Cuộc Sống Không Giới Hạn – Câu Chuyện Diệu Kỳ Của Chàng Trai Đặc Biệt Nhất Hành Tinh

Hãy để chính mình là điều kỳ diệu



Một trong những đoạn video nổi tiếng nhất về tôi trên mạng xã hội YouTube là đoạn quay cảnh tôi đang trượt ván, lướt sóng, chơi nhạc, chơi gôn, ngã, đứng dậy, diễn thuyết trước đám đông khán giả, và đáng chú ý nhất là đang nhận những cái ôm đầy trìu mến của những con người vĩ địa thuộc đủ mọi lĩnh vực.

Nhìn chung đó là những hoạt động khá bình thường mà bất cứ ai cũng có thể thực hiện, đúng không bạn? Vậy bạn thử nghĩ xem tại sao đoạn video đó lại thu hút được hàng triệu người thích trên khắp hành tinh này? Tôi cho rằng mọi người thích xem đoạn video đó bởi vì nó cho thấy, mặc dù tôi có những giới hạn, những khiếm khuyết về hình thể, những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua nổi, tôi vẫn nỗ lực để sống vui vẻ, hạnh phúc và sống hữu ích như thể mình không có bất kỳ giới hạn nào, không bị bất cứ khó khăn nào cản trở.

Người ta thường cho rằng người khuyết tật nặng chắc hẳn phải lười vận động, thậm chí luôn cáu giận và buông xuôi. Tôi muốn những ai mang trong mình những định kiến ấy phải ngạc nhiên bằng cách làm cho họ thấy tôi vẫn sống một cuộc sống năng động và đầy ý nghĩa.

Trong số hàng trăm lời bình dành cho đoạn video đó, tôi nhớ nhất lời bình này: “Tận mắt thấy chàng thanh niên này sống vui vẻ hạnh phúc, tôi tự hỏi bản thân mình, tại sao tôi được Trời ban cho một hình hài lành lặn, có đầy đủ chân tay thế mà đôi lúc tôi lại cảm thấy tủi thân… cảm thấy mình không đủ hấp dẫn… cảm thấy mình không đủ thú vị, v.v. Làm sao tôi có thể có những ý nghĩ đó cơ chứ, khi mà chàng thanh niên không tay, không chân này vẫn sống vui vẻ hạnh phúc?”.

Rất nhiều người từng hỏi tôi thế này: Nick, làm sao bạn vẫn sống hạnh phúc như vậy được? Có thể chính lúc này đây bạn đang phải đương đầu với những thách thức, những khó khăn của riêng mình, vậy nên tôi xin đưa ra câu trả lời cho câu hỏi đó như sau:

Tôi tìm thấy hạnh phúc khi tôi hiểu rằng càng khuyết tật bao nhiêu thì tôi càng có nhiều cơ hội để trở thành một Nick Vujicic hoàn thiện bấy nhiêu. Tôi là sự sáng tạo của Chúa, và sự có mặt của tôi trên cõi đời này nằm trong kế hoạch của Người. Tôi nói thế không có nghĩa rằng Chúa đã an bài, đã sắp đặt tất thảy mọi sự và không có chỗ cho sự tự hoàn thiện bản thân của mỗi người chúng ta trên cõi đời này. Lúc nào cũng như lúc nào, tôi luôn cố gắng hết sức để trở thành một con người tốt hơn, tốt hơn nữa để tôi có thể phụng sự Chúa nhiều hơn, giúp ích cho đời nhiều hơn!

Từ sâu thẳm trái tim mình, tôi tin rằng cuộc đời tôi không có bất cứ giới hạn nào hết. cho dù những thách thức mà bạn đang phải đối mặt là gì đi nữa, cho dù những thách thức ấy có khốc liệt, nghiệt ngã đến mức nào chăng nữa, tôi cũng mong bạn hãy tin tưởng và cảm thấy như vậy về cuộc sống của chính mình. Khi chúng ta cùng nhau bắt đầu cuộc hành trình này, bạn hãy dành vài phút để nghĩ về những giới hạn mà bạn tự đặt ra cho mình trong cuộc sống hoặc những giới hạn mà bạn cho phép người khác áp đặt vào cuộc sống của bạn. Bây giờ bạn hãy thử nghĩ xem cuộc sống của bạn sẽ như thế nào, bạn sẽ cảm thấy ra sao nếu như bạn được giải phóng khỏi tất cả những giới hạn đó. Cuộc sống của bạn sẽ như thế nào nếu bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra?

Vâng, tôi bị khuyết tật bởi vì tôi không có chân, không có tay, nhưng tôi thực sự là người có khả năng cũng bởi chính lý do đó. Những thách thức mà chỉ riêng tôi mới gặp phải đã mở ra cho tôi những cơ hội mà chỉ riêng tôi mới có được. Hãy hình dung ra những khả năng dành cho bạn!

Thường thì chúng ta cứ tự nhủ rằng mình không đủ thong mình hoặc không đủ hấp dẫn hoặc không đủ tài năng để theo đuổi những ước mơ. Chúng ta tin những gì người khác nói về chúng ta, hoặc đặt ra những giới hạn cho bản thân mình. Tồi tệ hơn, khi bạn tự coi mình là một người vô giá trị có nghĩa là bạn đang đặt ra giới hạn cho những điều kỳ diệu mà Chúa có thể trao gửi cho bạn! Khi bạn từ bỏ ước mơ, ấy là lúc bạn đặt Chúa vào một chiếc hộp. suy cho cùng, bạn là sự sáng tạo của Người. Người tạo ra bạn trên cõi đời này có mục đích. Bởi vậy cuộc sống của bạn bị giới hạn bao nhiêu thì tình yêu của Người dành cho bạn cũng có thể bị hạn chế chừng ấy.

Tâng bóng thế này không cần dùng tay các bạn ạ!

Tôi có sự lựa chọn của tôi. Bạn cũng có sự lựa chọn của bạn. Chúng ta có thể chọn để mình chìm sâu trong những nỗi thất vọng tràn trề và những khiếm khuyết vĩnh viễn. Chúng ta có thể lựa chọn thái độ sống đầy cay đắng, giận dữ và u sầu. Hoặc khi chúng ta đối mặt với lúc khó khăn, đối diện với những người ác tâm, chúng ta có thể chọn lựa học lấy bài học từ chính những gì mình trải nghiệm và tiến lên phía trước, chịu trách nhiệm về hạnh phúc của bản thân, chủ động kiếm tìm hạnh phúc.

Là đứa con của Chúa, bạn chắc chắn đẹp đẽ và quý giá hơn tất cả những viên kim cương trên thế gian này. Bạn và tôi cực kỳ thích hợp để trở thành những con người mà đấng sáng tạo ra chúng ta muốn chúng ta trở thành những con người tốt hơn, toàn thiện hơn, đẩy lùi và loại bỏ những giới hạn bằng cách mơ những giấc mơ lớn lao. Trong hành trình đó, chúng ta luôn cần có những điều chỉnh (bởi vì cuộc đời này không phải lúc nào cũng toàn là màu hồng), nhưng cuộc đời này luôn đáng sống. Tôi đến đây để nói với bạn rằng cho dù bạn đang ở trong hoàn cảnh nào, miễn là bạn còn thở, thì bạn vẫn có thể đóng góp cho cuộc đời này.

Tôi không thể đặt bàn tay lên vai để động viên, nhưng tôi có thể nói lời nói chân thành nhất từ tận đáy lòng mình. Dù cuộc đời của bạn có đáng thất vọng đến mức nào, thì niềm hy vọng vẫn luôn ở phía trước. Trong khốn cùng, vẫn có ngày mai tươi sáng đang chờ bạn. Cho dù hoàn cảnh có nghiệt ngã đến mức nào, bạn vẫn có thể vươn lên. Cứ ngồi khoanh tay mà ước ao sự thay đổi thì bạn sẽ chẳng thay đổi được đâu. Hãy quyết định hành động ngay bây giờ, bạn sẽ có thể thay đổi được tất cả!

Tất cả mọi sự kiện hợp lại với nhau vì sự tốt đẹp. Tôi tin vào điều đó bởi những gì xảy ra trong cuộc sống của tôi đã chứng minh đó là chân lý. Cuộc đời của một con người không có chân, không có tay thì còn có ích gì nhỉ? Các bạn chỉ cần nhìn tôi, lắng nghe tôi nói, cho phép tôi chia sẻ niềm tin, cho phép tôi nói với các bạn rằng tất cả chúng ta đều được yêu thương, đều tràn đầy hy vọng.

Đó chính là sự đóng góp của tôi. Thừa nhận giá trị trong con người bạn là một điều rất quan trọng. Bạn nên biết rằng chính bạn cũng có điều gì đó để đóng góp cho cuộc đời. Nếu vào lúc này đây bạn đang cảm thấy nản lòng, thì điều đó cũng bình thường thôi. Bạn cảm thấy nản lòng nghĩa là bạn đang mong muốn cuộc sống của mình được cải thiện. Điều đó tốt thôi. Chính những thách thức trong cuộc sống cho chúng ta thấy chúng ta thực sự muốn trở thành con người như thế nào.

MỘT CUỘC SỐNG CÓ GIÁ TRỊ

Phải mất một thời gian dài tôi mới nghiệm ra những lợi thế tiềm ẩn trong hoàn cảnh nghiệp ngã của mình. Mẹ tôi mang thai tôi, đưa con đầu lòng của bà, khi bà hai mươi lăm tuổi. Mẹ tôi vốn là một nữ hộ sinh, làm việc tại một phòng hộ sinh nơi bà chăm sóc cho hàng trăm bà mẹ và những đưa con sơ sinh của họ. Mẹ tôi biết phải làm gì khi bà mang thai, biết duy trì chế độ ăn uống hợp lý, rất thận trọng khi dung thuốc, không sử dụng đồ uống có cồn, không dùng aspirin hay bất cứ loại thuốc giảm đau nào. Bà tìm đến những bác sĩ giỏi nhất để khám thai định kỳ và các bác sĩ quả quyết rằng tất cả mọi thứ đều ổn cả.

Mặc dầu vậy mẹ tôi vẫn bị ám ảnh bởi cảm giác lo lắng. Khi ngày trở dạ đến gần, bà thỉnh thoảng lại chia sẻ với cha tôi những nỗi lo lắng của mình. Bà nói, “Em hy vọng mọi chuyện với con chúng ta đều ổn cả”.

Trong hai lần mẹ tôi đi siêu âm, các bác sĩ đều không phát hiện thấy bất cứ điều gì bất thường. Các bác sĩ nói với cha mẹ tôi rằng con đầu lòng của họ là con trai, nhưng tuyệt đối không nói gì về chứng khuyết thiếu chân tay! Khi tôi chào đời vào ngày 4 tháng 12 năm 1982, thoạt đầu mẹ không dược phép gặp tôi, và câu hỏi đầu tiên mẹ hỏi bác sĩ là: “Con tôi ổn chứ?”. Đáp lời là một sự im lặng. Mẹ tôi đếm từng giây để được nhìn thấy tôi. Đợi mãi không thấy người ta mang tôi đến, bà càng tin chắc có điều gì đó không ổn đã xảy ra. Thay vì mang tôi đến chó mẹ bế, họ mời một bác sĩ khi khoa tới và kéo nhau ra góc xa của căn phòng. Họ nhìn tôi rồi đưa mắt nhìn nhau. Khi mẹ tôi nghe thấy tiếng khóc oa oa của một đứa trẻ sơ sinh khoẻ mạnh cất lên, mẹ nhẹ cả người. Nhưng khi đó cha tôi, người cha mà trong lúc tôi chào đời đã để ý thấy con mình không có tay, cảm thấy choáng váng và người ta phải đưa ông ra khỏi phòng.

Nhìn thấy hình hài dị biệt của tôi, các bác sĩ và y tá không khỏi bàng hoàng, vội lấy khăn bọc tôi lại.

Nhưng mẹ tôi đâu ngốc. Nhìn vẻ mặt của các bác sĩ và y tá là mẹ tôi biết điều gì đó rất không bình thường đã xảy ra.

“Có chuyện gì vậy? Chuyện gì đã xảy ra với con tôi vậy?”

Mẹ hỏi.

Thoạt đầu bác sĩ không trả lời, nhưng mẹ tôi cứ khăng khăng hỏi dồn, ông ấy không còn cách nào khác hơn là trả lời mẹ bằng một thuật ngữ y khoa.

“Đứa bé bị chứng phocamelia”, ông ấy nói.

Vốn là một y tá, mẹ tôi biết thuật ngữ đó dung để chỉ tình trạng của những đứa trẻ sinh ra bị dị dạng hoặc thiếu mất các chi. Mẹ tôi không thể nào chấp nhận sự thật nghiệt ngã này.

