Cuộc Lữ Hành Kỳ Diệu Của Nilx Holyerxon Qua Suốt Nước Thụy Điển

Phần 2: Đàn Ngỗng Trời



Tuy nhiên, chú bé vẫn không thể tin rằng mình đã bị biến thành gia thần. Chú nghĩ: “Chỉ có thể là một giấc mơ hay là mình tưởng tượng ra đó thôi. Một lúc nữa, mình sẽ còn là một con người”.

Chú đứng trước gương nhắm mắt lại. Vài phút sau chú mới mở mắt ra, mong cho pháp thuật hết tác dụng. Nhưng không: chú bé vẫn bé tí tẹo như thế. Ngoài kích thước ra thì chú vẫn hoàn toàn như trước. Vẫn mớ tóc vàng nhạt, vẫn những tàn nhang trên mũi, vẫn những miếng vá trên chiếc quần da, và chỗ vá ở bít tất, chú thấy đủ tất cả nhưng đều nhỏ tí xíu hết.

Chờ đợi cũng chẳng ích gì. Phải hành động và tốt hơn cả là đi tìm gia thần để cố làm lành với thần.

Chú bèn nhảy xuống đất, và bắt đầu tìm. Chú nhìn phía sau các chiếc ghế tựa và các cái tủ, dưới gầm giường và trong bếp lò. Chú lách cả vào mấy cái hang chuột nhưng vô ích.

Vừa tìm chú vừa khóc, vừa van, hứa hẹn đủ điều: nào là không bao giờ làm sai lời hứa nữa, không bao giờ độc ác nữa, nào là không bao giờ ngủ trong giờ thuyết giáo nữa. May mà chú được lại thành người thì chú sẽ là chú bé biết vâng lời nhất, hiền lành nhất, và đáng yêu nhất. Nhưng chú cứ việc hứa hẹn, việc đó vẫn chẳng ích gì.

Bỗng chú sực nhớ là có nghe mẹ nói rằng các gia thần thường quen ở chuồng bò, thế là chú quyết ra đấy. May mà cửa ra vào vẫn để ngỏ, nếu không thì chằng bao giờ chú có thể mở nổi cái then. Chú đi ra chẳng vướng mắc gì.

Ra đến bậc cửa, chú đưa mắt tìm đôi giày gỗ của chú, vì ở trong nhà chú thường đi lại bằng giày vải. Nhưng mà chú sẽ mang thế nào nổi đôi giày gỗ to và nặng của chú đây? Vừa đúng lúc ấy chú thấy trên ngưỡng cửa một đôi giày gỗ bé tí tẹo. Việc phát hiện này chỉ làm chú thêm sợ; nếu thần đã lo trước đến việc thay đổi cả kích thước đôi giày gỗ của chú thì chẳng nên nghĩ rằng cuộc phiêu lưu tai hại này sẽ còn kéo dài nữa sao?

Một con chim sẻ nhảy nhót trên cái bậc bằng gỗ sồi đã cũ ở trước cửa. Vừa trông thấy chú bé là nó đã ríu rít kêu lên: “Chuỵt, chuỵt, nhìn kìa. Nhìn Nilx, thằng bé chăn ngỗng kìa! Nhìn thằng bé Tí Hon kia! Nhìn Nilx Hôlyerxôn Tí Hon kia!”

Những con ngỗng và những con gà mái lập tức quay về phía Nilx, tiếng cục cục và cà kíu liền nổi lên ầm ĩ. Con gà trống gáy:

“Cúc cù cu cu! Đáng lắm!”

“Cục cục cục, đáng lắm!” bọn gà mái cũng kêu lên và cứ nhắc đi nhắc lại mãi cái câu ấy. Các con ngỗng tụ tập lại, chen chúc nhau, tất cả đều vươn dài cổ ra cùng hỏi:

“Ai gây ra việc này? Ai gây ra việc này?” Điều kỳ diệu thứ nhất là chú bé hiểu được tiếng nói của chúng nó. Ngạc nhiên, chú đứng lại một lúc trên bậc cửa để nghe chúng nó nói.

Chú nghĩ bụng: “Bởi vì mình đã biến thành gia thần nên biết tiếng nói của loài chim”.

