Cuộc Lữ Hành Kỳ Diệu Của Nilx Holyerxon Qua Suốt Nước Thụy Điển

Chương XXIII – Phần 1: Truyện Chó Karr Và Nai Màu Gio



Kôlmôrden

Ở phía bắc vùng Broviken chỗ giáp ranh giữa hai tỉnh Ơxteryơtlanđ và Xơdermanland mọc lên một quả núi dài mấy dặm và rộng một dặm. Giá núi mà cao tương xứng với bề dọc, bề ngang của nó thì đã là một trong những núi đẹp nhất mà người ta có thể trông thấy, nhưng mà đây không phải như vậy.

Đôi khi người ta gặp một ngôi nhà khởi công với quy mô rộng lớn đến nỗi người xây dựng không bao giờ có thể hoàn thành được; người ta thấy những nền móng kiên cố, những khung tò vò vững chắc, nhưng chẳng có chút tường cũng như tí mái nào cả: công trình xây dựng chỉ mọc lên cao hơn mặt đất có vài bột. Chẳng có gì cho ta một ý niệm đúng hơn thế về quả núi ranh giới ấy; có thể nói rằng đó là nền móng của một quả núi hơn là một núi đã hình thành. Nó mọc lên từ đồng bằng, với những sườn dốc đứng; khắp nơi những khối đá hiên ngang chồng chất lên nhau hình như để đỡ những gian phòng mênh mông, cao vút. Mọi thứ đều hùng vĩ và hoành tráng, nhưng mà thiếu mất chiều cao. Người xây dựng đã chán và bỏ dở công việc trước khi đắp xong những sườn dài, những mũi nhọn, những đỉnh cao, thường làm nên những tường thành và nóc mái của những quả núi bình thường.

Để đền bù lại, quả núi lớn ấy được phủ kín những cây đại thụ hùng tráng. Từ những thuở nào, sồi và bồ đề đã mọc trong những thung lũng, phong và trăn trên các bờ hồ, thông trên những sườn cheo leo và bách thì khắp nơi, ở đâu mà có một nhúm mùn.

Tất cả những loài cây ấy họp thành khu rừng lớn Kôlmôrden à xưa kia người ta khiếp sợ đến nỗi ai bắt buộc phải đi qua rừng, đều giữ hồn cho Chúa bảo hộ và sửa soạn cái phút lâm chung của mình.

Rừng Kôlmôrden mọc lên đã lâu lắm đến nỗi ngày nay không thể nào có thể nói được tại sao nó đã thành ra như thế. Lúc đầu chắc là cây khó mọc lên trên đá tảng trơ trụi và phải rắn lại để tìm những chỗ bám chắc giữa các phiến đá kiên cố và kiếm thức ăn trong một thứ đất đai bần bạc. Cái gì đã xảy ra cho rừng là cái đã xảy ra cho những ai phải sống cuộc đời gian khổ trong thiếu thời và một khi đã vượt qua được thì thành ra cường tráng và bền chắc. Có nhiều cây to thân to đo tới sáu mét chu vi, cành nhánh chi chít quấn quít vào nhau, thành một thứ màn lưới không thể lọt qua được và mặt đất thì như đan chằng chịt những rễ cây cứng và trơn. Rừng đã cho các động vật hoang dã và các hung đồ biết bò, biết leo và biết chui qua các bụi gai rậm, một chốn sào huyệt tuyệt vời. Nhưng đối với những kẻ hướng thiện thì rừng tối tăm và ẩm ướt hoang vu, lừa lọc, gai góc và chằng chịt này chẳng có gì là hấp dẫn cả; rừng đầy những cổ thụ thân phủ rêu và cành phủ địa y như hình những yêu tinh râu dài.

Khi con người đến cư trú trong các tỉnh Xơdermanland và Ơxteryơtlanđ thì rừng mọc gần khắp nơi, nhưng những khu rừng ở trong các thung lũng phì nhiêu và các đồng bằng đã bị khai quang ngay. Chẳng một ai cất công khai quang rừng Kôlmôrden mọc trên khối đá cằn cỗi. Nhưng càng không bị xâm phạm thì rừng càng trở nên hùng vĩ. Rừng như một tòa thành quách mà lũy cứ càng ngày càng dày thêm và kẻ táo bạo nào muốn đi qua rừng là phải vác theo cái rìu. Có những rừng sợ người, Kôlmôrden thì lại được người sợ rừng âm u và rậm rạp đến nỗi những thợ săn và kẻ hái củi luôn luôn bị lạc lối và chết trước khi cố ra khỏi được các lùm cây dày đặc. Đối với những khách đi lại giữa hai tỉnh Xơdermanland và Ơxteryơtlanđ thì rừng là một mối nguy hiểm chết người. Họ phải cố tìm đường đi theo lối mòn của các loài vật, vì dân các vùng chung quanh không thể nào đánh ra được càng không thể bảo dưỡng nổi các con đường. Không hề có cầu qua sông, cũng như phà qua hồ, cũng như cầu con qua đầm lầy. Và chẳng thấy trong rừng túp lều nào che chắn cho những người hòa hiếu cả, thú vui là vô số chốn ẩn nấp cho những thú và sào huyệt của hung đồ. Ít có người đi qua được khu rừng mà không thiệt hại gì nhưng mà nhiều biết kẻ trượt xuống các khe sâu hay mất tích trong một đầm lầy, bị côn đồ cướp của hay thú đuổi bắt. Những kẻ ở phía dưới chân rừng và không bao giờ dám lên rừng cũng phải chịu thiệt thòi; vì gấu và sói cứ liên tiếp từ Kôlmôrden xuống cắn cổ gia súc của họ mà chẳng có cái gì ngăn bọn ác thú ấy lại vì chúng biết lẩn lút rất giỏi trong những cánh rừng sâu thẳm.

