Đam Mê Và Thù Hận

CHƯƠNG 1



Trước khi kể cho các bạn nghe câu chuyện về những mối liên hệ của tôi với Eva, thì đầu tiên, tôi cần phải nói chút ít về chính bản thân tôi cũng như những biến cố đã đưa đẩy đến lần gặp gỡ ban đầu của chúng tôi.
Nếu một thay đổi bất thường không nảy sinh trong cuộc đời tôi vào thời điểm mà tôi cam tâm chấp nhận cuộc sống tầm thường của một nhân viên văn thư trong một xưởng làm đồ hộp thì hẳn là tôi không bao giờ gặp gỡ Eva, và do vậy, có lẽ tôi đã không bị lôi cuốn vào một cuộc phiêu lưu mà cuối cùng nó đã làm hỏng cuộc đời tôi.
Dẫu rằng hiện tại đã hơn hai năm trời tôi không còn gặp Eva nữa, nhưng chỉ cần nghĩ về nàng là đủ để tôi cảm nhận lại niềm ham muốn khôn nguôi, và cái nhu cầu chế ngự nàng đó đã ràng buộc nàng với tôi trong một thời kỳ mà lẽ ra tôi cần phải dành tất cả sự chú tâm và nghị lực của mình cho công việc.
Nghề nghiệp hiện tại của tôi không mấy quan trọng. Không ai biết tôi ở cái thành phố cảng nhỏ bé bên bờ Thái Bình Dương này, nơi tôi đã đến gần hai năm nay, sau khi cuối cùng đã hiểu ra sự điên rồ và hão huyền của cái ảo tưởng mà tôi từng theo đuổi. Không còn là vấn đề của hiện tại hay tương lai chi cả, chỉ còn là của quá khứ mà thôi.
Dù cho nóng lòng mong muốn giới thiệu Eva cùng các bạn, nhưng như tôi đã nói, cần thiết phải cung cấp cho bạn một vài chi tiết của chính bản thân tôi. Tôi tên là Clive Thurston. Có thể các bạn đã từng nghe nói về tôi. Tôi được xem như là tác giả của vở Cơn mưa ngập ngừng, vở kịch này đã gặt hái bao nhiêu là thành công. Và dù cho thật sự tôi không phải là tác giả của nó, tôi vẫn cứ viết thêm ba tiểu thuyết và trong thể tài đó, chúng lại vẫn thành công.
Trước khi vở Cơn mưa ngập ngừng xuất hiện trên sân khấu, tôi chẳng là gì cả. Tôi ở một căn nhà cho thuê có sẵn đồ đạc gần xưởng máy nơi tôi làm việc, và cho đến ngày mà John Coulson dời đến ở, tôi đã sống một cuộc đời vô vị và không tham vọng, giống như hàng trăm ngàn người trẻ tuổi sẽ vẫn tiếp tục trong hai mươi năm trời cùng một công việc mà đang làm hôm nay.
Nhưng cho dù cô độc và đơn điệu, tôi vẫn chấp nhận cuộc sống đó với một sự cam chịu vô cảm. Tôi không thấy bất kỳ khả năng nào thoát ra khỏi cái thói quen đã thành nếp khiến tôi thức dậy vào buổi sáng, đi làm việc, dùng những thức ăn rẻ tiền, khiến tôi tự hỏi liệu có thể trả giá thứ này thứ kia hay không, và khiến tôi thỉnh thoảng ghé đến một người đàn bà mỗi khi tôi khấm khá tiền bạc. Như thế cho đến khi tôi gặp John Coulson. Dẫu rằng chỉ sau cái chết của anh tôi mới gặp vận may và đã nắm lấy nó.