Giữa lúc đó, người cha hốt hoảng của tôi ở bên ngoài phòng hộ sinh, tự hỏi những gì ông vừa nhìn thấy có phải là sự thật hay không. Khi bác sĩ nhi khoa đến nói chuyện, ông không kìm nén được, kêu lên đau đớn: “Con trai tôi, nó không có tay!”.

“Thực ra”, vị bác sĩ nói bằng giọng đầy cảm thông, “con trai anh không có cả tay lẫn chân”.

“Ông nói gì cơ?”. Cha không thể nào tin được.

Bàng hoàng và vô cùng đau khổ, cha ngồi như một pho tượng, không thể thốt ra được một lời nào cho đến khi bản năng che chở của một người chồng, một người cha trỗi dậy. Ông chạy vội vào phòng để nói với mẹ tôi trước khi mẹ nhìn thấy tôi, nhưng thật buồn, khi vào đến nơi cha thấy mẹ đang nằm thẫn thờ trên giường, khóc rưng rức trong đau khổ. Các nhân viên y tế đã nói cho mẹ tôi biết cái sự thật choáng váng đó. Họ đề nghị đưa tôi đến cho mẹ tôi bế, nhưng mẹ tôi từ chối. Trong những giây phút đau khổ đến xé lòng ấy, mẹ đã bảo họ hãy đưa tôi đi chỗ khác.

Mấy cô y tá không cầm nổi nước mắt. Bà đỡ bật khóc. Và tất nhiên tôi cũng khóc! Cuối cùng họ đặt tôi, dứa con tật nguyền đỏ hỏn được bọc trong những lớp khăn, xuống bên cạnh mẹ, và mẹ không thể nào chịu đựng nổi những gì bà đang thấy: Con trai bà, đưa con đầu lòng mà bà mang nặng đẻ đau, chào đời không có tay, không có chân.

“Hãy mang nó đi đi”, mẹ nói. “Tôi không muốn chạm vào nó, không muốn nhìn thấy nó”.

Cho đến tận ngày hôm nay cha tôi vẫn cảm thấy rất buồn vì hôm ấy các nhân viên ở phòng hộ sinh đã không cho cha có thời gian để chuẩn bị tinh thần cho mẹ, để mẹ có thể đối mặt với sự thật phũ phàng đó một cách tốt hơn. Một lúc sau, khi mẹ đã thiếp đi, cha đến thăm tôi ở phòng dành cho trể sơ sinh. Lúc quay lại, cha nói với mẹ: “Con trai của chúng ta kháu lắm”. Cha hỏi liệu bây giờ mẹ đã muốn gặp tôi chưa, nhưng mẹ tôi vẫn chối từ, vẫn một mực lắc đầu. Cha tôi hiểu và tôn trọng những cảm xúc của mẹ.

Ngày ấy nhiều người đã đặt câu hỏi:

Rồi đây Nick sẽ sống một cuộc đời như thế nào?

Thay vì mừng sự chào đời của tôi trong niềm vui, cha mẹ tôi và giáo đoàn than thở: “ Nếu Chúa là Đấng Sáng Tạo của tình yêu”, họ tự hỏi, “ thì tại sao Người lại để cho một chuyện như thế này xảy ra?”

NỖI ĐAU KHÔN CÙNG CỦA NGƯỜI MẸ

Tôi là đưa con đầu lòng. Sự kiện đưa con đầu lòng chào đời thường mang đến niềm vui cho bất cứ gia đình nào, ấy thế mà tôi sinh ra, tuyệt đối không một ai gửi hoa chúc mừng mẹ tôi. Điều đó càng làm tổn thương mẹ, và khiên mẹ tuyệt vọng hơn.

Nhìn cha bằng đôi mắt đẫm ướt, mẹ hỏi: “Em không đáng được nhận hoa sao?”.

“Anh xin lỗi”, cha tôi nói. “Đáng chứ, em đáng được nhận hoa lắm chứ”. Nói rồi ông vội tìm đến quầy bán hoa của bệnh viện và nhanh chóng trở về cùng với một bó hoa.

Tôi không hề biết những chuyện đó cho tới lúc mười bà tuổi, khi tôi bắt đầu hỏi cha mẹ về cái ngày tôi chào đời, về phản ứng đầu tiên của họ khi biết đứa con mới chào đời của mình không tay, không chân. Hôm ấy tôi đã có một ngày rất tồi tệ ở trường và khi kể chuyện trường lớp cho mẹ nghe, mẹ đã khóc cùng tôi. Tôi nói với mẹ rằng tôi chán vì không có tay có chân lắm rồi, rằng tôi buồn lắm. Mẹ chia sẻ với tôi những giọt lệ buồn tủi đó và nói cha mẹ hiểu rằng Chúa có một kế hoạch dành cho tôi và một ngày nào đó Người sẽ tiết lộ kế hoạch ấy. Tôi vẫn tiếp tục đặt ra những câu hỏi, hết lần này đến lần khác, lúc thì hỏi riêng cha hoặc mẹ, khi thì hỏi cả hai người. Tôi hỏi một phần là do tính tò mò, một phần là để phản ứng lại những câu hỏi dai dẳng, đeo bám mà tôi luôn phải cố gắng để ngăn chặn từ phía những đứa bạn học hiếu kỳ.

Thoạt đầu tôi cảm thấy hơi sợ trước những gì cha mẹ có thể sẽ kể cho tôi nghe, bởi vì tôi biết trong chuyện đó có một số điều họ cảm thấy khó có thể gợi lại, và tôi không muốn làm họ khó xử. Trong những cuộc trò chuyện ban đầu, cha mẹ tôi tỏ ra rất thận trọng và dè chừng khi trả lời các câu hỏi của tôi. Khi tôi lớn hơn, nhất quyết hỏi cho bằng được, họ đã kể cho tôi nghe cảm giác của họ và những nỗi sợ mà họ đã trải qua ngày đó bởi họ biết rằng tôi đã đủ lớn để đối mặt với những sự thật ấy. Tuy vậy, khi mẹ kể với tôi rằng sau khi tôi chào đời mẹ đã không muốn ôm tôi, tôi cảm thấy sự thật đó mới khó chấp nhận làm sao, ấy là tôi đã nói nhẹ đi về cảm giác của mình lúc ấy rồi đấy. Tôi đã đủ bất an và buồn khổ rồi, ấy thế mà tôi lại phải đối mặt với sự thật rằng chính mẹ đẻ của tôi còn không thể chịu đựng nổi việc nhìn thấy tôi, không muốn ôm tôi vào lòng… Ôi chao, bạn thử tưởng tượng xem bạn sẽ cảm thấy như thế nào nếu rơi vào hoàn cảnh đó. Tôi đau đớn, buồn tủi lắm. Tôi cảm thấy mình bị ruồng bỏ, nhưng rồi tôi nghĩ đến tất cả những gì cha mẹ đã làm cho mình bấy lâu nay. Trong chừng ấy năm cha mẹ đã luôn chứng tỏ tình yêu của họ dành cho tôi. Khi chúng tôi tâm sự với nhau về những ngày ấy, tôi đã đủ lớn để đặt mình vào vị trí của mẹ, để hiểu nỗi lòng của người. Ngoài những linh cảm ra, mẹ tôi không hề nhận được sự cảnh báo nào trong suốt thời gian mẹ mang thai. Vậy nên mẹ sốc và sợ hãi cũng là điều dễ hiểu. Nếu tôi là một người cha, một người mẹ, tôi sẽ phản ứng thế nào khi con mình sinh ra với hình hài dị biệt như thế, với khuyết tật nặng nề đến mức ấy? Tôi không dám chắc là tôi có thể đối mặt với sự thật tốt như họ. Tôi nói để họ biết cảm nhận đó của mình và qua thời gian, càng ngày tôi và cha mẹ càng có thể đi sâu hơn vào chi tiết, chia sẻ với nhau nhiều hơn về những chuyện trong quá khứ.

Tôi mừng vì chúng tôi đã đợi cho tới khi tôi đủ bình tâm, đã biết từ trong sâu thẳm trái tim rằng cha mẹ tôi yêu thương tôi. Chúng tôi tiếp tục chia sẻ những tâm tư, tình cảm, cảm xúc, nỗi sợ hãi, và cha mẹ đã giúp tôi cảm nhận được rằng đức tin của họ đã cho phép họ hiểu rằng tôi sinh ra là để phụng sự mục đích của Chúa. Tôi là một đứa trẻ luôn lạc quan và có lòng quyết tâm mãnh liệt. Các giáo viên của tôi, những phụ huynh khác và cả những người lạ thường nói với cha mẹ tôi rằng thái độ sống của tôi khích lệ họ trong cuộc sống. Về phần mình, tôi hiểu rằng những thách thức của cá nhân tôi vốn đã rất lớn, nhưng nhiều người trong cuộc đời này còn phải đối mặt với những thách thức lớn hơn, phải chịu đựng những gánh nặng ghê gớm hơn những gánh nặng của tôi.

Giờ đây trong những chuyến đi vòng quanh thế giới, tôi được tận mắt chứng kiến những phận người ở đáy cùng của sự khổ cực, những nỗi đau không thể nào diễn tả bằng lời, những nỗi đau khiến tôi cảm thấy biết ơn cuộc đời vì những gì tôi đang có và trở nên ít bận tâm đến những gì mình không có. Tôi đã thấy những đứa trẻ mồ côi mang trong mình căn bệnh khiến cơ thể các em bi biến dạng, bị tàn tật suốt đời. Tôi đã thấy những cô gái trẻ bị buộc phải trở thành nô lệ tình dục, phải sống trong tủi nhục ê chề. Tôi đã thấy những người đàn ông bị ngồi tù vì họ quá nghèo túng, không thể trả nổi những khoản nợ.

Đau khổ không phải là điều hiếm gặp trên thế gian này và những nỗi đau ập đến với con người thường thảm khốc vô cùng, nhưng ngay cả trong những khu ổ chuột tồi tàn nhất, giữa những thảm họa khủng khiếp nhất, tôi vẫn cảm thấy ấm lòng, cảm thấy phấn khởi khi tận mắt chứng kiến con người ta không chỉ sống sót được mà còn phát triển hướng tới tương lai tươi sáng hơn. Rõ ràng niềm vui không phải là điều mà tôi mong đợi sẽ tìm thấy ở một nơi được gọi là “Thành Phố Rác”, cái khu ổ chuột tồi tàn nhất ở ngoại ô Cairo của Ai Cập. Vùng phu cận Manchieyet Nasser, khu ổ chuột lớn nhất Ai Cập ấy, nằm nép mình trên những vách đá cao. Cái biệt danh xấu xí nhưng rất chính xác ấy cũng như tiếng tăm của cái cộng đồng dân cư rất đặc biệt này bắt nguồn từ thực tế rằng phần lớn trong số 50.000 dân sinh sống ở đó kiếm ăn qua ngày bằng việc sục sạo khắp Cairo, lôi rác thải từ khắp các ngõ ngách của thành phố về để tìm lấy tất cả những thứ hữu dụng. Mỗi ngày họ bới hàng đống đồ phế thải cao như núi mà 18 triệu dân của một thành phố đã quăng đi với hy vọng tìm thấy những thứ để bán, để tái chế, hoặc đem về dùng.

Giữa những con đường được viền hai bên bởi những đống rác, những chỗ quay nhốt lợn tạm bợ, những đống chất thải hôi thối, bạn trông đợi con người nơi đây vượt qua được nỗi thất vọng là may mắn lắm rồi; tuy nhiên, trong chuyến thăm khu ổ chuột này năm 2009, tôi chứng kiến điều hoàn toàn ngược lại. Dân cư nơi đây sống cuộc sống rất vất vả, chật vật, hẳn rồi, nhưng những người tôi gặp ở đó lại rất quan tâm đến người khác, và họ dường như khá hạnh phúc, tràn đầy niềm tin. Ai Cập có tới 90% dân số là người theo đạo Hồi. “Thành Phố Rác” là khu dân cư duy nhất có người Cơ Đốc giáo chiếm đa số. Gần 98% dân ở đây là người Cơ Đốc Ai Cập.

Tôi từng đến nhiều khu ổ chuột tồi tàn nhất trên thế giới. Đây là một trong những khu ổ chuột có điều kiện môi trường tồi tệ nhất, nhưng cũng là một trong những nơi con người sống chân tình nhất. Tôi và người dân ở đó, khoảng 150 người, chen chúc nhau trong một ngôi nhà xây bằng xi măng rất chật hẹp được sử dụng làm nhà thờ của giáo xứ. Khi tôi bắt đầu bài diễn thuyết của mình, tôi thực sự ấn tượng bởi niềm vui và hạnh phúc toát lên từ những ánh mắt, những khuôn mặt của khán giả. Họ tươi cười với tôi. Trong đời mình dường như hiếm khi tôi được hạnh phúc đến như vậy. Vừa kể cho họ nghe Chúa Jesus đã làm thay đổi cuộc đời tôi như thế nào, tôi vừa bày tỏ sự cảm kích trước những người dân đã biết vượt qua nghịch cảnh bằng đức tin vững chãi.

