Đất Khách Quê Người

CHƯƠNG 14



Larry bắt đầu mở mắt nhìn rõ và thấm thía cuộc đời hơn, từ khi có đứa con thứ hai và công việc tại Sở Đường Sắt rút xuống chỉ còn ba ngày một tuần. Nó cũng không còn mơ mộng hão huyền về bản thân.
Một sáng chủ nhật trên đường đi thăm người bạn, hai vợ chồng đang đứng chờ xe điện nơi góc phố, Louisa nắm tay đứa lớn, Larry bồng đứa bé trên tay. Nó chợt thấy thằng Gino đứng bên kia đường. Trên khuôn mặt đen đúa, bướng bỉnh của em nó, là một ánh nhìn ngỡ ngàng, đầy buồn rầu, thương hại. Nó ngoắc tay gọi em và khi thằng bé bước qua đường, Larry nhớ ngày nào Gino còn nhỏ xíu, nghiêng nghiêng đầu nhìn anh Larry hiên ngang trên lưng ngựa. Nó mỉm cười bảo em:
– Gino thấy chưa, lấy vợ là te tua vầy nè.
Larry đâu biết rằng lời nói đùa của nó đeo đuổi Gino suốt đời. Louisa, mặt nhăn nhó bảo hai anh em:
– Sao, không thích cảnh vợ con à?
– Nói đùa chút mà.
Larry ha hả cười trả lời vợ. Nhưng Gino nghiêm trang nhìn chị dâu và vẫn đứng với anh chị cho đến khi tàu điện tới. Larry tự nhủ, thằng bé đã lớn rồi, bằng tuổi nó mình đã phải đi làm, nó hỏi em;
– Gino, lên trung học rồi, học hành thế nào?
– Cũng được.
Larry cùng vợ con lên tàu điện. Gino vẫn đứng nhìn theo khi tàu chuyển bánh.
Lướt trên con đường sắt, xa dần thằng em trong buổi sáng chủ nhật trời trong, lạnh lẽo, Larry cảm thấy một nỗi mất mát, như cuộc đời nó chẳng còn gì. Và chính buổi sáng đó, cuộc gặp gỡ đó, khoảnh khắc suy tư đó đã lái đời nó sang một ngã mới, bỏ lại công việc bên đường sắt với tám năm thâm niên, tưởng sẽ gắn bó suốt đời.
Một buổi sáng tuần sau đó, Larry đến cửa hàng Panettiere mua bánh ăn điểm tâm. Công việc bên đường sắt vẫn chậm rì, đêm qua nó lại nghỉ. Thằng Guido, con ông chủ lò bánh, ria mép lún phún, mừng rỡ khi thấy Larry. Nó đã nghỉ học, ở nhà phụ ba trong lò bánh. Nó hỏi Larry đúng giọng dân làm ăn:
– Larry, cậu muốn bắt một việc ngon lành không?
– Muốn chớ.
Larry cười cười trả lời ngẫu nhiên, tuy nó vẫn chưa có ý định thôi việc bên đường sắt.
Guido kéo nó vào buồng trong. Ba nó đang ngồi trước ly rượu, chuyện trò với một người đàn ông. Người này chắc chắn là dân Ý, nhưng trang phục đúng kiểu Mỹ rất chững chạc, tóc cắt ngắn, cà vạt nhỏ, màu sắc hài hoà trang nhã.
Guido lên tiếng:
– Larry, đây là bác Zi Pasquale.
Guido chỉ tay về Larry.
– Đây là Larry, bạn cháu. Larry mà cháu đã nói với bác đó.
Larry sướng đỏ cả mặt vì biết được bạn bè nhắc tới. Nó không biết ông này là bác thằng Guido thật, hay chỉ là cách gọi một người bạn thân của gia đình. Nó toét miệng cười, bắt tay ông ta thật chặt. Ông chủ lò bánh bảo:
– Ngồi xuống đi cháu.
