Dạy Con Làm Giàu – Tập 10

CHƯƠNG 2



Càng dốt lại càng giàu

LẦN KINH DOANH ĐẦU TIÊN CỦA TÔI

Lần kinh doanh đầu tiên của tôi thất bại năm 1956. Lúc đó tôi chín tuổi.

Lần kinh doanh thứ hai thành công năm 1956. Lúc đó tôi vẫn chín tuổi. Nếu không thất bại trong cuộc kinh doanh thứ nhất thì tôi đã không thành công trong lần thứ hai.
THẤT BẠI LÀ CHIẾN LƯỢC

Kinh doanh thất bại lúc còn trẻ là một kinh nghiệm quý. Nó thiết yếu cho việc phát triển chiến lược thành công trong tương lai của tôi. Từ lúc lên chín, tôi đã bắt đầu nhận ra rằng phạm lỗi là cách tốt nhất để học kinh doanh. Dù không kiếm nhiều tiền, tôi hiểu rằng bằng cách thất bại và học từ thất bại mình sẽ trở nên thông minh hơn và rồi mình sẽ giàu có hơn. Bây giờ, trong kinh doanh, tôi vẫn thường tiếp tục làm những điều mà biết rằng mình có thể thất bại. Tại sao? – Vì từ năm lên chín, tôi đã học được rằng thất bại là mẹ thành công.

Có hai lý do chính vì sao chủ doanh nghiệp thất bại. Một là những ông chủ tương lai vì quá sợ thất bại mà không dám bắt tay khởi nghiệp. Họ thức dậy mỗi sáng và đi làm – trong đầu luôn vương vấn lý do này nọ vì sao chưa sẳn sàng thôi việc và khởi nghiệp. Những lý do thường vẫn là không đủ tiền, rủi ro quá, chưa tới lúc, con còn nhỏ, và nhiều thứ khác nữa.

Lý do thứ hai các chủ doanh nghiệp thất bại là họ thất bại chưa dủ. Nhiều chủ công ty nhỏ và những người làm tư thành công đến một mức độ rồi dừng lại. Công việc cứ bình bình hoặc bắt đầu đi xuống. Cơ sở đạt đến một tầm mức rồi không phát triển nữa. Và đó là lúc chủ doanh nghiệp cần chấp nhận thất bại trước khi có thể bắt đầu phát triển lên.

Nỗi sợ thất bại là lý do lớn nhất khiến rất nhiều người không thành công trong cuộc sống hoặc không thành công như họ mong muốn. Chuyện này không chỉ diễn ra trong kinh doanh mà còn trong những linh vực khác của cuộc sống. Tôi nhớ lúc còn học trung học, tôi không quen được cô bạn gái nào chỉ vì tôi quá sợ bị từ chối. Cuốì cùng, trước ngày tốt nghiệp, tôi rủ một cô bạn xinh đẹp đi cùng đến buổi tiệc tốt nghiệp và cô ấy đã đồng ý. Chuyện của chúng tôi chẳng có gì vui vẻ nhưng ít ra là tôi cũng đã có tiến bộ.
THÊM MỘT ĐIỂM KHÁC BIỆT GIỮA NGƯỜI LÀM CÔNG VÀ CHỦ DOANH NGHIỆP

Mới đây, trong một cuộc phỏng vấn trên radio, người phỏng vấn có gọi tôi là “người rước rủi ro.” Tôi đã đáp rằng, “Trong thế giới thay đổi nhanh chóng ngày nay, những ai không chấp nhận rủi ro mới là người rước rủi ro. Những ai không chấp nhận rủi ro sẽ bị tụt lại đằng sau.”

Đó là chương trình Bí quyết thành công của tôi, khoảng nửa giờ, thường xuyên phỏng vấn nhiều người thuộc những lĩnh vực khác nhau. Khi người dẫn chương trình hỏi tôi về bí quyết thành công, tôi kể lại thất bại đầu tiên của mình năm lên chín và thất bại đó đã dẫn đến thành công kế tiếp như thế nào. Và tôi nói, “Tôi nhận ra thất bại là con đường đưa đến thành công.”

“Anh học được điều đó từ năm lên chín?” người dẫn chương trình hỏi.

“Đúng vậy” tôi trả lời. “Giống như đa số, tôi không thích thất bại. Tôi ghét nó. Nhưng thất bại trong kinh doanh từ khi còn nhỏ cho tôi cái nhìn vào tương lai. Tôi đã thấy quá trình đến thành công. Có người tiến lên nhờ biết tất cả các câu trả lời đúng. Những người này thường học giỏi. Nhưng đó không phải là con đường của tôi. Tôi đi lên bằng thất bại. Vì thế mà tôi khởi nghiệp bằng nhiều việc kinh doanh khác nhau. Thất bại nhiều hơn là thành công. Nhưng cái nào đã thành công là thành công lớn, giống như thành công của Công ty Người cha giàu, công ty địa ốc và hai công ty cổ phần khai thác vàng bạc mà tôi đã góp tay thành lập. Những năm đầu sự nghiệp làm chủ, tôi chẳng kiếm được là bao nhưng giờ thì tôi kiếm nhiều tiền hơn đa số.”

“Vậy bí quyết thành công trong kinh doanh của ông là sẵn sàng phạm lỗi và học hỏi từ chúng.”

“Phải. Đó là công việc của một chủ doanh nghiệp. Công việc của tôi là đặt ra mục tiêu mới, lên kế hoạch, làm sai, và chấp nhận rủi ro thất bại. Càng sai nhiều, tôi càng khôn ngoan hơn và hy vọng công ty phát triển, có thành tựu nhờ những bài học đã học.”

“Nếu mắc quá nhiều lỗi trong công việc hẳn là tôi sẽ bị đuổi việc,” người phỏng vấn nói. “Đối với tôi, sai phạm và thất bại là thất bại. Tôi làm mọi điều có thể để không sai phạm. Tôi ghét sai phạm. Tôi ghét cảm thấy mình ngu ngốc. Tôi phải biết câu trả lời. Tôi nghĩ làm đúng mọi việc ngay lập tức là điều quan trọng, theo cách mà công ty đòi hỏi tôỉ phải làm.”

“Và vì thế mà cô là một người làm công giỏi” tôi trả lời lịch sự. “Cô được thuê không phải để phạm lỗi. Việc của người làm công là theo đúng các quy định như được hướng dẫn; cứ đúng việc mà làm. Nếu người làm công làm việc theo cách riêng hay không theo các quy định hay mắc quá nhiều lỗi, họ sẽ bị sa thải vì họ đã không làm tròn phận sự mà họ đã được trả lương.”

“Vậy công việc của người làm công là không được chấp nhận rủi ro và công việc của ông trong vai trò người chủ là đối đầu rủi ro, sai phạm và đôi khi là thất bại. Có phải ông muốn nói thế?”
“Phải” tôi trả lời. “Đó là sự khác nhau căn bản giữa người làm chủ và người làm công.”

“Và ông chấp nhận rủi ro. Đó là việc ông làm vì là chủ doanh nghiệp?”

“Không hẳn thế,” tôi cười trả lời. “Tôi không đón nhận rủi ro một cách tùy tiện. Đầu tiên, tôi phải học khoa học sai phạm và học từ những lỗi lầm. Sau đó, tôi phải học cách chọn rủi ro như thế nào. Các kỹ năng làm chủ doanh nghiệp càng tốt, phán đoán khi chấp nhận rủi ro có tính toán của tôi càng tốt hơn. Bây giờ, tôi xem rủi ro là một phần công việc của mình và không muốn nhân viên của mình chấp nhận rủi ro.”

“Nghe giống như một tiêu chuẩn kép,” người dẫn chương trình nói.

“Kinh doanh mà,” tôi trả lời. “Thất bại thì không có gì vui nhưng nó cần thiết cho sự phát triển.”

“Vậy ông có thích thất bại?” người dẫn chương trình hỏi.

“Không, trái lại là khác. Tôi cũng ghét thất bại như ai. Chỉ khác ở chỗ tôi hiểu thất bại là một phần của quá trình đưa đến thành công trong kinh doanh. Tại thời điểm thất bại, tôi hiểu mình ở điểm đột phá trong nhận thức. Đó là điểm mà có một con người mới trỗi lên trong tôi.”

“Con người mới?” người phỏng vấn cười giễu. “Phép mầu đó là gì vậy?”

“Vâng,” tôi trả lời chậm rãi. “Tất cả chúng ta ai cũng từng trải qua cảm giác về con người mới. Ví dụ, khi còn là những đứa trẻ nhỏ và chưa thể đi được, chúng ta cứ đứng rồi lại ngã, đứng rồi lại ngã. Cho đến một ngày ta không ngã nữa và bắt đầu bước đi. Từ lúc chúng ta bước đi được chúng ta không còn là một đứa trẻ sơ sinh nữa. Người ta gọi ta là trẻ con, chứ không phải trẻ sơ sinh. Và khi chúng ta học lái xe, chúng ta trở thành những người lớn trẻ tuổi. Cứ mỗi khi chúng ta học được một điều mới thì lại có một con người mới trỗi dậy và thế giới của ta thay đổi. Ý của tôi về con người mới là thế. Chúng ta mới vì chúng ta có thêm những kỹ năng mới và có khả năng đối mặt tốt hơn với thế giới mới.”

