Dám Thất Bại

CHƯƠNG 2: NHỮNG NGÀY Ở TRUNG HỌC



Trong chương đầu tiên, tôi đã giới thiệu quãng đời lúc anh chị em chúng tôi còn phải dựa dẫm vào cha mẹ và những gì chúng tôi đã trải qua trong thời gian đó.
Vào năm 1967, tôi đang học năm thứ năm ở trường trung học Batu Pahat, Jonor, Malaysia; đây là năm mà tôi cho là “trọng đại” vì năm đó, tôi là nam sinh lớp 5 đầu tiên bị thầy giáo tát trước mặt cả lớp! Khi ấy tôi 17 tuổi. Suốt quãng đời còn lại, tôi sẽ không bao giờ quên việc này. Có lẽ bạn không tin, nhưng cái tát ấy là bài học lớn nhất trong thời thanh niên của tôi và hóa ra là phúc lành cho tôi. Chính nó buộc tôi phải học cách nói chuyện trước công chúng, chuyện này rất dài nên tôi xin phép không kể ra đây.
Cuối năm đó, tôi trải qua kỳ thi ở lớp 5. Một lần nữa, tôi học một bài học cuộc đời khác. Chúng tôi chờ cho đến phút cuối để xem liệu đề thi có bị lộ hay không và tôi đã học bài suốt đêm mà không hề chớp mắt. Ngày hôm sau, khi vào phòng thi, đầu óc tôi trống rỗng! Tôi làm bài thi rất tệ và kết quả tôi bị điểm 2. Tôi luôn tự hỏi tại sao những người khác có thể làm bài thi hay đến thế. Vài năm sau đó, tôi đã tìm ra “kỹ thuật giải đề thi”! Suốt thời gian đó, tôi quan niệm rằng đến trường là để tích lũy kiến thức chứ không phải là để học cách trả lời câu hỏi cho đúng.
Kết quả của tôi kém nên tôi không đủ điều kiện lên lớp sáu ( tương đương với chương trình dự bị đại học hay chứng chỉ A). Lúc đó người ta rất hạn chế số học sinh lớp sáu và tôi ở trong diện bị giới hạn. Tôi không biết cái gì về cái gọi là hướng nghiệp. Cha mẹ tôi cũng không biết nốt. Tôi bị bỏ mặc mà không biết phải làm gì. Khi thấy một số bạn cùng “phe” sang tỉnh khác học lớp bổ túc văn hóa, tôi cũng bắt chước đi theo. Đây là những lớp học tổ chức vào buổi tối, lớp học là những ngôi nhà mượn được và học cụ thì nghèo nàn. Chúng tôi bị xem là những học sinh lớp 6 “hạ đẳng”. Sau một năm, tôi vẫn còn cảm giác hụt hẫng, không biết mình sẽ làm gì với tương lai của mình. Sau đó, tôi nghe tin có một trường trung học mới được thành lập ở Kuala Lumpur tên là Trường trung học Tunku Abdul Rahman, được đặt tên theo vị thủ tướng đầu tiên của Malaysia. Tôi xin vào học và đã được chấp nhận! Nhưng tôi phải bắt đầu học lại tất cả từ năm đầu. Chán thật! Mất một năm làm kẻ “hạ đẳng” đã quá đủ. Bây giờ đã đến lúc vào học ở một ngôi trường thích hợp rồi đây. Nhưng ngạc nhiên thay, sự thật không phải vậy, chúng tôi là những học sinh tiên phong hay nói khác hơn là vật thí nghiệm trong một ngôi trường không có nổi phòng học. Chúng tôi lại phải mượn nhà của dân để học. Lần này thì tôi không thể thoát nữa rồi. Cha tôi sẽ giết tôi mất! Tuy nhiên, cũng còn một điều an ủi là lớp học được bố trí ban ngày.
Vì nói quá nhiều trong lớp, lần nọ, tôi được chọn làm người tham gia một buổi tranh luận của trường. Đối thủ của tôi là một nữ sinh. Lúc đến lượt tôi nói, đầu tôi tự dưng TRỐNG RỖNG! Và đúng là tôi đã cảm thấy hai đầu gối mình run lên! Tôi không thể nhớ nổi hôm đó tôi đã lầm bầm những gì. Tất cả những gì tôi biết là tôi đã bị một đứa con gái đánh bại một cách thảm hại trước toàn trường! Sự thất bại nhục nhã này đã làm tôi choáng váng. Tôi trở nên im lặng hơn trong lớp.
