Con Không Ngốc, Con Chỉ Thông Minh Theo Một Cách Khác

PHẦN THỨ NHẤT: SINH MỆNH ĐƯỢC NHẶT LẠI – Đứa con cầu tự



Bị một trận sốt viêm màng não kịch liệt, mặc dù may mắn giữ lại được mạng sống, nhưng tất cả những năng lực tôi có được trước đó đã mất hết, bao gồm cả trí nhớ và khả năng đọc viết. Tám tuổi, tôi không biết xem đồng hồ, không thể tự mình đến lớp, ngay cả việc đếm từ 0 đến 9 cũng phải rất vất vả mới làm được. Khi người khác được 9 điểm mà vẫn bị ăn đòn, thì tôi lại được ăn đùi gà vì đã rất nỗ lực để đạt 1 điểm. Tôi vẫn có gia đình, người thân luôn thương yêu và quan tâm đến tôi, nhưng tôi không còn thông minh như trước, tôi trở thành “nhân vật đặc biệt” trong mắt bạn học và thầy cô!

Đứa con cầu tự

“Con cầu thần khấn Phật! Phận con gái mới đáng thương làm sao, vì gia đình này, con xin nguyện từ bỏ cả tính mệnh của mình và đứa bé trong bụng, hoặc là làm cho con lỡ sẩy, hoặc xin ban cho con một đứa con cầu tự, để có thể bảo vệ gia đình này, xin mang đến cho con một cốt nhục ân đức… ”

Đây là những lời mà trước khi tôi ra đời, mẹ đã hằng ngày tụng niệm trước ban thờ Phật.

Trước khi mẹ mang thai tôi, gia đình tôi từng là một gia đình mà ai ai trong dòng tộc cũng ngưỡng mộ. Bố trở về từ Nhật Bản, mới hơn 20 tuổi đã trở thành Hội trưởng Hội Nông nghiệp của huyện Bình Khê, tuổi trẻ tài cao, bố trở thành một nhân vật quan trọng trong toàn huyện. Nhưng có lẽ cũng vì tuổi đời còn trẻ nên đã vô tình đắc tội với phe cánh trong ban lãnh đạo, trong một vụ án cá nhân biển thủ quỹ hội rồi bỏ trốn, bố không những mất đi tất cả, mà còn bị xử tù. Thậm chí sản nghiệp của cả gia tộc cũng vì việc này mà bị tra xét niêm phong để bù đắp cho khoản quỹ bị mất. Vì cuộc sống, mẹ tôi khi đó đang bụng mang dạ chửa bất đắc dĩ phải đi làm trong một hầm quặng. Để có thêm chút thu nhập, có thêm ít tiền để người già trẻ nhỏ trong nhà có cơm ăn, mẹ phải ngậm đắng nuốt cay, cắn răng đẩy xe chở quặng. Đó là một công việc vô cùng nặng nề và mệt mỏi, đã vậy còn một ngày làm liền hai ca, thường xuyên mệt đến mức chân tay rã rời, đẩy xe lên đỉnh dốc rồi lại bị lăn xuống. Nếu gặp phải ngày mưa thì càng dễ ngã, toàn thân ướt sũng, rất nhiều lần phẫn uất, mẹ muốn chết đi cho rồi, nhưng nghĩ đến cụ ngoại đang nằm nhà lay lắt với căn bệnh hen suyễn và ba đứa nhỏ, mẹ lại đành cắn răng làm công việc mà cánh đàn ông cũng chưa chắc đã làm tốt này.

Dù phải làm lụng cả ngày trời, khi về đến nhà cũng đã quá nửa đêm vậy mà vẫn còn một đống việc đang chờ mẹ – giặt quần áo cho cả nhà, nấu thức ăn cho lợn, gà, vịt, mệt tới độ không còn sức lết được tới giường, gục xuống và thiếp đi ngay tại bếp. Sự vất vả của mẹ còn không được ông nội thấu hiểu, ông thường lôi việc cha làm liên lụy đến cả gia tộc để trút giận lên mẹ, hở một chút là chỉ trích chửi rủa mẹ trước mặt mọi người: “Con đàn bà đen đủi, sao không chết quách đi cho rồi!”

Nỗi oán hận chất chứa trong lòng không dám nói ra và sự mệt mỏi cùng cực mà mẹ phải chịu đựng, tôi khi đó chỉ là một thai nhi vô tri vô giác nên không có chút ký ức gì. Nhưng những câu chuyện này trong quá trình trưởng thành của tôi lại tựa như được phát thanh tự động, hết lần này đến lần khác bật ra từ miệng của mẹ!

