Cú Vọ và Đàn Bồ Câu

Chương XXXVI



Bà hiệu trưởng Bulstrode nhìn qua một lượt những người bà triệu tập đến dự cuộc họp này: các giáo viên, hiện chỉ còn bà Chadwick, cô Rich, hai nữ giáo viên khác và bà giám thị Johnson. Cô thư ký Anh Shapland ngồi bên cạnh bà hiệu trưởng, tay cầm cuốn sổ và cây bút. Ngay gần bà là thanh tra Kelsey và thám tử Poirot. Cách đấy một quãng là Adam, ngồi kín đáo trong một góc. Điểm qua một lượt tất cả mọi người, bà hiệu trưởng nói bằng giọng đĩnh đạc như mọi khi:

– Tôi thấy cần thông báo với các vị về kết quả cuộc điều tra cho đến ngày hôm nay. Thanh tra Kelsey đã tin cho tôi biết một số điều. Riêng ông Poirot, nhờ những người quen ở nước ngoài, đã nhận được sự giúp đỡ đáng quý tại Thụy Sĩ.

Bà hiệu trưởng quay sang thanh tra Kelsey.

– Về mặt chính thức, tôi không được quyền kể ra những gì tôi đã biết. Tôi chỉ được quyền thông báo với ông rằng chúng tôi đã có được một số ánh sáng về thủ phạm ba vụ án mạng xảy ra tại đây. Nhưng ông bạn tôi, ông Hercule Poirot, không bị những nguyên tắc nhà nước cản trở, có thể công bố với các vị một số chi tiết. Tuy nhiên vì lợi ích của tất cả chúng ta, tôi đề nghị các vị hãy tạm thời giữ kín. Tôi tha thiết đề nghị như vậy, các vị hiểu rõ chứ ạ?

Tất cả mọi người có mặt đồng thanh tán thành.

– Bây giờ xin mời ông Poirot…

Hercule Poirot vui vẻ đứng lên, cẩn thận vuốt hàng ria mép. Đám phụ nữ vội quay mặt đi chỗ khác để khỏi phì cười.

Poirot bắt đầu nói:

– Trước hết tôi xin nói với các vị rằng tôi rất hiểu nỗi lòng các vị. Chỉ trong một thời gian ngắn, ba người trong trường chúng ta bị thiệt mạng, trong đó có một người đã dạy học ở đây từ lâu: cô giáo Vansittart. Tất nhiên hai cô giáo Springer và Blanche là những mười mới đến, nhưng tôi tin chắc rằng cái chết của họ cũng làm chúng ta choáng váng.

Các vị hẳn đã có lúc lo sợ cho bản thân vì nghĩ rằng kẻ nào đó có mối hằn thù đối với các giáo viên của trường chúng ta. Tôi và thanh tra Kelsey xin khẳng định với các vị rằng hoàn toàn không phải thế. Tuy nhiên sau một loạt sự kiện bi thảm, trường nữ học Meadowbank chúng ta đã thu hút sự chú ý của dư luận và bị nhiều người nghĩ xấu về nó. Kết quả là đã có nhiều người nhận định, một con chó sói đã lọt vào trong đàn cừu. Ngoài ba vụ án mạng, lại có thêm một vụ bắt cóc. Đây là vụ tôi muốn nói với các vị đầu tiên, bởi trong mọi tấn bi kịch, điều khó khăn nhất là tìm cho ra nguyên nhân những sự kiện mà thật ra không liên quan trực tiếp với các tội ác, nhưng lại làm lạc hướng công việc điều tra, khiến hướng đó mất sự tập trung… Hướng đó ở đây là một tên hung thủ nào đó đã lọt vào trường chúng ta.

Hercule Poirot lấy trong túi áo ra một tấm ảnh.

– Mời các vị nhìn tấm ảnh này xem.

Thanh tra Kelsey cầm tấm ảnh đưa cho bà hiệu trưởng Bulstrode. Sau khi bà truyền cho người khác, và cứ thế, mọi người trong phòng đều được xem tấm ảnh. Đi xong một vòng nó được trả về cho viên thám tử tư vấn Poirot. Ông này liếc nhìn những nét mặt bối rối của cử tọa hướng về ông, nói:

– Tôi xin hỏi tất cả các vị một câu: có vị nào nhận ra người trong ảnh là ai không?

