Cuộc Lữ Hành Kỳ Diệu Của Nilx Holyerxon Qua Suốt Nước Thụy Điển

Chương XVI – Phần 1: Lũ Quạ Khoang



Chiếc hũ đất nung

Ở góc Tây-Nam tỉnh Xmôlanđ là một xã tên gọi Xunnerbô. Đất này khá bằng phẳng, ai trông thấy trong mùa đông, khi tuyết phủ cũng tưởng rằng dưới lớp tuyết là cánh đồng được cày bừa, những đồng lúa mạch xanh tốt và những đồng cỏ chẽ ba đã gặt. Nhưng khi mà tuyết tan, đầu tháng tư thì những gì bị che dưới tuyết liền hiện ra chỉ là những trảng cát khô cằn: những mỏm đá trơ trụi và những đầm lầy rộng mênh mông.

Dĩ nhiên là có một vài cánh đồng, nhưng khô xấu đến nỗi gần như chẳng ai trông thấy, cũng có những túp lều tranh nhỏ màu xám hay đỏ, nhưng thường là ẩn mình giữa hai cụm bạch dương, như sợ phải lộ mặt ra ngoài.

Nơi xã này giáp với tỉnh Hallanđ có một trảng cát rộng, đến mức đứng đầu này không trông thấy đầu kia. Ở đây, cây thạch thảo ngự trị toàn quyền, trừ một đồi đá thấp lắm chạy qua giữa vùng, là có những cây đỗ tùng, cây thanh lương trà và cả mấy cây bạch dương cao đẹp. Vào cái thời mà Nilx đi theo đàn ngỗng trời, người ta cũng thấy ở đấy một túp nhà, xung quanh là một miếng đất vỡ hoang, nhưng những người sống ở đây đã bỏ đi. Túp nhà ở lại trống không và miếng đất hoang phế.

Khi bỏ túp nhà, họ đã bịt ống khói lại, đóng kín các cửa sổ và cửa ra vào. Nhưng họ đã quên là có một ô kính cửa sổ bị vỡ, được bịt bằng một miếng giẻ. Sau vài năm, mưa đã làm cho miếng giẻ mục đi, và một hôm rơi xuống vì bị một con quạ mổ.

Thật ra, ngọn đồi đá ở giữa trảng không vắng vẻ chút nào như người ta có thể tưởng: cả một tộc đoàn quạ đông đúc ở đây. Tất nhiên, quạ không có đấy suốt cả năm. Mùa đông, chúng ra nước ngoài; mùa thu chúng đến thăm tất cả các cánh đồng ở Yơtlanđ để ăn lúa mì; mùa hạ, chúng phân tán ra và sống quanh các ấp trại ở Xunnerbô, ăn trái cây nạc, trứng và ngỗng con; nhưng mùa xuân nào chúng cũng quay về trảng này để làm tổ và nuôi con.

Con quạ đã giật miếng giẻ bịt cửa sổ nọ là một quạ đực đã già, tên là Garm Lông- Trắng. Nhưng người ta bao giờ cũng chỉ gọi nó là Phumlêlê hay Đrumlê hay hơn nữa là Phumlê-Đrumlê vì nó vụng về, lúc nào cũng làm những việc ngốc nghếch để bị chế giễu.

Nó to hơn và khỏe hơn tất cả những con quạ khác, nhưng sức mạnh của nó chẳng giúp cho nó được việc gì cả: nó vẫn là đối tượng cho mọi người trêu cợt. Ngay cả cái việc nó thuộc về một dòng dõi rất quý tộc cũng không che chở được cho nó. Cứ công bằng mà nói thì đáng lẽ nó phải là quạ đầu đàn, vì từ rất xa xưa, không ai nhớ là thuở nào? Cái chức vị ấy bao giờ cũng thuộc về đứa con cả của dòng họ Lông-Trắng. Nhưng từ trước khi Phumlê-Đrumlê ra đời, họ đó đã để mất quyền thế, và bây giờ nắm quyền là một con quạ độc ác và dã man. Nó tên là Cuồng Phong.

Việc triều đại thay đổi là do những con quạ đã bỏ lối sống cũ của mình. Có lẽ người ta tưởng rằng tất cả các con quạ đều sống một cách như nhau. Đó là một điều hiểu sai. Có những tộc đoàn quạ sống một cuộc đời lương thiện nghĩa là chỉ ăn hạt cây cỏ, sâu bọ, ấu trùng và súc vật đã chết; nhưng có những giống khác sống một cuộc đời cướp bóc, bắt những thỏ con, chim non và cướp phá tất cả những tổ chim trông thấy.

Những tộc trưởng già của dòng họ Lông- Trắng xưa kia nghiêm khắc và ôn hòa; còn dẫn đạo cả đàn là còn buộc các con quạ khác phải ăn ở làm sao để khỏi bị các giống chim khác chê trách. Nhưng mà quạ thì đông và cảnh nghèo khổ lại quá trầm trọng; chúng đã nổi dậy chống lại Lông-Trắng và trao quyền hành cho Cuồng Phong, là kẻ phá hoại tổ chim non tệ nhất, và là tên độc ác nhất mà người ta có thể gặp. Tuy nhiên, vẫn còn kém vợ nó là con Gió Lốc. Dưới triều đại của chúng, bọn quạ đã mở đầu một lối sống khiến cho chúng sợ hãi và bị oán ghét hơn cả những con chim cắt và cú to.