Niềm hy vọng có thể sinh ra một “đứa con cầu tự” mang đến may mắn và niềm vui cho mọi người là động lực sống duy nhất của mẹ lúc bấy giờ. Ông nội lại không nghĩ như vậy khi nhìn thấy thân hình chỉ còn da bọc xương vì điều kiện sống thiếu thốn của mẹ, ông bèn xỉa xói rằng mẹ chỉ biết đẻ con gái, thậm chí còn ngầm thỏa thuận với hàng xóm, nếu mẹ đẻ ra con gái, ông sẽ lập tức bán cho họ với giá 100 tệ.

Ngày tôi chào đời trời mưa như trút, mẹ vẫn tất tả đội mưa đi làm. Quản đốc và những người thợ làm cùng đều cảm thấy thương tình, thi nhau khuyên ngăn bảo mẹ về nhà nghỉ ngơi. Thế nhưng mẹ vẫn khóc nghẹn, khẩn cầu quản đốc cho mẹ được tiếp tục làm. Quản đốc cuối cùng cũng đành đồng ý, chấp nhận để mẹ xuống hầm quặng, nhưng giao ước trước rằng, nếu đang làm mà cảm thấy đau bụng thì nhất định phải kêu lên để mọi người giúp đỡ. Một sản phụ sắp tới ngày lâm bồn, khệ nệ vác bụng bầu đẩy một toa xe nặng cả trăm cân, cắn răng cắn lợi gồng mình giữa trời mưa tầm tã. Sau này mẹ từng nói rằng, không hiểu tại sao ngã lên ngã xuống như vậy, ngày ba bữa thì chỉ ăn có một, cũng chưa từng có lấy một giấc ngủ ngon, vậy mà cái thai trong bụng lại không bị sẩy.

Ông thầy bói mù nhà bên nhiều lần an ủi mẹ rằng, muốn đẻ ra một đứa con tài giỏi thì cha mẹ bắt buộc phải chịu khổ trước đã: “Đào à, nỗi khổ nhọc của cháu không vô ích đâu, nhất định phải nhẫn nại, không được nghĩ quẩn đâu nhé!” Mẹ nói với tôi: “Nếu không phải vì con thì đã mấy lần mẹ quyết buông tay, để toa xe lăn ngược đè chết cho xong!”

Và cũng chính nhờ ý niệm mạnh mẽ phải sinh được một “đứa con cầu tự” đó đã giúp cho mẹ, trước khi sinh tôi một ngày, lết được về đến nhà trong đêm đen mưa gió sau khi đẩy nốt toa xe cuối cùng.

Mẹ nói rằng khi bắt đầu trở dạ, mẹ dường như còn chưa kịp cảm thấy đau đớn gì thì tôi đã chui ra rồi. Có lẽ do quá mệt mỏi, nên chẳng còn cảm giác gì.

Khi đó ông nội còn ba lần đến trước cửa phòng, vạch rèm vải bên ngoài thúc giục: “Nhanh lên đi chứ, tao còn lấy 100 tệ để uống rượu hâm!”

Mẹ nước mắt giàn giụa ôm lấy bà ngoại khóc lóc. Bà ngoại vừa an ủi mẹ, vừa cùng quỳ gối cầu xin ông trời, làm ơn để con gái bà sinh được bé trai, một bé trai thực sự!

Trời còn chưa sáng tỏ, chị hai tôi khi đó mới năm tuổi khư khư cầm cán chổi đứng canh trước cửa phòng, quyết không cho bất cứ ai cướp lấy tôi mang đi! Cuối cùng mãi đến hơn mười giờ, tôi mới cất tiếng khóc chào đời. Biết là con trai, chị hai lập tức hoa chân múa tay, chạy đi khắp nơi để báo tin: “Mẹ cháu sinh con trai, sinh con trai! Không bị bán đi nữa rồi!”

Chị hai của tôi, từ bé đã vì tôi mà phải chịu nhiều khổ cực. Chị thường bảo với tôi rằng: “Lúc cậu vẫn chưa ra đời, chị đã chuẩn bị liều chết vì cậu rồi, may mà cậu là con trai, nếu là con gái thì chị nguyện bị bán cho người khác để cậu được ở lại!”.

