Cuộc Tình Bỏ Đi

CHƯƠNG 2



Dick nói cho Nicole nghe một thuyết đã được tước bỏ bớt những chi tiết lôi thôi về chuyện xảy ra ở La Mã; theo thuyết đó, y đã vì lòng vị tha chạy tới cứu một người bạn đang say rượu. Dick có thể tin chắc là Baby Warren sẽ không kể lại một chi tiết nào hết vì Dick đã chứng minh cho Baby biết sự thật sẽ gây tai hại tới sức khỏe của Nicole. Những chuyện đó dù sao cũng chỉ có một tầm quan trọng rất nhỏ, nếu so sánh với ảnh hưởng của biến cố đối với bản thân Dick.
Vì phản ứng, Dick lao đầu vào công việc với một sự hăng say đổi mới, khiến cho Franz, nếu có nảy ý muốn cắt đứt hai người, cũng không thể tìm thấy một lý do bất đồng nào hết. Chưa từng bao giờ một tình bạn xứng đáng với tên gọi lại có thể bị phá tan một cách bất ngờ mà không có sự giằng xé tới da thịt. Và Franz ngày một thêm tin rằng Dick đã tự thay đổi trên hai bình diện trí thức và tình cảm với một tốc độ trở nên khó chịu. Sự đối nghịch trong thái độ tâm tình của hai người, ngay từ buổi đầu, đã được coi như thuận lợi cho những tương quan của họ. Chính bởi lẽ đó cho nên, vì cần thiết những đôi giầy tốt bao giờ cũng được đóng bằng thứ da làm ra từ năm trước.
Mãi tới tháng năm Franz mới tìm được cơ hội đóng con chốt thứ nhất. Một hôm, vào khoảng giữa trưa, Dick bước vô văn phòng của Franz. Dick da mặt tái xanh, mệt mỏi, nói với Franz:
– Thôi xong, bà ta đi rồi!
– Bà ta đã chết?
– Tim trở nên yếu quá.
Dick thả người ngồi xuống, rã rời kiệt lực, trên chiếc ghế ở gần cửa ra vào. Trong vòng ba đêm Dick đã ở bên người đàn bà nghệ sĩ vô danh mình đầy những vẩy mà lâu dần Dick đã thấy thương. Dick đã ở lại đó, bề ngoài nói rằng để lường số lượng adrénaline, nhưng thực ra để làm dịu bớt cái đêm tối to lớn đang tiến dần tới con người đó.
Thưởng thức phần nào tình cảm đó, Franz vội đưa ra một ý kiến:
– Đó là một trường hợp bịnh giang mai ăn tới bộ thần kinh. Hết thảy những Wasserman 1 trên đời này đều không thể nói chi khác. Chất nước trong xương sống…
Dick nói:
– Cần gì! Ôi có cần gì! Nếu bà ta tha thiết với điều bí mật của mình để đem theo đi khi chết, chúng ta chẳng cần phải tìm kiếm đâu xa.
– Anh cần phải nghỉ để tịnh dưỡng trong một ngày.
– Yên chí. Tôi sắp đi nghỉ đây.
Franz đã có cái chốt sẵn sàng. Ngước mắt lên trên bức điện y đang viết để gởi cho anh của người chết, Franz hỏi:
– Hoặc giả anh có muốn du hành một chuyến ngắn?
– Bây giờ thì không.
– Tôi không muốn nói một dịp nghỉ. Có một trường hợp ở Lausanne cần phải tới thăm tận nơi. Một phần buổi sáng nay tôi nói chuyện bằng điện thoại với một người xứ Chili.
Dick nói tiếp:
– Bà ta đã can đảm ghê gớm. Vụ kéo dài đã…
Franz gật đầu ra vẻ thông cảm. Dick lại nói:
– Xin lỗi.
– Đó chỉ là một sự thay đổi nhỏ. Tình trạng như vầy: đó là hai cha con. Người cha không thể đưa con trai tới đây được. Ông ta muốn có ai tới tận Lausanne.