Năm 1969, tôi lại trải qua một kinh nghiệm nhớ đời khác. Học xong, tôi đi về nhà bằng xe buýt; xuống xe, tôi đi về nơi ở trọ. Không khí xung quanh hơi căng thẳng. Tôi thấy một vài người chạy lung tung nhưng không biết cái gì đang diễn ra. Về nhà, tẳm rửa, ăn cơm xong, tôi ra bao lơn ngồi nghe chương trình phát thanh mình ưa thích. Đang phát nửa chừng, chương trình đột ngột bị một thông báo quan trọng cắt ngang. Đó là tiếng Thủ tướng, ông đã khóc khi tuyên bố lệnh giới nghiêm của chính phủ. Chúng tôi sẽ phải trải qua một cuộc xung đột chủng tộc lớn nhất trong lịch sử nước mình – hôm đó là ngày 13 tháng 5 năm 1969!
Thoạt đầu tôi nghĩ đó là một trò đùa! Chà! Vậy là không có trường học nữa. Thật ra, lúc đó tôi không biết lệnh giới nghiêm là gì. Dần dà ý nghĩa của nó mới lóe lên trong đầu tôi. Hàng ngày tối thấy khói đen bốc lên từ nhiều nơi khác nhau ở Kuala Lumpur – đó là khói từ những căn nhà đang bốc cháy. Nhiều tin đồn đến tai tôi rằng nhiều người bị giết, có cả phụ nữ và trẻ em vô tội… Cao trào của việc này xảy rả vào ngày tôi đang ngồi trên bao lơn và nghe một tiếng thét đằng sau… tôi quay lại và chỉ cách đó 4,5m, một khẩu M16 đang chĩa vào tôi! (May là lúc đó người lính ấy đã không nổ sung, chứ nếu không bây giờ tôi đâu thể ngồi đây viết quyển sách này). Các vụ xô xát và giết chóc gần đây ở Đông Timor đã gợi lại tất cả các hồi ức này trong tôi lúc tôi hiệu đính quyển sách cho lần xuất bản này. Tại sao sau 30 năm( từ 1969 đến 1999) những sự việc như vậy vẫn còn xảy ra?
Năm 1970, tôi 20 tuổi. Trong khi chờ kết quả thi lớp 6, tôi phụ trông cửa hàng tạp hóa của cha tôi. Nhiều năm trước, ông đã đổi nghề. Vì dính líu vào hoạt động chính trị trong vùng, ông bị trục xuất sang một tỉnh khác và trở thành công dân bị quản thúc. Ông buộc phải phó mặc cửa hàng cho mẹ tôi trông coi. Vào một ngày định mệnh, một quyển sách đặc biệt nằm trên bàn, ngay trước mặt tôi. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn còn không biết làm thế nào hay tại sao nó nằm đó, ai đã để nó ở đó. Nhưng rõ rang nó đã ở đó. Quyển sách có một cái tựa rất nổi bật (lúc đó tôi đã nhận thấy thế) – “Nghĩ đến sự giàu có và làm giàu” của tác giả Napoleon Hill. Thường ngày tôi không thích đọc sách nhưng tựa sách trông rất bắt mắt. Tôi không thể cưỡng lại nổi sự cám dỗ của nó. Vả lại, đọc quyển sách, tôi có mất mát gì đâu. Khi đọc quyển sách, tôi đã thật sự bị cuốn hút đến nỗi tôi ngồi như phỗng cho đến khi đọc một mạch hết cả quyển. Lần đầu tiên trong đời, tôi bị thu hút bởi một quyển sách nói về cách làm thế nào để thành công, làm thế nào để đạt được điều mình mong muốn trong cuộc sống. Thật ra, vào thời điểm đó, tôi đã không biết rằng cuốn sách này cũng đã ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người khác trên thế giới. Tất cả những gì tôi biết là quyển sách đã gây nên cảm xúc trong tôi và tôi bắt đầu thực hiện những điều sách chỉ bảo – tối sẽ làm bất cứ điều gì tôi muốn, bất chấp kết quả ra sao. Tôi sẽ dồn hết tâm trí để đạt được điều mình mong muốn.
Điều trùng hợp là tôi có thể áp dụng tất cả điều này vào thực tế trong giai đoạn thứ 2 của đời mình. Giai đoạn này bắt đầu khi tôi học ở trường đại học trong vùng ( Đại học Malaya).
