CUỘC GỌI TỪ THIÊN THẦN

Trên vùng đất địch



“Trong cảnh tăm tối, mỗi người mỗi mệnh.”
– Cao Hành Kiện

Cà phê Peels Lower East Side 10h sáng
Madeline bàng hoàng ngồi vật ra lưng ghế, bỗng nhiên cảm thấy nôn nao. Đầu óc cô bắt đầu quay cuồng. Cả Alice lẫn Danny đều chưa chết. Còn bất ngờ hơn nữa: cô bé chính là con gái của ông trùm mafia. Nhưng Jim thì đã thiệt mạng; bản thân cô cũng đã chết hụt vì tự vẫn. Hàng chục con người đã ngày đêm bận rộn với cuộc điều tra này. Để làm gì? Vì ai? Cô bỗng nghi ngờ tất cả. Trong câu chuyện này, ai là nạn nhân? Ai là kẻ thủ ác? Kể từ đầu vụ việc, khi cô vừa soi sáng được một vùng tối thì ngay sau đó lại xuất hiện bí ẩn khác, kéo cô vào một lãnh thổ mỗi lúc một thêm nguy hiểm.
Cô ngước mắt lên để tìm kiếm nơi Jonathan sự ủng hộ, nhưng chính anh, trán tì vào ô cửa kính, cũng đang phát lo vì thứ nhìn thấy bên ngoài.
– Anh nghĩ chúng ta đang bị theo dõi.
– Anh đùa chắc? cô nói rồi tiến lại gần cửa sổ.
– Em nhìn thấy chiếc Ferrari màu đen đậu dưới kia không?
– Ngay trước galery của khách sạn Morrison?
– Phải đấy, sáng nay đã gặp nó hai lần rồi: đầu tiên là ở TriBeCa rồi ở Little Italy nữa. Xe không biển số mà anh cũng không thể nhận diện người lái.
Madeline nheo mắt. Ở khoảng cách này thì không thể nhìn thấy gì bên trong xe.
– Đi theo em, cô nói giọng quả quyết.
Mới cách đây một giờ, cô chưa hề hình dung lấy một giây rằng người ta có thể theo dõi họ, nhưng sau cái chết của Jim và điều họ vừa khám phá ra, cô đâm dè chừng tất cả.
Họ trả tiền, xuống gác rồi rời khỏi quán cà phê để ra xe.
– Để em lái, Madeline yêu cầu.
Cô ngồi vào sau vô lăng chiếc Smart rồi khởi động xe.
– Anh nghĩ là nó sẽ bám đuôi chúng ta ư? Có lẽ cuộc điều tra này đã biến chúng ta thành những kẻ mắc chứng cuồng ám…
– Em cứ tự mình kết luận thôi. Anh cá với em là nó sẽ rời chỗ đỗ ngay bây giờ.
Quả thật, chiếc Ferrari rời chỗ và “kín đáo” bám theo họ, duy trì khoảng cách hai mươi mét.

– Anh đừng nhìn lại, cô ra lệnh. Và cài dây an toàn đi nào.
Chiếc xe nhỏ tăng tốc, ngược lên khu Bowery về phía Quang trường Cooper. Madeline bỗng phanh lại rồi bẻ lái hết cỡ sang trái, chiếc xe vọt lên dải phân cách giữa quảng trường.
– Em điên rồi! Jonathan than rồi níu chắc vào thanh bám.
Xe họ hạ cánh xuống làn đường bên kia, bỏ lại chiếc Ferrari ở làn đường cũ.
– Anh im miệng và mở mắt ra được rồi đấy!
Kể từ lúc này hai chiếc xe đã di chuyển ngược chiều nhau. Khi đi ngang qua chiếc xe kia, Jonathn có nửa giây để nhìn mặt người lái.
Đó là một phụ nữ tóc vàng, rất đẹp, với một vết sẹo hình ngôi sao kéo từ cung lông mày, rạch ngang gò má tới tận viền môi…

