Công tước và em

Chương 2 phần 2



Môi phu nhân Danbury cong lên thành một nụ cười ranh mãnh, đồng lõa. “Ta luôn biết ta thích cháu mà. Và không, ta không nói cho cậu ta biết cháu ở đâu.”

“Cháu cám ơn,” Daphne nói với vẻ cảm kích.

“Sẽ là phí phạm một bộ óc khôn ngoan nếu cháu bị xích lại với tên ngốc đó,” phu nhân Danbury nói, “và có Chúa chứng giám, giới thượng lưu không thể phí phạm những trí tuệ hiếm hoi mà chúng ta có.”

“Ơ, cám ơn bà,” Daphne nói.

“Còn các cậu” – phu nhân Danbury vung vẩy cây gậy về phía các anh trai Daphne, “Ta vẫn chưa phán xử đâu đấy. Cậu,” bà chĩa cây gậy hướng tới Anthony, “ta sẵn sàng dành thiện cảm cho cậu, từ khi cậu từ chối lời cầu hôn của Berbrooke với em gái cậu, nhưng những thằng còn lại… Hừmmm.”

Và với những lời đó, bà rời đi.

“Hừmmm?” Benedict lặp lại. “‘Hừmmm?’ Bà ấy có vẻ như định đánh giá trí thông minh của tôi và tất cả những gì bà ấy có thể nói là ‘Hừmmm’?”

Daphne cười tự mãn. “Bà ấy thích em.”

“Vậy thì chào mừng em đến với bà ta,” Benedict lầm bầm.

“Và hãy nhớ những gì bà ấy cảnh báo em về Berbrooke đấy,” Anthony đế thêm.

Daphne gật đầu. “Em tin rằng đó là lời gợi ý cho sự ra về của em.” Cô quay qua Anthony với cái nhìn cầu khẩn. “Nếu anh ta đến tìm em…”

“Để anh lo chuyện đó,” anh nhẹ nhàng nói. “Đừng lo.”

“Cám ơn anh.” Và rồi, mỉm cười với các anh trai, cô lẻn ra khỏi phòng khiêu vũ.

Khi Simon lặng lẽ đi dọc theo đại sảnh ngôi nhà của phu nhân Danbury ở London, anh chợt thoáng có ý nghĩ mình đang trong tâm trạng thoải mái một cách khác thường. Điều này thật sự đáng chú ý, anh cười thầm nghĩ, nếu xét tới việc anh sắp sửa tham dự buổi dạ vũ của xã hội thượng lưu, đồng nghĩa với việc tự ném mình vào với hết thảy nỗi kinh hoàng mà Anthony Bridgerton đã phơi ra trước mặt anh chiều hôm đó.

Nhưng anh có thể tự làm mình khuây khỏa bằng ý thức rõ ràng rằng sau hôm nay, anh không cần phải bận tâm đến những buổi lễ kiểu này nữa; như anh đã nói với Anthony chiều hôm ấy, lí do anh có mặt tại buổi dạ vũ này chỉ đơn thuần xuất phát từ lòng trung thành dành cho phu nhân Danbury, một người dù thường tỏ ra khá cộc cằn nhưng đã luôn đối xử rất tử tế với anh hồi anh còn nhỏ.

Anh dần nhận ra tâm trạng thoải mái này xuất phát từ thực tế đơn giản là anh rất hài lòng khi quay trở lại Anh.

Nói như thế không có nghĩa anh không yêu thích các cuộc du hành vòng quanh thế giới của mình. Anh đã đi du lịch ngang dọc khắp châu Âu, căng buồm băng qua các đại dương xanh thẳm rạng ngời Địa Trung Hải, và dấn mình vào tận Nam Phi bí ẩn. Từ nơi đó, anh đã đến vùng đất thánh, và rồi khi các cuộc điều tra cho thấy vẫn chưa đến lúc quay về nhà, anh lại tiếp tục băng qua Đại Tây Dương và thám hiểm vùng Đông Ấn. Hồi đó anh đã tính chuyện lên đường tới Mỹ, nhưng đất nước non trẻ ấy có vẻ như sắp bước vào cuộc xung đột với nước Anh, vậy nên Simon đành từ bỏ ý định đó.

Hơn nữa, chính khi đó anh nghe tin cha anh, vốn đổ bệnh từ nhiều năm nay, cuối cùng đã qua đời.

