Cuộc Tình Bỏ Đi

CHƯƠNG 2



Bà McKisco nói:
– Chúng tôi tự hỏi không hiểu cô có ở trong âm mưu hay không.
Đó là một thiếu phụ khá xinh đẹp, hai mắt mệt mỏi, vừa cất tiếng nói.
– Chúng tôi chẳng hiểu ai ở trong, ai không ở trong. Có một người người đàn ông nhà tôi đối đãi rất tử tế, thế mà chính người đó dường như lại giữ một vai chính, tức là người đồng lõa số một!
Rosemary ngạc nhiên hỏi:
– Âm mưu gì? Có một vụ âm mưu sao?
Bà Abrams khẽ cười như kiểu những bà béo:
– Cô ơi, chúng tôi có biết gì đâu. Chúng tôi không ở trong… Chúng tôi là công chúng đứng ngoài.
Ông Dumphry, một thanh niên nhiều nữ tính, nhận định:
– Má Abrams đứng riêng một mình là đã cả một âm mưu rồi…
Và campin lúc lắc chiếc mắt kính, tiếp:
– Ô hay, Royal, đừng nói châm chọc chứ!
Rosemary, khó chịu, cứ đưa mắt ngó hết người này tới người nọ. Cô gái chỉ ao ước có bà mẹ ở bên. Cô gái không thích những người này một chút nào, nhất là nếu cô gái đem họ so sánh với những người mà cô gái lưu ý tới ở đầu bãi đằng kia. Bản lãnh của bà mẹ dễ kéo cô gái ra khỏi những hoàn cảnh khó chịu một cách mau lẹ và cương quyết. Rosemary chỉ thành một danh nhân mới cách đây có sáu tháng. Sự chồng lên nhau giữa những thói tục dân chủ kiểu Mỹ và những kiểu cách lịch sự theo lề lối Pháp được học thời cô gái còn nhỏ tuổi đã gây nên nơi cô gái đôi chút xáo trộn. Ông McKisco, một người mảnh khảnh độ ba mươi tuổi bị xấu trai vì những vết tàn nhang, không thích đề tài đang nói chuyện Ông ta đứng yên rất lâu ngó ra biển. Khi đó liếc nhìn vợ rồi quay sang với Rosemary ông ta hỏi:
– Cô tới đây đã lâu chưa?
– Mới có đúng một ngày.
– Ồ!…
Cho rằng hết chuyện, ông ta ngó quanh mọi người.
Bà McKisco ngây thơ hỏi:
– Cô có tính ở lại đây hết mùa hè không? Nếu có cô sẽ được chứng kiến lúc kết thúc những tình tiết.
Ông chồng bùng lên:
– Violet, tôi van mình đó, đừng nói tới chuyện đó thêm nữa. Nói chuyện khác đi, tôi van mình đó.
Bà McKisco ghé gần bà cụ Abrams nói nhỏ:
– Anh ấy bị giao động thần kinh.
Ông McKisco phản đối:
– Tôi không bị giao động thần kinh. Nhất định là tôi không bị giao động thần kinh.
Rõ ràng ông ta có bị kích thích quá. Trên da mặt có đượm một màu đỏ xám, thu gọn vẻ mặt của ông ta lại còn có một nét không lấy gì làm thông minh cho lắm. Chợt nhận thấy tình trạng của mình, ông McKisco đứng lên đi ra bờ nước, có bà vợ theo sau. Rosemary cũng mượn dịp đi ra.
Ông McKisco hít vào đầy phổi, phóng xuống nước và bắt đầu khua động dưới nước coi như là bơi crawl. Lát sau hết hơi, ông ta đứng dậy ngó chung quanh, hết sức ngạc nhiên thấy hãy còn gần bờ.
Đưa mắt tò mò ngỏ Rosemary, ông ta nói:
– Tôi chưa hề tập bơi… Tôi không hiểu những nhà bơi lội làm cách nào để thở.
Cô gái giải thích:
– Tôi cho rằng người ta thở dưới nước. Và cứ đến lúc đập tay lần thứ tư người ta nghiêng đầu một chút để hít vô.
