Cuộc Lữ Hành Kỳ Diệu Của Nilx Holyerxon Qua Suốt Nước Thụy Điển

Chương V: Hội Múa Chim Hạc



Ở Kullabêy

Thứ 3, 29 tháng Ba

Kullabêy là một quả núi thấp, dài, chẳng to lớn mà cũng chẳng hùng vĩ chút nào, trên đỉnh rộng có những cánh đồng, những khóm rừng và vài truông nhỏ, lác đác những mô đất phủ đầy thạch thảo, và những khối đá trơ trụi, trên ấy chẳng có gì đẹp lắm, quang cảnh cũng như phần lớn những vùng đất cao ở tỉnh Xkônê.

Ai đi theo đường lên đỉnh nói cũng đều thất vọng một tí. Nhưng mà ra xa con đường mòn ấy, đến gần những sườn núi và hãy đưa mắt nhìn về phía những vách núi dốc đứng, thì sẽ tìm thấy bao nhiêu cái lạ, và sẽ tự hỏi làm sao mà có thể nhìn xem cho hết được. Thật vậy, Kullabêy không tựa lên mặt đất như bao núi khác xung quanh có đồng cỏ đồng bằng và thung lũng, mà nhoài ra biển xa hết mức. Chẳng có lấy một dải đất nào trải ra dưới chân núi để bảo vệ núi chống lại sóng biển. Những sóng vỗ ấy vỗ vào vách núi, và tha hồ xói mòn các vách ấy, tạo ra những hình dáng theo ý thích của chúng. Bởi vậy, các vách núi cứ đứng đó để cho biển và kẻ trợ lực của biển là gió, đục đẽo và chạm trổ. Có những vực sâu khoét vào vách đá và những chóp đen bị mài nhẵn vì gió quật liên hồi. Có những hang đá âm u lối vào chật hẹp có những bờ dốc thẳng đứng, trơ trụi, và những sườn thoai thoải mọc đầy cỏ cây. Có những núi đá cao nho nhỏ và những vũng nho nhỏ, và những bờ biển đầy những hòn cuội thật nhỏ bị những đợt sóng lăn đi lăn lại, tiếng lạo xạo không ngừng. Có những cổng đá đẹp tuyệt vời, hình mái vòm mở ra trên mặt nước; có những mỏm đá ngầm nhọn chốc chốc lại bị một đám bọt trắng vùi kín, và những mỏm đá khác vĩnh viễn đứng yên lặng soi mình trong làn nước màu lục pha lam và đen. Có những nồi của khổng lồ được đào trong đá khối; có những khe núi dài rộng như giục du khách đánh bạo đi sâu vào lòng núi, đến tận động của con quỷ lùn ở Kullen.

Những bụi gai và cây cỏ dại bò lan, leo lên, leo xuống những vách biển ấy, những đá ấy và những khe núi ấy. Cây cối đã mọc lên, nhưng sức mạnh của gió buộc chúng phải bụi cây để có thể bám chắc được vào những sườn núi. Những cây sồi bị đè sát mặt đất, và những cây dẻ gai thân thấp lè tè, hợp thành những chiếc rạp rộng, xanh rờn trong những chỗ lõm và những hầm hố.

Những vách núi tuyệt vời ấy với biển xanh bao la ở bên dưới, và không khí lạnh buốt, rực rỡ bên trên, đã làm cho Kullabêy thân thiết với con người hết sức, khiến họ lũ lượt kéo nhau đến đây suốt cả mùa hè. Khó mà nói được hơn là cái gì đã thu hút các loài vật đến đây, nhưng mà năm nào chúng cũng tụ tập về đây thành một cuộc họp mặt vui chơi lớn. Đây là một tục lệ xưa lắm, đã từ những thời nào chẳng ai nhớ nữa; phải có mặt ở đây vào lúc ngọn sóng biển đầu tiên phủ bọt trắng lên bờ mới giải thích được lý do của sự lựa chọn này.

