Con Không Ngốc, Con Chỉ Thông Minh Theo Một Cách Khác

Trưởng thành cùng con cái



Sau khi tốt nghiệp Học viện Sỹ quan Cảnh sát, tôi được điều chuyển về công tác tại Viện cải huấn thiếu niên Đào Nguyên, đảm nhận nhiệm vụ huấn đạo viên theo lớp. Sự rèn giũa trong quãng thời gian này đã mang tới rất nhiều nguồn cảm hứng cho sự nghiệp chuyên môn của tôi.

Khi đó một lớp ước chừng có khoảng 50 em học sinh, do ba giáo viên thay phiên nhau trực lớp, trên lớp lúc nào cũng duy trì hai giáo viên, 24/24 ở bên cạnh học sinh. Nhìn qua thì có vẻ giáo viên sẽ có sức ảnh hưởng rất lớn đối với học sinh, nhưng trên thực tế, những gì mà giáo viên có thể làm được lại vô cùng hạn chế. Bởi bản chất của mỗi học sinh chịu ảnh hưởng từ gia đình, trường học và xã hội, giáo viên dù cố gắng tiếp cận với chúng đến thế nào đi nữa cũng chỉ có thể tác động tới bên ngoài mà thôi, còn với tất cả những gì thuộc về thế giới nội tâm thì đều hoàn toàn bất lực. Một học sinh trước khi bị đưa đến Viện Giáo dưỡng, thông thường đều từng có hồ sơ liên quan đến một số lần phạm tội và có “kinh nghiệm” ra vào Sở Cảnh sát hay Sở Bảo hộ thiếu niên đôi ba lần. Trong cơ cấu cải huấn đều tồn tại một loạt quy tắc ngầm, ma cũ bắt nạt ma mới, lớn bắt nạt bé, mạnh bắt nạt yếu… Nếu như không đi sâu quan sát và tìm hiểu, chỉ nhìn từ bên ngoài vào sẽ không thể phát hiện ra điều gì khác biệt. Trong quá trình học tập bốn năm ở Học viện Sỹ quan Cảnh sát, tôi đã định ra một phương hướng cho bản thân, đó chính là nguyện dốc sức cả đời phục vụ những thanh thiếu niên lầm đường lạc lối. Vì vậy, khi mới bước vào Viện Giáo dưỡng, tôi chỉ có một bầu nhiệt huyết và lý tưởng cao cả mà không biết làm thế nào để bắt tay vào giúp đỡ, thậm chí có đôi lần khiến cho những đứa trẻ yếu thế kia phải chịu nhiều tổn thương hơn.

Còn nhớ lần đầu tiên ngẫu nhiên phát hiện ra một học sinh gầy gò nhỏ thó, trên người có rất nhiều nốt sưng tấy màu đỏ, tôi nhầm tưởng rằng em đó bị bọ chét cắn hoặc nhiễm bệnh da liễu, nhìn kỹ hơn mới biết đó là những vết thương do bị vật nhọn đâm vào. Dù cho tôi có gặng hỏi thế nào chăng nữa, nó cũng chỉ ngậm nước mắt, chứ tuyệt nhiên không dám khai ra đứa bạn đã làm mình bị thương. Tôi cho rằng đây chính là do bản thân đã không hoàn thành trách nhiệm, cha mẹ đem con em mình giao cho giáo viên quản lý, giáo viên lại bất lực chẳng thể bảo vệ chúng. Tôi không thể chấp nhận nổi sự bất lực của mình liền tiến hành cách ly kiểm tra xét hỏi từng đứa, khi đó mới phát hiện ra không chỉ có một học sinh bị thương, trên cơ thể của những đứa trẻ thấp bé nhẹ cân hoặc mới chuyển đến đều có hai ba vết chích như vậy. Những học sinh này lo sợ bị trả thù, nên đều không dám nói ai đã gây ra. Trên lớp có một vài nhân vật thuộc diện “đại ca”, tôi hẹn gặp chúng nói chuyện, chúng liên tục phủ nhận. Mãi cho đến một ngày khi tôi đang dạy môn Ngữ văn, bỗng có một học sinh phát điên lên, cầm bút đâm mạnh vào người một học sinh khác. Sự việc xảy ra quá đột ngột, sau khi ngăn được học sinh kia, một mình tôi ngồi trò chuyện với nó suốt một hai tiếng đồng hồ, lúc này mới biết trên lớp phân ra làm hai phe, mỗi phe có một thủ lĩnh riêng. Học sinh nào mới vào đều phải tự chọn phe, những đứa thấp bé thường bị đánh đập, hoặc làm bao cát chịu tội thay. Để tự bảo vệ chính mình, những học sinh yếu ớt đều phải làm mọi cách để hầu hạ, nịnh bợ đại ca của phe đó.