“Vậy có cả một thế giới khác biệt giữa người làm công và chủ doanh nghiệp?” người phỏng vấn hỏi khích.

“Ồ hoàn toàn đúng” tôi trả lời, cố gắng thoát khỏi cái bẫy mà cô ta giăng ra. “Chúng ta sống trong những thế giới khác nhau vì chúng ta là những con người khác nhau. Một đàng sống trong thế giới giàu lên nhờ nguy hiểm. Một đàng sống trong thế giới tránh né sự nguy hiểm. Những thế giới khác nhau, những con người khác nhau.”
Không khí lặng đi một lúc. Người phỏng vấn có vẻ như đang gom những suy nghĩ của mình. “Và vì thế mà có rất nhiều người làm công không bao giờ trở thành người làm chủ?”

“Đó là một trong những lý do nhưng không phải là lý do duy nhất,” tôi trả lời nhẹ nhàng. “Chuyển từ một thế giới tránh sai phạm sang một thế giới sẵn sàng sai phạm không phải là chuyện dễ dàng.”

“Nhưng sao ông nói nghe quá dễ,” người phỏng vấn nói. “Dường như ông không băn khoăn về thất bại.”

“Tôi không nói là dễ dàng nhưng quả là nó đang trở nên dễ dàng hơn,” tôi trả lời. “Vấn đề ở chỗ một người chủ cần học nhiều thứ và cần phải học thật nhanh. Người làm chủ không được trả lương đều đặn. Anh ta phải mắc lỗi và sửa thật nhanh. Nếu anh ta tránh mắc lỗi và giả như không phạm lỗi rồi đổ lỗi cho một người khác thì quá trình học hỏi sẽ mất tác dụng với người chủ và việc kinh doanh sẽ thất bại.”

“Ông phải học nhanh vì ông đang tay không mà gột nên hồ,” người phỏng vấn thêm vào. “Không có gì hỗ trợ ông cả.”

“Đặc biệt là ở giai đoạn phát triển ban đầu của một chủ doanh nghiệp. Tuy nhiên vì bạn trở nên giỏi hơn, bạn có thể đi lên từ con số không rất nhanh. Một trong những niềm vui lớn của chủ doanh nghiệp là khả năng đưa ra một ý tưởng và chuyển ý tưởng đó thành thành công kinh doanh trong một thời gian ngắn. Cách đây nhiều thế kỷ, các nhà nghiên cứu thuật chế kim cố gắng luyện chì thành vàng. Công việc của chủ doanh nghiệp là chuyển ý tưởng thành vàng.”

“Gần như tay không kiếm tiền,” người phỏng vấn nói.

“Gần như vậy” tôi trả lời. “Nếu có thể làm như vậy, bạn sẽ không bao giờ cần một công việc. Bạn có thể đi bất cứ nơi nào trên thế giới mà vẫn làm giàu. Tôi kinh doanh trên tám mươi nước. Một trong các công ty khai khoáng của tôi nằm ở Trung Quốc còn các công ty khác nằm ở Nam Mỹ. Công việc của một người làm công hay người làm tư chỉ bó hẹp trong một thành phố, một bang, hay một nước.”

“Vì thế mới nói đó là một thế giới khác” người phỏng vấn kết luận.

“Đúng vậy,” tôi trả lời. “Đó là thế giới của người chủ. Nếu bạn giỏi, bạn tự do đi khắp thế giới làm ăn. Một người làm công cần xin Visa lao động trước khi đi làm ở một nước nào đó. Còn một chủ doanh nghiệp nhập cảnh với danh nghĩa đại diện cho một công ty, một liên doanh với một công ty trong nước đó. Đào tạo mình thành chủ doanh nghiệp là phát triển khả năng thâm nhập vào thế giới của sự giàu có gần như vô hạn.”

“Và để làm thế, ông cần học cách biến thất bại thành thành công.”

“Đúng vậy” tôi đáp.

“Còn nếu ông thất bại và mất tiền?” cô ta hỏi.

“Đó là một phần để trở thành người làm chủ. Tôi chưa biết ông chủ nào mà lại không mất tiền bao giờ.”

“Nhưng nếu một nhân viên làm mất tiền của công ty thì anh ta sẽ bị đuổi việc,” người phỏng vấn nói với giọng diệu một chút mỉa mai.

“Trong nhiều công ty, đúng là có chuyện đó” tôi trả lời khẽ. “Quan điểm của tôi là nỗi sợ mất tiền mới làm người ta tốn tiền nhất. Họ quá sợ mất nên… họ mất. Họ chỉ chăm chăm cho thu nhập ổn định. Trong đời họ hẳn sẽ không mất nhiều tiền nhưng họ mất vì đã bỏ qua triển vọng có được sự giàu sang tột đỉnh.”

PHÚT NÓI THẬT TRONG GIỜ GIẢI LAO QUẢNG CÁO

“Chúng ta có vài phút dành cho quảng cáo,” người dẫn chương trình nói và tắt thiết bị thu. Nhân viên kỹ thuật âm thanh ngưng thu và chuyển sang phát quảng cáo của nhà tài trợ.

“Đã nhiều năm tôi muốn nghỉ việc,” người dẫn chương trình nói, cảm thấy an toàn hơn trong căn phòng cách âm và không phát sóng ra cả thế giới.

“Nhưng cô được trả lương quá nhiều nên không nghỉ được,” tôi nói, kết thúc suy nghĩ của cô ấy.

Cô gật đầu và nói, “Quả thế. Không quá nhiều nhưng đủ để cầm chân tôi không đi một nơi khác. Tôi cần lương. Cả chồng và tôi kiếm được nhiều tiền nhưng với bốn đứa trẻ đang đi học thì không có cách gì chúng tôi làm những điều ông đã nói.”

Dù không đồng quan điểm, tôi vẫn để cô ấy biết rằng tôi hiểu được cảm giác của cô.

“Vậy ông sẽ nói với tôi sao đây? Làm thế nào tôi có thể bứt ra? Tôi cần lương. Tôi cần công việc này dù lương không phải là quá nhiều. Tôi thấy mình bị kẹt trong một căn phòng với bốn bức tường khép kín. Tôi có thể làm gì đây?”

Tôi mất một lúc để suy nghĩ rồi nói, “Cô còn nhớ ví dụ tôi đưa ra về việc em bé tập đi không?”

“Có,” người dẫn chương trình nói. “Và khi biết đi thì đứa bé sơ sinh thành một đứa trẻ. Và khi học lái xe thì nó thành một thanh niên.”

“Và đó là cách mà chúng ta học bất cứ thứ gì trong đời. Để học, trước hết cần phải có khao khát thay đổi, chúng ta muốn điều gì đó tốt đẹp hơn. Có thể cô đã từng yêu thích công việc này nhưng bây giờ cô biết đã đến lúc phải thay đổi, đã đến lúc tiến lên, giống như một em bé biết đã đến lúc phải thay đổi. Em bé bắt đầu bằng cách bám vào cái gì đó, ống quần bố mẹ hay chân bàn. Nó chập chững từng bước nhỏ khi học cách xóa đi khoảng cách giữa bò và đi. Nó cứ lặp đi lặp lại cho đến một ngày thả tay ra và té oạch. Thất bại. Thay vì bỏ cuộc, như nhiều người lớn vẫn thế, em bé lại tiếp tục cố gắng. Cho đến một ngày cả tinh thần, cơ thể và ý chí em bé hòa làm một và nó có thể đứng được. Ngay khi đứng được, em bé sẽ học cách đi. Đứa bé sơ sinh giờ đã thành một đứa trẻ.”

“Sau đó là xe đạp rồi đến xe hơi,” người dẫn chương trình nói. “Em bé thành đứa trẻ và đứa trẻ thành người lớn.”

Tôi kết thúc suy nghĩ của mình, “Vâng, và quá trình đó cũng giống như làm chủ doanh nghiệp. Tôi đã bắt đầu lúc chín tuổi, thất bại cũng lúc đó và thành công cũng lúc đó. Cô cũng có thể làm tương tự nếu cô sẵn sàng chấp nhận thử thách vượt qua quá trình học tập.”

“Vậy ông có tự tin vào những kỹ năng làm chủ doanh nghiệp của mình chưa?” người dẫn chương trình hỏi.

“Không hoàn toàn. Tôi tự tin vào khả năng mắc lỗi, sửa lỗi, và cải tiến công việc. Tôi trở thành một chủ doanh nghiệp giỏi hơn và tôi có kế hoạch ngày càng tốt hơn. Nhưng không, không bao giờ tôi hoàn toàn tin vào kỹ năng làm chủ doanh nghiệp của mình vì tôi không ngủ quên trên chiến thắng. Tôi liên tục đặt mình trong những hoàn cảnh vượt quá khả năng của mình. Tôi luôn ở thế chênh vênh, luôn trù tính, luôn kiểm tra mình. Đó là cách để tôi liên tục tiến bộ.”

