nước chia dòng, nhìn thấy hai chị em vẫy vẫy tay mới đi vào nhà. Hôm nay mẹ đích thân đưa tôi đi, bà ngoại vẫn đứng ngoài hiên cửa dõi theo hai mẹ con đến tận sườn núi mới vào nhà. Dáng hình gầy nhỏ của bà, đứng ở tít đầu bên kia của dốc núi, đằng sau là tấm sắt được sơn thành màu đen, căn nhà lợp gỗ rêu phong, tôi cảm thấy khung cảnh này có một dư vị thật kỳ lạ. Tôi ngước đầu nhìn mẹ, có lẽ cảm xúc của mẹ lúc này còn nhiều hơn.

“Vỹ, mẹ ngày nào cũng đứng ngoài cửa nhìn con đi học, mà ngày nào nước mắt cũng rơi. Nhất là vào những hôm mưa, con với chị Mỹ đội áo mưa, mẹ bảo bà là trông con giống một cây nấm tý hon, thực sự không nỡ để con vất vả đến trường! Nhưng nếu không học thì sau này làm sao có thể làm nên trò trống gì được? Thật tội nghiệp cho con, con không nên sinh ra trên thế giới này, vừa ra đời là nhà có biến cố. Từ bé cứ gặp phải hết chuyện này đến chuyện nọ, đói khát vất vả nên mới bị viêm não. Mẹ phải dẫn con đi học, nhìn con bị cô giáo phạt, thực sự không đành lòng!” Nước mắt mẹ lăn dài trên gò má khắc khổ, vừa nói vừa dắt tôi đi về phía trước. Tôi chẳng biết lúc này nên nói điều gì để an ủi mẹ. Sau đó mẹ cũng không nói gì nữa. Trên cả chặng đường hai mẹ con đều chìm trong im lặng. Thỉnh thoảng tôi ngước lên nhìn, chỉ thấy mẹ liên tục lấy tay lau nước mắt, tôi không biết mẹ đang nghĩ gì. Đợi xe, ngồi xe, mãi đến khi đến cổng trường, mẹ vẫn không mở lời.

Đối với tôi mà nói, con đường này rõ ràng chứa quá nhiều hồi ức. Ban đầu nơi đây là một vùng đất hoang vắng nguyên sơ, nhờ công trường khai thác than nên mới ngày càng có nhiều người đổ về đây. Núi rừng mặc dù không có thay đổi gì nhiều, nhưng để tiện vận chuyển, người ta cũng mở rộng đường và rải lên đó từng lớp sỏi đá vụn. Trăm ngàn lần đi trên con đường này đều là những lần tôi sinh bệnh phải đi khám chữa, có những ngày phải đi tới ba bốn lần. Nó không chỉ là một con đường mà còn là một đoạn hồi ức của tôi. Dường như mẹ vẫn đang chìm đắm trong những ký ức quá khứ. Đi mãi đi mãi mới đến tiệm tạp hóa nhỏ ở Phân Thủy Luân, nếu không phải dắt tôi theo, cha mẹ, chị hai rất ít khi ngồi xe. Giá vé là 1,5 Đài tệ, khi đó năm hào có thể mua được ba cái kem. Cha mẹ thấy tiếc nên thường đi bộ một tiếng đồng hồ để đến được thôn Tam Dân.

Cuối cùng, hai mẹ con cũng đến được cổng trường, mẹ hít một hơi thật sâu rồi thở mạnh, nắm lấy tay tôi và nói: “Vỹ, mẹ con mình đi nào!”

Về sau tôi mới biết được, đó là lần đầu tiên mẹ bước vào cánh cổng trường. Từ bé mẹ đã muốn đi học, nhưng do khi đó gia đình trọng nam khinh nữ, mẹ chỉ có thể lén một mình đến cổng trường nhìn các bạn cùng tuổi đang ngồi học. Rất nhiều lần mẹ bị ông nội phát hiện và lôi về nhà mắng cho một trận. Vì thế, giây phút được đặt chân vào cổng trường, tâm trạng mẹ trăm ngàn hỗn loạn, không cất nên lời.