Tôi đã trò chuyện với các chức sắc nhà thờ ấy về việc khu dân cư này đã thay đổi như thế nào nhờ sức mạnh của Chúa. Niềm hy vọng của họ không đơn giản được đặt vào trái đất này mà được gửi gắm vào sự vĩnh hằng. Trong khi chờ đợi, họ sẽ tin vào những điều kỳ diệu và tạ ơn Chúa vì chính bản thân Người và vì những gì Người đã làm cho thế giới. Trước khi rời khỏi nơi này, chúng tôi trao tặng một số hộ gia đình gạo, trà và ít tiền đủ để họ mua gạo ăn trong tuần. Chúng tôi cũng phân phát một số dụng cụ thể thao, những quả bong đá và dây nhảy cho trẻ em. Các em lập tức mời mọi người chơi chung và giữa những đống rác bẩn thỉu đó, chúng tôi đã chơi bóng với nhau, cùng cười vui vẻ. Tôi sẽ không bao giờ quên những em nhỏ đó cũng như nụ cười của các em. Một lần nữa những gì tôi đã thấy ở khu ổ chuột ấy chứng minh cho tôi thấy rằng hạnh phúc có thể đến với chúng ta trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Làm thế nào những đứa trẻ sống trong cảnh túng quẫn ở cái khu ổ chuột tồi tàn đó vẫn có thể cười? Làm thế nào mà những người tù vẫn có thể cười? Làm thế nào mà những người tù vẫn có thể hát một cách vui vẻ? Họ vượt lên được hoàn cảnh của mình bằng cách chấp nhận rằng, ở đời có những sự việc nhất định nằm ngoài sự kiểm soát và tầm hiểu biết của họ; ý thức được điều đó họ hướng sự tập trung của mình vào những gì họ có thể hiểu và kiểm soát được. Cha mẹ tôi cũng hành động đúng như vậy. Họ hướng về phía trước bằng cách quyết định tin tưởng ở lời dạy của Chúa rằng “tất cả mọi việc đều diễn ra vì sự tốt đẹp của những người yêu kính Chúa, những người được kêu gọi theo mục đích của Người”.

MỘT GIA ĐÌNH GIÀU ĐỨC TIN

Cả cha và mẹ tôi đều sinh ra và lớn lên trong những gia đình theo Công giáo Chính thống ở Nam Tư, ngày nay là Serbia. Sau Thế chiến II, do tình hình chính trị ngột ngạt ở quê nhà, cả gia đình di cư đến Australia khi cha mẹ tôi còn nhỏ. Cùng thời gian này, nhiều người bà con của chúng tôi di cư sang Mỹ, Canada, vậy nên bây giờ tôi có khá nhiều họ hàng ở các nước đó.

Cha mẹ tôi gặp nhau tại một nhà thờ ở Melbourne. Ngày ấy mẹ tôi, Dushka, đang học năm thứ hai hệ dào tạo y tá tại Bệnh viện Nhi Hoàng gia Victoria. Cha tôi, Boris, đang làm công việc tại một văn phòng hành chính. Sau này cha tôi còn làm công việc truyền đạo tình nguyện. Khi tôi khoảng bảy tuổi, cha mẹ bắt đầu tính chuyện di cư sang Mỹ bởi họ hy vọng ở đó tôi sẽ có cơ hội tốt hơn để tiếp cận với kỹ thuật ghép chân tay giả cũng như các dịch vụ y tế tiên tiến giúp chúng tôi đương đầu với các khuyết tật của tôi.

Chú Batta Vujicic của tôi là một nhà quản lý xây dựng và bất động sản ở Agoura Hill gần Los Angeles. Chú ấy luôn bào rằng nếu cha tôi kiếm được thị thực làm việc thì chú ấy sẽ tạo công ăn việc làm cho cha ở bên đó. Los Angeles có một cộng đồng người Công giáo Serbia đông đảo và có vài nhà thờ dành cho giáo dân. Điều đó hấp dẫn cha mẹ tôi. Cha tôi tìm hiểu và biết được rằng để có được thị thực làm việc là cả một quá trình dài, rất mất thời gian. Tuy nhiên, ông vẫn quyết định xin cấp thị thực, nhưng trong khi chờ đợi, gia đình tôi chuyển tới Brisbane, thuộc bang Queensland, cách nơi ở cũ 1.000 dặm về phí Bắc, nơi khí hậu ôn hòa, có lợi cho sức khoẻ của tôi bởi vì ở chỗ cũ ngoài những khó khăn do khuyết tật của tôi gây ra, tôi còn thường bị dị ứng thời tiết.

Khi tôi sắp lên mười tuổi và đang học lớp bốn của bậc tiểu học, gia đình đã hội đủ điều kiện để chuyển đến Mỹ. Cha mẹ tôi cảm thấy rằng các em của tôi – em trai Aaron và em gái Michelle – và tôi đang ở độ tuổi thích hợp để hòa nhập vào hệ thống giáo dục Mỹ. Chúng tôi chờ đợi thêm mười tám tháng nữa ở Queensland trong khi người ta giải quyết cho cha tôi nhận thị thực làm việc với thời hạn ba năm, và thế là cuối cùng cả nhà tối dắt díu nhau sang Mỹ năm 1994.

Rủi thay, chuyến di cư đến California không được tốt đẹp như chúng tôi mong đợi vì một số lý do. Khi rời Australia, tôi đã bước vào lớp sáu. Trường mới của tôi Agoura Hills, thuộc ngoại vi Los Angeles, rất đông. Nhà trường chỉ có thể sắp xếp cho tôi vào những lớp học nâng cao, những lớp mà vốn đã đủ khó lại thêm trở ngại là chương tình học rất khác biệt so với những gì tôi đã trải qua ở Australia. Tôi vốn là một học sinh giỏi, nhưng thời kỳ đó đã phải chật vật để thích nghi với sự thay đổi. Vì lịch học quá khác biệt nên thực sự trong thời gian đầu học tại California tôi đã học sút. Tôi gặp khó khăn trong việc theo kịp chương trình học. Trường trung học phổ thông mà tôi vào học cũng đòi hỏi các học sinh phải chuyển lớp cho mỗi môn học. Điều này không giống ở Australia và nó tạo thêm những thách thức chất chồng cho quá trình thích nghi của tôi.

Chúng tôi chuyển đến sống với chú Batta và thím Rita, vợ của chú, cùng sáu đứa con của họ, tọa thành một đại gia đình đông đúc mặc dù họ có một ngôi nhà rộng ở Agoura Hills. Cha mẹ tôi có kế hoạch nhanh chóng chuyển ra ở riêng, nhưng giá thuê nhà ở Mỹ cao hơn ở Australia nhiều khiến chúng tôi không thể thực hiện điều đó sớm như dự định. Cha tôi làm việc cho công ty quản lý bất động sản của chú Batta. Mẹ tôi không tiếp tục công việc của một y tá được bởi sự ưu tiên hàng đầu của mẹ là giúp chúng tôi thích nghi với trường lớp mới và môi trường mới, và vì vậy bà không đi xin việc làm ở California.

Ba tháng sau khi chung sống với gia đình của chú Batta, cha mẹ tôi rút ra kết luận rằng, việc gia đình tôi chuyển đến Mỹ chẳng mang lại ích lợi gì. Tôi phải vật vã cố gắng ở trường học còn ba mẹ tôi thì vô cùng khó khăn trong việc lo bảo hiểm y tế cho tôi. Còn nữa, sống ở California chúng tôi phải xoay xở chật vật để đương đầu với giá cả sinh hoạt cao. Thêm vào đó là nỗi lo về khả năng chúng tôi có thể sẽ không bao giờ được cấp quy chế thường trú nhân ở Mỹ. Một luật sư tư vấn cho gia đình tôi rằng những thách thức về sức khoẻ của tôi có thể khiến cho việc xin cấp thị thực thường trú vĩnh viễn trở nên khó khăn hơn, bởi rất có thể sẽ nảy sinh những nghi ngờ về khả năng thanh toán chi phí y tế và các chi phí khác liên quan đến khuyết tật của tôi.

Với quá nhiều những yếu tố bất lợi đè nặng lên vai mình, chỉ sau bốn tháng sống trên đất Mỹ, cha mẹ tôi đã quyết định quay trở về Brisbane. Họ tìm được một ngôi nhà trong chính cái ngõ cụt nơi chúng tôi từng sống trước khi sang Mỹ và thế là tất cả ba anh em tôi lại có thể quay trở lại trường cũ, gặp lại bạn bè cũ. Cha tôi trở về dạy tin học và làm công việc quản lý tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Giáo dục chuyên sâu. Mẹ tôi dành trọn cuộc sống cho em trai, em gái tôi, và chủ yếu là cho tôi.

ĐỨA TRẺ TẬT NGUYỀN CỨNG CỎI

Lúc ấy cha mẹ tôi đã thẳng thắn trong việc chia sẻ với tôi nỗi sợ hãi và những cơn ác mộng đè nặng lên cuộc sống của họ sau khi tôi chào đời. Tất nhiên, khi tôi còn chưa thực sự trưởng thành, họ không để lộ ra rằng ngày ấy họ chưa cảm thấy tôi không phải là đưa con mà họ ao ước. Trong nhũng tháng sau khi tôi chào đời, mẹ luôn bị đe dọa bởi cảm giác lo sợ sẽ không đủ khả năng chăm sóc cho tôi, đứa con tật nguyền của mẹ. Cha tôi không nhìn thấy bất cứ một tương lai tươi sáng, hạnh phúc nào dành cho tôi ở phía trước. Còn nữa, ông lo lắng không biết mai này tôi sẽ sống một cuộc sống như thế nào đây. Ông nghĩ nếu tôi yếu ớt và không có khả năng trải nghiệm cuộc sống thì tốt hơn hết nên hầu việc Chúa. Họ tính đến các lựa chọn mà họ có thể có ở vào thời điểm đó, bao gồm cả khả năng gửi tôi cho người khác nuôi. Ông bà nội và ông bà ngoại của tôi đều sẵn lòng nhận chăm sóc và nuôi dưỡng tôi. Rốt cuộc, cha mẹ tôi đã từ chối lời đề nghị đó. Họ quyết định dứt khoát và họ cảm thấy rằng, là những người sinh thành ra tôi, họ phải có trách nhiệm nuôi nấng tôi một cách tốt nhất có thể.

Đau lòng lắm, nhưng rồi cha mẹ tôi bắt đầu quyết tâm nuôi đứa con trai tật nguyền của mình trở thành một người “bình thường” hết mức có thể. Họ là những người có đức tin mạnh mẽ và luôn nghĩ rằng Chúa chắc hẳn phải có lý do nào đó mới mang đến cho họ một đứa con trai như thế.

Có những vết thương mau lành hơn nếu bạn cứ tiếp tục vận động. Điều này cũng đúng đối với những thất bại trong cuộc đời. Có thể bạn bị mất việc làm. Có thể bạn đang buồn vì mối quan hệ chẳng thể tiến triển được. Có thể các hóa đơn thanh toán chất đống lên và bạn không có khả năng thanh toán. Đừng để cuộc sống của bạn dậm chân tại chỗ bởi vì nếu thế thì bạn chỉ chăm chăm nghĩ đến sự bất công của những nỗi đau dĩ vãng mà thôi. Thay vào đó, hãy tìm mọi cách để tiến lên phía trước. Có thể một công việc tốt hơn, thú vị hơn, khiến bạn toại nguyện hơn đang đợi bạn trong những ngày sắp tới. Có thể mối quan hệ của bạn cần một cú hích, hoặc có thể có ai đó tốt hơn dành cho bạn trong những ngày đang đến. Có lẽ những khó khăn về tài chính sẽ thôi thúc, khuyến khích bạn tìm ra những cách thức mới mẻ, sáng tạo hơn để tiết kiệm trong chi tiêu và làm giàu. Cái khó ló cái khôn.

Không phải lúc nào bạn cũng có thể kiểm soát được những gì xảy ra với mình. Có những sự cố xảy ra trong cuộc sống hoàn toàn không phải do lỗi của bạn, hoặc vượt ngoài khả năng ngăn chặn của bạn. Sự lựa chọn mà bạn có được là bỏ cuộc hoặc tiếp tục vượt lên hoàn cảnh vì một cuộc sống tốt đẹp hơn. Bạn nên biết rằng bất cứ điều gì xảy ra đều có lý do của nó và bao giờ cũng vậy, trong cái rủi luôn có cái may.

