Đánh Thức Con Người Phi Thường Trong Bạn

CHƯƠNG 25



“Một tia lửa nhỏ làm bùng lên một ngọn lửa ghê gớm”. -DANTE
Quá nhiều người cảm thấy mình bất lực và vô nghĩa trước các vấn đề xã hội và các biến cố xảy ra trên thế giới, vì họ nghĩ rằng cho dù họ có làm mọi điều chính đáng trong cuộc sống cá nhân của họ, thì sự an toàn của họ vẫn lệ thuộc hành động của những người khác. Họ cảm thấy sợ hãi trước sự tràn lan của những băng nhóm hiếu chiến và tội phạm bạo lực, hoang mang vì sự bất lực hoàn toàn của chính quyền, đau buồn vì nạn vô gia cư và mù chữ và lo lắng vì tình trạng nóng lên của trái đất cũng như vì nguy cơ nhiều loài bị tuyệt chủng trên hành tinh chúng ta. Đó là những con người mang tâm trạng bi quan. “Cho dù tôi có sống đời sống cá nhân và gia đình của tôi tử tế, thì cũng có ích gì? Chỉ cần một kẻ nắm quyền điên rồ ấn một chiếc nút thôi thì cả thế giới này sẽ bị tiêu tan!”.
Loại hệ thống niềm tin này tạo nên cảm giác bất lực không thể kiểm soát và tạo thay đổi ở bất kỳ mức độ đáng kể nào và tất nhiên dẫn tới tình trạng vô vọng tiêu biểu qua câu nói, “Vậy thì cố gắng mà làm gi?”.
Không có gì làm què quặt khả năng hành động của con người hơn tình trạng vô vọng này. Đó là trở ngại hàng đầu ngăn cản chúng ta thay đổi đời sống hay có hành động để giúp người khác thay đổi đời sống. Từ đầu sách đến giờ, chúng ta đã không ngừng khẳng định thông điệp này: Chúng ta ngay lúc này có sức mạnh để điều khiển cách suy nghĩ, cách cảm nhận và việc làm của chúng ta. Chính những quyết định và hành động hằng ngày của từng người chúng ta sẽ thực sự tạo nên những thay đổi, nếu mỗi cá nhân chúng ta lãnh lấy trách nhiệm của mình. Để có thể tạo nên những thay đổi toàn diện và sâu rộng trong đời sống cá nhân chúng ta cũng như trong vận mệnh chung của thế giới, chúng ta cần quyết tâm không ngừng cải thiện cuộc sống của cá nhân cũng như của thế giới.
Giải pháp cao nhất
Theo bạn nghĩ, trên bình diện quốc gia và thế giới, đâu là yếu tố chung trong tất cả các vấn đề mà chúng ta phải đối diện hôm nay? Từ con số mỗi ngày một tăng nhanh những người không có nhà ở cho tới tỉ lệ tội phạm lên cao, những thâm thủng ngân sách trầm trọng và tình trạng suy thóai của hệ sinh thái, câu trả lời là chính thái độ của con người là nguyên nhân khơi dậy mọi vấn đề và từng vấn đề. Vì thế, giải pháp cho mỗi vấn đề là phải thay đổi thái độ của chúng ta. Điều này đòi hỏi chúng ta thay đổi cách đánh giá hay làm các quyết định của mình.
Một ví dụ có mức độ toàn cầu về những hệ quả dài hạn của các quyết định, đó là nạn đói và thiếu lương thực hiện đang cướp mất sinh mạng hàng triệu con người trên khắp thế giới. Tổ chức Y Tế Thế Giới đã chứng minh rằng trái đất có khả năng nuôi sống mọi người, thế nhưng mỗi ngày vẫn có 40,000 trẻ em chết đói. Tại sao? Rõ ràng chúng ta có đủ tài nguyên, nhưng có một điều gì đó bị sai khủng khiếp, không chỉ qua cách thức phân phối lương thực của chúng ta, mà còn qua cách thức chúng ta sử dụng các tài nguyên của mình.
