Đất tiền đất bạc

Chương 14(tiếp)



Larry cố làm hòa và cho hắn biết:

– Tiền đóng Nghiệp đoàn chính tôi đã xuất ra đóng cho ông . Tôi không muốn một tiệm bánh làm bánh ngon thế này gặp những chuyện rắc rối .

Tiết lộ của Larry làm Hooperman hết say . Nhưng hắn nghiến răng chỉ tay tận mặt Larry chửi bới:

– Đúng là quân găng tơ ! Mày nồ nạt, dọa dẫm tao không xong tính chơi trò tình cảm hả ? Bỏ đi ! Sao mày không lao động như tao đây này mà cứ chơi gác đòi cướp tiền, cướp cơm của tao nhỉ ? Một thằng làm quần quật một ngày mười hai giờ, mười bốn giờ như tao mà phải nạp tiền cho quân cướp cạn ? Cút ngay khỏi nhà tao, cút gấp … thằng ăn cướp trẻ ranh !

Thấy nó làm hung hãn quá, Larry không biết phản ứng cách nào . Đành quay mặt đi cắm đầu bước ra vậy . Ra ngoài cửa hàng vẫn còn ngạc nhiên quá nhưng nếu đi ngay thì hèn quá, sợ nó quá … nên để chứng minh là chẳng ngán gì nó, Larry dừng lại ở quầy hàng, bảo con nhỏ bán cho một ổ bánh mì, một chiếc bánh bơ pho mát . Con bán hàng lấy chiếc bánh bơ ra, đang cầm hũ đường rắc lên bánh theo lệ thông thường thì phòng trong có Hooperman hét ầm ầm rồi nó hùng hục chạy ra la lối: “Đồ ăn cướp … khỏi bán chác gì cho nó hết ! Không bán” .

Hooperman giựt đại hũ đường nơi tay con nhỏ, điểm mặt Larry và chỉ tay ra cửa hét lớn: “Cút ngay ! Tao bảo mày cút khỏi tiệm tao mà ?”

Giận dữ run người, Larry còn nhìn nó châm bẩm thì bị Hooperman đưa tay xô ra . Dĩ nhiên hũ đường phải đổ hết cả vào cổ nó nên Larry thấy mất mặt quá . Nó lẹ làng đưa tay lên chỉ cốt gạt tay Hooperman ra và nắm cứng lấy theo phản ứng tự nhiên . Thế rồi một cú thôi sơn tay phải bay vào giữa mặt thằng mập . “Rầm” một phát, sức mấy Hooperman đứng nổi ? Cái đầu sói bị một cú quá nặng bật tới bật lui … nếu không có cần cổ dám bay tuốt luốt luôn !

Nhìn lại bộ mặt Hooperman quả là cả một sự tàn phá ghê tởm . Cái mũi xẹp lép máu tuôn ồng ộc ra mặt quầy trộn lẫn với đường đỏ lòm . Cặp môi nát ngướu chẳng còn hình dạng gì ngoài một cục thịt bầy hầy máu . Bên trong thì nguyên hàm răng bên trái nằm sang một bên . Thấy máu mình đổ ra, Hooperman đâm say máu lạng quạng từ trong quầy đi ra như một thằng say rượu, nhưng vẫn cố chạy ra đằng trước để chặn cửa Larry, không cho thoát chạy . Miệng nó thều thào: “Cảnh sát … kêu cảnh sát” .

Con nhỏ bán hàng và hai ông bạn chạy luồn cửa sau . Một mình Hooperman giang tay chắn cửa trước … cặp mắt giương lên thấy ghê vì mặt mũi bầm giập đẫm máu . Nhìn trước nhìn sau Larry tính vọt đằng cửa sau thì bị Hooperman chạy theo nắm cứng … không dám làm gì, không dám đụng chạm nhưng cố níu cứng, nhất định không buông . Larry hất mạnh một cú là nó văng tuốt nhưng không lẽ lại xông vào đánh nữa ?

Đánh không nỡ mà đằng nào cũng bị bắt đến nơi, dám tù tội mất mặt cả nhà nên Larry bỗng nổi sùng lên phóng ra một đá bể tan cửa kính quầy hàng trước . Mảnh kính vụn bay tứ tán và Larry liên tiếp đá văng bằng hết mấy giá bánh bày dài dài . Tiếc của như phát khùng, thằng Hooperman nhào tới liền, ôm hai chân Larry vật té lăn . Vì vậy lúc lính tới hai thằng còn mải ghì nhau, vật nhau lăn lông lốc trên nền nhà đầy những mảnh vụn và mảnh kính bể . Không đứa nào chịu buông hết !

Vào bót cảnh sát hai gã điều tra viên đồ sộ áp giải Larry vào phòng sau . Một gã vặn hỏi:

– Thế nào, đầu đuôi ra sao … chú nhỏ ?

