Đất Khách Quê Người

CHƯƠNG 9



Tháng tám. Không gian mờ mịt sương khói, thành phố chỉ còn là những cái vệt đen ngòm như những cái bóng. Cây cầu bắc qua đại lộ Số Mười dường như biến mất phần chân, không còn thấy rõ con đường trải đá với hai đường sắt song song phía dưới. Một con ngựa nâu lực lưỡng kéo chiếc xe chở đầy thùng nho tươi đi qua nơi gầm cầu.
Chiếc xe ngựa chở nho ngừng lại ở giữa đường Số Ba Mươi và Số Ba Mươi Mốt. Tay đánh xe và người phụ việc chất hai mươi thùng nho trước một căn nhà rồi ngửa mặt lên tiếng ồm ồm:
– Ca- ta- ri- a! Có nho rồi. Xuống lấy đi.
Cửa sổ tầng bốn mở bật ra. Đàn ông, đàn bà, trẻ con thò đầu ra ngoài cửa sổ. Rồi như bay xuống cầu thang, thoáng sau cả nhà đã xúm quanh xe nho. Anh chồng đi quanh mấy thùng nho, hỏi:
– Mùa này nho khá không mấy ông?
Tay bán hàng xoè tay nhận tiền, chẳng thèm trả lời. Cị vợ cắt cử hai đứa con đứng canh, mấy đứa còn lại phụ mẹ khiêng vác mấy thùng nho xuống hầm. Trong khi đó anh chồng ngắt một chùm nho ăn ngon lành. Khi vợ và mấy đứa con xuất hiện trở lại, cả nhà vui vẻ đứng ăn nho. Rồi lần lượt trước cửa những nhà khác quang cảnh cũng diễn ra y vậy. Trẻ con miệng nhai lụp bụp. Mấy ông cha hãnh diện đứng dựa thùng nho chất cao ngất ngưỡng. Còn những anh hàng xóm không đủ tiền mua, thả bộ một vòng chúc tụng một mùa làm rượu may mắn.
Gino phát ganh với những đứa trẻ con nhà khá giả. Tiền bạc có được mấy đồng mà cất nổi rượu, có xe nho là đứng xớ rớ để nhìn. Nó đứng ngay bên cạnh ba thằng Joey. Ngặt nỗi thằng Joey quá mức bần tiện. Nó chẳng hề dúi cho Gino được một trái nho. Ba nó còn tệ hơn, không dám mở thùng nho mẫu mời bà con mỗi người ăn thử một trái. Cũng chả trách gì cha con nhà Joey. Ai chẳng biết nhà nó giàu có mà chuyên ăn mắm húp dòi.
Lúc này ông chủ lò bánh Panettiere mập tròn, đầu đội nón vải trắng của dân làm bánh, bước ra nhận ba thùng nho chất trước cửa nhà. Ông mở ba thùng móc xổm mỗi thùng một ít nho chia cho đám trẻ con đang xúm xít vây quanh. Gino nhảy vội tới. Lão Panettiere ồm ồm nói:
– Nào, mấy tướng, giúp một tay bưng nho xuống hầm rồi lên lãnh thưởng bằng bánh pizza nhé.
Đám trẻ ùa vào, chỉ chớp nhoáng ba thùng nho đã biến xuống hầm. Gino đứng tiếc ngẩn tiếc ngơ. Chẳng còn thùng nho dành cho nó.
Lão Panettiere nói móc họng:
– A, Gino, cháu làm sao vậy? Phải lẹ tay lên. Nên nhớ có làm mới có ăn. Tay làm hàm nhai mà.
Vừa mới quay đi, thoáng thấy ánh mắt giận dữ của Gino, lão bảo:
– Nhưng đâu phải lỗi ở cháu hả? Tại chúng nó lẹ tay hơn. Nếu còn thùng nữa, cháu sẵn sàng khiêng mà, phải không?
Gino gật đầu. Lão ngoắc nó vào cửa hàng. Khi mấy đứa kia từ dưới hầm lên nhận phần thưởng thì thằng Gino đã ra khỏi cửa tiệm, ngồm ngoàm nhai bánh ngon lành.
Trong bóng chiều chập choạng, lũ trẻ mồm dính đầy cà chua và nho, vừa chạy vừa la hét vang cả phố. Chúng chạy lên chạy xuống, nhảy nhót loạn xạ trên cầu trong vùng khói mịt mù của xe lửa chạy qua phía dưới. Những dãy nhà cao sừng sững đen ngòm trong buổi chiều đông. Đám trẻ nghịch ngợm chất những thùng không thành đống đốt lửa. Đại lộ Số Mười rực sáng một màu cam. Từ những cửa sổ, các bà mẹ gọi vang xuống lòng khu phố, ngân nga kéo dài như tiếng mục đồng gọi nhau trên sườn núi.
Lucia Santa đứng bên cửa sổ nhìn xuống, đám trẻ con vừa ăn nho, vừa chạy qua cầu. Đám khác thì vây quanh những đống lửa, chập chờn trong bóng đêm gió rét. Năm nay trời lạnh sớm. Mùa hè, mùa đẹp nhất của dân thành phố đã qua rồi.
Bây giờ là mùa khai trường. Lucia lại phải lo nào sơ mi trắng, quần tây cho lũ trẻ. Nón, găng tay, mua rồi lại mất. Áo choàng cũng phải mua, còn bếp lò lúc nào cũng sùng sục nước sôi. Rồi tiền bác sĩ trong mùa cảm lạnh. Trong thâm tâm Lucia nghĩ chỉ có cách cho thằng Sal đi ăn cắp than, mới có tiền gởi tiết kiệm. Ngặt là thằng Sal nhát gan quá. Nó cũng không khoái cái mửng này. Thằng Gino thì lớn quá rồi, ăn cắp là bị xử ngay. Lucia nghĩ tới nghĩ lui mà không có lối ra. Bà nghiền ngẫm cách thể hiện kiểu khôn vặt của dân nghèo. Chợt bà thấy một thằng nhỏ chạy từ trong hẻm ra, nhảy vọt qua đống lửa. Đúng là thằng Gino. Nó định đốt quần áo hay sao cà? Rồi một đứa coi còn nhỏ hơn nó cũng bắt chước nhảy, té bò lăn sát đống lửa, làm bắn tung lên những đốm than sáng rực. Thấy Gino sửa soạn nhảy tiếp, bà Lucia gào lên “Giê su ma! Lạy Chúa tôi!” rồi bà âm thầm xuống bếp, rút cây lăn cán bột, chạy xuống cầu thang. Octavia đang đọc sách, ngẩng nhìn, chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra.