“Và vì thế mà ông luôn bắt đầu chuyện làm ăn mới cho dù thất bại?” người dẫn chương trình hỏi.

“Tôi bắt đầu chuyện làm ăn mới cho dù đang thành công đi nữa. Vì thế mà tôi có rất nhiều công ty, những công ty vẫn hoạt động mà không cần tôi. Đó là bí quyết cho sự giàu có của tôi. Mỗi người làm công chỉ có một công việc. Còn làm chủ, tôi có rất nhiều công ty.”

“Vì thế mà ông không cần tự làm hay điều hành doanh nghiệp.”

“Phải, và vì thế mà tôi vui khi mình thất bại năm lên chín. Từ lúc chín tuổi, tôi đã biết cách lập ra những cơ sở làm ăn hoạt động mà không cần tôi. Tôi đã viết về những việc kinh doanh này trong cuốn Dạy con làm giàu (tập 1) rồi.”

“Vâng, tôi có nhở,” người dẫn chương trình nói. “Tôi chỉ không hiểu được tác động to lớn của những việc làm đó. Tôi không nhận ra rằng những chuyện kinh doanh cò con đó lại có tác động sâu sắc đến cuộc đời ông.”

Tôi gật đầu nói, “Tôi đã nhìn thấy chiến lược cho đời mình từ năm lên chín.”

Nhân viên kỹ thuật âm thanh báo hiệu giờ quảng cáo đã hết và tiếp tục cuộc phỏng vấn. Người phỏng vấn bật micro và nói, “Chúng ta chỉ còn vài phút nên sẽ đi vào phần kết. Ông đang nói rằng công việc của một chủ doanh nghiệp là phạm lỗi và của một người làm công là không phạm lỗi. Có phải vậy không?”

“Đúng thế. Ít ra là theo cách nhìn nhận của tôi. Nếu tôi không đón nhận những rủi ro có tính toán, không sai phạm và phát triển công ty thì tôi nên bị đuổi. Còn nếu nhân viên của tôi có quá nhiều sai phạm thì tôi cũng phải để anh ta lên đường. Vì thế mà tôi thuê những nhân viên ghét làm sai. Họ làm việc của họ, tôi làm phần tôi.”

“Vì thế mà chúng ta vẫn dạy con cái ‘Đi học để sau này có công việc đàng hoàng” người dẫn chương trình nói. “Trường học đào tạo con cái chúng ta thành những người làm công.”

“Phải,” tôi trả lời. “Nếu bạn học hành giỏi, bạn sẽ có thể làm tốt trong một công ty hay trong cơ quan chính phủ”

“Thế ông có thích trường học không?” cô ta hỏi.

“Không thích lắm” tôi đáp. “Thành tích của tôi không tốt lắm vì tôi mắc quá nhiều lỗi. Tôi có nhiều điểm C, D, thậm chí là F. Vì thế mà ở trường tôi nghiệm ra rằng mình chỉ giỏi mắc lỗi nên mình sẽ là một chuyên gia trong việc mắc lỗi. Do đó tôi trở thành một chủ doanh nghiệp chứ không phải một người làm công. Tôi không thuộc loại sáng dạ trên đường học vấn. Sẽ không ai thuê tôi với mức lương cao. Tôi không thích làm theo mệnh lệnh nên cũng có thể tôi chẳng bao giờ được thăng chức. Tôi thích thay đổi và làm việc theo cách của mình hơn là theo hướng dẫn.”

“Chắc chắn ông không thể tìm được việc làm ở đài phát thanh này,” người dẫn chương trình nói.

“Tìm việc thì không được nhưng tôi biết cách mua đài phát thanh này và thuê những người thông minh hơn tôi điều hành thay.” Tôi nói, giọng pha chút hài hước.

“Vâng, chúng ta phải kết thúc. Ông có còn ví dụ nào cho thấy sai lầm và thất bại là cần thiết cho chủ doanh nghiệp? Còn ví dụ nào hay dẫn chứng một người nào ngoài ông có thể ủng hộ cho quan điểm này?” Người dẫn chương trình hỏi.

“Ồ dĩ nhiên. Thomas Edison bị đuổi học vì các giáo viên cho rằng ông loạn trí và thần kinh. Sau đó, ông bị phê phán vì thất bại hàng ngàn lần trước khi phát minh ra bóng đèn điện. Khi hỏi ông về cảm giác lúc đã thất bại hàng ngàn lần, câu trả lời của ông thế này: Tôi thất bại hơn một ngàn lần. Tôi tin 1014 lần thí nghiệm thất bại trước khi tôi thành công. Và nhất thiết phải có ít nhất một ngàn thất bại đó để tôi có thể phát minh ra bóng đèn điện”

“Ý ông ấy là sao khi nói rằng nhất thiết phải có ít nhất một ngàn lần thất bại để có thể phát minh ra bóng đèn điện?” người dẫn chương trình hỏi.
“Có nghĩa là nếu bây giờ cô hay tôi muốn phát minh ra bóng đèn thay vì đi mua

ở tiệm thì chúng ta cũng phải thất bại một ngàn lần như thế mới biết cách làm ra bóng đèn điện.”

“Ông bị cho là kẻ bỏ đi ở trường học và thất bại hàng ngàn lần trước khi phát minh ra bóng đèn điện” người dẫn chương trình nói. “Điều đó có nghĩa là ông là một nhà phát minh. Nhưng làm thế nào ông lại trở thành một chủ doanh nghiệp?”

“Cô có biết ông thành lập công ty gì không?” tôi hỏi.

“Không.”

“Ông đã sáng lập General Electric, một trong những công ty lớn nhất thế giới. Tên ban đầu của nó là Edison General Electric, một trong mười hai thành viên ban đầu của Dow Jones Industrial Average, và GE là thành viên duy nhất còn tồn tại cho đến ngày nay. Thành tựu không đến nỗi của một kẻ bị xem là đồ bỏ và thất bại rất nhiều.”

Cuộc phỏng vân kết thúc.

HỌC TỪ NHỮNG SAI LẦM CỦA MÌNH
Người cha giàu rất tin tưởng vào việc học từ những sai lầm của mình. Ông không xem những sai lầm là thứ gì xấu mà là cơ hội để lĩnh hội điều gì đó về công việc và chính bản thân mình. Ông nói, “Sai lầm giống như dấu hiệu báo ngưng. Sai lầm nói với con, ‘Nè, đã tới lúc phải ngừng lại… nghỉ một chút… có điều gì đó cậu không biết… Đã đến lúc ngừng lại và suy nghĩ” Người cha giàu cũng nói, “Sai lầm là tín hiệu cho biết đã đến lúc phải học cái gì đó mới, một điều mà trước đây con chưa biết.” Cũng với cách lập luận đó, ông nói, “Có rất nhiều người lười biếng không chịu suy nghĩ. Thay vì học cái mới, họ lại chỉ có một cách nghĩ hết ngày này đến ngày khác. Suy nghĩ là quá trình lao động vất vả. Khi bị buộc phải suy nghĩ, con mở rộng khả năng trí não của mình. Khi mở rộng khả năng trí não, sự giàu có của con cũng tăng.

“Vì thế mà lúc nào mắc sai lầm, hãy dừng lại và tận dụng cơ hội học hỏi điều gì đó mới, điều gì đó rõ ràng là con cần phải học. Khi có việc gì không đúng ý hay có gì sai, hay con thất bại, hãy tận dụng thời gian để suy nghĩ. Khi đã tìm ra bài học cần thiết, con sẽ cảm ơn sai lầm. Nếu con buồn, giận, xấu hổ, đổ lỗi cho người khác, hay con giả như mình không sai, đó là con đã không suy nghĩ thấu đáo. Khả năng trí tuệ của con không được mở rộng. Con không học được gì cả. Vì thế hãy luôn suy nghĩ.”
TRIẾT LÝ CỦA NGƯỜI CHA NGHÈO VỀ SAI LẦM

Là một nhà giáo dục, người cha nghèo có quan điểm khác về chuyện phạm sai lầm. Đối với ông, phạm sai lầm cho thấy bạn không biết một điều gì đó và cũng có nghĩa là bạn ngu ngốc và có vấn đề về trí tuệ. Khi người cha nghèo làm gì sai, ông thường giả vờ như mình không làm, phủ nhận chuyện đó hay đổ lỗi sang cho người khác. Ông không xem sai lầm là một cơ hội để học và tăng khả năng trí tuệ của mình. Ông cố gắng tránh sai lầm. Ông không xem sai lầm là một điều tốt như người cha giàu vẫn nghĩ.
RỦI THÀNH MAY

Học cách chuyển cái rủi thành cái may là bài học số hai vì tôi để ý những điểm khác nhau giữa người cha giàu và người cha nghèo về phạm sai lầm. Theo tôi nghĩ, chính quan điểm riêng của mỗi người về chuyện mắc lỗi đã xác định thành công cuối cùng của anh ta trong cuộc đởi.
THẤT BẠI LỚN ĐẦU TIÊN CỦA ÔNG

Trong những cuốn trước đây, tôi có viết chuyện trở về sau thời gian phục vụ trong quân đội và phải quyết định đi theo con đường của người cha nào. Lúc đó tôi chừng hai mươi lăm còn cả hai người cha đều vừa bước vào tuổi năm mươi. Thời điểm đó, người cha nghèo vừa mất cơ hội làm ứng viên Đảng Cộng Hòa ra tranh chức thống đốc bang Hawaii. Vì ông tranh cử với chính sếp của mình, thông đốc bang, nên ông không được làm việc cho chính quyền bang nữa. Vậy là lúc năm mươi tuổi, ông thành kẻ thất nghiệp.