Khi mà cuộc hội họp sắp mở ra thì nai, hoẵng, thỏ, cáo và các vật bốn chân khác liền lên đường vào ban đêm để loài người khỏi trông thấy. Trước lúc mặt trời mọc một chút, chúng đến địa điểm các cuộc chơi, một truông hoang ở bên trái đường, không xa cái mỏm tận cùng của hòn đảo.

Khắp chung quanh bãi họp đều có những hòn núi tròn trặn bao bọc, nên chỉ đến gần sát mới trông thấy bãi. Vào tháng ba, khó có thể người nào lạc bước đến chốn này. Những người khách lạ trong mùa nắng đẹp, dạo chơi qua những ngọn đồi và leo quả núi, thì mùa thu bị những cơn bão xua đuổi. Người gác đèn biển trên mũi đất, bà cụ già ở Kullabêy, người chủ trại ở Kullen với đám gia nhân, đều đi theo lối đi quen thuộc của họ, không lần quất trong những truông vắng.

Đến bãi chơi, những vật bốn chân đều yên vị trên những ngọn đồi, loài nào theo loài ấy, dù là một ngày như ngày hôm ấy, mà hòa bình đến giữa mọi vật, và chẳng vật nào còn có gì phải sợ nữa. Ngày hôm ấy, một con thỏ con có thể đi qua quả đồi của những con cáo mà không sợ mất một mẩu của đôi tai dài của nó. Tuy thế, các loài vật vẫn ở trong rừng thành từng nhóm. Tục lệ là như vậy. Khi tất cả đã yên chỗ rồi thì bắt đầu chờ các loài chim đến. Hầu như năm nào ngày hôm ấy trời cũng đẹp. Loài chim hạc giỏi đoán thời tiết; nếu trời có thể mưa, chúng sẽ không triệu tập các loài vật.

Vậy mà, dù trời trong vắt và không có gì che khất tầm mắt, các thú bốn chân vẫn không thấy các loài chim bay đến. Thật là lạ vì mặt trời đã mọc rồi, và chim đáng lẽ phải lên đường rồi. Chỉ thấy những đám mây đen nho nhỏ bay qua cánh đồng. Nhưng kia rồi! Một trong những đám mây ấy tiến về phía Kullabêy, dọc theo bờ biển Eo Xund. Đến bãi biểu diễn, đám mây ngừng lại, và bỗng nhiên cả đám mây chỉ là lời ca và tiếng hót, và âm nhạc. C, cả đám mây ấy sà xuống một ngọn đồi, tất cả ập xuống nhanh như chớp, và chỉ loáng một cái, ngọn đồi đã biến mất dưới những chim sơn ca lông xám, những chim mai hoa đẹp lông đỏ, xám và trắng, những chim sáo sậu, lấm tấm xanh và những chim sơn tước lông màu lá chuối non.

Chẳng bao lâu lại có một làn sương khói nhẹ bay qua đồng bằng. Làn sương bay chậm lại trên những lâu đài, những xóm làng và những thành phố, và mỗi lần như thế lại hình như hút từ mặt đất lên một cột những hạt bụi xám xoay tròn thành lốc. Làn sương lớn dần, lớn dần, và sau cùng lúc tiến về phía Kullabêy thì không còn là một làn sương mong manh nữa, mà là một đám mây dày đặc, rộng lớn đến nỗi bóng râm phủ lên mặt đất từ Hơganex đến Mơlle. Lúc dừng lại trên bãi biểu diễn, đám mây che khất cả mặt trời, và mưa xuống toàn chim sẻ, một hồi lâu trước khi những con bay ở giữa đám mây trông thấy ánh sáng trong trẻo của ban ngày.

Nhưng kìa, đám mây chim lớn nhất đang đến, gồm những đàn chim từ khắp mọi nơi. Đám mây màu xám xanh nặng nề, không để lọt qua lấy một tia mặt trời. Mây đến tối sầm và dữ dội như một đám mây dông, vang lên tiếng huyên náo khủng khiếp, những tiếng kêu ghê gớm nhất, những tiếng cười trêu ghẹo nhất, những tiếng quàng quạc thê lương nhất. Người ta lấy làm mừng khi thấy mây tản ra thành một trận mưa lả tả và quang quác những quạ đen, quạ khoang, quạ nhỏ và quạ bé.