Chú thấy các con gà mái thật là khó chịu, cứ cục cục và kêu mãi: “đáng kiếp”. Chú ném chúng nó một hòn đá để bắt chúng im. “Có im mồm đi không, đồ vô lại”. Khôn thay, chú quên mất rằng chú không còn đủ sức để làm cho bọn gà mái sợ nữa. Cả bọn chạy xô đến, vây lấy chú và cứ cục cục. “Cục cục cục, thật đáng đời! Cục cục cục, thật đáng đời!”.

Chú tìm cách chạy trốn, nhưng đám gà mái đuổi theo và kêu đến điếc cả tai. Chú chẳng tài nào thoát nổi đàn gà nếu lúc đó con mèo nhà không hiện ra. Vừa trông thấy nó, đàn gà liền im tiếng và làm bộ mải miết bới đất tìm sâu.

Chú chạy lại phía con mèo và nói: “Này Miu bé nhỏ của mình, cậu biết rõ hết mọi hang lỗ ngõ ngách trong trại, cậu làm ơn bảo cho mình biết đi tìm gia thần ở chỗ nào đây?”

Mèo không trả lời ngay. Nó ngồi lại, xếp cái đuôi quanh mình thật duyên dáng, rồi chằm chằm nhìn chú bé. Miu là một con mèo đen to, ngực trắng. Bộ lông mượt ánh lên dưới tia mặt trời. Móng nó quắp lại hết. Mắt nó toàn một màu xám, có một khe rất hẹp ở giữa. Nó có vẻ hiền.

Nó nói giọng rất dịu dàng: “Tất nhiên mình biết gia thần ở đâu, nhưng cậu tin tưởng mình sẽ nói cho cậu biết đấy à?”

– Miu thân mến ạ, phải giúp mình tí. Miu không thấy mình bị ông ấy chài đấy à?

Con mèo hé mắt ra, ác ý lộ qua ánh mắt màu lục. Nó gầm gừ thích chí mãi rồi mới nói: “Cậu muốn mình giúp cậu để cảm ơn cậu cứ thường thường kéo đuôi mình ấy à?”

Chú bé nổi giận và quên hẳn rằng mình bé nhỏ và bất lực, hét lên: “Tao ấy à, tao vẫn rất có thể kéo đuôi mày nữa! Đợi đấy tí!”

Trong nháy mắt con mèo thay đổi đến nỗi khó mà nhận ra nó. Mỗi sợi lông trên mình nó tua tủa lên. Lưng cong vòng lại, chân duỗi ra, móng cào cào đất, cái đuôi xù lên và co lại, đôi tai rụt sát vào đầu, mồm nhỏ dãi, cặp mắt mở to rực lên như một ánh lửa đỏ.

Chú bé không muốn để cho một con mèo lại dọa mình. Chú bước lên một bước. Thế là con mèo lại vọt lên, nhào thẳng vào chú bé, hất chú ngã xuống đất và đứng chắc trên mình chú, hai chân trước đè lên ngực, mõm há to ngay trên cuống họng chú.

Chú thấy các móng của con mèo đang cắm vào thịt mình qua làn áo vét và áo sơ-mi; những chiếc răng nhọn cọ vào họng chú buồn buồn. Chú lấy hết hơi kêu cứu.

Nhưng chẳng ai chạy tới cả và chú tưởng rằng giờ cuối cùng của đời chú đã đến. Sau cùng chú bỗng thấy mèo thu móng lại và thả chú ra.

“Đấy! Thế là đủ. Lần này tớ tha cho cậu vì tớ nghĩ đến bà chủ. Tớ chỉ muốn cho cậu hiểu là cậu với tớ ai khỏe hơn thôi”.

Nói xong mèo bỏ đi, vẫn uyển chuyển và hiền lành như trước. Chú bé xấu hổ đến nỗi không thốt nên lời, nhưng chú cứ đi về phía chuồng bò tìm gia thần.

Trong chuồng chỉ còn có ba con bò cái. Thế mà khi chú bé hiện ra là tiếng rống lên huyên náo tưởng chừng ít ra cũng phải có đến ba chục con bò.

– Mòò! Mòò! Mòò! – Con Hồng Hoa Tháng Năm kêu – Sướng thay trên đời này có công lý!

– Mòò! Mòò! Mòò! – Cả ba con bò cái cùng kêu tiếp. Chú bé không thể nghe rõ chúng nói gì vì con nọ cố rống to hơn con kia.