– Trường hợp ra sao? Nghiện rượu? Đồng tình luyến ái? Khi nghe anh nói Lausanne…
– Có đủ mỗi thứ một ít.
– Để tôi đi cho. Có vấn đề tiền bạc ở đầu mối không?
– Hình như nhiều lắm. Anh trù liệu ở lại hai hay ba ngày rồi đưa thằng nhỏ về đây nếu cần phải trông coi. Dù sao anh cứ tùy tiện, thu xếp công việc và nghỉ ngơi vui thú.
Sau khi ngủ hai giờ trên xe lửa, Dick cảm thấy khỏe khoắn và có thể nhẹ nhõm nói chuyện gay go với senor Pardo y Ciudad Real.
Những cuộc nói chuyện thường bao giờ cũng giống nhau. Nhiều khi tình trạng thác loạn của người đại diện bịnh nhân cũng đáng chú ý về phương diện tâm lý, gần như tình trạng của người bịnh. Trường hợp lần này cũng không đặc biệt lắm: senor Pardo y Ciudad Real, một người Tây Ban Nha bảnh bao tóc hoa râm, vẻ người cao quý, vẻ ngoài hiện rõ là có quyền và có tiền, hung hăng đi qua đi lại trong phòng tại khách sạn Ba Thế Giới và kể lại chuyện cậu con trai một cách không giữ gìn và thiếu tự chế in hệt như một phụ nữ nghiện rượu.
– Tôi đã đến lúc cùng kiệt. Tôi không biết chi hơn là bịa đặt ra… Con trai tôi bị sa đọa. Nó đã bị sa đọa ở Harrow; nó tỏ ra bị sa đọa ở King’s College, Cambridge. Nó bị thúi nát đến không còn cách nào chữa nổi. Bây giờ lại thêm chứng nghiện rượu thì thật là quá rõ rệt, luôn luôn xảy ra những chuyện lôi thôi. Tôi đã tìm đủ cách. Tôi đã bày ra một kế hoạch hành động với một ông bác sĩ bạn, tôi gửi hai người đi Tây Ban Nha du lịch trong một thời gian. Tối nào Francisco cũng được một mũi cantharide, rồi cả hai đi tới một nhà điếm có tiếng. Trong vòng chừng một tuần lễ, xem ra có hiệu quả. Nhưng kết cuộc cũng chẳng ích lợi gì. Tuần trước, ngay tại phòng này, ở trong phòng tắm thì đúng hơn, tôi đã buộc Fransico phải cởi trần rồi tôi đánh bằng roi da…
Xúc động đến mệt lử, người Tây Ban Nha thả ngồi xuống ghế. Và Dick lên tiếng:
– Đó là một sai lầm, một sự dại dột. Chuyến đi Tây Ban Nha cũng vô ích…
Dick phải cố nén một cơn cười; thật không thể tưởng tượng được một y sĩ có suy xét lại đi làm một cuộc thí nghiệm như vậy.
– Senor, tôi cần báo trước để ông biết, đối với những trường hợp như vậy, chúng tôi không thể hứa hẹn chi hết được. Trong trường hợp nghiện rượu, chúng tôi thường đạt kế hoạch, với sự cần thiết hợp tác. Điều thứ nhất phải làm là gặp cậu thanh niên và gây được sự tin tưởng đủ để cho cậu ta ý thức được tình trạng của mình.
Người thanh niên mà Dick đưa ra ngồi nơi ngoại hiên tuổi chừng hai mươi, xinh trai và hoạt động.
Dick nói:
– Tôi muốn biết quan điểm của cậu. Cậu có cảm tưởng là mọi sự trở nên trầm trọng không? Và cậu có muốn thay đổi đi không?
Fansico đáp:
– Tôi cho là có. Tôi khổ sở lắm.
– Cậu có cho rằng nguyên do vì rượu, hay vì… sự khác thường nơi cậu?