Ông rót cho nó một ly rượu, Larry cười lớn:
– Cháu không biết uống rượu. Cho cháu tách cà phê được rồi.
Nó thấy ông Di Lucca Zi Pasquale lim dim nhìn nó như một ông bố người Ý đang dò xét, đánh giá chàng trai đến xin cưới con gái ông ta.
Guido rót thêm rượu cho khách và rót cà phê cho Larry, nói:
– Ba, bác Zi Pasquale bảo là bác đang tìm một nhân viên mới, phải không bác? Cháu tìm cho bác đúng người rồi đó. Bác có nhớ những gì cháu đã kể về bạn cháu không?
Hai ông già nhìn nó tủm tỉm cười. Ba nó đưa hai tay lên như bảo không biết, còn ông kia nhún vai, chẳng có vẻ Ý chút nào. Nhưng ông ta lại hỏi ông chủ hàng bánh bằng tiếng Ý:
– Cậu bé này khá không?
Ba thằng Guido như miễn cưỡng trả lời:
– Tàm tạm.
Mấy người ngó nhau cười. Hai ông vừa nhâm nhi vừa mồi điếu xì gà. Tất cả đều thấy Larry đã gây được ấn tượng với di Lucca.
Larry đã từng quen với chuyện này. Nó biết nó có nụ cười và phong cách làm đàn ông, đàn bà đều yêu quý nó. Và nó cũng biết nó càng tỏ ra khiêm tốn lại càng được yêu thích.
Ông Lucca hỏi:
– Cháu có thích làm việc với ta không?
Đây mới là lúc Larry cần vận dụng đức tính của nó, bản năng mách bảo phải “diễn” cách nào đối với những con người đặc biệt như vầy. Đây là một câu hỏi riêng tư. Anh có tôn trọng tôi không? Có đáng là sếp, là người cha thứ hai, người cha đỡ đầu cho anh không? Nếu bây giờ vội vàng hỏi vớ vẩn: làm gì, bao nhiêu tiền, ở đâu, khi nào, ra sao, có gì bảo đảm không, là hỏng bét. Mọi chuyện coi như chấm dứt.
Vì vậy mặc dù chưa có ý định bỏ việc bên đường sắt với tám năm công vụ, nhưng bản chất tế nhị, không muốn làm mất lòng ai, Larry nói rất nhiệt tình, chân thật:
– Được làm với bác là sung sướng quá rồi.
Pasquale di Lucca vỗ hai tay bồm bộp. Mắt ông ta sáng ngời đầy thích thú lẫn ngạc nhiên
– Này, lạy Chúa tôi, ở cái đất Mỹ này mà vẫn còn những người Ý nuôi dạy con cái được như chú em đây sao?
Guido khoái trá cười hô hố. Ôngchủ lò bánh mặt tươi rói. Larry thì vẫn giữ nụ cười tủm tỉm đầy nhũn nhặn.
Pasquale rút ra một bó tiền, đưa cho Larry ba tờ hai chục:
– Đây là lương tuần đầu của cháu. Ngày mai, cháu đến văn phòng bác và bắt đầu nhận việc. ăn mặc chỉnh tề, cà vạt đàng hoàng, nhưng đừng loè loẹt nhé. Gọn gàng, tươm tất như Mỹ, như bác đây này. Địa chỉ văn phòng bác đây.
Ông ta đưa cho Larry tấm danh thiếp, rồi ngả mình phì phà điếu xì gà. Larry ngạc nhiên đến nỗi chỉ biết lắp bắp cám ơn. Số tiền này lớn gấp đôi lương bên đường sắt, kể cả những khi làm đủ giờ.
Thằng Guido hãnh diện nói:
– Đó, bác thấy cháu có nói sai đâu.
Ông bác gật gù đồng ý.