Chú muốn nói chuyện gia thần, nhưng không làm thế nào cho chúng nghe tiếng được: mấy con bò cái đang giữa cơn nổi loạn. Chúng nhốn nháo lên như lúc chú đem một con chó lạ vào chuồng vậy. Chúng tưng cẳng lên đá, lắc lắc dây xích, quay đầu ra đằng sau và giương sừng đe dọa:

– Cứ lại đây! – Con Hồng Hoa Tháng Năm hét – Tao sẽ cho mày một cái đá không quên ngay được đâu!

– Lại đây! – Con Hoa Kèn Vàng nói – Ta sẽ cho nhảy lộn trên đôi sừng này!

– Lại đây đi, lại gần đây tí! – Con Ngôi Sao gầm lên – Ta ấy à, ta sẽ cho biết là ta đã đau như thế nào lúc mày lấy giày gỗ ném ta mùa hè năm ngoái.

– Lại đây! – Con Hoa Kèn Vàng rống lên – Ta sẽ cho đền cái tội bỏ ong vò vẽ vào tai ta!

Hoa Hồng Tháng Năm, con bò cái lớn tuổi là khôn ngoan hơn cả lại là con bò tức giận hơn cả; nó nói: “Lại đây, ta sẽ thưởng công cho về việc bao lần kéo cái chân chiếc ghế đẩu lúc mẹ mày sắp vắt sữa chúng ta, về tất cả những lần ngáng chân mẹ mày lúc bà ấy xách những xô sữa đi qua, về tất cả những giọt nước mắt đã khóc vì mày ngay tại đây”.

Chú bé muốn nói với chúng là chú hối hận vì đã độc ác với chúng, rằng chú sẽ không bao giờ chơi ác lại như vậy, chỉ cần chúng bằng lòng cho chú biết gia thần ở đâu thôi. Nhưng mấy con bò làm ầm ĩ và vùng vằng dữ quá đến nỗi chú sợ là dây buộc sẽ đứt mất, nên chú nghĩ là cứ lẻn ra khỏi chuồng là hơn cả.

Ra ngoài sân, chú nản lắm. Chú thấy rõ là chẳng một ai sẵn lòng giúp chú tìm gia thần cả. Vả lại, tìm thấy được thần có lẽ cũng chẳng ích gì cho lắm.

Chú trèo lên bức tường đá xếp quanh trại mà từng quãng bị phủ kín những cây mâm xôi và những bụi gai. Chú ngồi đấy, ngẫm nghĩ về những gì sẽ xảy ra nếu chú không trở lại thành người bình thường. Trước hết bố mẹ ở nhà thờ sẽ ngạc nhiên đến thế nào! Phải rồi, tất cả các xứ khác sẽ kinh ngạc và người ta sẽ kéo đến Vemmenhơg Đông, từ Turp, từ Surup, từ các xã đến để xem chú. Và có thể là bố mẹ sẽ đưa chú tới chợ phiên Kivik bày cho thiên hạ xem nữa.

Khủng khiếp thật! Chú muốn từ nay không một ai chú nữa. Thật bất hạnh quá! Chẳng có ai đáng phàn nàn như chú! Chú không còn là một con người nữa, mà là một quái vật.

Dần dần chú hiểu ra rằng: không còn là con người thì sẽ như thế nào? Từ nay chú bị xa cách tất cả: chú không còn được chơi với những đứa trẻ khác nữa; chú không thể lĩnh canh cái trại sau khi bố mẹ qua đời, và chắc chắn là sẽ không bao giờ tìm ra một cô gái muốn lấy mình làm chồng. Chú nhìn cái nhà mình. Một túp lều tranh nhỏ, tường đất, trông như tụt vào trong lòng đất dưới sức nặng của cái mái rạ cao và dốc. Những buồng phụ cũng đều nhỏ tí, rẻo đồng thì hẹp đến nỗi một con ngựa cũng khó có đủ chỗ quay mình. Nhưng dù có bé nhỏ và tồi tàn đến đâu thì bây giờ đây ở chỗ ở này đối với chú cũng tốt đẹp quá rồi. Chú không còn có quyền đòi hỏi gì hơn một cái lỗ nhỏ dưới sàn chuồng ngựa.