Mọi người lắc đầu, Hercule Poirot nói tiếp:

– Đấy chính là công nương Shaila. Tấm ảnh này người ta đã gửi từ Thụy Sĩ đến cho tôi.

– Shaila! – Bà giáo Chadwick sửng sốt kêu lên. – Vậy mà tôi không nhận ra được!

– Bà không làm tôi ngạc nhiên. – Viên thám tử nói. – Xin hãy nghe tôi giải thích. Sự việc bắt đầu từ thủ đô nước Ramat ở Trung Đông. Cách đây khoảng ba tháng, ở đấy nổ ra một cuộc đảo chính, chắc nhiều người ngồi đây đã biết. Quốc trưởng nước đó lúc ấy là Hoàng thân Ali Yusuf, trên đường chạy trốn đã tử nạn cùng với viên phi công riêng của Ngài trên một chiếc máy bay. Một vật quý có giá trị rất lớn của Ngài mang đi bị thất lạc, và dư luận cho rằng vật quý đó đã được đưa sang nước Anh chúng ta. Thế là nhiều nhóm người tìm cách điều tra xem vật báu kia ở đâu để chiếm đoạt nó. Một trong những nhận định của họ là rất có thể công nương Shaila biết vật quý kia nằm ở chỗ nào. Công nương là em họ của Hoàng thân Ali, và là người họ hàng duy nhất còn lại, đồng thời cũng là người thừa kế hợp pháp của Ngài. Công nương đang theo học một trường nội trú tại thủ đô Geneva, Thụy Sĩ. Rất có khả năng vật báu kia, sau khi được đưa ra khỏi Ramat, đã được chuyển đến tay công nương. Đám âm mưu kia lại biết thêm rằng công nương Shaila thôi không học trường nội trú ở Thụy Sĩ nữa, mà chuyển sang học trường nữ học Meadowbank ở Anh. Do đấy bọn chúng tiến hành một việc khá đơn giản là bắt cóc công nương, rồi đưa đến học ở trường chúng ta một người khác đóng giả làm công nương. Việc này không khó khăn gì vì họ hàng duy nhất còn lại của công nương là ông chú rể của cô, Ngài Giáo chủ Ibrahim, hiện đang sống tại Ai Cập, và nhiều khả năng là trong mùa hè này, Ngài không sang Anh. Bọn âm mưu đã điều tra rất cẩn thận và có những thông tin khá chính xác như các vị đã thấy. Mặt khác, hiệu trưởng của trường nữ học Meadowbank, bà Bulstrode, lại chưa biết mặt người học trò sắp đến theo học trường mình. Việc chuyển công nương sang Anh và vào học ở đây do một đại diện của Ngài Giáo chủ Ibrahim thường trú tại London thu xếp.

Kế hoạch của bọn chúng vấp phải một trục trặc: đến phút cuối cùng thì Bà hiệu trưởng trường nội trú của công nương Shaila tại Thụy Sĩ lại quyết định đưa cô sang Anh một cách không công khai. Ra khỏi trường, công nương Shaila được bọn âm mưu kia bí mật đưa đến một lâu đài cổ tại một thị trấn hẻo lánh, và tất nhiên cô được đối xử hết sức tử tế. Trong khi đó, tại London, một quan chức chưa hề biết mặt công nương, tháp tùng một Shaila giả đến trường Meadowbank. Cô gái sắm vai Shaila này tuy nhiều tuổi hơn Shaila thật đôi chút, nhưng điều này không quan trọng, bởi mọi người có định kiến từ lâu là con gái Trung Đông phát triển sớm hơn con gái châu Âu. Thêm nữa, bọn chúng chọn một nữ diễn viên trẻ để đóng vai này.