°

– Thế nào?
– Anh biết cô ta! Anh thốt lên. Anh chắc chắn đó chính là người phụ nữ đón Alice khi anh đưa cô bé về Cap-d’ Antibes cách đây hai năm!
– Người tự nhận mình là mẹ cô bé?
– Chính thế!
Madeline nhìn qua kính chiếu hậu. Chiếc Ferrari đi thẳng về hướng Tây qua Quảng trường Astor. Chiếc Smart rẽ sang phố Houston theo trực giác của Madeline.
– Nếu cô ta lại đi qua Broadway, chúng ta có thể bám theo cô ta chứ nhỉ?
– Khả thi đấy.
Họ vừa chăm chú quan sát dòng xe cộ vừa thầm cầu nguyện. Vài giây sau, bộ chắn sốc hầm hố của chiếc GTO xuất hiện trên trục đường chéo xuyên qua thành phố.
Chiếc xe mui trần rẽ sang phố Spring. Madeline lập tức điều khiển xe rời chỗ đỗ và hòa vào dòng xe cộ. Người phụ nữ cầm lái chiếc GTO hẳn đã nhận ra họ, bởi chiếc Ferrari đột ngột tăng tốc bỏ xa chiếc xe nhỏ.
– Chết tiệt, mất dấu cô ta rồi!
Có vẻ như không thể tránh được chuyện đó: chiếc Smart làm sao có thể đọ được với động cơ V12 280 mã lực? Nhưng như thế chưa đủ khiến Madeline nản chí. Quyết không để bị qua mặt, cô vượt đèn đỏ ở ngã tư Lafayette.
– Cẩn thận! Jonathan kêu lên.
Một người bán bánh mì kẹp xúc xích rong đang đẩy xe hàng sang đường. Madeline vừa nhấn còi inh ỏi vừa ngoặt sang trái. Người bán hàng rong giật nảy mình nhảy vội ra sau trong khi chiếc Smart va vào sườn chiếc xe ba gác bằng kim loại khiến nó lật ngửa trên mặt đường, trút ra nào xúc xích, nào sốt cà, nào mù tạc, nào hành phi và dưa chuột muối.
Chiếc ô tô chệch khỏi đường chồm lên vỉa hè, nhưng Madeline đã làm chủ được tay lái rồi nhấn mạnh chân ga để phóng như bay trên phố Delancey.

 

°

Trong khi đó, trên đảo Coney…
Nằm vạ vật trên nền đất như một con vật trong cơn sợ hãi, Alice ngoái lại tìm xem con chuột đang ở đâu, nhưng cá thể thuộc loài gặm nhấm đó cũng đã biến mất cùng với Youri.
Cơn sốt sôi sục trong huyết quản. Người cô đầm đìa mồ hôi, tóc dính bết vào mặt và các khớp xương rung bần bật. Bụng đau thắt từng cơn. Dường như hai bàn chân và hai mắt cá cũng đang sưng tấy.
Sau khi “quay phim” xong, gã người Nga lại bỏ đi, để mặc cô bị xích vào đường ống nước đáng nguyền rủa này. Mặc cho cô hết lời van xin, hắn vẫn không cho cô uống đủ nước mà chỉ dốc chai nước tưới khắp mặt cô. Mệt lả, Alice cố gắng vặn người, dùng răng kéo phéc mơ tuya của chiếc áo khoác ngoài lên kín cổ.
Chỉ hơi cử động cũng khiến cô cảm thấy chóng mặt buồn nôn. Lần này, cơn buồn nôn đã dâng tới cổ họng và cô ọe ra một thứ mật màu vàng. Cô đứng dậy dựa vào tường, không thể thở được. Trống ngực cô đập thình thịch, nhanh đến đáng lo ngại. Liệu cô còn trụ được bao lâu nữa? Lúc này, cô không còn tự giấu mình được nữa rồi: những cơn đau đầu xoáy sâu nơi gáy và thanh sắt đang chẹn ngang bụng dưới là dấu hiệu cho thấy chứng tăng huyết áp của cô đã khiến thận suy.
Cô nhìn bồn cầu nằm cách đó chừng hai mét. Đã nhiều giờ rồi, cô muốn đi vệ sinh nhưng không tài nào leo lên đó được. Gạt nỗi xấu hổ sang một bên, cô tiểu luôn ra quần. Trong cô chỉ còn nỗi nhục nhã ê chề. Hẳn là cô đang bơi trong bãi nôn và nước tiểu, nhưng chí ít cũng trút bỏ được một gánh nặng.
Cảm giác nhẹ nhõm này kéo dài được ít lâu, rồi một tiếng rít trầm đục ù ù bên tai cô. Thị lực của cô mờ đi, cô có cảm tưởng những chấm sáng đang nhấp nháy khắp căn phòng. Cô nghẹt thở, lả đi, mê sảng. Cô gắng chống chọi để không ngất đi, nhưng chẳng mấy chốc đã chìm vào trạng thái nửa tỉnh nửa mê đầy mộng mị.