Sau khi biết được chuyện này, trong lòng tôi vừa phẫn nộ vừa đau đớn, nhớ lại thuở thơ ấu thường bị bắt nạt của mình, trong tim như bừng lên ngọn lửa chính nghĩa, chỉ muốn bắt những học sinh cầm đầu kia đánh cho một trận nhớ đời. Tôi đi thỉnh giáo những đồng nghiệp gạo cội, họ dường như đều đã quen với những chiêu trò của đám học sinh này, còn bảo với tôi rằng “Đó là vì chúng nó xem Cảng kịch19 nhiều quá”. Đối với câu trả lời này, tôi thực sự không thể chấp nhận nổi! Tôi không thể dung thứ cho kiểu ỷ mạnh hiếp yếu này được. Vậy nên một buổi chiều nọ, khi đến thời gian vận động, tôi bắt toàn bộ học sinh phải cởi trần, và gọi những học sinh trên người có vết đâm đứng tiến lên trước hàng đầu, để cho tất cả mọi người nhìn rõ những vết đâm bằng bút bi hoặc đũa. Những học sinh này cũng được cha mẹ nuôi nấng, ngày hôm nay dù chúng gầy gò bé nhỏ, nhưng chúng cũng sẽ trưởng thành và cao lớn hơn. Tôi không hy vọng rằng sẽ lại phải nhìn thấy những vết thương này, nếu không tôi sẽ dùng bạo lực để trị bạo lực, trị lại gấp một trăm lần, đánh người một lần, tôi sẽ phạt đánh 100 lần!

Khi bắt đầu, tôi tích cực kiểm tra, dường như tình trạng đánh đập cũng ít đi! Nhưng một ngày nọ tôi thấy trên mặt của cậu học sinh thấp bé kia lằn một vết năm ngón tay, khi tìm ra thủ phạm, trước mặt cả lớp tôi đã đánh 100 roi vào mông học sinh đó. Cậu học sinh to con này, mãi đến khi tôi rời khỏi Viện Giáo dưỡng vẫn không thể tha thứ cho hình phạt nặng đến vậy của tôi. Nó nói rằng do tâm trạng không tốt, nhất thời không kiểm soát được nên mới ra tay đánh người. Khi đó tôi cho rằng tất cả những vụ bạo lực đều xuất phát từ việc không kiểm soát được cảm xúc, vậy nên không thể viện cớ đó mà đánh người. Nó trả lời tôi – thầy cũng đang đánh người đấy thôi!

“Lấy bạo lực để trị bạo lực” luôn là một mô thức quản giáo truyền thống, nhưng quản giáo một cách bạo lực lại là một sự dạy dỗ và thị phạm không ổn nhất. Bởi vì, bạo lực hữu hình là tổn thương da thịt, nhưng tổn thương của bạo lực tinh thần còn nhiều hơn gấp bội. Bạo lực về mặt tinh thần, như sự tổn thương vì bị ghẻ lạnh, cô độc, đối địch, coi thường hoàn toàn không ít hơn bạo lực cơ thể. Sau khi trải qua rất nhiều chuyện tôi mới hiểu được nỗi đau đớn và bất an trong tâm can những học sinh bị vứt bỏ bên lề của hai phe phái lớn trong lớp kia!