Đối với tôi tình chị em máu mủ ruột già này là cả tấm ân tình của cuộc đời; còn đối với chị hai, giây phút tôi sinh ra cũng là lúc chị bắt đầu phải thay tôi gánh chịu muôn vàn vất vả!

Sự ra đời của tôi không hề mang lại bất cứ niềm vui nào cho cả gia tộc. Khi đó tất cả tài sản trong nhà đều đã bị tịch thu bán đấu giá, nhưng vẫn chẳng thể bù đắp cho số tiền lớn đã bị cuỗm đi. Tất cả đồ đạc quý giá và tiền vàng của bạn bè trong dòng họ đều đã huy động để bồi thường. Mười tám ngày sau khi tôi ra đời, chúng tôi đã không còn chốn dung thân ở quê nhà Bình Khê, đành khăn gói ít quần áo đơn giản đi theo quản đốc đến khu quặng ở một thôn miền núi tên là Tam Dân, huyện Đào Nguyên. Nơi đó chỉ có dãy nhà lợp bằng mái tranh đơn sơ, dùng đèn dầu, không giống như Bình Khê, một nơi phồn hoa nhờ mỏ than. Mẹ kể rằng khi đó nửa đêm thường hay sờ thấy thứ gì đó lành lạnh mềm mềm, đốt đèn lên mới biết là con rắn to bằng cả cánh tay, có khi sáng thức dậy mới nhìn thấy cả con rắn cuộn tròn nằm bên cạnh. Khi đó cha không ở nhà, mẹ sợ rắn chui vào trong chăn nên phần lớn thời gian đành ôm các con ngồi đợi trời sáng.

Sau khi sinh ra tôi, vì mưu sinh mẹ không những chẳng có tiền để bồi bổ, mà khi tôi còn chưa đầy tháng, mẹ đã phải cùng cánh đàn ông xuống hầm quặng làm việc. Để giữ được công việc này, tất cả những việc đàn ông làm, mẹ cũng chấp nhận làm, không những thế còn phải cố gắng làm tốt hơn người khác, vì chỉ có như vậy mới được phép xuống hầm. Thông thường đàn bà chỉ có thể đứng ngoài cửa hầm để đón xe chở quặng, tiền lương chỉ bằng một nửa so với làm trong hầm, mẹ đành vào hầm cùng các công nhân khác, gánh gỗ trần, đóng cọc, đào than, đẩy xe toa, việc gì cũng đến tay. Tiếc là dù mẹ có cố gắng bao nhiêu, tiền lương cũng chỉ được bằng sáu bảy phần so với người khác.

Vậy mà những việc này còn chưa thấm vào đâu, điều làm mẹ buồn phiền và lo lắng hơn cả, đó là cứ mỗi lần đến ngày phát lương, ông nội đều tranh đến lĩnh trước. Vì bà ngoại và bốn đứa con, mẹ phải thường xuyên cầm theo gậy gỗ đến đòi tiền ông, còn bị chửi là “con đàn bà điên”. Mẹ đành nhờ kế toán nhất định từ sau để cho mẹ đến lĩnh, bà ngoại và ông cũng vì chuyện này mà cạch mặt, không ở cùng nhau nữa.

Những đứa con trong các gia đình làm việc trong khu quặng đa số đều mang họ khác nhau, điều này cũng chẳng có gì kỳ lạ, bởi khi phải làm việc trong điều kiện công trường vô cùng tồi tàn, cánh công nhân thường xuyên đối mặt với nguy hiểm và bất trắc. Rất nhiều người vì cuộc sống mà đoản mệnh, phải để lại vợ con bơ vơ một mình, được một thời gian, những người vợ đó cũng đành phải cải giá. Nếu như người chồng thứ hai chẳng may chết đi, thì họ lại phải dắt díu theo một đám trẻ đi cải giá tiếp. Bài vị tổ tiên của nhà tôi có cả họ Liêu, họ Vương, họ Tô, họ Lô, chúng tôi chưa từng đi tìm hiểu mối quan hệ phức tạp này. Giống như ông nội đầu tiên cưới bà nội, bà nội qua đời thì lại cưới bà ngoại, vì vậy các bác, chú, cô, thím, dì, nhiều khi cũng thực sự khó phân biệt hay xưng hô rạch ròi cho được.