Thằng Gino tung mình nhảy cú thứ ba thì thấy mẹ. Chưa kịp chạy, nó bị mẹ quất một roi ngay sườn. Để làm mẹ vui lòng, nó la lên như bị đau đớn lắm rồi chạy mau vào nhà. Lucia thấy thằng Sal cũng nhảy qua lửa, khi nó chạy qua mặt bà, quần nó bốc mùi khét lẹt.
Khi Lucia trèo lên mấy lần cầu thang, hai anh em Gino đã kịp lột nón, chui vào gầm giường để trốn.
Bà bảo con gái:
– Cô bỏ sách xuống đi. Lo giúp tôi mấy thằng quỷ sứ này một chút.
Octavia thở dài. Chỉ có tối chủ nhật cô mới được nghỉ ngơi, nhưng tối chủ nhật nào cũng có vấn đề.
Cô lấy quần áo khô treo trên bồn tắm xuống rồi đổ nước nóng vào bồn. Trở ra buồng ngoài, Octavia réo vào gầm giường:
– Bò ra, hai ông trời con!
Vừa ló đầu ra, Sal đã hỏi:
– Mẹ còn giận không?
– Không. Nhưng nếu không ngoan, đánh nhau trong bồn tắm là mẹ giết cả hai đứa đó.
Vincent đi coi chiếu bóng về, phụ mẹ dọn bàn ăn. Khi Gino và Sal tắm xong thì thấy mọi thứ đã sẵn sàng: quần áo lót tay dài mùa đông, cặp sách cũ mèm nhưng còn xài được và nhất là, trên bàn bánh săng uých, thịt viên cùng những ly kem sô đa. Lucia rất ghét dùng sữa trong bữa ăn có món sốt cà chua.
Sau bữa ăn, như lệ thường, Octavia thuyết cho ba cậu em trai một bài:
– Nào, chị thấy cả ba em chẳng đứa nào ngu dốt. Chị muốn điểm học tập các em phải tốt trong học kỳ này, cả điểm hạnh kiểm cũng vậy. Vincent, năm ngoái em học khá lắm. Nhưng muốn vào trung học ở New York, em phải cng hơn nữa.
Dĩ nhiên học ở bậc trung học rất tốn kém. Nhưng Octavia đã có kế hoạch và đã có món tiền riêng để lo cho em. Cô sẽ lo cho gia đình, cô đã bỏ mộng đi học để trở thành cô giáo.
– Còn Gino, nếu hạnh kiểm em tệ như năm ngoái, chị sẽ tống em vào nhà thương và đập cho em nát đít ra. Ráng học và ngoan ngoãn, nếu không, phải vào trường cải tạo, nhục cho gia đình lắm.
Cô nói quá vậy thôi, sự thật hạnh kiểm của nó không đến nỗi đi cải tạo, điểm học tập cũng không đến nỗi quá kém. Nhưng lũ em đều chăm chú nghe, kể cả bé Lena cũng ráng leo khỏi nôi, ngồi nghe. Octavia bồng em vào lòng, tiếp:
– Sal nữa, năm ngoái cũng được, nhưng vẫn phải ráng hơn. Chị sẽ giúp bài tập ở nhà, đừng lo. Chị cũng giỏi gần bằng cô giáo em ở trường đấy. Còn chuyện này nữa. Khi chị đi làm về, không muốn thấy các em lang thang ngoài phố. Lúc đó tối rồi, không có lý do gì để các em ở ngoài đường. Đúng sáu giờ chiều, đứa nào không có mặt ở nhà là ăn đòn, đừng có trách. Và nhớ không đánh bài, việc nhà chưa xong, không được giỡn. Chị sẽ kiểm tra. Ba đứa thay phiên nhau rửa chén cho mẹ. Phải để cho mẹ nghỉ ngơi nữa chớ. Nếu bị ở lại lớp, chị sẽ giết chết không thương tiếc.
Nghe mấy câu cuối cùng của con gái hứng chí phát biểu, Lucia phát bực:
– Thôi, đủ rồi cô ơi. Giết, giết, cứ làm như chúng nó sắp ra trận không bằng. Nhưng mấy ông tướng nghe đây. Mẹ không bỏ tiền cho ba đứa đi học chỉ để biết đọc biết viết. Ở bên quê mình ấy à, con nhà giàu mới được đi học. Bằng tuổi chúng mày, mẹ phải đi chăn dê, hốt phân, trồng rau. Rồi còn đủ việc, nào cắt cổ gà, rửa chén, lau nhà. Chuyện học hành có nằm mơ cũng chẳng thấy nổi. Ba tụi mày nếu được ăn học như vầy thì đã được làm công việc khá hơn, chắc chẳng đến nỗi ốm đau bệnh hoạn. Vậy khôn hồn thì lo mà học, nếu không thì đã có cây lăn bột kia kìa.
Mấy thằng nhỏ Sal thò lõ, e dè hỏi:
– Lỡ con học không được, lỡ con dốt, đâu phải lỗi của con?
Octavia nhẹ nhàng bảo em:
– Yên tâm, nhà mình không có ai dốt đến trượt vỏ chuối đâu. Em cứ ráng hết sức mình đi. Chị sẽg giúp. Chị thông minh nhất trong đám bạn cùng tốt nghiệp trung học đấy.
Vincent và Gino hô hố cười vì giọng ngậm ngùi tiếc rẻ của chị. Octavia bảo:
– Thật mà, phải không mẹ?