John Coulson tự biết mình khó qua khỏi. Từ ba năm nay chống chọi với bệnh lao, sức lực của anh đã cạn kiệt. Như một con thú ẩn mình chờ chết, anh đã đoạn giao với bạn bè và cắt đứt mọi mối liên hệ, và dời đến căn phòng tồi tàn ở Long Beach này. Tôi không rõ lắm điều gì đã hấp dẫn tôi đến với anh, về phần mình, anh tỏ ra khá mong mỏi được chia sẻ tình bạn với tôi. Có thể bởi vì anh viết văn. Thâm tâm tôi từ lâu cũng đã có ý định viết lách, nhưng điều này đòi hỏi rất nhiều nỗ lực mà tôi thì hay thối chí. Tôi tin chắc rằng chỉ cần tôi có thể khởi đầu thôi, thì tài năng mà tôi cảm nhận được trong tôi cũng đáng giá với vinh quang và của cải cho tôi lắm. Có lẽ tôi không phải là cá biệt trong trường hợp này, và như những người cùng loại, tôi thiếu trước nhất là ý chí.
Một hôm, John Coulson thổ lộ với tôi rằng anh đã viết một vở kịch mà anh đánh giá là vở hay nhất anh đã viết. Tôi bao giờ cũng nghe anh với niềm thích thú và thế là tôi hiểu ra vô số những gì có thể mang lại sự thành công cho một vở diễn.
Hai ngày trước khi chết, anh yêu cầu tôi gởi vở kịch này cho người đại diện văn học của anh. Anh đã vượt quá khả năng ngồi dậy và tự mình không thể làm được chuyện gì ra hồn nữa cả.
‘Tôi không còn sống được bao lâu nữa để nhìn thấy nó được diễn,’ anh trầm ngâm nói với tôi trong khi nhìn đăm đăm cửa sổ. ‘Có trời mới biết ai sẽ được lợi từ nó? Cuối cùng thì chỗ đại diện sẽ thu xếp. Điều này có vẻ kỳ cục Thurston à, nhưng tôi không có ai để phó mặc nó ra sao thì ra. Tôi tiếc là không có con cái. Biết công việc lẽ ra đã có ích cho cái gì đó…’
Tôi lơ đễnh hỏi anh liệu người đại diện có trông chờ nhận được vở kịch này không.
‘Không,’ anh bảo, ‘không ai ngoài anh ra biết cả đến chuyện tôi đã viết nó.’
Ngày hôm sau là thứ bảy, có nhiều trò bơi thuyền ở Alamitos, và tôi đến bãi biển để nhìn những chiếc thuyền đua như hàng ngàn người du lịch khác vào ngày nghỉ cuối tuần. Không phải vì tôi ưa thích hòa nhập vào đám đông, nhưng Coulson xuống sắc thấy rõ và tôi cần phải lẩn tránh bầu không khí chết chóc đang tràn vào căn nhà.
Tôi đến bến cảng vào thời điểm các chiếc du thuyền nhỏ đang chuẩn bị bước vào cuộc đua chính thức của ngày, các đấu thủ đang hối hả. Giữa toàn bộ những chiếc thuyền đó, tôi chú ý đến một chiếc đặc biệt: một chiếc vỏ thuyền nhỏ nhắn xinh đẹp với các cánh buồm màu đỏ và dáng dấp thon mảnh. Có hai người đàn ông trên thuyền: một người mà tôi chỉ liếc sơ qua, một gã thủy thủ nào đó. Nhưng người kia thì rõ ràng là chủ nhân ông. Ông ta mặc bộ y phục bằng nỉ nhẹ màu trắng không chê vào đâu được, đôi giày bằng da hoẵng và một chiếc đồng hồ đeo tay bằng vàng khiến tôi phải chú ý. Khuôn mặt to nung núc mang dáng vẻ ngạo nghễ chỉ có ở những người giàu sang và quyền thế. Ông ta đứng gần cần lái, một điếu xì gà gắn giữa hai hàm răng, đang trông coi gã thủy thủ thực hiện những thao tác chuẩn bị sau cùng. Tôi tự hỏi ông ta là ai và cuối cùng kết luận rằng đó phải là một nhà sản xuất phim ảnh hoặc một ông trùm dầu lửa nào đó. Sau khi quan sát ông ta trong khoảng vài phút, tôi dợm bỏ đi thì nghe có tiếng động rơi ngã và một tiếng kêu cứu khiến tôi quay trở lại. Gã thủy thủ đã trượt chân và ngã sóng soài trên bến cảng với một chân bị gãy.