Thật mỉa mai làm sao. Simon sẽ không đánh đổi những năm tháng thám hiểm của anh lấy bất cứ thứ gì. Sáu năm đã cho anh nhiều thời gian suy nghĩ, nhiều thời gian học hỏi về ý nghĩ đích thực của một người đàn ông. Ấy vậy nhưng lí do duy nhất khiến chàng trai hai mươi tuổi Simon thời bấy giờ phải rời khỏi nước Anh chính là bởi cha anh đột nhiên quyết định, cuối cùng ngài đã sẵn sàng chấp nhận con trai.

Tuy nhiên Simon không sẵn sàng chấp nhận cha, vậy nên anh chỉ đơn giản đóng gói hành lí và rời khỏi đất nước, thà chịu đi đày còn hơn đón nhận màn yêu thương giả nhân giả nghĩa của ngài Công tước già.

Mọi chuyện bắt đầu khi Simon học xong ở Oxford. Ban đầu, Công tước không muốn chi trả học phí cho con trai; Simon đã có lần đọc được lá thư ông viết cho một gia sư, tuyên bố rằng ông kiên quyết không để đứa con ngu ngốc làm ô nhục hình ảnh gia đình ở Eton. Nhưng không những vô cùng bướng bỉnh, Simon còn có một tấm lòng khao khát học hỏi, vậy là anh bắt xe đến Eton, gõ cửa phòng hiệu trưởng, xin trình diện

Đó chắc hẳn là hành động kinh khủng nhất trong đời anh, nhưng anh đã tìm ra cách thuyết phục ngài hiệu trưởng rằng sự lộn xộn này là lỗi của nhà trường, rằng bằng cách nào đó, Eton hẳn đã làm thất lạc giấy nhập học cũng như học phí của anh. Anh sao y phong cách của cha, nhướng mày ngạo mạn, hất cằm lên, khinh khỉnh nhìn ông ta, và ra vẻ như anh nghĩ mình là bá chủ thế giới này.

Và trong suốt quãng thời gian đó, anh run rẩy khắp toàn thân, chìm đắm trong nỗi kinh hoàng rằng vào bất cứ khoảnh khắc nào, lời nói của anh cũng có nguy cơ trở nên vấp váp líu ríu, rằng câu nói “Tôi là Bá tước Clyvedon, và tôi tới đây để bắt đầu học tập” sẽ bị thay bằng, “Tôi là Bá tước Clyvedon, và tôi t-t-t-t-t-t…”

Nhưng chuyện đó không xảy ra, và ngài hiệu trưởng, vốn đã có đủ thâm niên dạy dỗ các thành phần ưu tú của nước Anh nên ngay lập tức nhận ra Simon là một thành viên của gia đình Basset, liền ghi danh cấp tốc cho anh mà không hỏi han gì. Phải mất đến vài tháng ngài Công tước (luôn luôn bận rộn với các hoạt động cá nhân) mới nhận ra tình trạng hiện thời của con trai và việc anh đã thay đổi chỗ ở. Đến lúc đó, Simon đã yên ổn ẩn mình ở Eton, và sẽ chẳng hay ho gì nếu Công tước vô duyên vô cớ lôi anh rời khỏi trường.

Và Công tước không thích lâm vào tình cảnh chẳng hay ho gì.

Simon thường tự hỏi tại sao cha mình không chọn thời điểm ấy để thương lượng. Rõ ràng ở Eton, Simon không hề nói vấp hết lần này đến lần khác; Công tước hẳn sẽ được hiệu trưởng báo tin nếu con trai ngài không theo kịp bạn học. Thỉnh thoảng Simon mắc lỗi khi giao tiếp, nhưng đến lúc đó anh đã trở nên vô cùng thành thạo trong việc che đậy sơ suất bằng cách ho khan hay, nếu may ra gặp đúng bữa ăn, thì thật đúng lúc để nhấp ngụm trà hoặc sữa.

Nhưng Công tước không bao giờ viết cho anh dù chỉ một bức thư. Simon đoán rằng cha anh đã quá quen với việc làm lơ con trai đến mức chẳng có nghĩa lí gì khi anh chứng tỏ mình không phải nỗi xấu hổ cho cái tên Basset.