Người uống rượu, kẻ uống cà phê. Lúc này, Larry mới hỏi han về công việc. Di Lucca giảng giải Larry sẽ là nhân viên thu tiền cho nghiệp đoàn làm bánh. Khu vực trách nhiệm của nó rất êm ả, trật tự. Nếu làm việc tốt, nó sẽ được cất nhắc lên một công việc béo bở hơn. Ông ta cũng cho biết, không chỉ người làm công, mà cả chủ lò bánh cũng phải đóng nguyệt liễm cho nghiệp đoàn, thậm chí ở mức cao hơn. Larry cũng phải có sổ kế toán đàng hoàng như một nhân viên bảo hiểm vậy, phải tỏ ra khôn khéo, đừng tiếc thời gian làm quen, gây tình thân thiện với mọi người, không bao giờ nhậu nhẹt trong giờ làm việc, không được lăng nhăng với mấy con bé của các lò bánh. Công việc căng đấy, như vậy mới xứng với đồng lương chứ.
Di Lucca uống cạn ly rượu, đứng dậy bắt tay Larry nói:
– Gặp cháu mười giờ sáng mai nhé.
Ông chia tay chủ nhà, vò má thằng Guido, ông nói rất trìu mến:
– Cố giúp ba cháu nhé. Ba cháu dễ dãi quá, như Mỹ vậy. Nhưng nếu cháu có gì lộn xộn, bác Zi Pasquale này sẽ tới ngay, cho cháu biết thế nào là lễ độ.
– Bác yên tâm, khỏi phải lo cho cháu.
Guido vừa cười nói vừa ôm cánh tay ông, tiễn ông ra cửa. Ông ta cũng cười lớn bảo:
– Lấy vợ đi chứ, tìm con bé người Ý ngoan ngoãn để nó đỡ đần việc nhà.
Khi trở vào, Guido nhảy nhót chung quanh Larry:
– Cậu thành công rồi. Ngon lành rồi. Chỉ độ hai năm là cậu có thể mua được nhà bên Long Island thôi. Bác Zi Pasquale của con đâu có tệ, phải không ba?
Ông Panettiere khề khà uống hết ly rượu rồi thở dài bảo:
– Lorenzo, bây giờ là lúc chaú học hỏi về cuộc đời, để trở thành một người đàn ông thực sự rồi đấy.
Vậy là Larry bắt đầu một đời sống thoải mái hơn. Nó ngủ đẫy giấc, ăn trưa ở nhà rồi đánh một vòng qua mấy lò bánh trong khu trách nhiệm của nó. Đám chủ lò Ý dễ chịu nhất, luôn mời nó bánh và cà phê, mấy cha Ba Lan cau có quạu quọ nhưng rồi cũng khoái tính nết nó. Tuy nhiên, nó không la cà nhậu rượu nặng với mấy cha này. Vậy mà mấy cha Ba Lan vẫn khoái, vì mỗi khi có mặt Larry, các em gái Ba Lan vào uống cà phê mê tít, ngồi đồng cho tới khi anh Larry tiếp tục nhiệm vụ sang cửa hàng bánh khác. Thỉnh thoảng, nó còn mượn đỡ buồng sau, hú hí một tí. Nó biết tay chủ lò cũng kiếm chác tí ti với các con bé, nên rất vui lòng.
Các tay chủ lò gốc Ý đóng tiền cho nghiệp đoàn chẳng hề thắc mắc, vụ này họ đã quá quen từ khi còn ở quê nhà. Nhờ cha cố đọc bức thư cũng phải biếu vài chục trứng gà. Nhờ anh thư ký xã hướng dẫn làm lá đơn cũng mất chai rượu. Còn cánh Ba Lan chi tiền vì cảm tình riêng với nó. Larry chỉ gặp rắc rối với đám chủ gốc Đức.