°

Lower East Side
– Cô ta kia rồi! Jonathan kêu lên, chỉ về phía chiếc Ferrari đang tiến vào cầu Williamsburg.
Cây cầu treo bắc ngang sống East nối liền khu Lower East Side với Brooklyn. Bao quanh toàn cọc và cáp bằng thép, cây cầu trải dài trên hai cây số và đảm bảo lưu thông cho hàng trăm ô tô với bốn làn đường.
– Đường đang đông. Cô ta sẽ buộc phải đi chậm lại, Madeline đoán.
Quả đúng vậy, chiếc GTO di chuyển chậm, buộc phải đi đúng làn đường. Madeline đã lấy lại được vẻ tự tin. Cô mạo hiểm phóng nhanh, luồn lách giữa các xe xung quanh, chuyển từ làn này sang làn kia để thu hẹp khoảng cách với chiếc Spyder.
– Lái chậm lại đi! Chúng ta sẽ gây tai nạn mất thôi!
Vừa rời khỏi cầu, chiếc xe mui trần của Ý đã ngoặt gấp để kịp bắt vào lối ra đầu tiên.
– Chúng ta đang đi đâu vậy? cô hỏi vì không quen lắm với đường sá New York.

– Williamsburg.
Họ đã tới đại lộ Bedford, điểm nhạy cảm nhất của khu phố. Những tòa nhà gạch cũ kỹ đan xen với những công trình xây dựng mới toanh. Đang trong quá trình tái thiết, nơi này đối lập với mặt “chuẩn hóa” của Manhattan. Các cửa hàng bán quần áo cũ, các tiệm cà phê nhỏ, các cửa hàng bán đĩa than, các quầy bán gia vị sinh thái và các hiệu sách hạ giá: mọi thứ đều muốn cùng lúc tỏ ra chính hiệu và đi trước thời đại.
Chiếc Ferrari buộc phải giảm tốc vì bầu không khí làng quê ngự trị trong con phố. Đám tiểu thương đã dựng quầy hàng ngay trên vỉa hè, các ca sĩ nghiệp dư khuấy động trục phố chính và một ảo thuật gia đang trình diễn tiết mục khạc lửa.
Lúc này, Madeline và Jonathan chỉ còn cách chiếc Spyder chưa đến mười mét. Thấy chiếc Smart bám sát, chiếc siêu xe rẽ trái rồi tiến đến công viên McCarren. Trên đường đi về phía bờ sông, họ ngang qua một khu toàn nhà kho, lán hàng và đất bỏ hoang. Những mảng tường chằng chịt hình vẽ graffiti gới nhớ tới New York những năm Basquiat [1]
– Cô ta mắc kẹt rồi! Jonathan kêu lên khi họ đi sâu vào một con ngõ nhỏ. Đây là một ngõ cụt. Cuối ngõ đã là bờ sông!
Quả nhiên, chiếc Ferrari đang lướt qua một bãi xe cũ. Tòa nhà trụ sở của bãi xe trông ra kè sông mang lại một tầm nhìn thoáng đãng bất ngờ sang những tòa nhà cao ốc chọc trời của Manhattan. Chiếc GTO đi chậm lại trên bến thuyền rồi đột ngột bẻ lái chui tọt vào nhà kho qua một khung cửa rộng bằng thép.