Sau đó, ngoài những đám mây, trên nền trời còn hiện lên bao nhiêu hình và dấu. Ở phía Đông và phía Đông Bắc mọc lên những đường thẳng và chấm chấm, đó là những chim rừng tỉnh Xmelanđ bay tới; đa đa và gà rừng bay thành hàng dọc, con nọ cách con kia hai, ba mét. Các giống chim nước sống trên đảo Mekleppen ở phía trước Phalxterbô, ngược eo biển Xund lên, bay thành những hình lạ lùng: hình tam giác và hình cây lao dài, hình móc xiên và hình bán nguyệt.

Cái năm mà Nilx đi với ngỗng trời Akka và đàn của mình đến sau tất cả mọi giống chim khác, vì đã phải bay qua suốt tất cả chiều ngang của tỉnh Xkônê để tới Kullabêy. Ngoài ra, trước khi lên đường, còn phải đi tìm chú bé thổi sáo từ nhiều tiếng đồng hồ cho lũ chuột xám nghe và kéo chúng ra xa Gliminyêhux. Cú mèo chồng đã trở về, báo tin các chuột đen trở về ngay sau lúc mặt trời mọc. Vì vậy, có thể không cần thổi sáo của Phlammêa mà chẳng sợ nguy hiểm gì nữa.

Vả lại, chẳng phải Akka là kẻ đầu tiên tìm thấy Nilx đang lững thững đi, theo sau là đàn dài chuột xám; lại cũng chẳng phải Akka đột nhiên lao xuống như một mũi tên, cắp lấy chú và lại bay vút lên không với chú, mà chính là ông Hramenrich, con sếu. ì ông Hramenrich đã đích thân đi tìm Tí Hon; sau khi đặt chú vào tổ, liền xin lỗi chú tối hôm trước đã cư xử khinh thị với chú.

Nilx rất hài lòng, chú với sếu đã tức khắc thành đôi bạn. Akka cũng tỏ ra tử tế, cứ cọ cái đầu già vào cánh tay chú bé và khen chú đã cứu giúp những kẻ đang cơn hoạn nạn.

Cũng phải biểu dương chú bé là vậy, vẫn không muốn nhận nhiều lời khen hơn chú được đáng khen. Chú nói: “Không, không, mẹ Akka, đừng nghĩ rằng tôi kéo lũ chuột xám đi ra xa là để giúp bọn chuột đen. Tôi chỉ muốn tỏ cho ông Hramenrich biết là ít nhất tôi cũng làm được việc gì?”

Bây giờ, Akka quay lại nhìn sếu xem là mang Tí Hon đi đến Kullabêy thì có nên không. “Theo ý tôi, Akka nói, chúng ta có thể tin cậy chú bé như tin vào chúng ta vậy”.

Ông Hramenrich nhiệt thành khuyên Akka đem chú đi theo.

“Nhất định rồi, mẹ Akka ạ, phải đưa Tí Hon đến Kullabêy chứ. Chúng ta phải lấy làm sung sướng vì có thể thưởng cho Tí Hon về những thử thách cậu ấy đã phải chịu đựng đêm qua vì chúng ta; và vì tôi vẫn còn tự giận mình là đã cư xử không tốt đối với cậu tối qua, nên chính tôi sẽ cõng cậu trên lưng đến cuộc họp mặt”.

Ít có những lời khen ngợi nào mà dễ chịu bằng những lời khen ngợi của những kẻ thông minh và giỏi giang: chưa bao giờ Nilx thấy sung sướng đến như thế. Vậy là chú lên đường, hai chân vẫn vắt hai bên cổ ông Hramenrich, con sếu. Dù đó là một vinh dự lớn đối với chú, có lúc không phải chú không thấy khá lo ngại, vì ông Hramenrich là một bậc thầy trong nghệ thuật bay, và bay nhanh hơn các ngỗng trời khác. Trong khi Akka bay theo đường thẳng tắp, cánh vỗ đều đều, thì ông Hramenrich lại thích biểu diễn những trò xảo điệu. Lúc thì sếu cứ bất động ở một độ cao đến chóng mặt, lượn lên trên không mà không hề nhúc nhích cánh, lúc thì lao vút xuống thấp như một hòn đá, nhanh đến nỗi tưởng phải tan xác trên mặt đất. Hoặc là sếu lại đùa, bay một vòng như một cơn lốc. Chưa bao giờ chú bé được thấy một cảnh nào như vậy, và tuy lúc nào cũng nơm nớp sợ, chú chưa biết thế nào là một trường hợp bay đẹp.