– Tôi cho rằng uống rượu là vì chuyện kia.
Người thanh niên nói chuyện đứng đắn được một lát, rồi bỗng trở nên ranh mãnh, cười nói:
– Hết hy vọng rồi, ông ạ. Ở King’s College người ta gọi tôi là “Bà Hoàng ở Chili”. Chuyến du hành ở Tây Ban Nha… Kết quả duy nhất là tôi thấy buồn nôn mãi khi trông thấy đàn bà!
Dick hăng hái kéo cậu ta trở lại câu chuyện:
– Nếu cậu thấy bằng lòng ở trong vũng lầy, tôi cho rằng chẳng còn cách nào hết, tôi có cố gắng giúp cậu cũng mất công vô ích.
– Không… chúng ta cứ thử nói chuyện. Tôi khinh bỉ phần lớn mọi người khác, khinh hết sức!
Nơi người trẻ tuổi này có ít nhiều sự cương quyết của người đàn ông, cương quyết chống đối tích cực người cha. Nhưng trong con mắt của y có thoảng ánh tà dâm và huyênh hoang của những người đồng tính luyến ái khi hai người thảo luận về vấn đề này.
Dick nói với chàng thanh niên:
– Ít nhất đây cũng là một vụ cần nên giấu kỹ. Cậu sẽ làm hao mòn cuộc đời của cậu vì nó và cậu sẽ phải chịu những hậu quả, cậu sẽ mất hết thì giờ và năng lực không thể có một hoạt động cá nhân hay xã hội. Nếu cậu muốn đương đầu với xã hội và đời sống, trước hết cậu cần phải tập chế ngự tình dục của mình, và trước hết là thói quen uống rượu nó gây nên mọi chuyện khác.
Dick nói như máy, từ mười phút qua hầu như đã bỏ rơi trường hợp này. Hai người kéo dài cuộc nói chuyện và về những tham vọng cá nhân của cậu trai. Có lẽ chưa bao giờ Dick có cơ hội nghiên cứu một tánh chất như vậy với bấy nhiêu thông cảm, ngoại trừ dưới khía cạnh bịnh lý. Dick nhận thấy cái duyên không thể chối cãi của cậu trai, điều dễ dàng bắt đầu cũng có một đời sống riêng, chẳng hạn như sự can đảm tuyệt vọng của thứ hoang tàn đáng tội nghiệp mới chết sáng nay tại bịnh viện, hay sự duyên dáng của cậu trai trong một câu chuyện xấu xa và mờ nhạt. Dick tìm cách giải phẫu duyên dáng thành từng khúc khá nhỏ để có thể lưu giữ, ý thức được rằng toàn bộ một cuộc đời có thể thay đổi giá trị do những đoạn cắt rời đó, và cuộc đời từ bốn mươi trở đi chỉ có thể quan sát tùy theo từng đoạn như vậy. Mối tình của Dick đối với Nicole và Rosemary, tình bạn của y đối với Abe North, với Tommy Barban, trong thế giới xáo trộn thời hậu chiến… Trong những tương quan giữa con người đó, mỗi cá tính Dick thấy có liên hệ chặt chẽ với y đến như hòa trộn hẳn vào. Dick có cảm tưởng hoặc chấp nhận toàn thể hoặc không. Dick cho rằng đối với phần đời còn lại của y, y đã bị buộc phải mang trong mình những bản ngã của một số người mà y đã gặp và yêu trong khoảng đầu đời, và y bị buộc phải hoàn toàn trong mức độ mà những người đó có thể hoàn toàn. Trong đó có một yếu tố cô độc. Được yêu thật là dễ – nhưng yêu người khác mới thật khó!
