dao kề gáy

Cô con gái Huân tước Edgware



Về đến nhà, chúng tôi thấy có một bức thư đề ngoài bì gởi ông Poirot và do người đem thư đến. 

– Gì thế này, Hastings? Một bức thư từ âm phủ gửi đến à? 

Anh bóc, lấy thư ra đưa tôi. 

Trên đầu trang ghi địa chỉ 17 đại lộ Regent Gate. Thoạt nhìn thấy nét chữ viết rất đẹp, nhưng nhìn kỹ thì thấy rất khó đọc. Nhưng rồi tôi cũng đọc được : 

Thưa ông kính mến, 

Tôi được tin ông đã đến nhà tôi sáng nay, cùng với một thanh tra cảnh sát. Tôi xin lỗi đã không tiếp ông được. Nếu không thấy phiền, chiều nay xin ông dành cho tôi gặp ít phút. Vào giờ nào tùy ông quyết định. 

Trân trọng. 

GERALDINE MARSH 

Tôi thốt lên : 

– Lạ thật. Cô ta muốn gặp làm gì? 

– Anh hỏi tôi đấy à? Anh chẳng lịch sự chút nào. 

Poirot có cái kiểu đùa rất không hợp thời, vào những lúc không khí căng thẳng nhất. Rồi anh nói : 

– Nhân tiện ta đến đó ngay bây giờ, được không, Hastings? 

Cách quy kết vội vã, thiếu suy nghĩ của bà Jane Wilkinson càng ngày tôi càng thấy vô lý. Phải là người suy nghĩ không bình thường mới có thể nghi cô Geraldine Marsh là hung thủ giết cha cô. 

Tôi thổ lộ suy nghĩ đó với Poirot. 

– Vấn đề là ở khối óc, anh bạn ạ. Anh bảo Jane Wilkinson có khôi óc của loài chim… Tuy nhiên anh thử quan sát loài chim xem, chúng thực hiện tuyệt vời chức năng sinh tồn của chúng. Nữ nghệ sĩ xinh đẹp Jane Wilkinson dốt về lịch sử, địa lý, không biết đến các nhà văn cổ điển. Cái tên Lão Tử chỉ gợi lên trong óc bà ta một con chó bông nòi Bắc Kinh trong cuộc triển lãm chó. Còn Molière thì làm bà ta cho là tên một hiệu may. Nhưng trong việc chọn quần áo, việc kiếm một ông chồng giầu có, hoặc việc thỏa mãn những lợi ích cá nhân thì bà ta là bậc thầy. Tôi không coi ra gì ý kiến một triết gia về hung thủ đã giết Huân tước Edgware, nhưng ý kiến của bà Jane Wilkinson thì tôi lại thấy cần chú ý bởi cách suy nghĩ của bà ta dựa trên lợi ích vật chất, trên tâm lý thấp kém nhất của bản chất con người. 

– Có thể anh có lý. 

Poirot nói tiếp : 

– Đến nơi rồi. Tôi nóng lòng muốn biết tiểu thư Geraldine muốn nói gì với chúng ta đây. 

Tôi muốn trêu anh một chút : 

– Chỉ là cô Geraldine ấy muốn giáp mặt con người độc nhất vô nhị trên thế giới đấy thôi. 

Poìrot vừa bấm chuông ngoài cổng vừa lạnh lùng đáp : 

– Rất có thế là như thế. 

Người quản gia ra mở công rồi dẫn hai chúng tôi lên phòng tiếp khách lớn ở tầng hai. Vài phút sau, Geraldine bước vào. 

Đó là một thiếu nữ cao, mảnh mai, cặp mắt đen và sâu, lần này gây ấn tượng đối với tôi còn mạnh hơn lần trước. Tuy tuổi còn trẻ nhưng cô đã có vẻ nghiêm trang và chín chắn. 

– Ông rất tốt đã đáp ứng ngay đề nghị của tôi, thưa ông Poirot. Tôi vô cùng lấy làm tiếc sáng nay không được gặp ông.

– Tiểu thư còn ngủ phải không? 

– Vâng. Cô Carroll, thư ký của cha tôi, yêu cầu tôi phải nằm nghỉ. Cô ấy rất tốt bụng. 

Tôi cảm thấy giọng nói của Geraldine không phản ánh đúng ý nghĩ thật trong lòng cô. 

Poirot hỏi : 

– Tôi có thể giúp gì tiểu thư? 

Geraldine ngập ngừng một chút. 

– Chiều hôm qua, trước lúc xảy ra vụ án, ông có đến gặp cha tôi phải không ạ? 

– Đúng thế, thưa tiểu thư. 

– Để làm gì vậy? Hay cha tôi mời ông đến? 

Poirot im lặng, hẳn anh bạn tôi chưa nghĩ ra có nên trả lời hay không. Bây giờ nhớ lại thì tôi nghi thái độ đó của Poirot chính nhằm thúc đẩy cô gái kia nói. 

– Thưa ông Poirot, hay cha tôi linh cảm thấy chuyện gì và cha tôi lo sợ? Cha tôi lo lắng chuyện gì vậy? Cha tôi nói gì với ông? Xin ông cho tôi biết những điều đó. 