Ở trong Viện Giáo dưỡng, tôi còn phát hiện thấy động tác của những học sinh thấp bé kia rất chậm. Vốn dĩ tưởng rằng do còn nhỏ nên phản ứng của chúng không kịp, sau này mới biết rằng mỗi một đứa trong số chúng đều phải giặt quần áo lót và rửa bát đũa của bốn hay năm đứa khác. Mọi người có mì gói hay đồ ăn vặt để ăn, còn chúng chỉ có thể uống canh hoặc ăn những miếng còn sót lại, ngay cả quần áo lót mới của chúng được bố mẹ mua cho, cũng bị chặn cướp giữa đường. Không chỉ là quần áo phơi ngoài sân biến mất, mà ngay cả tắm giặt cũng không có xà phòng, đánh răng không có kem đánh răng, ăn cơm chỉ có thể ăn cùng canh, không được gắp thịt, gắp rau… biết bao sự bất công xảy ra ngay trước mắt, cứ như vậy dần trở thành nỗi đau nhức nhối không cất nên lời trong tim tôi. Những mánh khóe hay thói xấu tồn tại trong các trại giam và trung tâm giáo dục trẻ vị thành niên, chúng đều đã thuần thục.

Ví dụ ngay trong chính môn Lý luận tội phạm học, thanh thiếu niên không có cách nào giành được sự công nhận bằng những con đường thông thường từ xã hội, vì vậy chúng sẽ chuyển hướng tìm đến sự công nhận theo văn hóa cấp bậc của xã hội. Căn cứ theo quá trình trưởng thành của những đứa trẻ này và chính bản thân tôi, vì không thể thích nghi với cuộc sống trường học – thành tích yếu, tương tác xã giao kém – nên chúng đều trở thành một đám trẻ thất bại của giáo dục nhà trường, bên cạnh đó, chúng lại không thể nhận được sự ủng hộ và công nhận từ phía gia đình. Tôi may mắn khi tìm ra được lối ra, còn chúng thì sao? Với hiện thực xã hội này làm thế nào để những học sinh tiểu học, trung học lạc lối kia tìm ra một con đường để có thể nỗ lực và giành được thành tựu đây?

Khi tôi còn nhỏ, học hành không giỏi thì còn có thể đi học nghề, ví dụ như điêu khắc, thợ hồ, thợ trang trí, hoặc cắt tóc các kiểu, sau 34 năm học việc ra ngoài tự bươn chải thì chắc chắn sẽ có địa vị xã hội. Thế nhưng trẻ em ngày nay đều coi những công việc tay chân là vô tích sự, là khổ sở nên không cam tâm, nhưng học hành thì cũng không xong, chỉ có thể lưu lạc trong những tụ điểm ăn chơi. Đứa nào to con hung hãn thì dùng nắm đấm để giành miếng ăn, bắt nạt kẻ yếu; những đứa thấp cổ bé họng, chỉ có thể chờ đợi để bị chèn ép bắt nạt! Công bằng ở đâu? Tương lai của chúng sẽ ở đâu?

Tôi nhiều lần khuyên nhủ động viên những đứa trẻ này phải chịu khó học hành, quay trở lại trường, có một vài học sinh sau khi rời khỏi Viện Giáo dưỡng, chỉ đến trường được một thời gian lại tiếp tục bỏ học! Tôi không thể hiểu và đoán định được, những đứa trẻ mười mấy tuổi này, vừa không có một kỹ năng sở trường nào, vừa không thể chịu khổ lăn lộn, mười năm sau khi có gia đình, con cái, thì chúng làm thế nào để chăm sóc được con cái của mình? Và những đứa bé không được chăm sóc một cách chu toàn này, rất có thể sẽ lại bước theo vết xe đổ của cha mẹ chúng! Phạm tội không xuất phát từ di truyền, mà là số phận của những người không thể làm lại cuộc đời bằng quá trình giáo dục. Những gia đình có hoàn cảnh kinh tế tốt thì thường có nhiều thời gian và điều kiện chăm lo cho con cái, những đứa trẻ lầm lỗi lại thường xuất thân từ trong những gia đình kinh tế khó khăn. Thế nhưng công cuộc cải cách giáo dục trước mắt dường như chỉ nới rộng thêm khoảng cách giữa kẻ nắm ưu thế về kinh tế và những người yếu thế. Tôi luôn suy nghĩ về một vấn đề duy nhất: làm sao tôi có thể đem những may mắn trong cuộc đời mình để chia sẻ cho những đứa trẻ lạc lối này đây?