Dừng lại một lúc, thám tử Hercule Poirot nói tiếp:

– Có lần tôi hỏi xem có ai trong các vị chú ý đến đầu gối của công nương Shaila không, chính là vì thế. Đầu gối của một phụ nữ hai mươi ba tuổi không thể giống đầu gối của một thiếu nữ mười bốn mười lăm tuổi. Đáng tiếc là không ai chú ý.

Nhưng mưu đồ này cũng lại bị trục trặc. Mãi không thấy có ai đến bắt liên lạc với “công nương Shaila”. Thư từ gửi đến không có mà cũng không ai gọi điện thoại đến. Nếu có người bắt liên lạc, tất “công nương Shaila” giả này sẽ báo tin ngay cho đồng bọn. Lại xảy ra thêm một khó khăn nữa cho bọn chúng, là Ngài Giáo chủ Ibrahim bất cứ lúc nào cũng có thể xuất hiện, mà Giáo chủ tất phải biết rõ mặt cháu gái Ngài. Đến khi được tin ông chú đến London và muốn gặp cháu gái, công nương giả bèn gọi điện báo cho đồng bọn, thế là nửa giờ trước khi xe ôtô của Ngài Giáo chủ đến, một chiếc ôtô khác gắn tấm biển “Ngoại Giao Đoàn” giả đã đón “công nương” đi. Chiếc xe mang biển giả này đã được tìm thấy bị bỏ mặc tại cái thành phố, nơi cô diễn viên kia xưa nay vẫn cư trú. Tất nhiên đó là xe ăn cắp. Bon chúng tạo cho sự việc thành vụ bắt cóc bằng cách sau đấy gửi thư đòi tiền chuộc… Thật ra đây là vụ bắt cóc giả, trong khi vụ bắt cóc thật đã xảy ra tại Thụy Sĩ cách đây ba tháng, mà nạn nhân là công nương Shaila “thật”.

Bây giờ tôi xin kể về những sự kiện quan trọng hơn nhiều: các vụ án mạng. Thủ phạm không thể là diễn viên đóng vai công nương Shaila, bởi nhiệm vụ bọn âm mưu giao cho cô ta không phải là giết ai, mà chỉ là ngồi đấy chờ người bắt liên lạc và giao “vật quý” của Hoàng thân Ali, hoặc cho biết thông tin về nó.

Nhưng tôi muốn các vị quay lại Ramat. Chỉ ít lâu sau đó, người ta được biết Hoàng thân trước khi chạy trốn đã giao phó vật quý kia cho người thân tín là viên phi công người Anh tên là Bob Rawlinson. Và ngay sáng hôm đó, Rawlinson đã đến khách sạn lớn nhất của thủ đô Ramat gặp chị ông ta, là bà Sutcliffe, mẹ của em Jennifer. Nhưng ông ta không gặp được bà chị: hai mẹ con đi chơi vắng. Rawlinson đã vào phòng họ, ở lại trong đó khoảng hai mươi phút và để lại một là thư ngắn.

Khi phát hiện ra chi tiết này, có rất nhiều cách phỏng đoán, cho là viên phi công đã giấu vật quý kia trong hành lý của bà chị và bà đã đem vật quý đó về Anh mà không hay biết tí gì về nó. Kết quả là bọn âm mưu tiến hành đột nhập vào nhà bà Sutcliffe để ăn cắp, thực ra là để tìm vật báu kia lấy đi. Nhưng tên đột nhập đã không tìm thấy, mà lại bị bắt và đưa ra tòa. Điều này chứng tỏ chúng không biết đích xác vật báu đó ở đâu.

Trong khi đó lại có một kẻ biết chính xác nơi viên phi công Bob Rawlinson giấu vật báu! Bây giờ tôi đã có thể nói rõ để các vị biết, nơi đó là trong cán cây vợt của con gái bà Sutcliffe: em Jennifer. Chính vì thế mà em Jennifer thấy sử dụng cây vợt khó khăn, em đinh ninh là vợt hỏng và năn nỉ mẹ mua cho cây vợt khác.