Nó cảm thấy mấy tay chủ Đức làm khó, chỉ vì chúng không muốn đóng tiền cho một thằng người Ý. Ít khi chúng mời Larry ly cà phê, miếng bánh, hay chuyện trò thân mật với nó. Chúng chi tiền như ném trả cho một tay bán bánh hay sữa dạo vậy. Chuyện mời nhau ly cà phê không đáng kể, vì suốt ngày nó phải uống quá nhiều rồi. Nhưng thái độ của mấy tay chủ này làm nó có cảm tưởng như là một gangster đi tống tiền.
Nhưng có vẻ chính vì duy nhất một lão chủ Đức mà nó có cảm tưởng như vậy. Thằng cha này làm ăn phát đạt nhất, vì từ bánh mì, bánh sinh nhật, các loại kẹo của cửa hàng lão tuyệt ngon. Vậy mà Larry không thu được của lão một đồng. Nó báo cáo với ông Di Lucca, ông lại chỉ nhún vai:
– Cố gắng vài tháng xem sao, rồi cho bác biết.
Nó rất ngại đến cửa hàng lão Hooperman. Thằng cha người Đức béo lùn này coi Larry chẳng ra gì, lão bỡn cợt nó như một thằng nhãi ranh. Lần nào đến cũng vậy, trước khi ra khỏi cửa hàng, bao giờ Larry cũng phải mua ít kẹo bánh, chẳng những do kẹo bánh nhà lão làm ngon nhất thành phố, mà vì nó muốn nấn ná chuyện trò, gây mối cảm tình với nó.
Cho tới lúc này công việc rất tốt đẹp. Vì Larry đã hiểu mọi chuyện, nó biết phần hành xử cô nó sẽ phải làm gi để thu bằng được tiền của lão lùn, nhưng nó cố né tránh vai trò đó. Nó bỏ tiền túi đóng tiền cho công đoàn thay lão ta, để tránh rắc rối và giữ chỗ làm. Như thế cũng tạm ổn. Nhưng rồi thêm hai thằng cha Đức khác, ăn theo lão lùn, chúng cười đểu bảo muốn thu tiền, đợi tuần tới nhé. Larry đã nghĩ chắc phải trở về việc cũ bên đường sắt mất.
Rồi một hôm nó đi qua cửa hàng lão Hooperman, rẽ góc phố, nó thấy ngay một đồn cảnh sát. Thảo nào thằng khốn kiếp can đảm vậy. Có cớm cận kề bảo kê rồi mà. Larry cố tính toán để giải quyết vấn đề. Nếu không thu được tiền của lão lùn thì chỉ còn nước trở lại đồng lương chết đói bên đường sắt.
Chỉ còn một cách, nó sẽ đợi khi nào thấy Hooperman một mình sẽ hù lão, đích thân ông Zi Pasquale di Lucca sắp tới để lão biết Larry là người của ai. Nếu lão không sợ, không đóng tiền, Larry đành bỏ việc. Trở thành một tay gangster ư? Bà chị Octavia của nó sẽ cười rú lên, còn mẹ nó sẽ nện nó thẳng cánh bằng cây Tackeril bằng gỗ. Chán thật, tất cả chỉ tại lão lùn đầu bò mà ra.
Đảo tới đảo lui cả giờ, thấy cửa hàng lão vắng hoe, Larry bước vào. Con bé bán hàng đứng sau quầy gật đầu chào. Larry đi thẳng vào buồng trong, nơi từng dãy bàn bày những khay bánh kẹo. Lão lùn cùng với hai thằng cha từng chơi trò xỏ lá với Larry hôm trước, đang bù khú nói cười hô hố. Trước mặt chúng là một bình bia và ba cái ly to đùng.
Vừa thấy mặt Larry, cả ba rú lên cười lớn hơn. Nó cảm thấy tủi nhục, cay đắng. Vì nó biết ba gã kia đang nghĩ gì về nó: nó chỉ là thằng nhỏ đang tập tễnh làm người lớn, chỉ vì có vợ và hai con.
Lão lùn cố nín cười, bảo:
– Chà chà, anh thu ngân đây rồi! Hôm nay định thu bao nhiêu? Mười, hai mười hay năm mươi đô la? Đây sẵn sàng rồi này.