Sau Eton, Simon tiếp tục theo học tại Oxford, gặt hái được ở nơi đây tiếng tăm vang dội cả trên lĩnh vực học thức lẫn trong vai trò một kẻ phóng đãng. Thành thực mà nói, anh không đáng phải nhận danh hiệu kẻ trác táng như với phần lớn những cậu ấm ở trường đại học, nhưng bằng cách nào đó, lối cư xử có phần xa cách của Simon đã làm gia tăng tai tiếng đó của anh.

Simon không biết chắc chuyện diễn biến như thế nào, nhưng anh dần nhận ra rằng những người bằng vai phải lứa khao khát sự chấp thuận của anh. Anh thông minh và khỏe mạnh, nhưng có vẻ như chính lối cư xử mới là yếu tố quan trọng nhất khiến địa vị anh ngày càng được nâng cao. Bởi Simon luôn im lặng khi không cần thiết phải nói, mọi người đều cho rằng anh là kẻ ngạo mạn, đúng như phẩm chất cần có của một Công tước tương lai. Bởi anh chỉ thích ở cùng những người bạn khiến anh cảm thấy thật sự thoải mái, mọi người đi đến kết luận rằng anh có sự sáng suốt khác thường trong việc lựa chọn bạn bè, đúng như phẩm chất cần có của một Công tước tương lai

Anh không phải người hay nói, nhưng bất cứ khi nói gì đó, anh đều toát lên sự hóm hỉnh sắc sảo và thường rất chua cay – đúng kiểu hài hước bảo đảm rằng tất cả mọi người sẽ đều phải bám lấy từng lời từng chữ. Và một lần nữa, bởi vì anh không thường xuyên mở miệng như nhiều người trong giới thượng lưu khác, người ta lại càng bị ám ảnh bởi những lời anh nói.

Anh được gọi là “tự tin tuyệt đối,” “đẹp trai đến thót tim,” và “kiểu mẫu đàn ông Anh quốc hoàn hảo.” Đàn ông muốn xin ý kiến của anh ở bất cứ chủ đề nào.

Phụ nữ gục ngã dưới chân anh.

Simon không đời nào tin hết những chuyện đó, nhưng dù sao anh vẫn tận hưởng địa vị của mình, nhận những gì được trao tặng, tự do phóng túng với bạn bè, hưởng thụ mối quan hệ với mọi góa phụ trẻ tuổi và mọi ca sĩ opera vẫn luôn cầu cạnh sự chú ý của anh – và mọi hành động tự do phóng túng đều trở nên thú vị hơn nhiều khi biết rằng cha anh chắc hẳn sẽ phản đối.

Nhưng, hóa ra, cha anh không hoàn toàn phản đối. Cho dù Simon không biết, nhưng Công tước Hastings đã bắt đầu quan tâm đến sự phát triển của đứa con trai duy nhất. Ngài yêu cầu nhà trường thông báo tình hình, thuê một viên cảnh sát thường xuyên thông tin cho ngài về những sinh hoạt ngoại khóa của Simon. Và cuối cùng, ngài Công tước không còn trông chờ những công văn kể lể về sự ngu ngốc của con trai ngài nữa.

Thật khó để chỉ ra chính xác lúc nào trái tim ngài bắt đầu thay đổi, nhưng một ngày nọ, Công tước nhận ra rằng, xét cho cùng, hóa ra con trai ngài cũng khá thú vị.

Ngài Công tước phổng mũi vì tự hào. Như thường lệ, cuối cùng nòi giống tốt vẫn luôn chứng tỏ được sự đúng đắn. Ngài lẽ ra nên biết rằng dòng máu Basset không thể sản sinh ra một kẻ đần độn.

Ngay khi kết thúc thời kì học tập tại Oxford với vị trí đứng đầu về môn toán, Simon đến London với bạn bè. Dĩ nhiên, anh thuê một căn hộ dành cho người độc thân, không mong mỏi về sống với cha. Và khi Simon bước chân vào xã hội thượng lưu, càng ngày càng có nhiều người hiểu nhầm sự ngập ngừng đầy ý nghĩa của anh là sự kiêu căng và việc anh chỉ có một nhóm bạn nhỏ là do tính độc đoán.