Ước vọng không đạt thành của cô dường như khuyến khích các em nhiều hơn lời hăm đứa đòi giết nếu như ở lại lớp. Bà mẹ nhìn con gái, nhớ lại nỗi khát khao thèm được học hành của cô, làm bà bớt ác cảm với lối suy nghĩ kiểu Mỹ: coi vấn đề học quá quan trọng. Vì bà vốn không tin vào những mục đích. Cứ an phận là yên thân. Nhưng lúc này bà lại tôn trọng ý nghĩ của con gái, nghiêm trang bảo:
– Đúng đó, chị chúng mày nếu không vì ba thì đã thành cô giáo rồi. Chị chúng mày học bảnh lắm.
Thấy thằng Gino chăm chăm nhìn, bà nói với nó:
– Phải chi ba con biết lo cho gia đình, chị Octavia vẫn được đi học, chứ đâu phải bỏ ngang đi làm. Ông ấy có nghĩ đến ai đâu. Mày cũng vậy, lúc nãy nhảy chồm chồm qua đống lửa làm cháy cả quần áo, đã hư thân, còn làm em bắt chước. Bộ muốn mẹ tốn thêm tiền mua quần mới hay sao. Đồ súc sinh, có biết xót ai đâu.
Octavia vội bảo:
– Thôi, thôi mẹ ơi. Đang nói cho chúng nó biết học hành quan trọng ra sao. Nghe đây, nếu các em học giỏi, sẽ không phải làm việc cực nhọc ngoài bến cảng, hay làm trong đường sắt như anh Larry, biết chưa?
Khi lũ trẻ lên giường, bà mẹ bắt tay vào việc may vá, ủi quần áo còn ẩm để ngày mai chúng kịp tới trường. Thấy chồng quần áo mà phát ớn. Octavia đặt cuốn sách xuống. Đêm yên tĩnh. Thỉnh thoảng có tiếng cót kết của cái nệm lò xo trong phòng lũ trẻ. Hai mẹ con yên tâm, thoải mái. Chuyện nhà như vậy là êm ả. Cô con gái bộc trực nhưng là một phụ tá đắc lực, có uy với các em. Bà mẹ không quá bảo thủ, tôn trọng sự giúp đỡ sáng suốt, chân thật của con gái trong sự giáo dục mấy đứa nhỏ. Không ai nói ra nhưng hồi này người cha vắng mặt làm mọi người nhẹ lòng, hết căng thẳng, lo lắng. Hai mẹ con hầu như còn cảm thấy hạnh phúc hơn.
Bà mẹ đứng dậy đặt bình cà phê lên bếp. Octavia đã chúi đầu vào sách là chẳng nhớ gì hết. Bà tự hỏi, có gì trong mấy cuốn sách mà làm con gái bà mê mẩn đến vậy? Đó là một torng những chuyện không bao giờ bà hiểu nổi. Nếu còn trẻ trung chắc chắn bà phải tìm cho ra lễ, để không hối tiếc. Nhưng bây giờ bận trăm công ngàn việc nên bà chẳng hề cảm thấy buồn lòng vì những thú vui chưa từng nếm trải.
Bà đi lại cuối phòng, lấy bình sữa trong thùng đá. Lấy thêm mấy cái bánh nhân thịt, bồi dưỡng cho Octavia. Độ này con bé coi bộ ốm quá. Lucia nghe tiếng bước chân lên thang. Giờ này chỉ có mấy bà ở tầng dưới lên chơi. Lucia mở cánh cửa hứng gió cho thoáng bớt vì hơi nóng của bàn ủi rồi bà lại ngồi ăn bánh uống cà phê cùng con gái.
Giữa lúc ấy, mụ Zia Louchee vừa lèm nhèm chửi rủa bằng tiếng Ý vừa bước vào phòng.
Lucia đứng dậy bày bánh và cà phê cho bàn bạn già, tuy bà biết Zia Louchee không bao giờ ăn trước mặt người khác, chỉ cu ky mình một. Octavia vui vẻ, lễ phép hỏi:
– Bác khoẻ không ạ?
Zia Louchee nóng nảy ngoắc tay, cứ như bảo tao đang muốn chết đây.
Lucia ca cẩm:
– đấy, bác xem, làm cả ngày không hết việc. Cái trường này bắt trẻ con ăn mặc như tổng thống không bằng. Giặt ủi suốt ngày hết cả hơi.
Bà bạn già tằng hắng, xua tay như xua đi mấy người cứ thích cảnh an nhàn. Mụ chậm rãi cởi áo khoác ngoài rồi đến cái áo len cài nút tới đầu gối.
Nhìn đôi mắt sắc như dao của bà lão, Octavia đành bỏ sách xuống. Cô đứng dậy ủi đống quần áo giúp mẹ. Lucia với tay gấp quyển sách lại để Octavia không còn vừa làm vừa đọc. Thấy điệu bộ Zia Louchee, Octavia cảnh giác, hình như bà đang nhắm vào cô. Quả thật bà lão mỉa mai lên tiếng:
– Này, tiểu thư, suốt ngày hôm nay cậu em đẹp trai của cô có về nhà không?
– Chưa ạ.
Octavia ráng dịu dàng. Gặp ai khác hỏi kiểu này cô đã tát vào miệng. Nhất là những mụ không chồng, mập tròn như cái thùng phi luôn dùng giọng xỏ lá hỏi những đứa con gái chưa biết mùi đàn ông như cô.
– Còn chị, Lucia Santa? Chị cũng chẳng quan tâm gì tới thằng con trai mười bảy tuổi, đang sống trên cái xứ buông thả này à?
Bà mẹ nhăn mặt hỏi lại:
– Nhưng có chuyện gì mà bà úp úp mở mở vậy? Thứ bảy nó có ngủ nhà bao giờ. Có chuyện gì à?
– Có chớ. Chuyện hay lắm. Lại đúng lối Mẽo nữa, mẹ là người biết sau cùng. Yên tâm đi chị ơi, quý tử đẹp trai nhà chị vẫn bình yên vô sự. Chẳng những vậy, thằng sở khanh còn vớ được đứa con gái trông cũng bảnh mắt. Mừng chị có con dâu…kiểu Mỹ.
Lucia cứ đờ người trố mắt ra nghe. Bà bạn già tưởng chọc giận hai mẹ con cho vui, nhưng chính bà lại không nhịn được cười, cười rung cả thân hình còm cõi trong bộ áo đen.