Lão móc túi ra một nắm tiền lẻ nhầu nát. Larry cố bình tĩnh nói:
– Ông không phải đóng tiền cho tôi nữa. Tôi chỉ đến báo để ông biết là ông đã bị ra khỏi nghiệp đoàn này thôi.
Hai gã kia nín bắt, nhưng lão lùn không hề bối rối, lão hét lên:
– Tao chưa từng vào cái nghiệp đoàn của chúng mày. Tao ỉa vào cái nghiệp đoàn ấy. Tao không đóng tiền, không cho mày uống cà phê chùa, tao đếch cần cái nghiệp đoàn nhà mày, hiểu chưa?
– Tôi đã đóng nguyệt liễm thay cho ông. Một người làm bánh ngon như ông, tôi không muốn ông bị rắc rối.
Lão chỉ ngón tay vào mặt Larry, ấm ức nói:
– Đồ du đãng, đồ ăn hại, lười biếng. Mày hù tao không xong, lại giở trò ân nghĩa hả? Sao mày chỉ muốn ăn cướp tiền bạc, miếng ăn của tao. Tao đầu tắt mặt tối mười mấy tiếng một ngày để phải cúng tiền cho chúng mày à? Đi! Ra khỏi cửa hàng của tao ngay!
Larry sững sờ vì vẻ thách thức của lão, bước vội ra khỏi buồng. Nhưng nó cố trấn tĩnh và để lộ ra không hề khiếp sợ, dừng lại quầy hỏi mua một ổ bánh bột bắp, một cái bánh phô mai. Con bé bán hàng cầm hộp đường rắc lên mấy cái bánh.
Lão Hooperman từ phía trong hét toáng lên:
– Không bán cho thằng điếm này!
Lão lạch bạch chạy ra, đứng sau quầy, giật hộp đường trên tay con bé, gào vào mặt Larry:
– Đi! Đi khỏi đây ngay!
Vừa ngạc nhiên vừa tức, Larry trừng mắt nhìn lão. Lão vươn tay qua quầy, đánh nhẹ lên cánh tay Larry làm đường đổ tung lên mặt nó. Với một phản ứng tự nhiên, nó vung tay trái gạt tay lão chủ hiệu, tay phải nện ngay mặt lão một cú đấm. Cái mặt núng nính, ngắn ngủi của lão ta bật ra sau, bật ngược lại ngay nắm đấm của nó. Lão sụm xuống. Mặt nát bét. Mũi dập. Máu trộn đường bê bết trên quầy. Môi lão sưng vù, hàm răng bên trái hõm vào. Lão hốt hoảng nhìn vũng máu, loạng choạng chạy ra khỏi quầy, đứng chặn giữa cửa không cho Larry thoát. Lão khản giọng kêu lên:
– Cảnh sát! Cảnh sát!
Con bé bán hàng chạy vọt ra đường bằng ngả sau. Hai lão khách cũng vội vã chạy theo. Hooperman đứng dang hai tay chặn cửa ra vào, mặt đầy thương tích, trừng trừng nhìn Larry như người mất trí. Nó vùng chạy ra cửa sau, mặc lão níu kéo, nó chỉ gạt nhẹ lão ra, không dám đánh nữa. Nó điên tiết vì nhận ra nó sẽ vào tù, nhục cho gia đình quá. Nó vung chân đạp tấm kính tủ bánh. Kính vỡ loảng xoảng, bánh kẹo vung vãi đầy nhà. Lão chủ gầm lên đau khổ, xô nó ngã xuống sàn. Hai người đang vật nhau, lăn lộn trên đống bánh kẹo và kính vụn thì cảnh sát xuất hiện.
Hai viên cảnh sát cao lớn đưa Larry vào buồng sau đồn. Một người hỏi:
– Nào, chuyện ra sao, nói đi?