Trong khi Dick ngồi nơi ngoại hiên với cậu Franz, một bóng ma của quá khứ chợt hiện ra trong tâm tưởng. Một người cao lớn, hết sức là dẻo dai, bỗng lộ ra trên đám lá xanh và ngập ngừng tiến tới gần. Trong khoảnh khắc, bóng ma đó lẫn hẳn với khung cảnh lung linh ánh sáng khiến Dick không nhận ra. Rồi Dick bỗng đứng dậy đưa tay ra bắt, bộ tịch mơ hồ và tự nhủ: “Trời ơi, ta vừa khua dậy một tổ ong ghê gớm quá…” trong khi cố gắng nhớ lại tên của người đó.
– Có phải đúng ông là bác sĩ Diver. Có phải không ạ?
– Vang, vâng, con ông có phải ông Dumphry?
– Đúng, Royal Dumphry. Tôi có được hân hạnh dùng bữa tối một lần trong thửa vườn rất thích thú mà ông có…
– Đúng thế, đã đành.
Để dẹp bớt sự sốt sắt của Dumpbry, Dick cố gắng tìm kiếm những ngày tháng không liên quan đến cá nhân mình:
– Dường như là vào khoảng… 1924… hay 1925.
Dick vẫn đứng đó, nhưng Royal Dumphry, mặc dù ban đầu có vẻ rất nhút nhát, đã không để cho Dick làm nhụt bớt. Y thân mật nói chuyện vui Francisco. Nhưng chàng trai, hổ thẹn, cố gắng giúp sức Dick để làm nhụt bớt anh chàng phá đám.
– Bác sĩ Diver, có một chuyện mà tôi muốn nói với bác sĩ trước khi bác sĩ ra về. Tôi không sao quên đêm dự tiệc tại vườn nhà bác sĩ và sự ân cần của bác sĩ và bà Diver đối với tôi. Đó là một trong những kỷ niệm tốt đẹp nhất, sung sướng nhất của tôi, tôi không tin rằng có thể gặp một nhóm người nào khác văn minh hơn.
Dick tiếp tục rút lui kiểu con cua ra một khung cửa gần nhất.
– Tôi rất vui lòng thấy ông còn giữ được một kỷ niệm tốt. Bây giờ tôi cần phải thăm…
Royal Dumphry có vẻ thông cảm nói:
– Tôi hiểu! Tôi nghe nói y đang sắp chết.
– Ai sắp chết?
– Có lẽ tôi không nên tiết lộ điều đó… nhưng chúng tôi do cùng một bác sĩ săn sóc.
Dick ngừng lại, ngạc nhiên nẹó người kia.
– Nhưng ông nói ai chứ?
– Ô kìa! Tôi nói ông nhạc của ông. Có lẽ tôi…
– Ông… Hả?
– Tôi cho rằng… ông muốn nói tôi là người đầu tiên đã…
– Ông bảo rằng cha vợ của tôi hiện đang ở Lausanne này?
– Trước tôi cứ tưởng rằng ông đã biết, đó là lý do của sự hiện diện của ông tại đây.
– Bác sĩ nào săn sóc cho ông ta?
Dick ghi vội tên đó trên cuốn xổ, xin lỗi rồi nhào vô một phòng điện thoại. Y được đoan chắc bác sĩ Dangen sẽ tiếp y ngay tại phòng mạch.
Bác sĩ Dangen là một người trẻ tuổi ở Genève. Trong khoảnh khắc ông ta sợ bị mất một khách hàng nhiều tiền, nhưng sau khi Dick đã trấn an về phương diện đó, bác sĩ Dangeu xác nhận với Dick rằng ông Warren quả thật đang hấp hối.
– Ông ta mới có năm mươi tuổi, nhưng cái gan đã bị hỏng; tình trạng trở nên dồn dập là vì chứng nghiện rượu.
– Không có phản ứng chi hết?
– Bịnh nhân không thể dùng gì được, ngoại trừ uống. Tôi cho rằng ông ta còn sống được độ ba ngày nữa, nhiều lắm là một tuần.
– Cô con gái lớn, Miss Warren, có biết tin gì chưa?