Trên đường đi chúng chỉ dừng lại một lần ở hồ Vômbsơ, để nhập với đàn ngỗng của Akka. Rồi thì bay thẳng tới Kullabêy.

Cả đàn đỗ xuống ngọn đồi dành cho ngỗng trời. Đưa mắt nhìn những đồi cao chung quanh, chú bé nhận thấy trên một ngọn, những bộ gạc có chạc của các con nai, trên một ngọn khác những chùm lông xám trên đầu như cái mào của những con diệc. Một ngọn đồi đỏ những lông cáo, ngọn khác chỗ đen chỗ trắng đầy những loài chim biển, lại một ngọn khác đầy chim sơn ca, chúng không tài nào ở yên chỗ; cứ mỗi lúc lại lao vút lên không, hót lên thật hoan hỉ.

Theo lệ thường thì những con quạ nhỏ mở đầu các trò vui và các cuộc biểu diễn trong ngày hội bằng một điệu múa trên không. Quạ chia làm hai nhóm mà người ta thấy từ hai phía bay lại với nhau, gặp nhau rồi tách nhau ra, rồi lại bắt đầu lại như thế. Điệu múa này gồm nhiều hồi lặp đi lặp lại, đối với những khán giả không biết luật lệ thì có vẻ đơn điệu. Đàn quạ rất tự hào về điệu múa, nhưng các loài vật khác thì đều mừng lúc nó chấm dứt. Đối với chúng, điệu vũ ấy cũng tẻ ngắt và vô nghĩa chẳng kém gì những trận bão mùa đông đùa với những nắm tuyết vậy. Nó làm cho mọi người buồn bã, người ta nóng lòng chờ một cái gì đó vui hơn.

Chẳng chờ lâu, đàn quạ vừa múa xong thì những con thỏ rừng đã vút tới. Chúng lao mình chạy thành một hàng dài, không trật tự gì lắm, khi thì từng con đơn độc, khi thì ba bốn con chạy hàng ngang. Tất cả đều đứng hai chân sau, rồi chạy như bay đến nỗi những đôi tai dài của chúng cứ quay đủ mọi phía; chúng không ngừng chạy, vừa chạy vừa xoay tròn mình, và lấy hai chân trước vỗ vào ngực bôm bốp. Mấy con nhào lộn liên tiếp nhiều loạt, mấy con nữa gập đôi mình lại và lăn lông lốc như những bánh xe, người ta thấy có những con đứng một chân và quay tròn, những con khác thì đi hai chân trước. Tất cả những trò này đều lộn xộn, chẳng chút trật tự nào hết, những điệu múa của loài thỏ trông vui quá và những vật đứng xem bắt đầu thở gấp lên. Đang là mùa xuân niềm vui và các lạc thú sắp trở lại. Mùa đông đã qua, mùa hạ sắp tới. Chẳng bao lâu nữa, đời sống sẽ chỉ là một trò chơi.

Khi đàn thỏ rừng đã xong những trò nhảy nhót rồi, thì đến lượt những loài chim lớn trong rừng trổ tài khéo léo. Độ một trăm con gà rừng áo đen bóng loáng, lông mày đỏ chót, đậu trên một cây sồi lớn ở giữa bãi. Con đậu trên cành cao xù lông, rũ cánh và xòe đuôi thành hình quạt, cốt để lộ ra cho ta thấy rõ lông cánh, lông đuôi màu trắng. Rồi nó vươn cổ, và phát mấy âm thanh rất trầm từ cái họng bạnh ra: “Chi-ec! Chi-ec! Chi-ec”. Nó chỉ kêu lên được có thế rồi người ta chỉ nghe thấy vài tiếng khàn khàn như rứt ra khó khăn từ đáy họng nó. Nó nhắm mắt lại, và thì thầm: “Xi, xì, xì! Hãy lắng nghe, hay biết mất! Xì, xì, xì”. Rồi như lên một cơn vui mừng, nó không còn biết gì hết về mọi việc xảy ra quanh mình nữa.