Tôi muốn học y khoa ( lúc đó, hầu hết mọi người đều kính trọng các bác sĩ) nhưng kết quả C, E, E và O tôi may mắn được một chỗ ở phân khoa tự nhiên, chung quy chỉ vì tôi được nhà nước cấp học bổng. Khi đó, chủ trương của trường là ai được cấp học bổng của chính phủ thì sẽ được một chỗ – thật may cho tôi!
Ở trường, tôi muốn được nổi tiếng. Với những điều học được từ quyển “Nghĩ đến sự giàu có và làm giàu”, tôi đã ứng cử trong cuộc bầu cử hội sinh viên. Người ta bảo tôi nên ứng cử vào các chức vụ của khoa nhưng không đời nào, tôi phải có chân trong Đoàn chủ tịch – chức vụ cao nhất. Hội sinh viên Đại học Malaya mới là chỗ xứng với tôi. Được sự giúp đỡ của hai người bạn, tôi đã đi dán các áp phích cổ động.v.v. Tôi tiến hành một chiến dịch tranh cử thật hăng hái và sáng tạo nhằm giành được một chỗ trong cuộc bầu cử. Tôi đi vận động hết khoa này đến khoa khác và tôi vẫn còn nhớ lúc đó tôi đã phát tờ bướm ghi lại khẩu hiệu vận động như thế này:
Có 3 từ mà tôi muốn nói với các bạn “HÃY BẦU TÔI”
Có thể nói, vì chỉ là một ứng cử viên lép vế, không ai biết đến, chiến dịch của tôi đã đạt được một thành công đáng chú ý. Tôi là một ứng cử viên thành công bất ngờ. Không hiểu sao, trong số 36 ghế với hơn một trăm ứng viên tranh cử, tôi giành được số phiếu bầu cao thứ ba! Tôi hơi căng thẳng và lo lắng vì không hề biết một người trong hội sinh viên cần phải làm gì. Nhưng tôi biết được một điều, đó là những gì mà quyển sách ấy đã đề cập đến. Không ai biết được rằng, đối với tôi, một cách không chính thức, nó đã trở thành cẩm nang của sự thành công.
Mặc dù là một thành viên vừa vụng về, vừa thiếu kinh nghiệm, nhờ có số phiếu bầu cao, người ta bổ nhiệm tôi vào Ban chấp hành của Hội Sinh viên – một thứ “nội các” của cộng đồng sinh viên.
Tôi được chỉ định làm thư ký phụ trách các tổ chức xã hội của Hội sinh viên. Lúc đó, tôi không biết nhiệm vụ của thư ký làm gì. Thậm chí tôi cũng không biết Hội Sinh viên được thành lập để làm gì! Tôi chỉ muốn khẳng định mình. Và giờ tôi đã nổi tiếng. Vậy giờ phải làm gì nữa? Tôi xem các tài liệu trước đây để biết người tiền nhiệm của mình đã làm gì. Sau đó, tôi khám phá ra một việc rất buồn cười: mọi người tỏ ra kính trọng tôi như thể tôi biết mọi thứ. Vì thế, tôi cứ giả vờ biết mọi thứ. Tình cờ, nhiều hoạt động của tôi lại liên quan đến việc tổ chức các buổi hội họp, các buổi biểu diễn, các hoạt động gây quỹ – VÂNG, GÂY QUỸ! Tiền đấy! Theo tôi, đó là điều mà quyển “Nghĩ đến sự giàu có và làm giàu” thật sự muốn nói đến! Ồ, vậy là tôi đã thật sự vận dụng được những điều học được từ sách. Tôi rao bán các mẩu quảng cáo,v.v…Tôi trở thành “máy làm ra tiền” của hội!
Thế là việc này đã đi xa đến mức suốt khoảng thời gian đó, Ban chấp hành chúng tôi bị chi phối bởi cái gọi là yếu tố “xã hội chủ nghĩa”.Thật sự mà nói thì tôi cũng không biết từ “xã hội chủ nghĩa” có nghĩa gì. Tôi chỉ biết cách làm thế nào để tổ chức các kế hoạch và gây thêm quỹ! Các thành viên cùng ở trong Ban chấp hành với tôi đang đấu tranh cho các vấn đề xã hội, nhưng vấn đề mà lúc đó tôi thực sự không thể hiểu được. Họ tổ chức các cuộc biểu tình về những vấn đề của Trung Đông, Palestine, vụ Baling,v.v và v.v. Tôi nhớ mình đã tham gia một số cuộc biểu tình ở Kuala Lumpur vì tôi là một thành viên của Ban chấp hành và cũng vì ham vui chứ không hẳn vì muốn đấu tranh cho các vấn đề đó.