Khi còn nhỏ tôi cứ đinh ninh rằng mình là một đứa trẻ đáng yêu, có sức hấp dẫn tự nhiên và dễ thương như bất cứ đứa trẻ nào trên trái đất này. Sự ngờ nghệch mù quáng của tôi ở cái tuổi đó hóa ra lại là một diễm phúc. Tôi không biết rằng mình khác biệt so với bạn bè, cũng không ý thức được những khó khăn, thử thách đang đợi tôi ở phía trước. Bạn ạ, tôi không nghĩ rằng Đấng Tạo Hóa trao cho chúng ta những thách thức vượt quá khả năng của chúng ta. Tôi xin hứa với bạn rằng khi bạn phải chịu đựng một khuyết tật, bạn được ban cho những khả năng đủ để vượt qua thách thức ấy. Và còn hơn thế.

Chúa ban cho tôi lòng quyết tâm đáng kinh ngạc và những món quà khác nữa. Tôi sớm chứng minh được rằng dù không có tay, không có chân tôi vẫn có thể là một vận động viên thể thao, có khả năng phối hợp tốt. Tôi không có chân, không có tay nhưng vẫn là một cậu con trai hiếu động; một người thích chơi môn nhảy cầu mạo hiểm mà chẳng hề sợ là gì. Tôi học cách dựng người dậy bằng cách tì trán vào tường. Cha mẹ tôi giúp tôi luyện tập một thời gian dài để thực hiện động tác dựng người dậy theo cách đỡ đau đớn và vất vả hơn, nhưng tôi luôn tìm ra cách riêng của mình.

Mẹ tôi cố giúp tôi bằng cách đặt những tấm nệm trên sàn nhà để tôi có thể sử dụng chúng làm vật kê người để bật dậy, nhưng vì một lý do nào đó tôi đã quyết định rằng tốt hơn hết nên tì trán vào tường để vươn thẳng dậy từng tí một. Thực hiện các động tác theo cách riêng của mình, cho dù làm như vậy là rất khó khăn, đã trở thành một tính cách của tôi!

Sử dụng đầu là lựa chọn duy nhất của tôi trong giai đoạn đầu đời; sự dụng cái đầu nhiều giúp tôi phát triển được trí thông minh (tôi thường nói đùa như vậy!) và cũng làm cho cổ của tôi khỏe như cổ của một con bò đực và trán tôi rắn như thép. Cha mẹ tôi luôn lo lắng cho tôi, tất nhiên. Làm cha mẹ của những đứa con có cơ thể bình thường cũng đã đủ bỡ ngỡ và bối rối rồi. Những người mới làm cha làm mẹ lần đầu thường nói đùa rằng họ ước gì đứa con đầu lòng được sinh ra cùng với một cuốn cẩm nang hướng dẫn chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ. Ngay cả trong cuốn sách hướng dẫn cách chăm sóc trẻ nổi tiếng của Bác sĩ Spock cũng không có một chương nào đề cập đến cách chăm sóc và nuôi dưỡng những trẻ đặc biệt như tôi. Tuy nhiên, tôi cứ phát triển ngày một khỏe mạnh và cứng cỏi hơn như thế không có gì cản trở nổi. Tôi sắp sửa bước vào giai đoạn mà người ta gọi là “Tuổi lên hai kinh khủng”, càng khiến cho những nỗi khiếp sợ tiềm tang của cha mẹ tôi lên gấp năm, gấp mười lần.

Thằng bé sẽ tự ăn uống như thế nào? Nó đến trường bằng cách nào? Ngộ nhỡ chúng ta có mệnh hệ gì thì ai sẽ chăm sóc nó? Làm thế nào nó có thể sống tự lập được?

Khả năng lập luận của con người có thể là một diễm phúc hoặc là một phương thuốc. Giống chư cha mẹ tôi, bạn có thể cũng buồn phiền và lo lắng về tương lai. Dẫu vậy, thường thì điều mà bạn lo sợ hóa ra lại ít nghiêm trọng hơn bạn tưởng tượng nhiều. Lo xa và lập kế hoạch cho tương lại chẳng có gì sai cả, nhưng bạn nên biết rằng những nỗi lo sợ lớn nhất của bạn lại có thể dễ dàng chứng minh cho bạn thấy điều ngạc nhiên lớn nhất. Cuộc sống thường phát triển hướng tới sự tốt đẹp.

Một trong những điều ngạc nhiên lớn nhất trong thời thơ ấu của tôi là khả năng tôi điều khiển bàn chân trái bé xíu, dị dạng của mình. Theo bản năng, tôi sử dụng nó để điều khiển xe lăn, để đá, đẩy, và làm trụ chống cho cơ thể. Cha mẹ tôi và các bác sĩ cảm thấy rằng cái bàn chân nhỏ bé hữu ích ấy của tôi còn có thể sẽ được việc hơn nữa. Bàn chân tôi chỉ có hai ngón thôi. Nhưng từ khi lọt lòng mẹ, hai ngón chân ấy đã bị dính chặt vào nhau rồi. Cha mẹ tôi và các bác sĩ quyết định rằng nếu được phẫu thuật tách ngón thì có thể hai ngón chân đó sẽ cho phép tôi sử dụng chúng giống như những ngón tay để cầm bút, lật trang sách, hoặc thực hiện những động tác khác.

Khi ấy chúng tôi đang sống ở Melbourne, nơi có điều kiện chăm sóc y tế tốt nhất Australia. Trường hợp của tôi đặt ra những thách thức vượt ngoài kiến thức được đào tạo của ngay cả những chuyên gia chăm sóc sức khỏe giỏi nhất, giàu kinh nghiệm nhất. Khi các bác sĩ chuẩn bị tiến hành phẫu thuật bàn chân cho tôi, mẹ cứ liên tục nhấn mạnh với họ rằng tôi hầu như lúc nào cũng ở tình trạng thân nhiệt tăng cao và rằng họ phải đặc biệt chú ý đề phòng khả năng cơ thể tôi trở nên quá nóng. Mẹ tôi đã nghe nói về một đứa trẻ không có chân tay đã bị rơi vào tình trạng thân nhiệt tăng quá cao trong một cuộc phẫu thuật và đã phải chịu di chứng tổn thương não sau khi bị co giật.

Xu hướng thân nhiệt tăng cao xảy ra với tôi thường xuyên đến mức nó gợi cảm hứng cho gia đình tôi sáng tạo ra một câu châm ngôn được nhắc đi nhắc lại “Khi Nick lanh, những con vịt chắc chắn sẽ bị đóng băng”. Tuy nhiên quả thật nếu tôi tập thể dục quá nhiều, bị căng thẳng, hoặc ở lâu dưới những ngọn đèn tỏa nhiệt nhiều, thì nhiệt độ cơ thể của tôi sẽ tăng lên đến mức nguy hiểm. Tránh cho cơ thể mình khỏi bị tăng nhiệt quá mức là điều mà tôi luôn phải lưu ý.

“Xin các bác sĩ hãy kiểm tra thân nhiệt cho con tôi một cách cẩn thận nhé”, mẹ tôi van vỉ kíp phẫu thuật. Mặc dù các bác sĩ biết mẹ tôi là một y tá, họ vẫn không nghe lời khuyên của bà một cách nghiêm túc. Họ tiến hành cuộc phẫu thuật tách ngón chân cho tôi thành công, nhưng điều mà mẹ tôi ra sức cảnh báo đã bị họ bỏ qua. Tôi được đưa ra khỏi phòng mổ trong tình trạng người ướt đầm đìa bởi vì họ đã không thực hiện bất cứ biện pháp phòng ngừa nào để giữ cho cơ thể tôi không tăng nhiệt, nhưng rồi họ mau chóng nhận ra rằng thân nhiệt của tôi đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát và thế là họ cố làm mát cho tôi bằng những tấm khăn ướt. Họ cũng đặt những khay đá lạnh lên người tôi để tránh hiện tượng có giật.

Mẹ tôi phẫn nộ lắm. Khỏi phải nói, khi ấy cả kíp mổ đã được biết thế nào là cơn tam bành của Dushka!

Tuy nhiên, khi người tôi lạnh đi (thật đấy) chất lượng cuộc sống của tôi tăng lên ở mức đáng phấn khởi nhờ những ngón chân mới được giải phóng. Chúng không hoạt động đúng như các bác sĩ đã hy vọng, nhưng tôi tự thích nghi với chúng hay nói đúng hơn là khổ công rèn luyện để sử dụng chúng theo ý muốn của mình. Thật đáng ngạc nhiên là một bàn chân bé xíu với chỉ hai ngón chân thôi lại có thể giúp ích nhiều đến thế cho một gã không có cánh tay, không có cẳng chân như tôi. Cuộc phẫu thuật đó cùng những kỹ thuật mới đã giải phóng cho tôi bằng cách mang đến khả năng tôi điều khiển những chiếc xe lăn điện được chế tạo theo đơn đặt hàng riêng, cũng như cho phép tôi sử dụng máy tính và điện thoại di động.

Tôi không thể biết một cách chính xác gánh nặng của bạn là gì, cũng không thể giả vờ rằng tôi đã từng trải qua một cuộc khủng hoảng tương tự như cuộc khủng hoảng mà bạn đang trải qua, nhưng bạn hãy nghĩ đến những gì cha mẹ tôi đã trải qua khi tôi chào đời. Hãy tưởng tượng khi ấy họ cảm thấy như thế nào, đã đau khổ và hoang mang ra sao. Hãy thử nghĩ xem khi ấy tương lai mà họ mường tưởng ra ảm đạm biết nhường nào.

Có thể ngay lúc này đây bạn không thể nhìn thấy chút ánh sáng le lói nào ở phía cuối đường hầm tối, nhưng bạn nên biết rằng cha mẹ tôi ngày ấy không thể nào tưởng tượng được rằng một ngày nào đó tội lại có được một cuộc sống tuyệt vời như hôm nay. Họ không thể đoán trước được rằng một ngày nào đó con trai của họ không những có thể sống tự lập, tự chủ, có thể phát triển được sự nghiệp của mình mà còn có được một cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc, tràn đầy mục đích sống tươi đẹp!

Hầu hết những điều mà cha mẹ tôi ngày ấy lo sợ nhất đã không bao giờ thực sự xảy ra. Quá trình nuôi nấng, chăm sóc tôi nào có dễ dàng gì; nhưng tôi nghĩ họ sẽ nói với bạn rằng trong tất cả mọi thách thức, chúng ta vẫn có được không ít những tiếng cười và niềm vui. Nói chung, tôi đã có một tuổi thơ bình thường một cách đáng ngạc nhiên, và trong suốt thời thơ ấu của mình tối khoái chí với những trò trêu chọc em trai Aaron và em gái Michelle của tôi như tất cả mọi ông anh cả trên thế giới này.

Cuộc sống có thể đang nghiệt ngã với bạn vào lúc này. Có thể bạn tự hỏi không biết liệu số phận mình có được cải thiện hay không. Tôi xin nói với bạn rằng bạn thậm chí không thể hình dung nổi nhũng điều tốt đẹp đang chờ bạn phía trước nếu như bạn kiên quyết không đầu hàng. Hãy tiếp tục theo đuổi những khát vọng. Hãy làm tất cả những gì có thể để nuôi dưỡng những khát vọng đó. Bạn có đủ sức mạnh để thay đổi hoàn cảnh. Hãy theo đuổi bất cứ điều gì bạn khao khát.

Đời tôi là một cuộc phiêu lưu vẫn đang tiếp tục sang những trang mới – và cuộc đời của bạn cũng vậy. Bạn hãy bắt tay vào viết trang đầu tiên của cuộc hành trình! Hãy làm cho hành trình đó tràn ngập những khám phá mới mẻ. tràn ngập tình yêu và hạnh phúc, hãy sống hết mình với hành trình khám phá đó!

TÌM KIẾM Ý NGHĨA CUỘC SỐNG

Phải thú thực rằng trong một thời gian dài tôi đã không tin mình có bất kỳ năng lực nào để kiểm soát diễn tiến của cuộc đời mình. Tôi đã rang sức để tìm hiểu xem mình có ý nghĩa gì trong thế giới này hoặc con đường nào mình nên đi. Khi còn chưa thực sự trưởng thành, tôi tin rằng với hình hài dị biệt như thế thì chẳng có điều gì tốt đẹp chờ đợi tôi hết. Vâng, tôi chẳng bao giờ phải đứng dậy khỏi bàn ăn bởi vì tôi không đi rửa tay như mọi người, và tôi không bao giờ biết đến cảm giác đau đớn do ngón chân bị xước; nhưng vài cái lợi nho nhỏ đó dường như chẳng an ủi tôi được là bao.

Em trai và em gái tôi, cũng như những đưa em họ của tôi không bao giờ nương nhẹ với tôi. Chúng chấp nhận tôi như tôi vốn có , tuy nhiên chúng cũng làm cho tôi trở nên cứng rắn quá lời trêu chọc và những trò đùa tinh quái, những trò mà chúng bày ra để khiến tôi vui vẻ thay vì cảm thấy cay đắng về hoàn cảnh của mình.

