Đâu Mái Nhà Xưa

CHƯƠNG 4



Albert Veraguth bước quanh quẩn một cách giận dữ trong phòng âm nhạc của mẫu thân cậu. Mới thoạt nhìn thì cậu trông giống phụ thân cậu vì cậu cũng có đôi mắt tương tự, song thực ra thì cậu trông giống mẹ cậu hơn, bà đang ngồi tựa vào chiếc dương cầm, dõi theo cậu với đôi mắt chăm chú, âu yếm. Khi cậu bước gần tới bà, bà bèn nắm lấy vai cậu và quay đối diện với mặt bà. Một mảng tóc nâu rủ xuống trên vầng trán rộng nhợt nhạt của cậu, đôi mắt cậu long lanh với sự xao động con trẻ, và cái miệng đầy đặn xinh xắn của cậu đã vặn lại với cơn tức giận.
– Không đâu mẹ, – Cậu kêu lên, vùng tuột khỏi tay bà – mẹ biết là con không thể nào sang thăm ổng. Chuyện đó sẽ là một tấn khôi hài kỳ dị. – Ổng biết là con ghét ổng, và con có thể nói cái gì mẹ thích, ổng cũng ghét con nữa.
– Ghét à! – Bà nói với sự nghiêm nghị dịu dàng – Đừng có dùng những lời lẽ như vậy, nó làm lệch hết cả mọi sự đi. Ông là ba của con và có lần ổng đã thương yêu con rất là thắm thiết. Mẹ cấm con nói như thế đó nghe.
Albert đứng lặng người và đứa mắt đăm đăm nhìn bà.
– Cố nhiên mẹ có thể cấm con dùng những lời lẽ ấy, song cái đó có thay đổi được gì chăng? Hay là mẹ mong con tỏ lòng biết ơn với ổng? Ổng đã làm tan nát đời sống của mẹ và ngôi nhà của con, ổng đã biến cái cõi Rosshalde tuyệt vời, hạnh phúc, đẹp đẽ của chúng ta thành ra một chốn thống khổ và ghê tởm. Mẹ ạ, con lớn lên tại đây, và một đôi khi con mơ màng đêm này tới đêm kia đến những căn phòng cũ, hành lang, khu vườn, chuồng gia súc và chuồng bồ câu. Con chẳng có ngôi nhà nào khác để mà con có thể yêu thương mơ tưởng và đem lòng quyến luyến gia hương. Và hiện tại con phải sống ở những chốn xa lạ và con cũng chẳng thể đem một thằng bạn về nhà vào dịp nghỉ hè, bởi vì con đâu có muốn cho hắn thấy cái đời sống mà chúng ta đã hướng dẫn! Và hễ khi nào con gặp mặt một kẻ nào đó và hắn nghe tới tên con, thì hắn đã hát lên những lời ca thánh ngợi ca người cha tiếng tăm danh vọng của con. Ô, mẹ à, thà là chúng ta là con người nghèo khó và mẹ phải đi may vá hay dạy học, và con phải giúp đỡ mẹ sinh sống.
Mẹ cậu nắm lấy cậu và ấn cậu ngồi xuống ghế, bà cũng ngồi xuống cạnh bên cậu và vuốt xuôi lại mái tóc của cậu.
– Đó – Bà nói trong một giọng sâu trầm, mà cái âm thanh ấy nó tự nhiên và quen thuộc đối với cậu – Đó. Bây giờ con lại nói với mẹ tất cả đấy. Thỉnh thoảng đấy là một ý kiến tốt lành để tống khứ mọi điều ra khỏi lồng ngực con. Điều tốt đẹp là ý thức đến cái gì chúng ta phải chịu đựng. Song chúng ta không nên quậy lên những điều làm cho chúng ta tổn thương đó, bé ạ. Nay con đã cao lớn bằng mẹ rồi, chẳng bao lâu nữa con sẽ là một trang nam nhi, và mẹ lấy làm hả dạ. Con là đứa bé con của mẹ và mẹ muốn rằng con vẫn tiếp tục là đứa bé con của mẹ, nhưng con thấy đó, mẹ lúc nào cũng cô đơn trơ trọi và mẹ đã có hết cả những chuyện buồn phiền. Mẹ cần đến một người bạn có những đức tính của đàn ông, và người đó phải là con. Con phải hòa nhạc với mẹ, đi dạo trong vườn với mẹ và săn sóc cho Pierre, và chúng ta sẽ có một kỳ nghỉ hè tốt đẹp với nhau. Nhưng con không nên bực tức và gắt gỏng và gây ra những việc còn cực nhọc hơn nữa cho mẹ, bởi vì điều đó sẽ làm cho mẹ cảm thấy rằng con vẫn còn là một đứa bé và mẹ phải đợi một thời gian dài mới có được cái người bạn thông minh mà mẹ rất đỗi cần thiết đó.