Madeline dừng khựng lại cách lối vào của ga ra mang tên MACONDO MOTOR CLUB chừng hai chục mét.
– Tính sao đây?
– Chúng ta mắc lỡm rồi, Jonathan đưa ra nhận định. Không phải chúng ta săn đuổi cô ta, mà chính là cô ta săn đuổi chúng ta. Em nghĩ chúng ta có nên…?
Anh chưa kịp nói hết câu. Tiếng lốp nghiến mặt đường xào xạo khiến họ đồng loạt ngoái lại. Bộ khung chắn sốc khổng lồ của một chiếc xe cứu hộ giao thông xô mạnh vào xe họ, ngoắc và đẩy chiếc Smart qua cửa ga ra đang há hoác. Cú va chạm hất họ về phía trước. Madeline không cài dây an toàn nhưng cánh tay của Jonathan đã vung ra kịp đỡ cho đầu cô khỏi đập vào vô lăng. Chiếc xe rờ moóc đẩy chiếc xe nhỏ khoảng vài chục mét cho đến khi cả hai xe lọt vào hẳn trong ga ra và cánh cửa khép lại sau lưng họ.
Nhà kho rộng hơn hai trăm mét vuông. Bên trong chứa chừng năm chục xe, đậu thành hàng san sát. Jonathan nhận ra một chiếc Peugeot 403 nhưng có vẻ như bãi xe này chuyên về các loại xe hầm hố: Ford Gran Torino, Chevrolet Camaro, Plymouth Barracuda…
– Em không sao chứ? Anh quay sang hỏi Madeline.
Họ giúp nhau ra khỏi chiếc Smart lúc này đã giống với một tác phẩm có được từ phương pháp nén ép của điêu khắc gia César [2] hơn là một chiếc ô tô đang vận hành.
Phía trước, người phụ nữ mặt sẹo đang đứng gần chiếc Ferrari và chĩa súng về phía họ.
– Đặc vụ Blythe Blake của Cục Cảnh sát Hoa Kỳ! cô ta thét to trong khi họ đứng dậy. Hai người giơ tay lên quá đầu đi!

Cục Cảnh sát Hoa Kỳ ư? Cảnh sát Liên bang của Bộ Tư pháp…
Jonathan và Madeline nhìn nhau kinh ngạc. Người phụ nữ này là cảnh sát! Rồi họ ngoái nhìn người đàn ông vừa nhảy xuống khỏi chiếc xe rơ moóc.
Trong trang phục quần dài vải thô và áo vest quân nhân, Danny Doyle tiến về phía họ.
– Chào Maddie! Em có biết là em vẫn sở hữu cặp mông ngon nhất trong số các bà chủ tiệm hoa Paris không…
——————————–

1. Ý nói thập niên 70, 80 của thế kỷ trước, thời kỳ vàng son của Jean-Michel Basquiat (1960-1988), một họa sĩ người New York xuất thân từ nghệ thuật đường phố graffiti, đã trở thành ngôi sao trên bầu trời nghệ thuật quốc tế từ khi còn rất trẻ.

2. César Baldaccini (1921-1998): điêu khắc gia nổi tiếng người Pháp, tác giả của bức tượng trao trong giải César, đồng thời tên giải thưởng điện ảnh danh giá này cũng được đặt theo tên ông.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.