Mẹ chỉ biết nói những từ quốc ngữ đơn giản, cô Kim thì dường như hoàn toàn chẳng hiểu mẹ đang nói gì, hai người đều chỉ sợ đối phương hiểu nhầm, thế là cứ cật lực biểu đạt thiện ý. Cô giáo cũng châm chước để mẹ và tôi ngồi ở dãy bàn cuối của lớp học. Mẹ trông có vẻ khá hưng phấn, trong giờ học rất chú ý và nghiêm túc, thỉnh thoảng dùng ngón tay để chỉ cho tôi chỗ cô vừa giảng đến.

Trên đường tan học trở về nhà, mẹ đeo cặp sách của tôi, vui vẻ khấp khởi như một đứa trẻ lần đầu tiên được đến trường. Mẹ bảo đi học thật thú vị, mong rằng ngày nào cũng được như vậy. Trong thoáng chốc, tôi cũng có thể cảm nhận được niềm vui của mẹ, nhưng tôi vẫn không thể hiểu được tại sao dù không biết chữ, mẹ vẫn biết được cô giảng đến chỗ nào? Tôi tò mò hỏi, mẹ cười bảo, là do mẹ liếc trộm xem các bạn khác lật đến trang nào, chỉ tay vào chỗ nào, rồi đoán mò ra phần mà cô đang giảng thôi!

Về đến nhà, buổi tối mẹ bảo chị hai dạy chữ. Mẹ và tôi giống như hai học sinh, chị hai đọc một chữ, tôi học một chữ. Nghe mẹ uốn cứng cả lưỡi để đọc, bỗng nhiên tôi cảm thấy việc đi học cũng rất thú vị, thế là cũng đọc theo mẹ. Mẹ thấy tôi rất nghiêm túc nên thần thái cũng trở nên nhẹ nhõm vui vẻ. Trước khi đi ngủ, không biết mẹ giấu gì ở sau lưng đi đến chỗ tôi thì thầm:

“Vỹ! Mẹ muốn học cách xem đồng hồ, con học cùng mẹ được không?”

“Vâng ạ!” Tôi gật gật đầu.

Mẹ giơ ra chiếc đồng hồ bằng bìa cứng hôm qua tự làm, bảo chị hai đóng vai cô giáo. Mẹ giả vờ mình không biết xem giờ, còn cố ý lật lên lật xuống và hỏi tôi làm sao để phân biệt giữa đỉnh và đáy của đồng hồ. Không khí học tập rất vui vẻ.

Chị hai bắt đầu dạy từ những số giờ chẵn, nửa tiếng, mười lăm phút, ba mươi phút, bốn lăm phút. Mẹ cũng dần phát hiện ra tôi rất khó tập trung, đã thế vừa nhìn qua là quên mất, kim ngắn, kim dài cũng hay nhầm lẫn. Mẹ nghĩ ra một phương pháp, đó là cắt kim giờ bằng giấy cứng to hơn, còn kim phút thì cắt nhỏ và mảnh hơn, kim giờ bôi sáp nến thành màu đỏ, còn kim phút được tô đen. Mẹ không nói là kim giờ mà dùng tiếng miền núi – “Đại cá ngộc”, còn kim phút là “Trúc cao”.

Hình như tôi bắt đầu vỡ ra một chút. Tôi nhìn cái kim ngắn màu đỏ tròn trịa kia trước, sau đó mới nhìn sang cái kim đen dài mảnh. Sau khi nhìn được một lúc, đột nhiên tôi đã hiểu được tất thảy, ngoài 5, 6, 9 thỉnh thoảng vẫn hay đọc nhầm ra, đại khái việc xem giờ giấc đã không thành vấn đề nữa. Nhưng kim phút chỉ số 1 tức là 5, số 2 là 10, số 3 là 15, lúc này tôi vẫn thấy đôi chút khó khăn. Cha nhìn thấy ba mẹ con đang học, hào hứng đứng đằng sau để “dự giờ”. Mẹ và chị hai bắt đầu gặp bế tắc. Lúc nãy mẹ dùng ngón tay, năm ngón tay trên một bàn tay, hai bàn tay là 10 ngón, ba bàn tay là 15 ngón, cứ như vậy giơ ra một bàn tay, rồi một bàn tay cho tôi xem, nhưng tôi vẫn ngây ra chưa hiểu lắm.