Vẻ lạnh lùng ban đầu của Geraldine đột nhiên biến mất. Cô dướn người về phía trước, hai bàn tay nắm chặt vẻ nóng lòng chờ đợi câu trả lời. 

Cuối cùng Poirot lên tiếng : 

– Nội dung cuộc trao đổi giữa cha tiểu thư và tôi là riêng tư, chỉ giữa hai người, nên tôi không thể kể ra được. 

Mắt anh bạn tôi vẫn không rời mắt cô gái. 

– Nếu vậy, hẳn nội dung trao đổi ấy liên quan đến nội bộ gia đình tôi. Ôi, ông im lặng khiến tôi rất khổ tâm, thưa ông Poirot. Tôi rất muốn biết để còn liệu cách xử sự. Tôi van ông. Ông hãy cho tôi biết. 

Poirot giả vờ như rất bôi rối. Anh lắc đầu. 

– Thưa ông Poirot, tôi là con và tôi cần biết cha tôi lo sợ ai, lo sợ cái gì? 

Poirot dịu dàng hỏi : 

– Tiểu thư yêu ông Huân tước lắm phải không? 

Cô gái bật lùi lại, như vừa bị ai giáng một đòn. 

– Ông hỏi tôi có yêu cha tôi không ấy ạ?.. Tôi… tôi… 

Đột nhiên cô mất tự chủ, phá lên cười, một cái cười gần như của kẻ điên dại. 

Cánh cửa bật mở và cô thư ký Carroll bước vào. 

– Kìa, Geraldine! Cô đã cấm cháu không được cười kiểu như thế kia mà? Im ngay! Im ngay lập tức! 

Giọng quyền uy của cô thư ký đã có tác dụng. Geraldine trấn tĩnh lại được, lau nước mắt rồi thẳng người dậy, hạ giọng nói khẽ : 

– Cháu xin lỗi. Cháu có bao giờ cười như thế đâu? Vừa rồi do cháu mất tự chủ đấy thôi. 

Ngồi thẳng lưng trong ghế xa lông, Geraldine không nhìn ai. Cô chua chát nói : 

– Tại ông ấy lại hỏi cháu có yêu cha cháu không? 

Ngừng một chút, Geraldine nói tiếp : 

– Nghe câu hỏi ấy, cháu thấy không biết nên trả lời thật hay nói dốì. Tất nhiên cháu cần nói thật. Không, tôi không yêu cha tôi. Thậm chí tôi còn căm ghét cha tôi. 

– Kìa, Geraldine! 

– Tại sao phải giấu diếm? Cô không phải căm ghét cha cháu vì cô không có lý do gì để ông ấy muốn gạt cô ra. Cô là một trong những người bên ngoài tầm ngắm của ông ấy. Cô coi ông ấy là ông chủ, trả lương cho cô đều đặn và hậu hĩ. Những cơn thịnh nộ và những lời đe nẹt hung hãn của ông ấy không làm cô quan tâm. Cháu thừa biết trong bụng cô nghĩ gì rồi. “Mỗi người mỗi tính, mỗi người có một nỗi đau riêng”. Cô là người phụ nữ có nghị lực và mạnh mẽ. Hơn nữa, cô muốn lúc nào ra khỏi cái nhà này cũng được, không ai ngăn cản cô, trong khi cháu thì muốn ra cũng không được. 

– Geraldme! Cô thấy cháu không cần phải kể chi tiết ra như thế. Mối bất hòa giữa cháu và cha cháu ai chẳng biết, cho nên càng ít nhắc đến càng tốt. 

Geraldine quay lưng lại cô thư ký, hướng về phía Poirot : 

– Thưa ông Poirot, đúng là tôi căm ghét cha tôi! Cái chết của ông ấy khiến tôi được giải thoát, tôi không còn bị phụ thuộc. Tôi không quan tâm đến việc tìm ra hung thủ. Chắc chắn hắn phải có những lý do mạnh mẽ để tiến hành vụ án mạng kia. 

Poirot nói : 

– Thưa tiểu thư Geraldine, tôi thấy thái độ của tiểu thư có phần… nguy hiểm đấy. 

– Nhưng nếu tìm ra hung thủ thì có làm cha tôi sống lại không? 

– Không, tất nhiên. Nhưng sẽ ngăn được cái chết của nhiều người vô tội khác. 

– Tôi chưa hiểu rõ lắm. 

– Nếu hung thủ trong vụ án này không bị phát hiện và trừng trị, hắn rất có thể gây ra những vụ án khác. 

– Tôi không tin… ít ra cũng không tin một người có trí óc bình thường lại nghĩ và làm như thế. 

– Có nghĩa theo cô thì hung thủ phải là một kẻ mắc bệnh tâm thần? Cô lầm rồi. Kẻ giết người lần đầu thường phải trải qua một cuộc đấu tranh tư tưởng dữ dội và kéo rất dài. Thế rồi vì sợ bị phát hiện, hắn lại gây một án mạng thứ hai, lần này dễ dàng hơn, rồi đến án mạng thứ ba. Chẳng bao lâu, biến thành thói quen. Thậm chí hắn coi giết người là trò giải trí, một cái thú. 