Tai nạn tầm thường đó lại thay đổi cuộc đời của tôi. Từng có được chút quen biết việc vận hành một con thuyền, tôi xin được đứng ra thay thế người thủy thủ và thế là tôi chia sẻ danh dự cùng với chủ nhận của chiếc du thuyền khi mang về chiếc cúp vàng. Ông ta chỉ tự giới thiệu về mình sau cuộc đua. Và khi ông cho tôi biết tên tuổi, tôi không kịp nhận ra ngay một vận may đã đến với mình. Vào lúc đó, Robert Rowan là một trong những nhân vật có thế lực nhất trong giới sân khấu. Ông ta sở hữu nhiều nhà hát và có một chuỗi dài thượt những thành công trong hoạt động của mình.
Ông ta tỏ ra sung sướng như một đứa trẻ con khi đoạt được cúp. Ông trao danh thiếp cho tôi và trịnh trọng hứa hẹn sẽ làm bất cứ việc gì để giúp đỡ tôi.
Hẳn bạn đã bắt đầu thoáng nhận ra sự cám dỗ diễn ra trong tôi. Khi trở về, tôi bắt gặp Coulson đang trong cơn hôn mệ, và ngày hôm sau thì anh qua đời. Vở kịch của anh còn nằm trên bàn viết của tôi, tôi không do dự lâu la gì. Coulson đã từng bảo và cứ lập đi lập lại rằng anh không có người thừa kế. Chỉ cần vài phút để thanh toán trọn vẹn lương tâm của mình. Sau đó, tôi mở phong bao ra và đọc kịch bản.
Dù không có mấy kiến thức về kịch nghệ, tôi vẫn hiểu rằng đây là một tác phẩm vào hàng thượng thặng. Tôi ngồi lại rất lâu để cân nhắc về những hiểm nguy nếu bị phát giác, và kết luận là không có lấy một mảy may nào cả. Thế là trước khi đi ngủ, tôi thay đổi trang nhan đề và bìa tác phẩm thay vì là Gậy ông đập lưng ông của John Coulson, tôi đề là Cơn mưa ngập ngừng của Clive Thurston rồi gởi bản thảo đến Rowan.
Phải trải qua gần một năm trời trước khi ‘Cơn mưa ngập ngừng’ xuất hiện trên sân khấu, và khi mọi chuyện rồi cũng sẵn sàng, bản thảo đã phải chịu đựng biết bao thay đổi, vì Rowan luôn áp đặt ý kiến cá nhân lên mọi vở diễn mà ông ta bỏ tiền ra tài trợ. Nhưng tôi cũng dần dà đi đến chỗ xem vở kịch như là của mình, và khi cuối cùng nó được trình diễn và mang lại thành công ngay lập tức, tôi đã thành thực cảm thấy tự hào về tác phẩm của mình.
Thật là một cảm giác phấn khích khi bước vào một gian phòng đầy ắp người, thấy mình ra mắt trước bàng dân thiên hạ và đọc được trên khuôn mặt họ mình không phải là một kẻ không tên, không tuổi. Ít ra đó cũng là điều tôi cảm nhận ra và điều này chỉ có tăng trưởng thêm hơn khi tôi bắt đầu đụng chạm đến những món tiền thật lớn, trong khi cho đến lúc đó, tôi đã phải xoay xở với bốn chục đôla mỗi tuần.
Khi đã chắc mẫm rằng vở kịch này là khởi đầu cho một chuỗi các cuộc trình diễn, tôi rời bỏ New York để đến Hollywood. Tôi cho rằng tiếng tăm mới mẻ của tôi sẽ khiến tôi xứng đáng với những lời mời chào hấp dẫn, thậm chí có thể cho phép tôi trở thành một trong những nhà văn hàng đầu chuyên viết kịch bản điện ảnh. Và khi giờ đây, mỗi tuần tôi lĩnh được gần hai ngàn đôla, tôi đã không do dự thuê một căn hộ ở cạnh đại hộ Sunset.