– Thôi, xin lỗi phải nói dài dòng cho vui đó mà. Nhưng này..thằng nhỏ nhà chị giỏi thiệt đó. Giỏi quá đi thôi…
Thấy mặt Lucia rắn như đá, môi mím chặt như sắp bật ra tiếng chửi, Zia Louchee phải trở giọng làm mặt nghiêm nói tiếp:
– Đã bảo xin lỗi rồi mà. Nhưng tóm lại thì chị mong gì hơn ở cái thằng đĩ chúa này? Mong nó đi thả dê bậy bạ có ngày người ta đập chết à? Này, con mẹ Le Cinglata lấy chồng hai mươi năm nay cứ đực ra, có chửa đẻ gì đâu. Lão chồng hai đời vợ rồi, cũng chẳng được mống nào. Vậy mà bây giờ được Chúa ban cho ân phúc đó. Nhưng lão chồng thấy Chúa xa quá nên ôm hận mang ơn kẻ nào gần gũi hơn. Lão đamg mài dao để trả ơn đó. Còn con mụ lăng loàn kia thì đang mơ bắt gọn lấy con trai chị. Đẻ ra, được nuôi dạy tại Ý, mà sao có thứ đàn bà trơ trẽn đến vậy? chỉ tại cái đất Mỹ khốn nạn này mà ra cả đấy, trời ạ.
Lucia nghiêng tai sát vào bà bạn già lắng nghe:
– Con trai chị ngây thơ nên bị mắc bẫy rồi. Con mẹ kia chỉ ỏn ẻn với lão chồng một câu là con chị xong đời. Nhưng nếu thằng nhỏ cứ để con đĩ già kia hy vọng thì sao? Thì mụ ấy sẽ đầu độc lão chồng già ngay. Vậy là “hai ta” cùng dắt nhau lên ghế điện ngồi. Nhưng chị lạ gì thằng con chị, đời nào nó dứt khoát nói “không” để mua thù chuốc oán với ai. Thằng nhỏ lẳng lặng dắt một con bé người Ý trẻ măng, ngoan ngoãn ra toà thị chính làm hôn thú. Con bé này nhìn ngắm “anh Larry” cưỡi ngựa trên đại lộ Số Mười, từ lúc tóc còn thắt bím. Chẳng ai biết chúng nó gặp gỡ nhau bao giờ, thậm chí chưa ai thấy tụi nó trò chuyện với nhau. Ba mẹ con bé ở phố Ba Mươi Mốt, gia đình Marconozi ấy mà. Thằng con chị ghê gớm chưa. Đàng hoàng lắm, nó phải làm cha cố mới đúng.
Bà mẹ lặng lẽ hỏi:
– Con bé có tai tiếng gì không?
– Thứ đàn ông, con trai như thằng Larry chỉ chịu lấy những đứa nết na thôi.
Octavia tức điên lên, cảm thấy nhục nhã vì cái kiểu lấy nhau của con nhà nghèo và vì thói lang chạ nhơ nhớp của thằng em. Cô ngạc nhiên nhìn mẹ. Bà không hề có chút bối rối, lại còn mủm mỉm cười. Làm sao cô hiểu được nỗi lo sợ của người đàn bà, luôn chờ đợi những tin còn hãi hùng, kinh khiếp hơn, nào bệnh tật bậy bạ, đâm chém tù tội, tử hình vì những trò lăng nhăng trai gái của nó. Hoặc nó rước về một con điếm, thậm chí một con bé Ái Nhĩ Lan thì sao? Thiếu gì thằng con nhà nghèo hối hả, vội vàng quơ lấy một con làm vợ, có gì mà nhục, chỉ cha mẹ đứa con gái mới ê chề.
Octavia nói lớn:
– Mai kia nghe thiên hạ chửi bằng thích. Thằng khốn kiếp thối tha!
Lucia Santa khoái chí cười ha hả. Thằng con láu cá đã phá tan mưu mẹo của mụ Le Cinglata. Bà hỏi Zia Louchee:
– Cậu quý tử nhà tôi bây giờ đang ở đâu, bác biết không?
– Khoan, để tôi nói hết đã nào. Lão đực già bây giờ lại tin chính mình là cha đứa con trong bụng vợ. Con mẹ kia thiếu gì mưu ma chước quỷ. Đám nhà ấy thế là yên. Vấn đề là mẹ con bé kia kìa, mẹ của con dâu chị ấy. Họ nghèo nhưng cũng có sĩ diện chớ. Họ cũng khổ tâm, xấu hổ vì con gái chớ.
– Tôi sẽ đến gặp, để thưa chuyện với ông bà ấy. Mình cũng nghèo, cũng có sĩ diện, dễ thông cảm cho nhau thôi mà. Nhưng bây giờ hai đứa chúng nó ở đâu?
Bà già vừa đứng dậy vừa rên rỉ vì xương cốt đau nhức, khập khiễng đi ra phía cầu thang, réo xuống:
– Lorenzo, Louisa lên đây!
Trong lúc ngồi chờ, Lucia nhận ra sự mất mát khoản thu nhập của thằng con trai phụ giúp gia đình là rất đáng kể. Nhưng bà tin chắc, cho đến khi có con, nó vẫn sẽ cung cấp cho chị em nó phần nào. Bà lại nhớ là tầng dưới có căn hộ sắp dọn đi, vợ chồng nó có thể chuyển đến ở. Như vậy bà sẽ coi sóc con dâu, giúp đỡ vợ chồng nó trong những ngày đầu khó khăn. Và khi chúng nó có con, bà được ở gần cháu nội. Bà bồn chồn chờ xem mặt con dâu.
Octavia cũng đang nghĩ đến chuyện tiền. Thằng mất dạy nhè lúc gia đình đang khó khăn, túng quẫn này mà tách ra lấy vợ. Rồi đây mọi khó khăn, cô ôm đủ luôn. Mà có thể Larry lấy vợ lúc này chính vì bà mẹ kiểm soát nó chặt chẽ quá, nắm gần hết tiền lương của nó, chẳng để cho nó một chút tự do nào. Bây giờ, gia đình lại gặp đủ thứ khó khăn rắc rối, thằng Larry thấy tương lai u ám quá, nó tìm cách tách ra.