Chắc chắn dân hai tỉnh đều muốn quách rừng đi, nhưng việc ấy chỉ làm từ từ vì ở nơi khác còn có những đất dễ trồng trọt. Nhưng lần hồi, từng tí từng tí, rừng cũng bị thuần hóa. Trên các sườn đồi núi ven rừng có những ấp trại và thôn xóm được lập lên. Đó đây những con đường được đánh ra và ở Krokek ngay chính giữa lòng rừng những tu sĩ đã lập nên một tu viện và khách đi qua rừng yên tâm được chỗ trú nhờ.

Nhưng rừng vẫn cứ oai quyền và nguy hiểm mãi cho đến ngày mà một khách bộ hành đi vào rất sâu trong rừng thẳm, phát hiện ra là khối đá nơi rừng mọc lên có chứa sắt trong lòng. Tin đó vừa lan ra là thợ mỏ và cai thầu kéo vào rừng để chiếm lấy những của cải ấy.

Thế là cái oai quyền của rừng bị bẻ gãy. Người ta vào đấy đào hầm, dựng lò, bể và nhà máy. Nhưng như thế cũng không làm hỏng rừng nghiêm trọng lắm, nếu việc khai thác quặng không cần đến một khối than gỗ và thân cây không thể tưởng tượng nổi. Những thợ đốt than và những thợ đằn gỗ vào khu rừng cổ thảm đạm đó và triệt hạ gần hết cây. Quanh các lò, bể, rừng bị săn bắn hoàn toàn và đất rừng thành ra cánh đồng. Nhiều dân di thực định cư luôn tại đấy và chẳng mấy chốc làng mạc mọc lên đông đúc, có cả nhà thờ và nhà mục sư, ở những chỗ nhà mới đây chỉ có những hang gấu.

Cả những nơi không có mỏ, cũng không có lò bể gì mà các cổ thụ cũng bị hạ và những khoảng rừng thưa cũng bị dọn sạch. Đường được đánh khắp nơi và dã thú cũng như kẻ cướp, bị đuổi đi hết. Từ khi thành lập được quyền thống trị trên khu rừng, người ta hành hạ rừng dữ dội lắm, họ chặt, họ đốt, họ biến rừng thành than, không biết tự hạn chế là gì. Họ không hề quên mối hận thù cũ đối với rừng và họ như sẵn sàng tiêu diệt nó đi.

May cho rừng, quặng trong các mỏ ở Kôlmôrden té ra chẳng được bao năm, và việc khai thác phải thu bớt lại. Đồng thời việc đốt than cũng giảm đi và rừng mới được quyền nghỉ ngơi một chút. Nhiều người đã vào đấy để an cư lại thành ra thất nghiệp, kiếm được cách sống qua ngày thật là chật vật. Thế là rừng lại phát đạt và lan rộng ra, đến nỗi ấp trại và lò sắt bị bủa vây vào giữa rừng như những hòn đảo giữa biển cả. Cư dân ở Kôlmôrden cố gắng trồng trọt, nhưng chẳng ăn thua gì. Các già cỗi thích cho mọc lên những cây sồi khổng lồ và cây thông mênh mông hơn là những su hào và đại mạch.

Người ta nhìn rừng với đôi mắt ảm đạm vì với khí lực xum xuê, rừng như ngạo mạn thách thức cảnh nghèo khổ của họ. Tuy vây, cuối cùng rồi họ cũng hiểu ra rằng có lẽ họ có thể rút ra được chút lợi nào đất ở rừng chăng. Họ bắt tay khai thác, đẵn gỗ, xẻ ván và kèo, cột đem bán cho người ở đồng bằng vì chính những người này đã đẵn hết cây của mình đi rồi. Người ta tìm ra được rằng rừng có thể nuôi sống người ta, chẳng kém gì đồng ruộng. Thế là họ đi đến chỗ nhìn rừng bằng con mắt khác hẳn. Họ quen chăm sóc rừng và yêu mến rừng. Họ quên hết tất cả nỗi hận thù xưa kia, và đi đến chỗ xem rừng như bạn tốt nhất của họ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.