Niềm vui của tôi đến tột đỉnh khi chúng tôi “tiếp quản” trường đaị học năm 1974. Tôi nhớ là nhà lãnh đạo tối cao của đất nước chúng tôi (Yang Di-Pertuan Agong), ngài Azlan Shah, lúc ấy được yêu cầu đứng ra dàn xếp tình hình. Cuối cùng, vào ngày 08-12-1974, tiến sĩ Mahathir Mohamad, hồi ấy là Bộ trưởng Bộ Giáo dục, đã can thiệp bằng Lực lượng quân dự bị của Liên bang và tất cả vụ việc đã kết thúc.
Tổng thư ký Hội sinh viên tìm được cách trốn ra nước ngoài (sau 20 năm tha hương, gần đây ông ấy mới được phép trở về nước). Hai thành viên của Hội đã bị Bộ Nội vụ bắt giữ và bỏ tù. Một thành viên khác bị cắt học bổng chính phủ ngay ngày hôm sau.
Đó là cái giá quá đắt cho “sự thành công” mà chúng tôi đạt được!
Vậy liệu ta có thể nói gì về những việc mà ta đã trải qua? Đó là những giây phút “cao quý”, “tuyệt vời”, “kỳ thú”, “gian khổ” hay “khó khăn”?
Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là cuộc sống của chúng tôi đã không còn như trước. Tương lai của hai người bạn đồng đội với tôi đã bị vết nhơ. Tôi không biết đích xác sự việc bi thảm ấy đã tác động đến họ như thế nào – liệu những lý tưởng mà họ theo đuổi có còn được lưu giữ trong những trái tim khổ đau của họ không?
Trước khi rời trường, tôi đã thề với nhóm bạn của mình sẽ không bao giờ trở lại Đại học Malaya nữa. Tôi sẽ thành công ngoài xã hội. Đó là vào năm 1975. Vì đã chứng kiến những điều tôi làm được ở trường nên họ tin tưởng vào điều tôi nói. Hết năm học thứ ba, tôi rời trường với tấm bằng cử nhân khoa học. Kết quả học tập của tôi không đủ để học tiếp năm sau lấy bằng danh dự. Không sao, tôi nghĩ, ai cần nó cơ chứ, dù thế nào đi nữa tôi cũng sẽ thành công!
Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng một tổ chức nào đó sẽ có tương lai tốt đẹp nếu nhận tôi vào làm. Ban đầu, thông qua mối quan hệ của một người bạn, trước đây là thầy giáo của tôi, tôi chọn ngay cho mình việc dạy học tạm thời ở quê nhà. Đối với tôi, thế giới thực sự của mình là khu vực kinh tế tư nhân. Vì vậy, tôi đã lần lượt xin hết việc này đến việc khác. Tôi không biết liệu tấm bằng đại cương của tôi sẽ hợp với công việc nào. Tôi chỉ biết rằng mình có thể đóng góp sức lực cho nơi nào thuê mình. Nhiều lần tôi bị từ chối vì tôi “không có kinh nghiệm”. Và tôi bắt đầu băn khoăn về việc làm thế nào một người có thể tìm được việc làm đầu tiên trong đời nếu tiêu chuẩn là phaỉ có kinh nghiệm. 6 tháng, rồi 9 tháng trôi qua, tôi vẫn chưa có việc làm. Tôi bắt đầu cảm thấy mất tự tin. Tôi bắt đầu vỡ mộng, tinh thần suy sụp. Tương lai thật ảm đạm. Có phải lúc nào nó cũng sẽ diễn ra như thế này? Cuối cùng, tôi bước sang một giai đoạn mới khi nghe theo lời khuyên của em gái tôi là nên học để lấy bằng về giáo dục. Dường như tấm bằng đại cương của tôi không đủ “chuyên nghiệp” nên khó xin được việc. Vì vậy, tôi được trường mà các bạn đã biết, Đại học Malaya, nhận vào học để lấy bằng giáo dục. Không phải tôi không đủ can đảm để học nữa nhưng làm sao tôi có thể gặp lại những người bạn mà trước đây tôi đã thề với họ là sẽ không bao giờ trở lại trường nữa. Tôi sợ “mất mặt” nên đành đi trễ 2 tuần để tránh chạm mặt họ.