Octavia hậm hực ngồi chờ thằng phản bội mặt dày mày dạn và sẽ để cho con quỷ cái biết địa vị làm chị của nó trong gia đình.
Larry lên trước, con vợ nó như núp kín sau lưng chồng. Nụ cười tự tin, duyên dáng thường ngày của Larry hôm nay thấy nó méo xệch.
Lucia đón nó với nụ cười tha thứ nhưng thoáng chút khinh khi.
Larry nhanh nhảu giới thiệu:
– Thưa mẹ, thưa chị, đây là vợ con.
Nó kéo con vợ ốm như cò ma đứng sau lưng ra giới thiệu và bảo con bé:
– Lou, chào mẹ và chị Octavia đi.
Bà mẹ ôm đứa con dâu, ấn nó ngồi xuống. Bà nhìn lướt qua khuôn mặt non choẹt, xinh xắn, xanh xao với hai mắt đen to ngơ ngác của con bé. Octavia thấy thương hại quá. Nó chỉ là đứa trẻ con, làm sao quản nổi thằng Larry trời đánh bảy búa không chết. Con bé thật sự không biết cuộc đời nó ra sao. Nhìn thằng em cao lớn đẹp trai, tóc đen láng, cô biết thằng em cô ôm ấp nhiều mộng mơ. Giờ thì coi như tiêu đời rồi. Tự nhiên cột cuộc đời vào con vợ, bế mạc rồi còn gì. Octavia thấy tội nghiệp cho Larry quá. Cô nhớ lại hình ảnh nó cưỡi con ngựa đen, những đốm sáng loé ra trên con đường đá. Nhớ lối nói như chỉ có nó là tương lai sáng lạn. Cô cũng biết, Larry là đứa em ngoan, người con có hiếu đã bỏ học để kiếm tiền giúp mẹ, nó đã không lo gì cho bản thân. Lúc này, vốn liếng vào đời cũng chẳng có gì. Rồi đây, bầy con nó ra đời, năm tháng trôi qua và tuổi già sẽ đến. Nhưng vì nó vẫn là Larry, nó vẫn sẽ còn mơ mộng. Nhớ hồi còn nhỏ chị em thương yêu nhau hết biết. Cho nên Octavia thấy thương hại con vợ còn con nít của nó quá. Octavia ôm hôn đứa em dâu mới. Con bé sợ cứng cả người.
Tất cả ngồi quanh bàn dự bữa tiệc cưới bằng cà phê và mấy cái bánh quy. Cả nhà xúm nhau bàn chỗ ở cho vợ chồng son. Vợ chồng Larry ở tạm tại nhà, cho tới khi căn hộ dưới tầng hai trả lại. Mọi chuyện đều tốt đẹp. Larry hứng chí, nói cười xôm tụ. Nhưng thình lình vợ nó bật khóc nức nở, nghẹn ngào bảo:
– Con phải về thưa với má.
Bà mẹ cương quyết đứng dậy:
– Cả nhà mình cùng đi. Bây giờ là người nhà rồi, phải đến làm quen với nhau chứ. Sui gia mà.
Larry dọ ý:
– Không cần cả nhà đâu, mẹ đi với Lou được rồi. Tối nay con phải đi làm. Mai con đến.
Con bé hốt hoảng nhìn chồng. Octavia la lên:
– Ngộ à, sao mày xấu vậy Larry? Đêm tân hôn là lý do chính đáng cho mày xin nghỉ mà. Mày đưa mẹ và Louisa đi. Cố mà bảo vệ con vợ mày.
Thấy con vợ nó tròn xoe mắt sợ hãi như người phạm tội, Larry cười lớn:
– Thôi mà, bà chị, có gì đâu mà đùng đùng lên vậy. Em có muốn anh đi cùng không, Lou?
Con bé gật đầu. Nó đặt tay lên vai vợ như để bảo vệ vợ:
– Vậy thì anh đi.
Con bé lí nhí cám ơn chồng. Octavia phì cười. Cô ngạc nhiên thấy mẹ lừ mắt. Ngạc nhiên hơn khi bà không ép Larry làm điều phải làm. Nhưng khi nghe mẹ nói với Larry rất ư là lịch sự “Mẹ thấy con đi thì hơn Larry ạ”, cô nhận ra ngay, mẹ cô đã chấp nhận vai trò mới, bà không còn nghĩ mình là nhà “quản lý” của thằng con trai này nữa. Bà như trút bỏ mọi gánh nặng, không chút giận hờn, nhưng cũng không thiếu lòng thương yêu. Bà chỉ trút bỏ bớt gánh nặng này để đủ sức lo cho những mối lo nặng nề khác.
Khi mọi người đi khỏi, Octavia chán nản tới nỗi không ngó ngàng đến quyển sách nữa, miệt mài ủi đồ.
Đời sống đối với trẻ con có quá nhiều ngạc nhiên đến nỗi chúng chẳng thấy gì là ngạc nhiên nữa, cho dù khi sáng hôm sau Gino phát hiện một mái tóc đen dài trên giường Larry, nó cũng chẳng thắc mắc gì. Trong bộ áo lót mùa đông, nó đứng ngắm hai người. Cả hai mặt nhợt nhạt, nằm ngủ như hai xác chết trong căn phòng lạnh ngắt. Cả hai mái tóc đều đen, xoã ra, cuốn lấy nhau, trông như một đống lụa đen phủ trên mặt hai người. Chợt Larry cựa mình, sức sống trở lại. Hàng mi rậm chuyển động, đôi mắt đen mở rộng, sáng ngời. Larry quay đầu, hai món tóc đen tách rời nhau. Thấy Gino đang nhìn vợ chồng nó lom lom, Larry toét miệng cười.
Thằng Vincent đã “quất” ngon lành phần kem đóng váng trên chai sữa. Đó là phần thưởng cho đứa nào dậy sớm. Gino loay hoay định mở chai sữa khác nó bị mẹ đập cho một cái bằng thân con dao đau điếng.
Khi Gino đi qua buồng ngủ để thay quần áo, Larry đã ngồi dựa thành giường hút thuốc thuốc, còn cô gái nằm ngủ quay mặt vào tường, xương vai nhô lên như cái cánh gà. Larry với tay đắp mền cho vợ. Gino thấy ngực anh nó đầy lông, thấy ghê quá.