Chúng ta rút ra được kết luận nào về điều này? Điều đáng mừng là một khi chúng ta nhận ra được cội rễ của mọi vấn đề là ở thái độ của con người và ở những quyết định của con người, thì chúng ta biết rằng chính chúng ta là người có thể thay đổi hiện trạng đó. Chúng ta biết rằng, điều duy nhất chúng ta tuyệt đối làm chủ được, đó là thế giới nội tâm của mình- chính chúng ta quyết định ý nghĩa cho sự vật. Bằng hành động của mình, chúng ta truyền đạt những giá trị và niềm tin sâu xa nhất của mình và qua ảnh hưởng rộng khắp của các phương tiện đại chúng, ngay cả những hành động đơn sơ nhất của chúng ta cũng có sức ảnh hưởng và lay chuyển mọi người của mọi quốc gia.
Bạn có thể hỏi, “Một người có thể làm gì để thực sự biến đổi thế giới?” Hầu như mọi sự! Chỉ duy một điều có thể hạn chế ảnh hưởng của bạn mà thôi, đó là trí tưởng tượng và quyết tâm của bạn. Lịch sử thế giới là một bằng chứng về những gì đã xảy ra do hành động của một số nhỏ những người bình thường nhưng có những quyết tâm cao độ biến đổi thế giới. Đó là những cá nhân đã làm những chuyện nhỏ bé nhưng làm một cách phi thường. Họ đã quyết định rằng cần phải thay đổi điều gì đó, rằng chính họ phải là người làm chuyện này và họ có thể làm được. Thế là họ tập trung hết sức lực thực hiện và kiên trì cho tới khi họ tìm ra cách để công việc của họ hoàn thành. Những con người này chúng ta gọi là những anh hùng.
Mọi người chúng ta bẩm sinh đã có khả năng để trở thành anh hùng, để làm những hành vi táo bạo, dũng cảm và những cử chỉ cao thượng hầu làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn cho người khác, cho dù trước mắt nó đòi hỏi sự hi sinh đau khổ của bản thân mình. Khả năng làm những hành vi đúng đắn, dám có một lập trường và dám thay đổi hiện đang có sẳn nơi bạn. Câu hỏi đặt ra là: Khi thời cơ đến, liệu bạn có nhớ mình là một anh hùng và đáp ứng một cách vô vị lợi để nâng đỡ những ai cần đến bạn không?
Nhiều người ngưỡng mộ mẹ Têresa và tưởng rằng bà sinh ra đã là anh hùng rồi. Họ cho rằng bà là một người đàn bà tâm linh siêu việt và là con người bản chất phi thường trong các quyết tâm và sự cống hiến vị tha cho người nghèo. Rõ ràng bà là người phụ nữ có lòng dũng cảm và cảm thông sâu sắc, nhưng mẹ Teresa cũng có những lúc nguy kịch để xác định vai trò của bà như một trong những vĩ nhân có những cống hiến to tát nhất trong thời đại chúng ta. Mẹ Têresa đã không bắt đầu cuộc đời của mình với công việc cứu giúp người nghèo. Thực vậy, bà đã trãi qua suốt 20 năm dạy dỗ các trẻ em của những gia đình giàu có nhất ở Calcutta, Ấn Độ. Hằng ngày bà vẫn đi qua những khu ổ chuột chung quanh vùng dân cư khá giả của thành phố mà bà làm việc, nhưng bà không bao giờ nghĩ đến chuyện vượt ra khỏi tầm ảnh hưởng nhỏ bé hiện có của mình.
Một đêm, khi bà đang đi trên phố, bà nghe tiếng kêu cứu của một phụ nữ. Chính giây phút người phụ nữ này hấp hối trong cánh tay bà là lúc đã mãi mãi thay đổi cuộc đời của Mẹ Têresa.
Nhận thấy tình trạng nguy kịch của người đàn bà kêu cứu, Mẹ đưa vội chị ta đến bệnh viện. Nhân viên bệnh viện bảo mẹ ngồi đợi. Mẹ biết rằng người phụ nữ này sẽ chết nếu không được cấp cứu, nên Mẹ phải đưa chị ta đến một bệnh viện khác. Ở đây cũng thế, người ta bảo Mẹ đợi; đẳng cấp xã hội thấp của người phụ nữ đã khiến người ta coi chị không quan trọng bằng những bệnh nhân khác. Cuối cùng, mẹ Têresa thất vọng đưa chị về nhà mình. Ngay đêm hôm đó, chị đã chết an bình trong vòng tay yêu thương của Mẹ Têresa.
