Đâu Mái Nhà Xưa

CHƯƠNG 11



Trong cái ngày lo lắng rộn ràng ấy Johann Veraguth đã hoàn tất bức họa lớn của ông. Lo sợ và phiền muộn sâu xa khi ông rời khỏi thằng bé bệnh hoạn đó. Ông nhận thấy khó khăn hơn bao giờ hết để giữ cho các ý nghĩ của ông ở trong sự kiểm soát và để giữ cho đầu óc được hoàn toàn thanh tĩnh, cái đó là bí quyết của sức mạnh của ông và để được cái đó ông đã phải trả một cái giá cao đến nhường ấy. Nhưng ý chí của ông thì mạnh mẽ, ông đã thành công, và trưa hôm ấy, trong cái làn ánh sáng quang đãng êm dịu đó, ông đã đi những đường cọ cuối cùng cho tác phẩm ấy của ông.
Khi ông đặt tấm điều sắc của ông qua một bên và ngồi xuống đối diện với khung họa, ông đã cảm thấy một nỗi hoang vắng một cách lạ lùng. Ông biết rằng họa phẩm này là đẹp, rằng ông đã đưa ra một cái gì đáng kể. Nhưng tận trong thâm tâm thì ông cảm thấy trống trải, cùng kiệt. Và ông không có một ai để ông có thể chứng tỏ tác phẩm của ông.
Bạn ông thì ở muôn trùng xa cách, Pierre thì đau ốm, và chẳng còn ai khác nữa. Chỉ có những đáp ứng sẽ tới với ông, đó là – báo chí và thư từ – các cái đó là của một thế giới ngoại diện lãnh đạm. Chúng chẳng có ý nghĩa gì, còn tệ hơn là chẳng có gì cả; vào khoảnh khắc ấy, chỉ có cái thoáng nhìn của một người bạn hoặc nụ hôn của một người yêu mới có thể đền bù cho ông đem đến cho ông lạc thú và nghị lực.
Bởi vì trong một vài phút ông im lặng trừng mắt nhìn vào họa phẩm, bức họa ấy đã thu hút những nghị lực và những giờ tốt đẹp của mấy tuần lễ đã qua, đã tỏa ra sinh khí, trong khi đó thì ông đứng đó mất thiện cảm và mệt nhoài người ra.
– Ồ, phải, ta sẽ bán nó đi, nó sẽ trả giá cho cuộc hành trình đến Ấn Độ của ta. – Ông nói lên trong một giọng mỉa mai không giữ ý tứ. Ông khép cửa họa phòng lại và đi đến ngôi biệt trang để xem Pierre tiến triển ra sao. Ông nhận thấy em đã ngủ. Cậu bé trông đã khá hơn vào lúc dùng bữa trưa, giấc ngủ đã mang lại màu sắc cho gương mặt cậu bé, miệng em hả ra một nửa, cái biểu lộ của sự hành hạ và vô vọng đã biến mất.
– Những cái này nó đi qua các đứa bé nhanh làm sao, ông lầm thầm với vợ ông ở lối cửa. Bà mỉm cười một cách yếu ớt và ông thấy rằng bà cũng đã trút bỏ đi cái gánh nặng nữa, rằng sự lo lắng của bà còn lớn lao hơn là bà đã chứng tỏ.
Cái ý nghĩ dùng cơm tối một mình với vợ ông và Albert không làm ông thích thú.
– Tôi sẽ đi ra phố – Ông nói – Chiều nay tôi sẽ không có mặt ở đây.
Pierre nằm ngủ thiu thiu, mẹ em che kín căn phòng lại và rời khỏi em.
Em đã nằm mơ thấy em đang thong thả bách bộ qua một vườn hoa. Mọi vật trông khác hẳn, to lớn và mênh mông hơn thường lệ; em bước đi; đi mãi và không có kết thúc. Các luống hoa thì yêu kiều diễm lệ hơn là em chưa hề thấy bao giờ, nhưng các bông hoa tất cả hình như giống như là kiếng một cách kỳ lạ, to lớn, và lạ lùng, và tất cả đều lấp lánh với một vẻ đẹp buồn chết người.
Hơi khó chịu, em đi quanh một luống tròn những cây nhỏ với những chiếc hoa to lớn. Một con bướm xanh bám vào một chiếc hoa trắng, im lặng hút nhụy. Trời yên lặng một cách không tự nhiên, trên các lôi đi không có sỏi nhưng có một cái gì êm ái, giống như đi trên tấm thảm.