Không bao giờ Gino quên những chuyện xảy ra trong năm đó, kể từ khi anh nó lấy vợ.
Một bữa đi học về, nó thấy thằng Joey Bianco ngồi dưới mái hiên xưởng bánh Runkel, sách vở ném lung tung trên hè đường. Nó kinh ngạc thấy thằng Joey đang khóc, mặt mày sầu thảm vô cùng. Gino lại gần hỏi:
– Chuyện gì vậy Joey? Mẹ mày làm sao hả?
Joey vừa lắc đầu vừa khóc. Gino bảo:
– Đánh bài không? Tao có mười sáu xu này.
Joey gào lên:
– Tao không có xu nào hết. Tao mất hết tiền rồi. Ba tao bảo gửi tiền ngân hàng. Bây giờ ngân hàng làm mất hết tiền của tao rồi. Vậy mà ba tao còn cười được. Ai cũng bảo tao để dành tiền để lớn lên làm vốn, bây giờ chúng ăn cắp hết của tao, còn bị cười chê.
Nó vừa khóc hu hu vừa chửi thề tán loạn.
Gino run cả người. Hơn ai hết, nó biết đối với thằng bạn nó thì tiền liền với ruột. Biết bao lần Gino mua kem, phải cho Joey liếm một miếng cho đỡ thèm. Vì Joey để dành hai hào mua kem để gởi ngân hàng. Biết bao chủ nhật thằng Joey nằm chèo queo ở nhà, cũng chỉ vì tiền gửi tiết kiệm. Thấy chiếc xe bán hàng với dồi nóng, những trái cam tươi, thằng Joey ráng nhịn thèm, lặng nhìn chiếc xe đi qua. Nó ăn bằng mắt vẫn được mà. Còn Gino tuy phải bỏ tiền ra cho bạn ăn, nó vẫn quý thằng Joey. Dù trong năm chỉ có một lần lễ Phục sinh, đứa nào cũng bỏ vài hào mua mấy quả trứng nhuộm màu, Joey vẫn khư khư ôm túi bạc. Gino hãnh diện vì có thằng bạn giàu nhất trường, giàu nhất đại lộ Số Mười. Nó e dè hỏi:
– Này Joel, cậu mất bao nhiêu?
– Hai trăm mười đô la.
Hai đứa nhìn sững nhau. Không bao giờ Gino mơ có số tiền lớn như vậy. Lần đầu tiên thằng Joey nhận ra thảm kịch của nó khủng khiếp quá cỡ. Nó rên lên “Ôi Chúa ơi!”.
Gino bảo bạn:
– Thôi, lượm sách vở, về nhà đi Joey.
Joey đứng bật dậy, điên cuồng đá tung mấy quyển sách:
– Kệ mẹ sách! Kệ mẹ trường! Tao không cần ai hết. Tao không về nhà.
Nó chạy ngược lên đại lộ Số Chín, chìm khuất vào buổi chiều đông xám xịt.
Gino lượm đống sách vở rách nát, dính đầy đất cát, phân ngựa chùi vào quần rồi đi về phía nhà thằng Joey.
Gia đình Bianco sống trên tầng ba, nhà số 356. Gino gõ cửa. Nghe tiếng đàn bà khóc. Nó định chạy xuống lại cầu thang nhưng cửa đã mở tung. Bà mẹ mập lùn của Joey trong bộ áo đen ngòm, ra dấu bảo Gino vào.
Gino ngạc nhiên thấy ba của Joey đã về, đang ngồi nơi bàn trong nhà bếp. Lưng ông hơi cong, hàng râu rậm rì, bước chân ra phố là xù xù trên đầu cái nón vải màu cháo lòng. Chẳng hiểu sao hôm nay ngồi trong nhà, ông ta vẫn thượng cái nó trên đầu. Trước mặt ông ta là một bình và một ly rượu vng đỏ đang uống dở.
Gino bảo:
– Cháu đem sách vở của Joey về trước. Joey bận phụ giúp thầy giáo nên sẽ về sau.
Nó đặt sách vở lên bàn. Người đàn ông bé nhỏ nhìn nó, lè nhè thân mật:
– Giỏi lắm. Cháu là con của Lucia Santa hả? Là bạn thằng Joey mà. Cháu thích làm gì thì làm, chẳng chịu nghe lời ai hết, phải không? Giỏi, giỏi lắm. Cám ơn cháu, cháu không có ba. Uống với bác một ly nhé.
– Cám ơn bác, cháu không biết uống.
Nó hơi buồn vì thái độ dửng dưng của ông Bianco đối với sự mất mát tiền bạc của thằng Joey. Bà mẹ thằng Joey cứ rầu rĩ nhìn chồng. Ông ta lại bảo:
– Uống, uống đi chứ.
Bà đặt lên bàn một ly nhỏ, ông chồng rót đầy, cao giọng:
– Uống mừng nước Mỹ. Mừng lũ chủ ngân hàng Mỹ, chúc chúng nó có ngày ăn cả lòng, gan của mẹ chúng nó.
Bà vợ năn nỉ:
– Thôi, im đi ông ơi.
Trước đây, Gino từng thấy ông ta, những chiều đi làm về, ông như người hồi sinh trong hân hoan, chiến thắng.
Con người bé nhỏ lưng hơi còng lê bước chậm chạp qua những đường ray chói nắng về đại lộ Số Mười. Mệt mỏi, uể oải, bụi đất khô cứng trên da, sùm sụp cái nón che nắng bằng vải nhầu nát, bẩn thỉu, lủng lẳng bên hông là hộp đồ ăn trưa trống rống. Ông ta mệt nhọc leo từng bậc thang tối lên tận căn hộ lầu ba.
Sau khi cởi áo, bà vợ lau lưng cho ông bằng xà bông và nước nóng, sau đó mặc cái áo sạch bong màu xanh, một cái ly được bày ra, ông đặt lên bàn bình rượu.