“Thời điểm quyết định” cuộc đời Mẹ Têresa đã điểm: đó là giây phút mẹ quyết định với mình rằng, trong khả năng của mẹ sẽ không còn để cảnh này diễn ra cho một người nào khác nữa. Từ giây phút đó trở đi, mẹ đã quyết định hiến trọn đời mình để xoa dịu nỗi khổ đau quanh mẹ và dù họ sống hay chết, họ sẽ sống hay chết xứng với phẩm giá con người. Mẹ sẽ đích thân làm mọi điều có thể để cho những người này được đối xử tử tế hơn trước kia, với tình thương và sự kính trọng mà mọi ngưởi đều có quyền được hưởng.
Thách đố của cảnh vô gia cư
Chúng ta ý thức rằng nơi mỗi con người chúng ta đều có sẳn tia lửa của đức tính anh hùng đang đợi được quạt lên để bừng cháy, vậy chúng ta phải làm cách nào để đối phó với một vấn đề xã hội khổng lồ như cảnh vô gia cư đang diễn ra trên khắp thế giới? Chìa khóa thứ nhất để thay đổi tình trạng này là chính chúng ta phải vươn tới một tiêu chuẩn cao hơn. Chúng ta phải quyết định rằng mình không thể chấp nhận để cho có quá nhiều người, đàn ông cũng như đàn bà, trẻ con cũng như người già, bị vứt ra ngoài đường phố như những cặn bã của xã hội.
Mỹ là một quốc gia thuộc hàng giàu nhất thế giới, thế mà tỷ lệ dân số vô gia cư không phải là nhỏ. Các cuộc điều tra dân số không thể cho con số chính xác có bao nhiêu người vô gia cư, vì thực ra, bản chất của cảnh vô gia cư là những con người liên hệ không có một địa chỉ. Người ta ước tính rằng ở Mỹ có ít là 3 triệu người vô gia cư, hay khoảng 1% người không có nhà cửa phải sống ngoài đường hay trong những túp lều lụp sụp.
Chìa khóa thứ hai để đối phó với vấn đề này là thay đổi những niềm tin của chúng ta. Chúng ta phải bỏ thái độ tin rằng đây là những vấn đề rắc rối muôn thuở mà các cá nhân dù có muốn cũng chẳng thể làm gì được. Thái độ lực bất tòng tâm này phải được phá vỡ bằng cách chấp nhận niềm tin rằng mỗi cá nhân chúng ta có thể tạo sự thay đổi và trong thực tế, mọi phong trào đổi mới lớn đều được thực hiện bởi những cá nhân có ý chí dấn thân.
Một niềm tin nữa chúng ta phải thay đổi, đó là niềm tin rằng sở dĩ những người vô gia cư sống trong hoàn cảnh như thế là vì tất cả họ bị “rối lạon tâm thần”. Các số liệu thống kê cho thấy chỉ có khoảng từ 16 tới 22 phần trăm người vô gia cư là mắc một hình thức tâm bệnh nào đó.
Vậy thì đâu là nguyên nhân chính của cảnh vô gia cư? Ngoài nguyên do tâm thần nói trên, các lý do thường được kể gồm việc giá nhà ở tăng trong khi thu nhập giảm, chứng nghiện rượu hay ma túy và đời sống gia đình tan vỡ. Tất cả những lý do nêu trên đều chính đáng. Nhưng đàng sau tất cả những lý do đó là các hệ niềm tin. Dù sao, cũng có vô số người đã trãi qua những sự tàn phá của rượu và ma túy, đã mất hết nhà cửa hay không làm ra đủ tiền để trả tiền thuê nhà và không bao giờ được hưởng một đời sống gia đình ổn định- thế nhưng họ không bao giờ trở thành vô gia cư.
Sự khác biệt ở chỗ nào? Tất cả đều là ở những niềm tin, những giá trị cơ bản và ở tính cách của mỗi người. Nhiều người sống ngoài đường phố có thể tự coi mình là “vô gia cư”, nhưng những người khác lại thấy mình chỉ “tạm thời không có nhà cửa”. Vì thế họ cố tìm giải pháp và sẽ tìm ra được lối thoát để trở về với nếp sống truyền thống.