Vấn đề là cả đời mình, ông chỉ biết thế giới giáo dục. Ông bước vào thế giới học hành từ lúc lên năm và ở mãi trong đó đến năm năm mươi tuổi. Khi mất việc, ông đành phải nghỉ hưu sớm. Ông rút hết tiền lương hưu và làm một ông chủ lừng khừng trên ngưỡng cửa thế giới kinh doanh bằng cách mua nhượng quyền một nhãn hiệu kem tên tuổi. Ông mua nhượng quyền vì nghĩ rằng đó là cách kinh doanh không thể thất bại. Chưa đầy hai năm, cửa hàng nhượng quyền không thể thất bại nọ tan nát và giờ đây cha tôi lại một lần nữa mất việc, lần này còn mất sạch cả tiền.
ĐỔ LỖI KHÔNG PHẢI LÀ HỌC

Người cha nghèo tức giận, đau khổ, buồn bã và trút mọi sự giận dữ lên chủ nhượng quyền cũng như các cộng sự cho thất bại và số tiền bị mất của ông. Vào những ngày đó tôi đã hiểu tại sao người cha giàu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc dừng lại, suy nghĩ, học hỏi, và sửa chữa. Rõ ràng là cha tôi trong cả suy nghĩ và tinh thần đều nhận được nhiều tín hiệu báo ngưng nhưng ông lại đổ lỗi thay vì học hỏi. Ông đã tiếp tục cách nghĩ với khả năng trí tuệ của một người làm công chứ không phải một người làm chủ.

Chỉ sau vài tháng khai trương tiệm kem, cha tôi đã thấy có vấn dề. Có lần mấy người bạn ghé ngang mua kem, họ thấy cả cửa hàng dường như trống trơn. Cha tôi ngồi hàng giờ, một mình và không có khách hàng. Thay vì dành thời gian dể dừng lại, suy nghĩ, và tìm lời khuyên, ông lại sa thải nhân viên để giảm bớt chi phí, làm việc nhiều hơn và cực hơn, cãi cọ với người cộng tác và rồi trút chút tiền còn lại thuê luật sư, kiện tụng, chủ nhượng quyền. Nói cách khác, ông xài hết tiền để

kết tội chủ nhượng quyền về những khó khăn của mình. Hết tiền, việc làm ăn cũng chấm dứt. Rõ ràng người cha ruột của tôi đã biến chuyện rủi thành tệ hại thêm. Thay vì ngưng lại, học hỏi và sửa sai, ông không thể thừa nhận rằng mình phạm sai lầm. Thay vì cải thiện, ông lại làm mọi chuyện xấu hơn.

Thất bại trên chính trường và thất bại của lần kinh doanh đầu tiên mà cũng là cuối cùng, khiến ông cáu bẩn và cay đắng cho đến ngày qua đời, gần hai mươi năm sau. Vì thế mà bài học về sai lầm, vận rủi, đã nghèo càng thêm nghèo mà đã giàu càng thêm giàu này lại quan trọng với tôi đến vậy.
HÃY CHỈ CHO TÔI MỘT NGƯỜI THẤT BẠI VUI VẺ

Tôi từng nghe Vince Lombardi, huấn luyện viên nổi tiếng của đội bóng đá chuyên nghiệp Green Bay Packers, nói, “Hãy chỉ cho tôi một người thất bại vui vẻ và tôi sẽ chỉ cho bạn một người thất bại.” Trong nhiều năm, tôi dành thời gian để cố hiểu câu nói đầy ý nghĩa này của ông. Bề ngoài câu nói của Vince Lombardi dường như có nghĩa rằng những ai xem nhẹ chuyên thất bại là những người thất bại. Tôi đã từng là người thất bại vui vẻ nhiều lần trong đời, đã từng nói những câu như, “Ờ, đâu có chuyện gì. Thắng thua đâu có quan trọng. Điều quan trọng là tôi đã chơi như thế nào.” Bề ngoài, tôi có vẻ thờ ơ, lãnh đạm hoặc vẫn vui vẻ về chuyện thất bại, nhưng thực tế sâu trong tâm, tôi ghét thất bại. Nói cách khác, tôi giả vờ không quan tâm đến chuyện thất bại nhưng đó là tôi đang lừa dối mình.

Tôi càng nghĩ về câu nói của Lombardi càng thấy nó có nhiều tầng nghĩa. Ý ông còn muốn nói những điều này:

1. Không ai thích thất bại. Thất bại không hề là điều người ta trông đợi.

2. Thất bại nên kích thích thành công.

3. Có người tránh thất bại bằng mọi giá vì nó rất đau đớn.

Theo ý tôi, chính ý nghĩa thứ ba là nguyên nhân làm ăn thất bại của người cha nghèo. Suốt nhiều năm dài, cha tôi sống trong thế giới mà mọi người tránh thất bại, sai lầm, thua thiệt bằng mọi giá. Là một người làm công, ông đã quen với thu nhập đều đặn và những quyền lợi được đảm bảo. Với nhiều nhân viên, giống như cha tôi sự đảm bảo quan trọng hơn cơ hội nhiều. Vì thế mà nhiều người làm công, theo suy nghĩ riêng, tránh mắc lỗi bằng mọi giá. Một trong những nguyên nhân thất bại của cha tôi đơn giản là ông đã cố gắng tránh sai lầm quá lâu.

HỌC ĐUA TỐC ĐỘ

Tháng 3 năm 2005, vợ tôi – Kim, và tôi đăng ký học lớp đua xe thể thức một trong bốn ngày của Bob Bondurant ở Phoenix, Arizona. Đừng hỏi tại sao chúng tôi đăng ký học lớp dó. Chúng tôi đi học đơn giản vì thấy vui và thú vị. Cả hai không phải những tay đua chuyên nghiệp và cũng chẳng hề có ý định trở thành chuyên nghiệp.

Cả đời, tôi yêu những bộ phim đua xe Grand Prix và xe hơi Thể thức một. Tôi ghen tị với Paul Newman và sở thích đua xe của anh ta. Kể từ chiếc xe hơi đầu tiên, chiếc Datsun 2000 đời 1969, tôi gần như luôn dùng những xe hơi loại mạnh. Sau chiếc Datsun, tôi mua một chiếc Corvette, nhiều chiếc Porsch, và một chiếc Ferrari. Nhưng vấn đề là xe luôn mạnh hơn khả năng của tôi. Chuyện đó là một trong những lý do khiến Kim, cũng có một chiếc Porsch chạy rất nhanh, và tôi quyết định thử một lần học lái xe đua trên đường đua.

Ngay ngày đầu tiên đi học, chúng tôi nhận ra mình đã sai lầm. Có hai lớp. Một lớp cho lái xe động cơ mạnh. Đây là lớp chúng tôi lẽ ra nên học. Lớp đó cho những người bình thường, chỉ muốn học lái xe thường ở tốc độ cao. Lớp thứ hai gọi là Lái xe Grand Prix, là lớp mà Kim và tôi học. Lớp này dành cho những tay đua chuyên nghiệp và những tay đua nghiệp dư nhưng nhiều năm kinh nghiệm dua xe. Kim và tôi không nhận ra mình sai lầm mãi cho đến khi chú ý lớp kia lái xe động cơ mạnh Cadillac còn chúng tôi thì đang lái xe động cơ mạnh Corvette.

Ý nghĩ xin đổi lớp thoáng qua đầu nhưng chúng tôi quyết định ở lại với mấy tay đua chuyên nghiệp, hy vọng học được nhanh hơn. Nhưng trong bụng tôi cứ đánh lô tô sau khi kiên quyết ở lại với lớp này. Tôi biết sắp đối mặt với một trong những nỗi sợ hãi lớn nhất của mình. Kim cũng thế. Sau giờ ăn trưa ngày đầu tiên, chúng tôi đã chạy trên những chiếc Corvette bị lên cơn đó. Nỗi sợ hãi được nâng cấp thành kinh hoàng. Tôi gần như tê cứng cả não.