– Theo ý muốn của chính ông Warren, không một ai được báo tin hết trừ ra người hầu cận của ông ta, mãi tới sáng hôm nay tôi mới thấy cần báo tin cho người bịnh biết tình trạng nguy kịch của mình, ông Warren, khi hay tin đó đã tỏ ra rất bối rối, mặc dù từ đầu đã cam chịu và kính tín lắm.
Dick suy nghĩ một lát, rồi chậm rãi nói:
– Thôi được… Dù sao tôi cũng sẽ lo chuyện đó, trên cương vị gia đình. Nhưng tôi nghĩ rằng ông cũng muốn mời thêm một bác sĩ khác?
– Nếu ông muốn.
– Tôi biết rằng tôi nói đây nhân danh gia đình khi yêu cầu ông cho mời một trong những y sĩ có tiếng nhất trong số những vị hiện sống ở chung quanh hồ, chẳng hạn Herbrugge, ở Genève?
– Chính tôi cũng nghĩ tới Herbrugge.
– Trong khi chờ đợi ít nhất tôi cũng ở đây một ngày và sẽ giữ liên lạc với ông.
Tối hôm đó Dick tới nói chuyện với senor Pardo y Ciudad Real.
Ông già nói:
– Chúng tôi có những cơ sở rất lớn tại Chili. Con trai tôi có thể quản trị được. Hoặc tôi sẽ cho nó vô một trong số cả chục cơ sở kinh doanh lớn ở Paris…
Ông già lắc đầu, qua lại trước khung cửa sổ; mưa xuân rơi bên ngoài, dễ chịu đến độ những con thiên nga không thèm trú ẩn.
– Đó là con trai độc nhất của tôi! Ông có thể đưa nó về và lo săn sóc cho nó được không?
Người Tây Ban Nha bỗng quỳ xuống trước mặt Dick sững sờ.
– Ông có thể chữa trị cho con trai duy nhất của tôi? Tôi tin tưởng nơi ông, tôi tin rằng ông có thể cứu được nó.
– Không thể nhốt một người vì những lý do như vậy. Tôi không muốn làm thế, dù tôi có thể làm được.
Người Tây Ban Nha đứng dậy.
– Tôi quá tự thị… tôi bị đẩy tới đường cùng.
Xuống tới tiền đình, Dick gặp bác sĩ Dangeu trong thang máy. Người kia nói:
– Tôi đang tính kêu số dây nói tại phòng ông. Chúng ta có thể ra nói chuyện ở ngoại hiên được chăng?
– Ông Warren đã chết chưa?
– Tình trạng của ông ta vẫn như cũ. Sáng nay bác sĩ được mời tới sẽ thăm bịnh. Bây giờ ông ta khẩn thiết muốn được gặp cô con gái, vợ ông. Dường như có xảy ra một vụ cãi cọ chi đó…
– Tôi biết, tôi biết.
Hai y sĩ nhìn nhau cùng suy ngẫm. Dangeu đề nghị:
– Tại sao ông không gặp ông ta trước khi quyết định? Cái chết của ông ta sẽ nhẹ nhàng; ông ta sẽ yếu lần rồi tắt thở.
Dick cố gắng mới quyết định được:
– All right!
Khu phòng nơi ông già Warren đang hấp hối cũng cùng một kích thước với khu phòng của senor Pardo y Giudad Real. Trong khách sạn này có nhiều khu biệt phòng như vậy trong đó những ông nhà giàu đang kỳ tan rã, những kẻ phạm trọng tội bỏ trốn khỏi nước, những người đang tranh chấp ngôi vị tại những nước lớn nhỏ, đang sống hay cố bám lấy cái sống nhờ những phó sản của thuốc phiện hay thuốc ngủ, nằm nghe, như từ một đài phát thanh cay nghiệt, những âm điệu gay gắt của những tội lỗi của họ. Nơi góc nhỏ của Âu châu này thu hút nhiều những thứ người như vậy chỉ vì ở đây chấp nhận họ, không hạch hỏi lôi thôi chi hết. Những con đường lớn trên thế giới đều gặp nhau ở đây. Ở đây gặp nhau những người đi tới những dưỡng đường tư nhân, những nơi an dưỡng cho người lao ở trên núi và hết thảy những ai không còn là persona grata tại Pháp và tại Ý.