– Tôi đang hỏi mua bánh . Hắn gây sự, hắn hất đường vào mặt tôi . Nhân chứng là cô bán hàng …

– Rồi chú mày đập nó lăn ra chứ gì ?

Larry lắc đầu . Đúng lúc đó có một cái đầu thẩm vấn viên thò vào cửa bảo: “Thằng mập vừa khai thằng nhỏ này đi thâu hụi chết cho Di Lucca đó nghe” .

Gã điều tra viên đang lo vụ Larry bèn đứng dậy bỏ phòng đi ra . Mấy phút sau, hắn trở vào châm điếu thuốc hút, bỏ dở hỏi cung . Gã chẳng buồn hỏi Larry thêm một câu nào nữa . Nhất định gã chờ một cái gì .

Chưa bao giờ khổ tâm đến vậy . Việc ra cò bót thế nào chẳng có báo đăng, thế nào lối xóm cũng biết ? Rồi ra tòa, rồi lãnh án và ở tù thì … đẹp mặt cho cả nhà ! Tất cả chỉ vì làm ăn với Di Lucca .

Gã thẩm vấn viên nhìn đồng hồ . Hắn tất tả đi ra và mấy phút sau lại trở về y chỗ . Nhưng lần này hắn kêu Larry, ngón tay trái chỉ trỏ phía cửa:

– Rồi, xong rồi . Vụ của chú có người lo rồi !

Larry ngây người . Nó đâu biết gì, cứ tưởng tai mình nghe lầm . Gã thầy chú lại phải nói:

– Kìa ra đi chớ ! Sếp chú đang chờ ngoài đó …

Một vị thầy chú khác mở bật cửa cho Larry đi ra và người đầu tiên mà nó thấy là sếp Di Lucca đang đứng chờ ngoài bực thềm cửa bót . Sếp bắt tay một thầy chú cảm ơn và vỗ vai kéo Larry đi xuống đường . Có chiếc xe mui kín chờ sẵn . Hai thầy trò lên ngồi phía sau . Thằng tài xế tưởng ai hóa ra thằng bạn học cũ của Larry biệt mặt từ lâu nay .

Gặp lại nó, Larry đã ngạc nhiên . Sự ngạc nhiên thứ hai là tự nhiên … Di Lucca lại choàng vai nó âu yếm, dùng tiếng mẹ đẻ khen ngợi:

– Tuyệt … chú mày vừa chơi một cú tuyệt vời ! Thằng khốn đó phải đập như thế đó nó mới ngán . Mặt mũi nó bây giờ méo xẹo, một bằng chứng hiển nhiên là chú mày chơi ngon . Nghe tụi nó báo cáo là nó từ chối không bán bánh cho chú mày … là chú mày cho nó nằm luôn phải không ?

° ° °

Xe Di Lucca đi dọc đại lộ 10 vào trung tâm thành phố . Larry nhìn qua khung cửa kính, nhìn vào khu nhà ga . Dường như trong con người nó thay đổi lớn, đang lột xác từng giây, từng phút để biến thành một con người mới . Một con người khác hẳn . Từ nay khỏi có vấn đề trở lại làm Hỏa xa, khỏi ngán chuyện cò bót . Pháp luật từ nay đối với nó chẳng có nghĩa lý gì, kể từ giây phút nó vào bót gặp mấy thầy chú và ra đụng đầu sếp Di Lucca “bắt xua” bồ bịch . Nó không phải có cảm giác có vào bót cũng không được sếp gỡ ra dễ dàng .

Larry không thể quên được vũng máu thằng Hooperman đổ ra, cảnh tượng nó đầy mặt máu mà vẫn liều lĩnh đứng chặn cửa và nhất là cặp mắt đổ lửa giữa đống thịt bầy hầỵ Ghê tởm quá .

Vì vậy nó phải nói thẳng với sếp:

– Ông Di Lucca … Tôi không thể làm công việc đi đánh đập người ta để trả tiền . Làm thâu ngân viên thì được chứ “găng tơ” tôi không dám đâu .

Di Lucca vỗ vai Larry hỏi lại:

– Ủa, ai bảo chú mày làm “găng tơ” ? Tao làm “găng tơ” hồi nào ? Tao làm ăn nuôi vợ, nuôi con và đàn cháu nội, cháu ngoại … chứ “găng tơ” mà làm Bố Già cho bao nhiêu đứa con cái bè bạn hả ? Chú mày đã biết đời sống bên Ý nó tàn nhẫn thế nào chưa ? Phải bới đất mà kiếm từng miếng xương như con chó vậy . Thế mà đã xong đâu ? Đụng đến ai, nhờ một cái gì cũng phải lo lót !

Một ông địa chủ nghỉ hè về làng chơi là phải biết ! Con gái cả làng phải tới quét dọn hầu hạ, cắm bông tươi đàng hoàng … để được ông chủ ban một nụ cười và cái danh dự được hôn tay người !