Buổi sáng ngày thứ hai, cảm giác bần thần còn tệ hơn. Suy nghĩ tỉnh táo bảo tôi hãy bỏ chạy, tìm cách gì thoát cho thật đẹp. Trong lớp, huấn luyện viên lịch sự đến nói với tôi, “Anh lái chậm quá. Anh cần lái nhanh hơn nhiều.” Lúc dó, tôi đã sẵn sàng nghỉ học nhưng chỉ vì câu nói của huân luyện viên nọ, “Vợ anh, cô Kim theo kịp lớp đấy. Cô ấy đua nhanh hơn anh nhiều.” Ngay lập tức, niềm kiêu hãnh của đàn ông trong tôi trào lên, suy nghĩ tỉnh táo vất hết và tôi không có lựa chọn nào khác. Nếu Kim chạy hơn tôi thì tôi phải ở lại. Có một lưu ý nhỏ: Kim là quý cô duy nhất trong lớp 12 ngưởi. Cô nàng rất khoái chí chuyện vượt được đàn ông.

ĐỐT CHÁY NỖI SỢ

Ba ngày tiếp theo, cái cảm giác quặn thắt vì sợ càng lớn vì tốc độ tăng không ngừng, các khúc cua đến nhanh hđn và đầu tôi không nhớ hết nổi tất cả những gì mình đã học và thực hiện ở vận tốc cao. Cuối cùng, vào buổi trưa ngày thứ ba, tôi hỏi người hướng dẫn tại sao anh ta cứ thúc tôi tăng tốc độ. Tôi chỉ muốn lái chậm dể có thể học dược các chỉ dẫn trước khi tăng tốc. Anh ta mỉm cười nói, “Tôi muốn anh chạy nhanh vì tốc độ sẽ đốt cháy nỗi sợ trong anh. Sự sợ hãi trói anh lại và làm anh không dám đạp ga. Sự sợ hãi đang điều khiển xe anh. Vì thế mà khi thấy sợ hãi, tôi muốn anh chạy hết tốc lực.

Một lần nữa tôi lại muốn bỏ cuộc. Một lần nữa tôi lại bị chê là lái chưa đủ nhanh. Một lần nữa tôi lại nghĩ cách học là luyện tập ở tốc dộ thấp chứ không phải tốc độ cao. “Nghe này,” Les, người hướng dẫn nói. “Anh phải tin rằng có một tay đua tốc độ trong anh chứ. Nếu không chạy nhanh, anh sẽ chẳng bao giờ gặp được tay đua đó. Tôi muốn anh phải thúc đẩy chính mình, đạp hết ga và tay đua trong anh sẽ hiện ra và điều khiển vô lăng. Nếu anh cứ chạy chậm như thế thì chỉ có một tay nhát gan đang cầm vô lăng mà thôi. Chỉ có một cách cho tay đua chuyên nghiệp lộ diện, đó là đạp thật mạnh chân ga. Khi anh chạy hết tốc lực, anh buộc phải tin rằng tay đua chuyên nghiệp trong anh sẽ nắm quyền chủ động.”

Ngày thứ tư thì sự sợ hãi càng thậm tệ và đầu tôi cứ xoay mòng mòng với đủ lý do vì sao tôi không cần theo lớp học này. Ngày thứ tư, cả lớp thôi không chạy xe Corvette nữa mà lái xe Thể thức một mui trần. Ngày hôm đó chúng tôi mặc áo khoác đỏ và đội nón bảo hiểm. Vì hơi bị mập nên tôi chui vào xe khó khăn một chút. Trông cứ như tôi leo vào quan tài. Tôi không xoay chuyển được. Và kẻ hèn nhát trong tôi gần như nắm quyền. Tôi chỉ muốn bỏ cuộc. Tôi nghe trong đầu mình có tiếng nói, “Cậu không cần phải làm chuyện này. Chẳng có gì tốt đẹp cả. Cậu sẽ không bao giờ là một tay đua tốc độ. Tại sao cậu lại dính vào chuyện này? Khùng quá.”

Chưa đầy một giờ sau, tôi thấy mình hạnh phúc hơn cả nhiều năm cộng lại. Tôi thấy thật thoải mái trong chiếc xe. Bỗng dưng, ba ngày dài với những bài học, sự lo sợ, kinh hoàng tan mất và tôi lái xe hết tốc độ. Thay cho nỗi sợ là sự phấn khích cực độ. Tay đua trong tôi đã đè bẹp kẻ hèn nhát và giành quyền cầm vô lăng.
Vào cuối chiều hôm đó, chúng tôi kết thúc khóa học mà tinh thần phơi phới, một học sinh trong lớp lái xe dòng sedan động cơ mạnh đã gặp chúng tôi và nói, “Tôi thích khóa mình học nhưng thực tình tôi muốn phải chi học lớp bên đó.”

Tôi cảm ơn và trả lời, “Thật tức cười, vì mãi cho đến lúc nãy tôi vẫn còn ao ước học bên lớp của anh.”
HAI THẾ GIỚI KHÁC NHAU

Tôi kể về lớp học đua xe không phải để “khoe” về kỹ năng lái xe tốc độ của mình. Tôi kể vì trường học đua đó là một quá trình – một quá trình rất giống với việc người làm công trở thành chủ, một quá trình chuyển từ thế giới này sang thế giới khác.

Một trong những bài học đầu tiên là những gì cần làm trên đường và xa lộ trái hẳn những gì tôi phải làm trên đường đua. Ví dụ, trên xa lộ, nếu bạn thấy có vết nứt phía trước, hầu hết đều đạp thắng. Ở trường học đua, chúng tôi được dạy là đạp hết ga.

Trên thực tế, khi xe bị trượt, ai cũng đạp thắng. Trong trường dạy đua, chúng tôi phải biết khi nào đạp thắng và khi nào đạp ga. Nói cách khác, tùy tình huống trượt mà xử lý khác nhau. Tin tôi đi, đạp thắng là chuyện dễ. Đạp ga khi xe bị trượt mới khó. Chuyên đó trái với mọi điều tôi từng biết. Để làm được, rõ ràng tôi cần phải tăng cường khả năng thể chất và trí tuệ. Khi lái xe bình thường, hầu như ai cũng được yêu cầu lái xe dưới hoặc ở tốc độ cho phép. Trong trường dạy đua, chúng tôi được dạy đạp ga và vượt giới hạn tốc độ của mình. Rõ ràng tốc độ và sự sợ hãi đã làm tăng khả năng của tôi.
MỘT CHƯƠNG TRÌNH TUYỆT VỜI

Bốn ngày ở trường dạy đua động cơ mạnh Bob Bondurant là bốn ngày tạo nên bước ngoặt – đó là khoảng thời gian tôi lĩnh hội được nhiều nhất trong cuộc đời mình. Những điều học được ở trường đua để lại dấu ấn sâu sắc hơn cả lúc tôi học
ở trường thủy quân lục chiến. Bob Bondurant không chỉ là tay đua Thể thức một tài giỏi mà anh còn là một giáo viên tuyệt vời. Vì cũng là một giảng viên nên dù phần lớn thời gian luôn trong tâm trạng kinh hoàng, tôi vẫn lưu tâm đánh giá phương pháp giảng dạy của anh ta. Tôi thật sự ấn tượng với chương trình học trong lớp và trên đường dua. Trong bốn ngày, anh và những người hướng dẫn khác đưa chúng tôi vượt qua nỗi sợ cũng như những hạn chế về tinh thần và thể chất với một độ an toàn cao. Khi đã vào đường đua, tôi không còn chú ý đến phần thể xác của mình nữa. Mối bận tâm trên hết của tôi là vợ tôi – Kim, nhiều lần vượt tôi bằng tốc độ cao hơn. Dĩ nhiên về thể xác thì chẳng có vấn đề gì nhưng lòng kiêu hãnh của tôi thì bầm dập nghiêm trọng mỗi khi xe của nàng vượt tôi.
QUÁ TRÌNH TRỞ THÀNH CHỦ DOANH NGHIỆP

Việc chuyển từ một người chạy xe trên đường sang một tay đua tốc độ buộc tôi phải quên đi nhiều thứ đã học. Nói cách khác, những điều đúng trên đường phố sẽ giết bạn trên đường đua. Những điều khôn ngoan trên dường phố, ví dụ chạy chậm lại, thường là điều dại trên đường đua. Quá trình chuyển từ người làm công sang làm chủ cũng thế. Đó là hai thế giới khác nhau và những gì đúng ở đây lại là sai khi ở bên kia.

Lý do tôi kể câu chuyện người cha nghèo chuyển từ thế giới công chức sang thế giới chủ doanh nghiệp là để minh họa điểm này – những gì ông làm đúng khi còn là công chức lại không đúng khi làm chủ doanh nghiệp.