“Hãy nhìn thằng bé ngồi trên xe lăn kia mà xem! Nó là người ngoài hành tinh đấy”, các em họ của tôi thường chỉ vào tôi và kêu toáng lên như thế trong khu mua sắm. Tất cả chúng tôi cùng cười như điên trước phản ứng rất buồn cười của những người lạ, vốn không biết rằng mấy đứa đang trêu chọc tôi thực ra lại là những đồng minh tốt nhất của tôi.

Càng lớn tôi càng hiểu rõ rằng, được yêu thương như thế là món quà có sức mạnh lớn lao. Dù có lúc bạn cảm thấy cô đơn, bạn nên biết rằng bạn cũng được yêu thương như những người khác và bạn nên công nhận rằng Chúa tạo ra bạn bằng tình yêu, và tạo ra bạn để bạn được yêu thương. Bởi vậy, bạn không bao giờ cô đơn đâu. Tình yêu của Người dành cho bạn là vô điều kiện. Người không yêu bạn vì điều này, điều kiện nọ. Người luôn yêu thương bạn. Hãy luôn nhắc mình nhớ điều đó mỗi khi những cảm giác cô đơn, thất vọng lấn át bạn. Những cảm giác đó không thực, nhưng tình yêu của Chúa thì thực đến mức Người tạo ra bạn để chứng minh điều đó.

Hãy luôn giữ tình yêu của Người trong tim bạn bởi vì trên đường đời sẽ có những lúc bạn cảm thấy mình bị tổn thương. Gia đình lớn của tôi không thể lúc nào cũng ở bên tôi để che chở cho tôi được. Một khi tôi đã bước chân đến trường là chẳng thể giấu đi đâu được cái sự thật rằng tôi rất khác biệt so với người khác. Cha tôi quả quyết với tôi rằng Chúa không hề sai lầm, nhưng nhiều lúc tôi không thể rũ bỏ được cái cảm giác rằng tôi là ngoại lệ nằm ngoài quy luật đó.

“Tại sao Người không thể cho con dù chỉ một cánh tay thôi!”, tôi thường hỏi Chúa.

“Hãy thử tưởng tượng những gì con có thể làm nếu con có một cánh tay mà xem!”.

Tôi tin chắc rằng bạn cũng từng trải qua những lúc như thế, cũng từng cầu nguyền hoặc đơn giản ao ước một sự thay đổi kỳ diệu nào đó xảy ra trong cuộc sống của bạn. Không có lý do gì để lo sợ nếu điều kỳ diệu của bạn không xảy ra, cũng chẳng phải sợ hãi nếu ước muốn của bạn không thành hiện thực ngay tức thì. Hãy nhớ rằng Chúa luôn giúp những người biết tự cứu mình. Bạn có tiếp tục phấn đấu để phục vụ mục đích cao nhất vì tài năng và những ước mơ của bạn trong thế giới xung quanh bạn hay không, điều đó phụ thuộc vào bạn.

Trong một thời gian dài đến khó tin tôi đã nghĩ rằng, nếu cơ thể tôi “bình thường” hơn thì cuộc sống của tôi sẽ dễ dàng biết bao. Điều mà tôi không hiểu là tôi không nhất thiết cứ phải là người bình thường, tôi chỉ cần là chính tôi, đứa con của Đấng Sáng Tạo, người thực hiện kế hoạch của Chúa. Ban đầu tôi không sẵn sang đối mặt với sự thật rằng điều thực sự tồi tệ không phải là những khiếm khuyết về thân thể của tôi, mà là những giới hạn mà tôi tự đặt ra cho mình và tâm nhìn hạn hẹp về các khả năng có thế xảy ra trong cuộc sống.

Nếu bạn không được vị trí mà bạn mong muốn hoặc không đạt được những gì bạn hy vọng đạt được, thì nhiều khả năng lý do không nằm ở xung quanh bạn, không nằm ở bên ngoài bạn mà ở trong chính bản thân bạn. Hãy nhìn nhận trách nhiệm một cách sáng suốt và sau đó hãy hành động. Tuy nhiên, trước hết bạn phải tin tưởng vào bản thân mình và giá trị của mình. Bạn không thể ngồi đó đợi người khác phát hiện ra cơ may giúp bạn. Bạn không thể ngồi yên chờ đợi điều kỳ diệu xảy ra hoặc chờ đợi “cơ hội thích hợp”. Bạn nên coi mình là chiếc đũa và thế giới là nồi thịt hầm của bạn. Hãy khuấy nó lên.

Ngày còn nhỏ, biết bao đêm tôi đã thức để nguyện cầu cho mình có được đầy đủ tay chân. Có nhiều đêm tôi đi vào giấc ngủ trong tiếng khóc thổn thức và mơ rằng khi thức dậy tôi sẽ thấy mình tự nhiên có chân có tay. Tất nhiên, điều đó không bao giờ xảy ra. Và cũng bởi vậy chính tôi còn không chấp nhận bản thân mình như vậy nên khi đến trường, tôi khó có thể trông đợi sự chấp nhận từ người khác.

Giống như hầu hết những đứa trẻ khác, tôi dễ bị tổn thương hơn trong giai đoạn sắp sửa bước vào tuổi dậy thì; cái giai đoạn tất cả mọi người đều cố gắng xác định vị trí của mình ở đâu, mình là ai, và những gì đang đợi mình ở tương lai. Thông thường, những đứa trẻ làm tôi tổn thương vốn không phải là kẻ tàn nhẫn mà chỉ là chúng quá nghịch ngợm thôi.

“Tại sao cậu không có chân tay?”. Những đứa ấy hỏi.

Khao khát được hòa nhập của tôi cũng giống như khao khát được hòa nhập của bất cứ học sinh nào. Vào những ngày tâm trạng vui vẻ, tôi chiến thắng những đứa trêu chọc bằng sự hóm hỉnh, và tự nguyện làm trò cười cho chúng bằng cách lăn xe quanh sân trường. Vào những ngày chán nản, tôi giấu mình sau bụi cây hoặc trong những phòng học trống để khỏi bị bọn chúng chế nhạo. Một phần của vấn đề là tôi vốn dành nhiều thời gian ở với những người lớn và những anh chị họ lớn tuổi hơn là với bọn trẻ cùng trang lứa. Tôi có một cách nhìn già dặn hơn và những ý nghĩ nghiêm túc xuất hiện trong đầu tôi khi đẩy tôi vào tình trạng buồn tủi.

Mình sẽ không bao giờ chinh phục được một cô gái. Minh thậm chí không có tay để ôm bạn gái. Nếu có con, mình sẽ không bao giờ có thể ôm chúng. Rồi đây làm thế nào mình có thể kiếm nổi việc làm? Ai người ta chịu thuê mình chứ? Bởi vì nếu giao việc cho mình thì người ta lại phải thuê người thứ hai để trợ giúp mình hoàn toàn cái công việc mà đáng ra mình phải tự giải quyết được. Ai chịu thuê một người như mình để rồi phải trả công cho hai người?

Những thách thức phần lớn thuộc về thể xác, nhưng rõ rang chúng đã ảnh hưởng đến tinh thần của tôi. Thuở ấu thơ tôi đã trải qua một giai đoạn trầm cảm rất đáng sợ. Thế rồi, thật đáng kinh ngạc và may mắn, tôi đã bước vào tuổi mới lớn và dần tìm được sự chấp nhận, trước hết là sự chấp nhận từ chính bản thân tôi, sau đó là từ người khác.

Trong đời mình ai cũng từng có những lúc cảm thấy mình bị gạt ra ngoài, bị ghẻ lạnh, xa lánh, không được yêu thương. Tất cả chúng ta đều có những lúc cảm thấy chênh vênh. Hầu như đứa trẻ nào cũng sợ bị chế giễu bởi vì chúng có cái mũi to, hay vì mái tóc xoăn tít. Những người trưởng thành thì sợ không thanh toán nổi hóa đơn, hoặc sợ không đạt được những kỳ vọng trong cuộc sống.

Bạn sẽ phải đối mặt với những khoảnh khắc của sự hoài nghi và sợ hãi, chắc chắn rồi. Chúng ta ai cũng vậy thôi, đều phải đương đầu với những lúc như thế. Đôi lúc bạn cảm thấy chán nản, thất vọng cũng là lẽ tự nhiên: đó là một phần của con người thực sự. Những cảm giác đó chỉ gây nguy hai khi bạn cho phép những ý nghĩ tiêu cực đeo bám bạn thay vì trải nghiệm chúng và cố gắng loại bỏ chúng.

Khi bạn tin rằng mình có những diễm phúc – tài năng, sự hiểu biết, tình yêu – để chia sẻ với người khác, bạn sẽ bắt đầu hành trình chấp nhận bản thân mình, cho dù những diễm phúc của bạn chưa thực sự rõ ràng. Khi bạn bắt đầu hành trình đó, những người khác sẽ tìm thấy bạn và sánh bước cùng bạn.

TIẾNG NÓI CỦA TÌNH YÊU CUỘC SỐNG

Tôi phát hiện ra con đường dẫn đến mục đích sống của mình trong lúc tôi cố tìm đến với các bạn cùng học để tâm sự. Nếu bạn từng ở vào vị trí của một đứa trẻ đơn độc, thường lủi thủi ăn trưa một mình ở trường, thì bạn chắc hẳn hiểu được rằng làm một đứa trẻ đơn độc ngồi xe lăn còn khó khăn hơn gấp nhiều lần. Những lần gia đình tôi chuyển từ Melbourne đến Brisbane, đến Mỹ rồi lại quay về Brisbane khiến tôi vốn đã phải đương đầu với rất nhiều thách thức lại tiếp tục điều chỉnh để thích ứng với môi trường mới.

Những người bạn học mới thường cho rằng tôi vừa bị khiếm khuyết về thân thể lại vừa bị khuyết tật về tâm thần. Chúng thường xa lánh tôi trừ khi tôi lấy hết can đảm để bắt chuyện với chúng ở trong phòng ăn hoặc ngoài hành lang. Tôi càng làm thế các bạn học càng dễ chấp nhận rằng tôi thực sự không phải là một người ngoài hành tinh bỗng dưng xuất hiện.

Bạn biết đấy, đôi khi Chúa mong đợi bạn tự cởi bỏ những gánh nặng. Bạn có thể ao ước. Bạn có thể mơ ước. Bạn có thể hy vọng. Nhưng bạn cũng phải hành động theo những ao ước, những ước mơ và hy vọng đó. Bạn phải nỗ lực vượt ra khỏi vị trí hiện tại của mình để vươn tơi vị trí mà bạn khao khát. Tôi muốn tất cả mọi người ở trường học biết rằng tôi cũng có tâm hồn, có trái tim, và thế giới nội tâm giống như họ, nhưng tôi phải nỗ lực đấu tanh, phấn đấu để đạt được mong muốn đó chứ không chỉ ngồi yên mà ao ước. Tìm đến bạn bè để chia sẻ nỗi niềm với họ trong lúc khó khăn thường mang lại cho chúng ta những phần thưởng đáng kinh ngạc.

Nick thường được mời đến diễn thuyết ở các trường học trên thế giới

– và thường là những lần đó không đủ chỗ cho khán giả

Nhờ tâm sự với các bạn học để chia sẻ kinh nghiệm đương đầu với một thế giới của những người có chân có tay mà tôi đã nhận được lời mời đi nói chuyện với học sinh,

trẻ em ở nhà thờ và các tổ chức thanh thiếu niên khác. Có một sự thật tuyệt vời và tối quan trọng trong cuộc sống mà thật lạ là ở trường chúng ta lại không được dạy. Sự thật tối quan trọng đó là: Mỗi chúng ta đều được Chúa ban cho một món quà nào đó; một tài năng, một kỹ năng, một mẹo, một sở trường mang lại cho chúng ta sự thích thú, cuốn hút chúng ta, và con đường dẫn đến hạnh phúc của bạn thường nằm trong món quà đó.

Nếu bạn vẫn còn tìm kiếm, vẫn còn cố gắng xác định mình đang ở đâu và điều gì đáp ứng được lòng mong muốn của bạn thì tôi khuyên bạn nên thực hiện một cuộc tự đánh giá bản thân: Hãy ngồi xuống dung một cây bút và một trang giấu hoặc sự dụng máy tính để lập một danh sách gồm những hoạt động mà bạn ưu thích. Bạn thấy mình có hứng thú thực hiện những việc gì? Việc gì cả thời gian, không gian, và muốn thực hiện đi thực hiện hiện lại? Điều mà người khác thấy ở bạn là gì? Họ có khen ngợi tài tổ chức của bạn hoặc các kỹ năng phân tích của bạn không? Nếu bạn không thực sự biết chắc chắn người khác nhìn thấy gì ở bạn, thì bạn hãy hỏi gia đình và bạn bè xem họ nghĩ bạn có thể thực hiện tốt nhất việc gì.