Geraldine ôm mặt. 

– Khủng khiếp quá!.. Nhưng ông nói không đúng! 

– Thế nếu tôi nói cho cô biết rằng tên hung thủ do muốn thoát khỏi cái án tử hình đã gây thêm một vụ án mạng thứ hai thì sao? 

Cô thư ký Carroll kêu lên : 

– Ông nói gì vậy, ông Poirot? Lại mới có một vụ án mạng nữa ạ? Ở đâu? Nạn nhân là ai? 

Poirot lắc đầu. 

– Xin lỗi, tôi chỉ định nói thí dụ thế thôi. 

– Vậy mà tôi đã tưởng… Geraldine, cô hy vọng cháu sẽ thôi không nói những điều thiếu suy nghĩ như lúc nãy nữa. 

Poirot nói với cô thư ký : 

– Tôi thấy là tiểu thư đồng ý với tôi, thưa tiểu thư Carroll. 

– Tôi chỉ không tán thành án tử hình thôi còn mọi thứ khác ông nói tôi đều tán thành. Xã hội cần được bảo đảm an ninh. 

Geraldine đứng dậy, hất làn tóc ra sau gáy. 

– Xin lỗi, vừa rồi ông cho tôi là một con điên. Thưa ông Poirot, vậy ông vẫn từ chối không cho tôi biết cha tôi mời ông đến gặp để làm gì ạ? 

Cô thư ký Carroll sửng sốt hỏi : 

– Huân tước mời ông Poirot đến gặp? 

– Tiểu thư hiểu sai câu tôi nói, thưa tiểu thư Geraldine. Tôi đâu bảo tôi từ chối không trả lời câu tiểu thư hỏi. Tôi chỉ nghĩ xem câu chuyện giữa cha tiểu thư và tôi mang tính tâm sự riêng tư đến mức nào. Mà không phải ông Huân tước mời tôi đến, mà chính tôi xin được gặp ngài, do một khách hàng phụ nữ nhờ tôi đến gặp… Người khách đó chính là Huân tước phu nhân, bà Jane Wilkinson. 

– Ôi, tôi hiểu. 

Mặt Geraldine lộ ra một vẻ rất lạ. Thoạt đầu tôi nghĩ đó là sự thất vọng, nhưng sau đó tôi thấy đấy là sự nhẹ bổng trong lòng. 

Geraldine chậm rãi nói : 

– Tôi ngốc quá. Cứ đinh ninh cha tôi linh cảm thấy một nỗi đe dọa nào đối với ông ấy. 

Cô thư ký Carroll nói : 

– Thưa ông Poirot, ông có biết vừa rồi ông đã làm tôi sửng sốt không, khi ông nói cứ như người đàn bà kia đã gây một vụ án mạng thứ hai? 

Poirot không trả lời câu hỏi, mà quay sang Geraldine : 

– Tiểu thư có cho rằng bà Jane Wilkinson là hung thủ không? 

– Không, tôi không tin là như thế. Tôi cho rằng bà ta không có gan làm chuyện ấy. Bà ta quá… nói thế nào nhỉ… quá hời hợt, nông cạn. 

Cô Caroll nói chen vào : 

– Tôi thì cho rằng, ngoài bà ta ra không còn ai khác. 

Geraldine nói : 

– Chưa nhất thiết đã là bà ta. Rất có thể bà ta đến đây để nói một câu nào đó với cha tôi rồi ra ngay. Hung thủ hẳn phải là một kẻ mất trí, hắn có thể vào sau đó. 

Cô thư ký Carroll nói : 

– Tất cả các hung thủ đều là những kẻ mắc bệnh, do bị rối loạn các tuyến nội tiết. 

Đúng lúc đó một người đàn ông trẻ tuổi bước vào. Anh ta đứng sững lại, ngơ ngác. 

– Xin lỗi. Tôi không biết nhà có khách. 

Geraldine giới thiệu, giọng lạnh lùng như cái máy : 

– Thưa ông Poirot, đây là anh họ tôi, ông Ronald Edgware. Anh vào đi, anh không làm phiền ai đâu. 

– Em nói thật đấy chứ? Chào ông Poirot. Bộ óc siêu đẳng của ông làm sáng tỏ được gì cho sự bí mật đang bao trùm lên gia đình chúng tôi chưa? 

Tôi đang cố nhớ lại xem đã nhìn thấy khuôn mặt này ở đâu, khuôn mặt tròn và đỏ ửng, đã xuất hiện hai cái túi nhỏ bên dưới mắt với hàng ria mép cắt ngắn ở giữa nhưng để dài hai bên miệng. 

Thôi đúng rồi! Chính là anh chàng tháp tùng nữ diễn viên Carlotta Adams buổi tôi hôm bà Jane Wilkinson mời Poirot và tôi lên ăn tốì trong phòng bà ta tại khách sạn Savoy 

– Đại úy Marsh… nay là Huân tước Ronald Edgware.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.