Dấn Thân

LỜI TỰA CỦA BÀ TÔN NỮ THỊ NINH



NGUYÊN Đại sứ Việt Nam tại Liên minh Châu Âu và Bỉ; Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội

Kể từ hoạt động đối ngoại đầu tiên của tôi khi cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tham gia Hội nghị Quốc tế của Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Thế giới ở Berlin, Đông Đức năm 1975, tôi đã có “duyên nợ” với sự nghiệp nữ quyền. Nữ quyền là câu chuyện chung xuyên lục địa và xuyên thế hệ. Đó là lý do vì sao tôi nhận lời viết phần giới thiệu cho bản tiếng Việt của tác phẩm Lean In – Dấn thân. Mặt khác, chúng ta đều biết Sheryl Sandberg, cái tên đã trụ vững trong danh sách 50 người phụ nữ quyền lực nhất thế giới của tạp chí Fortune trong suốt 4 năm qua, do đó trước khi đọc quyển sách này, tôi có phần e ngại nó chỉ tạo được sự đồng cảm từ phía một số ít những phụ nữ may mắn nhất – những người vốn dĩ đã vươn lên được đến đỉnh cao trong sự nghiệp.
Thế nhưng khi đọc xong quyển sách, tôi có thể khẳng định rằng Dấn thân hướng đến hầu hết mọi độc giả và kể một câu chuyện gần gũi, tương đồng với những khó khăn, phấn đấu và cảm xúc hàng ngày của đa số phụ nữ, bất kể họ ở địa vị nào. Tôi đồng tình với hai nhận xét thẳng thắn của tác giả cuốn sách: ” Sự thật thẳng thừng là đàn ông vẫn đang lãnh đạo thế giới” ‘ và “Cuộc cách mạng (đòi hỏi bình đẳng giới) của chúng ta đã chựng lại rồi”. Tác giả của cuốn Dấn thân không hề tìm cách quảng bá hình ảnh cá nhân mình; thay vào đó, cô đã chuyển tải thông điệp mạnh mẽ về bình đẳng giới một cách giản dị, mọi người đều có thể chia sẻ. Vượt qua ranh giới quốc gia, văn hóa, Sheryl Sandberg đã “nói” được câu chuyện Nữ quyền một cách rộng rãi cho phụ nữ các tầng lớp, và dễ dàng đi vào tâm trí của cả nam giới.
Lean in – Dấn thân là tinh thần mà Sheryl Sandberg muốn kêu gọi: từng phụ nữ hãy vươn lên phát triển tiềm năng, phát huy đầy đủ nhất khả năng của mình, tránh lối tư duy và tinh thần yên vị vốn đã ăn sâu trong tâm thức phụ nữ. Quyền lực của người phụ nữ không phải là tham vọng tìm kiếm những đặc lợi của quyền lực cứng, mà là sự nỗ lực tạo quyền năng cho bản thân dựa vào nội lực và giá trị cốt lõi của mỗi cá nhân và từ đó lan tỏa ảnh hưởng. Sheryl Sandberg nhắn nhủ chúng ta: Phụ nữ hãy dám ngồi vào bàn lãnh đạo.

Đồng thời, Sheryl cũng thừa nhận rằng chúng ta không chỉ nên “phá” trần, mà phải nâng cả mức sàn. Ý của cô là cần cùng lúc khuyến khích ngày càng nhiều lãnh đạo nữ xuất hiện và quan tâm đến quyền lợi số đông phụ nữ. Ở Việt Nam, tôi lại thấy có xu hướng chú ý nâng sàn nhiều hơn. Đương nhiên để giải quyết được cả hai đòi hỏi này đặt bài toán con gà – quả trứng: thay đổi thể chế, hoàn cảnh trước – hay thay đổi trong tự thân người phụ nữ (suy nghĩ, thái độ, tâm lý,…)trước. Hiển nhiên câu trả lời sẽ là: cần thay đổi cả hai cùng một lúc, vì cả hai quá trình đều cần thiết và hỗ trợ lẫn nhau. Tuy nhiên, tác giả cũng đặt vấn đề rõ ràng rằng quyển sách này tập trung vào việc thay đổi tư duy và hành vi của phụ nữ.
Tôi thấy có một số điểm “gặp nhau” thú vị bất kể sự khác biệt văn hóa, kinh tế – xã hội giữa hai đất nước: Mỹ và Việt Nam. Nổi trội nhất là những nhìn nhận rập khuôn gần như phổ quát về tính chất và vai trò của nam và nữ. Những rập khuôn đó là sự kềm hãm đối với phụ nữ. Tại Việt Nam, việc ca ngợi những đức tính truyền thống của phụ nữ đôi khi khiến người phụ nữ trở thành tù binh trong chính lâu đài được dát vàng của mình. Nói đến phụ nữ, người ta thường đề cao sự dịu hiền, nặng tình cảm, tinh thần hy sinh…:điệp khúc đó âm thầm “bài trừ” những người phụ nữ hành xử khác với những chuẩn mực ấy và hàm ý họ thiếu nữ tính. Tôi không thuộc tuýp phụ nữ dịu hiền, nhưng tôi tin tưởng rẳng tôi rất nữ tính. Thực chất, tôi nhận thấy sự rập khuôn đó là một dạng”định kiến ngọt ngào” kìm hãm sự phát triển của nữ giới.