Khu phòng được để trong tình trạng nửa tối nửa sáng. Một dì phước có gương mặt đẹp của một bà thánh săn sóc người đàn ông với những ngón tay gầy guộc đang lần chuỗi trên lớp vải phủ giường trắng. Trông ông ta còn đẹp trai, và giọng nói của ông ta, khi nói chuyện với Dick, đã tìm thấy được cái điệu lè nhè đặc biệt. Dangeu để cho hai người nói chuyện riêng với nhau…
– Khi sắp chết con người ta mới hiểu được nhiều thứ ở đời. Mãi đến bây giờ, bác sĩ Diver ạ, tôi mới nhìn thấy rõ…
Dick đợi cho ông ta nói thêm nữa.
– Tôi là một con người xấu xa. Chắc ông cũng hiểu rằng tôi có rất ít quyền gặp lại Nicole, nhưng có ai đó to lớn hơn ông và tôi bảo cho chúng ta biết phải tha thứ và tội nghiệp.
Xâu chuỗi rời khỏi bàn tay đã yếu lần đang nắm và rớt trên tấm khăn lụa. Dick lượm lên và đưa trả vào tay Warren.
– Nếu tôi có thể được gặp lại Nicole chỉ trong vòng mười phút thôi, tôi sẽ sung sướng hơn khi lìa đời.
– Đó là một quyết định mà tôi không thể một mình tự ý được. Nicole không được vững vàng…
Chính Dick đã quyết định nhưng làm ra vẻ do dự.
– Tôi có thể bàn chuyện đó với người cộng sự của tôi.
– Tôi sẽ chấp nhận sự quyết định của người cộng sự của ông. Bác sĩ Diver, tôi cần phải nói rằng tôi mang một món nợ lớn lắm đối với ông…
Dick vội đứng lên.
– Tôi sẽ nhờ bác sĩ Dangeu báo tin cho ông hay trước.
Trở vô phòng, Dick yêu cầu liên lạc bằng điện thoại với bịnh viện, bên hồ Zug. Lâu sau mới thấy Kathe trả lời.
– Tôi muốn nói chuyện với Franz
– Franz hiện đang ở tren núi. Lát nữa tôi cũng sẽ lên đó. Có chuyện gì tôi có thể nói lại với Franz được không?
– Chuyện liên quan tới Nicole. Cha của Nicole đang hấp hối tại đây, Lausanne. Chị nói lại với Franz như vậy để anh ấy thấy là chuyện quan trọng và chị bảo anh ấy điện thoại cho tôi từ trên đó.
– Tôi sẽ lo chuyện đó.
– Chị nói với Franz rằng tôi ở tại khách sạn, ngay tại phòng, từ ba đến năm giờ, hoặc từ bảy tới tám, sau đó tôi sẽ ở tại phòng ăn.
Chỉ giờ giấc như vậy nhưng Dick lại quên không dặn đừng nói chi hết cho Nicole biết. Nhưng khi nghĩ tới thì không còn ai ở đầu dây nữa. Nhưng chắc hẳn Kathe phải hiểu như thế.
Kathe không hề có ý muốn nói chuyện với Nicole về cú điện thoai vừa qua khi thiếu phu trèo lên mỏm núi trơ trọi đầy những hoa dại và những ngọn gió thơm, nơi mà đôi khi bịnh nhân cũng được đưa lên cho họ được vận động, và nhất là để trượt tuyết vào mùa đông. Khi từ xe điện xuống, Kathe trông thấy Nicole đang tổ chức một trò chơi cho lũ trẻ. Lại gần Kathe nhẹ nhàng đặt tay trên vai Nicole và nói:
– Chị chịu khó lo cho lũ trẻ quá nhỉ! Mùa hè này chị phải dượt cho chúng lội thật giỏi.