– Trong khoa bơi lội tôi thấy khó nhất là thở. Chúng ta có bơi ra tới bè nổi không?
Người đàn ông có cái đầu sư tử đang nằm dài trên bè, chiếc bè rập rình theo sóng. Khi bà McKisco bơi tới nơi, nhịp rập rình làm cho chiếc bè va mạnh vào cánh tay. Lập tức người đàn ông đứng dậy, giúp thiếu phụ leo lên.
– Hình như bà bị bè đập phải?
Giọng nói của người đó chậm và có vẻ nhút nhát. Rosemary chưa từng thấy gương mặt nào buồn hơn, với hai gò má cao như người da đỏ, môi trên dài với hai con mặt thật to ánh vàng, rất sâu. Người đó nói như muốn lời nói của mình không trực tiếp tới thẳng bà McKisco. Một phút sau, người đó lại nhảy xuống nước, thân mình dài ngoằn như trôi dạt, không động đậy, vào bờ.
Rosemary và bà McKisco ngó theo người đó. Khi hết đà thân mình người đó bỗng như gập làm hai. Cặp đùi gầy gò đưa lên trời, rồi người đó biến mất dưới nước, chỉ sót lại chút bọt hơi.
Rosemary nói:
– Tay này bơi cừ!
Lời đáp của bà McKisco có vẻ gay gắt kỳ lạ:
– Có thể! Nhưng chơi nhạc thì hạng bét.
Thiếu phụ quay lại phía chồng, sau hai lần tuột tay cố leo lên bè và loang quang mãi mới đứng vững.
– Em biết rõ Abe North có thể bơi giỏi, nhưng chơi đàn thì tồi tệ.
Ông McKisco miễn cưỡng đồng ý:
– Ừ.
Rõ ràng ông ta giành phần sắp xếp khung cảnh trong đó bà vợ hoạt động và không để cho vợ có bao nhiêu sáng kiến.
Bà McKisco nói tiếp nhưng với Rosemary
– Antheil, cô nói chuyện Antheil đi. Antheil và Joyce… Tôi chắc cô không nghe nói tới hai người này nhiều ở Hollywood. Chính nhà tôi đã viết bài phê bình đầu tiên đăng trên báo Mỹ về Ulysse.
Ông McKisco nói:
– Giá có điếu thuốc hút bây giờ nhỉ. Lúc này đó là điều quan trọng nhất.
– Y có những chỗ sâu sắc lạ… Có phải không, Albert?
Giọng nói của thiếu phụ bỗng hạ thấp hẳn xuống. Cái bà có đeo chuỗi hột trai vừa xuống nước theo hai đứa con, còn Abe North vừa lặn xuống rồi đột nhiên nổi lên dưới một trong hai đứa nhỏ, như kiểu núi phun lửa vậy; ông ta cõng đứa nhỏ trên vai, làm cho nó la thất thanh vì sợ lẫn thích thú. Người mẹ bình thản ngó, không hề mỉm cười.
Rosemary hỏi:
– Có phải là vợ ông ta không?
– Không, đó là bà Diver. Gia đình Diver không trọ tại khách sạn.
Hai mắt bà McKisco dán chặt lấy bà Diver như muốn chụp hình vậy. Lát sau, thiếu phụ quay lại với Rosemary, hăng hái nói:
– Cô đã đi du lịch ngoại quốc chưa?
– Có, trước tôi có trọ học tại Paris.
– Ồ, nếu vậy chắc cô biết cách làm cho đỡ buồn là làm quen với một hai gia đình người Pháp. Những người kia có lợi gì trong khi ở đây? (Bà McKisco dùng vai chỉ về phía bãi biển). Họ sống riêng với nhau, chia ra từng nhóm nhỏ khép kín. Lẽ dĩ nhiên chúng tôi có thư giới thiệu, ở Paris chúng tôi có gặp những nghệ sĩ nổi tiếng. Thích thú lắm.
– Tôi nghĩ vậy!
– Nhà tôi đang viết gần xong cuốn tiểu thuyết đầu tay.
Rosemary lịch sự nói:
– Ồ, thế ư?
Đồng thời, cô gái tự hỏi không biết trời nóng như vậy bà mẹ có thiếp ngủ đi không.