Đó là những đầu mối để tìm ra con đường của cuộc đời bạn, một con đường tồn tại một cách bí mật ở trong chính con người bạn. Tất cả chúng ra khi sinh ra trên cõi đời này đều thơ ngây và đầu hứa hẹn. Trong con người chúng ta chứa đựng những món quà đang chờ được mở. Khi tìm thấy việc gì đó cuốn hút đến mức bạn thực hiện nó một cách tự nguyện mỗi ngày và mọi ngày, thì bạn đã đi đúng hướng rồi dấy. Khi tìm được người nào đó sẵn sàng trả công cho bạn vì việc đó thì bạn đã có một sự nghiệp rồi đấy.

Ban đầu những cuộc nói chuyện thân mật giữa tôi và các bạn trẻ khác chỉ là cách để tôi đến với họ, để chứng mình rằng tôi cũng giống họ. Tôi được hướng vào nội tâm, cảm thấy biết ơn vì có cơ hội để chia sẻ thế giới của mình và được kết nối với mọi người. Tôi biết việc nói chuyện như thế có ích lợi gì cho bản thân mình, nhưng phải mất một thời gian tôi mới hiểu được rằng những điều tôi nói phải có tác động tích cực đến người khác.

HƯỚNG ĐI NÀO DÀNH CHO TÔI

Một hôm tôi được mời đến nói chuyện trước khoảng 300 học sinh đang ở tuổi mới lớn, đó có lẽ là lượng khan giả lớn nhất mà tôi từng có. Tôi chia sẻ với họ những cảm xúc và niềm tin khi một điều gì đó tuyệt vời xảy đến. Thỉnh thoảng học sinh và giáo viên rơi lệ khi nghe tôi kể về những thách thức mà tôi phải đương đầu trong cuộc sống. Trong buổi nói chuyện đặc biệt đó, một nữ sinh bỗng nhiên bật khóc nức nở. Tôi không biết chắc điều gì đã xảy ra với cô bé – có lẽ tôi đã gợi lại một ký ức đau buồn nào đó trong có. Tôi rất ngạc nhiên khi cô bé lấy hết can đảm giơ tay xin phát biểu ý kiến mặc dù lúc đó vẻ mặt cô trông rất buồn và đầm đìa nước mắt. Một cách bạo dạn, cô hỏi rằng liệu cô có thể lên chỗ tôi và ôm tôi một cái được không. Ôi chao! Tôi bối rối quá.

Tôi mời cô bé lên chỗ tôi. Cô vừa bước lên vừa đưa tay lau nước mắt. Cô ôm tôi thật chặt, một trong những cái ôm đang nhớ nhất trong đời tôi. Lúc ấy gần như mọi người trong phòng đều rơi lệ, tôi cũng vậy. Nhưng tôi hoàn toàn bất ngờ khi cô thì thầm vào tai tôi:

“Từ trước đến giờ không một ai nói tôi rằng tôi đẹp. Không một ai từng nói với tôi rằng họ yêu tôi. Bạn đã làm thay đổi cuộc đời tôi. Bạn cũng là một người đẹp.”

Trước đó tôi vẫn luôn đặt câu hỏi về giá trị của bản thân. Tôi cứ nghĩ mình chỉ là một người thực hiện những buổi nói chuyện không mấy quan trọng như một cách để tìm đến với bạn bè đồng trang lứa. Trước hết cô bé nói rằng tôi “đẹp” (điều này nào có hại gì đâu), nhưng hơn bất cứ điều gì khác, cô bé ấy đã cho tôi một ý niệm xa xôi mà chân thực đầu tiên rằng, hoạt động diễn thuyết của tôi có thể giúp ích cho người khác: Cô bé đã làm thay đổi thế giới quan của tôi – Có lẽ tôi thực sự có điều gì đó để đóng góp cho người khác, cho cuộc đời này,tôi nghĩ.

Nhờ những trải nghiệm như thế mà tôi hiểu được rằng làm một người “khác biệt” có thể giúp tôi đóng góp được điều gì đó đặc biệt cho cuộc đời. Tôi khám phá ra rằng mọi người tự nguyện và háo hức nghe tôi nói chuyện bởi vì chỉ cần nhìn tôi thì họ cũng biết tôi đã đối mặt và vượt qua vô vàn khó khăn. Tôi được tín nhiệm và được tin cậy. Băng trực giác, mọi người cảm thấy rằng tôi có thể nói những điều giúp họ vượt qua được khó khăn, thử thách của chính họ.

Chúa đã sử dụng tôi, thông qua tôi để đến với mọi người ở nhiều trường học, nhà thờ, nhà tù, các trại trẻ mồ côi, bệnh viện, sân vận động và nơi hội họp. Và còn hơn thế nữa. Tôi đã ôm hôn hàng nghìn người trong những cuộc gặp gỡ trực tiếp, những cuộc gặp cho phép tôi nói cho thích giả của mình biết họ quý giá biết nhường nào. Khẳng định với họ Chúa có kế hoạch dành cho cuộc sống của họ cũng là một niềm vui của tôi. Chúa chấp nhận cơ thể bất bình thường của tôi và đầu tư cho tôi khả năng khích lệ tinh thần, nâng bổng những trái tim; như Người đã nói trong Kinh Thánh: “Bởi vì ta biết các kế hoạch ta có cho các con… các kế hoạch giúp cho các con phát triển và không gây hại cho các con, các kế hoạch mang đến cho các con tương lai và hy vọng”.

CUỐI ĐƯỜNG HẦM SINH RA ĐIỀU KỲ DIỆU

Không nghi ngờ gì, cuộc sống có thể rất khắc nghiệt. Đôi khi đổ vỡ chất chồng đến mức bạn cảm thấy không có lối thoát. Có thể hiểu điều đó, nhưng có lẽ bạn vẫn không tin rằng thậm chí trong hoàn cảnh tuyệt vọng nhất điều kỳ diệu cũng có thể xảy ra.

Bạn và tôi có tầm nhìn bị hạn chế và đó là một thực tế nguy hại. Có lẽ chúng ta không thể nhìn thấy những gì nằm ở phía trước. Cả điều xấu lẫn điều tốt. Tôi muốn khích lệ bạn bằng cách khẳng định rằng những gì đang đợi bạn ở phía trước có thể tốt hơn rất nhiều so với những gì bạn nghĩ. Hãy vượt lên khó khăn, hãy hành động và tỏ rõ quyết định!

Cuộc sống hiện có thể đang tốt đẹp, song bạn vẫn muốn làm cho nó trở nên tốt đẹp hơn; hoặc cuộc sống tồi tề đến mức bạn chỉ muốn nằm trên giường chìm đắm trong buồn nản, thì từ phút này trở đi những gì xảy ra đều tùy thuộc vào bạn và Đấng Sáng Tạo của bạn. Quả thực, bạn không thể kiểm soát được tất cả mọi chuyện. Thường thì những điều tồi tệ vẫn xảy đến với chung ta cho dù chúng ta tốt đến mức nào. Bạn không được hưởng một cuộc sống êm đềm, điều đó có thể không công bằng; nhưng nếu đó là thực tế của bạn, thì chính bạn phải nỗ lực phấn đấu để cải thiện.

Bạn có thể vấp ngã. Người khác có thể nghi ngờ khả năng của bạn. Khi tôi tập trung vào công việc diễn thuyết như đó là con đường sự nghiệp, ngay cả cha mẹ tôi cũng nghi ngờ quyết định của tôi.

“Con không nghĩ rằng làm kế toán, công việc mà con tự làm một mình được ấy, sẽ thích hợp hơn với hoàn cảnh của con và có thể mang đến cho con một tương lai tốt hơn sao?”, cha tôi hỏi.

Vâng, trong số hầu hết các viễn cảnh mà tôi có thể có, nghề kế toán có vẻ như thích hợp bởi tôi có năng khiếu làm tính siêu tốc. Tuy nhiên từ khi còn nhỏ tôi đã ấp ủ đam mê chia sẻ niềm tin và hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn với mọi người. Khi bạn tìm được mục đích sống thật sự, bạn sẽ có đam mê. Bạn sẽ sống để theo đuổi nó.

Nếu bạn vẫn đang tìm con đường riêng của mình, thì bạn nên biết rằng đôi khi cảm thấy thất vọng một chút cũng tốt. Đó là một cuộc đua đường dài, không phải đua nước rút. Bạn khát khao có thêm ý nghĩa của cuộc sống là một dấu hiệu cho thấy bạn đang trưởng thành, đang vượt ra khỏi những giới hạn, đang phát triển tài năng. Việc xác định xem bạn đang ở đâu và liệu những hành động, các mối ưu tiên của bạn có đang phục vụ mục đích cao nhất của bạn hay không là một việc lành mạnh.

NIỀM TIN SOI SÁNG CON ĐƯỜNG

Vào tuổi mười lăm tôi bắt đầu biết tin ở Chúa. Tôi cầu xin ở Người sự rộng lượng và cầu xin Người chỉ cho tôi một hướng đi. Tôi cầu xin Người soi sáng con đường dẫn tôi tới mục đích sống. Bốn năm sau đó, sau khi được làm lễ rửa tội lần nữa, tôi bắt đầu chia sẻ đức tin của mình với người khác thông qua các buổi nói chuyện và biết rằng tôi đã tìm ra hướng đi. Sự nghiệp của một diễn giả và một người truyền giáo mà tôi có đã phát triển thành sứ mệnh của một mục sư hoạt động trên khắp thế giới này; và chỉ mới vài năm trước thôi, thật không thể đoán trước được, một điều kỳ diệu đã xảy ra nâng bổng trái tim tôi và giúp khẳng định rằng tôi đã chọn được con đường đúng.

Sáng chủ nhật hôm ấy, khi đi xe lăn tới một nhà thờ ở California để nói chuyện với giáo dân, tôi không thấy điều gì bất thường cả. Khác với những lần diễn thuyết xa xôi, buổi nói chuyện này diễn ra ở gần nhà tôi, Nhà thờ Knott Avenue ở Anaheim ngay ở dưới phố, rất gần nơi tôi sống.

Khi nghi thức hành lễ bắt đầu, tôi vào nhà thờ bằng xe lăn trong khi đội hợp xướng hát khúc thánh ca mở đầu. Tôi đến ngồi trên một chiếc ghế băng ở hàng đầu và nhẩm lại bài diễn thuyết mà tôi sắp thực hiện giữa một giáo đường kín người. Đó là lần đầu tiên tôi nói chuyện với giáo dân tại nhà thờ Knott Avenue và tôi không trông đợi họ biết nhiều về tôi, vậy nên tôi rất ngạc nhiên khi nghe thấy ai đó cất tiếng gọi rất ro, át cả tiếng hát trong nhà thờ: ”Nick! Nick!”.

Tôi không nhận ra ai đang gọi mình, thậm chí còn không tin rằng tôi chính là “Nick” mà người đó đang gọi. Nhưng khi quay đầu lại nhìn, tôi thấy một người đàn ông lớn tuổi đang giơ tay vẫy.

“Nick! Tới đây!”, ông ấy lại gọi to.

Khi tôi nhìn thấy ông, ông chỉ tay vào một người trẻ tuổi hơn đang bế một đứa bé bên cạnh. Nhà thờ lúc ấy đông đến nỗi thoạt đầu tôi chỉ có thể nhìn thấy ánh mắt lấp lánh của đứa trẻ mà người đàn ông kia bế trên tay, một mái tóc nâu óng và nụ cười của một đứa trẻ đang thay răng.

Rồi người đàn ông đang bế đứa bé đó nâng đứa nhỏ lên cao hơn giữa đám đông để tôi có thể thấy nó rõ hơn. Hình ảnh đầy đủ về đứa bé khiến cảm xúc dâng trào trong tôi một cách mạnh mẽ đến mức nếu tôi có chân thì hai đầu gối của tôi chắc hẳn đã khuỵu xuống.

Đứa bé có đôi mắt sáng ấy giống như tôi. Không có tay. Không có chân. Nó thậm chí cũng có cái mẩu bán chân trái bé tẹo giống y như bàn chân của tôi nữa. Tôi hiểu tại

sao hai người đàn ông ấy lại háo hức muốn cho tôi nhìn thấy đứa bé đến thế. Sau đó tôi được biết đứa bé tên là Daniel Martinez, con trai của Chris và Patty.