Trời đẹp lạ lùng. Xung quanh chú nước chảy tràn trề, cành cây đâm chồi, chim chóc ríu rít. Riêng chú mang một nỗi buồn ghê gớm. Chú chẳng còn thấy vui với cái gì nữa cả.

Chưa bao giờ chú thấy trời xanh đến thế. Những loài chim di cư bay qua từng đàn. Chúng đến từ nước ngoài về, vượt biển Baltika, bay thẳng đến mũi Xmuyyêhuk giờ đây đang bay lên phương Bắc. Có nhiều loài chim khác nhau, nhưng chú chỉ nhận ra những con ngỗng trời bay theo hai hàng dài, họp lại thành một hình chữ nhân.

Đã nhiều đàn ngỗng bay qua rồi. Chúng bay rất cao, nhưng chú vẫn nghe thấy tiếng chúng kêu: “Chúng tôi bay lên cái cao nguyên băng tích, chúng tôi bay lên các cao nguyên băng tích”.

Khi trông thấy những con ngỗng nhà lững thững đi trong sân gà, vịt, thì đàn ngỗng trời bay thấp xuống và gọi: “Đi với chúng tôi đi!

Đi với chúng tôi đi! Chúng tôi bay lên cái cao nguyên băng tích!”

Những con ngỗng nhà không thể không ngửng đầu lên nghe. Nhưng chúng đáp lại, rất khôn ngoan: “Ở đây chúng mình sướng rồi. Ở đây chúng mình sướng rồi!”

Như đã nói, hôm ấy là một ngày đẹp tuyệt vời, không khí mát mẻ làm sao, nhẹ nhàng làm sao, như mời người ta bay lên. Những đàn ngỗng trời khác càng bay qua thì những con ngỗng nhà càng băn khoăn. Có lúc chúng vỗ cánh như đã quyết bay theo bọn ngỗng trời. Nhưng mỗi lần lại có một mụ ngỗng già lắm mồm nào đó lên tiếng nói: “Này, đừng có điên rồ thế. Bọn chúng nó rồi sẽ phải khổ vì đói, vì rét đấy”.

Nhưng lại có một con ngỗng đực, nghe tiếng gọi của các ngỗng trời, tỏ ra rất khát khao được bay đi. Nó nói: “Nếu còn một đàn nữa đến, tôi sẽ theo ngay”.

Một đàn nữa bay tới, lại gọi như những đàn trước. Thế là con ngỗng đực đáp: “Đợi tí! Đợi tí! Tôi đi ngay”.

Nó dang cánh bay lên, nhưng vì chẳng quen bay tí nào nên lại rơi xuống đất.

Nhưng hình như những con ngỗng trời đã nghe tiếng ngỗng đực. Chúng thong thả bay lộn lại xem ngỗng đực có theo chúng không. “Đợi tí! Đợi tí!” ngỗng đực kêu rồi lại cố bay lên.

Ngồi nấp trên bờ tường, chú bé nghe thấy tất cả “Ngỗng đực mà bay đi thì thiệt quá! Đi lễ về mà thấy ngỗng bay đi mất thì bố mẹ sẽ buồn lắm”.

Lại một lần nữa chú quên rằng mình nhỏ bé và yếu đuối. Chú nhảy vào giữa đàn ngỗng nhà, vòng tay ôm lấy cổ ngỗng đực, miệng hét: “Mày phải ở lại đây nghe chưa?”.

Nhưng đúng lúc ấy, ngỗng đực hiểu là phải làm thế nào để bay lên khỏi mặt đất. Nó không thể dừng lại để hất chú bé xuống, và thế là chú bị mang theo lên không.

Chú bị mang đi nhanh đến chóng cả mặt. Chưa kịp nghĩ đến việc bỏ tay ôm cổ ngỗng thì chú đã lên cao đến nỗi nếu ngã xuống đất thì sẽ chết ngay.

Chú chỉ còn cách là cố trườn lên lưng ngỗng. Chú đã lên được, nhưng thật vất vả. Lại cũng chẳng phải dễ dàng gì mà ngồi yên được trên cái lưng nhẵn mượt và trơn tuột, giữa đôi cánh đập liên hồi. Chú phải thọc sâu hai tay vào bộ lông, đến tận lông tơ của ngỗng để cho khỏi bị lao nhào xuống đất.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.