Vì một chủ doanh nghiệp mới phải tạo từ không ra có nên sai sót là chuyện hiển nhiên. Để thành công, một ông chủ mới cần phải cố gắng vượt qua những bước sau một cách nhanh chóng:

1. Khởi nghiệp

2. Thất bại và học hỏi

3. Tìm người đỡ đầu

4. Thất bại và học hỏi

5. Theo học một số khóa học

6. Lại thất bại và học hỏi

7. Ngừng lại khi thành công

8. Ăn mừng

9. Tính tiền, tiền thu và chi ra

10. Lập lại quá trình đó

CĂN BỆNH ĐÁNG SỢ
Theo ước tính của tôi, khoảng 90% những người muốn làm chủ không đến được bước một. Có thể họ đã có kế hoạch, họ đã vẽ ra một chuyện làm ăn hoàn mỹ trong đầu hay trên giấy nhưng căn bệnh đáng sợ có tên là Tê liệt phân tích đã nhiễm vào họ. Thay vì tiến lên, tôi lại thấy nhiều ông chủ tương lai cứ điều chỉnh kế hoạch tới lui. Hoặc họ có những lý do vì sao mà thời điểm và kế hoạch chưa phù hợp. Thay vì hành động và thất bại, họ lại cố gắng để không thất bại. Họ đã bị nhiễm vào sự Tê liệt phân tích.

Không thể nào trở thành chủ nếu không bắt đầu khởi nghiệp. Việc đó cũng giống như học lái xe đạp mà không có xe đạp hay như tôi muốn học đua xe mà không có cả xe lẫn đường đua. Người cha giàu nói, “Lý do chính để khởi nghiệp là có một cơ sở kinh doanh mà luyện tập. Nếu con không có xe đạp để tập thì làm sao mà tập? Nếu con không có cơ sở làm ăn để tập thì làm sao con có thể học làm chủ?”
NHỮNG CÁCH NGHĨ KHÁC NHAU

Ở trường dạy đua Bondurant, chương trình học không tập trung vào việc làm đúng. Khóa học tập trung vào việc mắc lỗi khi chạy ở tốc độ cao. Khi khả năng mắc lỗi và sửa lỗi ở vận tốc cao tăng lên, lòng tự tin của chúng tôi cũng được nâng cao. Vào ngày thứ tư của khóa học, tôi có thể phạm một lỗi tệ hại ở tốc độ cao, mất kiểm soát chiếc xe tại một khúc cua, lấy lại kiểm soát, đưa chiếc xe vào đúng đường, lại đạp hết ga và đua tiếp. Nếu ngày đầu tiên cố gắng làm thế, có lẽ tôi đã nằm trong bệnh viện.
Một lần nữa, tôi đề cập đến trường đua vì nó phản ánh sự trái ngược trong những cách nghĩ. Người cha nghèo tập trung vào việc tránh mắc lỗi. Vì thế mà ông là một người làm công giỏi. Người cha giàu khuyến khích việc mắc lỗi. Vì thế mà ông là một ông chủ giỏi.
DỐT CÀNG THÊM DỐT

Chương này có tựa Càng dốt càng giàu như một lời dành cho Jim Carrey. Với những ai đã từng xem phim của Jim Carrey, bạn có thấy là trên màn ảnh anh chàng càng ngố xị chừng nào thì anh ta lại càng giàu có chừng đó không. Làm chủ cũng như vậy. Nếu bạn là người lúc nào cũng muốn có vẻ thông minh, tài ba, không mắc lỗi và luôn có câu trả lời đúng thì có lẽ đi làm công hay làm tư là con đường phù hợp cho bạn hơn.

Lúc mới bắt đầu, trông tôi như một chú hề trong thành phố. Việc làm ăn lên như diều rồi đổ ập. Danh tiếng ông chủ của tôi là trò cười trong giới làm ăn ở Honolulu. Nếu không có người cha giàu dẫn dắt và khuyến khích tôi học hỏi từ những lỗi lầm và vượt lên để giành được nhiều hơn, có lẽ tôi đã bỏ cuộc. Đóng những vai của Jim

Carrey trong đời thật sao mà đau thế.

Nhiều năm qua, sai lầm càng lúc càng lớn nhưng không còn đau thế nữa, đơn giản vì tôi đã là một chuyên gia trong việc mắc lỗi. Thay vì bỏ lỡ năm bảy biển báo ngừng, tôi ngừng ngay, suy nghĩ, học hỏi, sửa sai và tăng cường khả năng của một ông chủ trước khi tiếp tục. Ngày nay, tôi có thể chân thành nói rằng tôi giàu hơn các bạn bè mình, những người học hành rất giỏi hay có việc làm lương cao hơn tôi lúc còn trẻ, đơn giản chỉ vì tôi sẵn sàng ngày một thêm dốt. Đó là một phần trả giá để thành công.
BIỂN CÁI RỦI THÀNH CÁI MAY

Khi chúng tôi vào trung học, người cha giàu dạy con trai ông và tôi làm thế nào biến cái rủi thành cái may. Lúc đó, cả Mike và tôi đều nhanh chóng đuối sức trong năm đầu trung học chỉ vì cả hai học môn Văn dở tệ. Mike và tôi không có khả năng viết văn.
Thay vì thất vọng, người cha giàu lại nói, “Hãy khiến cho nhược điểm ở trường làm cho con mạnh mẽ hơn. Nếu con có thể chuyển cái dở thành cái hay, con sẽ vượt xa những bạn bè trong lớp.”
“Nhưng cả hai đứa con đều bị điểm F trong sổ,” Mike phản đối. “Mà điểm đó sẽ bám theo tụi con cho đến khi ra trường.”

“Phải, điểm số bám theo con nhưng bài học cũng theo con cả đời. Về lâu dài, bài học này trong đời sẽ quan trọng hơn điểm số rất nhiều nếu con biết tận dụng cái dở để chuyển nó thành cái hay.”

Mike và tôi thực sự căm tức giáo viên dạy Văn. Chúng tôi thất vọng và cảm giác thất bại. Nhìn hai đứa, người cha giàu cười mà nói, “Thầy của các con đang thắng. Còn các chàng trai đang thua vì các con đang hành động như những kẻ bại trận.”

“Chúng con làm gì được chứ?” tôi hỏi. “Thầy có quyền. Thầy đã chế giễu tụi con và giờ thì cả trường biết chuyện đó.”

“Thầy chỉ có sức mạnh để giễu các con,” người cha giàu mỉm cười. “Còn các con thì lại có quyền nổi giận và làm những việc xuẩn ngốc hơn, chẳng hạn đâm thủng bánh xe của thầy, cha ngờ là trong đầu bọn con đã nghĩ đến chuyện đó, hoặc làm chuyện tốt, chẳng hạn biến sự giận dữ đó thành nỗ lực học tập ở trường, hay là đá bóng, hay là lướt ván. Hãy biến sự tức tối thành sức mạnh. Và con sẽ thắng. Nếu con ôm sự tức giận đó và đâm thủng bánh xe của thầy thì con làm sự việc trầm trọng hơn mà thôi. Thậm chí con còn bị phạt rất nặng nếu làm điều con nghĩ.”
SỨC MẠNH CỦA CẢM XÚC

Một hôm người cha giàu dạy chúng tôi rằng con người có bốn cung bậc cảm xúc cơ bản.
1. Vui mừng

2. Giận dữ

3. Sợ hãi

4. Yêu thương

Ông cũng giải thích rằng còn có nhiều cảm xúc khác nhưng đây là những cung bậc cơ bản. Những cảm xúc khác là sự kết hợp của hai hay hơn các cảm xúc cơ bản này. Ví dụ, sự buồn bã thường là kết hợp của giận, sợ, và yêu… và đôi khi có cả vui.

Ông cũng giải thích cho chúng tôi rằng mỗi cảm xúc có thể sử dụng theo hai cách chính, hoặc tốt hoặc xấu. Ví dụ, tôi có thể thấy vui và vì niềm vui đó mà ra ngoài uống cho thật say, đó là kiểu dùng niềm vui cho một mục đích xấu. Hãy vì niềm vui mà gửi thư cảm ơn đến những người đã giúp đỡ mình. Điều này đúng cho cả bốn cung bậc cảm xúc, kể cả tình yêu.

Cho đến giờ, tôi vẫn không thích thầy giáo dạy Văn nhưng tôi cảm ơn vì thầy đã chế giễu tôi. Nếu không vì điểm F đó, tôi dã không dốc sức để vượt qua bậc trung học và cũng đã không trở thành tác giả có sách bán chạy trên cả thế giới như thế này.

Nói cách khác, điểm F năm mười lăm tuổi cùng với thất bại kinh doanh đầu đời lúc chín tuổi đã khiến tôi thành một triệu phú. Và tuyệt vời nhất là tôi không chỉ học nhiều bài học về cuộc đời và bản thân, tôi còn học được cách biến sự giận dữ thành niềm vui, và tôi lĩnh hội được rằng càng dốt có thể khiến tôi ngày càng giàu.

Và đó là một trong các bước chuyển cái rủi thành cái may. Như người cha giàu đã nói, “Nếu con có thể biến rủi thành may, con sẽ may mắn gấp đôi trong cả tình yêu, cuộc sống, sức khỏe và tiền bạc.”