Danh tiếng của anh được chính thức công nhận khi Beau Brummel – nhân vật được nhìn nhận như người lãnh đạo giới thượng lưu – đã hỏi một câu khá rắc rối về một vấn đề thời trang mới tầm thường nào đó. Giọng Brummel khá nhún nhường, và hắn ta rõ ràng hi vọng làm bẽ mặt quý ngài trẻ tuổi. Như cả London đều biết, Brummel không yêu thích gì hơn việc biến giới quý tộc Anh thành những tên ngốc ba hoa. Vậy là ông ta vờ như quan tâm đến ý kiến của Simon, kết thúc câu hỏi bằng giọng lè nhè. “Anh không nghĩ vậy sao?” Trong lúc đám khán giả chuyên ngồi lê đôi mách nín thở quan sát, Simon, thờ ơ tột độ trước cách thắt cà vạt vô cùng đặc biệt của Hoàng tử, chỉ liếc đôi mắt xanh lạnh như băng về phía Brummel và trả lời, “Không.”

Không giải thích, chẳng tỉ tê, chỉ “Không.”

Và rồi anh bước đi.

Ngay chiều hôm sau, Simon dường như đã trở thành vị vua của giới thượng lưu. Sự trớ trêu thật khiến người ta khó chịu. Simon chẳng mảy may quan tâm đến Brummel hay giọng lưỡi của ông ta, và có lẽ anh sẽ còn ba hoa hơn cả một kẻ bị gạt ra rìa nếu anh có thể tin chắc mình sẽ làm được thế mà không nói vấp lần nào. Vậy nhưng trong trường hợp này, rõ ràng sự kiệm lời đã chứng tỏ hiệu quả hơn nhiều, và câu nói cụt ngủn của Simon hóa ra lại là đòn chí tử hơn bất cứ bài diễn văn lê thê nào mà anh có thể nói được.

Những đồn thổi về người thừa kế tước Công Hastings đẹp trai thông minh và ấn tượng lẽ đương nhiên đã bay đến tai ngài Công tước. Và mặc dù ngài không lập tức tìm kiếm Simon, nhưng Simon bắt đầu nghe được không ít tin đồn cho thấy mối quan hệ giữa hai cha con có lẽ chẳng mấy chốc sẽ thay đổi. Ngài Công tước đã cười phá lên khi nghe về chuyện xảy ra với Brummel, và nói, “Hiển nhiên thôi. Nó mang họ Basset mà.” Một người quen cũng cho biết người ta đã thấy Công tước bộc lộ niềm vui trước tin tức về năm thứ nhất của Simon tại trường Oxford.

Và rồi cả hai đã mặt đối mặt tại một buổi dạ vũ ở London.

Ngài Công tước không cho Simon cơ hội phớt lờ ngài.

Simon đã cố. Ồ, anh đã cố gắng biết bao nhiêu. Nhưng không ai giỏi hơn cha anh trong khả năng đập tan sự tự tin của anh, và khi anh nhìn chằm chằm vào Công tước, người giống anh như tạc, chỉ có điều hơi già hơn, anh không thể di chuyển, thậm chí không thể nói một lời nào.

Lưỡi anh cứng lại, miệng như trở nên thừa thãi, và có vẻ như tật nói lắp đã chạy khắp từ miệng xuống cơ thể anh, vì anh đột nhiên chẳng cảm thấy chút thoải mái nào hết.

Ngài Công tước đã lợi dụng sự sao nhãng tạm thời của Simon để chân thành ôm chầm lấy anh, “Con trai.”

Simon rời khỏi đất nước ngay ngày hôm sau.

Anh biết sẽ không thể hoàn toàn tránh mặt cha nếu anh vẫn ở lại nước Anh. Và anh nhất quyết không chịu cư xử như một người con sau khi đã bị cha mình chối bỏ bao nhiêu năm trời.

Ngoài ra, anh bắt đầu cảm thấy nhàm chán với cuộc sống phóng túng tại London. Nếu bỏ qua cái danh tiếng phóng đãng ấy, Simon thật ra không có khí chất của một gã trác táng thực thụ. Anh yêu thích những buổi đêm trong thành phố không kém bất kì người bạn thân phóng đãng nào, nhưng sau ba năm tại Oxford và một năm tại London, cái vòng luẩn quẩn của tiệc tùng và gái gú đã trở nên, chà, cũ rích.

Và thế là anh ra đi.

Tuy nhiên, hiện giờ, anh mừng vì được quay trở lại. Anh mơ hồ nhận thấy một cảm giác dễ chịu khi được ở quê nhà, một cảm giác yên bình và thanh thản trước mùa xuân Anh quốc. Và sau sáu năm trời rong ruổi một mình, thật thoải mái biết bao khi được gặp lại bạn bè.