Dù tại Việt Nam, Hoa Kỳ hay nơi nào khác trên thế giới, phụ nữ khi đã tham gia công việc xã hội luôn đứng trước thách thức phải cân đối nhiệm vụ gia đình – sự nghiệp. Liệu việc kêu gọi phụ nữ “giỏi việc nước, đảm việc nhà” theo cách truyền thống có chất thêm gánh nặng cho phụ nữ? Tôi thấy lời kêu gọi này thiếu công bằng, lỗi thời. Chính vì vậy tôi thấy rất mừng khi được nghe một đấng nam giới – Giáo sư Tô Duy Hợp, Giám đốc Trung tâm Khoa học Tư duy – lên tiếng phản đối việc áp đặt khẩu hiện phụ nữ “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Ông cho rằng phải là cả đàn ông và phụ nữ cùng giỏi việc nước, đảm việc nhà. Nói cách khác phụ nữ nên thoát khỏi sự ám ảnh phải vươn tới một sự hoàn hảo phi lý do xã hội áp đặt. Thay vào đó, phụ nữ hay phấn đấu phát huy hết tiềm năng, và đạt đến sự toại nguyện bền vững.

Tôi cũng từng có lúc bị vướng phải sự cầu toàn như vậy. Thời đó dù rất bận rộn công việc và hoạt động xã hội, tôi mất nhiều thời gian cho việc tự tay dọn dẹp sửa soạn nhà cửa sạch sẽ tinh tươm và hoàn toàn ngăn nắp, thời gian mà lẽ ra tôi có thể dành cho bản thân. Cho đến một ngày, tình cờ tôi đọc được trên tạp chí Time bài viết của một nữ doanh nhân. Bà kể bà đã tự giải thoát khỏi khát khao muốn làm cho nhà cửa luôn bóng lộn như khách sạn 5 sao, và ngày nay bà cảm thấy hạnh phúc hơn nhiều và thật sự hưởng thụ cuộc sống gia đình êm dịu trong một căn nhà ít ngăn nắp hơn. Kể từ đó tôi đã giải phóng cho mình khỏi loại áp lực cầu toàn đó.
Một sự thật khác xuyên biên giới cũng được Sheryl nêu ra là sự mong muốn của phần lớn phụ nữ được mọi người quý mến yêu thích. Có một thực tế là: đàn ông thành công thường được cả hai giới yêu thích, nhưng phụ nữ thành công thường không được chị em yêu thích. “Học cách chống chọi với chỉ trích là điều cần thiết cho phụ nữ”. Theo tôi, khi bị chỉ trích, chúng ta cứ tự tại, việc mình mình bình tĩnh làm, tự tin tiếp tục con đường đã chọn.
Sheryl còn cho rằng phụ nữ thành công thường ngại lên tiếng cho quyền lợi của giới. Thay vì nói lên tiếng nói phụ nữ đối với nam giới, họ lại thường tự chế ngự cảm xúc bản thân để tìm cách hòa đồng với môi trường làm việc do nam giới chi phối. Kỳ thực những phụ nữ này không nhận ra rằng cảm xúc giữ vai trò thúc đẩy, tác động tới quyết định của cả nam giới, chứ không chỉ riêng của phụ nữ. Rập khuôn máy móc: Đàn ông – Lý trí, Phụ nữ – Cảm xúc cơ bản là không đúng thực tế. Cả phụ nữ và nam giới cần phải thoát khỏi kiểu nhận thức đóng khung xưa cũ đó.
Bên cạnh nhiều điểm tương đồng, cũng có những khác biệt trong tình hình bình đẳng giới của Việt Nam và Hoa Kỳ. Một khác biệt lớn là tuổi nghỉ hưu chênh lệch giữa nam giới (60) và phụ nữ (55). Vốn được xem là chính sách ưu tiên cho phụ nữ ở Việt Nam trong những năm 1960, chủ trương này đã áp đặt một “bức trần về tuổi” đối với cơ hội cho phụ nữ được bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ và đề bạt, gây lãng phí năng lực và tài năng tại các cơ quan. Mặt khác, tôi tin rằng cần tránh quan điểm giản đơn, trắng – đen trong bình đẳng giới, không phải cái gì cũng phải máy móc 50- 50 giữa hai giới. Như tác giả đã khẳng định phụ nữ phải hưởng cơ hội theo đuổi nghề nghiệp “phi truyền thống” (đối với phụ nữ) nhưng không nên chạy theo định mức áp đặt nhân danh bình đẳng giới.