Hễ hết giờ là tôi vội vã trở về nhà, không còn là “người nổi tiếng” như trước đây nữa. Mỗi ngày, sau giờ lên lớp, tôi ở lì một mình trong căn phòng thuê nhỏ bé của mình. Một bữa nọ, lúc sắp xếp lại sách vở, tôi tình cờ gặp lại quyển sách “Nghĩ đến sự giàu có và làm giàu”. Thú nhận, tôi đã quên béng nó suốt cả năm trời. Một nỗi tức giận và bối rối thoáng qua tâm trí tôi: “Tôi đã học và áp dụng những nguyên tắc trong sách như thế nào mà giờ này tôi vẫn còn ở đây, ở trường đại học này thay vì làm được việc lớn lao ở thế giớí bên ngoài? Liệu tôi có bỏ sót điều gì không?”. Vậy là tôi bắt đầu đọc lại, không chỉ một lần mà nhiều lần như tác giả đề nghị. Tôi đọc hết ngày này sang ngày khác cho đến khi một người bạn cùng trường ở phòng bên cạnh thấy tôi quá mê quyển sách này nên đã mách cho tôi biết nó đã được ghi âm trong một cuộn băng. Sự tò mò trỗi dậy, tôi liền nhờ anh ấy sang dùm một cuốn vì cho tới lúc đó, tôi vẫn chưa biết đến cuốn băng ấy. Tôi nghe cuốn băng hết ngày này sang ngày khác theo lời khuyên của Earl Nightingale, người đã ghi âm quyển sách. Sau cùng, cũng người bạn ấy, khi thấy tôi quá mê mải với cuốn băng, đã tiết lộ với tôi là đang có một cuộc hội thảo về quyển “Nghĩ đến sự giàu có và làm giàu”. Hội thảo diễn ra trong 3 ngày, 2 dêm và phí tổn mỗi người phải trả là 60 RM (tương đương 15 USD). Buổi hội thảo ấy tên: “Dám trở nên vĩ đại”. Một cái tên hay tuyệt! Vào thời điểm năm 1976, 60 đồng RM (16 USD) là một số tiền tương đối lớn đối với một sinh viên. Nhưng dù sao đi nữa, tôi cũng phải tham gia bằng được. Tôi đến ký túc xá sinh viên và chơi bài poker với vài sinh viên ở đó và như thể định mệnh đã sắp đặt, tôi thắng nhiều ván và có đủ tiền tham dự hội thảo.
Ở đây, tôi không thể mô tả tỉ mỉ điều gì đã xảy ra với tôi suốt 3 ngày hội thảo. Nhưng tôi cố gắng viết ra tất cả những gì mà người hướng dẫn hôm ấy giới thiệu.
Khi kết thúc buổi hội thảo, tôi đã trở thành một người khác. Không gì có thể ngăn nổi sự xúc động của tôi cũng như phát hiện mới về bản thân tôi. Không thể dùng lời để mô tả hết cảm giác của tôi lúc ấy. Tôi đang ở trên đỉnh của thế giới. Thế giới thật vĩ đại! Mọi thứ sẽ trở nên vĩ đại! Vâng, tôi là người vĩ đại nhất! Lúc đó tôi mới hiểu tại sao võ sĩ Muhammad Ali cứ hô to: “Tôi là người vĩ đại nhất” mỗi khi bước lên võ đài. Tôi cũng có cùng cảm giác như thế.
“Hàng ngàn vĩ nhân đã khởi nghiệp như những thợ cắt tóc, những ông hàng thịt, người làm công nhật, thợ nề, thợ xây, thợ mộc, thợ mỏ than, người hầu, chủ quán rượu, thợ làm bánh mì, tá điền nghèo và quân nhân. Những con người lỗi lạc này xuất thân từ đám đông, đạt được một danh tiếng lâu dài và vững chấc bởi việc sử dụng thiên tài của mình, cái mà tất cả của cải trên thế giới cũng không mua nổi.”
Ngày hôm sau, suýt chút nữa tôi bỏ học. Tôi có một sứ mệnh! Đó là việc mà tôi phải chia sẻ với thế giới. Vì thế, sau khi “ép” một số bạn thời thơ ấu của mình tham dự hội thảo, vào tháng giêng năm 1977, chúng tôi bắt đầu thành lập Tập đoàn Fortiss Sdn. Bhd., một công ty bán hàng trực tiếp với số vốn góp của mỗi thành viên là 1000 RM (263 USD). Tôi trở thành Giám đốc điều hành của công ty. Nếu không ai cho bạn việc làm, hãy tự tạo việc làm cho mình! Phải chăng chúng ta học đại học cho đến khi ra trường chỉ để tìm việc làm? Nếu đúng như thế thì ai sẽ là người tạo ra việc làm cho những người không tốt nghiệp đại học kém may mắn hơn ta?

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.