– Tôi đang mua bánh, ông ấy ném hộp đường vào mặt tôi. Hỏi cô bán hàng thì biết.
– Rồi cậu đập ông ấy gục à?
– Không.
Một nhân viên cảnh sát thò đầu vào bảo:
– Này, ông a bảo thằng này thu tiền cho di Lucca đấy.
Viên cảnh sát đang thẩm vấn Larry đứng dậy, ra ngoài. Chừng năm phút sau, hắn trở lại. Hắn không hỏi han Larry mà châm thuốc hút.
Larry bồn chồn lo lắng, chỉ sợ tên nó bị đưa lên báo, tù tội, mẹ nó sẽ xấu hổ nhục nhã và nó đã làm hỏng hết việc của ông di Lucca.
Viên cảnh sát nhìn đồng hồ, đi ra ngoài, chừng hai phút trở lại, hất hất ngón tay cái ra phía cửa, bảo:
– OK, êm rồi. Chuồn đi!
Larry không hiểu nó nghe có đúng không. Viên cảnh sát phải nhắc lại:
– Sếp mày đang đợi ngoài kia kìa
Một viên cảnh sát mở cửa cho nó. Vừa ra tới ngoài, nó thấy ông di Lucca đang đứng dưới bậc thềm đồn cảnh sát.
Ông bắt tay cám ơn viên cảnh sát rồi nắm cánh tay Larry đi về chiếc ô tô đang chờ sẵn. Khi hai người ngồi phía sau xe, Larry mới nhận ra tài xế là tên bạn học với nó hồi còn bé nhưng lâu rồi hai đứa chưa hề gặp lại.
Nó càng thêm ngạc nhiên khi ông Lucca nắm tay nó, nói bằng tiếng Ý:
– Hoan hô. Cháu cừ lắm. Bác đã thấy mặt thằng khốn đó nát như tương. Ồ, Lorenzo, cháu cừ thật đấy. Khi nghe nói cháu kiếm cớ mua bánh, để lão không bán, cháu mới đập, bác phục sát đất. Ước gì mày là con ruột bác.
Trên đường về, qua cửa xe, Larry nhìn khu đường sắt, cảm tưởng như nó đang thay da đổi thịt từng giây, để trở thành một con người khác. Nó sẽ không bao giờ trở lại làm bên đường sắt, không bao giờ lo sợ như khi còn phải sống nhờ nha ga kia nữa. Tất cả uy quyền luật pháp sụp đổ trước mắt nó bằng cái bắt tay giữa ông di Lucca với viên sĩ quan cảnh sát, bằng việc nó được tự do trong chớp mắt dễ dàng. Nhưng nhớ lại bộ mặt đầy máu của lão chủ tiệm, hai tay lão dang ra chặn đường và ánh mắt điên loạn của lão nhìn nó, Larry cảm thấy hơi bị choáng. Nó nói thật với ông Lucca:
– Bác ạ, cháu không thể làm được cái việc đập mấy thằng cha đó để thu tiền đâu. Cháu không phải là một tên du đãng.