Việt Nam còn phải phấn đấu mới đạt được mức tiến bộ như một số nước ở Bắc Âu – có cả chính sách cho người cha nghỉ để chăm con. Tuy nhiên Việt Nam đã có bước tiến như nâng thời gian cho phụ nữ nghỉ thai sản lên 06 tháng. Tôi ngạc nhiên về tâm lý phụ nữ trong giới quản lý lãnh đạo ở Mỹ thường ngần ngại tận hưởng chính sách bảo hiểm xã hội. Bản thân Sheryl Sandberg khi sinh con cũng phải “lén lút” khi muốn rời văn phòng vào 5h chiều, hầu như vì mặc cảm là muốn dành đủ thời gian cho gia đình.
Một khác biệt nữa là lời khẳng định của Sheryl rằng ở Mỹ, cô không biết phụ nữ nào là lãnh đạo thành công mà chồng không ủng hộ. Điểm này có thể do đàn ông Mỹ sẵn lòng tham gia công việc gia đình hơn. Tại Việt Nam, hình như dư luận xã hội vẫn cho rằng phụ nữ thành đạt thường gặp khó khăn trong việc giành được sự ủng hộ của chồng và duy trì hạnh phúc gia đình. Thế nên tôi đồng tình với Sheryl Sandberg rằng quyết định then chốt nhất đối với hạnh phúc phụ nữ là lựa chọn người bạn đời: đó phải là sự lựa chọn đúng đắn, đã chọn thì phải chọn “trúng”.
Không thể không đề cập khía cạnh ảnh hưởng của lịch sử và văn hòa đối với bình đẳng giới. So với các nước Đông Bắc Á như Nhật, Hàn Quốc…thì Việt Nam có truyền thống dân chủ hơn và ít gia trưởng hơn. Tôi nghĩ có một phần do truyền thống của những nữ anh hùng lịch sử như Bà Trưng, Bà Triệu…; cũng như việc phụ nữ tích cực làm ruộng, tư duy văn hóa bình đẳng trong dân gian như “đồng vợ đồng chồng tát biển Đông cũng cạn,”…đã tạo nên những giá trị bình đẳng giới của phụ nữ Việt Nam. Phải nói rẳng trong hoạn nạn, chiến tranh, thiên tai, phụ nữ đóng một vai trò quan trọng. Thế nhưng đồng thời tôi cho rằng để có bình đẳng giới, phải thay đổi tư duy, thái độ, hành xử của đàn ông chứ không chỉ nữ giới, vì di sản văn hóa phong kiến còn ảnh hưởng khá nhiều trong tâm trí đàn ông Việt.
Phụ nữ càng lên cao càng phải thể hiện trách nhiệm với đồng đội nữ và thế hệ phụ nữ đi sau. Việc có một người phụ nữ đứng đầu thôi chưa đủ: tại một số nước Châu Á, Tổng thống hoặc Thủ tướng có thể là phụ nữ, nhưng họ thường là những phụ nữ xuất thân từ những gia tộc chính trị hoặc thuộc tầng lớp thượng lưu, ít đại diện cho tiếng nói của số đông phụ nữ.
Tôi rất tán thành với Sheryl Sandberg rằng:”Những thành quả xã hội không bao giờ là thứ được ban cho, mà chúng ta phải giành lấy chúng.” Tôi còn muốn nhấn mạnh thêm là những thành tựu phải liên tục được đề cao, củng cố, và phát huy tiếp. Chúng ta không thể tự mãn khoanh tay. Có thể lấy Việt Nam làm ví dụ: Việt Nam dù đã đi trước trong số các nước đang phát triển trong vấn đề bình đẳng giới (là một trong những nước đầu tiên đưa vấn đề bình đẳng giới vào hiến pháp), tỉ lệ phụ nữ tham gia Quốc hội đạt 27,3% trong Nhiệm kỳ XI (2002-2007) mà tôi tham gia Quốc hội, nhưng đến kì bầu cử 2011 tỉ lệ đó đã tụt xuống 24,4 %.
Sheryl Sandberg tin rằng:”Một thế giới thật sự bình đẳng là nơi mà phân nửa các thể chế sẽ do phụ nữ lãnh đạo và phân nửa các gia đình do đàn ông lãnh đạo…Điều đó sẽ mang lại một thế giới tốt đẹp hơn.” Về điểm này, tôi muốn nói lại hơi khác:”…và tất cả các gia đình chúng ta sẽ được cả nam và nữ đồng lãnh đạo. Vợ-chồng, cha-mẹ cùng chia sẻ, hợp sức và có trách nhiệm cùng nhau gầy dựng gia đình.”
Để kết thúc phần lời tựa, tôi xin được nói rằng, cũng giống như Sheryl Sandberg, tôi tự hào và tự tin khi khẳng định tôi là một người phụ nữ phấn đấu cho bình đẳng giới. Đó là vì chính bản thân chúng ta, vì bao người phụ nữ khác, vì một thế giới ngày mai tốt đẹp hơn cho tất cả chúng ta – cả nam và nữ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.