Khi chơi lũ trẻ đều hồng hào, nóng nảy, và phản xạ của Nicole khi rời khỏi cánh tay Kathe đặt trên vai có vẻ tự động và mau lẹ trông thấy có vẻ sỉ nhục quá. Bàn tay của Kathe lơ láo rớt xuống. Rồi đến lượt Kathe phản ứng bằng lời nói một cách thật đáng tiếc, Kathe gay gắt hỏi:
– Chị tưởng rằng tôi muốn hôn chị hay sao? Đó chỉ là vì có chuyện về Dick… Tôi mới nói chuyện với anh ấy trong điện thoại và tôi đang buồn…
– Có chuyện gì xảy ra cho Dick vậy?
Kathe chợt hiểu sự vụng dại của mình; nhưng đã thiếu tế nhị, Kathe không thể không trả lời câu hỏi thẳng của Nicole:
-… Thế sao chị lại lấy làm buồn?
– Ồ, chuyện không liên quan hẳn tới Dick. Tôi cần phải hỏi ý kiến của Franz đã.
– Nhưng cũng là chuyện của Dick?
Gương mặt của Nicole đầy kinh hoàng, phản ánh nhận thấy trên gương mặt lũ trẻ đang bu quanh. Kathe chỉ còn biết nói thật:
– Cha của chị ở Lausanne đang đau nặng. Dick muốn nói chuyện đó với Franz.
Vừa lúc Franz đi tới với cái vẻ tươi tỉnh hồn hậu nhà nghề, Nicole hỏi:
– Cha tôi đau nặng lắm ư?
Kathe sung sướng nhường cho Franz nói chuyện. Nhưng cái hỏng cũng đã hỏng rồi.
Nicole tuyên bố:
– Tôi đi Lausanne liền.
Franz nói:
– Hãy khoan. Tôi không dám chắc là chị nên đi như thế. Trước hết để tôi nói chuyện với Dick đã.
Nicole cãi:
– Nếu vậy tôi sẽ lỡ mất chuyến xe điện. Rồi sau đó tôi lại lỡ luôn chuyến xe lửa ba giờ ở Zurich. Nếu cha tôi hấp hối tôi phải…
Nicole lưỡng lự:
– Tôi phải đến gặp cha tôi. Tôi cần phải chạy cho mau mới kịp đáp chuyến xe.
Nicole đã vội chạy tới đoàn xe nhỏ hằng mang tới cho sự cô quạnh ở vùng núi một vòng khói và tiếng động. Ngoái cổ lại Nicole nói:
– Nếu anh điện thoại cho Dick, anh báo tin tôi tới nhé, Franz…
Dick đang ở trong phòng khách sạn, đọc tờ New York Herald, khi dì phước, trông mơ hồ giống như một con én đen và trắng, hớt hải chạy vô. Đồng thời điện thoại reo.
Dick với chút hy vọng thầm kín hỏi dì phước:
– Ông ta chết chưa?
– Thưa ông, thưa ông, ông ta đi mất rồi…
– Sao, đi rồi?
– Ông ta đi rồi. Người hầu và hành lý cũng đi hết.
Thật lạ lùng. Một người trong tình trạng như vậy mà đứng dậy ra đi được…
Dick trả lời điện thoại của Franz, phản đối:
– Không nên nói chi hết cho Nicole biết!
– Kathe đã nói cho Nicole biết rồi, thật không may quá.
– Tôi cho rằng lỗi tại tôi. Không bao giờ nên nói một điều gì với đàn bà trước khi việc đó xảy ra. Thôi được… bây giờ tôi đi đón Nicole.. Ồ, Franz ạ… mới xảy ra một chuyện điên rồ hết sức…. Ông già đã trốn mất rồi!
– Hả, anh nói sao?
– Tôi nói rằng ông già đã chuồn mát, Warren chuồn mất rồi!