Khi ấy tôi đang sắp sửa bắt đầu bài diễn thuyết, nhưng nhìn thấy Daniel – thấy hình ảnh của chính mình – những cảm xúc cứ cuộn trào khiến tôi không thể nào tập trung suy nghĩ được. Trong những giây phút đầu tiên nhìn thấy đứa trẻ ấy, tôi cảm thấy một niềm cảm thông sâu sắc dành cho bé và gia đình em. Nhưng sau đó, ký ức nhức nhối cùng cảm xúc đau thương bùng nổ khi tôi nhớ lại một cách rõ ràng mình đã cảm thấy như thế nào ở cái tuổi của bé, và tôi hiểu rằng chắc hẳn Daniel cũng đang trải qua những gì mà tôi đã từng.

Mình biết đứa trẻ đó cảm thấy như thế nào, tôi nghĩ. Mình từng trải qua những điều mà nó sẽ trải nghiệm. Nhìn Daniel, tôi cảm thấy một mối dây kết nối tinh thân kỳ lạ cùng sự cảm thông vô bờ bến. Cảm giác bất an, buồn nản, cô đơn của những ngày xưa lại ào về, khiến tôi nghẹn ngào. Tôi cảm thấy như thể mình đang bị nướng dưới những ngọn nến sân khấu nóng rực. Tôi bị choáng váng. Đó không phải là cơn hoảng sợ; hình ảnh của đứa bé ở trước mặt tôi đã chạm đến đứa trẻ trong con người tôi.

Thế rồi tôi tìm được những ý nghĩ giúp tôi lấy lại bình tĩnh. Hồi bé mình không biết bất cứ một ai có hoàn cảnh giống như mình để có thể hướng dẫn mình, chỉ bảo cho mình, nhưng bây giờ Daniel đã có người để chia sẻ. Mình có thể giúp cậu bé. Cha mẹ mình có thể giúp cha mẹ cậu ấy. Daniel không phải trải qua những gì mình đã phải trải qua. Có lẽ mình có thể giúp cậu ấy tránh được những nỗi tủi buồn, đau khổ mà mình đã phải chịu đựng. Đây là một hoàn cảnh mà qua đó tôi có thể thấy rằng, dẫu sống không có chân tay sẽ đối mặt với vô vàn khó khăn, nhưng cuộc đời tôi vẫn có những giá trị để chia sẻ. Sự khiếm khuyết về hình thể không thể ngăn cản tôi tạo ảnh hưởng tích cực trên đời này. Được khích lệ và truyền cảm hứng phấn đấu vươn lên cho người khác là niềm vui của tôi. Cho dù tôi không thể thay đổi được thế giới này nhiều như

tôi mong muốn, tôi vẫn biết một cách chắc chắn rằng cuộc sống của mình không bị lãng phí, mà ngược lại rất có ích. Tôi đã và đang quyết tâm đóng góp cho cuộc đời. Bạn nên tin rằng chính bạn cũng có đủ khả năng để làm điều đó.

Một cuộc sống không có ý nghĩa tức là cuộc sống không hy vọng. Cuộc sống không hy vọng là cuộc sống không có niềm tin. Nếu bạn tìm ra một cách để đóng góp cho cuộc đời này, tự nhiên bạn cũng sẽ thấy ý nghĩa, hy vọng và niềm tin sánh bước cùng bạn vào tương lai.

Tôi tới nhà thờ Knott Avenue với mục đích khích lệ và truyền cảm hứng cho người khác. Việc nhìn thấy một cậu bé giống như mình giữa đám đông thoạt đầu khiến tôi bối rối, nhưng cậu bé là một sự khẳng định đầy sức mạnh của tác động tích cực mà tôi có thể tạo ra trong cuộc sống của nhiều người, đặc biệt là những người đang phải đối mặt với thử thách lớn lao như Daniel và cha mẹ cậu.

Cuộc gặp gỡ bất ngờ đó khiến tôi xúc động đến mức tôi thấy cần phải chia sẻ những gì mình đang nhìn thấy, đang cảm thấy với giáo đoàn, vậy nên tôi mời cha mẹ của Daniel đưa cậu bé lên chỗ tôi.

”Không có sự trùng hợp ngẫu nhiên nào trong cuộc sống”, tôi nói. ”Mỗi hơi thở, mỗi bước đi của chúng ta đều được Chúa quyết định. Không phải ngẫu nhiên mà trong căn phòng này lại xuất hiện một cậu bé không tay không chân khác”.

Khi tôi nói điều đó, Daniel nở nụ cười rạng ngời, thu hút tất cả người có mặt trong nhà thờ. Cả giáo đoàn im phăng phắc khi cha cậu bé nâng cậu lên và đưa tới bên cạnh tôi. Hình ảnh chúng tôi ở bên nhau, một thanh niên và một đứa trẻ cùng có chung thách thức mà số phận mang đến, nhìn nhau mỉm cười hạnh phúc, khiến cho những người có mặt tại nhà thờ không cầm được nước mắt.

Tôi vốn không dễ khóc, nhưng vì mọi người xung quanh đều khóc trong niềm xúc động dâng trào nên tôi không thể nào cầm được nước mắt. Tối hôm đó về nhà, tôi nhớ mình cứ im lặng, chìm trong dòng suy nghĩ. Tôi cứ nghĩ đến cậu bé đó và nghĩ rằng chắc hẳn cậu đang trải qua những cảm giác mà tôi đã từng. Rồi tôi hình dung những gì cậu sẽ cảm thấy khi nhận thức cậu đang phát triển, khi cậu phải đương đầu với sự tàn nhẫn, sự từ chối mà tôi đã từng trải qua. Tôi thương cậu bé vô cùng khi hình dung những nỗi đau đớn mà có thể cậu sẽ phải chịu đựng, nhưng rồi tôi cảm thấy ấm lòng hơn bởi vì tôi biết cha mẹ tôi và chính tôi có thể làm giảm gánh nặng cho cậu, thậm chí thắp sáng niềm tin và hy vọng trong trái tim cậu. Tôi nóng lòng muốn nói với cha mẹ tôi điều đó bởi tôi biết họ sẽ rất háo hức, sẵn lòng gặp cậu bé ấy để gieo hy vọng cho cậu và cha mẹ cậu. Cha mẹ tôi đã phải trải qua rất nhiều khó khăn, đau đớn và buồn rầu trong quá trình sinh và nuôi nấng đứa con khuyết tật của họ. Họ chẳng có một ai hướng dẫn để vượt qua tất cả những điều đó một cách dễ dàng hơn. Tôi biết cha mẹ tôi sẽ cảm thấy biết ơn cuộc đời đã cho họ cơ hội giúp đỡ gia đình cậu bé.

KHOẢNH KHẮC Ý NGHĨA

Đối với tôi đó là khoảnh khắc như trong giấc mơ. Tôi không thốt ra được lời nào (điều này rất hiếm xảy ra), và khi Daniel ngước lên nhìn tôi, tôi se lòng vì thương cảm và xúc động. Tôi vẫn chìm trong những ý nghĩ về bản thân mình hồi bé, vì ngày đó tôi chưa từng gặp một ai khác không có chân tay như tôi. Tôi vô cùng muốn biết mình không đơn độc, rằng tôi không dị biệt và không một người nào trên hành tinh này không có chân tay như tôi. Tôi đã cảm thấy rằng không một ai trên đời này thực sự hiểu thấu những gì tôi phải trải qua, không một người nào có thể hiểu được niềm đau và nỗi cô đơn của tôi.

Chìm trong những ý nghĩ về thời thơ ấu, tôi cảm thấy tất cả nỗi đau mà tôi đã từng trải nghiệm khi ý thức rõ mình khác biệt so với mọi người như thế nào lại ùa về. Tự ý thức về sự khác biệt của mình so với mọi người đã đủ đau đớn lắm rồi, bị chế giễu, xa lánh càng đau đớn gấp bội. Nhưng so với niềm hạnh phúc, nỗi vui mừng và sức mạnh của Chúa mà tôi cảm thấy vào khoảnh khắc ấy, khi tôi tìm thấy Daniel trong đời, nỗi đau của tôi bỗng trở nên chẳng còn quan trọng.

Tôi không mong bất cứ ai trên đời này phải chịu khuyết tật như tôi, bởi thế tôi buồn và thương Daniel lắm. Tuy nhiên, tôi biết Chúa đã mang đứa bé này đến để tôi có thể an ủi và giúp đỡ cậu, làm vơi bớt gánh nặng của cậu. Cứ như thể Chúa đang nháy mắt với tôi và nói: ”Con thấy chưa, ta có một kế hoạch cho con mà!”.

HÃY HĂNG HÁI LÊN

Tất nhiên tôi không có tất cả mọi câu trả lời. Tôi không biết những nỗi đau riêng hay những thách thức bạn đang phải đối mặt là gì. Tôi sinh ra trên đời này, chịu thiệt thòi về hình thể, nhưng chưa bao giờ biết đến nỗi đau của người bị xâm hại hoặc bị bỏ mặc. Tôi chưa bao giờ chịu cảnh gia đình ly tán. Tôi không phải trải qua nỗi đau của đứa con mồ côi cha hoặc mẹ, đứa em mất chị mất anh. Tôi không phải chịu đựng một số trải nghiệm tồi tệ. Xét theo cả ngàn cách, tôi chắc chắn rằng mình còn may mắn hạnh phúc hơn nhiều người.

Trong cái khoảnh khắc có tính thay đổi cuộc đời, cái khoảnh khắc tôi thấy Daniel được nâng bổng lên khỏi đám đông ở nhà thờ hôm đó, tôi hiểu rằng tôi đã trở thành một điều kỳ diệu mà tôi luôn cầu nguyện được trở thành. Chúa đã không mang đến cho tôi một điều kỳ diệu như thế. Thay vì thế, Người biến tôi thành điều kỳ diệu của Daniel.

Tôi gặp Daniel khi tôi 24 tuổi. Cuối buổi sáng hôm đó, mẹ cậu bé, chị Patty, bước tới ôm tôi, nói rằng được gặp tôi chị có cảm giác như đang bước vào tương lại, như đang ôm đứa con trai đã trưởng thành của chị.

”Cậu không biết đâu. Tôi đã cầu xin Chúa gửi cho tôi một tín hiệu để tôi biết rằng Người không quên đứa con trai tội nghiệp của tôi”, chị nói. ”Cậu là một điều kỳ diệu. Cậu là điều kỳ diệu của chúng tôi”.

Một trong những điều tuyệt vời của cuộc gặp gỡ ấy là, sáng chủ nhật đó cha mẹ tôi đang trên đường từ Australia sang Mỹ lần đầu tiên kể từ khi tôi chuyển đến Mỹ một năm trước. Hai ngày sau, cha mẹ tôi đến gặp Daniel và cha mẹ cậu bé. Khỏi phải nói bạn cũng có thể đoán được họ có biết bao điều để chia sẻ.

ÁNH SÁNG SOI ĐƯỜNG

Chris và Patty có lẽ đã coi tôi như một diễm phúc dành cho Daniel, nhưng cha mẹ tôi còn là một diễm phúc lớn hơn đối với họ. Còn ai khác có thể hướng dẫn họ cách làm cha mẹ của một đứa con không chân tay tốt hơn cha mẹ tôi chứ? Chúng tôi không chỉ mang đến cho họ niềm hy vọng mà còn mang đến bằng chứng vững chắc và rõ ràng rằng Daniel có thể sống một đời sống hoàn toàn bình thường, và rằng cậu bé cũng sẽ khám phá ra những diễm phúc mà cậu được Chúa và cuộc đời ban cho để chia sẻ với mọi người. Chúng tôi đã rất vui khi chia sẻ những trải nghiệm với họ, để khích lệ họ và để cung cấp bằng chứng thuyết phục rằng không có giới hạn nào đối với cuộc đời của một con người không có chân tay.

Tôi có thể là một điều kỳ diệu đối với Daniel, đồng thời cậu bé lại là một con người đầy năng lượng và sức mạnh, một diễm phúc đối với tôi, người cho tôi nhiều hơn những gì tôi có thể cho cậu bởi vì năng lượng và niềm vui của cậu là một phần thưởng hoàn toàn bất ngờ đối với tôi.

MỘT CUỘC ĐỜI ĐỂ SẺ CHIA

Helen Keller bị mất thị lực và thính lực khi chưa đầy hai tuổi do một căn bệnh cấp tính, nhưng bà đã vươn lên trở thành một tác giả, một nhà diễn thuyết, một nhà hoạt động xã hội nổi tiếng thế giới. Người phụ nữ phi thường đó nói rằng hạnh phúc thực sự bà đạt được là từ ”sự trung thành với một mục đích cao đẹp”.

Điều đó có nghĩa là gì? Đối với tôi, điều đó có nghĩa là trung thành với những quà tặng của cuộc sống mà bạn có được, phát triển chúng, chia sẻ chúng với người khác, và đón nhận niềm vui từ những quà tặng đó. Điều đó có nghĩa là bạn phải chiến thắng sự tự mãn, phải vượt ra khỏi nó để tiến tới một cuộc tìm kiếm ý nghĩa sâu sắc của cuộc sống, sự toại nguyện cho bản thân và cho những người xung quanh.