Anh im lặng bước dọc đại sảnh, tìm đường tới phòng khiêu vũ. Anh không muốn bị xướng tên lên; điều anh không mong muốn nhất là bị thông báo về sự hiện diện của mình. Cuộc trò chuyện lúc chiều với Anthony Bridgerton đã củng cố quyết định của anh rằng sẽ không tích cực tham gia vào các hoạt động trong xã hội thượng lưu London.

Anh không có kế hoạch kết hôn. Không bao giờ. Và nếu không vì tìm vợ thì đâu có nhiều lí do để tham gia vào các buổi tiệc của giới thượng lưu.

Dù vậy, anh vẫn cảm thấy cần phải bày tỏ lòng trung thành đối với phu nhân Danbury sau sự ân cần bà đã dành cho anh trong suốt thời thơ ấu, và thành thật mà nói, anh khá yêu thích người phụ nữ lớn tuổi thẳng thắn ấy. Sẽ thật vô cùng khiếm nhã nếu từ chối lời mời của bà, nhất là khi nó đi kèm với một tin nhắn cá nhân chào mừng anh về nước.

Vì Simon biết rõ đường đi nước bước trong nhà, anh bèn đi vào từ cửa phụ. Nếu mọi chuyện suôn sẻ, anh có thể kín đáo lẻn vào phòng khiêu vũ, bày tỏ lòng quý trọng với phu nhân Danbury, và sau đó rời đi.

Nhưng khi rẽ vào trong góc phòng, anh nghe thấy có tiếng nói, và cứng người lại.

Simon nén tiếng rên. Anh đang xen ngang cuộc hò hẹn của một đôi tình nhân. Khỉ thật. Làm sao để thoát ra khỏi đây mà không gây chú ý? Nếu anh bị phát hiện, cảnh tượng kế tiếp chắc chắn sẽ là một tuồng kịch đầy cảm giác xấu hổ với những cảm xúc nhạt nhẽo bất tận. Tốt hơn là chỉ nên tan vào bóng tối, và để cho đôi tình nhân tiếp tục vui vẻ với nhau.

Nhưng ngay khi Simon bắt đầu lặng lẽ quay đi, một âm thanh vang lên khiến anh chú ý.

“Không.”

Không? Có phải một tiểu thư nào đó dù không muốn nhưng vẫn bị buộc phải bước vào hành lang vắng vẻ này? Simon không có hứng thú trở thành người hùng đối với bất kì ai, nhưng dù vậy anh vẫn không thể bỏ qua một hành động xúc phạm kiểu thế. Anh nhẹ nhàng nghển cổ, dỏng tai lên để có thể nghe rõ hơn. Xét cho cùng, có thể anh đã nghe nhầm lắm chứ. Nếu không có ai cần giúp đỡ, anh chắn chắn sẽ không dại dột lao về phía trước như một thằng ngốc.

“Nigel,” cô gái đang nói, “thật tình anh không nên theo tôi ra ngoài này.”

“Nhưng anh yêu em!” gã trai trẻ hét lên bằng giọng say đắm. “Tất cả những gì anh muốn là biến em thành vợ anh.”

Simon suýt nữa đã rên lên. Tên ngốc mù quáng đáng thương. Thật đau lòng khi phải nghe những lời này.

“Nigel,” cô lại nói, giọng tử tế và kiên nhẫn đến không ngờ, “anh trai tôi đã bảo anh là tôi không thể cưới anh. Tôi hi vọng chúng ta có thể tiếp tục coi nhau như bạn bè.”

“Nhưng anh trai em không hiểu!”

“Có đấy,” cô nói kiên quyết, “anh ấy hiểu chứ.”

“Mẹ kiếp! Nếu em không lấy anh thì còn ai chứ?”

Simon chớp mắt ngạc nhiên. Lời cầu hôn này rõ là chẳng lãng mạn gì.

Cô gái dường như cũng nghĩ vậy. “Tốt thôi,” cô nói, giọng hơi cáu kỉnh. “Có vẻ như trong phòng khiêu vũ của phu nhân Danbury hiện tại có hàng tá quý cô trẻ tuổi khác. Tôi chắc chắn rằng trong số đó sẽ vô cùng xúc động nếu được cưới anh đấy.”