– Nhưng tại sao?
– Người ta coi ông ta như hấp hối sắp chết; kiệt quệ toàn thể và toàn diện. Thế rồi ông già đứng dậy, trở về Chicago. Tôi đoán như vây, không biết rõ… Cô y tá hiện đang đứng ở đây. Tôi không hiểu, Franz ạ… tôi chỉ mới hay tin như vậy. Sau anh sẽ gọi lại cho tôi.
Dick bỏ mất hai tiếng đồng hồ dò la tung tích Warren. Người bịnh đã lợi dụng lúc đổi phiên gác ngày và gác đêm để chuồn xuống quán rượu, tại đó ông ta uống luôn một lúc bốn whisky. Tiền khách sạn được trả bằng tấm giấy một ngàn đô-la, dặn người thâu ngân trả lại tiền dư bằng bưu điên, từ đó ông ta ra đi, rất có thể đi luôn Mỹ. Dick và Dangeu cố gắng một lần cuối tìm bắt ông già ở ga xe lửa, nhưng kết quả của việc đó là khiến cho Dick lỡ không đón được Nicole. Khi hai người gặp nhau nơi tiền đình khách sạn Nicole bỗng lộ một vẻ mệt mỏi lắm, hai bên mép mím chặt làm cho Dick lo ngại quá.
Nicole hỏi:
– Bệnh tình của cha ra sao?
– Hình như ông cụ khá hơn nhiều lắm. Dù sao, xem ra ông cụ còn một số năng lực dữ trữ.
Dick do dự, quyết định để từ từ sẽ cho Nicole biết rõ.
– Nói cho ngay, ông cụ đã trở dậy và ra đi đâu không biết.
Sau bữa ăn tối lại tu cuộc tìm kiếm. Dick cảm thấy cần một ly cho phấn chấn. Dick và Nicole ngơ ngác tới grill room, trong khi hai người ngồi trên hai chiếc ghế bành bằng da, một người uống một highball, một người uống một ly bia, Dick tiếp tục kể chuyện.
– Ông bác sĩ chữa bệnh cho ông cụ đã đoán bệnh sai, hoặc giả… hãy khoan một chút, anh cũng không có thì giờ để suy ngẫm kỹ.
– Có thật là ông cụ đã ra đi rồi?
– Ông cụ đã đáp xe lửa đêm đi Paris.
Hai người ngồi im lặng một lát. Từ người Nicole như phát ra một nỗi ơ thờ to rộng. Sau cùng Dick nói:
– Đó là do linh tính. Thật tình ông cụ đang hấp hối, nhưng ông cụ tìm cách lấy lại nhịp sinh cơ… Ông cụ không phải là người thứ nhất đứng dậy rời khỏi giường chờ chết. Mình có biết không, cũng giống như một vài chiếc đồng hồ cũ… Nếu lắc nó vẫn tích tắc một lát. Ông cụ cũng vậy…
– Thôi, mình đừng nói chi nữa.
– Hơi đốt chính của ông cụ bao giờ cũng vẫn là hãi sợ. Ông cụ hãi sợ… và bỏ đi. Nhiều phần chắc là ông cụ sẽ sống đến chín mươi tuổi.
– Em van mình đó, đừng nói gì với em nữa… Em van mình, em không thể nào chịu đựng được nữa.
– Tốt lắm. Còn thằng quỷ con mà tôi tới thăm ở đây là một trường hợp tuyệt vọng. Mai chúng ta có thể trở về nhà.
Nicole bùng lên:
– Em chẳng hiểu tại sao mình cứ phải tiếp xúc với những chuyện như vậy!
– Ồ, mình không thấy ư? Chính tôi cũng vậy.
Nicole đặt bàn tay trong tay chồng.
– Ồ, em hối hận quá, Dick ạ.
Có ai đưa chiếc máy hát vô quán, hai người say sưa nghe bản Đám cưới của con búp bê tô màu.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.