Kẻ biết được điều bí mật kia đợi lúc đêm khuya, đã lẻn vào Cung Thể thao để lấy cây vợt của Jennifer. Y đã cẩn thận lấy chìa khóa in vào một khuôn dẻo để đánh một chiếc khác. Vào giờ mọi người trong trường Meadowbank đang ngủ say, y đột nhập vào Cung Thể thao. Nhưng ai ngờ cô giáo dạy thể dục Springer nhìn thấy ánh sáng đèn pin ở đó, bèn chạy sang, hy vọng bắt quả tang kẻ gian. Vốn khỏe và can đảm, cô chủ quan, chạy sang đó một mình. Kẻ gian đang loay hoay tìm cây vợt thì bị cô giáo Springer phát hiện và nhận được mặt. Y chỉ còn một cách là thủ tiêu cô. Sợ có người nghe thấy tiếng súng, y bèn chạy trốn ngay lập tức chưa kịp thu dọn các cây vợt…

Rồi vài ngày sau, bọn âm mưu thay đổi chiến thuật. Một phụ nữ lạ mặt, giả nói giọng tiếng Anh của Hoa Kỳ đến tìm em Jennifer, nói dối là một họ hàng của em tặng em cây vợt mới, đồng thời lấy về cây vợt cũ. Nhưng lần này bọn chúng cũng lại không đạt kết quả: cây vợt “bà khách Hoa Kỳ” đem về không phải cây vợt của Jennifer. Em đã đổi vợt cho bạn là em Julia. Còn cây vợt kia chỉ là cây vợt của Julia.

Tôi xin sang vụ án mạng thứ hai: vì một nguyên do nào bí hiểm, có thể là do việc công nương Shaila bị bắt cóc lúc trưa, buổi tối hôm đó cô giáo Vansittart sang Cung Thể thao. Một kẻ đã bám theo cô và hạ sát cô bằng một túi cát, trong lúc cô đang cúi xuống ngăn đựng đồ thể thao của Shaila. Liền sau đó, vụ án mạng được bà giáo Chadwick phát hiện.

Lại một lần nữa cảnh sát lục lọi gian phòng này, và tưởng như hung thủ không dám hoạt động gì nữa. Nhưng em học sinh Julia Upjohn, thông minh, đã thấy lạ và suy nghĩ. Em nhận ra rằng cây vợt của em, tức là của Jennifer trước đây, hẳn phải có gì đặc biệt. Em bèn tiến hành một cuộc điều tra riêng và đem đến cho tôi thứ em tìm ra được. Toàn bộ số “vật báu” này đã được gửi ở một nơi tuyệt đối đảm bảo và hiện nay, ở đây, chúng tôi không phải lo lắng gì cho số phận vật báu đó nữa.

Hercule Poirot ngừng lại một lát rồi nói tiếp:

– Còn vụ án mạng thứ ba. Điều mà cô giáo Blanche đã biết hoặc nghi ngờ. chúng ta sẽ không bao giờ biết được đích xác, bởi cô đã mang theo nó sang thế giới bên kia. Rất có thể cô đã nhìn thấy một kẻ nào đó rời khỏi trường Meadowbank đêm hôm xảy ra vụ án mạng đầu tiêu, khi cô giáo Springer bị giết. Nếu như vậy, rất có thể cô Blanche đã biết hung thủ giết cô Springer là ai. Nhưng cô giữ kín và tính “bán” điều bí mật ấy. Không có gì nguy hiểm hơn là định tống tiền một kẻ đã hai lần phạm tội giết người. Cô Blanche đã thi hành mọi biện pháp an toàn, nhưng cô đã lầm, và đã phải trả giá cho sai lầm đó.

Hercule Poirot lại ngừng một lát rồi nói tiếp:

– Bây giờ các vị đã có thể thấy được bao quát toàn bộ các sự việc.

Mọi cặp mắt đều hướng vào ông. Lúc nãy, trong khi nghe, họ đều căng thẳng trong một sự im lặng. Bây giờ, tất cả mới “ồ” lên trong một sự giải tỏa thần kinh.