Lúc đầu tôi tìm ra được một điểm mấu chốt, những đứa trẻ này chịu ảnh hưởng của gia đình, đều không giỏi trong việc xử lý mối quan hệ tương tác nhân thế. Đặc biệt là khi gặp phải trắc trở hoặc phải biểu đạt ý kiến bất đồng, chúng đều có thói quen sử dụng ngôn ngữ thô bạo để ứng phó, từ đó sẽ ảnh hưởng đến cơ hội được tiếp nhận và thấu hiểu. Thành tích của chúng thường không tốt, nhưng nếu như biết cách tôn kính bề trên, đối đãi tốt với các bạn, chúng vẫn có rất nhiều cơ hội. Vì vậy bước đầu tiên của tôi là hy vọng có thể cải thiện những thói quen xấu của chúng, như hễ mở miệng ra là văng tục chửi thề, không hợp ý là cho đối phương ăn bạt tai. Tôi đã thử dùng hình phạt nhưng vô hiệu, giờ chuyển sang dùng phương pháp khích lệ: chỉ cần một tuần không chửi bậy sẽ được thưởng; khi nói chuyện với thầy giáo, phải dùng đúng mật mã – “xin”, “cảm ơn”, “xin lỗi”; với những anh chị hoặc trưởng bối thì phải dùng “anh/chị”; khi có cơ hội được phục vụ giúp đỡ ai đó thì phải nói “Đây là vinh hạnh của tôi!” Vài tuần trôi qua, trong bầu không khí nghịch ngợm náo nhiệt, đám trẻ đã bắt đầu nhắc nhở nhau phải ăn nói “lịch sự”. Nhưng rất khó để chúng thôi chửi bậy. Khi cảm xúc không được khống chế, chúng sẽ lập tức tuôn ra những câu chửi tục tĩu. Thầy giáo chúng tôi có thể làm gì đây?

Những câu chửi bậy đó vốn không có ác ý, chỉ là nhằm cường điệu cảm xúc không thoải mái của chúng mà thôi. Nhưng khi những câu chửi bậy đó thoát ra khỏi miệng, kết hợp cùng cử chỉ và vẻ mặt sẽ mang tới cảm giác không tốt cho người đối diện. Việc khiến những đứa trẻ này xây dựng nên một mô thức tương tác lành mạnh, dường như có chút khó khăn! Sự nỗ lực của tôi chỉ có thể tạm thời cải thiện thói quen ngôn ngữ của những đứa trẻ này, còn sự ảnh hưởng lâu dài đối với chúng dường như không nhiều. Có một quãng thời gian tôi thường tự trách bản thân, ông trời cho tôi cơ hội phục vụ những đứa bé lầm đường lạc lối này, nhưng tôi lại không thể phát huy chức trách của mình.