TRƯỚC KHI BẠN THÔI VIỆC

Trước khi thôi việc, có lẽ bạn nên luyện cách chuyển rủi thành may hay biến sự giận dữ thành niềm vui. Những kỹ năng đó là hành trang quan trọng trước khi bạn đưa chân rời thế giới của người làm công, nơi phải tránh, mắc lỗi, sang thế giới của người làm chủ, nơi phải có sai lầm.

Phần sau của cuốn sách này, chúng tôi sẽ giải thích làm thế nào và từ khi nào tôi đã quyết định “mắc lỗi” là chuyên môn của mình. Có một lý do tôi quyết định tiến lên bằng thất bại, đơn giản là vì ở trường học tôi vẫn hay thất bại. Tôi không thuộc loại sáng dạ trong chuyện học. Dù bây giờ đọc nhiều, tôi vẫn thuộc loại đọc chậm, khi đọc vẫn phải mấp máy môi, và khi đếm hay tính tiền tôi vẫn nhẩm bằng tay. Dù tốt nghiệp từ một trường danh tiếng, suốt những năm ở trường, tôi luôn là sinh viên loại C, D, F và đội sổ trong lớp.

Bài học 2: Học cách chuyển cái rủi thành cái may.

Người cha giàu nói, “Không có sai lầm, chỉ có cơ hội học hỏi.”

CÔNG VIỆC CỦA CHỦ DOANH NGHIỆP LÀ PHẠM SAI LẦM.

CÔNG VIỆC CỦA NGƯỜI LÀM CÔNG LÀ KHÔNG PHẠM SAI LẦM.

Tôi điều chỉnh nó khác một tí: MỘT CHỦ DOANH NGHIỆP KHÔNG THỂ VÀ SẼ KHÔNG BAO GIỜ BỊ NHỤT CHÍ VÌ NỖI SỢ PHẠM SAI LẦM. Anh ta không để nỗi sợ đó cản đường.
Không ai thích sai lầm. Theo quan điểm của tôi, mục tiêu của chủ doanh nghiệp không phải là “phạm sai lầm.” Tuy nhiên, thử và sai là một phần tất yếu khi làm chủ doanh nghiệp. Những chủ doanh nghiệp thành công không sợ nguy cơ sai lầm và nếu có, họ sẽ học được từ đó, thậm chí đôi khi họ có thể tận dụng và khai thác được từ sai lầm đó.
LỰA CHỌN SAI CÓ PHẢI LÀ MỘT SAI LẦM?

Một vấn đề gọi là “sai lầm” còn tùy thuộc vào cách nhìn. Cách nhìn của người chủ khác với của người làm công. Thử những điều mới, đặc biệt những gì người khác nghĩ không làm được, là một phần cốt lõi của người làm chủ. Vì người chủ doanh nghiệp có khuynh hướng đi theo những con đường chưa từng được khai phá nên chuyện bước sai là rất có thể. Hầu hết chủ doanh nghiệp nhận ra điều đó và chấp nhận. Thí nghiệm có nghĩa là thử một điều gì xem nó có đúng hay không. Hẳn nhiên, không phải thí nghiệm nào cũng thành công. Nếu đã là một điều chắc chắn thì đó đâu còn là thí nghiệm. Đôi khi cũng phải có sai sót. Đôi khi bạn lựa chọn sai. Nếu một người làm thí nghiệm thất bại thì việc cố gắng thí nghiệm phải chăng là một cái tội? Người làm chủ thường không cho rằng đó là sai lầm mà thí nghiệm là thí nghiệm, một rủi ro có tính toán. Hãy nhớ câu chuyện của Robert về Thomas Edison.
XỬ LÝ SAI LẦM

Khi chủ doanh nghiệp có sai lầm họ thường không dằn vặt về hậu quả. Họ không lo lắng gì chuyện sai lầm làm họ xấu mặt. Thay vào đó, một chủ doanh nghiệp thực sự tập trung vào việc học tập từ sai lầm. Bạn giải quyết được vấn đề gì nảy sinh từ sai lầm? Làm thế nào bạn tránh chuyện tương tự trong tương lai? Làm thế nào bạn giảm thiểu hậu quả xấu của sai lầm nếu trong tương lai nó xuất hiện trở lại? Có cách gì tận dụng được sai lầm và biến nó thành lợi thế chăng?

Làm thế nào bạn khai thác được sai lầm? Tôi thích nhìn vấn đề ở khía cạnh chuyển khó khăn thành lợi thế. Bạn xác định khó khăn và đưa ra giải pháp – làm thế nào tránh hay giảm thiểu hậu quả sai lầm. Giải pháp đó rất có thể sẽ là một tài sản đáng giá (thường vẫn được gọi là sở hữu trí tuệ) mà bạn có thể có cách kinh doanh tốt hoặc có thể là một công cụ để phát triển thêm chuyện làm ăn vốn có. Dĩ nhiên bạn cần được luật pháp bảo vệ để độc quyền sở hữu giải pháp đó.

Ví dụ, chúng ta thử trở về quá khứ và giả định bạn đang phát triển một trong những chiếc radio bán dẫn đầu tiên. Bạn phải rất vất vả để hiểu rằng nếu bạn nối pin với bán dẫn nhầm (lộn cực)/ bán dẫn sẽ cháy thành tro. Vào thời đó, bán dẫn rất đắt và đó quả là một sai lầm đắt đỏ. Nhưng bạn học được từ sai lầm đó. Bạn đã

tìm ra vấn đề và có được giải pháp: một phích cắm với chìa khóa để ngăn khỏi bị cắm nhầm. Giả sử bạn có thể có ,bằng sáng chế cho giải pháp đó. Bạn có nghĩ rằng bạn có thể kinh doanh từ giải pháp đó không?
MỔ XẺ MỘT SAI LẦM

Thực tế có hai vấn đề chính về nỗi sợ phạm sai lầm – sợ hậu quả của sai lầm và sợ bị mất mặt. Chúng tôi không nói rằng đánh giá hậu quả của một hành động là sai. Các chủ doanh nghiệp vẫn thường nghĩ qua những hệ quả có thể của hành động. Làm chủ doanh nghiệp không có nghĩa là hành động vô trách nhiệm. (Làm chủ không có nghĩa là bạn thí nghiệm một hệ thống thắng xe mới lần đầu tiên bằng cách chạy xe hết tốc lực đến cách một con vật chỉ vài mét rồi đạp thắng.) Sự khác nhau giữa người làm chủ và người làm công là chủ không bị hoảng sợ vì những hậu quả tiềm ẩn sâu xa mà sẽ tìm cách giảm thiểu những hậu quả tiêu cực.

Còn vấn đề sợ mắc sai lầm – sợ mình trông ngu xuẩn – thì, nói thật, quả là ngu xuẩn. Không có gì ngạc nhiên chuyện người ta sợ sai lầm vì nghĩ mình sẽ bị cho là dốt. Như chúng tôi đã từng đề cập trong những cuốn sách khác, các trường học của chúng ta có khuynh hướng làm cho mọi người sợ bị đánh giá là dốt. Liên tục là một sinh viên hạng A, đây là một vấn đề lớn đối với tôi. Tôi muốn mình đúng và không bao giờ muốn người khác thấy mình không hiểu một vấn đề nào đó. Thậm chí tôi còn nghĩ đặt câu hỏi tức là thú nhận mình không biết. Mất gần hai mươi năm tôi mới vượt qua được trở ngại tinh thần này và nhận ra rằng hỏi tức là cách chúng ta học. Tôi phải thú nhận là mình vẫn còn ám ảnh khao khát “muốn mình đúng.” Tôi cũng nhận ra vật cản tâm lý đó ở nhiều người học cao như tôi và khiến tôi thấy buồn cho họ. Đôi khi có thể “trông dốt” hoặc hỏi lung tung mở ra cả một thế giới mới cho các sinh viên hàng đầu. Bây giờ tôi gọi mình là “sinh viên hạng A hồi phục” và mời tất cả các sinh viên hạng A liên tục khác cùng tham gia với tôi.

Nói thế, nhưng vẫn có trường hợp chủ doanh nghiệp phải nghĩ đến uy tín. Uy tín của bạn trong giới kinh doanh và chuyên môn có thể bị tổn hại nếu bạn phạm quá nhiều sai lầm. Nhưng khi người ta quá sợ sai lầm, thường họ lại không sẵn sàng chịu rủi ro, và thậm chí chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện trở thành chủ doanh nghiệp. Mà nếu họ có khởi nghiệp thì họ lại chú tâm quá nhiều vào việc tránh sai lầm nên trở thành nạn nhân của bệnh “tê liệt phân tích,” như Robert đã nói. Họ còn cố gắng thu thập thông tin, xác định và xóa bỏ mọi rủi ro khiến họ cảm thấy

không an tâm tiếp tục bước vào kinh doanh. Tê liệt phân tích đã ngán chân họ trên đường đua.