Sau khi không ở chung với bà ngoại nữa, ông nội liền dọn đến ở với con ruột, còn bà ngoại ở cùng bố mẹ tôi. Để giúp đỡ mẹ chút ít, bà ngoại cũng đến công trường phụ việc đun nước tắm cho công nhân. Vì vậy trong ký ức thời thơ ấu, thường chỉ có chị hai chăm sóc bế bồng tôi. Còn chị cả, do tư chất thông minh và thành tích học tập vượt trội, cô giáo chủ nhiệm cho rằng nếu chị cùng cả nhà chuyển về nơi khỉ ho cò gáy như thôn Tam Dân thì sau này chắc chắn tài năng của chị ấy sẽ bị mai một, thế nên cô giáo năm lần bảy lượt khuyên nhủ bố mẹ, hy vọng hai người đồng ý để chị cả sống nhờ nhà chú dì ở Bản Kiều. Chính vì vậy mà hồi nhỏ, ấn tượng về chị cả trong tôi như là một vị khách quý, chỉ có dịp lễ tết, nghỉ hè mới thấy chị trở về nhà. Mỗi bận sắp đến ngày chị về, lũ trẻ trong nhà đứa nào đứa nấy nhấp nhổm chờ đợi. Trời vừa sáng, chúng tôi liền trèo đèo lội suối, đi mấy cây số mới ra tới bến đỗ trên đường quốc lộ để đứng chờ.

Trong đám trẻ con, tình cảm giữa chị cả và chị hai là thân thiết nhất. Thường ngày vì chị cả không có nhà, mẹ và bà ngoại thì ra khỏi nhà đi làm từ khi trời còn chưa sáng, chuyện lớn chuyện nhỏ trong nhà đều đến tay chị hai, vậy nên mỗi ngày mẹ đều đặt một đồng năm hào bên cạnh gối để khi tỉnh dậy chị nhét vào ống trúc tiết kiệm. Có một lần chị cả về nhà nghỉ lễ vài ngày, đến ngày phải trở lại Bản Kiều, chị hai khệ nệ ôm ống trúc chứa đầy những đồng năm hào nhất quyết bảo chị cả nhận lấy, nhưng chị cả quyết không nhận, hai người ôm nhau khóc lóc sụt sùi. Chị hai nói: “Ở trên núi này chẳng có gì để mua, cần tiền làm gì? Cho chị đấy, cho chị đấy!”

Kỳ thực, để chị cả còn nhỏ như vậy đã phải rời nhà đi ở trọ đèn sách bố mẹ cũng không đành lòng, nhưng vì tương lai của chị, đó là lựa chọn duy nhất. May thay chú dì không có con gái, chị cả lại rất ngoan ngoãn và hiểu chuyện nên chú dì rất quý, yêu thương chị như con ruột. Trong nhà tôi xếp thứ tư, ở trên ngoài chị cả, chị hai ra thì còn một anh ba nữa. Anh tôi chính trực thật thà, vì là cháu đích tôn nên ngay từ bé ông nội vô cùng yêu chiều anh, nhưng bà ngoại thì hoàn toàn ngược lại. Vì vậy ngày nhỏ tôi thường hay bịa chuyện để bà ngoại la mắng anh, nhưng anh dường như lại chẳng bao giờ để bụng, chỉ cần bên ngoài có thứ gì hay ho hoặc đồ ăn ngon, anh nhất định sẽ mang về chia cho tôi. Trong gia đình trọng nam khinh nữ này, mặc dù anh cũng là con trai như tôi, đã vậy còn là đích tôn, nhưng mọi người đối xử với anh khác tôi rất nhiều. Bà ngoại và cha mẹ dường như dành toàn bộ tình yêu và sự chú ý cho tôi, anh chỉ đứng nhìn từ xa, giả vờ như không có gì. So với anh, sự quan tâm chú ý mà tôi nhận được quả thật quá nhiều.

Trong ký ức ấu thơ, ngày cha được mãn hạn tù, tôi đã không còn nhớ rõ. Ngược lại, khung cảnh ngày mẹ dẫn đến trại thăm cha thì tôi vẫn nhớ như in. Khi khung cửa sổ sắt xuất hiện một người đàn ông cao ráo, đầu trọc, đen nhám và gầy gò, mẹ bảo tôi gọi “cha” đi. Lúc đó tôi vẫn còn nhỏ, không những sợ hãi phát khóc mà còn tè dầm luôn trên bậc phòng thăm hỏi. Cũng chính vì hình ảnh này luôn khắc ghi trong đầu, nên sau này tôi đã đăng ký thực tập ở trại giam khi theo học năm thứ ba chuyên ngành Phòng chống Tội phạm Học viện Sỹ quan Cảnh sát. Mỗi khi nhìn thấy một bà mẹ nào đó dắt con đến trước khung cửa kính phòng thăm hỏi và bảo đứa bé gọi người bên trong bằng cha, là tôi lại không kìm được nước mắt.