Hercule Poirot khẽ nghiêng mình, nói:

– Tôi rất hiểu tâm trạng của các vị, nỗi lo lắng cảm thấy có một con chó sói trong chúng ta. Chính vì vậy thanh tra Kelsey, nhân viên an ninh Adam Goodman và tôi đã quyết điều tra đến cùng. Vậy liệu có một con chó sói, được trang bị đầy đủ giấy tờ, lọt vào trong số chúng ta không?

Trong phòng họp bỗng có một trạng thái như thể tất cả đều rùng mình, và dường như ai cũng rất muốn ngó sang người bên cạnh nhưng cố ghìm lại.

Thám tử tư vấn Poirot nói.

– Tôi rất sung sướng được nói rõ điểm này với các vị. Lúc này đây, các vị đúng là những người có tên thật ghi trong giấy tờ căn cước cũng như trong các giấy chứng chỉ. Riêng ông Adam Goodman mang tên giả, nhưng mọi giấy tờ của ông đều mang tên thật của ông. Do đó, không phải chúng ta tìm một người đội tên khác mà một kẻ tội phạm, mặc dù dưới lốt căn cước thật sự của y.

Không khí trong phòng lặng lẽ hẳn đi và căng thẳng đến tột độ. Hercule Poirot khẽ ho một tiếng rồi nói:

– Trước hết chúng ta cần tìm một người có mặt tại Ramat cách đây ba tháng. Chỉ có một cách duy nhất biết được viên phi công Bob Rawlinson giấu vật báu vào chỗ nào, là nhìn thấy ông ta đang làm việc đó. Vậy trong các vị, ai thời gian đó có mặt tại Ramat? Bà giáo Chadwick thời gian đó đang ở trường Meadowbank. Bà hiệu trưởng Bulstrode cũng vậy, cả cô phụ giáo Rowan và cô phụ giáo Blake…

Poirot bất ngờ chĩa ngón tay trỏ chỉ vào cô giáo Eileen Rich, ông nói:

– Nhưng cô giáo Rich hình như không ở trường trong tam cá nguyệt cuối cùng của niên học trước, có phải đúng như thế không?

Cô giáo Rich vội vã trả lời ngay:

– Tôi bị ốm cho nên nghỉ.

– Chúng tôi mới phát hiện ra điều vừa rồi một cách hoàn toàn ngẫu nhiên. Hôm cảnh sát thẩm vấn cô, cô chỉ nói rằng cô đã ở Meadowbank từ mười tám tháng nay. Về một mặt nào đó thì đúng là như thế, nhưng lại có khoảng thời gian cách quãng trong tam cá nguyệt kia. Hoàn toàn có thể cô Rich đã sang Ramat trong thời gian đó. Thậm chí tôi tin là cô Rich đã sang. Cô hãy chú ý: chúng tôi có thể kiểm tra việc này trên hộ chiếu của cô.

Sau một lát, cô giáo Eileen Rich thú nhận:

– Thôi được, tôi đã sang Ramat! Thì có gì là lạ đâu?

– Cô sang đó nhằm mục đích gì?

– Các người đã biết rồi: tôi bị bệnh và bác sĩ khuyên tôi nên dưỡng bệnh ở nước ngoài. Tôi đã viết thư báo cho bà hiệu trưởng Bulstrode biết chuyện này, và bà tỏ ý hoàn toàn thông cảm.

– Đúng thế. – Bà hiệu trưởng Bulstrode nói. – Tôi nhận được thư của ông bác sĩ, cho biết sức khỏe cô giáo Rich không cho phép cô tiếp tục dạy học trước tam cá nguyệt sau.

– Và thưa cô giáo Rich, cô đã chọn nơi dưỡng bệnh là Ramat?

– Tôi chỉ nghĩ, đến đâu nghỉ là quyền của tôi. – Cô giáo nói, giọng đã run. – Giáo viên được giảm giá vé và nơi đó rất nhiều ánh nắng. Tại sao tôi lại không được quyền đến Ramat, tôi xin hỏi? Tại sao?

– Nhưng tại sao cô lại giấu, không hề nói rằng cô có mặt ở đấy trong thời gian diễn ra cuộc đảo chính?

– Chuyện ấy có ảnh hưởng đến ai đâu? Hơn nữa, tôi không hề phạm một tội lỗi nào. Tôi nhắc lại: tôi không phạm bất cứ một tội lỗi nào!