Chúng tôi không đề nghị bạn cứ tiến tới mà không xem xét hậu quả. Bạn cần hành động có trách nhiệm và phải làm bài tập trước. Bạn cần đặt ra nền tảng cho việc kinh doanh để nó khỏi sụp đổ trong tương lai. Bạn cần có kế hoạch. MỘT CÔNG TY THÀNH CÔNG ĐƯỢC HÌNH THÀNH TỪ TRƯỚC KHI NÓ RA ĐỜI. Nhưng bạn cũng phải nhận ra điểm ranh giới. Có một khoảng cách rộng giữa hành động mù quáng với trở thành nạn nhân của bệnh tê liệt phân tích. Thực tế, bạn không bao giờ có thể xóa sạch rủi ro.

Có những lúc, bạn sẽ có đủ thông tin để hành động và việc lên kế hoạch thêm nữa chỉ phí thời gian. Khi bạn đã nhận ra cơ hội và những nguy cơ lớn, hãy đặt nền móng và phát triển kế hoạch kinh doanh để giảm thiểu rủi ro, sau đó tiến hành thực hiện kế hoạch.

Tê liệt phân tích không chỉ là trở ngại duy nhất cho bước khởi đầu làm chủ doanh nghiệp. Tính “ì” cũng là một vấn đề. Không làm gì cả là điều dễ dàng nên có rất nhiều người đã như thế: chẳng làm gì cả. Điều này đặc biệt đúng nếu bạn cảm thấy đang thoải mái với hoàn cảnh hiện tại. Thường phải có một sự xáo trộn gì đó thúc đẩy người ta vào con đường chủ doanh nghiệp, một điều khiến bạn muốn thay đổi tình trạng hiện tại.
QUÁ TRÌNH BIẾN ĐỔI

Chúng ta hãy cùng xem xét những giai đoạn bạn có thể trải qua khi chuyển từ người làm công sang chủ doanh nghiệp.
Giai đoạn 1 – Bạn không còn thấy vui khi làm công

Chúng tôi không nói làm công là sai. Để thế giới này tồn tại, chúng ta vẫn cần những người vui vẻ làm công. Làm công chỉ trở thành vấn đề một khi bạn không còn muốn làm công nữa. Bắt đầu những tối chủ nhật buồn và bạn thấy sợ đi làm mỗi sáng thứ Hai. Bạn sẽ nói hay nghĩ như thế này:

1. “Tôi không muốn đi làm. Ngoài ra, bảng mô tả công việc của tôi bắt đầu với chữ tăm tối.”
2. “Tôi thích công việc nhưng thấy mình không tiến bộ. Khi nhìn lên bậc thang

chức vụ, tôi chỉ thấy sếp của mình đứng chắn ngang.”

3. “Tôi không được trả lương xứng đáng. Cho dù tôi có làm việc cật lực hay là ngủ gục trong giờ làm thì lương cũng như nhau. Nhiều đồng nghiệp có làm vất vả như tôi đâu mà lương cũng thế. Tôi thấy không công bằng. Nếu tôi làm việc cực hơn thì tôi muốn mình phải được nhiều tiền hơn chứ.”

4. “Tôi đã từng rất yêu thích công việc nhưng giờ thì chán rồi. Tôi muốn công việc nhiều thử thách hơn nhưng sếp cứ nói tôi chưa đủ năng lực. Ông nói tôi cần đi học thêm trước khi có thể thăng chức.”

5. “Tôi không muốn chạy lòng vòng từ việc này sang việc khác. Mà cũng đến lúc tôi phải làm cho mình, có việc kinh doanh của riêng mình rồi.”
6. “Tôi đã lên quá cao rồi làm sao mà nghỉ. Nếu nghỉ, tôi lại phải bắt đầu từ bậc thấp nhất ở công ty mới và phải nhận lương thấp hơn.”

7. “Công ty tôi đang làm chẳng đi đến đâu.”

8. “Tôi làm hết còn sếp thì hưởng tất.”

9. “Tại sao tôi phải làm việc cho lão, điều hành công ty của lão, trút tiền vào túi lão? Có bao giờ lão đến đây đâu. Lão chỉ có mỗi việc chơi golf. Tôi nên quản lý công ty của chính mình và làm giàu cho mình chứ.”
10. “Tại sao tôi phải cật lực làm cho các khách hàng đều giàu còn mình thì chỉ làm công ăn lương?”
11. “Tôi muốn làm việc của mình. Tôi muốn là chủ của chính mình.”

12. “Ớ đâu lại có chuyện lạ đời. Họ thăng chức cho người trẻ hơn tôi.”

13. “Tôi không thể nghỉ việc hay về hưu được. Tôi chẳng còn bao nhiêu tiền tiết kiệm, còn quỹ lương hưu thì tan tành trong đợt sụp đổ thị trường chứng khoán.”

Nếu bạn có những suy nghĩ như vậy, có lẽ đã đến lúc bạn trở thành chủ doanh nghiệp. Bạn có thể muốn bắt đầu một việc kinh doanh bán thời gian và vẫn đi làm

công. Nhưng từ quan trọng ở đây là “bắt đầu.”

Giai đoạn 2 – Vượt qua nỗi sợ bắt đầu
Những năm qua, tôi đã gặp nhiều người muốn bỏ việc nhưng lại rất sợ thất bại. Thay vì nghỉ việc và bắt đầu làm ăn riêng, họ tiếp tục làm việc hết ngày này sang ngày khác với những lý lẽ như:
1. “Thôi để ngày mai làm.”
2. “Tôi sẽ bắt đầu khi cơ hội hoàn hảo xuất hiện.”

3. “Tôi sẽ làm khi có tiền.”

4. “Tôi sẽ làm khi đúng thời điểm.”

5. “Tôi sẽ làm khi có thêm thời gian.”

6. “Tôi sẽ làm khi kiếm được đối tác thích hợp.”

7. “Tôi sẽ làm khi bọn trẻ đã học xong.”

8. “Tôi muốn lắm nhưng vợ tôi lại muốn tôi cứ làm việc như bây giờ.”

9. “Tôi chờ xem có được thăng chức lần tới không. Nếu không, tôi sẽ bắt đầu làm ăn riêng.”

10.“Tôi sẽ lại đi học vài khóa gì đó cái đã.”

11.“Chuyện gì sẽ đến nếu tôi thất bại?”

12.“Nếu thất bại thì thật là nhục.”

13.“Tôi không lanh lợi lắm.”

14.“Bạn bè mình sẽ nói gì đây?”

Giai đoạn 3 – Hãy bắt đầu!
Bạn đã quyết định vượt qua nỗi sợ và khởi nghiệp. Bạn có kế hoạch kinh doanh, sản phẩm hay dịch vụ, và bạn sẵn sàng bắt đầu. Hãy quyết tâm theo những bước người cha giàu đã chia sẻ với Robert càng nhanh càng tốt.

1. Khởi nghiệp

2. Thất bại và học hỏi

3. Tìm người đỡ đầu

4. Thất bại và học hỏi

4. Theo học một số khóa đào tạo

5. Lại thất bại và học hỏi

6. Ngừng lại khi thành công

7. Ăn mừng

8. Tính tiền, tiền thu vào và chi ra

9. Lặp lại quá trình

Bạn đã nghe câu “Bắt đầu đã là thành công một nửa.” Hãy biến nỗi sợ thành động lực thành công.
TẠI SAO KHÔNG?

Khi tôi thôi làm kế toán công, nhiều bạn bè và gia đình bất ngờ nên cứ hỏi, “Tại sao? Tại sao cậu lại liều lĩnh rời bỏ con đường đang tốt đẹp trở thành một nhân viên quan trọng trong công ty kế toán quốc tế để làm một việc thật nguy hiểm là mở công ty riêng?” Thực sự tôi cũng mất nhiều thời gian tự vấn. Lúc đó tôi hai mươi lăm (và tôi nghĩ mình biết mọi thứ). Con người kế toán bảo thủ trong tôi cũng hỏi câu đó, “Tại sao?” Tuy nhiên, có một chủ doanh nghiệp trong tôi nói, “Đừng hỏi mình tại sao. Hãy hỏi mình tại sao không.”
Tôi không hề hối tiếc về quyết định của mình ở cái tuổi hai mươi lăm đó vì tôi đã nghe người chủ doanh nghiệp trong tôi, “Tại sao không?”

Lúc nào tôi cũng có thể tìm được việc làm trong một công ty kế toán khác nhưng không bao giờ có cơ hội sở hữu cổ phần trong một công ty như thế. Công ty tôi góp quyền sở hữu là một cơ hội học hỏi tuyệt vời – và tôi đã lĩnh hội được rất nhiều.

Chỉ trong một năm tôi đã thăng tiến, nhưng tôi chưa bao giờ hối hận về quyết định của mình khi nghe theo con người làm chủ trong tôi. Phần thưởng lớn là tôi đã gặp chồng mình, anh Michael, qua công ty đó.

Giờ đây, khi đánh giá một cơ hội mới, tôi vẫn hỏi mình “Tại sao không?” thay vì “Tại sao?”

Vì thế tôi đề nghị bạn hãy tự hỏi mình “Tại sao không? Tại sao không bắt đầu hôm nay?”

Hiểu sự khác nhau giữa nghề nghiệp và công việc


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.