Bỗng nhiên mẹ nghĩ ra một sáng kiến, hỏi tôi: “Vỹ! Cái tàu hỏa đồ chơi tự chạy của con đâu, lấy ra đây đi!”

Tôi chạy ra lấy chiếc tàu hỏa đồ chơi, mẹ cũng đi xuống nhà bếp mang mấy bao diêm lên, đổ hết que diêm dọc theo viền tròn đếm phút của đồng hồ, cứ một ô thì đặt một que diêm, chiếc đồng hồ được bao quanh bởi những que diêm màu đen chĩa ra viền ngoài tựa như vầng mặt trời. Mẹ cầm lấy tay tôi rồi với lấy chiếc tàu hỏa đồ chơi di chuyển quanh phía bên ngoài của vòng diêm, nói với tôi:

“Vỹ này, con nhìn xem! Tàu hỏa chuẩn bị chạy rồi nhé! Trạm thứ nhất sẽ chạy đến ô 5 phút, con đếm thử xem có bao nhiêu que diêm?”

“5 que ạ!”

“Giờ lại đến trạm thứ hai rồi, bao nhiêu que nào?”

“10 que!”

“Trạm thứ ba thì sao?”

“15 que!”

Tối hôm đó tôi phấn khích tới mức không muốn đi ngủ, đòi mẹ hỏi bài tiếp, nhưng mẹ thấy cũng rất muộn rồi, bèn đồng ý rằng ngày mai khi tan học về nhà, nhất định sẽ cùng tôi chơi trò tàu hỏa đến ga.

Cha, tư chất thông minh từ nhỏ, đứng một bên nhìn mẹ dạy tôi học, không nén nổi lời khen ngợi:

“Vợ mình không đi học quả là đáng tiếc, nếu em đi học rồi theo nghề giáo, thế giới hẳn sẽ bớt đi rất nhiều kẻ dốt!”

Dường như mẹ cũng nghĩ như vậy, mẹ thường nói với tôi rằng: “Nếu mẹ là đàn ông thì bây giờ đã không đến nỗi vất vả thế này! Nếu mẹ mà biết chữ với cầm bút thì… Hừm! Nếu như mẹ được cho đi học…”

Nhìn thấy chính mình:

Biết chữ giúp chúng ta mở ra cánh cửa khổng lồ của tri thức, vào những năm 50 cho đến năm 70 của thế kỷ XX, nó còn mở ra cánh cửa hy vọng cho mỗi một cá nhân. Trong thời đại này, những người không biết chữ chỉ còn là thiểu số, tiếng Anh đã trở thành một cánh cửa tri thức khác, nhưng nó chưa chắc đã là cánh cửa hy vọng!

Trên con đường học tập của bản thân, chúng ta đều từng trải qua những sự giày vò khác nhau, phải chăng chúng ta sẽ lùi bước hoặc hoảng sợ, tự mình đóng lại cánh cửa tri thức này? “Không có gì là không học được, chỉ là do chúng ta chưa tìm thấy phương pháp thích hợp nhất với mình mà thôi!”

Hãy tin tưởng chính mình! Dù là bất cứ lĩnh vực hay chuyên ngành nào đi chăng nữa, chỉ cần không từ bỏ nỗ lực, bạn đều sẽ tìm được tài năng thiên phú và sở trường của bản thân, đều sẽ tìm được niềm hy vọng của chính mình! Hãy cố gắng lên!

“Ông trời chỉ trì hoãn sự thành công của bạn thêm một chút thời gian mà thôi! Ông trời chưa từng khiến cho những ai thực sự nỗ lực phải thất vọng!” Hãy cố gắng lên!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.