– Cô nên biết rằng người ta đã nhận ra cô. Khi chúng tôi hỏi em Jennifer về chuyện này, quả thật những câu trả lời của em không quả quyết lắm. Jennifer tin rằng đã gặp cô giáo Rich ở Ramat, nhưng lại bảo rằng có thể người kia không phải cô vì to béo và khỏe khoắn hơn cô nhiều.

Thám tử tư vấn Poirot dướn người về phía trước, chăm chú nhìn cô giáo Eileen Rich:

– Xin cô cho biết về nhận xét đó của em học sinh Jennifer.

Cô giáo Rich chống lại mạnh mẽ:

– Tôi biết ông muốn ép tôi phải nhận là kẻ gián điệp hoạt động lén lút, một kẻ tội phạm! Ông muốn tôi phải nhận là người đã có mặt tại chỗ, đã tình cờ nhìn thấy người ta giấu số đá quý kia trong cán cây vợt, là người sau khi biết Jennifer sắp vào học trường nữ học Meadowbank, đã thấy có cơ hội để đoạt số đá quý kia. Nhưng người đó không phải là tôi!

Thám tử Polrot quay sang thanh tra Kelsey:

– Ông thanh tra…

Kelsey bước ra cửa, mở cửa. Bà Upjohn bước vào.

***

– Chào bà hiệu trưởng Bulstrode. – Bà Upjohn nói, có vẻ ngượng nghịu. – Tôi xin lỗi là ăn mặc luộm thuộm thế này, nhưng tại mới hôm qua tôi còn ở Thổ Nhĩ Kỳ, và thời gian gấp quá, tôi chưa kịp thay bộ đồ khác đã phải đến đây ngay…

Thám tử Poirot ngắt lời:

– Chuyện đó không quan trọng, thưa bà. Chúng tôi muốn bà trả lời cho một câu.

Thanh tra Kelsey nói:

– Thưa bà Upjohn, hôm bà đưa con gái bà, em Julia đến đây tựu trường, ngồi trong phòng tiếp khách của trường, bà nhìn qua cửa sổ đã kêu lên một tiếng ngạc nhiên vì nhìn thấy một người nào đó ngoài sân. Có đúng như vậy không, thưa bà?

Bà Upjohn chăm chú nhìn thanh tra Kelsey một lát rồi mới trả lời:

– Hôm đưa cháu Julia?… Tôi nhớ ra rồi, hôm đó tôi nhìn thấy một người…

– Và bà có ngạc nhiên?

– Nói đúng hơn, chị ta gợi tôi nhớ lại một thời xa xăm…

– Bà định nói đến thời gian bà hoạt động cho cơ quan tình báo?

– Vâng. Cách đây khoảng mười lăm năm rồi. Tất nhiên bây giờ chị ta nhiều tuổi hơn thời đó, nhưng tôi nhận ra ngay và tôi thầm nghĩ, chị ta làm gì trong cái trường nữ học Meadowbank này?

– Xin bà vui lòng nhìn mọi người có mặt ở đây, xem có người phụ nữ đó không?

– Cần gì phải nhìn? Tôi đã nhận ra chị ấy ngay từ lúc mới bước vào đây. Kia, chị ấy kia…

Bà Upjohn trỏ tay. Thanh tra Kelsey và Adam đã đoán trước tình thế nhưng không ngờ sự việc diễn ra nhanh đến thế. Nhanh như chớp, cô thư ký Anh Shapland đã rút trong túi ra một khẩu súng nhỏ chĩa vào bà Upjohn. Trước cả thanh tra Kelsey và Adam, bà hiệu trưởng Bulstrode đã lao lên, những bà giáo Chadwick còn nhanh hơn bà. Bà này định che không phải cho bà Upjohn mà cho bà hiệu trưởng, lúc này ở vị trí giữa cô thư ký Shapland và bà Upjohn.

– Đừng, chị! – Bà giáo Chadwick kêu lên, ôm chặt lấy bà hiệu trưởng. Nhưng súng đã nổ.