Những phần thưởng lớn nhất, ý nghĩa nhất đến với bạn khi bạn cống hiến bản thân mình cho những mục đích cao đẹp. Đó là những phần thưởng bạn nhận được khi bạn cố gắng làm cho cuộc sống của người khác trở nên tốt đẹp hơn, khi bạn phấn đấu để trở nên lớn lao hơn cả bản thân bạn, khi bạn tạo ra những ảnh hưởng tích cực đối với cuộc đời. Không nhất thiết cứ phải là Mẹ Teresa bạn mới có thể tận hiến. Thậm chí là một người ”khuyết tật” bạn cũng vẫn có thể tạo được ảnh hưởng tốt đối với cuộc sống xung quanh. Bạn cứ thử hỏi cô gái trẻ, người đã gửi cho tôi bức thư này qua trang Cuộc sống của những người không có chân tay mà xem.

Nick thân mến,

Ôi, em không biết phải bắt đầu từ đâu. Em nghĩ rằng mình nên bắt đầu bằng việc tự giới thiệu bản thân. Năm nay em mười sáu tuổi. Em viết thư cho anh bởi vì em đã xem DVD có tựa ”Không tay, không chân, không lo âu”. DVD này đã tạo ra tác động tích cực lớn lao nhất đối với cuộc sống và quá trình phục hồi của em. Em nói đến phục hồi bởi em đang phải điều trị chứng bệnh biếng ăn, anh ạ. Trong vòng một năm trở lại đây em đã phải vào bệnh viện nhiều lần, và đây là giai đoạn tồi tệ nhất trong cuộc đời em. Em vừa được một trung tâm điều trị nội trú ở California cho xuất viện, trong thời gian nằm viện, em đã xem DVD của anh. Trong đời em chưa bao giờ cảm thấy được khích lệ, được tiếp thêm sức mạnh như thế. Anh khiến em kinh ngạc. Mọi điều về anh đều thật tuyệt vời, thật tích cực. Mỗi từ anh nói đều lay động em. Em chưa bao giờ cảm thấy được an ủi và biết ơn cuộc đời đến thế. Có không ít lần em nghĩ mình đã bị dồn vào đường cùng, rằng cuộc sống của em không có lối thoát, nhưng giờ đây em hiểu ra rằng ai sống trên cõi đời này cũng có mục đích, và rằng mọi người đều nên trân trọng bản thân. Ôi, em nói thực lòng – em không biết cảm ơn anh thế nào cho đủ vì sự khích lệ mà DVD này đã mang đến. Em ước một ngày nào đó có thể gặp được anh; đó là điều em ước ao thực thiện được khi em rời khỏi cõi đời này. Anh có tính cách tốt đẹp và cao thượng nhất mà một con người có thể có – anh làm em cười rất nhiều (mà cười được trong khi đang phải nằm viện là điều khó khăn lắm). Nhờ có anh mà giờ đây em cảm thấy mình mạnh mẽ hơn và nhận thức được một cách sâu sắc hơn mình là ai và em không còn bị ám ảnh bởi những gì người khác nghĩ về em nữa, không lúc nào cũng tự hạ thấp mình nữa. Anh đã dạy em cách biến những ý nghĩ tiêu cực thành tích cực. Cảm ơn anh vì đã cứu vớt cuộc đời em và hướng cuộc sống của em tới những ngày tươi sáng hơn. Viết bao nhiêu cũng không thể nào bày tỏ hết lòng biết ơn của em đối với anh – anh là người anh hùng của em!

TẬN HIẾN

Tôi may mắn nhận được rất nhiều thư như thế. Kể cũng kỳ lạ bởi ngày bé có nhiều lúc tôi chán nản, không thể sống vui, cũng ít nghĩ tới việc giúp đỡ người khác thêm lạc quan trong cuộc sống. Cuộc tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống của bạn có thể đã bắt đầu rồi. Nhưng tôi nghĩ bạn không thể có được cảm giác thoả mãn nếu không có sự tận tâm vì người khác. Mỗi người chúng ta đều hy vọng được sử dụng tài năng và kiến thức không chỉ để thanh toán các hoá đơn hàng ngày, mà còn vì những mục đích cao cả hơn.

Trong thế giới ngày nay, dù nhận thức một cách đầy đủ về lỗ hổng giá trị tinh thần trong cuộc tìm kiếm vật chất, chúng ta vẫn cần được nhắc nhở rằng sự thoả mãn không phụ thuộc vào việc bạn giàu hay nghèo. Không ít người thường thử những sự lựa chọn lạ lùng nhất để đạt được sự thoả mãn. Có người uống chìm đắm trong bia rượu. Có người quên đời bằng ma tuý. Có người sẵn sàng sửa đổi hình thể để đạt được một tiêu chuẩn tuỳ tiện nào đó về sắc đẹp. Có người làm việc cả đời để đưa mình tới đỉnh cao thành công, để rồi thấy thành tựu ấy bị cưỡng đoạt trong nháy mắt. Nhưng hầu hết những người nhạy cảm đều biết rằng không có con đường nào dễ dàng dẫn chúng ta tới hạnh phúc bền lâu. Nếu bạn đặt cược bản thân vào trò vui trước mắt, bạn sẽ chỉ tìm thấy sự thoả mãn chóng vánh và tạm thời. Bạn sẽ phải trả giá cho những thú vui rẻ tiền – nay còn đó mà mai đã rã nát.

Cuộc sống không quan trọng ở sự tự sở hữu, mà quan trọng ở sự tồn tại. Bạn có thể chất đầy quanh mình tất cả những thứ mà tiền có thể mua được, nhưng chắc gì làm như thế bạn đã hạnh phúc. Có khi với tất cả núi vật chất ấy thì bạn vẫn cứ khổ sở như bất cứ người nào. Tôi từng biết những người có cơ thể hoàn hảo mà chẳng có nổi một nửa niềm vui hạnh phúc như tôi. Trong các chuyến đi, tôi đã được thấy nhiều niềm vui tại khu ở chuột ở Mumbai và trại trẻ mồ côi ở châu Phi hơn là ở những cộng đồng của người giàu và những khu bất động sản rộng mênh mông trị giá hàng triệu đôla.

Tại sao vậy?

Bạn sẽ có được cảm giác thoả mãn khi tài năng và niềm đam mê của bạn được sử dụng một cách có hiệu quả. Hãy nhìn nhận sự tự thoả mãn tạm thời theo đúng bản chất của nó. Hãy chống lại cám dỗ vật chất, chẳng hạn chiếc xe hơi đời mới nhất. Hội chứng nếu tôi có X, tôi sẽ hạnh phúc là ảo tưởng của đa số. Khi bạn tìm kiếm hạnh phúc trong những đối tượng vật chất thuần tuý, thì vật chất chẳng bao giờ là đủ cả.

Hãy nhìn ra xung quanh. Hãy nhìn vào bên trong.

Khi tôi còn là một đứa trẻ, tôi cứ nghĩ rằng nếu Chúa cho tôi tay và chân thì tôi sẽ hạnh phúc suốt đời. Nghĩ như thế dường như không ích kỷ chút nào bởi hầu hết mọi người ai mà chẳng có chân tay. Tuy nhiên, như bạn biết đấy, tôi khám phá ra rằng không có những bộ phận phụ mà hầu hết ai cũng có ấy, tôi vẫn có thể sống hạnh phúc và mãn nguyện. Daniel đã giúp tôi khẳng định điều đó. Những trải nghiệm khi tìm đến với cậu bé ấy và gia đình cậu để giúp đỡ và khích lệ họ vượt lên nghịch cảnh đã nhắc tôi nhớ tại sao mình có mặt trên cõi đời này.

Khi cha mẹ tôi đến California, chúng tôi gặp gia đình Daniel và tôi đã chứng kiến một điều thật đặc biệt. Cha mẹ và tôi dành nhiều thời gian trò chuyện với cha mẹ cậu bé, so sánh những trải nghiệm, thảo luận về cách đương đầu với thách thức đang đợi cậu ở phía trước. Ngay từ những ngày đầu ấy, hai gia đình đã hình thành một mối dây gắn bó thân thiết và tồn tại đến tận hôm nay.

Khoảng một năm sau cuộc gặp đầu tiên của tôi với Daniel, chúng tôi gặp nhau lần nữa, và trong một buổi tâm sự, cha mẹ Daniel cho chúng tôi biết rằng các bác sĩ cảm thấy rằng cậu có vẻ ngại, không sẵn sàng sử dụng xe lăn được thiết kế riêng cho cậu, một chiếc giống xe của tôi.

”Tại sao?”, tôi hỏi. ”Khi bằng tuổi Daniel, anh đã bắt đầu tự điều khiển xe lăn để di chuyển rồi đấy”.

Để chứng minh điều đó, tôi di chuyển ra khỏi xe và để cho Daniel ngồi vào chỗ của tôi. Bàn chân cậu bé rất vừa vặn để sử dụng cần điều khiển. Cậu thích lắm! Cậu đã thực hiện một cuộc diễn tập sử dụng xe lăn rất ấn tượng. Bởi có mặt chúng tôi ở đó, Daniel được dịp chứng minh cho cha mẹ thấy rằng cậu hoàn toàn có thể điều khiển một chiếc xe lăn được thiết kế phù hợp. Đó là một trong nhiều cách mà tôi biết tôi có thể ở bên cậu, giúp soi sáng con đường của cậu dựa trên những trải nghiệm của chính mình. Tôi không thể nào diễn tả nổi cảm giác vui sướng khi được hướng dẫn, giúp đỡ Daniel vượt qua khó khăn và trở ngại.

Ngày hôm đó chúng tôi đã mang đến cho Daniel một món quà hiếm hoi, nhưng cậu bé cho tôi món quà còn lớn hơn. Đó là cảm giác mãn nguyện, vui sướng khi tôi cảm nhận được niềm vui của cậu. Không một chiếc xe hơi sang trọng nào, không một ngôi biệt thự nào, không gì có thể so sánh được với cảm giác mãn nguyện khi bạn thực hiện được sứ mệnh của mình.

Quà tặng đó cứ tiếp tục được trao. Trong chuyến thăm tiếp theo tới gia đình Daniel, cha mẹ tôi đã chia sẻ với họ cảm giác lo lắng mà cha mẹ tôi đã trải qua khi tôi mới chào đời, rằng tôi có thể dễ dàng đuối nước trong bồn tắm bởi tôi không có tay chân để giữ cho người khỏi bị chìm. Lo lắng như vậy nên khi tôi còn là một đứa trẻ, cha mẹ rất thận trọng khi tắm cho tôi, và lúc tôi lớn hơn, cha tôi thường đỡ tôi dưới nước, chỉ cho tôi cách giữ cơ thể khỏi bị chìm. Qua thời gian, tôi trở nên tự tin và thích mạo hiểm, và tôi đã học được cách giữ cho người nổi trên mặt nước một cách dễ dàng miễn sao tôi giữ được không khí trong phổi. tôi thậm chí còn biết sử dụng bàn chân bé xíu như một cái chân vịt để di chuyển dưới nước. Thử nghĩ xem, cha mẹ tôi đã sửng sốt như thế nào khi tôi trở thành một tay bơi đầy háo hức, sẵn sàng nhảy xuống bất cứ bể bơi nào tôi nhìn thấy!

Sau khi chia sẻ câu chuyện của tôi với gia đình Daniel, chúng tôi vui mừng được biết rằng một trong những cụm từ đầu tiên cậu bé nói với cha mẹ mình khi cậu đủ lớn để nói một cách rành rọt là: “Bơi giống như Nick!”. Bây giờ Daniel cũng là một tay bơi hăng hái lắm. Việc nhận thấy mình có thể giúp được Daniel thông qua cách chia sẻ những trải nghiệm càng khiến cho cuộc sống của tôi có ý nghĩa sâu sắc. Nếu câu chuyện cuộc đời tôi không giúp được gì cho ai thì chỉ riêng quyết tâm ”Bơi được như Nick” của Daniel cũng đã đủ khiến cuộc sống và tất cả những khó khăn mà tôi gặp phải trở thành có ý nghĩa.

Nhận ra mục đích sống của bạn là điều cực kỳ quan trong. Tôi xin cam đoan rằng bạn cũng có điều gì đó để đóng góp cho cuộc đời này. Lúc này bạn có thể chưa nhận ra điều đó, nhưng tôi khẳng định rằng nếu điều ấy không đúng thì bạn đã không tồn tại trên hành tinh này. Tôi biết chắc chắn rằng Chúa không sai lầm đâu. Người tạo ra những điều kỳ diệu. Tôi là một điều kỳ diệu. Bạn cũng là một điều kỳ diệu của cuộc sống.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.