Sau này khi xem trên tivi và các phương tiện truyền thông đại chúng, nhìn thấy một số nhân vật của công chúng mở miệng ra là đầy những lời lẽ tục tĩu, ném đồ đạc, xô xát đánh người, tôi mới hiểu ra được một trong những nguyên nhân thực sự của việc không thể thay đổi được những đứa trẻ này. Kỳ thực đối với những vấn đề về giá trị xã hội, những gì giáo dục có thể làm được là vô cùng hữu hạn, khi đó tôi mới thấy giảm bớt được cảm giác bức bối trong tim mình. Khoảng thời gian này, tôi chứng kiến một số đứa trẻ ngoan cố không chịu học hành, chúng thông minh tinh quái thoát khỏi tầm mắt của giáo viên, bắt nạt kẻ yếu, liên tục phạm quy. Khi chúng sắp được rời khỏi Viện Giáo dưỡng, tôi vẫn đặc biệt dặn dò: một người có thể bắt nạt toàn thế giới, nhưng duy nhất không thể bắt nạt được chính mình, hy vọng chúng có thể vì bản thân mà cố gắng sống tốt. Chẳng ngờ nửa năm sau, tôi đọc được trên báo thông tin một trong số chúng đã trộm súng trong doanh trại quân đội chạy trốn rồi cưỡng hiếp giết người, trong tim tôi bỗng dấy lên một nỗi đau khôn tả. “Tại sao nó lại tuột khỏi tầm tay mình?”, “Tại sao mình không thể giúp đỡ cho nó?” Là một người thầy, nếu không thể khiến chúng bỏ ác hướng thiện thì tôi còn có ích gì đây? Đôi lần chìm trong cơn mơ lúc nửa đêm, tôi thấy nó trở về, vẻ mặt tinh quái nhận lỗi với tôi, trong lòng chua xót khôn nguôi. “Một người thầy có thể làm được gì?”, “Tại sao mình không thể cứu được nó?”

Trải qua biết bao hành trình và thử thách của cuộc sống, tôi đã dần hiểu được những gì mà cha mẹ, thầy giáo có thể làm được, đó chỉ là: “Tận dụng tất cả sự nỗ lực có thể có của bản thân, để đi cùng với chúng một đoạn đường mà thôi!”

Nhìn thấy chính mình:

Mỗi lần dạy dỗ những thanh thiếu niên trong trường, tôi đều lặng nhìn chăm chú đám trẻ lầm đường lạc lối này. Mười năm, hai mươi năm sau chúng sẽ ra sao đây? Là điều gì sẽ quyết định tương lai của chúng? Là vận mệnh? Hay sự đầu tư và nỗ lực của chính bản thân chúng?

Tôi tin tưởng sự cố gắng của mình sẽ thay đổi được tất cả, nhưng tại sao có người cố gắng cho tương lai của chính mình, có người lại không?

“Ước mơ khiến con người trở nên vĩ đại!” Tập hồ sơ cá nhân trên tay tôi có hơn một nửa số học sinh không hề có bất cứ sự kỳ vọng nào đối với bản thân mình, hoặc chỉ là một ước mơ hết sức trừu tượng: hy vọng mình sẽ có tiền nhiều đến nỗi tiêu không hết, muốn làm gì thì làm, tự do tự tại, v.v… Có rất ít người biết được mục tiêu cuộc sống và phương hướng cuộc đời của mình – “Mình muốn điều gì! Mình sẽ đạt được điều ấy!” Có một số người không thể tin rằng bản thân có năng lực để thực hiện tất cả những gì mình muốn! Chỉ cần bạn hiểu được một cách cụ thể và rõ ràng tương lai mà bản thân mong đợi là như thế nào, nội tâm bạn tự nhiên sẽ có một động lực cực lớn, kích thích và khiến bạn không hoàn thành không được. Người có ước mơ, tự khắc sẽ có động lực để phấn đấu!

Biết rõ sự mong đợi và mơ ước của bản thân! Bạn sẽ có được một động lực cụ thể và rõ ràng, để bằng mọi cách thực hiện được ước mơ đó!

Tin tưởng chính mình – “Mình muốn! Mình sẽ làm được!” Bạn muốn điều gì? Tại sao bạn lại muốn nó? Tư duy của bạn sẽ lay tỉnh người khổng lồ trong tim bạn, thực hiện tất cả những gì bạn muốn!

Nỗ lực bằng cả tinh thần và thể xác! Nỗ lực hơn nữa! Bất cứ sự việc gì xảy ra đều là quá trình mà bạn buộc phải trải qua để đạt được mục tiêu. Dồn sức chú ý của bạn vào mục tiêu và mơ ước, hãy cày cấy chăm chỉ, để những hạt mồ hôi tuôn rơi, rồi một ngày thời khắc hân hoan thu hoạch sẽ đến.

Đồng ruộng có thể gặp thiên tai, sự nỗ lực trong tim cũng tuyệt đối không ngoại lệ!

Chúc phúc cho bạn! Hãy cố gắng!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.