– Không, không. Chẳng ai thích làm những chuyện như vậy đâu. Bác là du đãng à? Bác không có con, cháu sao? Bác không la ba đỡ đầu cho con cái của bạn bè sao? Cháu có biết sinh ra trên đất Ý là như thế nào không? Phải kiếm miếng ăn như con chó la liếm trên mặt đất mà kiếm mẩu xương bẩn thỉu. Phải biếu xén cha cố từng chụ trứng gà để được cứu vớt phần hồn, phải giúi vào tay tụi chức sắc nhà nước từng chai rượu để xin một chữ ký. Mỗi khi tụi địa chủ về quê nghỉ hè, đám gái làng phải đến lau chùi, dọn dẹp nhà cửa, trang hoàng phòng ốc của chúng bằng hoa tươi. Chúng trả công bằng gì? chúng ban cho một nụ cười hay một cái hôn lên bàn tay không đeo găng của chúng. Nhưng, tại đất Mỹ này, mọi chuyện như một phép lạ, đủ làm người ta tin vào Chúa. Ở Ý tụi lãnh chúa mạnh hơn bác. Nếu bác chỉ lấy của chúng một quả ô liu, một củ cà rốt, một ổ bánh mì là phải tìm đường chuồn cho sớm, chui rúc tuốt tận châu Phi mới thoát khỏi sự trả thù của chúng. Nhưng ở đây, một đất nước dân chủ, tụi lãnh chúa chẳng có gì. ở đây, cháu có thể tránh khỏi số phận nghiệt ngã, nhưng cũng có cái giá phải trả. Thằng cha người Đức này là cái gì? Mở lò bánh, kiếm bộn tiền mà lại không muốn chi ra đồng nao à? Thế giới này làm một chốn đầy rẫy hiểm hoạ, vậy mà lò bánh của nó lù lù ngay góc đường mà không thèm dòm ngó tới ai. Nó ỷ vào luật pháp à? Người nghèo làm sao sống được bằng luật pháp. Vậy mà cháu còn thương hại nó. Quên đi. Cháu thấy cảnh sát đối xử ân cần với cháu ra sao rồi chứ. Vì cháu là bạn của bác. Còn thằng cha chủ tiệm bánh, làm ăn sát nách đồn cảnh sát, không hề mời họ một ly cà phê, biếu được cái bánh. Cảnh sát bên đồn vào hiệu của lão, một ly cà phê cũng bị tính tiền thẳng tay. Lão là loại người gì mà ngu vậy?
Ông nhăn mặt kinh tởm, tiếp:
– Lão là loại người cứ tưởng cắm đầu làm ăn là lương thiện, chẳng hề phạm luật thì chẳng có gì rắc rối xảy ra. Đúng là thằng ngu.
Rồi ông bảo Larry, giọng thật tình cảm:
– Nghe bác nói nhé. Hãy nghĩ đến bản thân cháu xem. Làm cật lực, lương thiện, không phạm luật, nhưng khi không có việc làm, có kẻ nào cho cháu tiền vì cháu lương thiện chưa? Không phạm luật thì cháu không phải ngồi tù. Đúng vậy. Nhưng vợ con cháu đói. Vợ con cháu đói vì cháu thất nghiệp không lương, mà lại không thể phạm luật, không dám ăn cắp. Phải vậy không?
Ông chờ Larry cười xác nhận. Nhưng nó nhìn ông lom lom, đợi ông nói tiếp. Di Lucca nghiêm nghị bảo:
– Không thể sống mãi như vậy, phải thay đổi mà đi lên. Cháu có đồng ý tiếp tục làm với bác, một trăm đô la một tuần? Và trên một địa bàn tốt hơn?
– Cháu cám ơn bác nhiều lắm. Cháu đồng ý.
Di Lucca chỉ ngón tay vào mặt nó như ba mắng yêu con:
– Không được ứng tiền túi đóng tiền nguyệt đoàn cho ai nữa nhé.
Larry toét miệng cười:
– Dạ, cháu nhớ.
Ra khỏi xe, Larry đi dọc con đường sắt. Nó nhận ra một điều, chỉ đàng hoàng tử tế suông, không kèm theo đồng tiền, chẳng khiến được ai làm theo yêu cầu của mình. Nhưng nó không hiểu tại sao người ta tỏ ra quý trọng một co nnn có hành động hung bạo vậy, như vẻ hớn hở của ông Lucca khi thấy bộ mặt tan nát của lão chủ tiệm bánh? Chính vì chuyện này mà nó sẽ kiếm được tiền, vợ con nó sống như những gia đình có cơ sở làm ăn, nó sẽ giúp được mẹ và chị em nó. Thật lòng nó đâu có đấm lão lùn vì tiền, chẳng phải chính nó từng móc tiền túi để đóng cho nghiệp đoàn thay cho lão đó sao?

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.