– Dạ, cố nhiên mẹ ạ. Nhưng khi có những việc làm cho con bất hạnh rồi con phải luôn luôn giữ những cái đó cho mình sao?
– Đấy là cách thức tuyệt nhất đấy Albert ạ. Cái đó không dễ gì đâu và ta không thể trông cậy điều đó ở các đứa bé. Nhưng đấy là cách thức tuyệt nhất đấy – bây giờ thì chúng ta sẽ chơi một cái gì chứ?
– Dạ, hãy bắt đầu. Giao hưởng khúc số hai của Beethoven nhé – mẹ thích chứ?
Họ gần như vừa bắt đầu tấu nhạc thì khi đó cánh cửa khẽ mở và Pierre lỏn vào, ngồi trên chiếc ghế đẩu và lắng nghe. Em nhìn đến sau cổ người anh của em, chiếc sơ mi thể thao bằng lụa, mái tóc lay động theo giai điệu của âm nhạc và đôi tay cậu ta một cách ân cần. Hiện tại đôi mắt bị che khuất khỏi em, em chú ý đến sự rất giống nhau của mẹ em với Albert.
– Em thích không? – Albert hỏi trong lúc ngưng đàn. Pierre chỉ gật đầu, nhưng một lát sau đó nó lẳng lặng rời khỏi căn phòng. Ở trong câu hỏi của Albert em ý thức đến cái dấu vết của cái giọng điệu mà theo kinh nghiệm của em thì hầu hết những người trưởng thành đều ra vẻ nói với các đứa bé; em không thể nào chịu nổi cái làm bộ thân mật và cái ngạo mạn nặng nề đó. Em lấy làm vui sướng khi người anh cả của em về nhà, em đã trông mong với lòng nhiệt thành về chuyến hành trình của người anh và đã chào mừng ông anh một cách vui vẻ tại nhà ga. Nhưng cái giọng điệu đó, không, em sẽ không chịu đựng được đâu.
Giữa khi ấy, Veraguth và Burkhardt đang chờ đợi Albert tại họa phòng, Burkhardt thì với sự tò mò không giấu diếm, nhà họa sĩ thì ở trong sự bối rối không yên. Sự vui vẻ linh hoạt ngắn ngủi của ông bất thần rời khỏi ông khi ông hay rằng Albert đã đến.
– Có phải việc cậu ấy đến là bất ngờ không? – Otto hỏi.
– Không, tôi không tin như vậy. Tôi biết hắn đến bất cứ ngày nào.
Veraguth lấy ra ở chiếc hộp đựng đồ vụn vặt một số hình cũ. Ông lấy ra một bức hình của một đứa bé nhỏ và xếp nó bên cạnh với tấm hình của Pierre.
– Đây là bức hình của Albert bằng hệt với cỡ tuổi của Pierre hiện nay. Anh còn nhớ nó chứ?
– Ồ, nhớ lắm chứ. Bức hình thật là giống. Cậu ta trông giống vợ anh nhiều hơn.
– Giống hơn Pierre à?
– Phải, giống hơn nhiều lắm. Pierre thì hoặc là tuýp người của anh hoặc là của mẹ cháu. À, cậu ta đến đây này. Hay là Albert? Không, không thể vậy đâu.
Những bước chân nhẹ nhàng nghe vang lên phía ngoài cửa, đi qua các bục đá lót đường và miếng sắt để chà chân; cái nắm cửa bị chạm và sau một chút do dự thì nó quay vòng. Bước vô là Pierre, sấn tới một cách thân mật, thoáng nhìn một cách tò mò để xem không biết em có được chào đón không.