Tất nhiên là Phumlê-Đrumlê chẳng có gì phải nói trong đàn cả. Tất cả quạ đều thống nhất để nói là nó chẳng giống gì cha ông nó, và sẽ chẳng bao giờ có thể làm thủ lĩnh được. Vả lại, cũng chẳng ai nghĩ đến nó cả, nếu nó chẳng luôn luôn làm những việc ngốc nghếch. Có kẻ bảo rằng nó mà vụng về và ngu dại đến thế, âu là một điều may cho nó: nếu không thế thì con Cuồng Phong và vợ chắc đã chẳng giữ lại trong đàn một đàn con cháu của gia đình thủ lĩnh cũ.

Bây giờ thì vợ chồng chúng đã khá tử tế với nó, và hay đem nó theo săn mồi. Những lúc ấy, tẩt cả đều được thấy hai vợ chồng chúng giỏi giang và táo bạo hơn biết bao nhiêu.

Không một con quạ nào lại ngờ rằng chính Phumlê-Đrumlê đã rứt miếng giẻ ở cái cửa sổ ấy; biết được điều đó chắc chúng sẽ rất ngạc nhiên. Không một ai lại ngờ là nó to gan đến gần chỗ ở của con người như thế.

Chính nó cũng chẳng nói gì về chuyện ấy; nó có lý do của nó. Con Cơn Lốc và con Cuồng Phong vẫn cư xử tốt với nó ban ngày và trước mắt những con quạ khác; nhưng ban đêm sau khi tất cả những con quạ khác đều đã đậu trên cây để ngủ, nó đã bị hai con quạ tấn công và đánh gần chết. Sau vụ mưu sát đó, nó có thói quen là cứ đêm đến là rời chỗ cũ và đến ẩn nấp trong túp nhà trống.

Nhưng mà một buổi chiều mùa xuân, sau khi đã xếp đặt xong các t, đàn quạ phát hiện ra một việc lạ: Cuồng Phong và Cơn Lốc cùng hai con quạ khác đã chúi xuống đáy một cái hồ to trong một góc trảng. Đó chỉ là một mỏ cát, nhưng các con quạ không hiểu vì sao người ta đã đào ra. Tò mò, chúng cứ tới đấy lật đi lật lại không ngớt từng hạt cát. Bỗng cát sỏi lở ra và đổ xuống chúng nó như mưa. Giữa các tảng đá và túm cây thạch thảo đổ xuống ấy chúng thấy một cái hũ to, có nắp gỗ đậy kín. Chúng muốn biết trong hũ ấu đựng gì, nhưng cố mở hay dùng mỏ bổ vỡ ra đều là vô ích.

Sững sờ, chúng nhìn cái hũ, thì có tiếng nói: “Có muốn mình giúp một tay không, các bác quạ”

Chúng ngửng đầu lên. Bên miệng hố, một con cáo đang nhìn. Đó là một trong những con cáo có màu lông và dáng vóc đẹp nhất mà chúng chưa bao giờ được thấy. Nhược điểm duy nhất của nó là một tai bị sứt.

“Nếu anh muốn giúp, chúng tôi chẳng từ chối đâu”, Cuồng Phong vừa nói, vừa bay lên cùng cả bọn.

Con cáo nhảy xuống đáy hố, cắn ngay chiếc hũ và kéo cái nắp giật ra, nhưng cũng không tài nào mở được.

“Anh có đoán được cái gì trong đó không?” Cuồng Phong hỏi.

Con cáo lăn cái hũ và lắng nghe:

“Có lẽ chỉ là những đồng tiền bạc”, nó nói. Thật là vượt qua những điều mà quạ không dám mong ước.

“Anh tin là bạc thật chứ?” mấy con quạ hỏi, mắt thao láo vì thèm thuồng; vì thật lạ lùng, ở đời chẳng có gì quạ thích bằng tiền cả.

Nghe này, kêu loảng xoảng đấy! Con cáo vừa nói vừa lăn cái hũ lần nữa. Khổ nỗi, mình chẳng biết làm thế nào mà lấy ra được.

– Chịu, chẳng có cách nào cả, lũ quạ thở dài nói

Con cáo đưa chân trái lên gãi đầu và suy nghĩ. Giá nhờ lũ quạ nó có thể tóm được cái thằng mất dạy vẫn bay cùng đàn ngỗng trời, và lần nào cũng thoát khỏi tay nó, thì hay biết mấy! Cuối cùng nó nói:

– Mình biết chắc ai có thể mở được cái hũ cho các bác.

– Cho biết tên kẻ đó đi! Nói đi! Lũ quạ reo lên, trong lúc hăng hái, chúng sà cả xuống đáy hồ.

Cáo bèn nói với mấy con quạ về quả quyết rằng chú sẽ đủ sức mở cái hũ, nếu lũ quạ có thể đem nó được nó đến đây. Để đền ơn vì lời khuyên hay của nó, quạ phải nộp Tí Hon cho nó, sau khi chú đã giúp cho chúng xong việc. Lũ quạ không có chút lý do gì để chừa Tí Hon ra cả, liền nhận lời.

Nhưng cái việc khó nhất đâu đã làm được: phải tìm cho ra đàn ngỗng trời và Tí Hon. Cuồng Phong đích thân lên đường, có năm chục quạ đi theo; nó hứa sẽ trở về ngay. Nhưng bao ngày qua mà đàn quạ vẫn không thấy nó trở về.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.