Trước hết, ông đảo mắt nhìn tất cả, kể cả Gino, như sắp trách móc điều gì, nhưng rồi nhè nhẹ lắc đầu, cứ như chán quá chẳng buồn nói nữa. Rồi ông nhấp chút rượu. Từ từ, thận trọng, lưng ông thẳng lên, dường như như sức lực đang được rót vào cơ thể. Bà vợ đặt lên bàn một đĩa đầy mì ống, đậu đỏ sốt tỏi khói thơm ngào ngạt. Ông chồng cầm cái muỗng lớn như lưỡi vá đào đất, với tay nghề của một dân lao động, chỉ một thoáng cái núi mì, đậu đỏ biến mất vào cái miệng phủ đầy ria mép. Rồi sau ba dĩa đầy như vậy, ông mới bẻ một miếng bánh mì. Một tay cầm muỗng, một tay bánh mì, ông nạp năng lượng tối đa. Cứ sau một miếng, trông ông mạnh mẽ lên thấy rõ. Ông như cao lớn hơn, cao hơn tất cả những người cùng bàn. Da hồng hào, răng trắng bóng. Dưới hàng râur rậm, nước sốt làm đôi môi ông đỏ thắm hẳn lên. Tiếng nhai bánh mì giòn tan như tiếng pháo, cái muỗng sắt to loang loáng như những đường gươm. Khi ông dốc cạn ly rượu, “tiêu diệt” sạch sẽ đồ ăn trên bàn, trong phòng còn thoang thoảng mùi nho, mùi bột, mùi rễ đậu tươi trong lòng đất.
Sau cùng, ông lấy dao cắt một khúc phô mai từ một ổ to như cái bánh xe rồi đưa cao khúc phô mai lên để mọi người mê mẩn vì mùi thơm của nó,tay kia ông cầm miếng bánh mì còn lại trên bàn. Ông mỉm cười, trầm tĩnh, mạnh mẽ hỏi bằng cái giọng đặc sệt của miền quê nam Ý.
– Ai sướng hơn ta nào?
Bà vợ “ừ, ừ”, ra điều chỉ có ông là không thể thấy mình sung sướng thôi. Gino và thằng Joey ngồi ngó ngẩn tò te, chẳng hiểu gì.
Chúng chỉ thấy món ăn ngon, rượu mạnh như làm hồi sinh da thịt, xương cốt ông Zi Pasquale. Ông rên lên khoan khoái, bao mệt mỏi đau nhức tiêu tan hết. Trong giây phút này, dứt khoát không có kẻ nào trên đời này sướng hơn ông.
Thằng Gino phải tìm lời an ủi:
– Không sao đâu bác Zi Pasquale ạ, Joey sẽ để dành lại được. Cháu sẽ giúp bạn ấy bán than, hè tới, chúng cháu bán nước đá. Chẳng bao lâu lại gom được tiền
– Ha ha! Tiền của thằng Joey có là gì, cháu ơi! Bác mất bao nhiêu, cháu biết không? con bác biết không? Hai mươi năm sống trong tăm tối, quần quật trong cái nóng, cái rét khủng khiếp trên đất Mỹ này. Chịu đựng bao nhiêu nhục nhã, nào lũ chủ chửi mắng, nào phải thay tên đổi họ, một dòng họ có từ ngàn năm ở Salermo bên quê mình. Vậy mà phải từ bỏ tuốt, để ngày giờ này thằng con bác ra đường mà khóc…
Ông ta lại uống thêm một ly đầy:
– Năm ngàn đô la, trời ạ. Mồ hôi, xương máu đổ ra đằng đẵng suốt hai mươi năm. Tổ cha nó, chúng nó cướp trắng, không gươm, không súng, giữa thanh thiên bạch nhật như vầy. Sao mà vô lý vậy hả trời?
Bà vợ rầu rĩ:
– Đừng uống nữa ông ơi. Mai còn phải đi làm. Hôm nay ông nghỉ rồi. Thời buổi khủng hoảng kinh tế này, thiên hạ thất nghiệp đầy ra đấy. Ăn thêm tí gì rồi đi ngủ cho khoẻ
– Bà đừng lo. Mai tôi đi làm chớ. Sợ gì. Khi bà sinh nở, ốm đau tôi vẫn đi làm, phải không? hôm con gái nhỏ mình chết, tôi vẫn đi làm, phải không? Sợ khỉ gì. Nhưng tội nghiệp bà, tối mù tối mịt mới dám bật đèn, chỉ ăn rau, không dám ăn thịt. Mùa đông lạnh thấu xương, chỉ đắp lên mình cả đống aó, không dám đốt lò than. Tất cả chỉ để tằn tiện mấy hào. Bây giờ mất trắng tay, bà không đau lòng sao? A, lòng dạ bằng sắt đá à? Thấy không Gino, mấy con đàn bà khiếp thật.
Zi Pasquale dốc ngược ly uống rồi lăn đùng xuống sàn. Bà vợ thấy ông chồng ngủ khò, hết còn nghe gì được nữa, mới bắt đầu ca cẩm khóc lóc. Gino phải giúp bà một tay đưa ông ta vào giường ngủ. Nó đứng nhìn bà vừa than thân trách phận vừa đắp mền cho chồng. Rồi bà bắt nó vào bếp ngồi để bà hỏi thăm về thằng Joey, để kể lể về ông chồng. Ông là niềm hy vọng là cứu tinh của gia đình. Ông không dễ bị đánh gục đâu. Tiền mất. Khủng khiếp thật đó, nhưng dứt khoát không đến nỗi chết. Còn người còn của mà.
Mỹ ôi là Mỹ! Mi nhân danh điều gì mà tạo ra những hạnh phúc, ước mơ độc địa vậy? Ấy vậy mà người ta vẫn cứ mơ, mơ được hạnh phúc, sung sướng mà không phải trả giá khắt khe. Vì ở đây, dù sao vẫn còn hy vọng, chứ ở Ý thì chẳng có gì. Có thể bắt tay làm lại từ đầu. Chồng bà mới bốn mươi tám tuổi, còn đủ sức làm hai mươi năm nữa. Cơ thể mỗi con người là một mỏ vàng, là đồ ăn, nhà ở, tiệc cưới, tiệc tang. Cái thân hình nhỏ bé, lưng còng, co ro trong bộ đồ lót mùa đông của người đàn ông râu rậm là kho tàng của bà, trông mới khôi hài làm sao. Là con người thực tế, bà vợ lo lắng cho ông chồng hơn là lo cho số tiền đã mất.