– Albert đâu rồi? – Ba em hỏi.
– Ở với má. Họ đang chơi dương cầm ở đẳng.
– Ba biết. Hắn đang chơi dương cầm mà.
– Bộ ba giận hả ba?
– Không đâu Pierre à. Ba vui sướng thấy con đến. Có tin tức gì mới không?
Cậu bé thấy các tấm hình và nhặt lên.
– Ô, con đấy. Còn ai đây? Albert phải không?
– Phải, Albert đấy. Trông ảnh ra sao khi ảnh bằng tuổi con đấy.
– Đó là lúc trước khi con được sinh ra kia. Và bây giờ thì ảnh đã lớn rồi và Robert gọi ảnh là ông Albert.
– Thế con có ưng lớn như thế không?
– Dạ ưng chớ! Các người trưởng thành có thể có các con ngựa và đi du lịch. Con khoái cái đó lắm. Và không một ai có thể gọi ba là “con” và bẹo má ba đâu. Nhưng thực ra thì con không muốn khôn lớn đâu. Người già cả có thể là khó chịu thế kia. Ngay cả Albert hiện giờ cũng đã hoàn toàn khác hẳn rồi. Và khi người tuổi tác càng ngày càng già nua thêm nữa, sau cùng thì họ chết ngắc. Con thà là ở lại theo cái lối của con, và thỉnh thoảng con thích sao có thể bay được nữa kia, bay bổng quanh các thân cây và bay vào giữa các đám mây. Lúc ấy con mới cười vào mũi tất cả mọi người đấy nhé.
– Cũng cười ba nữa chớ Pierre?
– Thỉnh thoảng thôi ba ạ. Người già cả một đôi khi cũng buồn cười thế kia. Mà không có nhiều như vậy đâu. Thỉnh thoảng má nằm ngoài vườn trên một chiếc ghế dài, chẳng làm gì cả, chỉ nhìn cỏ thôi; tay má buông xuôi xuống và má hoàn toàn yên lặng và hơi buồn một chút. Thật là tuyệt không phải làm gì cả suốt thời gian ấy.
– Con không muốn gì nữa à? Một kiến trúc sư hay một bác làm vườn, hay có lẽ một họa sĩ?
– Không, con không muốn thế đâu. Ở đây đã có một bác làm vườn rồi, và con đã có căn nhà rồi nữa. Con thích làm những cái hoàn toàn khác kia. Con thích hiểu biết những gì mà các con chim hút gió nói với nhau cơ. Và cũng thích được thấy những cái cây nó xếp đặt làm sao mà uống nước với những cái rễ của nó và để được khổng lồ như thế kia. Con không nghĩ rằng có bất kỳ ai thực sự biết cái đó. Thầy giáo thì biết hết cả đấy, nhưng chỉ những điều chán chết.
Em đã ngồi vào lòng Burkhardt và mân mê chiếc dây nịt của y.
– Có nhiều điều mà chúng ta không thể nào biết được – Burkhardt nói trong một giọng thân mật – Có nhiều điều chúng ta chỉ có thể thấy thôi, nó đẹp đẽ và chúng ta nên hài lòng với cái đó. Khi cháu đến thăm chú tại Ấn Độ một ngày nào đó, cháu sẽ được ở trên một chiếc thuyền lớn từ ngày này đến ngày kia, từng bầy những con cá nhỏ dưới nước phóng lên đầu mũi thuyền, chúng có những đôi cánh óng ánh và chúng có thể bay được nữa. Và một đôi khi có những con chim đến từ một đoạn đường thật là xa xôi tận các hải đảo xa lạ; chúng nó rất mệt mỏi, chúng nó đậu xuống trên một mạn thuyền và chúng nó rất lấy làm lạ khi thấy có nhiều người lạ lùng thế kia chạy quanh trên đại dương. Chúng nó sẽ thích được biết chúng ta nữa, và hỏi chúng ta ở đâu đến và tên tuổi chúng ta là gì, nhưng chúng nó không thể làm thế, cho nên chúng nó chỉ nhìn vào mắt nhau và gật đầu với chúng ta, và khi giống chim đó đã nghỉ ngơi đầy đủ rồi thì nó bèn vỗ cánh và bay mất qua đại dương.