Để tạo ra sự biến đổi lâu dài cho cá nhân người vô gia cư, cần phải có sự thay đổi tính cách của người đó. Đây là con đường duy nhất để tạo sự thay đổi lâu bền nơi thái độ của họ.
Thách đố của tệ nạn băng nhóm bạo lực
Tuy rằng tình trạng phạm pháp ở người lớn là một vấn đề bức bách, nhưng chúng ta cũng cần đối diện vấn đề tội phạm của thanh thiếu niên. Chúng ta nghĩ thế nào về những vụ giết người vô lý diễn ra hằng ngày trong các thành phố do những băng nhóm thanh thiếu niên? Tính chất dữ tợn lì lợm của hai băng nhóm có nguồn gốc từ Los Angeles rồi lan tràn khắp nước Mỹ – băng Crisps và băng Bloods – đã cướp đi biết bao sinh mạng người trong thành phố khiến hầu hết chúng ta phải rùng rợn và hốt hoảng không biết phải đối diện với vấn đề này ra sao. tuy nhiên, tôi nghĩ một trong các việc đầu tiên chúng ta phải làm là tác động để cho những băng nhóm này suy nghĩ lại về những nguyên tắc hành động của họ. Cần nhớ rằng, mọi hành động của chúng ta đều bắt nguồn từ những niềm tin cốt yếu về những gì chúng ta phải làm và không được làm.
Mới đây tôi được đọc một đoạn trích của một cuốn sách viết về đời sống hằng ngày của nh84ng băng tội phạm. Đây là một đoạn về một lớp học cải tạo. Khi những học viên (thành viên của băng tội phạm) được hỏi tại sao chúng có thể giết một người, chúng đọc ra vanh vách một tràng 37 lý do, trong đó có những lý do sau đây làm tôi giật mình: Nếu có ai nhìn tôi ra vẻ giỡn chơi, nếu có ai hỏi tôi ở đâu, xin tôi một đồng, nếu có ai đi đứng buồn cười, nếu có ai đụng vào miếng bánh tôi đang cầm, nếu có ai cắt tóc tôi xấu.
Với những nguyên tắc sai lạc như thế – những nguyên tắc mà hầu như không một ai khác trong xã hội chấp nhận- không lạ gì những thanh thiếu niên này là những con người nhẹ dạ. Họ có nhiều lý do để giết người hơn bất kỳ ai khác và vì thế họ hành động theo các nguyên tắc của họ. Tuy nhiên, điều làm tôi phấn khởi, đó là nhân viên quản giáo đã hiểu rõ sức mạnh của những câu hỏi để làm suy yếu cả những niềm tin mạnh mẽ nhất. Ông hỏi, “Trong số những lý do này, bạn muốn chết vì lý do nào?” Nói cách khác, nếu bạn biết rằng vì giết một người do vụ hớt tóc xấu mà bạn cũng chết, liệu bạn có vẫn giết người đó không?
Dùng câu hỏi này, ông đã làm cho họ đánh giá lại những nguyên tắc của họ và nghiền ngẫm lại tầm quan trọng của chuyện mà trước đó họ coi là đáng để giết người. Khi ông đã xong tiến trình nêu những câu hỏi này, những phạm nhân trẻ đã thay đổi hẳn những nguyên tắc cơ bản của họ.
Qua phương pháp hỏi và trả lời câu hỏi, “Lớp học” này đã thuyết phục được rất nhiều trẻ phạm pháp để họ thay đổi lối sống. Nó làm suy yếu những niềm tin tai hại trước kia của họ cho tới khi họ không còn chắc chắn về chúng nữa. Chúng ta nên nhớ rằng, mọi thái độ có thể được thay đổi nhờ thay đổi các niềm tin, giá trị, nguyên tắc và tính cách.
Thách đố đối với môi trường của chúng ta
Vấn đề môi trường ngày nay đã trở thành mối quan tâm của mọi quốc gia và của chung nhân loại. Sau bốn năm liên tiếp có thời tiết nóng nhất từ trước tới nay, người ta đã trở nên hết sức lo lắng về tình trạng nóng dần lên của trái đất- hiện tượng gây nên bởi lượng khí carbon dioxid dư thừa bị hấp thụ bởi tầng ôzon, gây nên sự gia tăng nhiệt độ. Những nguyên nhân chính là gì? Một nguyên nhân là những chất Flurocarbon có trong các máy điều hòa không khí và các bình xịt. Một nguồn gốc khác nữa của tình trạng trái đất nóng lên là nạn phá rừng. Rừng chiếm một tỉ lệ đáng kinh ngạc là 80% cây xanh của trái đất và thiết yếu đối với hệ sinh thái của chúng ta.