Gino phải ngồi nghe bà kể lể mãi mới được về.
Nó về trễ. Cả nhà đã ngồi quanh bàn ăn. Thật dễ chịu được trở về căn bếp ấm áp, thơm lừng mùi tỏi và dầu ô liu đang sôi sùng sục trong chảo sốt cà chua.
Một đĩa mì vun xội. Hôm nay thứ năm, không có thịt băm viên, chỉ có tảng thịt bò rẻ tiền nhưng hầm mềm tơi.
Đang ăn thì vợ chồng Larry từ tầng dưới lò mò lên, cùng ngồi vào bàn.
Cả nhà đều vui mừng khi có mặt Larry, nhất là mấy đứa con trai. Vì lúc nào nó cũng làm hề được, từ chuyện ngoài ga, tới chuyện nói dóc trong khu phố. Mỗi khi Larry có mặt, bà mẹ và cô chị vui cười náo nhiệt, quên cả chuyện la rầy ba thằng nhỏ.
Gino bỗng thấy chị dâu nó béo ra nó cái đầu hình như nhỏ lại. Larry bỗng nói:
– Á này, nhà Panettiere mất mười ngàn đô tiền chứng khoán, lại thêm một số tiền gửi ngân hàng nữa, chỉ còn lại cái cửa hàng. Khu phố mình nhiều người bị mất tiền lắm. Mẹ phải cám ơn Chúa nhà mình nghèo, nếu không, lần này cũng mất hết.
Mẹ và Octavia nhìn nhau cười cười. Số tiền gửi quỹ tiết kiệm bưu điện chỉ có hai mẹ con biết. Bà bảo Louisa:
– Ăn thêm đi. Con cần phải bồi dưỡng đấy.
Bà lấy một miếng thịt lớn trên đĩa Larry bỏ sang cho con dâu:
– Súc sinh, mày khỏe như trâu rồi. ăn mì thôi, nhường thịt cho vợ.
Con bé sướng ra mặt. Vốn ít nói, nó lí nhí:
– Con cám ơn mẹ.
Thằng Vincent và Gino đưa mắt nhìn nhau. Chúng biết bà quá rõ. Bà có ưa gì cô gái mặt cứ như đưa đám ma này.
Larry cười, nháy mắt với mấy thằng em. Larry xúc một muỗng đầy nước sốt, rồi kêu lên kinh ngạc:
– Eo ơi, bầy gián trên tường kìa!
Đó là cái trò cổ lỗ sĩ nhằm đánh lừa lũ em để “chôm chỉa” mấy miếng khoai chiên của chúng. Vincent và Gino tỉnh bơ, Louisa ngó sang phía tường. Lập tức Larry xỉa ngay miếng thịt bò trên đĩa vợ. Tụi nhóc hô hố cười. Biết bị gạt, cô nàng dâu khóc núc nở làm cả nhà chưng hửng. Larry phải bảo:
– Ồ, anh giỡn mà. Nhà mình vẫn giỡn nhau như vậy. Nín đi.
Octavia mắng em:
– Để cho nó yên đi, Larry.
Bà mẹ bảo cô con dâu:
– cái thằng súc sinh của con giỡn như chó vậy đấy. Lần sau thì mẹ cho ngay đĩa sốt nóng lên mặt nó.
Louisa đứng bật dậy, chạy xuống tầng hai.
– Lorenzo, theo vợ mày đi. Nhớ đem cho nó chút đồ ăn.
Nghe mẹ nói, Larry vừa ăn vừa bảo:
– Kệ nó, nó không ăn thây kệ nó.
Mọi người im lặng. Chợt Gino lên tiếng;
– Thằng Joey bị mất hai trăm mười ba đô la tiền gởi ngân hàng. Ba nó mất những năm ngàn.
Nó thấy mặt mẹ thoáng vẻ đắc thắng, cũng giống như lúc nghe tin nhà Panettiere bị mất tiền. Nhưng khi nghe Gino kể chuyện ba thằng Joey say xỉn vì mất của, mặt bà rầu rĩ, bảo:
– Đấy, khôn ngoan cũng chẳng qua số mạng.
Rồi bà và con gái nhìn nhau, mãn nguyện. Thật hú vía khi đem tiền đi gởi, hai mẹ con cũng đã đến ngân hàng. Nhưng khi nhìn những hàng cột nghênh ngang, dãy hành lang mênh mông bằng đá cẩm thạch, họ đâm ra xấu hổ vì số tiền nhỏ mọn, chẳng dám bước chân vào.
Hối hận vì sự hả hê đắc ý, bà mẹ buồn rầu bảo:
– Rõ khổ ông ấy. Ông ấy yêu tiền đến nỗi lấy vợ chỉ vì bà ta là người hà tiện chớ có yêu thương gì đâu. Vậy mà vợ chồng hạnh phúc hết sức. Khổ! Tránh trời không khỏi nắng.
Không ai quan tâm tới những lời ca cẩm của bà mẹ. Chúng biết quá rõ tính bà, mở miệng là toàn lời bi quan. Tuy nhiên bà mới là người thật sự tin tưởng vào một tương lai tốt đẹp. Buổi sáng khoan khoái thức dậy, ăn uống rất ngon miệng. Niềm hy vọng của bà là đổ đầy năng lượng cho các con bằng lương thực và tình yêu thương của mẹ. Các con bà cũng cảm thấy chẳng điều gì có thể làm bà khiếp sợ.
Ăn uống xong, Larry nằm ườn ra hút thuốc. Octavia và mẹ ôn lại những trò quỷ quái của nó khi còn nhỏ. Thằng Vincent bỏ một miếng thịt lên đĩa mì của Louisa rồi lấy một đĩa khác đậy lên. Bà mẹ thấy vậy, khen:
– Ngoan lắm. Đem xuống cho chị đi.
Vincent cầm đĩa đồ ăn và chai sô đa xuống lầu hai. Một lát sau trở lên tay không. Larry hỏi:
– Cô ấy ổn chứ?
Vincent gật đầu. Larry tỉnh bơ quay lại chuyện trò bốp chát, tưởng như không có gì xảy ra.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.