– Có bất kỳ ai biết các con chim đó gọi là gì không hở?
– Ồ có chứ. Nhưng chúng ta chỉ biết cái tên mà thiên hạ gán cho chúng mà thôi. Chúng ta không biết nó gọi nhau bằng tên gì.
– Ba ạ, chú Burkhardt có nhiều câu chuyện tuyệt diệu thế kia. Con mong rằng con cũng có được một người bạn nữa. Albert thì quá lớn rồi. Hầu hết thiên hạ không thực sự hiểu biết cái gì con định nói khi con nói một cái gì đó, nhưng chú Burkhardt thì hiểu ngay cơ đấy.
Người giúp việc đến đem đứa bé đi. Chẳng mấy chốc đã đến giờ dùng bữa chiều và hai người đàn ông đó đi tới ngôi biệt trang. Ông Veraguth thì im lặng và khó chịu. Tại phòng ăn cậu con trai ông đến với ông và họ bắt tay nhau.
– Xin chào ba.
– Mừng anh, Albert. Anh có một cuộc hành trình tốt đẹp chứ?
– Dạ, xin cảm ơn ba. Xin chào chú Brukhardt.
Cậu thanh niên rất là điềm tĩnh và hợp cách.
Cậu đưa mẹ cậu đến bàn ăn. Bữa ăn đã dọn lên rồi. Cuộc nói chuyện hầu như hoàn toàn giữa Burkhardt và bà chủ nhà. Họ đã nói đến âm nhạc.
– Tôi có thể hỏi được chăng, – Burkhardt nói, quay sang Albert – cậu đặc biệt thích loại nhạc nào? Mặc dù tôi phải thú nhận rằng tôi đã bị gián đoạn, các soạn nhạc gia hiện đại tôi cũng chẳng biết mấy tên nữa.
Chàng trai nhìn lên một cách lịch sự và trả lời. Các soạn nhạc gia hiện đại cháu biết nhiều nhất là chỉ do ở việc nghe của cháu mà thôi. Cháu không thiên về bất kỳ trường phái nào cả, cháu ưa thích bất kỳ loại nhạc nào miễn là nó hay. Đặc biệt là Bach, Gluck và Beethoven.
– Ồ, các tác giả cổ điển. Trong thời đại chúng ta, một người duy nhất trong số các vị ấy mà chúng ta thực sự hiểu biết rõ đó là Beethoven. Chúng ta họa hoằn mới nghe đến Gluck. Cháu thấy đó, tất cả chúng ta đều là những kẻ nhiệt thành ngưỡng mộ Wagner. Johann, anh còn nhớ lần đầu tiên chúng ta nghe vở đại nhạc kịch Tristan chứ? Chúng ta đã xúc động, say sưa!
Veraguth mỉm cười một cách buồn bã.
– Bình cũ rồi! – Ông kêu lên hơi có phần chua chát – Wagner đã kết thúc rồi. Có phải không, Albert?
– Ồ, không phải thế đâu. Các vở đại nhạc kịch của ông ta đã được trình diễn ở khắp mọi nơi. Nhưng con không có ý kiến về vấn đề đó.
– Cậu không quan tâm đến Wagner?
– Cháu không biết ông ta nhiều, chú Burkhardt ạ. Cháu ít khi đi xem đại nhạc kịch lắm. Cháu chỉ chú ý đến âm nhạc thuần túy chứ không phải đại nhạc kịch.
– Tốt, còn về khởi tấu khúc Meistersinger thì sao! Cậu phải biết tác phẩm ấy chứ. Cậu cũng không quan tâm tác phẩm ấy à?
Albert cắn môi suy nghĩ một lát trước khi trả lời.
– Thực ra thì cháu không có ý kiến. Tác phẩm ấy – cháu sẽ nói thế nào đây – đó là âm nhạc lãng mạn, đúng là nó không làm cho cháu chú ý.
Veraguth đã khó chịu.
– Anh sẽ uống một ít rượu vang nữa chứ? – Ông hỏi theo lối đánh trống lảng.
– Vâng, cảm ơn.
– Và anh, Albert? Một ly rượu vang đỏ chứ?
– Xin cảm ơn ba, con không uống thì hơn.
– Thế anh đã trở thành một người kiêng rượu rồi à?