Trong khi con gà rừng đầu ên còn đang huýt xì xì xì thì ba con khác đậu bên dưới nó bắt đầu gáy, và chúng chưa gáy xong thì đến lượt mười con đậu ở những cành bên dưới nữa bắt đầu, và cứ như thế, lần lượt từ cành này đến cành khác, và cuối cùng thì cả trăm con gà rừng đều gáy lên đều cục cục và xì xì. Tất cả đều cùng một cơn vui thú như nhau, và điều đó có tác động lên các loài khác như một niềm say sưa lan truyền. Máu mới đây còn lưu thông khoan khoái và nhẹ nhàng, thì giờ đây đã nặng và nóng bỏng. “Thật ra đang là mùa xuân, các con vật tự nhủ. Giá lạnh mùa đông đã tiêu tan rồi. Ngọn lửa xuân mới đang cháy trên mặt đất”.

Trông thấy thành công của đàn gà rừng, lũ đa đa không thể ngồi yên được. Vì không có cây cho chúng đậu, chúng bèn lao ra bãi biểu diễn; ở đây thạch thảo mọc cao đến nỗi chỉ còn trông thấy những bộ lông đuôi uốn cong duyên dáng và những chiếc mỏ to của chúng mà thôi, và chúng bắt đầu hót: “Orr, orr, orr”.

Trong lúc ấy, bầy đa đa vào thi với đàn gà rừng thì một việc kỳ quái phi thường xảy ra. Lợi dụng lúc tất cả các loài vật đang chú ý xem trò vui của đàn gà rừng, một con cáo đã lẻn về phía đồi của đàn ngỗng trời. Nó bò rất thận trọng và đã lên đến gần đỉnh đồi thì một con ngỗng chợt trông thấy. Vì nghĩ chắc chắn rằng một con cáo không lẻn vào giữa đàn ngỗng với dụng ý tốt, con ngỗng bèn kêu lên:

“Coi chừng, ngỗng trời! Coi chừng!”

Con cáo lao đến vồ con ngỗng, và cắn vào cổ nó, có lẽ chỉ để buộc nó im đi, nhưng những con ngỗng khác đã nghe tiếng kêu và tức khắc bay lên không. Bấy giờ các loài vật khác trông thấy trên đồi mà ngỗng vừa bỏ đi, Xmirê, con cáo, ngậm một con ngỗng chết trong mõm.

Con cáo đã phá tan cảnh đình chiến ngay trong ngày hội vui chơi, nó bị kết tội phải chịu một sự trừng phạt nghiêm khắc, đến nỗi trọn đời nó sẽ hối hận vì đã không nén được ý muốn báo thù Akka và bầy ngỗng; một bầy cáo liền tức khắc vây lấy nó, và theo tục lệ cũ, tuyên án nó phải đày biệt xứ. Không một con cáo nào thử giảm nhẹ án phạt, vì tất cả đều biết rằng làm như thế thì chúng sẽ mãi mãi bị đuổi khỏi bãi chơi này, và không bao giờ người ta còn cho phép trở lại nữa. Bởi vậy, tất cả đều khẩu đồng tuyên án đày Ximirê, con cáo. Cấm nó không được lưu lại tỉnh Xkônê. Nó buộc phải từ giã vợ, con, họ hàng, rời khỏi những khu săn mồi, nhà ở, nơi ẩn náu và trốn tránh mà nó đã có được, để đi kiếm ăn nơi khác, và để cho tất cả loài cáo đều được biết Xmirê đã bị đày, con cáo cao niên nhất cắn đứt cái đầu nhọn bên tai phải của nó. Tức khắc những con cáo non bắt đầu kêu ăng ẳng vì sau máu, và nhảy xổ vào Xmirê. Con này chỉ còn cách chạy trốn và bị cả bầy cáo non rượt theo, nó bèn nhảy ào xuống những sườn dốc của núi.