Bà McKisco nói tiếp:
– Cũng dựa trên chủ trương một tư tưởng như Ulysse, ngoại trừ đáng lẽ gói động tác trong vòng hai mươi bốn giờ, nhà tôi mô tả động tác kéo dài một trăm năm. Đó là truyện một nhà quý tộc già người Pháp bị phá sản chống đối thời đại cơ khí của chúng ta…
Ông McKisco phản kháng:
– Ờ, tôi van đừng đem đề tài của tôi ra kể cho bất kỳ ai. Tôi không muốn tiết lộ trước khi sách xuất bản!
Rosemary nhảy xuống bơi vào bờ, khoác áo choàng trên vai đã cháy nắng rồi nằm giữa trời. Lúc đó, người đàn ông đội nón kiểu nài ngựa đang đi từ chiếc lọng nọ sang chiếc dù kia, trong tay cầm chai rượu và mấy chiếc ly nhỏ. Dần dần người đó cùng với các bạn tụ tập dưới một cái lọng, họ bắt đầu nói chuyên rộn rã. Rosemary hiểu rằng một người trong bọn sắp ra đi và mọi người uống rượu chia tay. Ngay đến lũ trẻ cũng cảm thấy dưới chiếc lọng đó có một không khí đặc biệt náo nhiệt cho nên chúng cũng quay nhìn về phía đó. Rosemary có cảm tưởng người đội chiếc nón kết là trung tâm điểm của cả bọn.
Giữa trưa ngự trị tràn ngập trên mặt biển và trên trời. Ngay đến đường kẻ trắng là thành phố Cannes ở cách xa năm dặm cũng có vẻ một ảo ảnh tươi mát. Một thuyền buồm nhỏ, cánh buồm căng phồng màu đỏ như ngực con chim thước, như từ một vùng biển xa xôi nào mới về. Suốt vùng duyên hải không còn chút gì sống động, ngoại trừ dưới mái những chiếc lọng lọc bớt ánh nắng tàn bạo. Chỉ ở đó mới có những gì xảy ra.
Campion tới gần Rosemary. Nhưng cô gái nhắm mắt lại, làm bộ ngủ. Rồi cô gái lại hé mở mắt, ngó hai vật hình thù như cây cột ở gần, đó là hai cẳng chân mà cô gái cảm thấy như biến hiện trong làn mây màu cát. Rosemary thiếp ngủ thật.
Khi cô gái tỉnh dậy, người đẫm mồ hôi thấy bãi biển vắng teo, riêng có người đàn ông đội nón kết đang xép chiếc lọng cuối cùng. Người đó lại gần Rosemary hai mắt đang hấp him, và nói:
– Tôi tính đánh thức cô dậy trước khi về. Cô nên nhớ trong những ngày đầu không nên phơi nắng nhiều quá.
Cô gái nói cám ơn.
Rồi ngó hai chân đỏ tía, cô gái la lên:
– Trời ơi! Hai chân ta!
Cả cười, cô gái mời người đứng trước mặt tiếp tục nói chuyện. Nhưng Dick Diver đem một chiếc lọng và một chiếc lều đưa lên xe hơi đang đợi. Cô gái bèn xuống nước cho bớt nóng. Người kia trở lại lượm chiếc cào, chiếc xẻng; chiếc rây, đem giấu trong khe đá. Đưa mắt quanh bãi người đó kiểm điểm xem còn quên vật chi không.
Rosemary hỏi:
– Ông có biết đã mấy giờ rồi?
– Khoảng một giờ rưỡi.
Hai người cùng ngó thẳng ra chân trời về mé biển trong giây phút.
Dick Diver nói:
– Không phải là giờ xấu. Không phải là lúc tệ nhất trong ngày.
Người đàn ông ngó cô gái. Trong khoảnh khắc cô gái có cảm tưởng sống trong thế giới xanh và sáng của hai mắt và tìm thấy trong đó hăng hái và tin tưởng.
Rồi người đó vác lên vai món đồ nặng cuối cùng đưa ra xe hơi, trong khi Rosemary, từ dưới nước lên, rũ cát trên áo choàng quay về khách sạn.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.