– Không, không phải thế đâu. Nhưng rượu vang không hợp với con; thà là con không uống.
– Được lắm. Nhưng bạn sẽ uống với tôi chứ, Otto. Xin uống mừng bạn vậy!
Ông uống cạn nửa ly rượu trong một hơi.
Albert tiếp tục đóng vai trò của một thanh niên cư xử khéo léo, một người có những ý kiến rất rõ ràng nhưng một cách khiêm tốn giữ các ý kiến ấy cho mình, để cuộc trò chuyện lại cho các người tuổi tác không phải vì mong muốn để học hỏi nhưng bởi vì cậu muốn yên phận một mình. Cái vai trò đó không trở nên cho cậu, và chẳng bao lâu chính cậu đã thấy hoàn toàn bị lúng túng. Như thường lệ, cậu phớt lờ thân phụ cậu được bao nhiêu hay bấy nhiêu, ao ước không để cho ông có cơ hội đàm đạo.
Tình nguyện quan sát, Burkhardt đã im lặng, cho nên khi cuộc đàm thoại đó trở nên lóng cóng, đã không có ai để phục hồi nó lại cả. Họ hối hả ăn cho xong, gắp thức ăn cho nhau với sự lịch sự rất là tỉ mỉ, mân mê một cách vụng về các cái muỗng tráng miệng và đã đợi chờ trong sự buồn bã cảm động cái giây phút khi mà họ có thể rời bàn ăn. Chỉ vào lúc bấy giờ mà Otto Burkhardt mới trở nên ý thức một cách trọn vẹn cái nỗi cô đơn và sự lạnh lùng vô vọng đã phủ xuống cuộc hôn nhân và đời sống của bạn y. Y đưa mắt liếc nhìn ông, thấy ông trong vẻ buồn rầu lơ đãng nhìn trừng trừng xuống thức ăn của mình, thức ăn mà ông hầu như chẳng mó tới, và trong giây phút đó gặp phải đôi mắt của y, cái nhìn ngạc nhiên khẩn khoản và tủi hổ ở sự tiết lộ cái trạng thái đó của ông.
Đó là một cái nhìn của nỗi buồn thảm; sự im lặng phi tình, cái luông cuống lạnh lùng và sự bất động không vui vẻ của cái bàn ăn này hình như nói to lên điều tủi hổ của Veraguth. Vào giây phút đó Otto cảm thấy rằng việc y ở lại Rosshalde thêm một ngày nào nữa sẽ chỉ kéo dài cái vai trò nhục nhã của y như là người quan sát và sự hành hạ của bạn y mà thôi, người mà bằng cuộc chiến đấu để trút bỏ nỗi ghê tởm của ông đã cố giữ cái vẻ bề ngoài một cách trơ trọi, song không thể còn vận dụng sức mạnh và tinh thần được nữa để che đậy nỗi khốn khổ của mình với khách bàng quan. Đây là lúc để cho y ra đi.
Chẳng bao lâu bà Veraguth đã đứng dậy sau khi chồng bà đẩy lại chiếc ghế của ông.
– Tôi bị mệt cho nên tôi phải xin phép anh tha thứ cho. Không, không, anh cứ ở lại đi.
Ông bước ra ngoài, quên cả đóng cửa lại và Otto nghe thấy bước chân nặng nề của ông từ từ nhỏ dần ở tiền sảnh và trên các bậc tam cấp kêu kèn kẹt.
Burkhardt khép cửa lại và bước theo bà chủ nhà tới phòng khách, nơi đây cơn gió hiu hiu của buổi chiều thổi lật tung trang nhạc vẫn còn để trên chiếc dương cầm bỏ trống.
– Tôi sẽ yêu cầu chị dạo một bản nào đó – Y hỏi trong sự luống cuống – Nhưng tôi tin rằng chồng chị cảm thấy không được khỏe lắm, ảnh làm việc dưới mặt trời cả buổi trưa. Nếu chị không bận tâm, tôi nghĩ rằng tôi sẽ đi với ảnh trong một lúc.
Bà Veraguth gật đầu một cách nghiêm trang và không hề cố gắng để giữ y lại. Y đi ra và Albert thấy y đi tới các bậc tam cấp.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.