Từ phía khác của luông hoa, mẹ em tiến đến với em, nhưng bà không thấy em và cũng không gật đầu với em, và trông nghiêm trang, vẻ buồn rầu biến vào không khí và đi qua không một tiếng động, giống như một bóng ma.
Một lát sau, trên lối mòn khác, em thấy thân phụ em, và rồi Albert, và họ cũng đi thẳng tới trước, im lặng và nghiêm trang, và cũng không ai trong hai người thấy em cả. Dưới sức dụ hoặc, họ đi thơ thẩn đây đó cứng ngắc và trơ trọi, và điều đó như thể là hình như nó phải luôn luôn như thế này, như thể là sẽ chẳng bao giờ có ánh sáng trên đôi mắt cố định của họ hoặc nụ cười trên các gương mặt họ, như thể là sẽ chẳng bao giờ có âm thanh nào thổi vào sự im lặng bất khả thâm nhập này hoặc cơn gió hiu hiu êm dịu nhất có bao giờ chạm đến những chiếc lá và những nhánh cành bất động kia.
Điều tệ hại nhất là chính em không thể nào gọi lên được. Chẳng có gì ngăn chặn em, em không cảm thấy đau đớn, nhưng em không có can đảm và thực sự cũng không muốn; em hiểu rằng đây là điều nó phải vậy như thế nào, và điều mà nó sẽ chỉ làm cho khủng khiếp hơn nữa nếu em nổi loạn chống lại.
Pierre đi một cách chậm rãi qua cái khu vườn rực rỡ vô hồn ấy. Hàng ngàn đóa hoa lộng lẫy lấp lánh trong cái không khí sáng rực chết người ấy như thể chúng không sống hoặc có thực gì cả. Thỉnh thoảng em thấy Albert hay mẹ em hay cha em, và luôn luôn họ đều đi qua mặt em và người này tiếp theo người kia với cùng cái trơ trơ không nhận ra ấy.
Đối với em thì việc này hình như đã xảy ra từ lâu rồi, có lẽ hàng năm trời, và những cái đó ở vào các lúc khác, khi vũ trụ và khu vườn đã linh hoạt, khi thiên hạ thì vui vẻ và chuyện trò tíu tít và chính em thì tràn ngập niềm vui và man dại, nằm xa tắp nghìn trùng trong cái quá khứ mù lòa thăm thẳm. Có lẽ thế giới đã luôn luôn như nó có hiện giờ, và cái đời sống dễ chịu hơn chỉ là một giấc mơ khinh khoái, rồ dại mà thôi.
Sau cùng em đi đến một cái chậu nhỏ bằng đá nơi đây người làm vườn trước đây đã rót đầy các hũ nước của y và nơi mà chính em đã thả một vài con nòng nọc nhỏ xíu xuống đó. Màu nước xanh biếc bất động, phản chiếu cái mép đá và những chiếc lá vắt ngang bên trên của một lùm cây thủy cúc vàng. Trông nó xinh đẹp, trơ vơ và có phần bất hạnh giống như tất cả mọi vật khác nữa.
– Nếu cậu rơi xuống đó, cậu sẽ bị ngộp nước và cậu chết đuối, người làm vườn một lần đã nói thế. Nhưng nó không có sâu gì cả.
Pierre bước tới cái mép tròn của cái chậu đá và cúi tới trước.
Em thấy gương mặt mình phản chiếu dưới nước. Đấy cũng giống như các khuôn mặt của những kẻ khác: già nua, xanh xao và cứng ngắc với vẻ nghiêm trang đạo mạo và lãnh đạm bơ thờ.
Em đã ngạc nhiên và hoảng hốt, và bất thần nỗi khiếp sợ bí mật và nỗi buồn bã vô nghĩa của thân phận em dâng lên trong người em quá đỗi mạnh mẽ. Em cố kêu lên, nhưng chẳng có âm vang. Em muốn gào thét than van, nhưng tất cả điều mà em có thể làm được là nhăn mặt nhíu mày và cười ha hả một cách vô vọng.
Lúc ấy ba em lại tái xuất hiện và Pierre quay sang với ông, vận dụng tất cả sức mạnh của em một cách tuyệt vọng. Em lặng lẽ thút thít khóc và tất cả nỗi khốn khổ của em, tất cả nỗi thống khổ không thể chịu nổi của cái tâm hồn tuyệt vọng của em, đã quay sang ba em cầu sự giúp đỡ. Ba em tiến lại như một bóng ma thản nhiên trơ trơ và hình như lại không thấy em gì cả.
– Ba! – Em cố kêu lên, và mặc dù không có âm vang có thể nghe thấy, cái động lực của nỗi đau buồn khủng khiếp của em đã đạt tới con người cô đơn, im lặng ấy. Ba em quay mặt lại và nhìn đến em.