Simon hơi rướn người về phía trước để có thể nhìn thoáng qua cảnh tượng trước mắt. Cô gái vẫn ở trong bóng tối, nhưng anh có thể thấy chàng trai khá rõ. Gương mặt gã ta nhuốm vẻ xấu hổ, đôi vai sụp xuống đầu hàng. Chậm rãi, gã lắc đầu. “Không,” gã khổ sở nói, “họ không sẵn lòng đâu. Em không thấy sao? Họ… họ…”

Simon cau mày trong lúc gã trai chật vật tìm từ. Anh ta không tỏ ra quá lắp bắp khi không kiểm soát được cảm xúc của mình, nhưng chẳng thể nào dễ chịu được khi người ta không thể nói một câu cho ra hồn.

“Không ai đáng mến bằng em,” cuối cùng gã nói. “Em là người duy nhất mỉm cười với anh.” “Ồ, Nigel,” cô gái nói, thở dài mệt mỏi. “Tôi dám chắc không đúng vậy đâu.”

Nhưng Simon có thể nói rằng cô chỉ đang cố tỏ ra tử tế. Và khi cô thở dài lần nữa, anh có thể thấy rõ rằng cô không cần bất cứ sự trợ giúp nào. Có vẻ như cô hoàn toàn xử lí được tình huống này, và mặc dù Simon mơ hồ cảm thấy tội nghiệp cho gã Nigel không may kia, anh cũng chẳng thể giúp được gì.

Hơn nữa, anh bắt đầu cảm thấy mình như một kẻ tọc mạch tồi tệ nhất.

Anh dợm bước lùi về phía sau, dán mắt vào cánh cửa mà anh biết sẽ dẫn đến thư viện. Còn một cánh cửa nữa nằm phía bên kia căn phòng, dẫn đến nhà kính. Từ đó anh có thể bước vào sảnh chính rồi đến phòng khiêu vũ. Sẽ không được kín đáo bằng cách đi tắt qua cửa ngách, nhưng ít ra Nigel tội nghiệp sẽ không biết đã có người chứng kiến tình trạng bẽ mặt của gã.

Nhưng rồi, vừa lùi được một bước, anh đã nghe cô gái thét lên.

“Em phải cưới anh!” Nigel gào lớn. “Em phải thế! Anh sẽ không bao giờ tìm được ai khác…” “Nigel, dừng lại!”

Simon quay lại, rên lên. Có vẻ như cuối cùng anh sẽ phải giải cứu cho cô gái nhỏ bé kia thôi. Anh sải bước ngược lại sảnh, khoác lên bộ mặt vẻ nghiêm nghị và đậm chất Công tước nhất. Câu nói, “Tôi tin rằng tiểu thư đây đã yêu cầu anh ngừng lại,” nằm sẵn trên đầu lưỡi, nhưng dường như tối nay anh không có cơ hội sắm vai người hùng, vì anh chưa kịp nói lời nào, quý cô trẻ tuổi kia vung tay phải ra sau, đấm một cú cật lực vào quai hàm Nigel. Nigel ngã xuống, cánh tay quơ quào trong không khí một cách khôi hài, chân cẳng xụi lơ. Simon chỉ biết đứng đó, kinh ngạc quan sát cô gái khuỵu gối xuống.

“Ôi trời,” cô nói, giọng hơi rít lên. “Nigel, anh không sao chứ? Tôi không định đánh anh mạnh thế đâu.”

Simon phá ra cười. Anh không thể ngăn mình lại được.

Cô gái giật mình, ngước lên.

Simon nín thở. Lúc trước, cô khuất trong bóng tối, và đặc điểm duy nhất anh có thể thấy rõ nơi cô là mái tóc dày sẫm màu. Nhưng giờ đây, khi cô ngẩng đầu lên đối mặt với anh, anh nhận ra cô có đôi mắt to, đen láy, và bờ môi hoang dại nhất, căng mọng nhất mà anh từng thấy. Gương mặt hình trái tim không đẹp theo kiểu tiêu chuẩn của giới thượng lưu, nhưng ở cô toát lên một điều gì đó hút cạn hơi thở ra khỏi cơ thể anh.

Hàng lông mi dày, nhưng cong cong thanh nhã của cô cau lại. “Ngài,” cô hỏi, không chút hài lòng khi thấy anh, “là ai?”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.