Một khi đã an cư rồi, tôi quyết định tranh thủ thời cơ và sau nhiều phen suy nghĩ và toan tính, tôi bắt tay vào việc viết một quyển tiểu thuyết. Đó là chuyện một người đàn ông đã bị thương trong chiến tranh và không còn khả năng làm tình nữa. Tôi đã biết qua một trường hợp thuộc loại này, nó gây cho tôi ấn tượng hết sức sâu sắc, và tôi đã khá thành công để diễn đạt những tình cảm tôi nghiệm thấy trong tác phẩm của mình. Dĩ nhiên tiếng tăm của tôi đã giúp đỡ tôi, nhưng nói cho cùng, quyển sách không phải là không đạt được kết quả khả quan. Nó bán được chín mươi bảy ngàn bản, và nhu cầu vẫn tiếp tục khi quyển tiểu thuyết thứ hai ra đời. Quyển này không hay bằng những vẫn cứ bán sạch vèo. Đây là lần đầu tiên tôi sáng tác một tác phẩm của trí tưởng tượng và tôi gặp những khó khăn to lớn. Quyển tiểu thuyết thứ ba dựa trên cuộc sống của một đôi vợ chồng mà tôi đã quen biết mật thiết. Người vợ đã cư xử với một cung cách quá ư là tệ hại, và tôi tham dự vào đoạn kết với những cảm xúc. Tôi chỉ cần ngồi trước máy đánh chữ và quyển tiểu thuyết tự mình nó viết thành lời. Rồi đến khi xuất bản, đó là một thành công.
Sau chuyện này, tôi không còn nghi ngờ gì về tài năng của mình. Tôi tự nhủ rằng mình hoàn toàn có thể thành công ngay cả khi không có vở kịch của John Coulson đi nữa, tôi lấy làm lạ là mình đã có thể phí phạm bao nhiêu năm tháng của cuộc đời một cách ngu ngốc trong một phòng giấy thay vì viết lách và kiếm được bao nhiêu là tiền bạc như vậy.
Vài tháng sau đó, tôi quyết định viết một vở kịch. Người ta đã ngừng diễn vở Cơn mưa ngập ngừng ở New York, hiện tại người ta cho lưu diễn và vẫn tạo được những món thu nhập tuyệt vời. Tuy nhiên, ít lâu trước đó tôi biết rằng chúng sẽ giảm sút mà tôi thì chẳng muốn thu hẹp mức sinh hoạt của mình. Vả lại, bạn bè vẫn liên tục hỏi tôi khi nào sẽ viết lại cho sân khấu, và những lời trần tình lập đi lập lại của tôi bắt đầu có vẻ hơi xoàng thưa dần.
Khi bắt tay vào việc, tôi không có bất kỳ một ý tưởng nào khả dĩ làm đề tài cho vở kịch. Tôi miệt mài tìm kiếm một đề tài, tôi đề cập về nó với những người chung quanh, nhưng ở Hollywood, lấy ai đưa ra được một ý kiến như cho không. Tôi tiếp tục tìm kiếm và dằn vặt trí não mình, nhưng không vẫn hoàn không, đến nỗi cuối cùng tôi tống khứ các dự án của mình đi và quyết định viết một quyển tiểu thuyết mới. Tôi chuyên tâm gắn bó cùng nó cho đến lúc kết thúc và gửi tác phẩm đến nhà xuất bản của mình.
Mười lăm ngày sau đó, ông chủ xuất bản mời tôi đến dùng bữa. Ông ta không hề quanh co mà thẳng thừng tuyên bố rằng tác phẩm của tôi chẳng có giá trị gì cả. Ông ta không có chút gì khổ tâm để thuyết phục tôi, và tôi hiểu ý ông ta.
‘Thôi được,’ tôi bảo với ông ta, ‘ta không đề cập đến nó nữa. Tôi đã muốn đi thật nhanh và tôi thường bị vấp, nhưng trong một hoặc hai tháng tới, tôi đưa ông cái khác, nó sẽ khiến ông hài lòng.’