Với cái nhìn tìm tòi dò xét của nhà họa sĩ ông trố mắt nhìn một cách chăm chú vào đôi mắt khẩn khoản đó, mỉm cười một cách yếu ớt và khẽ gật đầu: có sự ân cần tử tế và hối tiếc trong cái thoáng nhìn của ông nhưng không an ủi, như thể chẳng có gì để giải quyết cả. Vì rằng trong một phút giây vắn tắt một cái bóng của tình thương và nỗi khốn khổ thân tộc lướt qua cái gương mặt nghiêm khắc của ông, và trong cái phút giây ngắn ngủi này ông không còn là một người cha với tất cả quyền uy, nhưng có phần là một người anh em vô ích.
Rồi ông nhìn thẳng tới trước và chẫm rãi bước đi trên cùng một khoảng cách bằng phẳng như nhau.
Pierre thấy ông mờ dần rồi biến mất, cái chậu, con đường mòn và khu vườn trở nên tối tăm trước khi đôi mắt đã khiếp đảm của em và đã biến mất như những áng mây mù mịt. Em thức giấc với sự nhức nhối hai bên thái dương và một cái cổ nóng bỏng và thấy em đang nằm trên giường ngủ có một mình trong căn phòng tối đen. Em cố gắng trong kinh hoàng để suy nghĩ lại, nhưng nhận thấy không nhớ lại được. Mệt nhoài và thôi chí, em trở mình nằm lại.
Ý thức đầy đủ chỉ trở lại với em một cách chầm chậm. Rồi em thở dài nhẹ nhõm. Bị bệnh và nhức đầu thật là tệ hại, nhưng cái đó có thể chịu đựng được; cái đó còn nhẹ nhàng và ngọt dịu khi đem so sánh với cái cảm giác chết chóc của cơn ác mộng của em đó.
Tất cả sự hành hạ này cái gì là điều tốt đẹp, Pierre nghĩ ngợi, và cuộn tròn mình dưới chiếc mền. Có công dụng gì ở sự bệnh hoạn? Nếu nó là một sự trừng phạt – thì em đã bị trừng phạt vì cái gì? Em không ăn cả bất kỳ cái gì cấm đoán – như có một dạo, khi em làm hại bao tử em vì ăn những trái mận còn sống. Chúng bị cấm, nhưng em đã ăn các trái ấy cũng vậy; như vậy nó đã đem đến cho em cái quyền và em phải gánh chịu các hậu quả. Cái đó thì phân minh rồi. Nhưng hiện giờ? Tại sao em đang nằm trên giường bệnh hiện giờ, tại sao em phải ọe mửa và tại sao em lại bị đau đớn khốn nạn như vậy trong đầu em?
Em đã thức nằm đó một lúc lâu khi mẹ em đi vô phòng. Bà mở mằn và căn phòng tràn ngập cái ánh sáng êm dịu của buổi chiều.
– Khỏe không cưng? Con có ngủ ngon chứ?
Em không trả lời. Nằm nghiêng một bên, em giương mắt lên nhìn bà. Bà nhìn lui tới em trong sự ngạc nhiên. Đôi mắt em hình như tra vấn và nghiêm trọng một cách lạ lùng.
Không bị sốt, bà nghĩ với sự khuây khỏa.
– Bây giờ con có thích ăn một cái gì không?
Pierre gật đầu một cách yếu ớt.
– Có một cái gì mà mẹ có thể đem vào cho con không?
– Nước. – Em nói nho nhỏ.
Bà mang nước vào, nhưng em chỉ hớp một ngụm, rồi em lại nhắm mắt lại.
Bất thần tiếng đàn dương cầm từ phòng kế cận vang lên, rót đầy căn phòng với từng đợt lớn lao của âm thanh.
– Không! – Em kêu lên – Không! Để yên tôi một mình!
Em đưa cả hai tay lên tai em và vùi đầu dưới gối.
Với một tiếng thở dài, bà Veraguth đi sang phòng bà và yêu cầu Albert ngừng đàn. Đoạn bà trở lại và ngồi bên cạnh giường ngủ Pierre cho đến khi em thiu thiu ngủ lại.
Chiều hôm đó ỉà buổi chiều rất tĩnh lặng trong nhà. Veraguth vắng mặt, Albert thì đổ quạu vì không thể chơi dương cầm. Họ đã đi ngủ sớm. Bà Veraguth để cánh cửa phòng bà mở ra như vậy để nghe được Pierre nếu đêm hôm em có cần đến bất kỳ cái gì chăng.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.