Bà giáo Chadwick loạng choạng rồi từ từ khuỵu xuống. Bà giám thị Johnson đã vội chạy lại, trong khi thanh tra Kelsey và Adam giữ chặt cô thư ký Ann Shapland lúc này đang giẫy giụa như con mèo rừng bị người ta túm.

Bà Upjohn thở hổn hển, nói khẽ:

– Hồi đó, chị ta đã được coi là điệp viên loại nguy hiểm bậc nhất. Mật danh chị ta bấy giờ là Angelica.

– Đồ dối trá thối tha! – Cô thư ký Shapland thét lên giận dữ.

– Hoàn toàn không phải dối trá. Cho đến ngày hôm nay, không ai ngờ được những hoạt động bí mật của chị. Mọi chức vụ chị đã làm đều đứng tên họ thật của chị và đều bình thường, và chị là một nhân viên mẫu mực. Nhưng trong mọi chức vụ, chị lại chỉ nhằm một mục đích: thu thập thông tin. Ngay cả với nữ diễn viên kia, một phụ nữ dưới sự bảo hộ của một chính khách nổi tiếng. Ngay từ lúc mười sáu tuổi, chị đã làm điệp viên dò la, thu thập thông tin cho nhiều ông chủ. Trong hầu hết thời gian, chị đều dùng tên thật, nhưng trong rất nhiều vụ, chị đã phải thay hình đổi dạng. Chính vì thế, chị kiếm cớ là có một bà mẹ già ốm yếu, thỉnh thoảng chị phải ghé về chăm sóc.

Tuy nhiên, tôi đã đến tận nơi điều tra và được biết đấy không phải mẹ chị. Chị chỉ dùng bà cụ ốm yếu đó làm bình phong, mỗi khi chị cần “đi vắng” để làm một “vụ việc” nào đó. Mùa đông vừa rồi, trong ba tháng mà chị bảo ở nhà chăm sóc mẹ, thật ra chị sang Ramat. Tại đấy tên chị không phải Ann Shapland, mà là Angelica de Toredo – một “vũ nữ Tây Ban Nha”, làm trong một quán rượu và chị thuê căn phòng bên cạnh phòng khách sạn của bà Sutcliffe. Bằng cách nào đó, chị biết được nơi viên phi công Bob Rawlinson giấu số đá quý. Chị không thể đoạt ngay lúc đó, vì thời gian cấp bách quá: bà Sutcliffe và con gái được sứ quán Anh tại Ramat bốc lên xe chở ra sân bay để sơ tán ra khỏi nơi đang có nguy cơ không an toàn.

Xin vào làm một chân trong trường Meadowbank quá dễ dàng, chị chỉ việc dùng một khoản tiền lớn đưa người nữ thư ký trước để chị này xin thôi việc. Chị tin rằng những việc còn lại hoàn toàn dễ dàng: một cây vợt bị mất nào có quan trọng gì? Nhưng chị lại không tính đến cô giáo Springer. Biết đâu cô giáo thể dục đã nhìn thấy chị chú ý đến các cây vợt, và cô đã theo dõi chị, cho đến cái đêm tai hại kia, chị đã giết cô ấy. Sau này, cô giáo Blanche biết tội ác của chị đã tống tiền chị, và chị cũng lại thủ tiêu luôn cô ấy. Đối với chị, giết một con người chỉ là chuyện vặt vãnh. Bây giờ thì chị nói sao đây?

Để đáp lại, cô thư ký Ann Shapland tuôn ra một tràng chửi rủa tục tĩu đến mức làm cử tọa khiếp đảm.

Thế là thanh tra Kelsey lôi chị ta ra ngoài. Adam nhăn mặt:

– Không thể ngờ thủ phạm của ngần ấy vụ án mạng lại là một phụ nữ xinh đẹp, duyên dáng?

Bà giám thị Johnson vẫn đang săn sóc bà giáo Chadwick:

– Bà ấy bị thương rất nặng, tôi nghĩ phải mời bác sĩ ngay và trong khi chờ bác sĩ ta không nên làm gì vội.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.