Vì cha tôi trước đây từng lâm cảnh tù tội, nên tôi càng thấu hiểu nỗi đau đớn khổ sở mà người nhà phải gánh chịu bên ngoài khi trong nhà có ai đó ở tù.

Vì điều này, tôi từng âm thầm tự hứa với mình, sau này nếu có cơ hội, tôi sẽ để chế độ hình phạt sao cho phù hợp với nhân tính và kỳ vọng của xã hội, để không còn những người như cha tôi, chỉ vì lỗi lầm của cấp dưới, không những phải bồi thường toàn bộ gia sản mà còn bị tống giam. Nhưng tiếc thay, những quy định pháp luật này chẳng ai có thể thay đổi được. Mẹ tôi dù không bị nhốt vào sau song sắt, nhưng bà cũng phải chịu vô số những nỗi đau về cả thể chất lẫn tinh thần. Tôi thường nghĩ, có lẽ tất cả nỗi khổ trên đời này cũng chẳng thể sánh với những bi kịch mà mẹ đã từng trải qua, hay những nỗi đau mà mẹ phải nén chịu. Hơn thế nữa, nỗi khổ thực sự không chỉ là những trải nghiệm đau đớn không bao giờ muốn quay đầu nhìn lại, mà còn là những ký ức luôn lưu giữ trong đáy sâu con tim. Những nỗi đau khi xưa thường nhức nhối khôn nguôi, chực chờ bùng phát, tựa như đã vĩnh viễn nhốt mẹ tôi vào ngục tù tối tăm của tâm hồn.

Tôi của ngày thơ ấu là một đứa bé được nuông chiều và không hiểu chuyện, hiếu thắng mà lại hay mít ướt. Mỗi lần tết đến xuân về, chị cả đều cùng chúng tôi ngồi chơi bài ăn tiền. Bà ngoại biết tôi thua là sẽ ăn vạ, thế nên bà đành làm “ngân hàng” của tôi, tôi thua bao nhiêu thì bà sẽ cho bấy nhiêu. Vậy mà đến khi thua tôi vẫn lăn ra khóc toáng lên, tôi cũng không hiểu vì sao mình khóc. Tiền mỗi lần chơi chỉ có thể nhiều lên chứ không bao giờ ít đi, nhưng chỉ cần vớ phải lá bài xấu, biết phải bù tiền của mình cho người khác là tôi liền ấm ức, không ngăn nổi nước mắt. Đương nhiên, không chỉ có chơi bài, ngày thường chỉ cần gặp phải những chuyện không được như mong muốn tôi cũng khóc liền. Thông thường chỉ cần tôi khóc một tiếng là anh ba liền bị ăn mắng, chị hai sẽ nhường nhịn và dỗ dành tôi, người phải chịu tội nhiều nhất vì cái tính khí ẩm ương của tôi là chị hai. Cũng vì lẽ đó mà sau này trưởng thành, tôi luôn có mặc cảm tội lỗi sâu sắc với gia đình và anh chị của mình. Cho đến nay tôi vẫn thường nghĩ, rốt cuộc tôi phải làm gì mới có thể chuộc lại lỗi lầm và sự ngu ngốc khi xưa mình đã gây ra?

Thế nhưng đấy mới chỉ là những chuyện nhỏ, phiền phức lớn mà tôi gây ra vẫn còn chưa bắt đầu!

Nhìn thấy chính mình:

Nhìn lại chặng đường đã qua trong cuộc đời, phần lớn những ký ức của chúng ta đều từ lời kể của cha mẹ, đặc biệt là mẹ. Nỗi khổ sở mà cha mẹ từng trải qua, từ lâu đã âm thầm bắt rễ trong thẳm sâu cuộc đời chúng ta, chi phối những gì chúng ta theo đuổi hay trốn tránh. Những trải nghiệm, suy nghĩ và cảm xúc đến từ cha mẹ, nếu như chúng ta có thể phân biệt được đâu là những điều thuộc về cha mẹ và bản thân không cần đến, chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy chính mình. Đối với mọi thứ thuộc về cha mẹ, chúng ta không cần đưa ra bất cứ sự đánh giá nào cả, chỉ cần có một trái tim thấu hiểu là đủ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.