Cây cối hấp thu những khí độc của lượng carbon dioxid dư thừa mà chúng ta thải vào trong khí quyển, rồi biến đổi nó thành khí oxygen cho chúng ta hít thở. Cây cối làm hồi xuân trái đất: không có cây cối, đời sống trên trái đất không thể tồn tại như chúng ta thấy hôm nay. Các cây rừng cũng cung cấp một môi trường cho vô số chủng loại động vật và côn trùng trên thế giới. Khi đốt rừng, không những chúng ta phá hoại cây cối tạo oxy và môi trường sinh sống của các loài động vật và thực vật, mà chúng ta còn thải vào trong không khí một lượng khổng lồ carbon dioxid và làm tăng nhanh hiệu quả nguy hiểm của việc trái đất nóng lên.
Bạn có muốn ngăn chặn nạn phá rừng không? Bạn có muốn giúp cân bằng lại hệ sinh thái của chúng ta không? Ngoài việc đóng góp tài chánh cho các tổ chức môi trường như Greenpeace, điều có tác dụng mạnh nhất bạn có thể làm là nhận thức rằng thái độ sử dụng bừa bãi hành tinh của chúng ta sẽ làm chúng ta đau khổ. Việc tẩy chay sử dụng thịt cá ngừ đã có tác dụng hiệu quả trong công nghiệp, nó cũng có tác dụng trong lãnh vực môi trường. Đây không phải chuyện tiền bạc. Chính trái đất đang có nguy cơ bị hủy diệt.
Một vấn đề lớn nữa chúng ta lo lắng là nạn đói trên thế giới. Với 60 triệu người chết đói mỗi năm trên thế giới, rõ ràng đã đến lúc chúng ta phải xét lại cách thức chúng ta sử dụng tài nguyên của chúng ta. Hãy nhớ rằng mọi quyết định đều kéo theo hậu quả và nếu chúng ta không hiểu biết ảnh hưởng dài hạn đối với hành tinh của chúng ta, chúng ta sẽ làm những quyết định sai lầm. Mỗi ngày có 40 ngàn trẻ em chết đói, những rõ ràng chúng ta có thể nuôi chúng nếu chúng ta biết sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn. Hiển nhiên chúng ta vẫn còn phải đương đầu với những thách đố chính trị về việc phân phối, nhưng chắc chắn lương thực thì không thiếu. Sau cùng, một trong những nguồn tài nguyên chúng ta đang phá hoại là lớp đất màu trên mặt đất. Thiên nhiên cần 500 năm để tạo ra 3 centimet đất màu, thế mà hiện nay cứ 16 năm chúng ta làm mất đi 3 centimet. Không có đất màu, lượng sản xuất lương thực sẽ mất và đời sống chúng ta cũng sẽ biết mất.
Nếu bạn có một lập trường, không những bạn sẽ ngưng tham gia vào việc hủy hoại môi trường, mà bạn còn tạo ảnh hưởng đối với lề lối của những ngành kinh doanh gây thiệt hại đến môi trường.
Hãy giáo dục con cháu bạn, hướng dẫn bằng gương sáng
Giống như với những thách đố khác, những vấn đề môi trường của chúng ta đòi hỏi sự giáo dục và hành động để tạo thay đổi. Tiếc thay nhiều người nghĩ rằng giáo dục là việc của nhà trường và khi tốt nghiệp xong – thậm chí trước khi tốt nghiệp – họ khỏi cần học gì nữa!
Vậy chúng ta có thể làm gì để tạo sự thay đổi?