Tôi cần một chỗ để có thể làm việc một cách yên tĩnh. Tôi tự nhủ nếu mình thoát ra được cái đám đông đã làm tiêu hao thời giờ của mình và tìm ra một nơi tĩnh lặng để thư thái thần kinh, tôi sẽ dễ dàng viết một tiểu thuyết khác thành công hoặc thậm chí, một vở kịch hay cho sân khấu nữa. Tôi đã đi đến chỗ tự tin về mình đến nỗi cho rằng chỉ cần một khung cảnh thuận lợi là đủ để làm được một điều gì đó hay ho. Sau một thời gian ngắn, cuối cùng tôi tìm được một nơi chốn theo tôi là lý tưởng xét theo mọi phương diện. Tam Điểm là một ngôi nhà gỗ có độc một tầng gác thụt sâu vào khoảng vài trăm mét cách con đường dẫn đến hồ Đại Hùng. Nó có một bao lơn lớn hướng về một quang cảnh tráng lệ trên núi. Ngôi nhà được người ta bày biện xa hoa và được trang bị hoàn hảo không thể tưởng tượng được, trong đó bao gồm cả bộ máy phát điện. Tôi hối hả thuê nó cho cả mùa hè.
Tôi hy vọng một khi yên vị ở Tam Điểm thì coi như tôi đã thoát nạn, nhưng không hề đúng như thế. Tôi thức dậy vào lúc chín giờ, ngồi ở hiên ngoài với một bình cà phê trong tầm tay và máy đánh chữ trước mặt. Tôi ngắm nghía phong cảnh nhưng chẳng có kết quả gì ráo. Tôi qua suốt buổi sáng để hút thuốc, để mơ mộng, tôi viết vài hàng rồi lại xé ngay sau đó. Vào buổi trưa, tôi lấy xe phóng về Los Angeles để đi lang thang trò chuyện với các nhà văn và nhìn ngắm các ngôi sao điện ảnh. Buổi tối, tôi thử viết một lần nữa, thần kinh tôi căng thẳng và tôi kết thúc bằng cách lên giường ngủ.
Chính trong thời điểm này của sự nghiệp tôi, khi mà một ảnh hưởng nhẹ nhàng nhất có thể hiện ra thành một thành công hay thất bại thì Eva bước vào cuộc đời tôi. Sự chi phối của nàng mãnh liệt đến nỗi nàng hấp dẫn tôi như một khối nam châm khổng lồ thu hút một cây kim. Chưa bao giờ nàng hiểu hết phạm vi quyền hạn của mình và nếu có biết được chăng nữa, có lẽ nàng cũng chỉ bận tâm như đối với một vận hạn đen đủi, sự hờ hững khinh khỉnh của nàng là điều mà tôi phải chịu đựng nghiệt ngã nhất. Những lần ở bên cạnh nàng, tôi cảm thấy không tài nào cưỡng được muốn làm cho nàng phải ngã quỵ trước ý chí của tôi, muốn bẻ gãy sức phản kháng của nàng. Cuộc chiến này chả mấy chốc trở thành nỗi ám ảnh thực sự của tôi.
Nhưng đủ rồi. Cảnh trí giờ đây đã được dựng nên, và tôi có thể bắt đầu câu chuyện của mình. Đã từ lâu tôi muốn viết lại nó. Và tôi đã thường xuyên thử thực hiện nhưng không thành công. Có thể lần này tôi sẽ đạt được kết quả. Cũng có thể cuốn sách này – nếu một mai nó xuất hiện được – sẽ lọt vào tay của Eva. Tôi hình dung nàng đang nằm, điếu thuốc kẹp giữa các ngón tay, đang đọc những gì tôi đã viết ra. Vì rằng cuộc sống của nàng đã chung đụng với biết bao những người đàn ông không quen biết, và có thể họ chỉ là những cái bóng đối với nàng mà thôi, nên có lẽ nàng đã quên đi phần lớn, nếu không nói là toàn bộ những gì mà chúng tôi đã cùng thực hiện. Điều này biết đâu sẽ khiến cho nàng vui lòng khi sống lại những giai đoạn nào đó trong mối quan hệ của chúng tôi, biết đâu nó chẳng làm tăng thêm lòng kiêu hãnh và niềm tin tưởng nơi chính nàng. Ít ra khi đến rốt cùng, nàng sẽ biết rằng tôi hiểu nàng tường tận hơn là nàng nghĩ và rằng khi bóc ra chút ít vỏ bọc của nàng thì chính tôi cũng bắt đầu trần trụi ra đó.
Và cho đến khi nàng giở đến trang cuối cùng, tôi nhìn ra nàng thờ ơ quẳng đi cuốn sách với một vẻ khinh thị và bướng bỉnh vì rằng đã biết quá nhiều.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.