Trong lúc đó những con đa đa và gà rừng vẫn tiếp tục trò vui. Nhưng vì mải mê quá sức với bài hát nên chẳng trông thấy, nghe thấy gì cả.

Cuộc thi của chúng vừa xong thì đến lượt những con nai Heckenberga tiến lên; những cặp nai to cùng đấu với nhau một lúc.

Chúng lao hết sức vào nhau, làm cho những bộ sừng chằng chịt những chạc chạm vào nhau đôm đốp, và cứ thế con nọ cố sức đẩy lùi con kia. Móng nai cào nát cả đất của các đồng thạch thảo; hơi thở của nai bốc thành một làn khói tỏa quanh mình nai, những tiếng kêu khàn phát ra từ cổ họng nai và sùi bọt ra chảy dọc vai chúng.

Một quang cảnh hồi hộp bao trùm các ngọn đồi khắp chung quanh. Những cảm xúc mới khuấy động tấm lòng các giống vật. Tất cả đều thấy mình can đảm và dũng mãnh, được một sức mạnh tái sinh làm cho linh hoạt, được mùa xuân làm cho khỏe lại, tất cả đều nhanh nhẹn và sẵn sàng lao vào mọi cuộc mạo hiểm. Chúng chẳng chút tức giận gì nhau; tuy vậy những đôi cánh và những lông cổ dựng lên, những chiếc móng thành sắc nhọn ra. Nếu đàn nai còn tiếp tục nữa thì đấu võ sẽ nổ ra khắp nơi trên ngọn đồi, vì mọi vật đều lên cơn ham muốn tỏ ra mình dồi dào sinh lực, rằng cái bất lực trong mùa đông đã bị đánh bại, rằng sức mạnh đang sôi sục trong thân thể chúng.

Những đàn nai đã ngừng cuộc đấu, và một tiếng xì xào lan từ đồi nọ sang đồi kia. “Đàn chim đang đến”.

Thật thế, chúng đang đến, những cánh chim màu xám khoác áo hoàng hôn, cánh trang sức, những lông dài phấp phới, một chiếc mào đỏ dài trên gáy. Những con chim lớn chân dài, cổ thon thon, mảnh dẻ, đầu nhỏ nhắn, sà xuống sườn dốc như lướt đi trong một cơn chóng mặt khó hiểu. Vừa lướt về phía trước, chúng vừa quay tròn mình, nửa bay nửa múa. Những đôi cánh cong lên một cách thanh lịch, chúng di chuyển với một tốc độ không thể nào hiểu được. Điệu múa có một cái gì đó độc đáo và kỳ dị. Có thể nói đó là những cái bóng màu xám biểu diễn một trò vui mắt nhìn khó theo dõi kịp, và cái trò ấy hình như bầy chim đang học được ở những đám sương mù bồng bềnh trôi trên những đầm lầy hoang vắng. Cái trò ấy như từ yêu thuật mà ra.

Tất cả những ai đến núi Kullabêy lắc đầu, rồi thế nào cũng sẽ hiểu được tại sao cuộc họp mặt này lại gọi là hội múa chim hạc. Trong điệu múa hoang dại, nhưng không phải vì thế mà tình cảm nó gợi lên lòng khán giả lại chẳng phải là một nỗi đau khổ triền miên mà dịu dàng. Không còn con vật nào nghĩ đến việc đấu chọi nữa. Nhưng tất cả những con vật có cánh, và những con vật không có cánh, đều khát vọng bay bổng lên cao, lên những tầng mây, moxem có cái gì sau các tầng mây, mong vứt bỏ cái thể xác nặng nề đã kéo chúng xuống mặt đất để bay vút lên trên trời cao.

Lòng an hoài cái không thể vươn tới được, cái ẩn tàng bên kia cuộc đời, các loài vật chỉ cảm thấy mỗi năm có một lần, và chính vào lúc được xem hội múa chim hạc.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.