Chúng ta có thể giữ một vai trò tích cực trong việc xác định chất lượng giáo dục con em chúng ta. Nhưng quan trọng hơn hết, chúng ta phải giáo dục con em chúng ta về những hậu quả của hành động của chúng. Chúng ta phải làm chúng ý thức về ảnh hưởng của chúng trên bình diện cá nhân và tập thể. Đừng bao giờ để chúng rơi vào não trạng cho rằng các hành động của chúng chẳng có hệ quả gì. Ngược lại, như chúng ta đã học trong cuốn sách này, mỗi quyết định và hành động của chúng ta, cho dù là nhỏ bé, vẫn dẫn tới những hậu quả sâu rộng. Và bạn hãy chứng minh cho chúng thấy điều đó bằng gương sáng của bạn.
Sự cống hiến
Nhiều năm trước, tôi đã quyết định coi việc cống hiến không phải một sự bó buộc, mà là một cơ hội để cho lại điều chúng ta đã nhận. Hồi tôi 11 tuổi, năm ấy gia đình tôi không đủ tiền để tổ chức bữa tiệc mừng Lễ Tạ Ơn và có một tổ chức từ thiện đã đem đến cho chúng tôi bữa ăn đó. Kể từ dạo ấy, việc giúp đỡ những người nghèo đói và vô gia cư đã trở thành một sứ mệnh mà tôi dâng hiến cả đời mình để thực hiện. Kể từ năm 18 tuổi, hằng năm cứ đến Lễ tạ Ơn là tôi chuẩn bị những giỏ thức ăn đem đi tặng những gia đình túng thiếu. Cũng từ năm đó, lần đầu tiên tôi gia nhập tổ chức hỗ trợ nhà tù Chino. Qua việc phục vụ cộng đồng, tôi trở thành một nhà từ thiện, một người thực sự muốn tạo nên sự thay đổi, một người đầy nhiệt tình cống hiến. Điều này làm tôi thêm hãnh diện, làm cá tính tôi phong phú và cũng giúp tôi thêm khả năng để cho người khác nhiều hơn. Nó cũng giúp tôi khuyến khích những người khác cũng làm như mình.
“Chỉ những ai học được sức mạnh của việc cống hiến chân thành và vô vị lợi mới cảm nghiệm được niềm vui sâu xa nhất: Sự sung mãn đời mình”.
-ANTHONY ROBBINS
Nếu một người nữ tu đơn sơ như mẹ Têresa Calcutta, đơn sơ, nghèo nàn không có của cải gì ngoài đức tin và lòng tận tụy của bà, đã có thể đem lợi ích đến cho biết bao nhiêu người nghèo khổ, thì chắc chắn bạn cũng như tôi đều có thể đối diện với những thách đố chúng ta gặp hàng ngày. Nếu Ed Roberts có thể chống cự được với những đau đớn của căn bệnh bại liệt và phải thở bằng máy của mình để thức dậy tươi tỉnh mỗi buổi sáng và nghĩ ra cách thay đổi thái độ của cả nước đối với những người tàn tật – và ông đã thành công – thì bạn và tôi cũng có thể là những anh hùng như thế. Nhiều khi chúng ta không biết sự việc rồi sẽ dẫn chúng ta đến đâu, nhưng chúng ta hãy cứ tin vào trực giác của mình và trao ban tất cả tấm lòng của mình: chúng ta sẽ vô cùng ngạc nhiên vì những sự kỳ diệu sẽ xảy ra.
Nếu bạn quyết tâm dành ra một hay hai giờ đồng hồ mỗi tháng để cống hiến cho người khác, nó sẽ làm phong phú tính cách của bạn và bạn chắc chắn sẽ trở nên “loại người” biết thực sự quan tâm, biết hành động để tạo sự biến đổi. Bạn sẽ không còn gặp vấn đề rắc rối nào trong công việc của mình nữa, vì bạn đã thấy những vấn đề đích thực là gì rồi. Những buồn bực bạn nghĩ là sẽ cảm thấy vì bị thua lỗ trong công việc làm ăn của bạn hôm nay sẽ tan biến khi bạn đưa tay dìu một người què cụt lên giường, hay khi bạn ôm ấp một đứa trẻ bị AIDS trong cánh tay của bạn.
“Một ngày nào đó, sau khi chúng ta đã làm chủ được bão táp, sóng biển, thủy triều và trọng lực, chúng ta sẽ trang bị cho Tạo Hóa những năng lượng của tình yêu. Lúc ấy, lần thứ hai trong lịch sử thế giới, con người lại khám phá ra lửa”.
-TELHARD DE CHARDIN
 
HẾT

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.