Chừng bỏ quê hương di cư sang Mỹ thì mọi sự thay đổi hết . Biến đổi như một phép lạ của Chúa vậy ! Còn ở bên Ý thì nhất mấy ông chủ đất . Nói gì một mẩu bánh chỉ cần đến một trái ôliu, một củ cà rốt của ông chủ cũng cần phải bỏ xứ trốn sang Phi châu . Còn ở xứ sở dân chủ này thì lại khác . Ông chủ không thế lực ghê gớm nữa mà thằng nghèo còn có hy vọng mở mặt . Vậy phải có một cái giá nào phải trả chứ ?

Chú mày xem bộ thương hại thằng chó chết chủ tiệm đó ? Bỏ đi ! Chú mày thấy thầy chú đối xử tử tế không ? Một phần vì chú mày làm cho tao, dĩ nhiên . Nhưng thằng cha chủ tiệm đó thì bần tiện, khó thương quá . Cò bót ở ngay kế bên mà nó có chịu lâu lâu biếu ít bánh, mời uống cà phê làm thân đâu ? Ngay thằng có nhiệm vụ đi tuần tiễu trong khu của nó mà vào uống cà phê vẫn cứ phải chi như thường . Một người cư xử như vậy có thể gọi là được không ?

Di Lucca ngừng một hồi, xem bộ tởm thằng cha Đức đó hết chỗ nói . Ông ta lắc đầu:

– Thằng khốn đó tưởng đâu hiền, có cơ sở làm ăn đàng hoàng chăm chỉ và không đụng tới pháp luật là chẳng sợ chuyện gì xảy ra . Vậy nó mới khùng ! Bây giờ chú mày nghe tao nói đây …

Hãy cứ lo mình trước đã . Chú mày chăm làm, đàng hoàng và kiêng pháp luật . Chú mày lao động quá xá chứ ? Cứ xem cái cánh tay khổng lồ như đười ươi của chú mày là phải biết . Nhưng chú mày nghĩ lại xem, thời buổi này lấy đâu ra công việc ? Có ai, có ông chủ nào tới nhét một phong bì lương vào tay chú mày để tưởng thưởng cho sự lương thiện đâu ? Đồng ý là chú mày không phạm pháp thì chẳng ai dám tống chú mày vào tù thật … Nhưng có mài được cái lương thiện ra để nuôi vợ nuôi con cho khỏi đói được không ?

Vậy những người như mình thì làm sao mà sống ? Việc làm không có, không ai trả lương, không dám phạm pháp, không dám trộm cắp chỉ vì hai chữ lương thiện . Và hậu quả gần nhất là đói chắc . Đói cả vợ chồng và con cái !

Di Lucca nhìn vào mặt Larry, đợi nó cười … nhưng Larry vẫn nhìn chằm chặp, có ý đợi ông sếp nói nữa giảng giải thêm cho nghe nữa . Ông ta biết vậy nên nói thật trang trọng:

– Cái vụ đánh đập vừa rồi lâu lâu mới xảy ra một lần chứ đâu có phải xử đụng tay đụng chân hoài hoài ? Vậy đủ rồi ! Bây giờ chú mày còn muốn làm ăn với tao không nào ? Mỗi tuần $100 và có đất khá hơn . Chịu chứ ?

Larry đáp khẽ:

– Cảm ơn ông … Tôi thì thế nào cũng xong .

– Vậy thì tốt ! Nhưng chú mày bỏ cái lối xuất tiền túi ra đóng cho chúng nữa nghe ?

Di Lucca vừa nói vừa thân mật điểm mặt làm Larry cũng phải mỉm cười: “Sẽ không còn cái vụ đó !”.

Ở trên xe Di Lucca bước xuống, Larry muốn đi bộ dọc bờ thành xe lửa một lát để suy nghĩ chuyện đời . Nó cảm thấy ở đời khó lòng tử tế mà ép buộc mỗi người ta làm một cái gì theo ý mình muốn . Phải chơi dữ, phải đểu . In hình thấy nó dám ra tay hành hạ một người nào đó có kẻ còn thỏa mãn . Nếu không Di Lucca đã chẳng hân hoan sung sướng ra mặt sau khi hay tin nó đập bể mặt thằng Hooperman .

Nếu Di Lucca không sung sướng vì chuyện đó thì chưa chắc Larry đã có một công việc nuôi vợ, nuôi con … và còn thừa thì phụ giúp mẹ để nuôi bầy em nhỏ . Nếu đời là vậy thì Larry đành phải chấp nhận vậy, cũng như nó vững tin là chính nó đập bể mặt Hooperman thật nhưng chẳng phải vì tiền thì đâu có vấn đề nó từng phải xuất tiền túi đóng “nguyệt liễm” giùm thằng chủ tiệm người Đức khó thương đó?


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.